Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 2: Tương Ưng Thiên Tử – Phẩm Thứ Nhất

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 2: Tương Ưng Thiên Tử 

Phẩm Thứ Nhất

KASSAPA (Paṭhamakassapasutta)

Sáng nay chúng ta sẽ học chương Tương Ưng Thiên Tử. Theo trong Aṭṭhakathā, chữ ‘thiên tử’ này từ chữ Pāḷi là ‘Devaputta’. Chữ ‘putta’ này trong kinh giải thích có nhiều trường hợp, con do mình sanh ra hoặc con người khác cho mình làm con nuôi, gọi là ‘putta’. Đệ tử bái mình làm sư cũng gọi là ‘putta’. Trên cõi Trời, vị Trời (nữ) nào xuất hiện trong phòng ngủ của mình thì coi như là vợ của mình, xuất hiện trên bắp chân của mình là con của mình. Có trường hợp xuất hiện trong khu vực lâu đài của mình cũng là con của mình, xuất hiện đây là hóa sanh từ cõi khác tới. Họ xuất hiện ngay ở ranh giới giữa hai lãnh địa của hai vị Trời, gương mặt vị đó nhìn vào hướng lâu đài nào trước thì vị đó sẽ thuộc về vị Trời ở lâu đài đó. Ở đây, vị Thiên tử này cũng vậy, sanh ra là con của một vị nào đó có uy lực, được gọi là Thiên tử.

Theo Chú giải, bảy năm sau khi thành đạo, năm 42 tuổi, Đức Thế Tôn lên cõi trời Đao Lợi thuyết pháp trả hiếu cho bà Mayā, (lúc này bà đã thành vị tiên nam), Ngài đã giảng 7 bộ diệu pháp Abhidhamma. Trong lúc Đức Phật giảng tới phần thiền Jhanavibhanga, vị thiên tử Kassapa này nghe và ghi nhận một số điểm thấy tâm đắc. Nhiều năm[1]sau, vị này xuống hầu Phật và hỏi lại: Bạch Thế Tôn con đã từng nghe Thế Tôn nói như vậy, như vậy đó. Theo Chú giải, có nhiều trường hợp người ta chỉ muốn tìm dịp để trình với Đức Phật điều gì đó (kathetukāmo) chớ không phải thắc mắc, trong trường hợp đó Đức Thế Tôn để cho người ta nói. Trường hợp này cũng vậy, vị Thiên tử này chỉ muốn trình với Ngài điều ông tâm đắc: “Bạch Thế Tôn ngày xưa con có điều tâm đắc là Thế Tôn từng nói cho chúng con nghe về hạnh của vị tỳ kheo.” Đức Phật biết vị này muốn nói nên cho phép ông ta nói. Vị này thu gọn toàn bộ những gì tâm đắc thành một câu kệ:

Hãy học điều khéo nói,

Trong hạnh nghiệp Sa-môn,

Vắng lặng, ngồi một mình,

Với tâm tư an tịnh.

Subhāsitassasikkhetha, samaṇūpāsanassa ca;

Ekāsanassa ca raho, cittavūpasamassa cā”ti.

‘Subhāsita’: ‘thiện ngôn’, ‘điều đáng nói’. Điều đáng nói ở đây ám chỉ cho việc phát biểu y cứ trên trí tuệ nhận thức về Tứ Đế, về 37 Bồ đề phần, 10 chánh ngữ.

Subhāsitassa sikkhetha, samaṇūpāsanassa ca”: vị tỳ kheo phải học hỏi kinh điển như thế nào đó để những điều mình nói ra luôn y cứ trên tinh thần của trí tuệ 4 Đế, 37 Bồ đề phần, 10 chánh ngữ.

Pháp Phật có nhiều cách nói, Ngài không kêu gọi mình đoạn trừ tất cả phiền não, có chỗ Ngài nói tu tập thế nào để đoạn trừ phẫn nộ (kodha), có chỗ thì Ngài nói tu tập thế nào để đoạn trừ tham ái, vô minh… Có chỗ Ngài nói đến tất cả phiền não, có chỗ Ngài chỉ nói một thứ phiền não. Tùy vào căn cơ người trước mặt, Ngài nói đúng điều nào đó để họ thấm. Đối với người nhiều kiêu mạn thì Ngài sẽ nói xong điều gì đó và kết thúc: Làm gì thì làm con đường giải thoát là chấm dứt kiêu mạn. Chúng ta biết chấm dứt kiêu mạn (māna) là phải chứng quả A-la-hán. Khi Ngài kêu gọi mình chấm dứt phẫn nộ thì tối thiểu mình phải chứng A-na-hàm, có chỗ Ngài kêu gọi chấm dứt thân kiến (sakkayadiṭṭhi), nhưng chấm dứt thân kiến thì tối thiểu phải là Tu-đà-hoàn (Sotāpanna). Đã là Tu-đà-hoàn thì như nước mưa chảy vô máng xối rồi, chỉ một con đường duy nhất chảy theo đường hướng được trù tính sẵn. Vị Tu-đà-hoàn là vị mà Đức Phật gọi là trực hướng chánh giác, chỉ còn một con đường thẳng đi đến giác ngộ, Niết-bàn, chớ không phải như phàm phu mình. Ở đây tuy là câu nói của vị Trời nhưng là nhắc lại tinh thần lời dạy của Đức Phật mà vị ấy đã nghe khi Ngài thuyết phần Jhanavibhanga, một trong 18 phần của bộ Vibhanga. Bộ Vibhanga là bộ thứ hai của Tạng Diệu Pháp. Vị Trời nhắc lại: Con nhớ tinh thần Đức Thế Tôn đã thuyết giảng trên đó là vị tỳ kheo phải nói năng y cứ (nissita) trên tinh thần của trí tuệ nhận thức Bốn Đế. Nếu không có nhận thức Bốn Đế thì làm sao ăn nói trên tinh thần nhận thức Bốn đế; không tu tập 37 pháp Trợ Bồ Đề thì làm sao có thể ăn nói trên tinh thần 37 pháp Trợ Bồ Đề. Nếu nhìn kỹ lại tăng ni, tu nữ, Phật tử, kể cả những vị tu hành ghê gớm, khi gặp nhau có bao giờ mình ăn nói trên tinh thần 37 pháp Trợ Bồ Đề không? Các chi pháp thì nói tới nói lui cũng bao nhiêu đó thôi. Ví dụ số 8 là Bát Chánh Đạo nhưng tinh thần của Bát Chánh Đạo cũng là tinh thần của Thất Giác Chi; tinh thần rốt ráo của Thất Giác Chi chính là tinh thần rốt ráo của Tứ Niệm Xứ; tinh thần rốt ráo của Tứ Niệm Xứ cũng là tinh thần của Ngũ căn, Ngũ lực v.v… Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật từng dạy, vị tỳ kheo có hai việc phải làm: Chỉ và Quán. Có chỗ Đức Phật nói vị tỳ kheo có hai việc phải làm: pháp học (gandhadhura) và pháp hành (vipassanadhura). Đối với nhiều người, cách tạo Ba-la-mật của họ trước khi chứng đắc đạo quả là có chứng đắc thiền định trước, có người thì không cần như vậy, nên họ chỉ tu Tứ Niệm Xứ.

Trong câu thứ nhất của bài kệ, vị tỳ kheo phải học tập như thế nào để nói năng trên trí tuệ của Bốn Đế.

-Khổ đế: tất cả mọi hiện hữu trên đời là khổ.

Tập đế: sự ưa thích trong 6 trần là nguyên nhân dẫn tới mọi hiện hữu. Tập đế có thể kể có 3: dục ái, sắc ái  vô sắc ái; nhưng cũng có thể kể thành 6: sự tham đắm trong 6 trần; hoặc kể thành 2: tham ái trong danh  tham ái trong sắc.

– Diệt đế: Hữu dư niết-bàn là sự vắng mặt của tập đế khi vị thánh đã diệt trừ phiền não mà vẫn còn sống; Vô dư niết-bàn là sự viên tịch của vị ấy. Dưới gốc cây Sala ở Kushinara mà Đức Phật chính thức ra đi lúc Ngài 80 tuổi đó là Vô dư niết-bàn, còn dưới gốc Bồ đề năm Ngài 35 tuổi, lúc Ngài còn sống nhưng chấm dứt hết phiền não rồi, gọi là Hữu dư niết-bàn.

Đạo đế: Bát Chánh Đạo. Nếu ngó kỹ lại, tinh thần của Bát chánh đạo là tinh thần của Giới – Định -Tuệ.

Giới: Những gì mình nói và làm đều y cứ trên tinh thần chánh pháp, không hại mình hại người đời này kiếp khác.

Định: Khả năng tập trung tư tưởng (concentration) để chứng đắc tối thiểu từ cận định trở lên. Cận định là từ giai đoạn bắt đầu Sơ thiền trở lên, Sơ Nhị Tam Tứ thiền Sắc giới, thiền Vô sắc.

Tuệ: Khả năng nhận thức bản chất thật sự của vạn hữu ở đời, biết rõ mọi thứ ở đời chỉ gồm danh và sắc. Danh là tất cả những gì thuộc về mental, sắc là những gì thuộc về physical, cả hai đều luôn luôn vô thường; cái gì vô thường thì cái đó khổ và vô ngã. Những gì trên đời này cũng đều do nhân duyên tạo ra, rồi cũng do nhân duyên mà biến mất. Tất cả mọi thứ trên đời này đều nằm trong sự chi phối của nhân quả, của Tam tướng. Sự chi phối của nhân quả nghĩa là cái gì cũng do nhân duyên, vô số conditions vậy nên trong kinh nói đời sống là conditional things, là những thứ phải lệ thuộc nhân duyênmới có mặt, gọi là saṅkhāraTuệ là hiểu mọi thứ luôn luôn lệ thuộc điều kiện, hễ có điều kiện xuất hiện thì cũng có điều kiện biến mất. Thực hành Tứ Niệm Xứ là để thấy bấy nhiêu đó thôi. Nhiều người nghe nói thiền thường nói là khi nào già thì mới tu. Nhận thức về Tứ Niệm Xứ thì không đợi lúc già. Khi nào lắng tâm được thì cứ làm. Khi còn trẻ thì còn bén nhạy, tinh tế; khi già thì tật nhiều hơn trí, cơ thể bịnh hoạn yếu đuối, đầu óc lúc nhớ lúc quên thì thiền nỗi gì. Tứ Niệm Xứ là sự nhận thức cần phải được thực tập liên tục và liên tục. Đối với một người chưa thực tập Tứ Niệm Xứ thì thấy việc này đâu có gì ghê gớm cao siêu, chẳng hạn như ngồi thở, thở ra biết thở ra, thở vô biết thở vô, biết mình thở ra bằng sự bực mình, thở vô bằng sự bực mình, thở ra bằng sự vui thích, thở vô bằng sự vui thích v.v…; nói chung là tình trạng tâm lý nào thì biết rõ, nhưng nghe có vẻ trẻ con vớ vẩn làm sao. Cảm nhận đó chỉ dành cho người không có tu tập và không thật sự thấy chán sợ đời sống này. Hãy thử thực tập một lần đi, những lần mình bị khổ vì vợ, chồng, con cái, tình đời ngang trái, công ăn việc làm, lúc đó mình quay lại với Phật pháp, sống chậm lại, đi đứng nằm ngồi biết rõ mình đang làm gì, chỉ biết thôi, không ai bắt mình phải lừ đừ chậm chạp. Tứ Niệm Xứ có nghĩa là sống chậm lại một chút thôi, chậm vừa đủ để mình nhận ra thôi. Có người hỏi, thiền chậm quá thấy kỳ, mà sinh hoạt bình thường thì theo dõi không kịp. Tôi trả lời thế này: tôi không phải là thiền sư, nhưng xin hỏi các vị, các vị có thể nào vừa ăn vừa nghĩ đến chuyện đi shopping không? Được chứ. Vừa đi, vừa tắm hay vừa ăn vẫn nghĩ được tùm lum chuyện tại sao mình không theo dõi nó được. Theo trong A-tỳ-đàm, mình nhận thức theo dõi nó, nó cũng là tâm, mà nghĩ tào lao thiên tướng thì cũng là tâm, tại sao mình để đầu mình nghĩ tầm bậy tầm bạ thì vẫn đi được, ăn được, tắm được mà khi theo dõi thì không theo dõi được? Có người nói đang lái xe sao tu Tứ Niệm Xứ? Khi lái xe vẫn lái bình thường, muốn sang lane phải nhìn đàng hoàng. Không thêm bớt gì hết. Thiền không phải là thêm bớt cái gì đặc biệt vào trong đời sống của mình, mà chỉ là sự thay đổi thôi. Ví dụ như trước đây mình làm bếp bằng con dao sét, giờ mình làm bếp bằng con dao đắt tiền, không mẻ, không sét, chỉ vậy thôi. Nghĩa là trước đây mình sống, hành động, làm việc bằng tâm bất thiện nên mình không biết mình đang làm gì, bây giờ mình sống, hành động, sinh hoạt, bằng chánh niệm, chỉ vậy thôi. Thiền không phải là thêm cái gì vô đời sống của mình, no adding mà chỉ là replace, thay thế thôi. Hồi đó tay thì làm nhưng cái đầu thì nghĩ tầm bậy, bây giờ tay làm, chân đi bình thường nhưng mình để ý mình. Ví dụ tôi đang lái xe, tôi kiểm soát được các bảng thông báo giao thông, bảng tốc độ bên đường, nhưng nếu đang lúc đó tôi nhớ chuyện gì ở sở làm tôi bực mình, thì lúc đó phải biết: tôi đang bực mình. Chỉ vậy thôi. Tứ Niệm Xứ là sống chậm để biết rõ cái gì đang xảy ra. Một người không thật sự chán đời và chưa từng thực tập thì nghe Tứ Niệm Xứ thấy rất buồn cười, không có cao siêu. Có người thì thích những pháp môn gì phải cao siêu, kêu réo chư Phật Bồ Tát, phải có thần chú gì đó tối nghĩa mơ hồ. Họ nghĩ làm gì biết đó hoặc không làm gì đặc biệt thì ngồi xuống theo dõi hơi thở thì đâu có gì hay. Nhưng thử sống như vậy trong một ngày coi con người của mình ra làm sao, có nhiều chuyện lạ lắm, sẽ thấy trong thân thể của mình nó không hề như mình nghĩ. Mình lăng xăng lít xít mà không ngờ rằng cơ thể mình nó đau đớn, nó đủ thứ vấn đề như vậy. Hãy ngồi xuống thở chậm theo dõi nó. Không có điều khiển hơi thở mà chỉ quan sát nó thôi, từ đó mới thấm thía được cái selflessness, vô ngã trong đạo Phật nằm ở đó. Chậm thôi, khi hít vô đầy rồi thì tự động hơi đi ra, hơi ra hết rồi thì nó tự động đi vô, chỉ quan sát, không điều khiển. Chỉ có như vậy mới thấy thân này không phải của mình, nó phải thở, không thở chịu không nổi. Thở vô đầy rồi thì tự động nó thở ra, thở ra hết thì tự động nó hít vô. Khi mình làm đúng như vậy mình sẽ phát hiện một chuyện ly kỳ, thân mình luôn trong tình trạng căng thẳng, máu mình luôn liên tục di chuyển. Những cơ bắp của mình tưởng là nghỉ ngơi, nhưng nó không thật sự relax, chỉ có người chánh niệm mới thực sự relax. Nếu mình gồng thì sao nghỉ ngơi được. Những người tu Tứ Niệm Xứ mới thật sự là relax. Khi mình chánh niệm để sống thì mình mới phát hiện ra thân mình không thật sự khỏe mạnh sung sướng như mình nghĩ, nó luôn luôn trong tình trạng căng thẳng. Tại sao mình phải để nó căng thẳng? Cái căng thẳng này làm cho cơ bắp này nó không nghỉ ngơi, làm da mình mau già, vì vậy Tứ Niệm Xứ còn là pháp môn thẩm mỹ. Tâm của mình lăng xăng, buông cái này bắt cái kia. Phật nói là giống như con chim khi có điều kiện lập tức bay về trời, con cá tìm về nước, sóc chồn tìm về hang, khi mình không có chánh niệm thì mắt mình luôn luôn tìm cái gì đó để nhìn, và lỗ tai mình luôn luôn trong tình trạng tìm cái gì đó để nghe, mũi luôn tìm cái để ngửi, đầu của mình luôn tìm cái này cái kia để suy nghĩ, mình không ngờ 6 căn của mình như 6 con thú vậy. Khi 6 căn (senses) của mình chạy theo 6 trần (objects), thì trong trường hợp đó mình đang gieo nhân sinh tử, nhân trầm luân, vì những chuyện mình nghe, ngửi nếm đó toàn chuyện tào lao, và cái đầu mình nghĩ tào lao thì khi chết sẽ đi về cảnh giới tào lao. Sống bằng chánh niệm thì đi về cảnh giới của chư thiên của loài người, nhưng sống bằng tham sân si, nhìn để mà thích, nhìn để bực mình, nghe để mà thích, nghe để bực mình thì coi như sống bằng tham, bằng sân, người như vậy thì chết cầu siêu nỗi gì. Tôi không tin chuyện cầu siêu, người nào siêu thì khi sống đã siêu rồi. Giống như vé máy bay vậy, phải mua trước. Cái chết chỉ là ra phi trường thôi, còn hấp hối là đi qua cửa check in thôi, khi ngáp ngáp thì đã boarding rồi cầu nguyện gì nữa. Tu Tứ Niệm Xứ là đã mua vé rồi, mua vé về Paris, Rome, London, Venice, còn nếu không tu thì xem như mình mua vé về Iraq, của hãng Malaysia Airlines, chuyến MH17. Có những chuyến bay honeymoon dành cho những cặp đi hưởng tuần trăng mật, nhưng cũng có những chuyến bay mà người ngồi trên đó không muốn đáp xuống, đó là chuyến bay dẫn độ. Hoặc là sự trở về nhà của một người đàn ông thất bại trong gia đạo hay của người đàn bà không hạnh phúc trong tình yêu, tất cả những chuyến bay đó là những chuyến bay buồn, phải quay về với mái nhà đáng chán với con người đáng sợ. Cuộc luân hồi cũng vậy, có những cái chết là sự tìm về nơi chốn tuyệt vời nhưng có những cái chết là tìm về những nơi chốn đáng sợ. Tu Tứ Niệm Xứ là để mua cái vé cho thật ngon lành, chỉ vậy thôi.

Câu kệ thứ nhất là vị tỳ kheo phải tu tập thế nào mà mở miệng ra là y cứ trên nhận thức về Bốn Đế, nhận thức 37 pháp Trợ Bồ Đề, y cứ trên 10 chánh ngữ. Mười chánh ngữ là đề tài nói chuyện của mình dẫn tới chánh kiến, chánh tư duy; điều mình nói có nội dung dẫn đến chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh niệm, chánh định, chánh tinh tấn đó là Bát Chánh Đạo; dẫn đến chánh trí (đạo và quả) và chánh giải thoát (trí tuệ phản khán). Phản khán là sự nhìn lại những gì mình chứng đắc. Ngôn ngữ nào dẫn đến thiện pháp cho cả người nghe và người nói thì gọi là chánh ngữ. Nghe xong thì biết làm gì để lợi ích cho mình cho người, đời này kiếp khác; còn những buổi nói chuyện mà dẫn đến bất thiện thì gọi là tà ngữ, khi nghe xong tinh thần đi xuống, chán nản, không biết làm gì, không biết đi đâu gặp ai, mọi suy nghĩ đều hướng đến chuyện tiêu cực. Nghe đơn giản vậy nhưng rất là sâu, thay vì kêu gọi tu hành, thì chỉ khuyên một câu, anh tu thế nào không biết, anh học thế nào không biết, nhưng cứ mỗi lần mở miệng ra là y cứ trên trí tuệ 4 Đế, 37 pháp trợ Bồ đề, 10 chánh ngữ. Nếu có hành trì thì ngôn ngữ của anh mới là ngôn ngữ có tu tập. Ở đây như một cái mẹo, thay vì nói tu tập thì không nói, mà nói tu một pháp môn thôi: nói chánh ngữ. Khi người ta đề nghị mình nói chánh ngữ tức là học hết Tam tạng và thực hành Tứ Niệm Xứ.

Điều thứ hai của bài kệ này ‘samaṇūpāsanassa’. Ở đây có một điều chống trái giữa Aṭṭhakathā và Tika, tôi đọc kỹ gom chung lại như thế này. Theo trong Chú giải: ‘Samana’: ‘sa môn’; ‘ūpāsana’: ‘sự tuân thủ’, ‘sự hành trì’, “pháp an trú mỗi ngày của hành giả”. ‘Samaṇūpāsanassa’ở đây ám chỉ cho thiền Quán.

Câu thứ ba “cittavūpasamassa” ám chỉ cho thiền Chỉ. Cittavūpasamassa chỉ cho bát định: 4 thiền Sắc, 4 thiền Vô sắc, gọi chung là bát định.

Trong cả bài kệ này đề nghị vị tỳ kheo làm ba chuyện:

1. Nói năng trên tinh thần chánh pháp. Muốn nói năng trên tinh thần chánh pháp thì tâm tư phải an trú và hành trì chánh pháp.

2. Kêu gọi tu tập về thiền Quán. Vipassana ở đây có samatha (thiền Chỉ) đi kèm.

Vắng lặng, ngồi một mình, Với tâm tư an tịnh”. “Tâm tư an tịnh” ở đây ám chỉ cho bát định làm cơ sở cho Vipassana (vipassanadhithana).

Sở dĩ hồi nãy tôi giảng Tứ Niệm Xứ vì bài kệ này phải nhắc Tứ Niệm Xứ. Thiền Chỉ ở đây chỉ là tập trung tư tưởng (concentration). Ví dụ mình tập trung niệm đất đất đất đất…nước nước nước nước…, lửa lửa lửa lửa… gió gió gió gió; hoặc mình để vật gì trước mặt rồi niệm xanh xanh xanh xanh.., đỏ đỏ đỏ đỏ… tập như vậy lâu dần cái tâm nó yên, yên rồi lâu ngày mình bắt đầu tu Tứ Niệm Xứ. Có người thì cần như vậy, có người không cần, họ trực tiếp theo dõi biết rõ mình đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang tắm … biết rõ cái gì đang xảy ra. Không hành trì không thực tập thì không biết sự tỉnh táo (mindfulness) đó hay đến mức nào. Cứ thử trong một ngày đi, nó làm cho bản thân mình an lạc, hạnh phúc, happy lạ lùng lắm và mình phát hiện ra được những chuyện trước đây mình không có ngờ. Ví dụ mình là người nữ, có tật hay so sánh, mình hay nhìn người đối diện ăn mặc thế nào, có hơn có bằng hay thua mình. Chỉ riêng sự so sánh đó làm cho mình khổ, chưa kể thương phải xa, ghét phải gần, bực mình chuyện này chuyện kia. Chỉ người Tứ Niệm Xứ là không còn biết chuyện gì ngoài việc chánh niệm, chỉ người như vậy mới thật sự an lạc. Hạnh phúc thế giới này kỳ lắm, nó giống như gió như nắng như mây trời. Như ngày hôm qua, tôi rất hạnh phúc khi nhìn thấy trời rất đẹp, trời xanh mây trắng nắng vàng, nhiệt độ hơi se lạnh, tôi đi bộ lang thang trên ngọn đồi cỏ đẹp lắm. Hạnh phúc an lạc cũng giống như vậy, cũng trời xanh mây trắng nắng vàng đó nhưng mình cứ ở trong nhà đóng cửa, hoặc đang đi giữa trời mà không màng tới trời xanh mây trắng nắng vàng thì cũng bằng không. Tứ Niệm Xứ là cho mình sự buông bỏ thật sự những cái gì gọi là gánh nặng của đời sống. Trước khi thành thánh đắc cái này đắc cái kia, việc đầu tiên là tu Tứ Niệm Xứ. Đời sống tỉnh thức cho phép mình một sự tự tại, sự an lạc mà mình nhận ra được nhiều chuyện lạ, thì ra áo quần giày dép không cần hơn một tủ, xe không cần mỗi năm đổi một chiếc, thì ra mình không cần phải alô, email, facebook, chit chat nhiều như vậy, đời sống mình không cần phải lệ thuộc nhiều người xung quanh như vậy. Nhờ những cái ‘thì ra’ này khi một ngày nào đó mình đi không nổi, bị stroke (đột quỵ) nằm liệt giường lúc đó mới thấy không đáng sợ như những người khác. Có những người khi bị stroke thì đời họ kết thúc, họ chỉ muốn chết thôi, vì đời họ không từng sống qua tâm trạng của một hành giả nên khi bị mất mát họ chịu không nổi, tới lúc hấp hối họ mới biết sợ hãi và tiếc nuối. Có một điều tôi vô cùng tâm đắc đó là quí vị hỏi tôi có sợ chết không, câu đầu tiên tôi nói là sợ, nhưng tôi vẫn có bài học bằng vàng cho quí vị, đó là khi mình còn có cái gì đó để tiếc nuối thì mình sẽ ra đi trong sợ hãi, tiếc nuối. Tốt nhất, biết trước mình sẽ ra đi thì hãy ra đi bằng tâm trạng của người chán nản, dễ đi hơn.

Hai hạng người ra đi nhẹ nhàng

Trên đời này có hai hạng người ra đi nhẹ nhàng:

1. Không nghĩ gì về mình hết. Chỉ nghĩ về người khác, họ ra đi không tiếc nuối, không sợ hãi.

2. Không còn thích gì nữa hết.

Bản thân tôi là người nhút nhát và là người tu Phật, không bao giờ tôi có ý tự sát. Tuy nhiên trong đời của tôi, có những giây phút tôi không dám tự sát nhưng nếu cái chết đến với tôi lúc đó cũng không đáng sợ, vì lúc đó thực sự tôi muốn buông hết mọi thứ, tôi đã từng trải qua những giây phút như vậy. Tôi không ngờ chính những giây phút đó về sau này trở thành vốn sống, kinh nghiệm vô cùng quí giá cho tôi. Thì ra không phải ai cũng sợ chết, vì khi trong lòng mình không còn gì để nắm níu nữa thì cái chết không còn đáng sợ. Vì vậy, thay vì chết bằng sự nắm níu, sự sợ hãi tiếc nuối thì hãy ra đi bằng sự chán nản. Muốn làm được điều đó phải tu tập, phải tu tập để lúc nào đó thấy rằng thân này là gánh nặng.

Nội dung bài kinh này:

– Phải nói năng theo tinh thần chánh pháp, và để làm vậy thì phải có chánh pháp trong lòng.

– Phải tu tập thiền Quán để nhận diện bản chất thực sự của đời sống là gì. Đủ duyên thành thánh, mà không đủ duyên thì cũng được sống an lạc (hiện tại lạc trú).- Tu Quán có hai lợi ích, đủ duyên thì thành thánh mà thiếu duyên (Ba-la-mật đời trước) thì tối thiểu cũng an lạc đời này và ra đi nhẹ nhàng.

-Tu thiền Chỉ samatha cũng có nhiều lợi ích, đủ duyên thì chứng đắc thiền định thần thông, chết rồi được sanh về cõi Phạm thiên. Nếu thiếu duyên không đắc được gì thì cũng lấy đó làm nền tảng cho thiền Quán (Vipassana). Cả hai pháp môn này đều có chung lợi ích là tối thiểu cũng gieo duyên cho đời sau.

Người Việt có câu: Chiều nay không xong thì sáng mai xong sớm. Cứ làm hết sức mình đi, nếu kiếp này không được thì kiếp sau cũng lẹ hơn. Các vị pháp sư, giảng sư, luận sư của Miến Điện mà tôi từng tiếp xúc, có những vị rất trẻ nhưng những gì trong đầu họ rất đáng để mang thân người. Có vị chỉ 32 tuổi (nhìn vẻ mặt như 22 tuổi) mà dạy cho mấy trăm người. Tôi nghĩ nếu kiếp trước họ không học thì làm sao kiếp này họ có thể dạy được, khuôn mặt lại quá trẻ, quá an lạc.

KASSAPA (2) (Dutiyakassapasutta)

Kassapa này cũng là vị Thiên tử ở bài trên.

Ðứng một bên, Thiên tử Kassapa nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:

Với tâm tư giải thoát,

Vị Tỷ-kheo tu thiền,

Và với lòng ước vọng,

Ðạt được tâm sở nguyện.

Sau khi biết cuộc đời,

Hưng thịnh và phế tàn,

Tâm thuần, không nương tựa,

Hưởng lợi quả như chơn.

Câu này đọc nghe rất là suông nhưng nếu không đọc bản Pāḷi không đọc Chú giải thì một người cẩn thận không dám giải thích.

Trong câu “Trong câu “Với tâm tư giải thoát”, Chữ ‘giải thoát’ ở đây, theo trong kinh là tâm được nhẹ nhàng, không bị phiền não nhờ ”, Chữ ‘giải thoát’ ở đây, theo trong kinh là tâm được nhẹ nhàng, không bị phiền não nhờ tu thiền.

‘kammaṭṭhāna’: đề mục. Cả thiền Chỉ lẫn thiền Quán đều có đề mục. Tâm mà không có chỗ dựa thì nó sẽ lăng xăng, giống như chim tìm dịp bay về trời, cá tìm dịp về nước, chồn cáo tìm về hang. Nhờ có chỗ cột, tâm như con bò có sợi dây, tâm không chạy loạn. Tâm giải thoát ở đây là “kammaṭṭhānavimuttiyā vimuttacitto”. Tâm giải thoát nhẹ nhàng thanh thản nhờ vào sự an trú trong đề mục. Người không tu nghe vậy sẽ ngạc nhiên, để tâm tự nhiên thì nó được giải thoát sao lại phải cột nó lại. Cột thì nghe nặng nề, thay vì cộtthì mình nói rằng để cho nó yên nghỉRest in Peace. (RIP). Câu này ngoài đời ý nghĩa nghe buồn nhưng trong đạo thì hay, vì thật ra cả đời mình chưa bao giờ có “rest” (nghỉ ngơi). Relax còn chưa có thì làm gì có rest. Tâm tư giải thoát là rest in peace. Hãy ngồi yên vậy đi. Peace ở đây là ‘kammaṭṭhāna’(đề mục chỉ và quán).

‘Vị Tỷ-kheo tu thiền

‘jhāna’: ‘thiền’; ‘jhāyī’: ‘người tu thiền’, ‘hành giả’.

Từ chữ Từ chữ ‘jhāna’ của Pāḷi, chữ ‘dhyana’ của Sanskrit mới có chữ ‘chan’ của người Tàu và chữ ‘zen’ của người Nhật

‘Jhāna’ và ‘jhāyī’ có cùng một ngữ căn (verbal root) là jhā: ‘đốt’. ‘Đốt’ ở đây là đốt phiền não, vì mình ghét cái này thích cái kia nên ngồi thiền là đốt bỏ đi những tục lụy, tục niệm. Nếu có người đề nghị tôi cho gợi ý để họ vẽ hình ảnh một người đang ngồi thiền thì tôi không thích hình ảnh một người ngồi xếp bằng lim dim mà tôi thích hình ảnh một vị tu sĩ đang ngồi nhóm lửa. Ngọn lửa cho thấy đời sống độc cư, lonely, ngọn lửa tượng trưng chữ ‘jhàna’ (thiền), chữ rất ý nghĩa và rất đẹp. Trong đời của tôi, tôi chỉ mong tối thiểu có một người quen cho tôi một đặc ân, một lời hứa, hứa là khi tôi có cái idea gì thì họ vẽ giùm tôi bức tranh sơn dầu hay màu nước hay bút chì gì cũng được. Tôi có nhiều ý tưởng ngộ lắm, tôi muốn làm bộ tranh PG nhưng tôi lại không phải là họa sĩ. Tôi có thể vẽ một ít. Tôi từng vẽ bức tranh một nhà sư đang cầm cây sào khều hái trăng, chú tiểu đứng dưới nhìn thích lắm, tượng trưng cho cả thầy lẫn trò đều là phàm phu ham chơi. Tôi có bức tranh một con khỉ ở trên cành cây nghiêng trên mặt hồ và ánh trăng in bóng dưới nước. Con khỉ đưa tay vớt lấy mặt trăng và mặt trăng vỡ tan đi khi nó chạm tay vào nước, nó thu tay về thì mặt trăng lại tái hiện. Tôi vẽ hai tấm hình đó và có người xin tôi đã cho. Tôi biết Phật tử nhiều người giỏi, nếu dân nhà nghề thì họ chỉ vẽ trong thời gian rất ngắn. Có cái hay thế này, thay vì mình làm một tập thơ thì mình làm nguyên một tập tranh, mỗi bức tranh chỉ có một cái tít (title) ngắn thật hay và sâu sắc. Đang đi lạc đề, giờ quay lại bài học.

Thiền ở đây gồm có hai:

– Ārammaṇūpanijjhāna, ám chỉ thiền Samatha

– Lakkhanūpanijjhāna, ám chỉ thiền Quán, Tứ Niệm Xứ.

‘Upanijjhāna’: chuyên chú, chú tâm (focusing). Giống như người chụp ảnh xoay ống kính (lens) để tập trung vào tiêu điểm nào đó.

‘Ārammana’: object

‘Lakkhana’: ‘đặc điểm’ (characteristic), ám chỉ cho khía cạnh nhân quả (cause effect) và Tam tướng của danh sắc.

Đặc điểm của danh sắc là có rồi mất, sanh rồi diệt, nhanh và liên tục. Âm thanh và ánh sáng không đi theo đường thẳng mà đi theo hình gợn sóng (hình sin), chỗ cao là đỉnh, thấp là đáy. Danh sắc đi theo kiểu đó, sanh rồi diệt. Vạn vật chỉ tồn tại bằng cách cái sau thay thế cái trước, không có cái gì tồn tại đứng yên. Có nhiều cái mình thấy nó có vẻ như không có gì thay đổi nhưng những cái bên trong (photon, electron, proton) đã thay đổi không ngừng. Cơ thể mình cũng chuyển biến liên tục để đưa mình từ trẻ nít dần dần thành người già. Bảy mươi phần trăm bụi trong ngôi nhà có người ở là da khô, tế bào chết của mình, mình luôn luôn trong tình trạng bỏ cũ thay mới ngày này qua tháng khác. Vạn vật luôn trong tình trạng sóng sau dồi sóng trước, từ chiếc nhẫn vàng, bạch kim, kim cương, hoa trái củ rễ, đất đai, sông núi, cây cỏ… mọi thứ đều luôn trong tình trạng như vậy đó. Tu Tứ Niệm Xứ là quan sát đặc điểm bản chất của danh sắc.

Ākaṅkhe ce hadayassānupattiṃ”: Khi có lòng nghĩ tưởng đến quả vị La Hán

‘Ākaṅkhe’: ‘sự hướng đến’.

Hadayassānupattiṃ’ ám chỉ cho quả vị La-hán.

Trong bài kinh Hạnh Phúc (Maṅgalā Sutta) có câu “Trong bài kinh Hạnh Phúc (Maṅgalā Sutta) có câu “Bahū devā manussā ca. Mangalāni acintayum. Ākankhamānā sotthānam. Brūhi mangalamuttamam…”, chữ Ākankhamānālà ‘nghĩ tới’, ‘tưởng tới’. Hoặc trong kinh có câu “là ‘nghĩ tới’, ‘tưởng tới’. Hoặc trong kinh có câu “Yam yam tathāgato ākankhatitam tam tathāgato pajanati”: Đức Thế Tôn nghĩ đến cái gì thì lập tức biết ngay chuyện đó.

Ngày kia con của vua A Xà Thế đến hỏi Đức Phật: Bạch Thế Tôn con nghe nói Thế Tôn là bậc nhất thiết trí, vậy khi có ai hỏi gì Thế Tôn có phải suy nghĩ không. Đức Phật trả lời: Ngươi có biết rành từng bộ phận chiếc xe ngựa ngươi vẫn đi mỗi ngày không? Người kia thưa biết tường tận từng món. Đức Phật hỏi: Nếu ngươi đã biết thì khi có người hỏi ngươi về từng bộ phận của chiếc xe, khi trả lời ngươi có phải suy nghĩ không? Người kia thưa có thể trả lời không cần phải suy nghĩ. Đức Phật nói: Ngay từ dưới gốc bồ đề khi đã trở thành vị Chánh Đẳng Giác thì cái gì ta cũng biết, chính vì cái biết đó nên khi người ta hỏi Như Lai không cần phải đắn đo, suy nghĩ. Ngài không cần đắn đo suy nghĩ mà chỉ cần quan sát xem người này cần phải được trả lời như thế nào. Nếu một người có nhiều tiền khi muốn mua món đồ thì không cần đắn đo âu lo về số tiền hay giá cả, mà họ chỉ suy tính tại sao phải mua ở đây rồi mang về cồng kềnh hay là về rồi đặt hàng online, hoặc là nơi mình ở có bán.

Vị tỳ kheo ở đây sống thiền định, thiền định gồm cả hai (dvīhi jhānehi).

‘Vimuttacitto’: tâm an lạc từ các đề mục Chỉ và Quán.

Lokassa ñatvā udayabbayañca,”

‘Loka’ là thế giới. ‘Loka’ ở đây là ‘saṅkhāraloka’ (conditioned world, depending on) ám chỉ cho: 12 xứ, 18 giới, 4 đế, danh sắc, nhân quả, tam tướng. ‘Saṅkhāraloka’ là thế giới bị lệ thuộc rất nhiều điều kiện, nhân duyên. Muốn đi rửa mặt cũng cần biết bao nhiêu điều kiện, nếu vướng bận con cái, khách khứa, điện thoại reo, bịnh tật v.v…, thì việc đi rửa mặt cũng không phải dễ. Chiếc lá mà dính được trên cành là nhờ vô số (countless chứ không phải many) điều kiện, đâu phải chỉ tưới là sống.

“Sau khi biết cuộc đời, Hưng thịnh và phế tàn”, ngài Minh Châu dịch câu trên quá thơ mộng, trong khi bản Pāḷi là “udayabbaya” nghĩa là ‘sinh diệt’

‘Udaya’: arising (sinh); ‘vaya’: disappearing (diệt). Udaya kết hợp với ‘vaya’ theo luật Pāḷi, biến thành ‘udayabbaya’.

‘Anissito’: không bị lệ thuộc bởi tham ái và tà kiến

‘Tadānisaṃsa’: đạt được quả báo, thành quả phạm hạnh

‘Sucetaso’: ‘thiện tâm’, ‘lòng lành’

Có thể dịch lại bài kệ trên như sau: Nhờ thấy được bản chất thật của đời sống vị tỳ kheo / hành giả hướng tâm đến quả vị giải thoát bằng cách tu tập thiền Chỉ và thiền Quán, nhờ vậy mà được tự tại và có được thành quả phạm hạnh.

Nói cho cùng, Đức Phật không biết bao nhiều lần xác định rằng: Trong bao nhiêu năm hoằng pháp ta chỉ nói có hai điều: khổ và con đường diệt khổ. Ngày xưa tôi đọc điều này tôi khó chịu lắm; Phật pháp mênh mông, Ngài kể về cõi Trời, về tiền kiếp làm vua, biết bao nhiêu chuyện vui chuyện hay trong đạo, mà sao Ngài chỉ xác định có hai chuyện đó, nhưng ở tuổi này thì tôi tâm đắc với cách nói đó. Toàn bộ thế giới này chỉ là khổ, và toàn bộ pháp môn tu hành giới định tuệ chỉ là con đường thoát khổ mà thôi. Nước biển chỉ có một vị mặn, toàn bộ pháp môn Đức Phật đề nghị cho chúng ta chỉ có một hương vị giải thoát. Đức Phật chỉ nói hai chuyện: Khổ và con đường diệt khổ. Bát chánh đạo là con đường diệt khổ, còn ngoài ra bất cứ cái gì có mặt trên đời này đều là khổ dù chúng ta có là giáo hoàng, tổng thống, chủ tịch World Bank, kỹ nữ, ăn cướp, du đãng, thầy chùa, linh mục v.v… đi nữa. Cái gì không phải khổ khổ thì nó là hoại khổ, nếu nó không phải là hoại khổ thì dứt khoát nó phải là hành khổ. Hẹn bà con sáng mai, cũng vào năm giờ sáng. Xin kính chào chư tôn đức.

[1] Đây nói về năm nhân loại. Một ngày một đêm trên cõi trời Đao Lợi bằng một trăm năm ở cõi Người, ba tháng cõi Người tương đương mấy phút trên cõi Đao Lợi.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app