Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Phẩm Đại Phẩm

Thịt Đứa Con

Mười năm về trước khi còn trẻ, cái đề tài Bốn thức ăn (tứ thực) tôi không mặn mà lắm, nhưng ở tuổi này thì tôi lại thấm thía đề tài Tứ thực. Càng lớn, cách nhìn của mình về thế giới phong phú hơn. Một người không biết đạo cũng có thể có nhiều cách nhìn về thế giới nhưng cách nhìn thế tục có thể làm cho mọi sự trở nên rối rắm hơn. Cách nghĩ của một người muốn đi chơi trong rừng, muốn làm việc, muốn sống trong rừng, muốn gắn bó với rừng bắt buộc phải nhiều vấn đề hơn cách nghĩ của một người muốn ra khỏi rừng. Khi muốn ra khỏi rừng thì người ta phải tìm cái gì nhanh gọn nhất, đơn giản nhất, vắn tắt nhất bởi họ không muốn ở lại với rừng, không muốn dây dưa với rừng nữa. Trong cuộc sinh tử này cũng vậy. Có người nói với tôi rằng tu khó lắm, họ chọn cách ở ngoài đời lo cho gia đình, thu xếp chút ít thời gian thì mới tu, làm phước được bao nhiêu thì làm phước rồi về già kiếm chùa gởi thân. Đây là ngộ nhận rất lớn, họ cứ nghĩ là yếu sức không đủ duyên nên phải ở lại với đời. Thật ra họ nói không sai, bởi cái buông luôn làm cho người ta nhẹ hơn là nắm. Nếu mình thương mến một người mình sẽ thu xếp để đem người đó về sống với mình hoặc mình về sống với họ; khi mình chớm có ý đó, thì vô số vấn đề nảy sinh. Còn khi mình chớm có ý tìm cách lìa bỏ, chia tay ai đó, thì mình đã buông bỏ được rất là nhiều.

Toàn bộ thế giới này, nói gọn lại, chỉ là một cội cây được lớn lên bằng những nhân duyên hỗ trợ, giống như cọng cỏ, nhánh rêu hay con chim con cá. Chỉ có điều khi chúng ta gắn lên đó những nhãn hiệu quá lớn: tổng thống, thủ tướng, ông này, bà nọ, họ, tôi, người kia… thì vấn đề lớn dần theo. Chúng sinh gồm hai phần, danh và sắc (thân và tâm), mỗi phần đều cần những nhân tố, điều kiện tồn tại những nhân tố đó, Đức Phật gọi là thực phẩm. Có bốn thứ thức ăn (có chỗ Ngài nói có hai, thức ăn cho danh và cho sắc) cho thân và tâm.

*Bốn loại thức ăn

1. Đoàn thực:thức ăn vật chất

Tùy vào điều kiện sống trước mắt, tùy vào nghiệp thiện ác mà chúng ta có mặt ở cảnh giới nào và tùy vào việc có mặt ở cảnh giới nào mà chúng ta sống bằng loại thực phẩm gì. Chỉ là người cõi Dục giới mới có chuyện ăn uống, đưa thứ gì đó vào miệng. Khi nói đến đoàn thực phải hiểu ngầm là đang nói đến đời sống chúng sinh ở cõi Dục giới, phải là người ở cõi Dục mới sử dụng thực phẩm này. Hai lý do có mặt ở cõi Dục Giới:

(1) Do không thể chứng thiền tức không thể lìa bỏ niềm đam mê đối với 5 trần vật chất (sắc, thinh, khí, vị, xúc).

(2) Do một đại nguyện gì đó như để thành Phật, để hành phạm hạnh, trường hợp này cực hiếm.

Số người ở trường hợp (2) chỉ là một phần nhiều tỷ so với trường hợp (1). Kinh Tăng Chi Bộ cũng dạy rằng người ở cõi nhân loại mới có điều kiện hành phạm hạnh. Để mài mòn phiền não, ta cần đến vô số cách tu tập cùng lúc như kham nhẫn, hành xả, tinh tấn, bố thí.

Nếu bị ung thư hay chỉ là bị ghẻ ngứa, bị lác, bị trĩ hơi nặng một chút thì cái đầu đã rối lên rồi, huống hồ là khi ở cảnh giới địa ngục, quá khổ, cơ thể thường xuyên bị đốt ở năm bảy ngàn độ mà không được chết, chưa kể những hình phạt bị bắt uống kim loại nấu chảy, bị những loài côn trùng, thú dữ cấu xé suốt ngày đêm. Còn nếu sanh làm loài bàng sanh thì cũng không có điều kiện tu hành, làm con người mà còn không nghĩ đến đời sống tinh thần huống chi là làm những loài bàng sanh. Còn các cõi trên như cõi Trời, cơ thể người ta chỉ là khói là sương, làm sao có điều kiện để đau nhức, đói khát, nóng lạnh, tê mỏi; nếu không có những điều này thì làm sao người ta có dịp để sợ sanh tử, trừ ra bậc đại căn đại trí như Bồ tát. Nếu bây giờ bà con trong room này, sống được một ngàn năm, cơ thể hoàn hảo không có vấn đề gì đau ốm bịnh tật, mỗi người có trong bank vài tỷ đô la, có du thuyền, máy bay riêng v.v…, muốn ăn gì thì ăn, yêu ai thì gặp ngay không biết đến sanh ly tử biệt thì có thời gian vào đây nghe pháp chăng. Cũng may là bà con còn chút thời gian, chớ nếu tất bật với mỗi ngày thu nhập vài ngàn đô la thì liệu có thì giờ ngồi nghe pháp hay không. Với điều kiện đó thì giờ này ngồi ở phi trường Tokyo, Paris, Hongkong thì vui hơn nhiều. Chỉ có ở cõi Người, tuy điều kiện sống hơi có phần khắc nghiệt nhưng lại là điều kiện để tu học, bởi mình biết được cảm giác đói không có ăn, lạnh không có chăn đắp, bịnh không có thuốc uống. Chỉ có ở cõi Người mình mới chân trần ôm bình bát đi giữa nắng gió mưa sương, chỉ có ở cõi Dục mình mới bị chúng chửi vô mặt, chỉ có ở cõi Dục mới bịnh hoạn, đau nhức, đói khát nóng lạnh, nhờ vậy mới có dịp thấm thía trầm luân. Chỉ có ở cõi Dục mình mới vô rừng sâu núi thẳm sống để biết thế nào là ồn, thế nào là yên. Còn cõi trên thì sướng quá, làm gì có chuyện ồn, không muốn nghe thì không nghe, muốn thấy thì mới thấy chớ không phải chịu đựng những hình ảnh âm thanh, mùi vị mình không muốn.

Chính vì có nghiệp dục giới nên mình mới ở lại cõi Dục giới, và hình hài này phải được chăm sóc nuôi dưỡng bằng những thứ mình cung cấp cho nó. Trong thiên nhiên, điều kiện sống của mỗi loài cũng khác nhau, có loài thực vật chỉ cần nước, có loài cần phân cần đất, có loài cần bùn sình. Ngày nào mình còn chạm tới đoàn thực thì ngày đó còn sống trong cõi Dục, và mình thấy món ăn nào ngon là do mình là người cõi Dục và do nghiệp xưa đẩy mình vào hoàn cảnh sống đó. Trong chú giải chỗ này có nói thêm, Đức Phật dạy, vị tỳ kheo trước khi mặc y áo, trước khi uống thuốc, trước khi bước vào chỗ ở của mình (phòng ốc, giường, chõng), trước khi ăn uống phải quán tưởng để ly dục, nhàm chán sinh tử và không mắc nợ người đã cúng dường mình.

Nhàm chán sinh tử là mỗi ngày mình phải nuốt những thứ này vào miệng mới sống được, phải quấn những thứ này vào tấm thân hôi hám của mình mới sống được, phải nhớ rằng mình đang băng bó vết thương, ăn hay uống thuốc cũng chỉ nghĩ rằng mình đang chăm sóc vết thương. Sử dụng vật phẩm đó với nhận thức như vậy thì đó là nhận, là sử dụng kiểu của người chủ, còn nếu không tâm niệm như vậy thì xem như sử dụng với vị thế của người làm công, mắc nợ, phải làm trâu làm ngựa để trả lại cho người ta. Sử dụng những món nhu yếu với quán tưởng như vậy thì mới có dịp nhàm chán sinh tử, sẽ thấy ngày nào còn dây dưa với những thứ này thì còn khổ, sống ở ngoài đời thì còn phải đi kiếm, sống trong đạo thì phải như thế nào để xứng đáng, ngày nào còn sử dụng thì còn mang thân sinh tử, nên phải quán tưởng để ly dục.

 

Đức Phật nói, một vị tỳ kheo sử dụng những món này mà không quán tưởng thì tội này đáng được xem là tội bất cộng trụ thứ năm. Khi cạo đầu đắp y, sử dụng những thứ này mà không bằng tâm niệm như trên thì có nghĩa là đang trộm cắp tăng tướng. Một vị tăng ni mà sử dụng những thứ nhu yếu mà không quán tưởng thì cũng gần giống như đang sử dụng những món đồ trộm từ người khác. Gọi là Đức Phật nói, một vị tỳ kheo sử dụng những món này mà không quán tưởng thì tội này đáng được xem là tội bất cộng trụ thứ năm. Khi cạo đầu đắp y, sử dụng những thứ này mà không bằng tâm niệm như trên thì có nghĩa là đang trộm cắp tăng tướng. Một vị tăng ni mà sử dụng những thứ nhu yếu mà không quán tưởng thì cũng gần giống như đang sử dụng những món đồ trộm từ người khác. Gọi là pancamam parajikam: tội bất cộng trụ thứ năm. Bốn tội kia là: giết người, trộm cướp, giao hợp, mạo xưng đắc thiền chứng thánh. Khi phạm vào một trong bốn tội này thì không còn là tỳ kheo nữa. Mọi nhận lãnh cúng dường đều là trộm cướp. Sẵn đây nói luôn, trong câu: Con xin vâng giữ điều học là tránh xa sự ‘trộm cướp’ nghe hay hơn ‘trộm cắp’, vì ‘trộm’ đồng nghĩa với ‘cắp’, là lấy món đồ chưa được cho một cách lén lút, còn ‘cướp’ là lấy món đồ chưa được cho một cách công khai. Mạo xưng đắc thiền chứng thánh nghĩa là giả, là không có thật, không đắc mà cố ý làm cho người khác tin lầm mình đắc chứng cái gì đó dù là bằng cách kín đáo. Có những vị không tự nhận mình đắc, nhưng lại phán người này đắc người kia đắc, điều này đồng nghĩa như là ngầm khẳng định mình đã đắc rồi thì mới đủ sức phán người này người kia đắc.

‘Bất cộng trụ’ nghĩa là ‘không được sống chung’. Khi một vị tỳ kheo mắc vào một trong bốn thì không còn là tỳ kheo nữa, và khi không còn là tỳ kheo nữa thì bất cứ sự thọ nhận nào cũng gọi là trộm cắp. Ngay cả một vị tu hành trong sạch, Đức Phật cũng dạy là khi thọ nhận y áo thực phẩm cũng phải nên quán tưởng (quán tưởng là xác định liên tục) đang băng bó vết thương. Đức Phật dạy rằng, vị tỳ kheo khi thọ nhận thức ăn phải tâm niệm rằng mình giống như một người mẹ bất đắc dĩ phải ăn thịt đứa con ở ngoài sa mạc. Theo chú giải, một cặp vợ chồng đi trong sa mạc, đứa con bị chết, đói quá cuối cùng phải ăn thịt đứa con đã chết. Thịt người đã lạnh xương sống rồi, mà phải ăn thịt đứa con đã chết làm sao mà nuốt, mà không nuốt thì sức đâu ra khỏi sa mạc. Ngày xưa còn nhỏ, tôi cảm thấy khó chịu với sự so sánh kiểu này, vì ăn thì thấy rất là ngon. Nhưng bây giờ có tuổi thì mới thấm. Một lúc nào đó quí vị ngồi nghiệm ra, tại sao mình ăn mình thấy ngon? Vì mình đang đói! Khi quí vị ăn thật là no, không còn thèm nữa, thì mới thấy rằng, mỗi lần ăn là mỗi lần mình đổ rác. Chỉ có người no mới hiểu được trường hợp này. Thịt cá, tôm cua, trái cây, xôi, chè, bò khô, hủ tiếu, sinh tố, cà phê sữa mình cứ bỏ vào miệng nhai rồi nhổ vào bịch nylon, cột bịch đó lại treo trước mặt, nhìn có lạnh xương sống hay không, hoặc đem vào giường ngủ xem có ngủ được không. Vậy mà mình bỏ vào miệng nhai nuốt, đánh răng, súc miệng, cạo lưỡi, uống trà, ăn kẹo bạc hà… thì thấy bình thường, nếu thực quản mình không có van đóng lại thì không người bên cạnh nào chịu nổi. Rửa chén không sạch, bàn ăn lau không sạch đã gớm rồi, vậy mà toàn bộ mình trút hết vào trong người; một người đẹp nhìn vẫn thấy hấp dẫn như thường, người mình thương thì nhìn vẫn cứ thấy thương như thường, mình đâu có nghĩ gì một cõi kinh khủng bên dưới lớp da bụng. Hiểu như vậy vị tỳ kheo mới thấy chuyện ăn là vạn bất đắc dĩ, nếu bằng cách nào đó mình không đói, không khát thì không có lý do gì phải ăn. Họa tùng khẩu xuất, bịnh tùng khẩu nhập, 80% nguồn bịnh mình có là từ thức ăn thức uống, vừa dơ vừa gây mầm bệnh cho mình. Sống lâu hay sống yểu là do thức ăn mà ra. Trung Quốc hay VN còn có chuyện ăn uống đồ độc, mình biết mà không ăn thì không có gì để ăn.

Vì vậy, nói đến đoàn thực thì phải nhớ, vì mình là người cõi Dục mới sử dụng đoàn thực, và mình là người như thế nào mà bây giờ vẫn còn có mặt ở đây: do chưa thể ly dục hoặc do đại nguyện nào đó. Quí vị chạy vào nhà tắm soi gương xem mình thuộc hạng nào, hạng không thể ly dục hay hạng có đại nguyện nào đó?

Chưa ly dục thì còn chủng tử ăn uống. Còn chủng tử (khả năng) ăn uống thì còn khả năng ăn dơ. Ai còn là phàm phu, đặc biệt ở cõi Dục đều kín đáo giữ lại chủng tử ăn thịt sống, ăn phân người, ăn xác chết. Hôm nay quí vị có thể nói với tôi rằng tôi đã nói quá lời, xin thưa, đêm nay chín giờ tối, mình có là bác sĩ bệnh viện, nhưng hai giờ sáng, khi mình chết rồi, thành con gì mình chưa biết được. Không cần phải sinh kiếp khác, chỉ cần kiếp này, đứa bé mới biết bò và người già lú lẫn, người trưởng thành bị mất trí, thậm chí người say, đều có khả năng bỏ vào mồm những thứ bất tịnh.

Cứ nhớ đến đồ ăn là thấy vừa dơ vừa độc, chưa kể động tác ăn không đẹp. Một người mà không cần ăn gì hết, sống cảnh mây ngàn hạc nội sướng biết bao nhiêu. Trong khi đó, mỗi ngày cứ hết nấu nướng tới chiên xào, sắp vào chén dĩa, lùa vào miệng, thức ăn từ thực quản xuống bao tử, qua ruột non, tới ruột già, rồi đi ra, cái nào giữ lại thì giữ, cái nào bỏ đi thì bỏ, hết ngày này qua ngày khác, lạnh xương sống. Mình không học đạo nên không ngờ rằng đời sống mình chỉ riêng chuyện ăn uống – chưa nói đến chuyện đi làm để kiếm có cái ăn thì chuyện gì cũng làm – bỏ được thì ai cũng bỏ, do nghiệp tham ái khiến mình mê mờ không thấy, mình chỉ thấy ăn được món mình thích, món đắt tiền, món người khác thèm thuồng ghen tị, là hạnh phúc, trong khi đó, nói rốt ráo, còn ăn là còn khổ.

2. Xúc thực.

Xúc thực là thực phẩm ở đây có nghĩa rất rộng, ám chỉ tất cả những gì làm nên cuộc sống chúng sinh.

Toàn bộ thế giới này chỉ là 6 căn, 6 cảnh, 6 thức, sự gặp nhau của 18 cái này gọi là Xúc. Hãy tưởng tượng quí vị và tôi đang ngồi giáp mặt nhau, tôi đưa cho quí vị cái ly nó là cảnh gì? Đủ 6 cảnh! Khi tôi đưa, các vị nhìn cái ly thì đó là cảnh sắc, khi tôi lấy móng tay búng vào ly thì đó là cảnh thinh, khi đưa ly lên mũi ngửi thì đó là cảnh khí, nếm ly thấy có vị chua hay mặn thì đó là cảnh vị, chạm tay vào ly thì đó là cảnh xúc, khi nhắm mắt nghĩ về những hình ảnh liên quan đến cái ly thì đó là cảnh pháp. Cũng cái ly đó mà có 6 cảnh, nó là cái mình có thể thấy được, nghe được, ngửi, nếm, đụng được.

Viện bảo tàng, có những thứ họ không cho mình sờ, nhưng khi nhìn nó mình cũng có thể suy nghĩ được. Khi thấy những xác ướp Ai Cập, mình có thể liên tưởng đến bốn ngàn năm trước, các Pharaoh ngày xưa, họ đã sống như thế nào, nền văn minh Ai Cập ra sao. Bước vào nhà tắm, nhà ăn, ra ngoài vườn cắt bông hồng, tất cả những giây phút đó, 6 căn của mình làm việc ráo riết. Cho nên, Đức Phật dạy thế giới này tồn tại nhờ xúc thực là vậy đó, nghĩa là chỉ bằng vào sự tiếp xúc, sự gặp nhau giữa 6 căn (6 sắc thần kinh), 6 cảnh (6 đối tượng) và 6 thức (6 cái biết).

Toàn bộ thế giới này chỉ tồn tại bằng Xúc (six senses). Sự gặp nhau của 18 thứ vừa kể gọi là Xúc. Có tất cả 6 xúc.

Trong kinh Đức Phật có dùng hình ảnh rất là đặc biệt để suy gẫm, Ngài dạy rằng, bất cứ lúc nào mình bỏ viên thuốc hay một miếng nước uống, hay miếng ăn vô miệng phải tâm niệm rằng ta bất đắc dĩ đang ăn thịt con. Những người văn minh Âu Mỹ mà nghe thì rất khó chấp nhận. Mình ăn thì không thấy kỳ, nhưng khi mình đang no thì hình ảnh ai đó ăn uống nhìn rất dơ, rất phiền. Mình thấy nguyên một tô thật to thịt cá đó, mà nhét vào trong miệng giấu vào trong đó, rồi thấy nguyên một tô đó, mắc gì chất hết vào trong người, cái tô đó chỉ để yên trong điều kiện không thích hợp, một hai ngày đã nổi bọt, meo mốc, dậy mùi khó ngửi. Vì vậy, mỗi lần ăn uống phải nhớ rằng đó là chuyện bất đắc dĩ.

Sáu xúc được Đức Phật ví dụ bằng hình ảnh con bò bị lột da. Quí vị tưởng tượng người dân quê VN buổi sáng ra đồng bị con bù mắt bu thì khổ như thế nào, rồi ở một xứ muỗi nhiều thì khổ cỡ nào, đang ngồi thế này mà có con ruồi bay đậu trên mặt thì khổ cỡ nào. Một con bò bị lột da thì bị tấn công toàn thân. Một người có chánh niệm mới thấy 6 căn của mình luôn lăng xăng tìm cảnh và liên tục bị tấn công bởi nhiều thứ ngoại cảnh, vì thứ ta thích luôn ít hơn thứ ta ghét. Kẻ thất niệm giống như đứa con nít, được cái gì vui là quên hết. Người trưởng thành thì lại khác, bị chửi một câu là nhớ hoài dù sau đó có được ai đó tặng quà, hay mời ăn. So với thánh nhân thì phàm phu y hệt như con nít. Trong một ngày hăm bốn giờ, số lần phải thấy phải nghe phải ngửi, nếm đụng, nghĩ tưởng đến những chuyện bất toại nhiều lắm. Bởi vì mình phóng dật, thất niệm, vô minh quá dày nên chỉ cần chút vị ngọt là mình quên sạch. Muốn kiểm chứng điều này thì dễ ẹc, nếu bà con không phải là người say rượu, mất trí, không phải là trẻ con chưa trưởng thành cứ ngồi yên lại một phút, quan sát thân này sẽ thấy nó ngứa, nó rêm chỗ này, đau chỗ kia. Thân này có vấn đề từ trên đầu tới gót chân. Những gì mình thấy, nghe trong suốt một ngày phần lớn toàn là những cái không như ý, nhưng vì mình giống đứa bé nên thấy chút xíu ngọt là quên sạch đắng cay chua chát. Đức Phật dạy toàn bộ thế giới này là thế giới của 6 xúc, mà 6 xúc giống như con bò bị côn trùng tấn công. Cũng vậy, hễ còn 6 căn thì còn 6 thức, tức là còn bị tấn công liên tục bởi thứ mình ghét và thứ mình thích. Bị tấn công bởi thứ mình thích là như thế nào? Chính vì thích nên mình mới tìm cách đi tìm, đầu tư để có thêm nữa, nghĩa là phải đối mặt với nhiều thứ, hiện tại thì đổ mồ hôi sôi nước mắt, còn kiếp sau thì đi trầm luân hoài hoài. Mình cứ nghĩ là mình khổ vì mình tiếp xúc với thứ mình ghét, nhưng thật ra mình khổ còn là vì những thứ mình thích nữa. Một thứ đắt tiền bị mất thì mới đau. Sáu xúc là cách nói khác của thế giới, cũng là một diện mạo, một hình dáng khác của thế giới. Nói gì thì nói, nó là biển khổ, ngày nào còn mắt tai mũi lưỡi thân ý thì ngày đó còn 6 xúc; còn tiếp cận với trần cảnh, còn có thích, còn có ghét và cả hai đều làm cho mình khổ.

3. Tư niệm thực.

Gọi là thực phẩm ở đây ám chỉ những gì làm nên thế giới này, những gì tạo ra hình hài sinh tử của chúng sinh. Tư niệm thực, ám chỉ Tâm sở tư (nói nôm na là sự đầu tư ý thức – mental investment). Có ba sự đầu tư: đầu tư trong cõi Dục, đầu tư trong cõi Sắc giới và đầu tư trong cõi Vô sắc giới. Tư niệm thực ở đây ám chỉ ba Hành trong Duyên khởi. Người đa dục thì làm gì cũng chỉ là tạo thêm điều kiện sống ở cõi Dục. Ly dục mà còn thích sắc pháp thì đầu tư để sanh về cõi Sắc giới. Nhàm chán sắc pháp thì sinh về cõi Vô sắc giới. Sống hết tuổi thọ thì tất cả đều quay về cõi Dục giới; phước ít quá thì bị sa đọa làm giun dế, trùn, sâu… Trong cuộc sinh tử thì phước luôn ít hơn tội vì ở lòng chúng sinh tâm ác luôn nhiều hơn tâm thiện. Nếu không tin bà con thử ngồi nhắm mắt xem lòng mình từ sáng đến chiều ra sao. Bước ra đường xem có bao nhiêu kẻ có khả năng kham nhẫn, hành xả, từ tâm, trí tuệ. Một người bị nạn có bao nhiêu người thương xót? Chỉ cần nhìn đểu là có thể bị chém. Ăn mặc quần là áo lụa, nhà cao cửa rộng giàu có, xài toàn đồ xịn nhưng lòng dạ còn đê hèn tồi tệ, khi làm trùn làm dế thì làm sao tốt cho nổi.

Con người có hai tay cũng như có hai bản năng thiện ác, vấn đề là thuận tay nào. Tất cả Bồ tát đều thuận tay phải, bản năng thiện rất mạnh, còn phàm phu thì toàn thuận tay trái.

Tư niệm thực là ba Hành, đi đâu thì cuối cùng cũng trở về đơn vị gốc là cõi Dục. Gốc của cõi Dục là đọa xứ vì ác luôn mạnh hơn thiện. Tư niệm thực tức ba hành, giống hệt như hố than hừng.

4. Thức thực.

Thức thực ám chỉ 121 tâm. Toàn bộ thế giới này không nằm ngoài 121 tâm. Không có tâm thì không có Duyên khởi. Không có Duyên khởi không có sinh tử. Không có sinh tử thì không có tâm. Chỉ cần cắt đứt Duyên khởi thì không còn tâm nữa. Sinh tử bằng tâm, giải thoát cũng bằng tâm. Niết bàn rồi thì thân tâm đều không còn

Tâm bất thiện có 12, tâm Quả bất thiện có 7, tâm thiện Dục Giới có 8, tâm quả thiện Dục Giới có 16, tâm thiện Sắc Giới có 5, tâm quả Sắc Giới có 5, tâm thiện Vô Sắc Giới có 4, tâm quả Vô Sắc Giới có 4, tâm Thánh đạo có 4, tâm Thánh quả có 4. Sở dĩ có chỗ kể tâm thánh đạo có 20 là vì lấy 4 tầng thánh nhân với 5 tầng thiền. Tổng cộng có 121 tâm.

Thức thực ở đây gồm tất cả tâm, nói gọn lại là tâm nhân và tâm quả. Chính có nhân quả mới có sinh tử. Nói khác đi Tư niệm thực cũng là Thức thực và Xúc thực.

Khi giảng Buddhist Anatomy, giảng tới rốn, tôi có nói thế này: Rốn là hình ảnh rất sâu sắc trong đạo Phật, rốn nằm giữa thân người tượng trưng cho trung đạo, không lợi dưỡng, không khổ hạnh. Rốn là hình ảnh mở ra toàn bộ hành trình tu học của một người cầu đạo giải thoát: Còn trong bụng mẹ đứa bé sống bằng nguồn dinh dưỡng từ người mẹ thông qua dây rốn. Mẹ nuôi 100%, hoàn toàn thụ động. Ra khỏi bụng mẹ thì đã cắt rốn, từ đó chỉ còn lệ thuộc mẹ nó 70%, cần phải bú sữa từ người mẹ, và đến tuổi nào đó chỉ còn lệ thuộc mẹ nó 30%, không còn bú nữa mà chỉ ăn babyfood. VN có món cơm ớn xương sống lắm, người mẹ bỏ vào miệng nhai nát rồi nhả và muỗng rồi đút cho trẻ nhỏ ăn (cơm sú, cơm búng). Lúc này sự lệ thuộc của đứa bé đối với người mẹ giảm dần, từ từ nó bưng chén ăn được, rồi từ từ biết nấu cơm, quét nhà, nhưng phải lệ thuộc mẹ đi làm kiếm tiền nuôi nó. Rồi một ngày nào đó nó đi làm có tiền nuôi ngược lại mẹ.

Buổi đầu chúng ta học đạo cũng y hệt đứa bé trong bụng mẹ, hoàn toàn tùy thuộc tăng ni, họ phán cái gì chúng ta nhắm mắt nhắm mũi nghe theo như sống bằng cuống rốn vậy. Từ từ chúng ta phải có khả năng suy tư, nếu không suốt đời này chúng ta sẽ mãi là đứa bé chưa cắt cuống rốn, chưa bao giờ dứt sữa, chưa bao giờ biết đứng chựng, biết đi, biết chạy. Chúng ta phải đi từng bước: phải cắt cuống rốn, phải dứt sữa, phải liệng núm cao su, phải lìa bỏ cái nôi, chiếc xe đẩy, phải lìa khỏi bàn tay mẹ thì mình mới trưởng thành được. Tôi biết tôi nói vậy bà con giận lắm, nhưng không nói không được. Bà con phải nhớ rằng tăng ni chỉ là hình thức thôi, còn nội dung thì cũng giống như một cư sĩ ở chỗ là sợ sanh tử và cầu đạo giải thoát. Họ kinh điển thì mình cũng kinh điển, họ chỉ khác mình là không vợ, không chồng, không con, không cái mà thôi. Tăng bảo trong kinh chỉ có 2 trường hợp:

1/ Là thánh nhân nói chung gồm luôn tăng ni cư sĩ, trời, người.

2/ Là ám chỉ cho tăng hội tỳ kheo hoặc cá nhân tỳ kheo lúc đang nhớ giới. Trường hợp 2 này dùng trong trường hợp phàm tăng.

Toàn bộ Tam tạng nói chung, tạng Luật nói riêng, chỉ nhằm đến hai điều là nên làm và không nên làm, không có điều thứ ba. Tỳ kheo nhớ giới là vị tỳ kheo đó đang sống trong ý thức rõ ràng chớ còn vị tỳ kheo đó đang nằm ngủ hoặc là cái xác chết thì gọi ‘tăng’ là không được. Nếu gượng thì được, có thể quỳ lạy nói rằng đây là vị tăng thống vừa viên tịch và đảnh lễ v.v…, nhưng thật ra theo tôi được biết trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh, chính Đức Phật xác nhận, thi hài hay xác chết đáng được người ta tôn trọng nói gọn chỉ có hai hạng: Thánh nhân hoặc phàm phu đức độ như Chuyển Luân Thánh Vương. Nghĩa là đức độ và đem lại lợi ích cho vô số chúng sinh khác. Khi ngài là vua thì cả hành tinh này đều phải sống thiện hết dưới sự cai quản của ngài, vì vậy khi một vị Chuyển Luân Thánh Vương ra đời trên cõi Đao Lợi mừng lắm, trái đất này tu thiện thì trên đó mạnh, số người về trên đó nhiều. Thi thể đáng được tôn thờ lập tháp là vị Chánh Đẳng Giác, hạng thứ hai là Độc Giác, hạng thứ ba là Thanh văn giác, hạng thứ tư là Chuyển Luân Vương chớ không có trường hợp tăng ni phàm phu. Bây giờ mình chế thêm, hễ đệ tử đông, có nhiều tiền, chùa có tiếng tăm thì chết rồi sẽ được tháp lớn, được đệ tử vinh danh bằng những từ ngữ nghe lạnh người “an nhiên thâu thần thị tịch”, “an tường xả báo thân”, và sau khi hỏa táng đệ tử thu nhặt được vô số xá lợi ngũ sắc. Từ đó mở ra tiền lệ rất đau lòng là một vị trưởng lão nằm xuống cư sĩ không quan tâm đến chuyện vị này để lại bao nhiêu công trình tác phẩm mà quan tâm vị này có để lại bao nhiêu xá lợi, xá lợi có màu gì, khi vị này nhắm mắt đại chúng có nghe mùi hương thoang thoảng chung quanh… đó là điều mà ngày nay người ta coi trọng còn ngày xưa thì người ta coi trọng vị trưởng lão đó lúc sống bản thân tu học ra sao và đã để lại di sản công trình gì cho thế hệ sau mình, đó mới là điều quan trọng.

Tăng ở đây được kể hai trường hợp, trường hợp một là thánh nhân, trong bài lễ bái Tam Bảo có câu “Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho”, ‘sāvakasaṃgho’là Thanh văn đệ tử Đức Phật, ám chỉ cho thánh nhân. Trường hợp hai là vị tỳ kheo lúc đang nhớ giới, còn chỉ đắp y cạo đầu thôi thì chưa kể, phải là vị đang trong chánh niệm, nhớ mình là một tỳ kheo.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app