Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên – Phẩm Già

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên

Phẩm Già

GIÀ

Tôi rất muốn giảng bài này, vì giảng một bài được hai bài, bài Già và bài Không Già, giảng một được hai. Tôi nhớ câu chuyện vui, có một anh chàng làm biếng lắm, áo mặc không giặt, chén ăn không rửa, má hắn nói: Mày phải lấy vợ để nó lo cho mày. Có vợ có con lúc già có người lo chớ tao đâu có sống đời để lo cho mày. Hắn trả lời: Lấy vợ cũng được, có con cũng được, nhưng kiếm con nhỏ nào có con sẵn cho tiện. Hôm nay tôi giảng một bài được hai bài, “buy one get one free”, mua một tặng một.

“Vật gì tốt đến già? Vật gì tốt kiên trú? Vật gì vật báu người? Vật gì cướp khó đoạt?

— Giới là tốt đến già, Tín là tốt kiên trú, Tuệ, vật báu loài Người, Công đức, cướp khó đoạt.”

Đức Phật dạy, giới luật là nhan sắc của tỳ kheo. Nghĩa là mình càng lớn thì da thịt càng nhăn nheo sồ sề chảy xệ khó nhìn, sẫm màu, đồi mồi v.v… Nhan sắc sẽ lìa bỏ chúng ta, ngày nào là ánh mắt thu ba, bồ câu, giờ thì kèm hèm không thấy đường, mái tóc mượt mà, cằm chẻ môi mọng, khi về già là hết muốn nhìn, nhưng người sống có giới hạnh thì khác. Lúc trẻ thì ông linh mục ngon hơn ông tu sĩ PG. Hầu hết tất cả các linh mục chỉ 6 năm trong trường dòng họ trở thành người trí thức rồi, chưa kể có thêm học vị bằng cấp ngoài đời nữa, nên thời điểm trẻ ông linh mục nào cũng được đào tạo căn cơ, tuyệt vời hơn. Nhưng có một điều, nếu một tu sĩ PG có bằng cấp hay không bằng cấp mà tu hành đàng hoàng, không phải loại giá áo túi cơm, chuyên tâm học đạo sống đạo thì 50 năm sau, đời sống của linh mục không bằng vị tu sĩ PG thứ thiệt, vì càng lớn tuổi thì đời sống vị linh mục giống như người đời. Đời sống tâm linh của linh mục khi đó khó bằng vị tu sĩ PG. Nhìn họ thấy nản lắm. Một vị tu sĩ PG có giới định tuệ thì càng lớn tuổi càng thấy một sự tinh anh, tinh tường sắc sảo ở một vị hòa thượng. Ở đây tôi không có ý bài xích, tôi chỉ mượn hình ảnh đó để giải thích câu “giới là sẽ đẹp tới già”. Một vị linh mục có thể sát sanh, câu cá, uống rượu … có những trò du hí thế tục nhưng vị tu sĩ PG thì không như vậy. Những vị phụ tá cho giáo hoàng vẫn có quyền uống rượu, cầm tay vuốt tóc phụ nữ vô tư vô tội, những điều đó ảnh hưởng đến đời sống tâm linh dù họ không có gì quá lố. Do vậy, một vị tỳ kheo thật sự chân tu thì rất là khả kính, giới không có tuổi, càng già càng có giá.

 

Những linh mục về già sẽ về hưu, sống trong những ngôi nhà của giáo hội. Hiện nay giáo dân VN tại Hoa Kỳ có lập ra quỹ hỗ trợ linh mục lớn tuổi ở VN đang trải qua những ngày tháng khốn khổ cuối đời. Tôi có xem những thước phim quay những linh mục già, tôi nhìn thấy nản lắm. Khi về già các Cha trở lại hình ảnh của một ông già trí thức. Về hưu ở những nước giàu thì sung túc. Một tổng giám mục ở Đức bị tòa thánh cách chức vì sử dụng tiền công quỹ nhà thờ rất xa hoa, sống quá sung sướng, nhưng lương hưu của một vị linh mục Âu Mỹ chỉ tương đương công chức. Có hai loại linh mục: linh mục triều là những vị có thể có bằng cấp đại học, đi dạy học và làm riêng bên ngoài, giàu có sung sướng và linh mục dòng, chẳng hạn như dòng Jesuite suốt một đời chấp nhận sống khó nghèo thanh khiết và tuân phục. Thánh kinh, tòa thánh, Cha bề trên nói gì, họ theo như vậy. PG mình có hạng tu sĩ chỉ biết Tam Tạng thầy tổ, nhưng có vị thì rẽ hướng đi con đường riêng để làm tổ sư.

Trong cuộc đời có hai hạng người, hạng thứ nhất sống lâu thành đồ cổ, và hạng thứ hai sống lâu thành đồ cũ. Đồ cổ thì theo năm tháng giá càng tăng, đồ cũ cộng thêm năm tháng thì liệng cho lẹ. Phải tâm niệm sống như thế nào trở thành đồ cổ chứ không phải đồ cũ, gừng càng già càng cay. Đời sống có đức tin, có trí tuệ, có giới hạnh, có đa văn như những vị Sayadaw ở Miến Điện, họ đi xe lăn nhưng họ là tự điển sống, là tủ kinh biết đi. Sợ nhất là sống cho lâu, bơ sữa mập thây, hỏi Phật pháp thì ấm a ấm ớ. Người có đời sống tâm linh ngon lành (có giới) thì sống lâu thành đồ cổ.

‘‘Kiṃsu yāva jarā sādhu”, Cái gì tới già vẫn còn tốt. “Kiṃsu sādhu patiṭṭhitaṃ”. Chữ này liếc vào các từ không khó nhưng nghĩa lại khó. Câu này dịch là “sống như thế nào gọi là sống tốt”. ‘Patiṭṭhita’: ‘sự có mặt’, ‘sự tồn tại’, ‘sự sống’. Patiṭṭhita là ‘an trụ’, ‘existing’. Sống tốt là phải có niềm tin, tin vào điều thiện. Bà con lưu ý một chuyện: Phật pháp không phải là tác phẩm của chư Phật mà Phật pháp của chư Phật ba đời mười phương chỉ là nguyên tắc thiên nhiên của vũ trụ, trời đất và chư Phật chỉ là những người phát hiện. Vì vậy khi nói yêu điều thiện đừng nghĩ rằng mình phải trở thành Phật tử, phải quy y, phải có pháp danh, phải có bổn sư hay đạo tràng tới lui…vv. Yêu điều thiện là thích điều lành, ngán điều dữ; nói gì nghĩ gì không hại mình không hại người, nếu có đời sau kiếp khác thì những điều mình nói nghĩ chỉ để lại dư hậu tốt mà thôi. Nói chuyên môn chút, điều thiện là cái gì được tác động bởi tâm thiện. Cũng một hành động mà có khi được tác động bởi ác tâm, khi thì thiện tâm, ví dụ như mỉm cười chào, có khi chào bằng từ tâm, thương mến, có khi cười đểu, cười xạo, cười giễu. Ngay cả một thời giảng của tu sĩ cũng vậy, có buổi giảng bằng thiện tâm thiện chí, có buổi giảng có ý đồ dụng ý bên trong. Đời sống tốt đẹp là đời sống có niềm tin, tin vào điều thiện. Thời Đức Phật có những cư sĩ mà Đức Phật khen là đệ nhất tín tâm đó là ông Hatthaka Āḷavaka hoặc ông Citta- Gahapati đây là hai vị đệ nhất cư sĩ của Đức Phật. Có nhiều vị cư sĩ có đức tin rất là tốt, chẳng hạn như có một bà đệ nhất cư sĩ tên Nakulamātā, bà này tụng kinh không giống như mình, đọc tới đâu bà hiểu tới đó. Đêm đó bà đọc bài kinh Parāyanasutta (Kinh Đến Bờ Kia), nhìn lên thấy một vùng ánh sáng, và trong vầng sáng có một gương mặt rất đẹp, bà hỏi: Vị nào đây? Vị nào có gương mặt đẹp (bhadramukha) như vậy?Người đó trả lời: Tôi là Thiên vương Tỳ Sa Môn (Vessavaṇa), tôi có công chuyện đi ngang nghe sư tỷ (bhagini) đang tụng kinh nên dừng lại nghe và muốn tặng sư tỷ một món quà, sáng nay ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên sẽ dẫn 500 vị tỳ kheo đi ngang làng này chứ không dừng chân, nếu sư tỷ cho người ra đầu làng đón và mời cúng dường chắc là sư tỷ vui lắm. Đó là món quà tôi muốn tặng sư tỷ. Nói xong vị Thiên vương đó đi. Bà chuẩn bị thức ăn cho 500 vị và cho người ra ngoài đầu làng chờ. Sáng hôm đó một hình ảnh quá đẹp, 500 vị tỳ kheo được hướng dẫn bởi hai vị chí thượng Thanh Văn, đệ nhất cao đồ đi ngang ngôi làng đó và không dừng lại, khi có người ra mời thì các vị mới đi vào. Khi ngồi xuống, ngài Xá Lợi Phất hỏi: Vì sao bà biết chúng tôi đi ngang? Bà kể lại tự sự. Ngài Xá Lợi Phất khen: Thật hi hữu thay, thật vi diệu thay một người cư sĩ mà có thể tiếp xúc với vị Thiên vương đại thần lực như vậy. Bà nói: Thưa tôn giả chưa đâu, còn đặc biệt hơn nữa, chính Thế Tôn còn xác nhận con là vị A-na-hàm đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, sau đời sống này con không trở lui Dục giới nữa. Ngài Xá Lợi Phất nói: Thật hi hữu thay, thật vi diệu thay một người cư sĩ mà chứng Tam quả như vậy. Bà tiếp: Chưa đâu, còn nữa, con có thể chứng nhập Tứ thiền một cách tự tại, dễ dàng không khó khăn. Ngài Xá Lợi Phất khen nữa, bà nói: Chưa đâu, còn nữa, con không hề có sự phân biệt cúng dường đây là vị tỳ kheo phá giới hay vị tỳ kheo thánh nhân trong sạch.Bà kể một loạt những điều đặc biệt, Đức Thế Tôn đã xác nhận bà là một cư sĩ đa văn, bà có thể thuyết giảng chánh pháp cho người khác lưu loát không khó khăn hay gián đoạn. Không phải bà kiêu ngạo mà đây là thế giới của các bậc thánh, chúng ta không thể dùng phàm tâm để đo lường, mà họ là “người trong nhà” với nhau. Phàm tâm là chứng bệnh, thánh trí là thuốc chữa lành căn bệnh đó, có gì đâu mà khoe. Có ai lại đi khoe mình đang bị bệnh, đang uống thuốc. Từng có một vị Phạm Thiên nghĩ chỗ của mình chắc không ai tới, khi ông nghĩ như vậy, Đức Thế Tôn lập tức có mặt ngay trước mắt ổng, ngồi phía trên đầu. Ngay lúc đó ngài Mục Kiền Liên suy nghĩ Thế Tôn đang ở đâu, với sự chiêu cảm của Thế Tôn lập tức ngài Mục Kiền Liên nghĩ đến Thế Tôn. Khi Đức Phật thực hiện việc như vậy có sự tương thông với ngài Mục Kiền Liên. Ngài Mục Kiền Liên liền xuất hiện trên cõi Phạm Thiên, Đức Phật ngồi ở trên và bốn góc là bốn vị thánh (thêm ba vị nữa là Ngài Ca Diếp, ngài Anuruddha, và ngài Mahākappina cũng suy nghĩ Thế Tôn đang ở đâu và xuất hiện). Ngài Mục Kiền Liên, ngài Ca Diếp, ngài Anuruddha, và ngài Mahākappina là bốn vị độc đáo. Ngài Mục Kiền Liên là đệ nhất thần thông, ngài Ca Diếp đệ là nhất đầu đà, ngài Anuruddha là đệ nhất thiên nhãn, ngài Mahākappina đệ nhất về huấn tăng, ngài là số một trong các vị tỳ kheo về khả năng thuyết pháp cho chư tăng. Mỗi lần ngài Mahākappina thuyết pháp, một hai ngàn tỳ kheo chứng đắc A-la-hán là chuyện bình thường. Ngài Mahākappina xuất thân là một ông vua, người gầy ốm. Một lần đó tại Kỳ Viên, Đức Phật đang ngồi cùng với chư tăng đông đảo, thấy ngài Mahākappina đi đến, Đức Phật hỏi: Này các tỳ kheo, các ngươi có thấy vị tỳ kheo gầy ốm, gương mặt có làn da xanh xao đang đi đến không? Đó là tỳ kheo Mahākappina, một bậc hiền trí, đại tuệ. Một người mà được Đức Phật tán thán thì không phải là chuyện dễ. Ngài Mahākappina đến với đạo đơn giản lắm, khi còn là một ông vua, nghe thương buôn kể chuyện này chuyện kia. Khi nghe kể là chỗ đó có Đức Phật ra đời, nghe đến chữ Phật là ngài Mahākappina bỏ hết, dắt theo 1000 tùy tùng xuất gia. Đức Phật biết vậy nên chờ bên bờ sông. Khi ngài Mahākappina đi đến và nghe Đức Phật thuyết pháp, lập tức ngài trở thành một vị A-la-hán lục thông tam minh, tứ vô ngại giải.

Tóm lại, nội dung bài kinh này là:

– Đời sống giới hạnh không làm cho mình già; sống lâu sẽ trở thành đồ cổ, không phải đồ cũ

– Sống với niềm tin vào cái thiện là đời sống đẹp nhất.

Vật báu (ratana) trên đời này là trí tuệ. Nói rốt ráo thì thiện pháp nào cũng là quý, nhưng ở đây khi trả lời cho người này thì phải trả lời “trí tuệ” thì mới vừa ý người này. Trí tuệ chính là nguồn của các thiện pháp khác, vì chính trí tuệ là phương tiện để mình nâng cao, mở rộng, đào sâu đức tin của mình. Chính trí tuệ mới cho phép kham nhẫn, từ tâm, hành xả của mình phát triển thêm. Niềm tin là nền của thiện pháp tuy nhiên thiện pháp đẻ ra những thiện pháp khác chính là trí tuệ, chính trí tuệ cho mình cơ hội để phát triển những thiện pháp khác. Đó chính là lý do vì sao Đức Phật dạy trí tuệ là báu vật ở đời

Công đức là cái người ta không cướp giật được. Phước của mình, số mình hưởng người ta không lấy được. Người ta nói người tìm của nhưng tôi tin của tìm người. Bất chiến tự nhiên thành, không tranh giành gì nó cũng tự đến. Trong đạo lẫn ngoài đời, có trường hợp những vị trí, chiếc ghế bao nhiêu người tranh giành không được cuối cùng lọt vào tay người cực kỳ hồn nhiên vô tư, còn người nào giang hồ khôn lanh cho lắm thì cuối cùng vẫn trớt quớt. Trong một phim Tàu, có một anh sinh viên kia chất phác thật thà, có cô bạn gái thật đẹp, bao nhiêu sinh viên trong trường rắp ranh mà không không thành công, cô kia thì hồn nhiên ai nhờ gì cũng giúp đỡ và có lần sắp thành nạn nhân của kẻ quấy rối, anh bạn thì không ghen. Mọi người hỏi vì sao, anh trả lời: là cái người ta không cướp giật được. Phước của mình, số mình hưởng người ta không lấy được. Người ta nói người tìm của nhưng tôi tin của tìm người. Bất chiến tự nhiên thành, không tranh giành gì nó cũng tự đến. Trong đạo lẫn ngoài đời, có trường hợp những vị trí, chiếc ghế bao nhiêu người tranh giành không được cuối cùng lọt vào tay người cực kỳ hồn nhiên vô tư, còn người nào giang hồ khôn lanh cho lắm thì cuối cùng vẫn trớt quớt. Trong một phim Tàu, có một anh sinh viên kia chất phác thật thà, có cô bạn gái thật đẹp, bao nhiêu sinh viên trong trường rắp ranh mà không không thành công, cô kia thì hồn nhiên ai nhờ gì cũng giúp đỡ và có lần sắp thành nạn nhân của kẻ quấy rối, anh bạn thì không ghen. Mọi người hỏi vì sao, anh trả lời: Nếu là của mình thì không mất, nếu dễ mất thì nó không phải của mình, nếu không phải của mình tại sao lại sợ mất. Nếu nàng là người dễ mất như vậy thì có gì đáng tiếc, mà mất thì mình phải mừng để mình có cơ hội kiếm mối khác tốt hơn, thê thảm nhất là tiếp tục ngủ chung với người đồng sàng dị mộng.

Một lần đó tại chùa Kỳ Viên, Đức Phật hỏi chư tăng: Này các tỳ kheo nếu hôm nay rừng cây ở chùa Kỳ Viên này bị đốn, các ngươi có buồn không? Bài kinh này mở ra cho mình một vấn đề rất lớn, đó là tâm tình của chư tăng ngày xưa thời đó đối với chùa miểu khác bây giờ nhiều lắm. Các vị tỳ kheo trả lời: Bạch Thế Tôn, chúng con không buồn, vì chúng con không nghĩ đó là của mình. Đức Phật kết thúc: Cũng vậy này các tỳ kheo, sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn không phải của các ngươi, mà không phải các ngươi thì vì đâu các ngươi phải khổ tâm khi chúng không được như ý muốn của mình. Này các tỳ kheo, cái gì không phải của mình thì hãy lìa bỏ, hãy nhàm chán, hãy ly tham nhờ vậy các ngươi sẽ được an lạc. Câu này mấy chục năm về trước tôi đã đọc nhưng chưa thấm, bây giờ càng già càng thấm. Cái gì làm khổ mình thì nó không phải là của mình, mình không điều khiển nó được, nó là vô ngã. Hãy sống bằng tâm trạng khách sáo đi, hãy giữ khoảng cách tối thiểu với những người, những vật mình thương thích cho khỏi khổ. Chưa gì hết, mới gặp người ta, thấy người ta dễ mến, mình nghĩ ngay họ là bạn của mình, và nghĩ là người mình sẽ liên lạc, sẽ quan hệ thì cái khổ đã manh nha khởi sự rồi đó. Cứ tiếp tục xem họ là người khách bên đời thì mọi thứ ok hơn. Từ đây dẫn đến cái ý khác: cái gì của mình thì không có mất, nếu dễ mất thì không phải của mình, càng có lòng sợ mất thì càng khổ mà thôi. Hẹn quí vị ngày mai.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app