Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 3 – Chương 1: Tương Ưng Uẩn – Phẩm Trưởng Lão 

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3

Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Trưởng Lão 

VAKKĀLI (Vakkālisutta)

Đêm nay tôi muốn thưa với bà con một chuyện quan trọng. Đó là nhân vật Vakkāli được nhắc đến trong kinh này như là nhân vật chính. Chữ ‘Vakkāli’ này xuất phát từ chữ ‘vakkala’ nghĩa là áo bằng vỏ cây mà nhiều tu sĩ Ấn Độ xưa đã mặc. ‘Vakkāli’ nghĩa là “người mặc áo bằng vỏ cây”. Câu chuyện về ngài Vakkāli có rất nhiều dị bản. Có những giai thoại nói về ngài nghe rất là buồn thảm, và có những giai thoại nói về ngài không đến nỗi u ám như vậy. Ở đây chúng tôi có trách nhiệm kể cho bằng hết.

Giai thoại thứ nhất, ngài xuất thân là công tử nhà giàu, vì tò mò đi theo chân đại chúng ghé chùa chớ không phải vì đạo tâm. Kiểu như thấy người ta đi Làng Mai, đi Thanh Hải, Lương Sĩ Hằng… vậy thôi. Vậy mà khi vô thấy tôn nhan Đức Thế Tôn thì công tử Vakkāli trọn niềm kính tin. Trong kinh nói Thế Tôn đẹp lắm, màu da màu tóc, hàm răng, môi đẹp mũi đẹp, dáng đi dáng đứng đẹp, âm thanh Phạm âm (brhamassara) giọng nói giống hệt Phạm thiên chỉ nghe một lần không quên được. Không biết giọng nói như thế Phạm thiên như thế nào nhưng chắc cũng giống như giọng ca sĩ, MC, có giọng nghe rất phê. Hoặc mấy thầy tăng ni giảng mấy cái room online, nghe rụng rún, có vị nghe chịu không nổi (it’s me). Vì thấy Thế Tôn hảo tướng như vậy nên thanh niên Vakkāli đã quyết định từ bỏ gia đình, sống đời xuất gia chỉ với mục đích duy nhất là được nhìn thấy Thế Tôn suốt ngày này qua ngày khác. Thế Tôn biết rõ Vakkāli là một vị đại đệ tử tu tập thời gian Ba-la-mật tương đương ngài Mahākassapa, ngài Ānanda không kém cạnh gì ai hết. Vị này lại có đặc hạnh không ai bì kịp, chỉ có điều hơi lấn cấn chút đó thôi. Sau mùa an cư đầu tiên, Đức Thế Tôn gọi ngài Vakkāli tới trách: Có hay ho gì tấm thân bất tịnh này của Như Lai mà ngươi ăn rồi cứ ngồi nhìn hoài như vậy mà lãng quên lý tưởng phạm hạnh cần có của người xuất gia. Hãy đi đi, đừng tiếp tục ở bên cạnh Như Lai nữa. Ngài Vakkāli rất buồn, tủi thân và nghĩ đến chuyện tự sát. Ngài lên ngọn núi cao, tính nhảy xuống và chết. Lúc đó Đức Phật xuất hiện và dạy cho ngài Vakkāli một câu như thế này:

“yo dhammam passati, so mam passati”(ai thấy pháp thì coi như thấy ta) (1)

“yo mam passati, so dhammam passati”(ai nói là thấy ta thì phải hiểu là người ấy đã thấy pháp) (2)

Đây là một trong những câu khi dịch ra thì gặp rất nhiều tranh cãi, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể căn cứ vào kinh điển để dịch câu (2) như vậy.

Sau đó Đức Thế Tôn xác nhận, trong đệ tử Như Lai thì vị này là Đệ nhất tín giải thoát. Tức là vô địch trong chư tăng về cái hạnh xuất gia bằng niềm tin. Không ai bắt đầu giống vị này, chỉ nhìn vị Phật thôi, chưa kịp hiểu đạo mà sẵn sàng bỏ hết mọi sự để đi xuất gia. Đây cũng là một cái hạnh đặc biệt.

Giai thoại thứ hai. Ngài Vakkāli cũng xuất gia vì thương kính tôn nhan của Thế Tôn, rồi bị Đức Thế Tôn khiển trách. Vị này bỏ đi hành thiền một mình. Trong lúc đi tu một mình thì lâm trọng bịnh. Đây là trường hợp chúng ta thấy trong kinh này. Khi lâm trọng bịnh thì Đức Thế Tôn đến thăm. Ngài hỏi sức khỏe của ngài Vakkāli và giảng cho vị này nghe về Tam tướng của ngũ uẩn. Sau khi Ngài giảng xong thì ra đi. Ngài Vakkāli nằm lại đó thiền định. Trong chú giải có nói như thế này, ngài Vakkāli vốn là người tu hành 100 ngàn kiếp trái đất, huệ căn của ngài sâu dày thâm hậu, nên khi được nghe pháp và tận mắt nhìn thấy Thế Tôn như vậy nội tâm lập tức tịnh chỉ. Ngài nghĩ rằng mình đã đắc thánh, rồi thấy rằng bây giờ đau đớn quá, thay vì ngồi gồng thì Niết bàn luôn cho khỏe cái thân. Cái thân này giống như chiếc xe cũ đã hư hỏng hoàn toàn giữ làm gì nữa. Vì vậy ngài quyết định tự sát. Trong lúc ngài đưa con dao vô cổ thì ngài thấy ra được phản ứng tâm lý của mình lúc đó, thì ra mình còn là phàm phu chớ không phải thánh.

Nhiều hành giả qua Miến Điện ngồi thiền nghe mát lạnh, nhẹ nhàng sung sướng an lạc tưởng mình đắc tuệ thứ năm thứ tám, nhưng thật ra quí vị phải nhớ là tu bằng tâm trạng của người đi đổ rác an toàn hơn người đi lượm ve chai. Người đổ rác chỉ nghĩ đến một chuyện là cái gì trên tay liệng hết khi đi đổ rác, chỉ có một việc duy nhất mà thôi đó là liệng bỏ cái trong tay. Với người đi lượm ve chai thì số món đồ cần lượm phải lượm không giới hạn, trọng lượng đồ lượm không giới hạn, công việc quá nhiều so với người đổ rác. Và trên đường đi sẽ có thể lượm nhầm, lượm nhiều thứ không tái chế, tái sử dụng được. Khi đi tu thiền cũng vậy, khi nghĩ đến chuyện lìa bỏ phiền não thì bất cứ cái gì mình thấy có vấn đề là bỏ hết. Đi sâu hơn một chút, khi quán chiếu năm uẩn qua Tam tướng thì khi thấy vui buồn thiện ác nào xuất hiện thì lập tức quán chiếu nhìn ngắm quan sát. Buồn vui nào xuất hiện là biết nó vô thường vô ngã. Ghi nhận một cơn đau ở lưng, ở đầu gối, thì lập tức biết đây là khổ thọ, vô thường vô ngã. Trong khi đó, nếu mình đi tu thiền bằng tâm trạng của người mong đắc này đắc nọ thì cực kỳ nguy hiểm, vì thay vì cứ ghi nhận đây là thọ lạc, đây là thọ hỷ, đây là thọ xả, đây là thân lạc, đây là tâm lạc… thì đằng này mình nghĩ tu để đắc tuệ này tuệ nọ, tầng thánh này tầng thánh nọ. Từ đó việc mình phải làm sẽ nhiều và rối, lại rất dễ nhầm lẫn, thấy mát mát thì nghĩ mình đắc Sơ quả. Ở đây cũng cho tôi nói một câu khó nghe không thể không nói, và đối với tôi cũng là chuyện khó nói. Gần đây có một trào lưu vừa rộ lên trong giới PG Nam Tông hải ngoại của chúng ta, có không ít những nhà sư Tích Lan và gần đây là những vị người VN khi hướng dẫn thiền Tứ Niệm Xứ cho Phật tử đã phán một câu chắc nịch: “Quả vị Tu-đà-hoàn dễ ẹc.” Vị này đưa ra một đoạn kinh ghi thế này: Bốn đặc điểm của vị Sơ quả là niềm tin bất động nơi Tam bảo và giới hạnh không khiếm khuyết. Ở đây có ai dám giơ tay nghi ngờ lời dạy của Phật, nghi ngờ thánh tăng của Đức Phật hay không. Đâu có ai giơ tay. Đó là những lớp tu học bên châu Âu và bên Bắc Mỹ, thế nào buổi giảng này cũng lọt đến tai những người thầy và học trò lớp đó. Tôi xin thưa rõ đó là chuyện rất nguy hiểm, không phải là chuyện đáng mừng đáng vui. Khi kêu gọi bà con hãy tu tập, đừng đánh mất niềm tin, đừng tự ti rằng ta đây thiếu Ba-la-mật, lời kêu gọi đến đây thì rất tuyệt vời, bản thân tôi cũng không ngừng kêu gọi. Không có gì bậy cho bằng chưa gì mà tự cho mình cái mặc cảm tôi là cư sĩ, dốt giáo lý, nhớ dở, hiểu chậm, Ba-la-mật non kém, chỉ biết làm phước; giáo lý không học, chỉ hành thiền không thôi lấy gì chắc làm sao chứng đắc. Đó là thái độ vô cùng bậy. Tu hành mà mang mặc cảm thì không đi xa được. Tuy nhiên, mình không thể vì chuyện không mặc cảm rồi có cái tăng thượng mạn cho rằng quả vị Tu-đà-hoàn dễ được. Nếu cho dễ được thì trước hết hại mình và sau đó mình hại người khác. Tự cho mình là Sơ quả rồi coi người không phải Sơ quả là lũ đần độn. Không có cái gì bậy cho bằng không phải là bác sĩ mà tưởng mình là bác sĩ, không phải là phi công mà tưởng mình là phi công, không phải là chồng bà hàng xóm mà tưởng mình là chồng bà hàng xóm, cái tưởng này có chết người chết ta hay không. Không tự ti nhưng cũng đừng hoang tưởng như vậy. Hôm nay, cách đây có 12 tiếng đồng hồ tôi lại nghe người Phật tử ở châu Âu hí hửng khoe với tôi là “Từ nay về sau quí thầy tăng ni đừng bắt nạt tụi con, quả vị Tu-đà-hoàn muốn là được”.

Trong bài kinh này, tôn giả Vakkāli, đã tu một trăm ngàn đại kiếp, đích thân Thế Tôn – bậc Thiên nhân chi Đạo sư đến nơi để thăm bịnh và thuyết pháp, cộng với trí tuệ của ngài Vakkāli nữa, vậy mà ngài vẫn mắc bịnh tăng thượng mạn, cứ ngỡ mình đắc rồi. Khi thọc con dao vô cần cổ thì thấy vấn đề không đơn giản như vậy, tâm sân xuất hiện, sự khó chịu, sự sợ chết, sự tiếc nuối đời sống xuất hiện, ngài biết mình đang hiểu lầm, chưa đi đến đâu hết. Ngài lập tức lấy cơn đau đó làm đề mục Tứ Niệm Xứ, biết rõ đây là thân khổ, biết rõ đây là tâm sân, biết rõ đây là sự sợ hãi, biết rõ đây là sự tiếc nuối, và cái gì trong số đó cũng là vô ngã, vô thường. Với sự trực nhận này, quán chiếu này, ngài đã chứng quả A-la-hán và Niết bàn. Hơi thở vừa dứt là ngài cũng không còn tái sinh nữa, cùng một lúc chấm dứt toàn bộ sự phiền não. Bà con vào Google tìm chữ này “vakkali thera”, đọc được tiếng gì thì đọc, trong đó có nói huỵch toẹt cho mình nghe là bà con đang đối diện với một “tiểu sử rối rắm có nhiều dĩ vãng”. Trách nhiệm của tôi khi đứng giảng một lớp Kinh Tạng này là tôi làm giùm bà con một chuyện đọc giùm chú giải Aṭṭhakathā. Mình cùng nhau liếc mắt qua bản chánh kinh và bèn mở cửa Sớ giải để xem Sớ giải nói gì về những chữ hơi khó hiểu cùng những góc khuất của bài kinh. Tôi chỉ làm những việc đó thôi. Dĩ nhiên là khi tôi nói, đôi lúc tôi có đưa ra những đề nghị và xác định rằng đây là ý của tôi. Điều đại kỵ là xách một bài kinh ra rồi ‘phang’ thoải mái, còn người nghe thì nhắm mắt ‘y giáo phụng hành’, nói sao nghe vậy, nói bậy cũng nghe, vậy thì rất oan uổng cho quí vị.

Lúc tôn giả Vakkāli đã Niết bàn rồi thì Đức Phật hướng dẫn chư tăng đi đến chỗ xác của vị này. Trên đường gần đến nơi, Đức Thế Tôn chỉ chư tăng thấy một làn khói xám đang đi về bốn hướng từ thi hài của tỳ kheo Vakkāli. Ngài nói: Đây là Ác Ma thiên tử. Tức là vị thiên vương ở cõi Trời Dục Giới cao nhất, ăn rồi đi phá người tu. Ác Ma thấy vị tỳ kheo Vakkāli một đời tu hành chân chánh trong sạch, trước khi mất được đích thân Thế Tôn đến giáo giới, thuyết pháp vậy mà Bậc Đạo sư vừa khuất thì người đệ tử này đã tự sát. Ác Ma muốn biết cái chết tức tưởi của con người như vậy sẽ dẫn đến chỗ tái sanh như thế nào. Chết oan ức như vậy chắc chắc sẽ đi xuống. Nhưng Ác Ma tìm hoài không ra. Hôm trước tôi có kể cho bà con nghe chuyện, thời Thế Tôn tại thế có vị Bà-la-môn Vangīsa[1], có thể chỉ gõ vào sọ người chết rồi biết đương sự đã sinh về đâu. Trong kinh nói Đức Thế Tôn lấy sọ của một vị La-Hán đã viên tịch đưa cho Vangīsa, Vangīsa gõ hoài mà không ra. Chúng tôi coi chú giải của nhiều kinh, có chỗ nói sọ đầu của một vị Phật Độc giác (Paccekabuddha)

pati+eka # pacceka: một mình (single).

Những vị Phật Độc Giác có thể sống chung với nhau vài trăm vị vài ngàn vị, trong đó không ai dạy ai hết. Có một ông thợ săn, ngày kia đi trong rừng nhìn lá rơi nước chảy thế là đắc quả Phật Độc Giác. Trí tuệ Độc Giác vừa xuất hiện thì tóc râu rụng xuống, trên người có đủ y bát, có đủ lục thông, tam minh, tứ tuệ phân tích, bay về núi. Một ông vua đang đi chơi ngoài phố, tự nhiên nhìn thấy cái gì đó, đắc Độc Giác, trí tuệ Độc Giác vừa xuất hiện thì lập tức có tăng tướng của vị xuất gia và suy nghĩ phải đi về đâu ở chớ không thể làm vua nữa rồi, vị đó nhìn sơ, scan trái đất xem chỗ nào ở được thì đến đó ở. Tập thể đông nhất mà tôi biết là 5000 vị. Không bao giờ có nữ, luôn luôn là nam. Phật Độc Giác tu thời gian hai A-tăng-kỳ, một trăm ngàn đại kiếp, gấp đôi thời gian của ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, với chừng ấy thời gian huân tu thiện nghiệp thì bao nhiêu nữ tánh mất sạch sành sanh. Trong kinh giải thích rất rõ tại sao Ma Vương, Đế Thích, Phạm thiên, Chánh Đẳng Chánh Giác không có nữ, vì đủ phước ngồi lên đó thì nữ tánh đã mất hết. Nói như vậy có nghĩa rằng thì là bản thân nữ tính có vấn đề. Mấy ngày hôm nay tôi đi về Florida, tôi tưởng tôi đã cắt đứt dây chuông không còn liên lạc với trần gian khổ ải, vậy mà qua tới phone của mấy xác nữ xác cô làm tôi muốn điên. Họ nói cứ như dân say rượu. Tôi nói được rồi, dạ cảm ơn, tôi đã nghe, đã ghi nhận rồi và xin phép được “đặt xuống bên thềm rêu” vậy mà nàng cứ liên tục ra rả, lải nhải, lảm nhảm nói suốt mùa thu cách mạng không ngưng, rồi một nàng khác cứ tiếp tục như vậy. Đó là nữ tính, nhẹ nhất. Nhân chuyện Ác Ma đi tìm thức của Vakkāli tôi kể chuyện thanh niên Vangīsa. Sau đó Vangīsa đi xuất gia và trở thành vị đệ nhất biệt hạnh xuất khẩu thành thi. Vị này nhìn thấy bất cứ chuyện gì cũng đều có thể làm thơ không thèm suy nghĩ. Chỉ cần nhìn thấy Đức Thế Tôn ôm bình bát là “Bạch Thế Tôn con có câu kệ về hình ảnh này”, Đức Thế Tôn biết Vangīsa là vị A-la-hán không phải là mê thơ mà câu kệ của vị này sẽ đem lại hoan hỉ cho nhiều người nên Ngài nói: “Vangīsa đọc cho Như Lai và đại chúng nghe đi.” Thế là ngài đọc một lèo, hay lắm, có tình tiết tuồng tích, phong phú rạt rào. Từng chiếc lá trong đó đều là lá bồ đề, từng giọt nước trong đó đều là giọt nước cành dương, từng cái mưa cái nắng trong đó đều là đạo tràng. Vangīsa là đệ nhất thi sĩ trong làng thánh tăng của PG.

Nội dung bài kinh này: Đức Thế Tôn thăm bịnh vị tỳ kheo tên là Vakkāli và xác nhận toàn bộ hiện hữu của thế giới này chỉ là sự hiện hữu của 5 uẩn, mà 5 uẩn thì luôn là Tam tướng. Bản thân sự thay đổi đó không tách rời năm uẩn giống như sóng chính là nước trong tình trạng biến động xê dịch nên không thể tách rời sóng và nước ra được. Giống như người đàn bà đó lúc là bà, lúc là mẹ, lúc là cô, lúc là thím, lúc là chị… Có thể nói năm uẩn chính là Tam Tướng, Tam tướng chính là năm uẩn.

Có những vấn đề trong kinh mà chúng ta có thể đặt niềm tin 100%, nhưng có những vấn đề mang tiếng trong kinh nhưng chúng ta phải xét lại, có những giai thoại chỏi nhau. Chân lý chỉ có một. Sacca = ekadhamma: Chân lý là cái gì đó chỉ một.

“saccam hi dhammam na dutiyam”: đã là chân lý thì không thể có cái thứ hai.

Nay mai bà con coi trong kinh Pháp Cú có câu kệ như thế này: “Ai coi rẻ pháp duy nhất (ekadhamma) thì người đó chuyện gì cũng dám nói. Kẻ chuyện gì cũng dám nói thì kẻ đó chuyện gì cũng dám làm”. Đó là lý do vì sao tôi ghi cái chữ ‘ekadhamma’ này, nếu không mai mốt bà con gặp chữ ‘pháp duy nhất’ mà không hiểu ‘pháp duy nhất’ là pháp gì. Chỉ riêng khoản này thôi thì cũng đáng để bà con học cái lớp này. Nếu nói theo tâm trạng của chúng tôi ngày xửa ngày xưa thì tôi mở cái lớp này mà thấy người ta vô ít, tôi tiếc lắm. Bây giờ tôi thấy khác, tôi vô lớp dòm thấy ít tôi thấy vui, tôi vui theo kiểu khác, tôi thấy, à thì ra cái người như mình cũng… hơi hiếm! Bài kinh thứ hai đó là bài kinh Assaji

ASSAJI (Assajisutta)

Ngài Assaji là một trong năm vị, nhóm Pañcavaggiya, thường gọi là nhóm Kiều Trần Như (Ngũ Bộ Tỳ Kheo, nhóm này gồm có ngài Bhaddiya, Vappa, Mahānāma , Assaji, Koṇḍañña ). Ngài Assaji đặc biệt có duyên sơ ngộ với những nhân vật trí tuệ kiệt xuất như ngài Xá Lợi Phất hoặc Saccaka. Ở đây ai tụng kinh bài Cảm Thắng, có đoạn “Đức Thế Tôn đã cảm thắng ngoại đạo Saccaka”, vị này trí tuệ xuất sắc, giỏi đến mức coi người ta như con mình mà con út chớ không phải là con cả nữa. Người đầu tiên Saccaka gặp là ngài Assaji. Biết ngài Assaji là vị đệ tử lớn của Đức Phật nên ông hỏi ngài đôi điều về giáo lý của Đức Phật. Ngài Assaji suy nghĩ, đây là người trí tuệ nhiều lắm nên phải đập cho bể ‘cái tôi’ của vị này ra. Thế là ngài Assaji nhắc lại bài kinh Vô Ngã Tướng mà ngày xưa Đức Phật đã giảng cho nhóm huynh đệ của ngài nghe. Từ gợi ý này của ngài Assaji mà ông Saccaka đã tìm đến học đạo với Thế Tôn. Trước khi chấp nhận trở về với Phật pháp thì ổng “trời ơi, đất hỡi” coi trời bằng vung. Bà con vào xem trong Trung Bộ Kinh, bài Saccaka Đại kinh và Tiểu kinh giùm.

Ngài Xá Lợi Phất trên đường đi tìm đạo trước khi trở thành đệ tử Đức Phật, cũng gặp ngài Assaji, ngài Assaji chỉ nói một câu kệ ngắn mà ngài Xá Lợi Phất đắc quả Tu-đà-hoàn. Sau đó ngài Xá Lợi Phất về đọc bài kệ đó lại cho ngài Mục Kiền Liên nghe, ngài Mục Kiền Liên cũng đắc quả Tu-đà-hoàn rồi hai anh em tìm đến Phật xin xuất gia. Bồ tát thành đạo vào rằm tháng Tư năm trước thì đến tháng Giêng năm sau vua Bình Sa Vương thì cúng chùa Trúc Lâm – khu Vườn Trúc cho Đức Thế Tôn. Và ngay trong rằm tháng Giêng đó thì Đức Thế Tôn đã có 1250 vị đệ tử La-Hán lục thông tam minh. Cũng ngay ngày rằm tháng Giêng đó Đức Thế Tôn chính thức xác nhận thành lập tăng đoàn với một hiến chương vô cùng ngắn gọn: Ngài Xá Lợi Phất trên đường đi tìm đạo trước khi trở thành đệ tử Đức Phật, cũng gặp ngài Assaji, ngài Assaji chỉ nói một câu kệ ngắn mà ngài Xá Lợi Phất đắc quả Tu-đà-hoàn. Sau đó ngài Xá Lợi Phất về đọc bài kệ đó lại cho ngài Mục Kiền Liên nghe, ngài Mục Kiền Liên cũng đắc quả Tu-đà-hoàn rồi hai anh em tìm đến Phật xin xuất gia. Bồ tát thành đạo vào rằm tháng Tư năm trước thì đến tháng Giêng năm sau vua Bình Sa Vương thì cúng chùa Trúc Lâm – khu Vườn Trúc cho Đức Thế Tôn. Và ngay trong rằm tháng Giêng đó thì Đức Thế Tôn đã có 1250 vị đệ tử La-Hán lục thông tam minh. Cũng ngay ngày rằm tháng Giêng đó Đức Thế Tôn chính thức xác nhận thành lập tăng đoàn với một hiến chương vô cùng ngắn gọn: “Không làm điều ác. Tu tập hạnh lành. Giữ tâm trong sạch”. Ngài kêu gọi tất cả chư tăng: Chuyện nên làm đã làm, gánh nặng sinh tử đã đặt xuống, Phạm hạnh đã viên mãn, các ngươi hãy lên đường hoằng pháp, mỗi người một ngả vì lợi ích chư thiên và nhân loại. Kể từ ngày đó Ngài chính thức phái 1250 vị đi về 1250 phương trời khác nhau để hoằng dương chánh pháp. Cũng ngay ngày rằm tháng Giêng đó, Đức Thế Tôn chính thức xác nhận rằng Ngài có hai vị Chí thượng thanh văn, Đệ nhất trí tuệ là ngài Xá Lợi Phất và Đệ nhất thần thông là ngài Mục Kiền Liên.

Ngài Saccaka sau khi nghe đạo xong, trở về Phật pháp xong thì ông không đắc gì hết trơn, trí tuệ dữ dằn nhưng không đủ duyên. Vài trăm năm sau khi Phật Niết bàn xong, Saccaka tái sanh (trong kinh không nói ông chết rồi đi cõi nào), đi xuất gia làm một vị tỳ kheo pháp sư rất là giỏi và đông đệ tử. Vị pháp sư này hồi đầu thì lo học đạo cho uyên thâm, sau thì chỉ biết có đệ tử. Bữa đó ngài Saccaka kéo nguyên một binh đoàn đệ tử về thăm sư phụ của mình là một vị A-la-hán. Sư phụ nói thế này: “Ông làm toàn chuyện bao đồng, tất cả những chuyện ông làm lâu nay toàn là cho người ta không, còn ông thì tính sao đây?” Vị này nghe xong liền quay người lại theo phong cách nhà binh, nói rõ với đệ tử: “Tình nghĩa thầy trò tới đây stop here. Mấy con bây giờ là hồn ai nấy giữ. Học với thầy bao nhiêu đó đủ rồi, anh em huynh đệ tự dìu dắt nhau. Thầy phải đi một mình. Lời Sư ông nói quá tuyệt vời, không thể nào chính xác hơn nữa. Bây giờ sư phụ phải tự xử!” Thế là ngài Saccaka chia tay đệ tử, lập tức vào gốc cây ngồi xếp bằng, mắt nhắm, hai tay để lên đầu gối, trong vòng ba nốt nhạc lập tức chứng quả A-la-hán và vào đảnh lễ sư phụ. Vừa quỳ xuống thì sư phụ nói: “Sư phụ mong ở con là tới đây thôi, chứ còn nếu con tiếp tục thì không biết kiếp này con sẽ đi về đâu.” Có nhiều bà con đọc kinh Cảm Thắng mà không biết ông Saccaka kết thúc như thế nào. Tôi sẽ cho bà con biết tôi đọc ở đâu, đó là Maṅgalatthadīpanī chú giải Kinh Điềm Lành.

Chúng tôi có nghe tin hành lang, dường như ngài Hộ Pháp đang ở VN và lâm trọng bịnh đến hồi nguy kịch. Tôi không biết rõ thực hư vì VN mình là chuyên gia thả tin vịt. Nếu bà con biết được thì trong buổi giảng sau mình thông báo cho bà con và bèn hồi hướng công đức của đạo tràng đến cho ngài. Bởi vì ngài là tinh hoa của PG mình, ngài có bề gì, tôi không tin là 100 năm nữa có được một người giống như ngài. Người giỏi như vậy thì có nhưng đạo hạnh giống vậy thì tôi không chắc. Rồi thì có đạo hạnh có kiến thức nhưng có đủ siêng để bảy tám chục tuổi ngồi cặm cụi viết từng cuốn kinh, thu gom kinh điển để trao truyền cho thế hệ sau thì tôi cũng không chắc. Giới hạnh là một chuyện, kiến thức là một chuyện và chịu siêng hay không là chuyện khác. Ngài Tịnh Giác là ông vua tiếng Pāḷi của VN, ngài học 40 năm bên Thái Lan. Ngài học xong xuôi rồi, theo tôi biết đến bây giờ ngài chỉ dịch một hai bài kinh cho vui vậy thôi. Tâm huyết có thừa nhưng thời gian để ngồi lại thì khó. Tuổi ngài cũng tầm tầm ngài Hộ Pháp rồi. Không biết hai vị, vị nào đi trước nhưng nghe nói ngài Hộ Pháp bị bịnh, chân thành nhất tâm cầu nguyện công đức đạo tràng mong cho ngài ở thì yên, mà đi cho ngọt chớ trầm kha như vậy thì… Không biết ngài bị gì, tôi mới nghe hồi sáng, mà hỏi thì người Phật tử cũng dạng ấm ớ.

Có nhiều dị bản về đời của ngài Assaji. Theo chú giải, ngài Assaji từng đắc Tứ thiền bằng đề mục hơi thở, nhưng khi lâm trọng bệnh thì không thể quay lại tầng thiền mình đã chứng và cảm thấy sự tu hành có lui sụt, dĩ nhiên không được vui, một phần còn vì sự đau đớn của thân xác. Bởi nếu nhập được Tứ thiền thì ngài không còn đau đớn nữa. Nên nhớ, Tứ thiền chấm dứt khổ lạc.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn đến thăm và Ngài dạy thế này: Đừng bận tâm đến việc đó nữa, chỉ nên tập trung quán chiếu Tam tướng trong năm uẩn để chấm dứt phiền não và hiện tại lạc trú.

Đức Thế Tôn dạy cho ngài Assaji một đoạn kinh dài, nội dung nằm ở câu này, câu này rất quan trọng, bà con phải học thuộc lòng: Đức Thế Tôn dạy cho ngài Assaji một đoạn kinh dài, nội dung nằm ở câu này, câu này rất quan trọng, bà con phải học thuộc lòng: “Sukhavipariṇāmena hi dukkhaṃ āgatameva hotīti evaṃ dukkhe abhinandanā”: Khi hạnh phúc biến mất đó chính là khổ có mặt, khi khổ đi mất rồi thì người ta được vui. Nghĩa là ngay khi mình bị bệnh, bị buồn, bị khổ, bị sợ hãi thì nhớ cái câu này: hạnh phúc biến mất đau khổ xuất hiện, đau khổ biến mất thì hạnh phúc xuất hiện. (Giống như kỳ nhông là ông kỳ đà, kỳ đà cha cắc ké, cắc ké là mẹ kỳ nhông, kỳ nhông ông kỳ đà…)

Nội dung bài kinh này: Đức Phật dạy rằng, thôi thì nếu mà Tứ thiền đó bây giờ không lấy được cũng không sao, quan trọng là trước mắt hãy quán chiếu năm uẩn qua khía cạnh Tam tướng. Để việc gì cần phải làm – đó là sự chấm dứt phiền não – cũng thực hiện được; khi chấm dứt phiền não thì cũng được hiện tại lạc trú. Người đã có được thánh trí A-la-hán thì bao nhiêu nỗi khổ niềm đau không còn là vấn đề nữa. Ngay cả trường hợp chiếc máy bay có nổ giữa trời thì vị A-la-hán cũng không sợ, nếu có chút thời gian, có bị xé đôi ra cũng không đau khổ như phàm phu mình. Vì sao tôi đưa hình ảnh tai nạn đó ra, vì nó kinh hoàng lắm, lúc đó mình mới thấy chuyện tu hành quan trọng đến chừng nào. Có rất nhiều lần tôi ngồi trên trời tôi nghĩ đến vị A-la-hán, đó là con người đáng để cả Tam giới quỳ lạy dưới chân, chỉ có bên Tàu mới chê A-la-hán là Tiểu thừa thôi. Một người không còn thích, không còn ghét, không sợ cái gì, (trong kinh nói) cho dù địa cầu có xé làm ngàn mảnh, cả vũ trụ không có mặt trời, không có mặt trăng, cả vũ trụ tràn ngập lửa đỏ, hoặc cả vũ trụ biến thành nước, cả vũ trụ tràn ngập toàn quái thú, ma quỷ… thì vị A-la-hán vẫn trước sau như một. Và dù cả thế giới này biến thành thiên đường với bao nhiêu vàng son chói lọi với bao nhiêu ngọc nữ tiên nam, vị A-la-hán cũng không vì vậy mà thay đổi.

*Ba đạo nghiệp

Ở đây có chữ rất quan trọng: ‘tiparivaṭṭa’. ‘Ti’: 3; ‘parivaṭṭa’: ‘trách nhiệm’, ‘việc phải làm’.

Chữ ‘tiparivaṭṭa’ này có nghĩa Tứ Đế, ba đạo nghiệp:

– Hiểu rõ khía cạnh 4 Đế trong vạn hữu.

– Biết chuyện phải làm đối với 4 Đế.

– Thánh trí có được sau khi làm xong điều phải làm.

Đạo nghiệp thứ nhất: Biết rõ mọi hiện hữu là khổ (Khổ đế). Biết rõ mọi đam mê là nhân sanh khổ (Tập đế). Biết rõ rằng muốn hết khổ phải chấm dứt Tập đế (Diệt đế). Biết rõ rằng sự chấm dứt đó phải có phương pháp (Đạo đế). Đạo nghiệp đầu tiên là hiểu rõ bốn Đế là gì.

Đạo nghiệp thứ hai: Biết rõ việc mình phải làm đối với 4 Đế: Khổ đế cần được nhận diện, Tập đế cần được chấm dứt, Diệt đế cần được chứng ngộ, Đạo đế cần được hành trì.

Đạo nghiệp thứ ba: Biết rõ rằng ta đã hiểu thấu Khổ đế, ta đã chấm dứt Tập đế. Ta đã chứng ngộ Diệt đế, và ta đã hành trì hoàn tất Đạo đế.

Như vậy trí tiparivaṭṭa là trí về Bốn Đế, là ba trí tuệ phải có đối với Bốn Đế, nghĩa là phải hiểu Bốn Đế là gì, phải thực hiện chuyện cần làm đối với Bốn Đế và trí tuệ biết rõ đối với chuyện mình đã làm xong. Cứ nhớ như thần chú vậy. Khổ đế cần phải được nhận diện, nhìn đâu cũng thấy Khổ đế hết. Ở đâu năm uẩn có mặt thì đó là Khổ đế, ở đâu có sanh già đau chết thì ở đó là Khổ đế, ở đâu có sắc thọ tưởng hành thức thì đó là Khổ đế. Bất cứ sự đam mê nào trong Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới, sự đam mê đó chính là Tập đế, nhân sanh khổ. Có đam mê trong dục mới đầu thai về cõi Dục, đam mê trong cảnh Sắc giới mới đầu thai về cõi Sắc giới, đam mê trong cảnh Vô Sắc giới mới đầu thai về cõi Vô Sắc. Sống ở cảnh Vô sắc hết tuổi thọ rồi cũng quay trở xuống trở về đơn vị gốc.

Đơn vị gốc là gì?

– Trong Tam giới lấy cõi Dục giới làm đơn vị gốc. Có đi đâu bao lâu bao xa cũng trở về Dục giới.

– Trong cõi Dục giới có cõi Vui và cõi Khổ, cõi Khổ là đơn vị gốc, nghĩa là chỉ cần không tu hành gì hết là lập tức lọt xuống liền. Gốc cây là chỗ không cần nỗ lực cũng đến được, còn muốn leo lên lưng chừng cây hay ngọn cây thì phải nỗ lực.

– Nói về tâm lý chúng sinh, tâm bất thiện là đối với gốc. không cần nỗ lực gì hết là rớt vào tâm bất thiện thôi.

Cho nên nói luân hồi là khổ bởi vì đi đâu rồi cũng trở về đơn vị gốc. Tam giới là khổ vì đơn vị gốc của nó chính là các cõi sa đọa và các tâm bất thiện. Những thứ này là chỗ về sau cùng của các phàm phu. Muốn có được thân người thì hơi mệt chứ chuyện làm trùn làm dế thì cứ yên tâm, cứ sung sướng hưởng thụ là tự nhiên trở về làm trùn làm dế thôi. Ngay đêm nay mình đang ngồi ở ghế thương gia trên chiếc máy bay 380 của hãng Emirates Airline, nửa đêm mình bị heart attack, cái xác còn nằm trên ghế thương gia nghen, cô tiếp viên đẹp lộng lẫy thơm ngát tới bên gõ nhè nhẹ hỏi han, còn mình thì đã xuống tới ống cống hôi rình nào đó ở bên Trung Quốc làm chuột làm gián rồi, đâu có ai biết. Bởi vậy, thánh kinh Thiên Chúa có kể câu chuyện này nghe cũng run. Ngày kia thánh Peter đón vào thiên đường một giáo dân mới vừa được Chúa gọi. Ông này cứ vừa đi vừa cười cười hoài. Thánh Peter hỏi: Lên đây vui quá phải không, biết vậy thì lên sớm đi chớ đợi chín chục tuổi thì cũng hơi trễ. Biết về với Chúa vui vậy thì đi sớm cho rồi. Ổng trả lời: Dạ không, con cười không phải vì chuyện được sanh lên đây, sanh lên đây là vui rồi, con cười vì con thấy con lên đây đã lâu rồi mà đám bác sĩ còn đang hì hục mổ ở dưới. Nói như vậy có nghĩa là nhiều khi mình đang nằm lim dim trên cái phao trong một piscine nào đó, trên thì có nhạc, có ghế bố trăng sao hoa lá, người đẹp lượn lờ, hoa thơm ngát, mà mình đã đi mất rồi, chỉ còn xác nằm đó. Chuyện đó dễ xảy ra lắm, uống ba mớ rồi vô ngâm nước là dễ đi lắm. Đi nắng về mệt uống tầm bậy tầm bạ, vô xả nước vòi sen xuống, dễ chết lắm. Cho nên Tam giới khổ là vì đơn vị gốc của nó chính là các cảnh khổ và 12 tâm bất thiện.

KHEMAKA (Khemakasutta)

Tôi giảng kết hợp vừa chánh kinh vừa chú giải luôn. Ngài Khemaka bị bệnh chư tăng hâm mộ ngài và muốn được nghe pháp nên cử một tỳ kheo đến hỏi ngài về giáo lý. Trong một ngày vị này đi tới lui bốn lần, hai do-tuần, (khoảng 20km). Ngài thấy xót thương vị sư trẻ và cũng muốn đáp lại tấm lòng của chư tăng nên chống gậy đi đến gặp chư tỳ kheo và có một cuộc đàm luận giáo lý giữa các vị. Kết thúc buổi pháp đàm, 60 vị tỳ kheo tham dự đều chứng quả La-Hán trong đó có cả ngài Khemaka.

Trước khi nói chuyện thì ngài Khemaka chưa phải là vị A-la-hán. Sau khi nói chuyện thì cả người nói và người nghe đều đắc quả A-la-hán. Đề tài nói chuyện của họ là năm uẩn.

Người chưa chứng được Sơ quả thì nhìn đâu cũng thấy cái tôi của họ trước mặt. Ví dụ mình nhìn thấy cái nhà của mình, cái xe của mình, đôi giày, mắt kiếng, đồng hồ của mình v.v… thì đúng rồi. Nhưng khi đọc tin tức trên báo thấy bên Trung Quốc có chuyện gì đó, mình không ngờ là mình nhìn về Trung Quốc từ góc độ của cái tôi. Nghĩ tới Trung Quốc thì cái tâm sanh diệt rất là nhanh, mình nghĩ Trung Quốc hà hiếp biển đảo của mình, bán đồ độc hại đầu độc dân mình trong đó có bà con thân quyến của mình. Vì cái tâm mình rất là nhanh nên mình không ngờ rằng cái ghét TQ đó kéo dài đến như vậy, bởi đặt trên nền tảng đất nước “của tôi”, bà con “của tôi” bị người TQ lừa, xâm hại lợi ích, nhìn đâu mình cũng gắn cái tôi của mình trong đó. Đọc về Nam Cực, Thụy Điển, một nơi xa lắc lạnh lẽo mình chưa đặt chân tới, sao mình thấy thích, đọc về Bắc Hàn, sao mình thấy bực. Vì tâm sanh diệt quá nhanh, phiền não quá dày, trí tuệ quá mỏng, nên chúng ta không ngờ được rằng chúng ta có tới ngàn lẻ một cách để quan sát thế giới, quan sát từ góc độ khách quan hay chủ quan.

Từ góc độ chủ quan nghĩa là: tôi thấy, tôi nhìn cái đó tôi thấy thích, tôi nhìn cái đó tôi thấy ghét, tôi thấy sợ… Sở dĩ như vậy vì nó liên quan đến quan điểm chính trị, văn hóa, đất nước, tình cảm, tình thân “của tôi”. Vì tâm sanh diệt quá nhanh nên mình không có ngờ. Vừa nhắc đến chữ TQ là mình đã ghét rồi. Thật ra cái ghét đó nằm trên nền tảng rất hợp lý (dĩ nhiên hợp lý kiểu phàm phu mà thôi). Kiếp này mình sanh ra làm người VN nên mình nói Hoàng Sa, Trường Sa là của VN. Nhưng nếu đêm nay tắt thở, mình sanh về TQ, lớn lên đi học là mình nói Hoàng Sa là của TQ, Trường Sa là của TQ.

Kẻ phàm phu nhìn ở đâu cũng nhìn từ góc độ ‘tôi là, của tôi’ một cách gián tiếp hay trực tiếp. Vị A-la-hán không có quan sát thế giới từ góc độ ‘tôi là, của tôi’.

Cho dù chúng ta không học giáo lý, không biết năm uẩn là gì, nhưng khi chúng ta ghét cái này thích cái kia là chúng ta đang chấp thủ Sắc uẩn; nhìn về thế giới chúng ta thấy dễ chịu khó chịu và bị ràng buộc trong cái dễ chịu khó chịu đó, chính là chấp thủ trong Thọ uẩn. Tại sao mình chọn mua chiếc xe này mà không chọn chiếc xe kia, là vì trói buộc trong Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Sắc uẩn mà mình không ngờ. Ví dụ trong cái biết của mình, xe Lexus, Mercedes, Ferrari v.v… là những xe hiệu, đó là Tưởng uẩn. Đi xe như vậy mới bảnh, người ta mới nể, nhà mình giàu có gia thế không thể đi những chiếc xe vô danh được, đó là lấy góc độ Tưởng uẩn y cứ trên ‘cái tôi’ mình chọn những chiếc xe hiệu, rồi sau đó mình so sánh và chọn những chiếc xe tốc độ cao, êm ái, nội thất sang trọng, đó là chấp thủ trong Thọ uẩn. Rồi mình nhớ rằng, đi chiếc xe như vậy mới sướng, mới hãnh diện, đó là tâm tham, đó là mình chấp trong Hành uẩn, đi chiếc đó mới đẹp, mới êm, mới khỏe… là chấp thủ trong Sắc uẩn, Tưởng uẩn. Rõ ràng mình hoàn toàn không biết năm uẩn là gì nhưng khi lựa chiếc xe để mua là mình chấp thủ trong năm uẩn. Nói cho rốt ráo, khi mình đi chùa nghe pháp, tụng kinh phục vụ hay sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, săn bắn, đánh bài, ăn uống, tiêu tiểu, chạy bộ thể dục, tô điểm phấn son, làm móng tay móng chân v.v… đều là sáu căn đang làm việc bằng tâm thiện hay bất thiện. Khi nào bị quả khổ là 6 căn đang biết sáu trần bằng tâm khó chịu. Khi nào lãnh quả vui là 6 căn đang biết sáu trần bằng tâm dễ chịu. Thế giới này chỉ là sự hiện hữu vận hành của 6 căn hay 5 uẩn, hay 12 xứ mà thôi.

Khi ngài Khemaka đàm luận xong thì 60 vị tỳ kheo tham dự kể cả ngài đều đắc quả A-la-hán.

Ở đây ngài có dùng ví dụ: “25)… ví như một tấm vải nhớp nhúa dính bụi, những người chủ giao nó cho một người thợ giặt. Người thợ giặt sau khi nhồi nó, đập nó trong nước muối, hay trong nước tô đã, trong nước phân bò rồi giặt sạch nó trong nước trong. Dầu cho tấm vải ấy nay được sạch sẽ, trong trắng, nhưng nó vẫn còn dư tàn mùi muối hay mùi tô đã, hay mùi phân bò. Người thợ giặt giao lại tấm vải cho những người chủ. Những người chủ đem bỏ nó vào trong một cái hòm có ướp hương thơm. Như vậy, cái dư tàn mùi muối hay mùi tô đã hay mùi phân bò chưa được đoạn tận, nay được đoạn trừ.” Đối với phàm phu, tu hành chính là giặt tẩy dần dần mùi hôi của ngã chấp, đến lúc nào đó phai dần. Tùy theo mức độ thánh nhân mà nó phai ở mức độ nào. Vị Tu-đà-hoàn thì không còn thân kiến hoài nghi nữa, vị thánh Nhị quả giảm nhẹ dục ái và sân. Vị Tu-đà-hoàn bớt đi một ít ý niệm ‘tôi’, lên tới Tư-đà-hàm thì bớt đi một ít, lên tới A-na-hàm bớt đi một ít và lên tới quả vị A-la-hán thì chấm dứt hoàn toàn. Mục đích của người tu Phật không phải là đắc cái gì, mà tu là để hết phiền não; hết phiền não cũng là A-la-hán. Không cần phải lo chuyện đắc cái gì mà phải buông càng nhiều càng tốt. Đó mới là chuyện quan trọng. Ok, đã 11 giờ rưỡi, đêm nay chúng tôi đã giảng đúng hai tiếng đồng hồ và xin hẹn bà con ngày thứ Sáu. Xin chúc bà con một ngày vui, một đêm vui, chúng ta cũng không quên hồi hướng công đức nghe pháp và thính pháp đến tất cả chư tôn đức đặc biệt là các vị đang lâm trọng bệnh. Mong sao các ngài ngay bây giờ có thể nhận được công đức này, tự nhiên nghe mát lạnh, giảm được chút đau đớn nào đó. Cũng là chuyện nên làm, đừng tin là lời hồi hướng không tác dụng. Dĩ nhiên mình không mê tín dị đoan cầu xin ơn trên, nhưng nếu một đại chúng đức chúng như hải nhất tâm cầu nguyện mong rằng các ngài sớm hết bịnh, nếu các ngài biết được có người giờ này hồi hướng cho mình, các ngài nhận được công đức đó thì chắc chắn các ngài không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc. 

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app