Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên – Phẩm Già

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên

Phẩm Già

PHI ĐẠO

– Cái gì gọi phi đạo?

Cái gì diệt ngày đêm?

Cái gì uế Phạm hạnh?

Cái gì tắm không nước?

– Tham dục gọi phi đạo,

Tuổi tác diệt ngày đêm,

Nữ nhân uế Phạm hạnh,

Khiến loài Người hệ lụy,

Khổ hạnh và Phạm hạnh,

Là tắm không cần nước.

8. Uppathasuttaṃ

58.‘‘Kiṃsu uppatho akkhāto, kiṃsu rattindivakkhayo;

Kiṃ malaṃ brahmacariyassa, kiṃ sinānamanodaka’’nti.

‘‘Rāgo uppatho akkhāto, vayo rattindivakkhayo;

Itthī malaṃ brahmacariyassa, etthāyaṃ sajjate pajā;

Tapo ca brahmacariyañca, taṃ sinānamanodaka’’ntntti.

‘Phi đạo’ từ chữ Pāḷi là ‘uppatho’

Uppatha: con đường sai lầm, sự lầm lạc.

Tại sao nói tham ái là con đường sai lầm hay sự lầm lạc? Bởi vì tất cả chúng sanh trong đời này đều có một hướng giống nhau, dù người thiện hay ác, người trí hay người không trí đều có quan điểm giống nhau giữa bao nhiêu dị biệt là ai cũng muốn vui sợ khổ. Nhưng tham ái chính là lựa chọn sai lầm nhất.

Ái có nhiều cách kể. Ái trong 6 trần, thích trong cái mình nhìn nghe ngửi nếm đụng suy tư, thích trong 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới. Nhưng tóm lại ái chỉ có hai: muốn hưởng thụ và muốn tồn tại.

Bất cứ lúc nào mình muốn thưởng thức cái này cái kia, là hưởng thụ. Muốn tồn tại là muốn có mặt trong cõi Dục giới để thưởng thức năm trần. Muốn có mặt trong cõi Sắc giới và Vô Sắc giới để thưởng thức tầng thiền định. Muốn hưởng thụ và muốn tồn tại gọi chung là lạc ái. Muốn được hạnh phúc muốn được an lạc mà chỉ biết ái thôi thì chỉ có con đường đi xuống. Muốn có 3 hành phải có Vô minh, đọc kinh Duyên Sinh, nếu không học thì tưởng mọi thứ quan hệ theo chiều dọc, thật ra không những chiều dọc mà còn có chiều ngang nữa. Nói Vô minh duyên cho ba hành, trong quan hệ Vô minh với ba hành làm sao vắng mặt ái được. Ví dụ như bây giờ mình khổ quá, muốn giải quyết cái khổ đó, chỉ riêng cái ý muốn giải quyết cái khổ đó, bằng cách nghĩ đến giải pháp nào đó thì khoảnh khắc đó làm sao có thể vắng mặt ái được. Bất cứ lúc nào mình muốn giải quyết cái khổ nào đó thì ngay trong cái muốn đó đã là ái rồi. Nếu mình chọn con đường ra khỏi Tam giới, thì phải lìa bỏ hai ước muốn: muốn hưởng thụ và muốn tồn tại. Còn muốn hưởng thụ và muốn tồn tại thì còn quẩn quanh trong ba cõi sáu đường. Sáu đường (lục đạo): nhân, thiên và bốn đường khổ; ba cõi là Dục, Sắc và Vô sắc. Trong ngôi nhà đang cháy thì dứt khoát là phải đi ra. Bất cứ ý muốn nào muốn quẩn quanh trong ngôi nhà là sai lầm hết.

Theo trong chú giải: “sugatiñca nibbānañca gacchantassa amaggo”, nghĩa là có lòng muốn sanh về cõi lành cõi vui, chứng ngộ Niết bàn chấm dứt sanh tử thì trong cả hai lý tưởng này tham ái được xem là sự nhầm đường, con đường sai lầm. Quí vị để ý tại sao mình sát sanh; nhân gần: tâm mình lúc sát sanh là tâm sân, mình có ý cố sát mới giết được; nhân xa là mình muốn cái gì đó mình mới giết. Tại sao mình đập con muỗi? Là vì mình muốn được thoải mái dễ chịu không bị quấy rầy. Tất cả mọi ước muốn trong đời này của mình, tại sao gọi là thiện, muốn vui thì phải bố thí, trì giới, tham thiền chứ, đằng này mình cứ hành động theo sự sai khiến của ái, đó là sai lầm.

Amaggoti na maggo anupāyo.[1]Con đường sai lầm (nhầm đường) nghĩa là sai phương pháp. ‘Anupāyo’: ‘sai phương pháp’.

58.‘‘Kiṃsu uppatho akkhāto, kiṃsu rattindivakkhayo” Cái gì trên đời này gọi là lầm đường? Cái gì diệt ngày đêm.

Chỉ riêng câu “kiṃsu rattindivakkhayo” (cái gì làm cho ngày trôi qua và đêm trôi qua) là toàn bộ nội dung của A-tỳ-đàm.

Trong A-tỳ-đàm có nói đến hai sự thật, sự thật chân đế và tục đế. Trong A-tỳ-đàm có nói đến hai sự thật, sự thật chân đế và tục đế. Chân đế (Paramatthasacca) là bản chất rốt ráo của các pháp không thể chia nhỏ, không thể đi sâu, phân tích hơn được nữa. Ví dụ, chiếc xe hơi bốn bánh, chẻ nó ra một ngàn lần được hay không? Cứ cho chiếc xe nặng một tấn, chẻ nó ra một ngàn lần, mỗi phần được 1kg. Rồi chẻ nhỏ nữa, đến mức cuối cùng nó là hạt bụi, trong hạt bụi đó có thể chia chẻ được nữa, hạt bụi lớn hạt bụi nhỏ. Trong hạt bụi nhỏ đó, nói theo A-tỳ-đàm, có nhiều thành tố sắc pháp, nhiều thành tố vật chất trong đó, tối thiểu là tám sắc bất ly. Phân tích cuối cùng thì còn 8 sắc bất ly (đất, nước, lửa, gió, sắc, khí, vị, vật thực),đó mới là cái rốt ráo. Đất, nước, lửa, gió trong đó không còn chia được nữa, đó mới là sự thật sau cùng của chiếc xe. Chân đế, là sự thật cuối cùng không thể đi sâu đi xa hơn nữa được, như chiếc xe được chia cuối cùng thành hạt bụi nhẹ chỉ còn 8 sắc bất ly, đó là chân đế.

Tục đế (sammutisacca) có hai nghĩa: (1) vỏ ngoài của vạn vật, (2) là giá trị hay ý nghĩa giới hạn theo thời gian và không gian. ‘Sammuti’: ‘định đặt’. Ví dụ, đối với tôi cái đó là đẹp nhưng với các vị, cái đó là xấu; trong trường hợp này cái đó được gọi là dài, nhưng trong trường hợp khác, cái đó gọi là ngắn. Một thiền sinh đến hỏi một thiền sư: Ngài có thể nói gọn Phật pháp trong một câu nói cho con được không. Vị thiền sư đó lấy một que vạch một đường trên đất, rồi hỏi thiền sinh: Đường vạch này dài hay ngắn? Thiền sinh ngộ đạo ngay. Một vạch thì lấy gì so sánh. Thế gian này sống trong khái niệm ảo hóa, ảo tưởng nên toàn bộ Phật pháp nằm trong đường vạch đó, toàn bộ buồn vui thiện ác đều đi ra từ khái niệm so sánh. Vượt khỏi quan niệm đó, chỉ nhìn bản chất các pháp chứ không so sánh, thì đó gọi là thánh, là giác ngộ. Còn nhìn vỏ ngoài để so sánh thì chưa đi đến bản chất rốt ráo của các pháp được. Sammutichỉ nói đến vỏ ngoài của vạn vật, chớ không phải bản chất các pháp, và nó là giá trị theo không gian và thời gian.

Cái gì đẩy ngày đêm đi vào chỗ kết thúc? Đó là tuổi thọ của con người. Phải có chúng sinh hay vạn vật nói chung thì mới có cái gọi là tuổi tác. Câu này vạch trần sự thật của cuộc đời rằng thì là mọi thứ là đồ giả.

Chữ ‘vaya’ tiếng Pāḷi hay lắm, vừa có nghĩa là ‘tuổi tác’ và có nghĩa là “băng hoại biến diệt”. Từ đó có chữ ‘vayappatta’: ‘sự trưởng thành’, ‘khôn lớn’. ‘Patta’: ‘đạt tới’, ‘đạt đến’.

Trong 16 tuệ có chữ: ‘Udayabbayañàna’ (sanh diệt trí).. ‘Udaya’ là ‘sanh’, ‘mọc lên’, ‘xuất hiện’, (của mặt trời chẳng hạn), ở đây nghĩa là sự sanh ra của danh sắc. ‘Vaya’ là ‘sự tiêu diệt’, ‘băng hoại phân hủy’, nhưng theo luật Pāḷi, chữ [Udaya+Vaya] thì chữ ‘vaya’ lúc này biến thành ‘baya’. Cho nên Udaya+Vaya = Udayabbaya

Chữ Đức Phật thường dùng nhất là chữ Vaya, chữ này có nghĩa là ‘tuổi tác’, ‘vô thường’. Nói đến đồ vật, con người là phải nói đến khía cạnh thời gian, thời gian ở đây chính là tuổi của người, của vật, mà tuổi chính là sự vô thường của vật đó. Đồ cổ là món mà đã trải qua bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu thời gian. Nói tới một đứa bé thì việc đầu tiên mình sẽ nghĩ là thời gian từ bụng mẹ chui ra chưa bao lâu. Nói đây là người ‘trung niên’, thì nghĩ thời gian từ bụng mẹ đi ra tròm trèm bốn năm chục năm. Nói đến ‘ông cụ bà lão’ thì mình nghĩ đến người này sắp đi rồi đó. Tôi có thói quen hơi đặc biệt là bây giờ mỗi lần tôi đọc sách báo nghe nhắc đến nhân vật nào tôi đặc biệt lưu tâm, hoặc ghét hoặc thích, tôi hay để ý họ sống được bao lâu, chẳng hạn Nguyễn Bính, Nguyễn Du, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Khánh Ly… sống bao nhiêu tuổi, sinh năm bao nhiêu.

Đức Phật trả lời câu “cái gì làm cho ngày đêm biến mất”là dựa vào yếu tố con người, tuổi tác, khía cạnh thời gian. Muốn được gọi là già trẻ, lâu mau cũng phải dựa vào cái gì đó. Chỉ riêng câu này đã nói đến khía cạnh tục đế và chân đế, giả định giả tướng của thế giới.

Câu “Tuổi tác diệt ngày đêm” phải dịch lại hoặc hiểu khác đi là phải dựa vào chúng sinh, phải dựa vào danh sắc mới có khái niệm thời gian và chính tuổi tác của vạn vật mới làm cho người ta thấy ngày đêm trôi qua.

“Itthī malaṃ brahmacariyassa”:“Nữ nhân uế phạm hạnh”

Trong Tăng Chi Bộ kinh, Đức Phật dạy rằng mặt trăng có năng lực của mặt trăng, mặt trời có năng lượng của mặt trời và phụ nữ có một năng lực mà ngay cả một vị đắc tứ thiền ngũ thông vẫn có thể bị nữ sắc chi phối. “Ta không thấy một hình ảnh một âm thanh mùi vị một sự xúc chạm nào trên đời này đối với nam giới tạo ảnh hưởng lớn như là năm trần từ phụ nữ”, nghĩa là hình bóng âm thanh của người nữ, đối với người nam có ảnh hưởng rất lớn, và đối với đời sống phạm hạnh thì người nữ là một trở ngại.

‘Malaṃ’: ‘rỉ sét’ (teng), ‘hoen rỉ’ (stain), ‘sự bất tịnh’.

Câu này hiểu theo một chiều cũng kẹt cho người nữ. “Itthī malaṃ brahmacariyassa” khi nói “người nữ bất tịnh cho phạm hạnh” thì bản thân người nam trong lòng phải như thế nào thì người nữ mới được xem là bất tịnh.

Theo chú giải:

“Itthī malanti sesaṃ bāhiramalaṃ bhasmakhārādīhi dhovitvā sakkā sodhetuṃ, mātugāmamalena duṭṭho pana na sakkā suddho nāma kātunti itthī ‘‘mala’’nti vuttā”: Trên đời này những cái dơ bên ngoài (bāhiramalaṃ) do đất cát bụi bặm (bhasmakhārādīhi) có thể rửa cho sạch nhưng bất tịnh cấu uế có từ tình cảm nam nữ thì không cách chi làm sạch bằng nước được mà phải rửa bằng tâm. Vì vậy không thể đổ hết cho người nữ được.

Câu “Nữ nhân uế Phạm hạnh” phải được hiểu rằng trong tâm hồn của một người nam đang có mặt phiền não thì người nữ được xem là một thứ bất tịnh, cấu uế. Ai cũng muốn nhà cửa, quần áo, tay chân, chỗ mình có mặt được sạch, không ai muốn dơ hết. Cái dơ là điều mình không muốn. Ở đây người nữ được xem làm phạm hạnh bất tịnh nghĩa là làm cho phạm hạnh bị trục trặc, có vấn đề. Quí vị cũng đừng ngạc nhiên là vì sao trong câu kệ này có nhắc đến phụ nữ ở đây, đó là do căn tánh người hỏi.

Có hai vị tỳ kheo cãi nhau: Do có 6 căn không tu mình mới bị trói buộc. Vị kia nói: Do 6 trần, nếu không có 6 trần thì dựa vào đâu để có phiền não. Một cư sĩ tên Citta tình cờ nghe được xin góp ý: Con bò trắng cột con bò đen không đúng, con bò đen cột con bò trắng cũng không đúng, cái làm cho con bò trắng và đen dính nhau là sợi dây. Sáu căn sáu trần không lỗi, lỗi là do lòng tham ái. Ở đây cũng vậy, người nam không có lỗi gì hết và người nữ cũng không có lỗi gì hết, người nam không thể là cấu uế cho người nữ và người nữ cũng không phải cấu uế cho người nam nếu giữa hai bên không có sự can thiệp của phiền não.

“Cái gì diệt ngày đêm, Cái gì uế Phạm hạnh?” phải dịch lại là “Khái niệm ngày đêm từ đâu mà có? Cái gì làm cho phạm hạnh trở nên ô uế”.

“Cái gì tắm không nước?”

Thế nào là tắm không nước? Trên thế giới này có nhiều kiểu tắm: tắm khô, tắm ướt, tắm mát, tắm nóng. Tắm hơi nóng đối với người VN rất xa lạ, nhưng đó là cách trị bệnh rất hay. Bên Mỹ, bên châu Âu bán những cabin, mình vô đó ngồi một chút, hơi phun ra làm cho mình ướt đẫm như xông hơi. Mình bước ra ngoài có cảm giác như nhẹ đi mấy kí lô. Tắm khô là có những vùng cao ở VN, Tây Tạng, ở nơi ít nước, một năm họ chỉ tắm một vài lần, lấy khăn nhúng nước kỳ cọ, rồi xả khăn đó rồi lại lau tiếp. Tất cả những cách tắm này ít nhiều đều cần đến nước. Riêng đời sống phạm hạnh, đời sống tu tập, nếu cần cũng có thể gọi là tắm rửa, nghĩa là làm sạch đi đời sống bất tịnh, ở đây không cần nước, chỉ dùng thiện pháp trong tâm của mình để đối phó với ác pháp, bất thiện, bất tịnh trong tâm. Trong trường hợp này gọi là brahmacariyañca (phạm hạnh, giới định tuệ trong tâm của mình)làm cho mình sạch phiền não, không cần dùng nước. Cả ngày cho dù mình ngâm trong nước, ngồi trong buồng tắm hơi mà tâm mình cứ bất thiện thì mình vẫn cứ dơ. Nếu một ngày dù mình ngồi giữa đống bụi, lá khô, cỏ mục nhưng lòng mình có chánh niệm, từ tin, thiện pháp nói chung thì tâm mình thanh tịnh sạch sẽ.

NGƯỜI BẠN

9. Dutiyasutta

“Kiṃsu dutiyā purisassa”:“chúng sanh lấy gì làm bạn”.

“kiṃsu cenaṃ pasāsati”: “cái gì dạy dỗ chúng sinh”

Trong Pháp Cú có câu này:

Ārogyaparamā lābhā

santuṭṭhiparamaṃ dhanaṃ,

vissāsaparamā ñāti

nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ

“Ārogyaparamā lābhā”: Vô bịnh được xem là món lợi đắc, (‘lābhā’: ‘món lợi lộc’), món quà lớn nhất trên đời, khi mình đã bệnh hoạn rồi cái gì cũng không đáng kể hết. Chúng ta mới mua được nhà, xe, du thuyền, nhẫn kim cương, con cái chúng ta mới thi đậu đại học danh tiếng… tất cả những cái đó sẽ vô nghĩa nếu chúng ta đang bị một chứng bệnh nhẹ nhàng ruột thừa quằn quại, đau nhức răng, bụi vô mắt. Niềm vui gì đi nữa của mình cũng phải bắt đầu dựa trên một cơ thể khỏe mạnh chớ bịnh thì cái gì cũng vất đi hết. Vô bịnh gồm hai: vô bịnh trong tinh thần và vô bịnh trong thể xác. Vô bịnh trong tinh thần: không phiền não thì mới vui được với Niết bàn, thiền định, không âu lo.

santuṭṭhiparamaṃ dhanaṃ”: tài sản lớn nhất trên đời này là sự tri túcNgười Mỹ có câu: Người giàu nhất không phải là người có mọi thứ mà là người có thể vui với mọi thứ. Cả hành tinh này gồm có vực thẳm, đại dương, sông ngòi, đồng cỏ, bông hoa… cái gì đối với hạng người này cũng làm cho họ được vui, an lạc, thoải mái hết. Đưa lên rừng, xuống đồng bằng, ăn chay, ăn mặn gì họ cũng sống được. Đó là người giàu nhất.

“vissāsaparamā ñāti”: Sự thân tình là bà con quyến thuộc tốt nhất. Vissāsā: sự thân thiện, dễ gần (friendliness). Ai từng lăn lóc phong trần mới thấy, bà con xa không bằng láng giềng gần là chỗ này. Khi mình là người dễ gần thì ở đâu cũng có bạn hết. Có những người bạn họ đối xử với mình như tình thân máu mủ. Bao nhiêu năm nay tôi sống toàn bộ là nhờ người dưng hết, cái máy tôi đang xài cũng là của người dưng. Những người ngồi ở đây nghe tôi nói cũng là người dưng, và tôi chịu mất thời gian cho quí vị, tôi cũng là người dưng. Sự thân tình mới làm cho người ta dễ gần với nhau, chớ mối quan hệ máu mủ chưa đủ đâu.

“nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ’: niềm hạnh phúc lớn nhất là Niết bàn

Tại sao tôi đem bài kệ nói ở đây, vì có liên hệ câu kệ thứ ba (sự thân tình là người bạn lớn nhất) cũng như trong câu kệ này: “Saddhā dutiyā purisassa”: niềm tin được xem là người bạn của chúng sinh; vì không có niềm tin thì không làm được gì hết. Muốn rửa mặt hay rửa tay cũng cần có niềm tin mới làm được, phải biết có nước sạch, có nhà tắm đang không có người…

Cái gì giáo hóa người?”, Muốn cho tiền người ta, mình phải có tiền; muốn dạy người ta mình phải có kiến thức, muốn giúp đỡ ai đó thì mình phải có sức khỏe, tiền bạc. Đức Phật là thầy của nhân thiên vì Ngài có cái để dạy cho người ta (trí tuệ). Trí tuệ là thầy của người. Trí có ba loại văn, tư, tu. Trí văn là những gì mình nghe được, đọc được từ người khác; trí tư là những gì có được từ khả năng thấm thía tiêu hóa của mình; trí tu là những gì có được từ sự tu tập Chỉ và Quán. Văn tư tu đều là ba nguồn để có trí tuệ. Tối thiểu phải có được một trong ba loại trí này thì mình mới có thể giúp cho người khác được, nếu không thì không cách chi hướng dẫn người khác được, vì vậy trí tuệ được gọi là người thầy của chúng sanh.

Bài kệ này chỉ có ba câu hỏi.

“Kissa cābhiratomacco, sabbadukkhā pamuccatī’’ti.”, “Cái gì người ái lạc, giải thoát mọi khổ đau?

‘Ābhirata’: ‘sự thích thú’, ‘vui thích’

Macco’: ‘chúng sinh’

Trong bài kệ trước, tham ái được xem là sự lầm đường, ai cũng muốn trốn khổ tìm vui, nhưng mình còn để tham ái sai sử mình thì đó là sự lầm đường. Cái thích nào cũng là tai họa, nhưng riêng có một cái thích làm cho mình giải thoát sinh tử, được an lạc, đó là cái thích trong Niết bàn. “Nibbānābhirato macco, sabbadukkhā pamuccatī’’ti”. Quí vị có biết 10 pháp tùy niệm[2]không, trong đó có niệm Niết bàn (Upasama), đây là những đề mục dành cho người có khuynh hướng ngộ tánh. Phật tử VN có một bất hạnh rất lớn, không biết có phải vì cái nghiệp mình diệt chủng người Chàm, chiếm đất, người Chân Lạp nên mình bị lời nguyền kinh hoàng. Những gì hay ho – từ chính trị đến tôn giáo – trên thế giới này thì không dính vào mình nhưng cái gì là rác thì đổ hết cho mình. Mỹ Pháp đi để lại cho mình những thứ như nhảy đầm, nghiện thuốc lá, uống rượu. Ngay cả chuyện thanh niên mình ngồi uống cà phê (phin) mấy tiếng đồng hồ cũng của Tây để lại; ngồi uống cà phê tán dóc mấy tiếng đồng hồ. Mình là một trong những dân tộc uống bia rượu nhiều nhất thế giới cũng là do tụi Âu Mỹ đem qua cho mình. Bên Mỹ, chuyện hút thuốc ít vô cùng, những chuyện bạo lực do bia rượu thì chỉ có tụi da đen. Về xã hội thì mình thầu cái rác của nhân loại, còn về chính trị thì mình thờ những học thuyết không ra gì. Về tôn giáo thì những giáo lý cực hay thì không biết, mà cứ thờ vãng sanh thần chú… Bên Nam Tông thì cứ niệm Phật niệm Pháp cứ Buddho Buddho, Arahaṃ Arahaṃ cứ như người ta đọc bùa. Nếu niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thí, niệm Giới, niệm Niết bàn … đúng như Thanh tịnh đạo thì hay vô cùng. Khi mình niệm Thế Tôn thì phải hiểu chữ Bhagava nghĩa là gì, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự … nghĩa là gì, tại sao pháp được gọi là khéo thuyết, tại sao pháp nghĩa là phải tự mình chứng ngộ, tại sao giáo pháp có khả năng hướng thượng, tại sao pháp phải là là do người trí tự mình hiểu ra vv..

Tại sao thích Niết bàn được xem là giải thoát các khổ? Niết bàn độc đáo như vầy: Có một bà cư sĩ tên là Suppavasa bệnh nặng dữ lắm. Chồng bà là ông hoàng Koliya, đi vào lễ Phật cúng dường. Đức Phật hỏi theo cách có lòng muốn tế độ: Suppavasa hôm nay sao không đi vào chùa, có an lạc không? Ông hoàng Koliya nói: Suppavasa hôm nay bệnh nặng lắm, nhờ con thay mặt đảnh lễ Thế Tôn. Đức Phật dạy ông hoàng Koliya về nói với Suppavasa là trong cơn đau cứ niệm thế này: “Đức Thế Tôn là người đã chứng ngộ thánh trí. Thánh trí đó có công năng chấm dứt những nỗi đau thế này. Người như Thế Tôn không còn tiếp tục bị những nỗi đau như vầy trong cõi luân hồi nữa. Giáo pháp của Thế Tôn là con đường chấm dứt nỗi đau như thế này. Tăng chúng Thế Tôn là con đường chấm dứt nỗi đau như thế này. Niết Bàn là sự vắng mặt toàn bộ những nỗi đau như thế này”. Phải nói là mình không được hướng dẫn nhiều chớ đúng ra niệm Niết bàn hay vô cùng. Khi mình giận quá, sợ quá, chán đời quá, mình chỉ cần nhớ: sự chấm dứt danh sắc không còn tái sanh nữa thì những thứ này không còn nữa, tội khổ trầm luân không còn nữa, nóng lạnh đói khát các thứ bịnh trầm kha, già yếu, cô đơn, lạnh lẽo, nguy hiểm… không còn nữa khi danh sắc không còn nữa. Tất cả nỗi khổ trầm luân trên đời này đều là sự quẩn quanh trong ba cõi, mà cõi sống lâu nhất là 84 ngàn đại kiếp. Địa ngục sống lâu nhất là địa ngục Không Gian (Lokantarika Niraya), cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng cũng 84 ngàn đại kiếp, những nỗi khổ trầm luân đều gói gọn trong khái niệm thời gian, còn Niết bàn là sự nằm ngoài không gian và thời gian. Chỉ nghĩ bao nhiêu đó thôi thì thấy vui thích. Muốn chấm dứt sanh tử phải có tu tập, nhưng tu tập phải có từ sự nhàm chán sanh tử, phải biết nó như thế nào mới chán. Những người muốn Niết bàn phải là người thật sự sợ sinh tử, mình không phải là Đế Thích, Phạm Thiên mình vẫn sợ sinh tử, Đế Thích, Phạm Thiên sống hết tuổi thọ rồi cũng trở xuống. Đức Phật không phủ nhận hạnh phúc trên đời này, Ngài thừa nhận có thọ khổ, có thọ lạc, có hạnh phúc, có nỗi đau nhưng không có cái nào bền, chỉ có sự chấm dứt hẳn hoi mọi thứ khổ lạc thì mới yên. Niết bàn là sự vắng mặt tuyệt đối của danh, sắc, khổ, lạc và không bị giới hạn trong không gian và thời gian nữa. Những gì chúng ta thấy là sự hấp dẫn của đời sống, giựt mình nhìn lại thì thấy cơ hội thưởng thức không còn bao lâu, rất là mong manh. Lúc mình còn đi đứng ngon lành sinh hoạt thoải mái thì còn nghĩ vợ chồng con cái chớ khi nằm liệt giường tiêu tiểu tại chỗ thì con cái vợ chồng sẽ không giống như trước nữa. Có những đám tang không có người khóc, có khi do người chết trước đây có nhiều tật xấu, hoặc do họ sống lâu rồi nên có chuẩn bị tâm lý, hoặc do người chết trước đây đày ải người khác quá. “Cửu bệnh tiền sàng vô hiếu tử”. Thấy ngán sinh tử như vậy mình mới cầu Niết bàn, trong các niềm vui thì chỉ có Niết bàn mới hết khổ. Thích Niết bàn cũng là thích sự chấm dứt danh sắc chớ không phải tiếp tục trong hình hài nào khác. Còn có danh sắc thì còn vô thường, danh sắc biến diệt không ngừng, và theo luật phủ định, cái trước được thay thế bằng cái sau, cho nên chữ ‘dukkha’ nghĩa đơn giản là “khổ”, chứ còn định nghĩa rốt ráo theo tinh thần của thiền quán, Tứ Niệm Xứ là “pīḷita”(sự thúc ép), xem trong bộ Vô Ngại Giải Đạo, Patisambhidamagga;

‘vô ngã’: ‘asara’ (không cốt lõi, giống như măng tre, bẹ chuối, bông artichaut)

‘vô thường’: ‘viparinama’ (luôn luôn trong tình trạng bị phân hủy tan rã, dissolving).

Chúng ta luôn luôn trong tình trạng trở thành một cái gì đó. ‘Bhuta’: becoming.

Khổ = Pilita: sự thúc ép. Dầu muốn dầu không thì danh sắc vẫn cứ bị đẩy về phía trước, tâm pháp phải luôn luôn tồn tại trong từng sát na, không thể kéo dài hơn; dầu muốn dầu không thì sát-na trước phải bị thay thế bằng sát-na sau, dầu muốn dầu không thì sau vui là buồn, sau buồn là khổ, sau khổ là lạc …vv (luôn bị đẩy về phía trước, pressure). Khổ, hiểu cho rốt ráo, không còn dính líu gì với cảm thọ nữa mà là thúc ép, đè nén. Nghĩ tới những điều này mới nhàm chán sợ hãi trong sinh tử, và từ đó cái thích, vui thú trong Niết bàn mới dẫn đến sự thoát khổ.

Những bài kệ sáng nay là những bài kệ rất sâu, nhưng sâu là do mình, nếu không học Phật pháp chỉ đọc lớt phớt trên mặt giấy thì dầu cho Đức Phật có ngồi trước mặt cũng không học được cái gì. Cái lợi của học Phật pháp là nhìn kinh này thấy ra kinh khác. Phật pháp là chuỗi hệ thống, độc đáo là năm Ngài mới thành đạo đến năm Ngài Niết bàn không có sự mâu thuẫn. Đêm Thế Tôn thành đạo Ngài hiểu gì thấy gì chứng ngộ cái gì thì đến lúc Niết bàn mọi thứ cũng như vậy. Đối với phàm phu thì đó là sự dậm chân tại chỗ không có phát triển hoặc rút kinh nghiệm, nhưng đối với vị Chánh Đẳng Giác thì không có chuyện rút kinh nghiệm. Nhất thiết trí, khả năng hiểu hết mọi thứ xuất hiện cùng lúc với tâm Tứ quả của Ngài, khi tâm Tứ quả vừa xuất hiện lập tức Ngài có khả năng sabbaññutabiết hết mọi thứ, biết một lần thôi, và từ đó về sau không có rút kinh nghiệm, không có thay đổi.

THI NHÂN

Kavisutta

Bài kệ này mình không biết Phật pháp thì thấy nó giống như câu kệ ngoài đời chứ không liên quan gì Phật pháp. Nếu nhìn bản tiếng Việt thì thấy không liên quan gì chuyện tu hành.

“Người Thi Sĩ

– Vật gì nhân kệ tụng?

Vật gì làm tự cú?

Vật gì kệ y cứ?

Vật gì kệ an trú?

– Âm vận nhân kệ tụng,

Văn tự làm tự cú,

Kệ ý cứ đề danh,

Kệ an trú thi nhân.”

Trước khi giải thích, phải dịch gọn lại như sau: Từ đâu có chữ nghĩa. Từ đâu có thi ca. Ai sống ở đời sống dựa vào những thứ đó? Thi ca đi ra từ những vần điệu, chữ nghĩa đi ra từ sự lắp ghép của ngôn từ, chữ cái và âm tiết. Thi nhân, văn sĩ là những người sống trong thế giới của những thứ đó.

Cách đây hăm mấy năm về trước tôi có dịch một cuốn sách Biện Giải Tâm Pháp (nói về lộ tâm), quyển này sau đó được các tác giả, soạn giả trong nước tận dụng khai thác triệt để và đặc biệt không hề nhắc đến tên Em. Và coi như Em bị mất cuốn sách này luôn. Quyển của tôi được đánh máy trước khi ngài Thanh Từ về nước. Cuốn thứ hai là Pháp Hành Thiền Tuệ, của ngài Hộ Pháp. Hai cuốn này cho mình biết rằng khi mắt tai mũi lưỡi thân của mình – nói chung là ngũ song thức – biết cảnh trần, nó không phải biết một cách nghèo nàn đơn giản như từ xưa đến giờ mình đã học. Nghĩa là mình cứ học nhãn thức bắt cảnh sắc, biết đó là cái ly, cái tô, tham hay là sân… không phải như vậy, nó phải trải qua bao nhiêu lộ tâm, trải qua bao nhiêu cái gọi là diễn biến tâm thức: atitaggahana vithi, attha vithi, samuhana vithi, nama vithi (vitthi: process of the mind, tiến trình tâm thức). Khi mình nhìn thấy vật gì đó thì có lộ tâm nhãn thức chụp hình, cái thấy của nhãn thức chưa cho mình biết đó là cái gì, mấy lộ tâm tiếp theo, samuhana vithi thu gom cảnh (vuông, tròn dài, ngắn, xanh, vàng, tím, góc cạnh, hình thù ra làm sao), những lộ tâm sau cho mình biết cái này là cái gì, tên nó là gì, tác dụng của nó là gì; và khi mình nghe âm thanh cũng vậy. Quí vị tìm đọc cuốn Triết Học A Tỳ Đàm của tôi, trong đó có nói kỹ về lộ tâm này, khi con mắt, lỗ tai của mình nhìn thấy nghe thấy cái gì đó thì phải trải qua những diễn biến tâm thức như vậy, khi đó mới thấy cái biết của mình là sự lắp ráp của nhiều thứ.

Khi nghe từ ‘lao xao’ thì người VN thì viết ‘lao xao’, người Mỹ viết ‘loud sound’; nghe từ ‘ai’, thì người Việt viết ‘ai’, người Mỹ viết ‘I’, khi âm thanh vô tai thì nó phân tích ra. Chữ ‘dung’ trong tiếng Việt rất hay, nhưng trong tiếng Mỹ hay tiếng Đức nghĩa rất dở. Tiếng Việt chữ ‘loan’ rất hay nhưng tiếng Mỹ nghĩa là ‘nợ nần’. Chữ ‘sang’ trong tiếng Việt thì hay nhưng trong tiếng Pháp nghĩa là ‘máu’. Nhãn thức, nhĩ thức chỉ ghi hình ảnh, khi nó chuyển vào trong thì được dịch ra đa dạng kiểu.

Khi người VN nghe chữ ‘ai’ thì cứ nghĩ đến một chữ gồm chữ a và chữ i. Khi viết bằng tay thì chữ a là sự kết hợp của hai đường cong, và chữ i là sự kết hợp của một đường thẳng có dấu chấm bên trên, đó là sự lắp ráp. Bản thân chữ ‘a’ là sự lắp ráp, chữ ‘i’ cũng là sự lắp ráp, hai chữ đó cộng lại thành chữ ‘ai’ cũng là lắp ráp. Nghe cùng một chữ ‘ai’ nhưng tùy chỗ mà hiểu, ví dụ: “ai khổ vì ai” thì hiểu ‘ai’ là người nào đó, ‘bi ai’ thì hiểu là buồn khổ. “Hôm qua, qua nói qua qua, mà qua không qua”, “vợ cả vợ hai cả hai đều là vợ cả”, cùng một chữ “qua”, “cả” nhĩ thức nghe giống nhau mà vô lộ tâm thì phân tích khác nhau.

Bài kệ này sâu ở chỗ là bản thân lục trần là đồ lắp ráp. Bài kệ này nói về thinh trần nhưng đủ để đại diện tiêu biểu cho các trần còn lại. Khi nghe một mùi gì đó mình tha hồ diễn dịch, ví dụ mùi Chanel No.5 chẳng hạn, chỉ một mình cái bà nhiều chuyện mình ghét xài cái mùi này ở đây; trước ngày mình ghét bả thì mùi này ok, nhưng từ khi mình ghét bả thì mỗi lần nghe cái mùi này là mình không còn nghĩ đây là mùi thơm mà nghĩ đây là mùi của cái bà thấy ghét. Vị cũng vậy, mỗi lần mình ăn món gì mẹ từng nấu thì lại nhớ mẹ. Tôi nhớ có lần tôi đi đám tang ở Louisana, tôi đi đám tang nghe khóc cũng nhiều nhưng lần đó tôi thấy nghẹn. Có cô gái khoảng 15,17 đứng trước quan tài của bà ngoại trước khi đẩy vào lò thiêu, cổ chồm theo và nói một câu mà tôi thấy cả rừng người chết điếng “Ngoại ơi, ngoại đi rồi mai mốt con về ai chiên cơm cho con ăn”. Bên Mỹ người ta bỏ cơm nguội, chỉ có người VN thì mới chiên cơm, đây là những món đặc sản quốc hồn quốc túy của VN, copyright by Viet Nam. Thế hệ ở Mỹ chỉ còn sót lại thế hệ lớn tuổi, vài ba thế hệ sau thì người Việt ở Mỹ không biết cơm chiên từ cơm nguội cũ. Cô gái nói như vậy nghĩa là từ nay về sau mỗi lần cô gái này nghe mùi cơm chiên hay ăn cơm chiên sẽ nhớ tới ngoại là vậy đó.

Bài kệ này sâu ở chỗ nào? Thi ca đi ra từ vần điệu, chữ nghĩa đi ra từ âm tiết và ai là người sống chết với những thứ này, đó chính là thi nhân, văn sĩ. Họ là tiêu biểu cho chúng sinh còn lại. Toàn bộ thế giới này, ở lĩnh vực nào, thiên hạ cũng sống bằng những thứ lắp ráp, giả định, giả lập, giả tạo và ảo tưởng như vậy hết. Cũng những câu chữ này ngày mới quen nhau mình dùng để tán tỉnh nhau, làm thơ tình tặng nhau, nói cho nhau vui, về sau cũng những câu chữ này mình dùng để viết giấy ly hôn, giày vò, hành hạ nhau.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app