Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên – Phẩm Vườn Hoan Hỷ (nandanasutta)

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên

Phẩm Vườn Hoa Hoan Hỷ

Không Ai Bằng Con (Natthiputtasamasutta)

.. Ðứng một bên, vị Thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Thương ai bằng thương con,

Của nào bằng bò nhà,

Sáng nào bằng mặt trời,

Nước nào hơn biển cả.

(Thế Tôn):

Thương ai bằng thương mình,

Của nào bằng lúa gạo,

Sáng nào bằng trí tuệ,

Nước nào hơn mưa rào.

Có nhiều trường hợp người ta tìm đến gặp Đức Phật. Một vị tỳ kheo hoặc cư sĩ, hoặc vị Thiên nhân, họ tìm đến với nhiều lý do, muốn nghe Ngài giảng, hoặc đặt câu hỏi với Ngài. Có trường hợp họ đến nói một điều gì đó đang ưu tư, hoặc tâm đắc và họ biết sau khi nghe xong Đức Phật sẽ cho một lời dạy, một thời giảng dài ngắn nào đó. Chúng ta không có cơ hội gặp một người như Đức Phật, nếu chúng ta gặp một người như Đức Phật chắc chắn chúng ta sẽ thấy được điều đó, bằng chứng là dựa trong kinh ta thấy, bất cứ một đề tài nào, một đối tượng nào mà tìm đến với Đức Phật thì chỉ cần đủ duyên, đủ duyên chứng thánh trí hoặc đủ duyên nghe Ngài thuyết một hai câu pháp, thì lập tức sau khi nghe người ta nói cái gì đó người ta hỏi cái gì đó, Ngài có cái cớ để thuyết giảng vấn đề theo nhiều cách, khi thì Ngài nói trực tiếp, khi thì Ngài nói gián tiếp. Có nhiều khi trả lời thẳng yes or no, dứt khoát, có khi hỏi ngược lại người hỏi, hoặc có khi là giải thích, hoặc có khi sẽ im lặng.

Nhìn chánh kinh bài Kinh Nhìn chánh kinh bài Kinh Không Ai Bằng Con nếu chỉ xét trên mặt chữ thì thấy không có gì đặc biệt. Thực ra, đọc trong chú giải với một chút nghiền ngẫm sẽ thấy rằng bài kinh này đáng để mình suy tư. Thứ nhất là vị Trời đó trình lên Đức Phật suy nghĩ của mình, tuy là một vị Trời nhưng mà tập khí còn phàm phu, suy tư thì vẫn còn sót lại từ thời còn là nhân loại, cho nên vị này trình bày những cái mình thấy tâm đắc, vị này thấy trên đời này không có tình thương nào sâu và gần như bất biến như tình thương của cha mẹ dành cho con cái. Chuyện cha mẹ trao hết gia tài cho con, cha mẹ dám vì con mà chết, là chuyện bình thường trong xã hội loài người. Cả đời có thể họ không thương ai hết, bòn rút từng đồng từng cắc, gian thương, đầu nậu, làm đủ cách, nhưng đối tượng sau cùng họ dành dụm tài sản trao tặng chính là con của họ, thông thường là vậy. Vị Trời này thấy như vậy mới nghĩ rằng trên đời này không tình cảm nào bằng mẹ cha dành cho con cái, cũng vẫn theo cách nghĩ của loài người, vị này thấy trong xã hội nông nghiệp, đối với một người làm nghề nông thì gia súc (tiêu biểu là trâu bò) là số một. Có lúc người Tàu phá nền nông nghiệp của nước mình bằng cách mua những móng trâu. Muốn bán móng trâu phải chặt chân trâu, xem như giết mất con trâu. Dĩ nhiên đó chỉ là tin đồn thôi, nhưng đối với những người làm nghề nông nghiệp thì trâu bò là tài sản lớn. Suy nghĩ thứ hai của vị Thiên này cũng rất bình thường, trên đời này không có gì sáng bằng mặt trời, cũng không có nước nào nhiều và mênh mông bằng nước biển. Điều quan trọng nhất ở đây chính là câu trả lời của Đức Phật. Qua câu trả lời chúng ta sẽ hiểu theo nghĩa thông thường bằng kiến thức thường nhật của người sống trong xã hội, còn theo định ngghĩa trong kinh điển thì có những điểm đáng cho mình ghi nhớ.

Không thương ai bằng thương mình.

*Thương ai bằng thương mình

Ở đây Đức Phật trả lời tình thương lớn nhất không phải của cha mẹ dành cho con cái đâu mà lớn nhất chính là tình thương mỗi người dành cho bản thân mình. Tại sao như vậy? Trong chú giải có nói rằng, ngay cả khi cha mẹ bị con cái ruồng bỏ bạc đãi thì người cha hay người mẹ già đó vẫn phải tự bươn chải nuôi thân. Chuyện chưa hết đâu, chúng ta thấy như một vị Bồ tát Chánh Đẳng Giác, nói về thì đại bi đại trí thì đâu ai bằng Ngài, nhưng theo trong chú giải nói rằng mỗi mỗi thiện sự mỗi mỗi công đức mà vị Bồ tát Chánh Đẳng Giác thực hiện thì có 3 ý nghĩa:

1) Buddhatthacariya. Nhắm đến quả vị Chánh Đẳng Giác của mình cho kiếp sau.

2) Ñātatthacariya. Nhắm đến tiếp độ quyến thuộc. Ở đây chúng ta phải hiểu rằng không phải Ngài sống nặng tình cảm mà luẩn quẩn tình thân chật hẹp. Quyến thuộc bà con của một vị Phật là những người hỗ trợ, ủng hộ cho Ngài thực hiện Ba-la-mật chẳng hạn ngài Ananda, ngài Ca Diếp, vua Tịnh Phạn, bà Maya, ngài Rahula… đọc trong kinh Bổn Sinh nhiều lắm. Trong nhiều kiếp và nhiều kiếp, những người thân đó giúp đỡ Bồ tát rất nhiều. Vì vậy Bồ tát Chánh Đẳng Giác bận tâm quyến thuộc là chuyện đương nhiên. Ngay khi đã thành Phật rồi, không còn cái lòng phân biệt bỉ thử thân sơ nữa, nhưng đối với dòng họ Thích Ca, Đức Phật vẫn dành cho ưu tiên đặc biệt. Ví dụ người ngoại đạo theo tôn giáo nào đó muốn trở thành tỳ kheo thì ít nhất phải 4 tháng biệt trú. Biệt trú là phải học hỏi một phần Phật pháp, học cách đi đứng sinh hoạt, đắp y, mang bát, nói năng những cử chỉ lớn nhỏ để quen với nếp sống của một tỳ kheo PG, và 4 tháng biệt trú cho họ một bối cảnh để họ thấm thía xem lựa chọn của họ có đúng hay không. Bất cứ tu sĩ nam nữ nào từ ngoại giáo đều vậy, nhưng dòng họ Thích Ca thì được miễn 4 tháng biệt trú này. Không phải Đức Phật thiên vị, nhưng Ngài biết rõ những người thân thuộc của Ngài là người đặc biệt, ngay cả Đề bà Đạt Đa là người đặc biệt nhất trong đời Đức Phật, đầy oan trái liên tục với Đức Phật, hết sức làm phiền Ngài. Nhưng trước khi đổ đốn, thì ông ta là một vị tỳ kheo rất tốt, là một hoàng tử bỏ hết đi theo Phật, tam y một bát, ngày ăn một bữa, khi đói khi no, khi nóng khi lạnh, chứng thiền ngũ thông, chuẩn mực trên cả chuẩn mực, chỉ có điều là do tiền kiếp nhiều đời có oan trái với Đức Phật.

3. Lokatthacariya. Nhắm đến vô lượng chúng sinh hữu duyên mình sẽ tiếp độ sau này.

Đối với một nhân vật có tấm lòng bao dung hải hà như một vị Bồ tát Chánh Đẳng Giác mà chuyện đầu tiên vẫn nghĩ đến mình trước, chuyện quan trọng nữa là tập khí sanh tử, bản năng phản xạ tất nhiên của một phàm phu phải nghĩ đến mình trước. Thân kiến mà, phải nhắm đến mình trước, sau mới đến người khác. Còn phàm phu thì còn thân kiến, còn thân kiến thì việc đầu tiên là nghĩ đến ngã và ngã sở. Khi thương con thì việc đầu tiên là mình nghĩ đó là con của mình. Ngoài đời người ta nói nước mắt chảy xuôi, chỉ có cha mẹ thương con chứ chuyện con thương cha mẹ thì có nhưng không bằng một góc. Nhưng lý do sâu sắc mình phải thấy ở đây là tại sao? Bản năng của lòng thương con, đầu tiên vẫn là mình cái đã, vì con cái là sản phẩm, là công trình của mình, mình có thể thấy bóng dáng của mình qua con cái chứ không thấy bóng dáng của mình qua cha mẹ mình. Cha mẹ mình là người tạo ra mình làm gì có chuyện mình soi gương ngược bao giờ. Dầu con mình tệ thế nào đi nữa, thì con mình nó vẫn là của mình, thiết thân gần gũi với mình hơn cha mẹ trong khái niệm thân kiến của phàm phu. Phải nói như vậy! Người ta dễ với nặng lòng với tác phẩm công trình của mình (con) hơn là cội nguồn (cha mẹ) của mình. Nhìn thấy bóng dáng của mình qua cội nguồn thì rất là mờ nhạt, nhưng qua tác phẩm của mình thì rõ nét hơn. Nếu kể từ hôm nay ai đó hỏi tại sao chỉ có nước mắt chảy xuôi, cha mẹ thương con cái, tại sao Phật dạy mình không thương ai bằng thương mình, thì phải trả lời, con cái chính là bản sao của mình, là công trình, là di sản, là tác phẩm của mình nên mình phải nặng lòng hơn rồi, còn cha mẹ chỉ là nguồn cội, mà con người thường xoay lưng chối bỏ nguồn cội của mình, đó là bản chất của phàm phu. Hiểu được cái đó thì sẽ biết vì sao cho đến bây giờ ta vẫn còn lảng vảng trong cõi trầm luân này, bởi vì mình là gốc.

* Của nào bằng lúa gạo

Vị Trời nói gia súc là tài sản lớn nhất trong xã hội nông nghiệp. Điểm độc đáo là trong bốn câu trả lời của Đức Phật chỉ có một câu có vẻ liên hệ đến tu hành giải thoát, Ngài chỉ nói ‘ánh sáng’ là hai chữ ‘trí tuệ’ thôi, Ngài không nói gì đến tín, tấn, niệm, định, tuệ, Bát chánh đạov.v… Ngài không giải thích và không nói gì thêm, nhưng chúng ta hiểu ngầm, cảm nhận cái sâu sắc nằm sau chữ ‘trí tuệ’ đó. Ví dụ, ai đó gặp mình ở phi trường người ta chỉ đưa mình hai ba đóa hồng, một cái mỉm cười, một cái gật đầu thì biết đàng sau đóa hồng đó là “cả một trời yêu” chứ không cần một núi quà để thể hiện. Đôi lúc trong đời, chỉ một nụ cười đúng chỗ, một liếc mắt, một cắn môi, một cúi đầu đúng chỗ thôi, thậm chí một sự im lặng đúng chỗ thôi thì ý nghĩa vời vợi ở đằng sau. Ở đây cũng vậy, Ngài chỉ nhắc chuyện tinh thần một chút ấy thôi nhưng quí vị để ý tại sao Ngài bận lòng làm chi từng câu vị Trời ấy nói, tại sao Ngài không nói xẳng xớm rằng “tất cả đều vô thường, lo mà tu hành đi” cho xong? Ngài chìu vị Trời ấy như mẹ chìu con, con nói tới đâu mẹ nói theo tới đó, nói cho con vui, một cách rất thâm hậu. Với câu “thương ai bằng thương mình” đã mở ra cho mình một phương trời lồng lộng. Câu tiếp theo “của nào bằng lúa gạo”, sâu sắc ở chỗ nào? Có nhiều thứ gọi là tài sản, gia súc, nhà cửa, ruộng đất, châu báu, tiền bạc, nhưng Đức Phật nhắm đến cái gì thiết thân nhất. Trong chú giải nói, trong khi nguy cấp ngặt nghèo nhất, thì cái dai dẳng bền bỉ nhất là cái mình có thể bỏ vô miệng để sống. Tôi từng được nghe có những người mẹ bỏ ra một vốc vàng cho ông lái tàu lúc đi vượt biên để đổi lấy một xị nước cho con uống. Sẽ có một lúc nào đó vàng, kim cương châu báu không có giá trị gì hết, cái chúng ta cần nhất là cái gì thiết thân cấp thiết nhất. Vấn đề ở đây không phải là Đức Phật quan tâm đến lúa gạo hay chuyện ăn uống chung chung của phàm phu, đằng sau chữ lúa gạo Ngài muốn nói trong đời sống này hãy sở hữu cái gì thiết thân nhất. Lúa gạo phải thiết thân hơn gia súc. Quí vị còn nhớ sự tích Lang Liêu và bánh chưng bánh dày không. Vua Hùng chọn Lang Liêu chính là tinh thần này, giữa khi những hoàng tử khác chọn kỳ trân dị thảo trên rừng dưới biển thì Lang Liêu âm thầm chọn lúa gạo để làm cái bánh. Đời sống mong manh, con người nhỏ bé, vạn sự thì phù du ảo hóa như bóng nắng bên thềm, cái đáng cho chúng ta bận tâm nhất lưu ý nhất chính là những gì thiết thân nhất. Trong cuộc tu cũng vậy, đừng lăng xăng lít xít, hãy bận tâm cái gì chúng ta có thể đem theo lên giường chết. Tôi nhớ lần tôi thăm Sư trưởng trong bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Sư có nói với tôi: “Cả đời học Phật, nghiên cứu nào là duyên sinh duyên khởi, A-tỳ-đàm, Tạng Kinh lung tung, lúc cuối cùng mệt quá Sư chỉ còn biết quay trở lại với pháp môn bình dân nhất đó là pháp môn niệm Phật”. Ở đây không phải là tôi thổi phồng pháp môn niệm Phật, tôi chỉ muốn nói sự thiết thân nhất, cấp thiết nhất, lúc chỉ còn hơi thở ra vào thì họ quay lại cái sở trường của họ. Trong PG cũng có câu chuyện y như chuyện Lang Liêu, hay chuyện trăm trứng Âu Cơ trong truyện cổ VN. Tương truyền vua A Dục có 100 hoàng tử, trong một ngày vui vua truyền cho các hoàng tử đi tìm một tặng phẩm, tặng phẩm nào vua vừa ý nhất thì hoàng tử ấy sẽ được trao vương quyền. Trong kinh nói có một hoàng tử xấu trai nhất, như tổng thống Lincoln của Mỹ vậy đó, lỏng khỏng da dẻ xấu xí. Trong khi người ta đem về châu báu, ngựa trắng, kiệu vàng, hoàng tử xấu xí này đem về cái nồi đất đựng cơm. Vua hỏi: Con nghĩ sao mà đi tới đây với lễ phẩm không ra làm sao hết vậy. Hoàng tử đáp: Thưa cha, cha đâu có thiếu gì đâu, cái quan trọng đây là tinh thần của tặng vật. Trong xã hội này người đáng trọng nhất chính là người lớn tuổi; trong muôn thú con voi là con lớn nhất nên con cưỡi con voi già đến đây. Con dùng cái nồi đất thay vì nồi vàng nồi bạc vì đất chính là tượng trưng cho địa cầu này chính là chỗ sống, tồn tại, của muôn loài. Cơm là món ăn, là nguồn sống cho tất cả mọi hạng người sang hèn mưu trí (tất nhiên là ở Ấn Độ thôi chứ người Ý thì ăn Spaghetti, Pháp, Thụy Sĩ họ ăn bánh mì). “Của nào bằng lúa gạo” chính là lời Đức Phật dạy chúng ta hãy sở hữu cái gì thiết thân nhất, có thể cần đến trong mọi nơi mọi lúc, từ đời sống đến cuộc tu. Ngài nhắn nhủ chúng ta hãy sở hữu cái gì mang tính đắc dụng, cơ động nhất. Có hai chữ này ‘cơ động’ và ‘địa hình’‘Cơ động’ là rất là linh động, cần là có, như “cảnh sát cơ động”. Trong tiếng Mỹ có một chữ gọi là ‘Terrain’, các loại đồ thể thao – du lịch có một số đồ dành cho mọi ‘địa hình’ (All Terrain Sports), chỗ nào gập ghềnh, khúc khuỷu vẫn có thể sử dụng được, trong hoàn cảnh nào cũng “chân cứng đá mềm” hết.

Ánh sáng trí tuệ

*Sáng nào bằng trí tuệ

Với câu của vị Trời “Sáng nào bằng mặt trời”, Đức Phật trả lời bằng câu “Sáng nào bằng trí tuệ” mang ý nghĩa ánh sáng trí tuệ hơn hẳn tất cả các ánh sáng khác kể cả ánh sáng mặt trời. Đây là nói theo trình độ khoa học của con người thời đó mà thôi. Chỗ tôi đang ở hiện nay, 10 giờ đêm trời vẫn còn hơi sáng sáng. Đêm qua lúc đi ngủ sớm khoảng 10 giờ, tôi liếc ra bên ngoài trời vẫn còn sáng, không đủ để đọc báo, để coi chỉ tay nhưng vẫn còn sáng. Không phải không gian thời gian nào ánh sáng mặt trời cũng làm việc được, nhưng ánh sáng trí tuệ thì khác, dù trong phòng tối thế nào với ánh sáng trí tuệ mình cũng làm việc được, mình có thể suy tư về chuyện quá khứ, suy tư về chuyện tương lai trong khi ánh sáng mặt trời không thể soi rọi được như vậy, không thể mong mỏi ánh sáng hôm nay soi rọi chuyện cũ hôm qua được. Ánh sáng trí tuệ giúp cho mình cắt đứt vô minh, giải thoát sinh tử chứ ánh sáng mặt trời thì không thể.

 

*Nước nào hơn mưa rào

 

Vị thiên nói không nguồn nước nào hơn đại dương, Đức Phật nói không có nguồn nước nào hơn mưa, hiểu theo nghĩa bóng của câu thứ tư này giống nghĩa bóng của câu thứ hai. Đại dương là nguồn nước lớn nhất trên hành tinh, Xuân Diệu nói trái đất này là một giọt lệ, vì nước nhiều quá, đáng gọi là một giọt lệ giữa vũ trụ bao la. Trên đời này, nguồn nước lớn nhất chính là đại dương. Trong Nam Hoa kinh, Trang Tử cũng nói: Sở dĩ mà biển được xem rộng nhất, nhiều nhất, lớn nhất vì biển nằm vị trí thấp nhất trong địa cầu này, con người sống càng khiêm tốn thì càng nhận được cái hay từ thiên hạ. Biển là nguồn nước lớn nhất nhưng không phải loài nào ở đâu cũng nhận lợi lạc từ biển, người khát nước không uống nước biển, ở Tây Tạng, Lào, Mông Cổ, Thụy Sĩ làm gì biết biển. Tất cả nguồn nước ở hành tinh này chỉ là sự hoán chuyển đắp đổi luôn luôn mà thôi, tất cả các loại nước (kể cả nước cống) khi bốc hơi thì thành mưa, ý nghĩa thâm sâu của câu này: Hãy là nước mưa, đừng là nước biển. Vì nước biển dầu gì cũng còn chỗ xa cách với nhân gian, có những không gian thời gian mà nước biển không lợi lạc cho chúng sinh, còn những trận mưa rào thì ngọt ngào, lợi lạc cho chúng sinh nhiều hơn. Sống ở đời phải sở hữu những gì thiết thân, hãy sống như những trận mưa rào, hơn là sống như đại dương, vì qua đó gần gũi, sẻ chia được nhiều hơn, đó chính là tinh thần ẩn dụ của bài kinh này, học Phật phải học như vậy đó. Bên Tàu có câu “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”, cứ bám khư khư mặt chữ, không biết đọc sách bằng con mắt thứ ba nằm giữa hai con mắt của mình thì phụ lòng chư Phật ghê lắm. Chỉ một lời nói ngắn lìa kinh điển thì đã nói theo ma, mà khư khư theo kinh điển thì nói oan chư Phật.

GIAI CẤP SÁT ĐẾ LỴ (Khattiyasutta)

Giữa các hàng hai chân, Sát-lỵ là tối thắng,

Giữa các loài bốn chân, Bò đực là tối thắng,

Trong các hàng thê thiếp, Quý nữ là tối thắng.

Trong các hàng con trai, Trưởng nam là tối thắng.

(Thế Tôn):

Giữa các loài hai chân, Chánh giác là tối thắng.

Giữa các loài bốn chân, Thuần chủng là tối thắng.

Trong các hàng thê thiếp, Nhu thuận là tối thắng.

Trong các hàng con trai, Trung thành là tối thắng.

Có một chuyện thế này, hình dáng, ngoại dạng của các loài chúng sinh nhiều lắm, không chân, hai chân, bốn chân, hay cả trăm chân như con rít [Chuyện bên lề: Con rít tiếng Latin hay tiếng Anh hay Mỹ đều là centipede (Centi là 100, pedes là chân), tiếng Pāḷi cái chân cũng là pada. Tiếng Latin, dens là cái răng, tiếng Pāḷi, dentaSoup, trong tiếng Pāḷi là Supa], nhưng đặc biệt trong các loài chúng sanh, loài cao cấp nhất phải là loài hai chân. Theo trong kinh, hình dáng chuẩn nhất chính là Phạm thiên, họ cân đối, cao lớn và đẹp, âm thanh của họ là Phạm âm (bhramasara), Phạm âm là tiếng nói của Phạm thiên. Trong các loài chim có loại chim Ca-Lăng-Tần-Già [kalaviṅka (Skt), Karavika (Pāḷi)], giọng nói của Phạm âm hay tiếng con chim này hót đều rất là hay. Chim Karavika có tiếng hót làm mềm lòng người. Khi chim cất tiếng hót, một con thú lớn đang săn mồi nghe là dừng lại, con thú nhỏ bị rượt đuổi cũng không sợ hãi, cũng đứng lại lắng nghe. Chính vì những điều nói trên đây mà câu đầu tiên trong bài kinh này là “Giữa các loài hai chân” (dvipada). Đó là lý do vì sao Đức Phật được gọi là “lưỡng túc tôn”, ai đi chùa Bắc Tông sẽ biết câu này, Phật là Lưỡng túc tôn còn chánh pháp là Ly Dục Tôn, tăng chúng là Chúng Trung Tôn nghĩa là trong các loài hai chân thì Đức Phật là số 1; trong tất cả các pháp thì Bát chánh đạo là số 1; ý nghĩa tối hậu của Bát chánh đạo là ly dục, ly dục đối với năm trần, thiền sắc, thiền vô sắc, sự hiện hữu của uẩn xứ giới, Tăng chúng được gọi là Chúng Trung Tôn nghĩa là không hội chúng nào trên đời này bằng hội chúng tăng già. Bởi vì tinh thần ở đây chính là buông bỏ hết mọi thứ, đạo mình lạ một cái là anh càng nắm giữ chừng nào kể cả cái tốt đẹp nhất đi nữa, thì anh càng tệ hại. Một cậu học trò kiêu ngạo tự đắc, xem trời bằng vung, mục hạ vô nhân, miễn là học giỏi từ tiểu học sẽ lên trung học, một học sinh kiêu căng tự đại thế nào đi nữa miễn là học giỏi, sẽ lên đại học. Và sinh viên kiêu căng tự đại đến mấy nếu học giỏi thì sẽ lên đại học, sẽ có bằng cử nhân, tiến sĩ… kiêu căng chảnh chọe cỡ nào đi nữa miễn là có năng lực, có trình độ thì sẽ học lên ào ào, tuy nhiên, trong Phật pháp thì không như vậy. Một người có giới luật thanh tịnh, có lòng hào sảng bố thí, một người có khả năng chứng đắc thiền định, có khả năng tu tập thiền Chỉ thiền Quán nói chung, chỉ cần có lòng kiêu ngạo thì không đi xa được, đó là cái độc đáo của Phật pháp. Giáo pháp của Đức Phật phải nhắm đến sự buông bỏ, hội chúng của Đức Phật phải là hội chúng có thể thật sự buông bỏ, bằng không là giáo pháp đó không phải của Đức Phật. Ly dục tôn, Chúng trung tôn là chỗ đó. Từ đó, người có được giáo pháp xuất sắc như vậy, có được hội chúng như vậy, chỉ có Đức Phật thôi, nên Đức Phật được gọi là Lưỡng túc Tôn, nghĩa là Ngài có hệ thống giáo lý xuất sắc và hệ thống đệ tử xuất sắc, từ Phạm Thiên trở xuống không ai sánh bằng Đức Phật hết.

Ở ngoài đời mình khen một vị nào (thủ tướng, tổng thống hay giáo hoàng…) vì vị đó có cái này có cái kia, nhưng trong tinh thần Phật pháp, Đức Phật vĩ đại là vì cái gì Ngài cũng bỏ. Bỏ không phải vì Ngài không có, nhưng mà là Ngài có từ chỗ Ngài bỏ. Người đời có do thu gom, còn Đức Phật có vì Ngài từ bỏ, vợ con tài sản, ngai vua, sự nghiệp hoàng tử… Ngài bỏ hết, bỏ trong nhiều đời nhiều kiếp. Rồi lúc đi xuất gia, đứa con đầu lòng mới chào đời, Ngài bỏ luôn để ra đi. Khi đắc được sơ nhị tam tứ thiền lúc nhỏ, lúc đi học với thầy đắc các loại thiền, đắc đến vô sở hữu xứ, Ngài thấy chưa tới, đến Phi tưởng phi phi tưởng thấy cũng chưa tới, và Ngài bỏ. Đây là thời điểm quan trọng trong cuộc đời Đức Phật mà đa số chúng ta đọc sơ sài chỗ này. Thái độ cầu đạo của Ngài thật đáng lưu ý, cái gì Ngài cũng bỏ và cuối cùng Ngài được tất cả chỉ vì Ngài đã bỏ tất cả, khi thành Phật rồi thì chỉ có tam y quả bát. Nếu có người hỏi quí vị rằng, giữa hai vị A-la-hán, một vị Chánh Đẳng Giác với vị Thanh văn, vị nào buông nhiều hơn thì thấy vị Chánh Đẳng Giác vẫn buông nhiều hơn. Vì sao? Ngay khi hành Ba-la-mật, Ngài buông hết mọi thứ vật chất, buông cả tánh mạng. Vị Thanh văn chỉ buông tài sản ngoại thân thôi. Khi thành Phật rồi vị Thanh văn bỏ hết tất cả phiền não, vị Chánh Đẳng Giác cũng bỏ hết phiền não, nhưng có một cái vị Thanh văn không thể nào buông được đó là sự bất tri. Sự bất tri đây không phải là phiền não, vị A-la-hán Thanh văn chưa buông hết chỗ mình không biết. Vị Chánh Đẳng Giác buông toàn diện, buông cả cái không biết, vì vậy Ngài được xem là bậc Lưỡng Túc Tôn, tối thắng giữa loài hai chân, loài hai chân tối thắng trong các loài khác.

*Thuần chủng là tối thắng

Cái này hơi chuyên môn chút, tôi chỉ giảng theo kinh thôi không lấn sân sang lĩnh vực của sinh vật học. Theo trong kinh giải thích, loài thuần chủng (ājānīya) nghĩa là loài không bị lai tạp với các loài thú khác. Có những loại thú lai tạp sẽ tốt hơn loài thuần chủng, nhưng có những loài lai tạp sẽ mất đi những bản sắc của loài đó. Con Liger là một sự kết hợp giữa con cọp (tiger) và con sư tử (lion), con Leopon là sự kết hợp giữa con báo (leopard) và sư tử (lion), nó rất to. Theo quan điểm sinh học của người Ấn Độ thời đó, thú thuần chủng không lai là tốt nhất, con voi, con ngựa trong kinh của vua cưỡi cũng là con vật thuần chủng. Con ngựa Kiền Trắc mà Bồ tát Tất Đạt cưỡi trong mấy năm lúc còn là hoàng tử và lúc đi xuất gia cũng là con ngựa thuần chủng, nó khôn một cách đặc biệt. Trong chú giải có kể câu chuyện hơi huyền thoại một chút, khi chủ ngồi trên mình, nó còn sợ chuyện chủ bị ướt. Những ẩn dụ đó chỉ là nền để gởi gắm một câu chuyện khác.

*Nhu thuận là tối thắng

‘Quý nữ’ (Komārī)ở đây có nghĩa là gái trẻ, gái tơ (sớm 13, vừa 16), bà Yasodhara lấy chồng lúc 16 tuổi. Đức Phật nói, trong các loài hai chân, tối thắng là Chánh Đẳng Giác, trong các loài cầm thú thì thuần chủng là tối thắng, trong các hàng thê thiếp thì ở đây Ngài không nhấn mạnh về tuổi tác mà nhấn mạnh về chữ “nhu thuận” (Sussūsā). Một bà vợ đẹp, giàu cách mấy, xuất thân danh giá cách mấy nhưng coi chồng không ra gì hết, sống với nhau mà không nể mặt nhau thì lấy gì mà sống. Bên Tàu có câu rất là hay: Phu phụ tương đãi như tân (vợ chồng đối đãi nhau như khách), ngày mới quen nhau đối nhau thế nào thì sau này cũng vậy, tương kính như tân. Đàn ông là trụ cột trong nhà cáng đáng cực khổ, phụ nữ phải gồng gánh việc nhỏ hơn trong nhà, có cương có nhu, có âm có dương, đây là cả vấn đề triết học.

Theo chú giải, “surūpā vā virūpā vā” một người phụ nữ dầu đẹp hay xấu có lòng nhu thuận thì vui vẻ hạnh phúc hơn. Ngay cả ông chồng có lỗi lầm hay có người khác bên ngoài, mà cô vợ dễ thương biết bổn phận thì cơ hội ông chồng quay về rất lớn, tôi nhân danh đàn ông trên hành tinh này mà nói. Ghen tuông hung hăng hay thiếu thông cảm chỉ đẩy nhau xa hơn mà thôi, trong hàng phụ nữ, “nhu thuận là tối thắng”là vậy đó.

*Trung thành là tối thắng

Vị trời nói trong đám con cái, trưởng nam là số một, thì Đức Phật nói không phải như vậy, vì con có ba hạng: 1. Con thua cha mẹ (avajata), 2. Con bằng cha mẹ (anujata), 3. Con hơn cha mẹ (atijata). Nói như vậy nghĩa là con thứ hay con cả không quan trọng mà vấn đề là bản thân của từng đứa, đứa nào cũng có khả năng là một trong ba hạng trên. Đức Phật dạy rằng vấn đề không phải là con cả hay con út, mà vấn đề là “assavo”, HT Minh Châu dịch là ‘trung thành’, còn trong chú giải gọi là “ovādapaṭikaro”, người con số một trong chánh tạng gọi là “assavo” nhưng trong sớ giải giải thích là ovādapaṭikaro,người con “biết nghe lời sắp xếp của cha mẹ”.

Có cô kia còn trẻ, đi chùa tinh tấn, nhưng thay tình như thay áo, má cô hỏi: Sao mày giỏi Phật pháp mà lãng mạn đa tình bay bướm vậy. Cô trả lời, dạ con nghe mấy thầy giảng là không có tiếc cái gì hết mới thành Phật nên có nhiêu con cho hết nhiêu, “tình cho không biếu không”. Hiểu kiểu đó là chết rồi. Ở đây phải hiểu ngầm là, với người chồng là người chồng tốt thì người vợ mới là “nhu thuận” (Sussūsā) nghen. Bên Tàu có câu “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Bất hiếu hữu tam là: 1. Không phụng dưỡng cha mẹ, 2. Thấy cha mẹ làm sai không can gián, 3. Không con nối dõi. Việc nghe lời cha mẹ ovādapaṭikaro thì mình là con người chứ không phải con vật, không nhắm mắt nói sao nghe vậy theo từng lời từng chữ, mà phải kế thừa có phê phán, có chọn lọc.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app