Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 8: Tương Ưng Trưởng Lão Vangisa

SĀRIPUTTA (XÁ-LỢI -PHẤT)

Thiện xảo đạo phi đạo

Chữ đáng lưu ý: ‘maggāmaggassa kovido’, HT Minh Châu dịch là “thiện xảo đạo phi đạo”,đây là một vấn đề lớn. Một người tu học, nếu quan tâm, chỉ riêng chữ này cũng đáng để mình suy nghĩ. “Thiện xảo đạo phi đạo” là biết rõ cái gì nên và không nên, biết rõ cái gì đúng và sai, tùy theo trình độ của mỗi người mà thiện xảo này khác nhau. Ngày mình chưa biết Phật pháp, một là mình thích cái gì mình làm cái đó, thiện ác bất phân. Khá hơn một chút, tuy không biết Phật pháp nhưng mình cũng còn biết cái gì là đạo đức, cái gì là bất nhân bất nghĩa, cái gì là vi phạm pháp luật, xã hội lên án. Có lần tôi kể quí vị nghe câu chuyện khi tôi về thuyết pháp ở Bến Tre, ngoài vườn chôm chôm, có ông cụ ngoài tám mươi tuổi nói thế này: Một đời của tôi làm lành lánh dữ, nên giờ tôi có đi cũng yên tâm rồi, ông bà già để lại miếng đất, tôi chí thú làm ăn, lớn lên có vợ có con, làm tròn trách nhiệm người chồng người cha, láng giềng thì tôi cũng không có lỗi lầm với ai, không vi phạm pháp luật, giờ già ngồi nhớ lại cũng vui, một đời tôi không làm gì ác. Năm đó tôi còn trẻ nhưng tôi giựt mình, tôi biết hàng triệu người VN cũng nghĩ như ông, sống như vậy là quá ngon lành rồi. Tôi nói: Nếu ông ngồi nghĩ kỹ lại, cái mà ông nói là thiện chỉ là vấn đề pháp luật và dư luận thôi, còn chuyện ông nói rằng ông là người tốt, thật ra ông chỉ tốt với cha mẹ, vợ con, gia đình thôi chớ có bao giờ ông có biết nghĩ tới người khác ngoài gia đình bé nhỏ của ông hay không. Chuyện đó là không có rồi đó, nói chi là tấm lòng của ông đối với loài chúng sinh không phải con người, đối với tiểu thú là ông càng không biết. Khi mình chưa biết đạo, chuyện phân biệt thiện ác, nên và không nên rất là hạn chế. Tới ngày mình biết đạo, mình vô chùa mình cúng chút ít, thỉnh thoảng có dịp thọ bát quan trai, thỉnh thoảng nghe pháp tụng kinh bố thí cúng dường phục vụ tăng ni chút ít việc nặng nhọc gì đó, mình nghĩ là đủ, nhưng chưa tới đâu hết, phiền não của mình là một núi, còn nỗ lực công đức của mình chỉ là lấy cái móng tay khều thôi, không thấm thía vào đâu hết. Vì vậy việc cho rằng những công đức đó là đủ thì quá vội. Đạo phi đạo đặc biệt lắm, khi mình chưa biết đạo thì mình chỉ biết những gì liên hệ dư luận, pháp luật để mình tránh thôi, người khá hơn chút thì không làm gì để cắn rứt lương tâm. Tiêu chuẩn đạo đức ở mỗi người khác nhau, có việc A thấy được mà B thấy không được, ví dụ có người thấy chuyện đánh vợ mắng con là bình thường, còn có người thì thấy việc ra tay với đàn bà thì không nên, chỉ chút xíu vậy đã khác nhau rồi. Trong đạo cũng vậy, mình đi xuất gia, cạo đầu đắp y, sau năm hạ mười hạ mình thành đại đức, thượng tọa, hòa thượng rồi từ từ mình có chùa, có năm ba chục Phật tử, mỗi nửa tháng có buổi giảng cho Phật tử đến cúng dường rồi ai chết mình đi làm đám cầu siêu, ai bị bịnh, tân gia đầu năm đầu tháng mình cầu an, ai tới chùa mình biết cái gì nói cái đó, cứ tiếp tục như vậy thì năm chục năm ba chục năm cũng là tu thôi, nhưng thật ra chưa tới đâu hết, còn phải có trách nhiệm với pháp học pháp hành nữa, biết năm ba điều luật để giữ mình cũng chưa đủ, còn phải biết luật để giải quyết những vấn đề của tăng sự, giáo hội nữa. Như vậy cũng chưa đủ, bản thân còn phải biết căn bản về giáo lý, duyên sinh duyên hệ. Còn pháp hành nữa, phải biết kiến thức căn bản về Tứ Niệm Xứ, thiền Chỉ thiền Quán, chớ còn nghĩ là mình chẳng làm gì phạm giới thì được rồi, là chưa đủ. Có một ngàn lẻ một chuyện phải làm. Chỉ nói riêng chuyện hành giả được cảm giác hỷ lạc, thấy lâng lâng nhẹ nhẹ mát lạnh thì nghĩ là đủ rồi, tự hào tự đắc cho mình đã chứng rồi cũng chưa được. Trong thiền quán có từ đặc biệt lắm, khi mình chưa biết đạo thì mình chỉ biết những gì liên hệ dư luận, pháp luật để mình tránh thôi, người khá hơn chút thì không làm gì để cắn rứt lương tâm. Tiêu chuẩn đạo đức ở mỗi người khác nhau, có việc A thấy được mà B thấy không được, ví dụ có người thấy chuyện đánh vợ mắng con là bình thường, còn có người thì thấy việc ra tay với đàn bà thì không nên, chỉ chút xíu vậy đã khác nhau rồi. Trong đạo cũng vậy, mình đi xuất gia, cạo đầu đắp y, sau năm hạ mười hạ mình thành đại đức, thượng tọa, hòa thượng rồi từ từ mình có chùa, có năm ba chục Phật tử, mỗi nửa tháng có buổi giảng cho Phật tử đến cúng dường rồi ai chết mình đi làm đám cầu siêu, ai bị bịnh, tân gia đầu năm đầu tháng mình cầu an, ai tới chùa mình biết cái gì nói cái đó, cứ tiếp tục như vậy thì năm chục năm ba chục năm cũng là tu thôi, nhưng thật ra chưa tới đâu hết, còn phải có trách nhiệm với pháp học pháp hành nữa, biết năm ba điều luật để giữ mình cũng chưa đủ, còn phải biết luật để giải quyết những vấn đề của tăng sự, giáo hội nữa. Như vậy cũng chưa đủ, bản thân còn phải biết căn bản về giáo lý, duyên sinh duyên hệ. Còn pháp hành nữa, phải biết kiến thức căn bản về Tứ Niệm Xứ, thiền Chỉ thiền Quán, chớ còn nghĩ là mình chẳng làm gì phạm giới thì được rồi, là chưa đủ. Có một ngàn lẻ một chuyện phải làm. Chỉ nói riêng chuyện hành giả được cảm giác hỷ lạc, thấy lâng lâng nhẹ nhẹ mát lạnh thì nghĩ là đủ rồi, tự hào tự đắc cho mình đã chứng rồi cũng chưa được. Trong thiền quán có từ “đạo phi đạo tri kiến tịnh”nghĩa là nếu hành giả tu đúng pháp môn Tứ Niệm Xứ, hành giả sẽ thành tựu nhiều pháp tánh rất là đặc biệt, ví dụ như thấy trí tuệ mình sáng ra, thấy đức tin Phật pháp mãnh liệt hơn, thấy sức tinh tấn mạnh mẽ hơn, thấy thân thể mình có những niềm an lạc mà trước đây chưa bao giờ có. Thậm chí có người cảm nhận như là ánh sáng hào quang từ cơ thể mình nữa. Tất cả những cái đó được xem là cạm bẫy của người tu (Tùy phiền não quán). Nếu lấy riêng ra mà nói, tu hành mà huệ sáng ra, sức tinh tấn mạnh ra, niềm tin thuần cố vững vàng hơn thì đúng là tốt nhưng nếu mình bám vào đó và thấy mình đắc chứng gì đó thì đó là sai, vượt qua được cái này biết đó là đồ giả, là cõi tạm, quán trọ, biết như vậy là đạo phi đạo tri kiến tịnh. Chỉ riêng việc biết rõ cái gì nên cái gì không nên, cái gì tốt, cái gì xấu, chỉ riêng cái chữ này không thì nói không biết bao nhiêu phút rồi. Ngoài đời hiểu “đạo phi đạo”theo nghĩa khác, ngay cả những người đời với nhau đã chênh lệch, đã sai biệt nói chi là trên đường tu của tăng ni Phật tử, trong giới hành giả thiền Chỉ thiền Quán. Từng bước từng bước, miễn là còn phàm chưa là thánh thì chúng ta phải luôn luôn và liên tục phát hiện ra cái gì cần phải vượt qua, cái gì cần phải sửa đổi, cái gì cần phải thêm, cái gì cần phải bớt. Đời tu hành nếu mà phải nói gọn thì có thể nhắc lại câu nói của ông Rodin: Tôi đem về một hòn đá, một khúc gỗ, bỏ đi những chỗ thừa, cái còn lại là tác phẩm điêu khắc. Bí quyết này nghe đơn giản nhưng rất là sâu. Thậm chí Nê Thẩm, một danh họa TQ đời nhà Tống, ông cũng có một nguyên tắc hội họa rất độc đáo, một trong những lời nhắc nhở của ông để lại cho người sau trong đó có câu như thế này: Khi bắt đầu vẽ vào bức tranh người ta chỉ quan tâm chỗ nào mình có thể đặt cây cọ vào, và khi ngắm tranh, người ta chỉ quan tâm chỗ nào được vẽ, chỗ nào có mực, nhưng như vậy chưa đủ, mình phải quan tâm chỗ trống còn lại của bức tranh nữa. Ví dụ như bây giờ mình vẽ một người ốm, nét mực của mình thay vì ở điểm A thì phải nằm ở điểm B thì người đó mới ốm được, chớ nét mực hơi mạnh tay một chút, hơi nhòe ra một chút, hơi rộng ra một chút thì người đó mập ra mất rồi đâu còn đẹp nữa. Muốn vẽ Quan Công, Trương Phi, Lý Quỳ thì bắt buộc chỗ râu phải đậm, mực nhiều hơn một chút thì mới ra hàm râu của họ, nghĩa là chẳng những phải quan tâm đến chỗ đặt cọ vô mà còn quan tâm chỗ trống còn lại, cái chỗ trống đó mới cho phép mình liên tưởng cái này cái kia, một khoảng trời, một mặt hồ, mặt sông mặt biển. Khi vẽ bức tranh phải có cái nhìn toàn diện, chỗ này phải có mực, chỗ này không nên có mực…. Trong đường tu, thái độ đó gọi là đạo phi đạo, thiện xảo là chỗ đó.

Quay lại ngài Xá Lợi Phất, dĩ nhiên đạo phi đạo của ngài Xá Lợi Phất sâu và rộng gấp triệu lần so với người khác. Lẽ ra chỗ đó người ta hỏi mình, mình chỉ nói tới đó thôi, mình biết tới đâu mình nói tới đó. Cái biết ngài Xá Lợi Phất rộng hơn mình nên ngài lựa chọn, cân nhắc nhiều hơn mình. Chỉ riêng chuyện nói ngài phải suy tính nói như thế nào để cho người này hiểu nhanh hơn, dễ nhớ hơn. Nói như thế nào để tất cả những vấn đề liên quan phải được trình bày rốt ráo không bị bỏ sót, người như vậy được gọi là thiện xảo trong đạo phi đạo, nghĩa là chỗ này nên nói, chỗ này nên nói nhưng không phải lúc này, không phải cho người này, không phải cho trường hợp này, không phải cho chỗ này, không phải cho hoàn cảnh này, không phải cho thời điểm này, ngay trong việc nên nói còn phải lựa chọn nói chi là những điều không nên nói ra. Đạo phi đạo thiện xảo là chỗ đó. Đạo phi đạo tối thiểu có ba bước:

-Bước một: phân biệt tốt và xấu để lánh ác chọn thiện.

-Bước hai: khi giữ lại cái thiện rồi thì xem xét hoàn cảnh nào nên và không nên.

-Bước ba: trau chuốt, trong những cái nên thì phân biệt cái nào tốt hơn.

Nếu người tu chỉ hiểu sâu chữ đạo phi đạo này thì đã thành thánh rồi. Bài kinh này sâu từng chữ như vậy. Đạo ở đây là lý lẽ. Trong lĩnh vực này thì ngài Xá Lợi Phất dĩ nhiên không bằng Đức Phật, vì vậy trong việc độ sinh ngài Xá Lợi Phất vẫn còn có chỗ không chắc vì cái biết của ngài không được như cái biết của Đức Phật – bậc Toàn Giác. Khi người ta xuất gia, ngài Xá Lợi Phất biết tánh tình người ta như vậy phải nói cái này phải dạy cái này mới thích hợp với họ, thật ra có khi ngài thấy không tới. Trong kinh có kể trường hợp ngài Xá Lợi Phất dạy thiền cho đệ tử suốt ba tháng mà không thấy thành tựu chút xíu nào hết, ngài đem đệ tử đến trình Đức Phật và nói rằng: Con dạy cho người này ba tháng rồi, người này rõ ràng huệ căn cao, ngộ tánh khá, thông minh sắc sảo tinh ý nhanh nhạy, con đã dạy đề mục bất tịnh mà người này không thấm gì hết, chuyện này chưa từng xảy ra. Đức Phật bảo ngài Xá Lợi Phất để đệ tử đó ở lại rồi chiều đến đưa về. Trong kinh có chỗ kể rộng có chỗ kể hẹp, có chỗ nói Đức Phật cho vị này một lá y mới rồi dắt đến nhà của một Phật tử đã thỉnh Đức Phật từ lâu lắm đến đó thọ trai, xong xuôi Ngài dắt vị này ra hồ sen của chùa Kỳ Viên, nơi đó có những đóa sen còn kín nụ, đang hàm tiếu hoặc đã mãn khai, và bảo ngồi ở đó ngắm cảnh. Các vị tưởng tượng có ai được như vậy không, đến viếng chùa mà vị trụ trì đối xử với mình được như vậy là đại phúc đại hạnh rồi, huống chi đây là vị Chánh Đẳng Chánh Giác, dắt cho đi ăn ở nhà đàn tín đại gia, về rồi dắt ra hồ sen ngắm cảnh. Hôm nay các vị về Ấn Độ, hồ sen đó dĩ nhiên không còn nữa. Từ trong hương thất, Đức Phật quan sát nội tâm vị tỷ kheo ngồi bên ngoài và biết vị này đang chú ý đến hoa sen, Ngài dùng thần thông làm cho đóa sen đó từ hàm tiếu đến đại đóa rồi cuối cùng rụng từng cánh chỉ còn gương sen, gương sen từ màu xanh lá cây nhạt chuyển sang đậm dần rồi từ từ úa vàng, khô dần lại quắt queo và gãy gục xuống hồ. Tất cả quá trình đó diễn ra trong thời gian rất ngắn, làm cho tâm vị tỷ kheo này dao động thấy sự kỳ lạ và kinh cảm cái vô thường, vị này đã chứng quả A-la-hán. Buổi chiều hôm đó ngài Xá Lợi Phất đến Đức Phật bàn giao người học trò và nói rằng chuyện nên làm đã làm rồi. Ngài Xá Lợi Phất biết rằng, vị này vốn làm thợ bạc chỉ quen với những thứ đẹp đẽ tinh khiết, hưởng thụ ăn ngon mặc đẹp, tự hào về làn da, sức vóc của mình, ngài nghĩ vị này thích hợp với đề mục bất tịnh để bỏ đi những tham ái đó, nhưng ngài Xá Lợi Phất không nghĩ rằng trong căn cơ vị này có chút vấn đề. Sức nhớ của ngài Xá Lợi Phất có thể nhớ vô số kiếp của vị tỷ kheo này, nhưng ngài không đủ sức để biết trong những sự kiện diễn ra trong đời quá khứ của vị này, sự kiện nào để lại ấn tượng như thế nào trong con người này. Về mặt này ngài Xá Lợi Phất không bằng Đức Phật. Ví dụ, tôi biết rõ quí vị là một người đã từng đi tám chục quốc gia, tôi biết rõ quí vị xuất thân giàu có, từng ăn bao nhiêu thức ăn trên các thành phố trên thế giới, đã ăn món gì của nước nào, khổ nỗi, chiều nay các vị đến nhà tôi, dù cuộc đời các vị tôi rất là rành, nhưng nếu không phải là người chí thân làm sao tôi biết các vị thích món gì để đãi chiều nay. Không phải tôi không biết cuộc đời các vị, tôi đã theo dõi các vị 40 năm nay rồi, các vị đi đâu làm gì với ai, ăn gì mặc gì, tôi nhớ hết, rõ hơn cả quí vị nữa, nhưng khổ một nỗi, nếu không thể là chỗ chí thân chí ái làm sao tôi biết trong số hàng ngàn thức ăn quí vị đã ăn trong tám chục quốc gia mấy chục năm qua, món nào là món ruột của quí vị. Ngài Xá Lợi Phất cũng vậy, sức nhớ sức hiểu của ngài là vô hạn, là đỉnh trong hàng Thanh văn, nhưng khổ nỗi, biết rõ đời người ta từng chi tiết nhưng để rút ra nhận xét cốt lõi thì khó lắm, nếu không phải là mẹ con vợ chồng bạn bè chí thân chí thiết. Sẵn đây tôi nói dư thêm một chuyện về sự khác biệt giữa ngài Xá Lợi Phất và Đức Phật. Đạo vi đạo nghĩa là bỏ ác tìm thiện, bước hai là trong cái thiện còn có cái nên và không nên, điểm này có sự khác biệt giữa A và B nên ngài Vangīsa nhìn thấy ngài Xá Lợi Phất là con người xuất sắc. Chỗ đó gặp mình là mình không nói được như vậy nhưng con người này, trong hoàn cảnh đó, trong đề tài đó đã nói được như vậy, đã tránh được chỗ cần tránh, đã phô diễn hiển bày chỗ cần phô diễn hiển bày, cần nói sâu cần nói rộng. Chính vì vậy ngài đặc biệt hoan hỉ xin phép ngài Xá Lợi Phất cho ngài được phát biểu, tán thán Xá Lợi Phất bằng câu kệ này. Bài kệ này sâu là sâu chỗ đó, ngài Vangīsa thấy rõ ngài Xá Lợi Phất. Chú giải có nói thêm là âm thanh của ngài Xá Lợi Phất rất hay, rất đặc biệt. Thời gian tu tập Ba-la-mật của vị Độc Giác gấp đôi ngài Xá Lợi Phất, gấp đôi vị thượng thủ Chí thượng Thanh văn, tuy nhiên kiếp chót của vị Độc Giác thì có thể là một người nghèo khó thậm chí khuyết tật về cơ thể, khuyết tật chớ không phải tàn tật bẩm sinh. Ví dụ như bị tai nạn gì đó nên bị khuyết lõm các căn, hoặc có thể xuất thân nghèo khó nên có ngoại hình nhân dáng khó nhìn. Nhưng vị Chí thượng Thanh văn thì không như vậy, vì vị này là một phần tô điểm cho vị Chánh Đẳng Giác nên duyên nghiệp tự nhiên mà hai vị này chỉ có hai chỗ xuất thân thôi (nói theo xã hội Ấn Độ) đó là Bà-la-môn và Sát đế lị. Nghĩa là đại gia hoặc danh môn vọng tộc chớ không phải xuất thân tầm thường, và nhân dáng hai vị này cũng không phải tầm thường, phải hơn người, vì hai vị này là tô điểm cho vị Chánh Đẳng Giác, là sứ giả, đại diện tiêu biểu hàng đầu cho vị Chánh Đẳng Giác, cho nên có một số đặc điểm trong đời tư hai vị này hơi đặc biệt. Chú giải trong kinh Niệm Xứ có nói đường tiêu hóa của vị Phật Độc Giác và hai vị Chí thượng Thanh văn có những điểm giống nhau. Trong đường tiêu hóa của phàm phu mình có đàm mật máu tùm lum thứ nên mình đi bài tiết có mùi bất tịnh hơn là những vị Độc Giác và Chí thượng Thanh văn. Vị Chánh Đẳng Giác thì khỏi nói rồi. Nói nôm na là trong ruột già của các vị ấy chỉ có mật, không có những dịch chất thừa thãi như người bình thường. Người thường trong ruột già có máu, có đàm, làm cho tanh, thối, nhưng vị chí thượng và Độc Giác không có, vì vậy cơ thể hai vị này không có mùi bất tịnh như những chúng sinh khác. Chuyện này hơi tôn giáo một chút người không phải là Phật tử nghe có thể khó chấp nhận, nhưng trong kinh nói không lẽ tôi bỏ bớt, mình ghi nhận vậy. Các vị hỏi tôi có tin không, tôi trả lời, tôi biết cái gì mà tin hay không, nhưng đối với tôi thì có một số chuyện nếu có thì không có gì lạ, bởi vì người ta tu nhiều quá mà. Đêm qua tôi đọc báo thấy Angelina Jolie tặng cho chồng, Brad Pitt, cái đồng hồ 3 triệu đô la. Cách đây mấy năm cũng trong sinh nhật Brad Pitt, Angelina Jolie suy nghĩ không biết tặng cái gì bèn mua đại miếng đất có cái thác nước đẹp lắm để tặng. Ngẫu nhiên tôi coi báo mà thấy chớ không phải tôi đam mê theo dõi gì vụ này, cách đây mấy năm cũng trong một dịp sinh nhật khác, Angelina Jolie cũng tặng cho Brad Pitt chiếc mô tô 250 ngàn đô la. Tôi muốn nói gì qua chuyện đó? Kẻ ăn không hết mà người lần không ra, vì sao, cũng đêm hôm qua tôi đọc bài báo, có ba mẹ con nghèo đến mức cả ba ăn chung một gói mì tôm chia nhau, trong khi đó vợ tặng chồng món quà sinh nhật ba triệu đô la. Tôi cười một mình, nếu tôi được một nửa cái này thì tôi đã có một miếng đất tuyệt vời bên Miến Điện. Tôi có một tỷ đô la tôi sẽ đem hết về Miến Điện. Tôi không ham làm chủ nhưng tôi muốn có một chỗ cho người VN tại Miến Điện. Thái Lan thì tôi không nghĩ, Tích Lan thì người Việt mình không lui tới thường, Ấn Độ thì nếu có tôi sẽ làm một cơ sở bên đó cho Phật tử tăng ni lui tới ở đó, nhưng đặc biệt là Miến Điện, nếu có tiền thì làm một chỗ cho Phật tử tăng ni VN lui tới, kiếm chỗ nào thiền viện tập trung nhiều nhất, làm một khu vườn có tường chung quanh, trong đó trồng cỏ Nhật, nhà lá thiệt gọn thiệt sạch, lối đi trải sỏi, mỗi sáng chiều tăng ni Phật tử qua bên thiền viện hành thiền với người ta, tối về chỗ mình sinh hoạt. Nhưng mà rồi thì sao, chuyện đó bây giờ vẫn chỉ là giấc mơ thôi, trong khi người ta lấy ba triệu mua cái đồng hồ. Tôi muốn nói rằng, những người như ngài Xá Lợi Phất, cái phước của ngài giàu quá, trí tuệ của ngài cách mình xa lắm, còn như mình học trước quên sau, nói không hiểu, hiểu rồi không nhớ, nhớ rồi làm không nổi, còn ngài thì không như vậy. Mình không có dịp để học chánh pháp, mà có dịp thì cũng không có hiểu, hiểu rồi cũng không nhớ bao nhiêu, nhớ rồi không hành được bao nhiêu, mà có hành thì kết quả cũng không bao nhiêu, mà kết quả thì cũng chưa đi được bao xa. Xong bài kinh Xá Lợi Phất, giờ qua bài kinh Tự Tứ.

TỰ TỨ (Pavāraṇāsutta)

‘Pavārana’: ‘tự tứ’, ‘yêu cầu’, ‘đề nghị’ (require, asking). Mỗi mùa an cư sau khi kết thúc, chư tăng tỷ kheo tối thiểu là hai vị trở lên làm một tự tứ. Vị này nói vị kia: Trong ba tháng qua tôi có nói gì làm gì sư thấy không hay cần phải sửa chữa xin nói cho tôi biết để tôi sám hối, sửa chữa, thay đổi không như vậy nữa. Lời đề nghị này gọi là Pavārana.

Thời Đức Phật cũng vậy, sau mùa an cư, Đức Phật và chư tăng cũng làm tự tứ với nhau. Chúng ta thấy rõ ràng ở đây, chính Đức Phật buổi đầu Ngài cũng tham dự với chư tăng, sau đó Ngài không tham dự nữa. Trong kinh nói, buổi đầu ngày lễ Bố tát mỗi nửa tháng, Đức Thế Tôn cũng tham dự với chư tăng nhưng sau đó Ngài không tham dự nữa, bởi nhiều lý do, buổi đầu chỉ có thánh, sau đó có phàm phu phức tạp nên Ngài không làm chung nữa, không tụng giới nữa. Trong kinh nói rõ, đức độ của Ngài rất lớn, Khi Ngài tham dự trong buổi này nếu có những phàm phu bất tịnh mà giấu, một tỷ kheo phạm giới mà cố ý có mặt trong những tăng sự như vậy thì đức độ của Ngài sẽ làm cho người đó không chịu nổi. Tiếng Pāḷi là gọi là “muddham phaleti sattavidham”: đầu bể bảy mảnh. Nếu vị phàm phu bất tịnh về giới luật cố ý có mặt trong một tăng sự có Thế Tôn tham dự thì sẽ bị đầu bể bảy mảnh. Vì lòng đại bi nên Thế Tôn không còn dự nữa. Buổi đầu, mỗi ngày giới thì chính Ngài tụng giới, từng điều từng điều, rồi Ngài hỏi chư tăng: Các vị có trong sạch hay không? Nếu mình thấy mình có vấn đề thì cứ sám hối, nếu im lặng thì có nghĩa là các vị đã trong sạch không còn gì để nói nữa. Nhưng về sau đã xảy ra một sự kiện, trong một kỳ bố tát, khi chư tăng đã tụ hội đầy đủ, Đức Thế Tôn không tụng giới. Ngài Ānanda thỉnh Đức Phật: Bạch Thế Tôn, tăng chúng đang chờ đợi Thế Tôn tụng giới. Đức Phật dạy rằng: Hội chúng không thanh tịnh, ta không tụng giới. Lần thứ hai và lần thứ ba, ngài Mục Kiền Liên cũng có mặt trong hội chúng đó liền suy nghĩ vì sao Thế Tôn nói hội chúng không thanh tịnh. Với thần thông của ngài, ngài nhìn thấy vị tỷ kheo đó, liền nắm tay vị này đem ra ngoài và đóng cửa lại. Lúc đó Đức Phật dạy rằng: Kể từ nay về sau các ngươi làm với nhau, Như Lai không tham dự trong buổi tụng giới thế này nữa.

Ở đây chúng ta thấy trong buổi tự tứ này có mặt Thế Tôn, Ngài vẫn làm theo luật, Ngài vẫn hỏi rằng: Trong thời gian qua, trong ba tháng vừa qua, các tỷ kheo có gì cần phải nói, cần phải phàn nàn về chuyện ta nói ta làm hay không. Biết rằng không có nhưng Ngài vẫn phải hỏi, vì đó là Luật. Chư tăng xác nhận là không. Đến phiên ngài Xá Lợi Phất ngài cũng làm tự tứ như vậy: Bạch Thế Tôn, bạch chư tăng, trong ba tháng qua con có gì xin được nhắc nhở. Đức Phật nói: Ngươi không có gì hết, thậm chí năm trăm tỷ kheo có mặt trong hội chúng này toàn là thánh nhân.Ngài nói rõ trong đây có 60 vị là Bậc tam minh, 60 vị Lục thông, 60 vị là Câu giải thoát, còn lại là Tuệ giải thoát. Đây là những chữ không thể không giải thích.

Tam minh, lục thông, tuệ giải thoát

Tam minh (tevijjā)

– Túc mạng minh:khả năng nhớ lại quả sanh tử. (Nhớ lại kiếp trước làm cái gì, vua, ăn mày, thầy tu, giàu nghèo đẹp xấu, thọ yểu, cao thấp trắng đen v.v…)

– Sanh tử minh:khả năng nhớ lại nhân sanh tử (nhớ rõ do làm cái gì mà bị như vậy, được như vậy)

– Lậu tận minh:khả năng diệt nhân sanh tử (biết rốt ráo lý Tứ đế, thấy rằng vạn hữu do duyên sinh và cái gì đã sinh thì phải diệt. Đây là nhận thức phải có, luôn luôn có ở một người chứng đạo. Yaṃ kiñci samudayadhammaṃ sabbantaṃ nirodhadhammaṃ: Tất cả các pháp ở đời đều do nhân duyên tạo ra chớ không phải ngẫu nhiên, và đã sanh ra thì phải có lúc biến mất. Cùng lúc thấy rõ lý Nhân quả và Tam tướng đó chính là nội dung của Tứ đế.

Muốn chứng tam minh tối thiểu phải đắc ngũ thiền sắc giới.

Lục Thông (chaḷabhiññā):

Cũng Tam minh này mà cộng thêm Tha tâm thông thì đọc hiểu được tâm người khác. Tha tâm thông, đọc hiểu được tâm người khác. Thiên nhãn thông, khả năng thấy được những gì mắt thường không thấy được, nhỏ nhất, xa nhất, mờ nhạt nhất. Thiên nhĩ thông, nghe được các loại âm thanh mà tai thường không nghe được. Cũng phải đắc tối thiểu Ngũ thiền Sắc giới mới có được lục thông. Có những vị thánh chỉ đắc Tam minh, chỉ nhớ được quả sanh tử, nhớ được nhân sanh tử và đoạn mầm sanh tử, biết rõ kiếp trước, vì đâu bị vậy v.v… biết tùm lum vậy nhưng con rắn hay con cóc vô trong phòng thì không biết làm sao đuổi ra. Có vị ghê hơn, chẳng những thấy được, nhớ được như vậy mà còn có nhiều khả năng khác nữa.

‘chaḷabhiññā’: ‘6 thắng trí’, chính là ‘lục thông’

‘ubhatobhagavimutta’: ‘câu giải thoát’.

Ubho = ubhato = ubhaya: câu (cả hai, both)

Câu giải thoáttrong kinh này, Chú giải ở đây giải thích như thế này nhưng chỗ khác có thể khác một chút. Câu giải thoát ở đây là chứng Phi tưởng, chứng thiền Vô sắc, nhàm chán Sắc pháp do chứng thiền Vô sắc, nhàm chán danh pháp do chứng đắc Tứ đạo. Trong khi những vị khác chỉ nhàm chán danh sắc do một cách duy nhất là chứng Tứ đạo. Riêng người nhiều Ba-la-mật thì có thêm cách thứ hai.

Kết quả cuối cùng giống nhau y chang thôi. Giống như từ Sài Gòn đi về Mỹ Tho, nhà nghèo đi bằng xe cũ rẻ tiền, nhà giàu đi bằng xe limousine (một loại xe nội thất đầy đủ tiện nghi sang trọng, có tủ lạnh, minibar..). Đặt chân cũng xuống Mỹ Tho giống nhau, nhưng phải nhìn nhận kiểu đi của anh nhà giàu rườm rà một chút, nhưng cuối cùng cũng tới ngã ba Trung Lương quẹo vô vườn hoa Lạc Hồng ngồi ngó sông Tiền Giang giống nhau y chang, có thể khác chút là một người xuống uống nước lạnh hoặc có trái dừa, còn anh kia thì khăn lạnh, kẻ hầu người hạ, nhưng cuối cùng thì cả hai thì đều hết khát, no bụng giống nhau.

Như vậy, câu giải thoát ở đây là vị La-Hán chứng thiền Vô sắc. Nên nhớ, có trường hợp chỉ chứng thiền mà không có thônghay minh nào.

Tuệ giải thoát: (paññavimutta) là sukkhavipassaka, chỉ chứng quả không có thiền. ‘Sukkha’: ‘khô’ (dry). ‘Vipassaka’: ‘quán chiếu đơn giản’ (merely vipassana). Chỉ có tu thiền Quán rồi đắc quả hết phiền não chớ không có được gì thêm nữa hết, gọi là sukkhavipassaka(thiền khô).

Tinh thần rốt ráo của bài kinh và cũng là của PG nói chung là sự minh bạch, bạch hóa (transparency). Pavārana là trong nhà mình muốn không có chuột không gián thì không có chỗ nào ẩm ướt tối tăm mà mình không biết tới. Nhà mà nghe mùi mốc mùi hôi có bụi có chuột là mình biết trong nhà có những góc chết, góc khuất mà gia chủ không để mắt chạm tay tới, nếu từng ngóc ngách trong nhà mà được quan tâm làm gì có bụi, có kiến, có gián. Trong cơ thể mình cũng vậy khi đi bác sĩ, bác sĩ bạch hóa cơ thể mình, không còn góc khuất nào hết để tìm ra cho bằng được lý do nào mình bị bệnh. Trong xã hội, trong thành phố mà có những nơi cảnh sát không lui tới thì chỗ đó là ổ hút chích trụy lạc. Trong chính phủ có những vùng cấm đặc biệt mà truyền thông cũng như cơ quan điều tra không chạm tới được thì đó là cái ổ độc tài, tội ác. Cho nên, Phật pháp muốn cho khá thì người tu phải có sự bạch hóa, có gan nhìn về những góc khuất của mình. Ví dụ mình biết rõ đó là sự kiêu mạn, biết đó là ái dục, chớ không thể nào nói rằng “nói cha mẹ thương con bằng tâm ái là không đúng, con tôi trách nhiệm tôi phải lo”, rồi mình bảo đó là tâm từ, mình không có gan nhận đó là tham ái. Nói chung là mình không có cái gan rọi đèn tuệ vào những góc khuất của mình. Có nhiều chuyện tu học phải có cái gan mới làm được, thí dụ mình thấy mình không phạm giới, mình ngon lành, nhưng phải có cái gan thấy rằng việc không phạm giới chưa đi tới đâu hết, không phạm giới chưa chắc là giữ giới, chưa chắc là mình có tu, mà chẳng qua là trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó mình không phạm giới thôi. Lâu lâu mình nghĩ, trong nửa tháng qua tôi không có phạm gì hết, mình cứ tưởng mình ngon, nhưng thật ra trong điều kiện mình đâu có làm gì để phạm, làm gì cũng có thị giả kế bên làm sao phạm. Phải có cái gan bạch hóa, phải soi rọi như người đi quét nhà, không có góc khuất nào không lùa chổi vào, không đưa ống hút bụi vào. Tất cả phải được soi rọi giải quyết, dứt khoát, toàn triệt, triệt để và tuyệt đối, pavārana có nghĩa là như vậy.

Ngài Vangīsa thấy hình ảnh vị Chánh Đẳng Chánh Giác ngồi giữa có 500 vị tỷ kheo chung quanh toàn những bậc thánh tuyệt đối thanh tịnh, ngài hoan hỉ và cảm hứng, ngài xin phép Thế Tôn cho ngài đọc bài kệ. Giống như mình trong buổi họp mặt thấy vui quá, móc cái phone ra: xin phép bà con cho tôi chụp tấm ảnh nghen, lâu quá mới có dịp chư tăng Phật tử tu họp vui quá. Ngài Vangīsa thấy hình ảnh đẹp quá nên muốn lưu lại bằng một bài kệ.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app