Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 – Chương 6: Tương Ưng Lợi Đắc – Phẩm Thứ Nhất

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 6: Tương Ưng Lợi Đắc

Phẩm thứ nhất

Hôm nay chúng tôi do dự không biết có nên giảng cùng một lúc ba phẩm trong một tiếng rưỡi hay không. Tuy ba phẩm đều dài và nói về những đề tài quan trọng nhưng chúng tôi xét hai lẽ và nghĩ rằng có thể gom chung ba phẩm trong một buổi giảng. Lẽ thứ nhất là bà con có thể tự hiểu không có gì khó, thứ hai là trong chú giải không nói gì đặc biệt, mà giảng thì giảng theo chú giải chứ không phải theo chúng tôi, vậy mắc gì mình đi kiếm thêm.

Phẩm thứ nhất nói về Lợi Đắc Cung Kính.

‘Labhasakkarasiloka’: Lợi đắc cung kính, dịch gọn nhất là ‘lợi danh’.

‘milhaka’: trùng phẩn (con dòi trong phân).

Bà con ghi lại vì con này cũng phổ biến trong đời sống của mình, bà con học được thêm một chữ Pāḷi. Trong Hán Việt có nhiều từ tình cờ đọc sách thấy hay mình cũng nên ghi lại để biết thêm cho vốn từ mình thêm phong phú. Trên bàn đọc sách hoặc trên đầu giường của tôi trong phòng ngủ luôn luôn có cuốn sổ tay nhỏ và cây bút chì. Khi đọc thấy gì cần ghi lại là tôi ghi. Nhiều lần tôi nói đùa mà thật, nếu tôi chết những người đến dọn xác, muốn giữ cái gì của tôi chỉ nên giữ mấy cuốn sổ tay đó thôi. Khi đọc sách có gì đặc biệt tôi hay ghi lại hoặc ghi lại những suy nghĩ có được từ những cái tôi đọc. Có cái hay là thỉnh thoảng mở ra đọc lại mình giựt mình là ngày đó, tháng đó, năm đó mình đã biết được vấn đề đó và đã từng suy nghĩ qua chuyện đó. Những người có nhu cầu viết lách thì cũng cần như vậy. Ở đây cần chú ý vài điểm:

-Nếu thật sự biết ưu tư về cái bịnh, già chết và trầm luân thì chuyện gì ngoài ra cũng là nhỏ.

-Khi hiểu được bản chất của cái gọi là danh lợi thì tự nhiên ta sẽ có thái độ buông bỏ.

-Khi chịu khó quan sát, ta sẽ thấy ôm vào là khổ, buông ra luôn nhẹ nhàng an lạc hơn

Toàn bộ nguyên phẩm này chỉ nói về ba điều trên. Tôi nhắc lại, mỗi lần nhắc tôi cũng xấu hổ nhưng không thể không nhắc. Có bắn tôi chết tôi cũng không bao giờ và chưa bao giờ dám nhận tôi là một người tinh tấn hết. Mấy chữ ‘tinh tấn’, ‘thanh tịnh’ là tôi không dám nhận. Nhưng có một chuyện tôi nói tôi không có thẹn: gần như mấy năm nay tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết một cách đặc biệt, không biết do huệ căn chín muồi hay do mình sắp đi. Tôi không có thích cái thiện và cũng không phải là người ghét cái ác mà chỉ có một điều là tôi sợ khổ. Tất cả cái khổ trên đời không có cái nào qua được cái già, bịnh, chết. Mình có là ông vua ông tướng gì cũng phải dính, mình không chết yểu thì bắt buộc mình phải già, phải bịnh. Không chết vì bịnh thì cũng chết vì tai nạn. Với người biết ưu tư về già, bịnh, chết và trầm luân, dù có tin có chuyện đầu thai hay không thì mình ít ra cũng phải suy nghĩ chứ. Lỡ có thì sao! Và mình biết cái gì mà mình nói rằng không? Hãy tự hỏi lòng đi, mình muốn tin thì phải chứng minh tại sao mình tin, và muốn bác cái gì thì cũng phải tìm cách chứng minh tại sao mình bác? Người cẩn thận thì tự hỏi lòng mình, mình đã thấy được cái gì trong vũ trụ này mà mình dám bác và nói rằng chết rồi là hết. Mình chỉ dựa có một cái: vì tôi chưa chứng minh được. Cứ nhìn mấy người già tám chín chục, nhìn mấy người liệt giường liệt chiếu tiêu tiểu tại chỗ, mình sẽ nghĩ sao về cái lúc sống kéo dài chuỗi ngày khổ mình khổ người, cái cảnh ngáp ngáp mà chưa chịu chết? Nếu biết ưu tư mấy chuyện đó thì sẽ thấy danh lợi chỉ là trò hề mỉa mai. Nguyên phẩm này Đức Phật chỉ dạy mấy điều đó. Nếu người biết ưu tư thì tất cả những chuyện người ta quỳ lạy mình, tất cả những cái gọi là quyền lợi, chức vụ, quyền lực… chỉ là trò hề châm biếm. Ngài nói rằng không có gì tệ cho bằng vị tu sĩ mà so sánh mình với bạn tu bằng cách dựa trên danh lợi mình có mà người ta không có. Ngài nói sự so sánh này giống như con dòi này so sánh với con dòi kia, mình đang nằm trên đóng phân hoành tráng vĩ đại, trong khi con dòi kia sáng giờ không có miếng phân nào hết. Đó là trong bài kinh Trùng Phẩn. Ngài cũng xác định, không có gì khổ cho bằng người đam mê danh lợi hết, vì ba lẽ:

– Chưa có phải tìm cho có

– Có rồi phải giữ

– Khi giữ không được thì đau khổ

Đây là ba cái đáng ngại của danh lợi. Ở đời không có hạt cơm miễn phí, phải đổ mồ hôi xót con mắt mới có được, có rồi phải giữ. Chỉ riêng chuyện giữ những cái mình có cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt, nhiều tâm tư, công sức thời gian sức khỏe, và ngộ nhỡ như giữ không được, nó lìa bỏ mình hoặc mình bỏ nó thì khổ kinh khủng. Một người như tôi, không phải trụ trì, không có quyền lực chức vụ, uy tín với ai hết, mà chỉ vì thị phi, chỉ vì lời khen như gió thoảng qua, lời chê như gió thoảng qua mà lòng còn bận thì nói chi chuyện tôi có cái này cái kia rồi bỗng chốc nó mất, ắt khổ kinh khủng.

Tôi từng ví dụ, cứ nhìn xuống đất thấy bầy kiến mấy ngàn con đang di chuyển trong đó có kiến cha, kiến ông, kiến lớn, kiến bé, chúng cũng có vai vế tôn ti, quyền lợi trách nhiệm trong đó, mình nhìn chúng mình có cảm nhận gì thì một bậc thánh nhìn mình cũng giống như vậy. Đức Phật dạy không có cái gì nhanh hơn sự sanh diệt của danh sắc hết, trong cái đám kiến lúc nhúc đó có tôn ti trật tự, nhưng mình coi cái trật tự lớn bé đó là quan trọng để được thì vui, mất thì buồn thì có nghĩa là mình đã đi sai rồi.

Gần Tết rồi, đọc báo thấy có nhiều người bị tan nát thiệt. Gần Tết rồi mà nhà có tang, gần Tết rồi mà cháy hết sản nghiệp. Họ sẽ không có Tết, mà vài năm nữa cũng không có Tết. Cơ nghiệp một đời mà bị hủy hoại thì năm năm nữa chắc gì họ quên nổi. Các vị giả định, ở nước ngoài sắp Tết mà mất đi hai trăm ngàn đô la, thì từ đây trở đi năm năm trời cứ mỗi lần sắp Tết là các vị sẽ nhớ hai trăm ngàn đô la thôi. Danh lợi là như vậy đó, những cái được mất về tinh thần hay vật chất thì gọi là danh lợi.

Đức Phật nói con tuấn mã có mang thì sự nghiệp bay nhảy của nó kết thúc. Con người, đặc biệt là tu sĩ, khi dính vào con đường danh lợi thì cũng giống như con tuấn mã có mang, khả năng đi xa trong pháp học, pháp hành, trong sự chứng đắc coi như kết thúc. Tôi cũng ham làm trụ trì lắm, được có người lui tới cúng dường, đi đâu người ta cũng biết mặt, thầy chùa mà không có chùa miểu cũng dở; tôi nhớ có một vị trưởng lão nói câu này: Tu phải có chùa, dù cho mình là con chó có chùa người ta cũng coi mình như con cọp, còn con cọp mà không có chùa thì người ta cũng coi mình như con chó. Một lần khác cũng vị trưởng lão đó nói, nói hồn nhiên thôi, mình không có cái chùa mình đi đến đâu người ta cứ sợ mình nhờ cậy, sợ mình xin ở đậu, sợ mình nhờ cậy giúp đỡ; nếu mình có chùa thì mình không bị mặc cảm, không bị cảm giác đó. Tôi nghe mà không biết làm sao, khi mình dồn tâm tư vào cái chùa thì mình sẽ bị mất biết bao nhiêu thứ. Cái Được nào cũng kéo theo đó nhiều cái Mất và cái Mất nào cũng kéo theo đó nhiều cái Được. Cứ ngồi cho người ta ra vô chào hỏi là thời gian mình không có rồi; muốn đi đâu vài tháng để thanh thản, để nghiên cứu, để hành thiền có đi nổi hay không. Cái chùa như Bà Đanh thì mới đi được, cất chùa thì có mong như Bà Đanh không? Nếu chùa có ‘thu nhập’, ‘sở hụi cao’ thì không cam tâm giao cho người khác, chân đi mà lòng ở lại. Còn nếu ở lại để “chăm sóc đạo tràng” thì coi như đời mình xong.

Phẩm thứ hai

Trong này có từ “mỹ nhân địa phương”, tiếng Pāḷi là ‘janapadakalyani’: người đẹp quốc gia = hoa hậu. ‘janapada’: quốc gia; ‘kalyani’: người đẹp.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app