Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Phẩm Thập Lực

Cứu cánh của Phạm hạnh là thấy rõ Tứ Đế trong 5 uẩn: Sắc, Sắc tập khởi, Sắc đoạn diệt, con đường dẫn đến sự đoạn diệt đó.

Hành gồm có 3, tập khởi của hành là vô minh. Sự chấm dứt 3 hành là Niết bàn. Con đường dẫn đến Niết bàn là Bát Chánh Đạo.

Thức gồm 32 tâm quả có từ thiện ác quá khứ. Tập khởi của thức là Hành. Sự đoạn diệt của thức là Niết bàn. Con đường dẫn đến Niết bàn là Bát Chánh Đạo.

Tổng kết lại, 12 Duyên khởi chỉ là 5 uẩn mà thôi. Cái này làm tập khởi cho cái kia. Niết bàn là sự chấm dứt tất cả và Bát Chánh Đạo là con đường dẫn đến Niết bàn.

Muốn thấy rõ Tứ Đế trong 5 uẩn, tức 12 Duyên khởi thì phải có khayeñāna (trí đoạn diệt – HT Minh Châu dịch). Trong sớ giải nói trí này ám chỉ cho trí La-Hán quả.

Giải thoát (vimutti) là duyên dẫn đến Trí đoạn diệt. Giải thoát ở đây Sớ nói cũng chính là sự giải thoát trong Tứ quả. Sự giải thoát này có từ Ly tham viraga (vô nhiễm), ở đây ám chỉ cho trí tứ đạo, tức La-Hán đạo. Nhân dẫn đến ly tham này chính là sự yếm ly (nibbida) sự nhàm chán.

Nibbida ở đây, sớ nói là 4 trí tuệ quán già dặn (Balavavipasananana) (xem lại bài trước)

1. Bhayatūpaṭṭhanañāṇa: trí kinh cảm trước sự sinh diệt chớp nhoáng của danh sắc.

2. Adinavañana: trí nguy hại, tức trí thấy rõ bề trái của danh sắc.

3. Muncitukamyatañāna: dục thoát trí, lòng tha thiết hướng đến sự giải thoát sinh tử

4. Sankharupekkhañāna: hành xả trí, trí hờ hững trước danh sắc, đây là giai đoạn sau cùng của trí phàm phu trước khi chứng đạo.

Bốn trí này được gọi là trí tuệ quán già dặn (balavavipassananana) và chính là nội dung của chữ yếm ly (nibbida) trong kinh này.

Nhân dẫn đến yểm ly là Tri kiến như thật (yathabhutanana) gồm bốn trí:

1. Nāmarūpaparicchedañāṇa trí phân biệt danh sắc hay còn gọi trí phân biệt danh sắc hay còn gọi Saṅkhāraparicchedañāṇa, còn gọi là phân tích hữu vi,

2. Paccayapariggahañāṇa: Trí thấy được lý Duyên khởi ở mức trí văn và trí tu. Trí này còn được gọi là Trí thấy được lý Duyên khởi ở mức trí văn và trí tu. Trí này còn được gọi là kankhavitaraneñāṇađoạn nghi trí, tức trí trong Đoạn Nghi Tịnh, trong Thất Tịnh. Xem kinh Trạm Xe, Trung Bộ Kinh.

3. Sammasanañāṇa quan sát trí, tức trí tuệ quán nhìn ngắm danh sắc qua khía cạnh Tam tướng.

4, Maggāmaggañāṇa đạo phi đạo trí, trí biết rõ cái gì thực và giả, trong giai đoạn hành giả trải nghiệm 10 phiền não quán.

Trí đạo phi đạo là trí biết rõ cái gì đúng sai. Khi hành giả có đủ duyên lành lại tu đúng phương pháp Vipassanā thì có lúc thấy mình được một vài (hay tất cả) những thành tựu hấp dẫn sau đây, và nhiều người cứ tưởng mình đã chứng đạo. Kẻ biết rõ đây chỉ là ảo, rồi tiếp tục chánh niệm như chưa có gì xảy ra thì may ra có thể đi xa hơn.

1. Obhasa: hào quang, thấy mình rực sáng. Ngồi trong bóng đêm mà thấy mình sáng lòa, có thể nhìn thấy mọi thứ trong căn phòng, không phải ảo giác.

2. Piti: phỉ lạc, một thứ cảm giác dễ chịu chưa từng có trong đời. Bất cứ khoái lạc nào trong đời này hoàn toàn tuyệt đối không so sánh được với người tu thiền Chỉ và thiền Quán. Người không tu không tin, họ không tưởng tượng được tất cả khoái lạc trong cuộc đời này không có thứ nào bì được cảm giác này, thế là cứ tưởng đắc rồi. Thật ra đó cũng chỉ là trạm dừng phải vượt qua, chuyện tự nhiên thôi.

3. Passaddhi (calmness), sự an tịnh trong tâm hồn vốn chưa từng có trong đời trước đây. Giống như một hồ nước có thể nhìn thấy đáy. Vẫn chỉ là một nhà ga hay phi trường, một trạm dừng sẽ vượt qua

4. Adhimokkha, niềm tin bất động trong Tam bảo, nghĩ về Phật như đang nghĩ về một ngọn núi có thật trước mắt, một niềm tin chưa từng có trong đời. Nhưng hành giả biết đây là đồ giả, sẽ mất.

5. Paggaha: tinh tấn mãnh liệt. Nếu ai kêu đào núi cất chùa, khiêng cây vác đá thì mình xem như chuyện nhỏ luôn.

6. Sukha: niềm tịnh lạc happy chưa từng có.

Những điều này có thể đọc thêm trong sớ giải Tương Ưng Bộ Kinh bằng tiếng Anh. Thay vì mình mua mấy giỏ xách hàng hiệu, bà con có thể thỉnh được bộ chú giải của Pāḷi Text Society, hoặc không mua mấy cái đồng hồ loại này Tag Heuer, Omega, chạy xe cũ đừng đổi xe mới là có tiền thỉnh bộ chú giải về đọc chơi cho vui.

7. Ñāna: trí bỗng sáng chưa từng có, hiểu được nhiều điều xưa nay chưa từng biết qua.

8. Upaṭṭhānasati: chánh niệm vững như núi, một trạng thái chưa từng có trước đây.

Nghĩa là niệm của mình trước đây lúc có lúc không mà muốn giữ được khó vô cùng. Ai từng ngồi thiền, từng tu quán mới biết khó. Ví dụ giựt mình thức dậy, bỏ chân xuống giường, bước đi biết mình đang bước đi, vô nhà tắm, nhìn thấy ống kem đánh răng hết, rồi nghĩ hôm nay mình sẽ đi mua, rồi nghĩ sẽ mua thêm món này món kia, sẽ rủ ai đi cùng… Nghĩ một hồi là mất sạch, chỉ cần vô tới nhà tắm thấy ống kem là mất sạch. Chỉ có một cách là viết chữ ‘Niệm’ đầy nhà, liếc mắt là thấy. Chỉ có vị A-la-hán là chánh niệm 100% tự nhiên chứ không phải gồng như mình. Một người có thực hành chánh niệm mới tin rằng khi chánh niệm biết rõ mọi thứ đang diễn ra trong sự chớp nhoáng, mỗi niềm vui nỗi buồn đến rồi đi chớp nhoáng. Khi hành giả quan sát được một thời gian như vậy thì khả năng chịu đựng của hành giả cực giỏi. Khi hành giả thấy ai đó, hoặc âm thanh làm cho mình phiền là phát hiện liền, biết đây là phiền, biết đây là giả, không biết mình sẽ chết lúc nào còn người đó, âm thanh đó, vật đó không biết cũng vô thường lúc nào, chỉ nhớ bao nhiêu đó mà lòng yên, việc này chỉ có thể thực hiện được bằng sự chánh niệm liên tục. Hành giả lúc này thấy chánh niệm của mình đến một cách quá sức dễ dàng quá sức hùng hậu, chưa từng có trước đây, khít khao, sít sao, không sót một thứ lớn nhỏ nào và cứ tưởng là mình đắc,

9. Upekkhā: khả năng bình thản đến không ngờ.

Trước đây chưa bao giờ mình đạt đến khả năng này, chuyện gì xảy ra cũng thấy không là gì hết, không vui không buồn. Một người trước đây mình rất thương rất muốn gặp, giờ đây thấy vô nghĩa. Y như câu thơ “Với tôi tất cả đều vô nghĩa. Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”. Đúng như vậy đó. Hành giả chỉ còn nhìn thấy khổ trước sanh ra khổ sau và mọi thứ do duyên mà có, có rồi lại mất, hành giả nhìn một cách hờ hững, bình thản, hành giả thấy mình là giọt nước trong đại dương, mình không là gì hết, lòng thanh thản đến bất ngờ, không tưởng tượng được. Vẫn chưa phải là đắc, chỉ là một giai đoạn cần vượt qua.

10. Nikanti: niệm hứng khởi trong những thứ vừa có, vừa kể.

Khi hành giả có được những điều trên, một người có Ba-la-mật thì sẽ biết rõ sự thích thú đam mê trong đó là tầm bậy, nếu là người không đủ duyên để đi xa hơn nữa, hoặc có đủ duyên nhưng tạm thời chưa đến lúc vượt qua thì sẽ kẹt cứng trong đó, sự kẹt cứng đó gọi là Nikanti.

Mười điều trên được gọi là ‘Mười điều trên được gọi là ‘vipassanupakkilesa’: Tiểu phiền não của tuệ quán. Chỉ có cái thứ 10 là bất thiện, 9 cái kia đều tốt, nhưng đều là cạm bẫy. Giống như có những thứ thức ăn rất thơm, rất ngon, rất bổ, rất đắt tiền, nhưng cứ ăn hoài thì chết. Chính cái hào quang, niềm tin, sự tinh tấn, trí tuệ bỗng bừng sáng, tất cả đều rất tốt, nhưng phải biết tất cả đều phải cần vượt qua, ngừng lại dính trong đó thì chết. Nhiều bà con đi hành thiền bị chuyện này nặng lắm. Trước khi đi thành thiền đã đọc sách, đã biết rồi, đã nghe giảng rồi. Khi coi sách thì biết trí hành xả là cái lòng hờ hững lãnh đạm đối với danh sắc, trí kinh cảm thấy danh sắc sanh diệt chớp nhoáng, thấy mình chết trong mỗi phút, trí dục thoát muốn buông hết để ra đi không muốn nấn ná trong đời nữa, vì từng đọc từng nghe như vậy nên khi hành thiền có cảm giác hình như mình đang có; rồi cộng thêm học ba mớ A-tỳ-đàm biết Tu-đà-hoàn không còn hoài nghi, giới cấm thủ… rồi thấy hình như mình đang y như vậy. Ngồi lâu, chánh niệm lâu ngày thì tâm yên, hành thiền ba ngày đầu tiên thì chân mình tan nát, giống như ai lấy búa gõ vào xương bánh chè, như ai lấy kim chọc vào trong khớp, nhưng qua được ngày thứ tư, thứ năm hoặc một tuần, thì cảm giác đau không tưởng tượng nổi, có cảm giác ai đó đang vặn giò của mình. Giống như câu hát khi “mới quen nhau anh hay nắm tay, anh dặn dò”. Khi mới tu tâm như ai nắm tay ai “vặn giò”. (phát âm theo kiểu dân Nam Bộ). Vượt qua được cái này thì hành giả không muốn đứng lên nữa, hành giả không muốn đi ăn cơm không thấy đói nữa, không còn nhúc nhích cục cựa, ngứa, tê, nhức. Lúc đó mát lạnh toàn thân và coi như tất cả chuyện đời đều nằm bên ngoài thềm cửa, an lạc không tưởng tượng được, có người thấy mình rực sáng, có người thấy phỉ lạc như có sóng biển vỗ vào người từng cơn từng chập, có người thấy trí mình sáng ra. Cách đây không lâu tôi có nghe có bà học chưa hết tiểu học, tiếng Việt chưa đầy lá me nói gì lá mít, hành thiền xong dọn bàn Phật làm rớt cuốn Thắng Pháp của ngài Minh Châu, bà cầm cuốn sách lên phủi bụi, tình cờ lật cuốn sách đọc tới đâu thấy sáng bừng tới đó, thế là bà bóc phone gọi cho bạn bè, nói là “nó tới rồi”. Tôi không biết bả bừng cỡ nào, nhưng chỉ biết chánh niệm mà tu tập lâu ngày sẽ biến con người thành đặc biệt lắm, trưởng thành hơn người không có chánh niệm. Một người có sống chánh niệm mạnh, họ nhìn người không chánh niệm như nhìn một đứa con nít, một người khùng, một người say rượu hay người già lú lẫn vậy. Cảm giác này chỉ có người tu Tứ Niệm Xứ mới thấy, họ không có thể tưởng tượng thiên hạ có thể thất niệm, phóng dật, xô bồ đến như vậy, và chính họ cũng tá hỏa khi biết mấy chục năm qua họ cũng sống như vậy. Nhưng phải nghĩ là mình may mắn mình tu được chánh niệm còn người ta thì chưa có duyên thôi chớ đừng thấy mình được ba mớ rồi coi người ta như rác. Nhìn trong muông thú không biết có ai hơn mình, có khi con heo, con bò, con chó là Bồ tát tu hằng hà sa số kiếp trong đó rồi, còn mình may mắn ngay kiếp này được hưởng quả cũ, con heo, con bò trước mắt mình có thể nó đã tu tám A-tăng-kỳ. Biết ra sao ngày sau, biết đâu về sau nó có thể trở thành bậc Tứ sanh từ phụ Thiên nhân chi đạo sư, cha lành ba cõi.

Bốn trí vừa giảng được gọi là Bốn trí vừa giảng được gọi là tri kiến như thật, còn được gọi là 4 thứ còn được gọi là 4 thứ tuệ quán non yếu(tarunavipassanañāna). ‘Taruna’: non, (weak).

Đạo Phật lạ ở chỗ này, khi anh thấy anh giỏi, anh hay là anh đang dở ẹt. Lý do là bản chất thật sự chỉ là mù sương, mình thấy được mù sương đó là may mắn chứ không có cái gì đáng để cho mình thấy mình hay. Phiền não giống như bệnh ung thư, thiện pháp để tu tập là thuốc chữa ung thư, không ai tự hào là mình đang uống thuốc chữa ung thư. Tất cả cái biết về đạo hay đời của mình cũng chỉ là cái biết của người tù về căn hầm mình đang bị nhốt (cái hầm này dài bao nhiêu, rộng bao nhiêu, đếm bao nhiêu viên gạch, hầm này cất khi nào, ai xây, lâu nay nhốt bao nhiêu người, thời tiết khí hậu nóng lạnh nơi đây ra sao v.v…) tất cả những cái biết của mình về danh sắc, Duyên khởi cũng chỉ như cái biết của người tù biết về căn hầm đang nhốt mình, và tu tập Bát Chánh Đạo là tìm cách vượt ngục. Muốn giải thoát sinh tử phải biết danh sắc là gì, năm uẩn là gì, cái gì dẫn đến dòng luân hồi. Do 6 căn mà luân hồi thì cũng từ 6 căn mà giải thoát.

Tri kiến như thật có được từ định Samādhi. Định có từ sukha. Sukha có từ passaddhi. Passaddhi có từ pīti. Pīti có từ pamojja. Pamojja có từ saddha. Saddha có từ dukkha. Dukkha có từ jati. Jati có từ bhava, ta đang trở lại với hệ thống Duyên khởi. Samādhi ở đây ám chỉ cho padakajjhanasamadhitức các tầng thiền Chỉ Samatha mà hành giả đã chứng được trước khi tu Vipassana.

Bài kinh này đang nói cho người xưa thời Đức Phật, họ đắc thiền dễ như trở bàn tay. Có hai chuyện làm cho mình thấy đắc thiền khó: người học A-tỳ-đàm phân tích năm tầng thiền thấy rất là khó và ngày nay không còn gặp những vị minh sư thiện hữu dám chết cho đạo.

Người Phật tử cần đến ba hình ảnh: 1. Người để mình mến mà theo đạo. 2. Người đủ sức dạy cho mình học đạo, hiểu đạo. 3. Người đủ sức làm gương sống cho mình bắt chước để hành đạo.Bây giờ nghe nói giảng sư luận sư thiền sư ngán quá rồi, sư nào cũng chùa to Phật lớn, sư nào cũng đệ tử, sư nào cũng có tiền trong nhà băng, sư nào cũng đi nước ngoài như đi chợ, xài đồ sang, tài sản ngất trời, sư nào cũng giàu hơn đệ tử, đi đâu cũng có lọng che, quạt hầu, rước nhang đèn, bông hồng xé rải dưới chân. Nhiều Phật tử tưởng hay chớ tôi nhìn mà lạnh xương sống. Những người không biết đạo họ sẽ nghĩ mình ra sao, đi ra phi trường đón mấy vị thiền sư mà quỳ lạy tưởng hay, đó là mình đang phá đạo mà mình không biết. Chúng họ nhìn thấy mà ghét, mình nghĩ thử nếu thấy giáo dân lạy ông linh mục ngoài phi trường mình có sốc không, sốc chứ. Hoặc ông Hồi giáo quấn khăn rồi đệ tử quỳ hôn chân ngoài đường mình nhìn có khó chịu không, vì mình đâu có nể Hồi giáo, người ta cũng vậy thôi. Chính mình đẩy mấy ông thầy của mình vô thế khó coi, rồi lâu ngày mấy ông thầy thấy quen. Cuối cùng thì bây giờ thầy giàu hơn đệ tử mà đệ tử thì xả ly dữ dội hơn thầy. Đây là những cái làm cho mình thấy thiền khó, vì vậy Phật tử cần phải có vị thầy với ba hình ảnh trên. Thời Đức Phật thì có người có chứng đạo, có người dạy đạo, có người để người ta nhìn mà mến đạo, người đắc thiền như nấm sau mưa, bởi người gặp Đức Phật toàn là những người tu vô số A-tăng-kỳ, phước báu đầy đủ, người hướng dẫn toàn là vị đắc chứng, lỗi lạc, những vị này điểm đạo là chính xác 100%. Thời nay không có, không có thầy nào điểm đạo cho chính xác với căn cơ của mình.

Trí tuệ như thật có từ Định, Định có được từ thiền Chỉ mà hành giả chứng được trước khi tu thiền Quán. Một người có chứng thiền Chỉ rồi thì tu Tứ Niệm Xứ rất dễ dàng. Nếu đã có đắc thần thông, có niềm tin vào lý nhân quả, luân hồi, hoặc chí ít chỉ có Sơ thiền trở lên thì khả năng định tâm, chánh niệm của người này không chê vào đâu được.

Sukha – thiền lạc, ám chỉ cho sự an lạc có được từ nội tâm đã chứng thiền (appanāpubbabhagasukha). Thiền lạc có từ sự an tĩnh (passaddhi) vốn có từ thiền định. Sự an tĩnh có từ phỉ lạc (pīti) ở đây là ‘balavapīti’ phỉ lạc mãnh liệt. Pīti lại có từ ‘pamojja’ phỉ lạc sơ sài (dubbalapīti). Pamojja– phỉ lạc sơ sài này có từ niềm tin (saddha) – niềm tin thì có từ nỗi khổ niềm đau (dukkha) khổ thân, khổ tâm nói chung.

Appanāpubbabhagasukhasự an lạc của người đã chứng thiền kiên cố định trước đó.

Passaddhi: sự an ổn không bị chi phối bởi thân khổ tâm khổ, không bị chi phối bởi các cảm thọ xung động mãnh liệt ví dụ như đâu quá, lạnh quá, mát quá. Đừng hiểu lầm là xả, vì xả là cảm giác nằm giữa khổ và lạc, còn passaddhi nằm giữa tất cả các cực, không có sự xung động. Xả là sự vắng mặt của thọ khổ thọ lạc, còn passaddhi là sự vắng mặt của những xung động trong các thọ, nghĩa là passaddhi vẫn có thể có trong người đang vui, đang phỉ lạc.

Balavapīti: phỉ lạc mãnh liệt. Phỉ lạc có năm loại: Hải triều hỷ: Phỉ lạc như sóng đánh vỗ vào bờ. Khinh thân hỷ: Hành giả có cảm giác người nhẹ nhàng như bốc hơi. Tiểu đản hỷ: Niềm vui như tia chớp, xẹt rồi mất, xẹt rồi mất. Hành giả thấy mình như đang tan loãng trong vùng sương mát lạnh…

Dubbalapīti. Dubbala: yếu

Pamojja: Phỉ lạc sơ sài. HT Minh Châu dịch là ‘hân hoan’. Nếu không có bản Pāḷi hay chú giải, chỉ bám theo bản tiếng Việt thì khổ lắm.

Vì sao niềm tin có từ khổ? Vì có bị sốc người ta mới nghĩ tới con đường thoát, chớ bây giờ đang sung sướng hạnh phúc, đang đẹp lộng lẫy, tiền bạc tràn trề, con cái thành đạt… tới chùa làm gì. Chỉ khi nào bị sốc vì bịnh tật, gia đạo bất hạnh, làm ăn thất bại, con cái hư hỏng v.v… thì mới tu. Khi khổ mới chịu hồi đầu, hồi đầu mới thị ngạn. Phải cảm ơn nỗi khổ niềm đau đôi khi làm cho người ta tỉnh nếu không cứ mê hoài, và phải cảm ơn cả cái chết nữa, cái chết hay vô cùng. Cái chết là sự ổn định của thế giới, thành phần tào lao phải chết đi chớ sống hoài ai chịu nổi, và những người đàng hoàng hữu ích cũng phải chết đi để thế giới chuyển sang giai đoạn mới, nếu không thì thế giới này tẻ nhạt. Thế giới phải muôn màu muôn vẻ sống mới vui. Chính cái chết mới là sự công bằng, mới san phẳng được hành tinh này và cái vũ trụ này. Mọi người từ phàm thánh, vinh nhục, trí ngu, giàu nghèo đều phải có lúc nằm xuống để có cái mới và chính cái chết làm cho người ta tỉnh chớ không người ta trầm luân hoài. Nhiều lúc tôi cũng mê cái này thích cái kia nhưng nghĩ tới tuổi đời tôi chết điếng. Tôi nhớ một chuyện cách đây mới có mấy ngày, tôi vui nhất là chiều thứ sáu, được nghỉ học hai ngày. Mới chiều thứ sáu tôi đang thấy sung sướng, vừa xong chiều thứ sáu thì hôm nay là sáng thứ ba rồi. Niềm vui chưa trọn, tôi mới vừa nhớ, vừa sung sướng thứ sáu, thì bữa nay đã sáng thứ ba. Tôi thức khuya, không biết mắc chứng gì mà không chịu ngủ, tôi gởi bài cho bà con lúc ba giờ mấy sáng, đêm nay ngủ có hơn bốn tiếng, ráng gồng, vậy mà vô lớp hỏi không ai chịu nhớ gì hết, làm sao mà chịu nổi. Bởi vậy, khổ là nhân sanh niềm tin. Nhưng khổ từ đâu ra? Các khổ đều từ sự chào đời (jati) mà ra.

Sẵn đây cũng thưa với bà con chuyện tôi suy tư mấy ngày nay. Có hai cha con người VN chế tạo xe tăng cho Campuchia, mới đầu họ chỉ sửa những chiếc phế liệu, sau đó họ làm cái mới dựa trên nền tảng cũ, thích hợp với địa hình chiến trường của Campuchia. Câu chuyện đó với mọi người chỉ là mẩu tin thời sự, nhưng với tôi thì khác, tôi liếc vào hình những chiếc xe bọc thép, tôi nghiệm ra một chuyện vô cùng sung sướng hạnh phúc, một chuyện tôi đã biết từ lâu mà tôi không thấm. Đó là tại sao xe tăng đời mới bây giờ có khả năng chống đạn tốt? Đó là vì ít nhất hai lý do: 1. Do chất liệu kim loại. 2. Do cấu trúc vỏ ngoài của nó luôn khiến đạn bắn vào bị trượt. Quí vị mở hình các xe thiết giáp mà coi, người ta tạo ra rất nhiều độ nghiêng trên vỏ xe, bắn đâu cũng trượt. Người tu cũng vậy, khi mình thấy mình không là gì thì những lời khen tiếng chê, nỗi khổ niềm đau đến với mình đều như vô hiệu, cái tôi càng to thì khả năng hứng đạn càng lớn. Mấy cái người đi ăn mày phải nói rằng họ phải tháo cái tôi của họ đến mức độ nào đó mới muối mặt ngồi chìa nón ra, chưa kể khách đang ngồi ăn mà họ cứ tới xin rồi bị đuổi. Tôi có đọc câu chuyện, có anh chàng mạnh khỏe trẻ măng đi ăn mày, có người thấy kỳ quá mới hỏi: Sao anh khỏe mạnh mà đi ăn mày, không biết nhục sao, mà xin tiền để làm gì, nếu đói thì xin đủ bữa ăn thôi chớ sao xin chi cho nhiều. Anh ta trả lời: tôi cũng thấy nhục lắm, nên dành phần lớn số tiền có được đi mua rượu uống. Ông kia nghe mới hỏi, không tiền đi ăn mày đã ghét rồi sao còn đi uống rượu? Anh ta trả lời: phải uống rượu tôi mới đủ can đảm đi ăn mày. Mình cũng phải có chút say sưa của phiền não, có chút vô minh mình mới sống như phàm được, chớ còn như bậc thánh thì mình không sống như phàm được. Anh ăn mày nhờ rượu để biến mình thành xe bọc thép đạn bắn là trượt, mình người tu thì không dùng hạ sách đó, mình biến mình thành xe bọc thép bằng cách thấy mình chẳng là gì hết. Một tờ giấy, cọng rơm, sợi tóc rớt từ trên cao xuống vẫn không sao hết vì chất liệu và trọng lượng của nó. Hãy tu tập như thế nào đó để biến mình thành sợi tóc, một tờ giấy, một cọng rơm hoặc là chiếc xe tăng đời mới, đạn bắn bao nhiêu cũng trượt. Phàm phu mỗi lần bị dính đạn mới nghĩ đến vấn đề tâm linh, khổ một chỗ, trong một ngàn người bị khổ mới có một người nghĩ đúng đường, còn lại là cứ lăng xăng, giải quyết bằng hạ sách, đó là vô minh. Người tu thấy khổ thay vì đi con đường ba hành cầu sinh tử thì dùng khổ đó để tu tập, từ khổ mới có niềm tin, tin Phật, tin pháp, tin bậc hiền trí ở đời, tin lời dạy của hiền thánh; tin rồi mới có hành trì, từ hành trì mới có phỉ lạc, có khinh an, có trí tuệ, có nhàm chán, có ly tham rồi từ đó mới có giải thoát. Nhưng trong muôn triệu ức tỷ người mới có một người như vậy, Phật thì lâu lắm mới có một vị ra đời, số người độ được thì nhiều lắm như một nắm cát trong sa mạc. Có vô số người đã sơ phát bồ đề tâm với niềm đại nguyện trở thành Chánh Đẳng Giác, nhưng dọc đường rơi rớt, cuối cùng thì chỉ còn lại một hai vị. Đây là lý do tại sao kinh nói Phật là hiếm.

Tất cả khổ từ sanh mà ra, sanh từ hai hữu, hai hữu có tứ thủ. Bốn thủ có từ sáu ái. Sáu ái có từ sáu thọ. Sáu thọ có từ sáu xúc. Sáu xúc có từ sáu nhập. Sáu nhập có từ danh sắc đầu đời. Danh sắc đầu đời có từ 32 tâm quả thiện ác. 32 quả này có từ ba hành. Ba hành có từ vô minh trong tứ đế. Vô minh có từ tứ lậu. Tứ lậu có từ sự bối rối lúc đau khổ. Đau khổ có từ sanh, sanh có từ hai hữu, hai hữu có từ bốn thủ

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app