Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên – Phẩm Thiêu Cháy

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên

Phẩm Thiêu Cháy

BẬC HOÀN TOÀN Anomasutta

Sáng nay chúng ta học bài kinh Bậc Hoàn Toàn. Có một chuyện phải nói rõ ở đây, lớp này là lớp Kinh Tạng, nói khác đi lớp này là lớp giáo lý chứ không phải lớp dạy tiếng Pāḷi. Tuy nhiên, thông qua lớp này chúng ta có nhiều cơ hội để thấy rằng nếu không tìm hiểu kinh điển thông qua chánh văn Pāḷi thì rõ ràng là đường chết nhiều hơn đường sống. Chẳng hạn như bài kệ sáng nay chúng ta học, đó là bài Bậc Hoàn Toàn.

Bài này nếu chỉ nhìn bản tiếng Việt thôi thì tôi xin thưa thiệt tôi không biết đường đâu mà tôi hiểu chứ đừng nói là giải thích cho người khác. Trong khi đó nếu chúng ta nhìn vào bản Pāḷi thì bài này sáng trưng.

“Anomanāmaṃ nipu­ṇattha­dassiṃ,

Paññādadaṃ kāmālaye asattaṃ;

Taṃ passatha sabbaviduṃ sumedhaṃ,

Ariye pathe kamamānaṃ mahesin”ti.

Ví dụ, quí vị để ý, từ câu 1 đến câu thứ tư, chúng ta thấy toàn là cách thứ hai (thường được làm túc từ trực tiếp của động từ trong câu.) chẳng hạn như Buddho, Buddhaṃ, Buddhaya… Trong bài này toàn cách thứ hai hết, ai mù tịt thì xem thấy cách thứ hai là toàn chữ ‘ṃ’. Điều đó có nghĩa rằng là toàn bộ những chỗ cách thứ hai mà chúng tôi nói, trên văn phạm nó là đối cách, hay là đối từ trực tiếp, cách 2 trong danh từ Pāḷi, thay vì cách 4 đối từ gián tiếp. Nếu câu này dịch lại, mà tôi nghĩ bắt buộc dịch lại thôi, trước hết là lấy chữ ‘. Nếu câu này dịch lại, mà tôi nghĩ bắt buộc dịch lại thôi, trước hết là lấy chữ ‘passatha’để trước, đó là câu số 1. ‘Passatha’ có nghĩa là ‘to see’. Trong trường hợp này có nghĩa là ‘Look at’. “Hãy nhìn vào, hãy quan sát; quan sát toàn bộ những bậc (…) này”; đẩy hết toàn bộ (các bậc…) về object (direct object).

‘Sabba’: ‘tất cả’. ‘Guna’: ‘quality’. ‘Samannāgatattā’: ‘đầy đủ’, ‘gom trọn’. “sabbaguṇasamannāgatattā avekallanāmaṃ, paripūranāmanti attho”: “bậc đầy đủ tất cả các đức lành”.

‘Paripūranā’: ‘viên mãn’.

‘Nipu­ṇa’ (subtle): ‘tinh vi’ ‘sâu sắc’.

‘Nipu­ṇattha­dassiṃ’: bậc nhìn thấy tất cả các vấn đề ý nghĩa sâu sắc chi ly.

‘Paññādadaṃ’: bậc ban bố trí tuệ cho chúng sinh.

‘Kāmālaye asattaṃ’: bậc cư trần bất nhiễm.

‘Asattaṃ’: không dính mắc.

‘Kāmālaye’: Cảnh dục, cõi dục.

‘Ālaya’: nương gá.

Hima’: ‘tuyết’ (snow). Himalaya: chỗ ở của tuyết. Núi Himalaya còn có tên là Hemavanta: chỗ có tuyết.

‘Alayavijnana’: a-lại-da-thức, tàng thức. Xuất phát của Duy thức học từ A-tỳ-đàm Nguyên thủy, tất cả những thiện ác của mình chất chứa trong lòng mình nên đi đời nào kiếp nào cũng mang nó theo. Bên A-tỳ-đàm Nguyên Thủy thì gọi là ‘thói quen’, ‘thường cận y duyên’ (Pakatūpanissaya), ‘quán tính’.

Kamamāna’: ‘từng trải’, ‘kinh lịch’ (‘lịch’ là từng trải qua, ‘thiệp’ là lội qua).

‘Taṃ’: ‘ấy’, ‘đó’.

‘Sabba’: ‘tất cả’. ‘Vidu’: ‘hiểu biết’. Sabbavidum’: ‘Bậc toàn giác’, ‘toàn trí’.

‘Sumedham’: (wise man), ‘bậc hiền trí’: omniscience.

“Ariye pathe kamamānaṃ mahesin”.

‘mahesi’: (maha +isi): bậc tầm cầu hay theo đuổi mục đích cao cả nào đó. Maha: great. Isi: seeker.

‘Ariya’: ‘thánh nhân’

Ariye pathe’: ‘thánh đạo’. Pathe: Con đường (giống chữ ‘path’ trong tiếng Anh). Cũng giống như trong tiếng Latin có chữ ‘dent’ (răng), tiếng Pāḷi là ‘danta’; hoặc trong tiếng Đức có chữ soupe (súp), tiếng Anh là ‘soup’, tiếng Pāḷi là ‘sūpa’; hoặc tiếng Anh có chữ ‘range of mountain’ thì tiếng Việt có chữ “rặng núi’

Dịch thoát như sau: “Hãy dùng mắt, dùng trí tuệ của mình mà nhìn ngắm bậc đầy đủ các đức lành, bậc nhìn thấy tất cả các vấn đề sâu sắc nhất, bậc ban bố trí tuệ cho chúng sanh, bậc cư trần bất nhiễm, bậc hiền trí, bậc toàn giác, bậc kinh lịch”. Tôi ngờ rằng quan điểm này trong kinh điển Nguyên Thủy đã trở thành nền tảng cho quan điểm bên Bắc Tông để dẫn đến câu nói rằng: Không phải ta mới thành Phật trong kiếp này mà ta đã thành Phật từ vô số kiếp.

Kamamānanti bhagavā mahābodhimaṇḍeyeva ariyamaggena gato, na idāni gacchati, atītaṃ pana upādāya idaṃ vuttaṃ. Có nghĩa là “tu muôn kiếp ngộ nhất thời”. Con xin đảnh lễ bậc đã có vốn liếng lâu đời, bậc kinh lịch trong thánh đạo. Không phải hôm nay Thế Tôn sống trong pháp mà nhiều đời nhiều kiếp Thế Tôn đã sống trong pháp. Không phải chỉ bây giờ mà con đường Thế Tôn đi đã lâu lắm rồi. Nghĩa là, cách đây 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, Ngài đã xác định con đường của mình là tự ngộ và độ tha.

[34] Chánh Đẳng Giác

Bồ Tát Chánh Đẳng Giác có 3 hạng:

1/ Độc Giác: Tự giác ngộ không cần thầy, nhưng không thể làm thầy cho ai.

2/ Toàn Giác: Tự giác ngộ không có thầy nhưng có thể làm thầy cho người khác.

3/Thanh Văn Giác: Muốn giác ngộ phải có thầy và bản thân có thể làm thầy cho người khác chứng đắc giống như mình, chẳng hạn như ngài Xá Lợi Phất. Bài kinh Samacittasutta do ngài Xá Lợi Phất thuyết chấn động 10 ngàn thế giới, vô số thiên chúng chứng đạo. Ngài Nāgasena giúp người đắc sơ quả khi mình vẫn còn là phàm, sau đó mới chứng thánh.

Bồ tát Toàn Giác có 3 trường hợp:

1. Lấy trí tuệ làm chủ đạo

2. Lấy niềm tin làm chủ đạo.

3. Lấy tinh tấn làm chủ đạo.

– Bồ tát hạnh trí tuệ trong kiếp đầu tiên được Phật khác thọ ký, đủ sức chứng được Lục Thông, Tam Minh, Tứ Tuệ Phân Tích (4 trí vô ngại).

[35] Lục Thông

Lục thông là gì?

1. Biến hóa thông: bay nhảy, độn thổ, đi trên nước, qua lửa, xuyên tường.

2. Thiên nhãn thông:thấy được những gì ở xa nhất mắt thường không nhìn thấy. Thiên nhãn minh có hai loại, mắt nhìn thấy theo nghĩa vật lý, và nhìn thấy theo nghĩa tâm lý.

3. Thiên nhĩ thông:nghe được những âm thanh rất xa, rất nhỏ, âm thanh có tần số hạ âm (loại âm thanh con chó, con cá heo nghe được mà con người không nghe được). Trong những kỳ sóng thần, 99% xác chết toàn là xác người. trong khi đó xác thú rất ít, vì những con thú nghe được những âm thanh báo hiệu động đất sóng thần trong lòng đất từ rất sớm nên đã chạy hết từ sớm. Năm 1961 bên bờ biển ở Brazil, nước rút thật xa đến nỗi cá không chạy kịp, mọi người đang lượm cá thì sóng ập vào trở lại, năm 2002 cũng vậy. Thiên nhĩ thông cũng giống như vậy, nghe được những âm thanh con người không nghe được. Khả năng vượt khỏi khả năng con người bình thường, tiếng Pāḷi gọi là atikkantamānusaka: siêu nhân (superman).

4. Tha tâm thông: là đọc hiểu được tâm người khác, dòm mặt người ta biết họ nghĩ gì.

5. Túc mạng thông:là nhớ được đời xưa kiếp trước, nhớ quảquá khứ (thọ, hành, tánh, tướng). quá khứ (thọ, hành, tánh, tướng). Sanh tử thông: là nhớ được cái nhân quá khứ (vì sao, nhờ đâu mà kiếp đó ta lại làm vua, diễn viên, hoa hậu, ăn mày…).

6. Lậu tận thông: là chấm dứt toàn bộ các lậu hoặc.

[36] Tam minh

Tam minh là phân nửa của lục thông: túc mạng minh (nhớ được quả luân hồi ta đã từng làm gì sống ra sao), sanh tử minh(nhân nào mà ta trải qua kiếp sống đó), lậu tận minh (chấm dứt hoàn toàn phiền não).

[37] Tứ tuệ phân tích

Tứ tuệ phân tích là:

1. Pháp vô ngại giải(Dhammapaṭisambhidā) (nhân vô ngại giải): nghe cái gì, thấy cái gì cũng quy về Phật Pháp được hết. Ví dụ Đức Phật hoặc ngài Xá Lợi Phất nhìn cái gì (bàn tủ, ghế, tơ nhện, chiếc lá, vách tường, xe cộ, nai thú, chim muông…) cũng có thể thuyết giảng được Tứ Đế, Duyên khởi, Duyên hệ, 12 xứ, 18 giới…vv

2. Nghĩa vô ngại giải(Atthapaṭisambhidā) ai nói gì cũng hiểu; nhìn nhân thấy ra quả, nhìn quả thấy ra nhân.

3. Từ vô ngại giải (Niruttipaṭisambhidā): khả năng ngôn ngữ không giới hạn (hiểu mọi thứ tiếng trên đời); dầu không biết tất cả các ngoại ngữ, nhưng dùng tiếng mẹ đẻ một cách ngon lành để diễn đạt Phật Pháp không giới hạn.

Có nhiều người kiến thức chuyên môn rất giỏi nhưng trình bày không được, hoặc gây phản cảm, gây hiểu lầm.

4. Biện vô ngại giải(Paṭibhānapaṭisambhidā): Chạm vô là bật ra, ào ạt tuôn chảy, rào rạt lưu loát, thao thao bất tuyệt

– Bồ tát đức tin trong kiếp đầu tiên được Đức Phật thọ ký, đủ sức chứng được Lục Thông.

– Bồ tát tinh tấn trong kiếp đầu tiên được Đức Phật thọ ký đủ sức chứng Tam Minh.

– Người chứng sơ quả: không còn khả năng luân hồi quá 7 kiếp.

Bên Bắc tông vui hơn bên đây, theo kinh Pháp Hoa thì sau này ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ānanda, Ca Diếp, La Hầu La, kể cả Đề Bà Đạt Đa sau này thành Phật ráo trọi. Đắc A-la-hán, không còn phiền não, không còn chấp ngã chấp nhân nhưng còn chấp pháp. Chấp pháp thì không nặng so với chấp ngã chấp nhân cho nên đắc A-la-hán rồi tha hồ tu Ba-la-mật. Trong khi đó bên Nam Tông thì không, chỉ một lần đò thôi, nếu mình chọn là Thanh Văn thì mình không trở thành Độc Giác hay Toàn Giác nữa, vì một người đã chứng sơ quả Tu-đà-hoàn rồi thì vị đó không còn khả năng luân hồi và không tha thiết muốn luân hồi để làm gì nữa. Họ rất tôn kính Đức Phật và có thể hy sinh vì Đức Phật. Nếu họ là cư sĩ thì thà chết chứ không phạm giới cư sĩ, nếu là người xuất gia thì thà chết chứ không phạm giới xuất gia. Họ không còn khả năng luân hồi nữa. Sức hút của phàm tâm cộng với đại hùng đại lực của một vị Bồ tát, cộng với phiền não mới làm lực đẩy cho luân hồi, nhờ phiền não mới kéo dài luân hồi được, nhờ đại hùng đại lực mới hành được Ba-la-mật. Người bình thường như chúng ta thì lực đẩy của phiền não sẽ đẩy chúng ta đi biền biệt sơn khê luôn. Nếu bây giờ mình nhìn thấy một vị có sáu màu hào quang, ba mươi hai đại nhân tướng thì với sự tác động của hình ảnh đó có thể làm cho mình sơ phát bồ đề tâm. Trong kinh nói có vô số chúng sinh nhìn thấy Thế Tôn thì họ đã lập tức phát thệ Phật đạo nhưng khi ra khỏi giây phút đó, không thấy Phật nữa thì họ lạnh xương sống không dám đi nữa. Một lần đau răng một lần tiêu chảy là mình ngán luân hồi, nếu mất số tiền 10 ngàn đô la, vợ đẻ con đau, sanh ly tử biệt… sẽ càng làm cho mình không có gan đi luân hồi.

 

Bài kinh này nói hãy dùng trí của mình, dùng mắt của mình để nhìn ngắm một bậc có đủ đức lành, có cái nhìn hiểu biết mọi vấn đề sâu sắc, bậc ban bố trí tuệ cho người khác, bậc cư trần bất nhiễm, bậc toàn giác, bậc hiền trí, bậc kinh lịch trong thánh đạo (“Ariye pathe kamamānaṃ”) từ nhiều kiếp trước Ngài đã từng đi trên con đường đó từ lâu lắm rồi. Khi giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân Đức Phật đã từng nói: “Ananussutesu dhammesu” ta trực ngộ, chợt thấy ra những pháp ta chưa từng được nghe. Quí vị có thấy lạ không, Ngài đã từng xuất gia với chư Phật quá khứ, Ngài từng thuộc lòng Tam Tạng, vậy Ngài đâu có lạ gì pháp Tứ Đế, Duyên khởi. Vậy mà bây giờ trong bài kinh Chuyển Pháp Luân Ngài nói những nhận thức của ta bây giờ về khổ về tập, diệt, đạo là những nhận thức ta chưa từng được biết đến. Vì sao vậy? Trước đây trong tiền thân Ngài thuộc lòng Tam Tạng, thì Tam Tạng đó chỉ là những tấm ảnh không hồn. Lời người chứng đạo họ kể lại mình học thuộc lòng chứ không thật sự thấm thía, tiêu hóa, thấu suốt được như là bây giờ dưới cội bồ đề nên Ngài mới nói “Ananussutesu dhammesu”. Quý vị đừng nói Tứ Đế, Duyên khởi làm chi cho mệt, một người chưa từng uống cà phê thì có viết một ngàn trang nói hương vị cà phê thì người đó cũng chẳng có cách chi đọc cuốn sách mà hiểu được hương vị cà phê, chỉ cà phê thôi đó. Vị bổn sư của mình trong vô lượng kiếp cũng là những vị tỳ kheo thuộc lòng Tam Tạng ào ào rào rạt, nhưng Tứ Đế, Duyên khởi, Duyên hệ… những vấn đề sâu kín trong đó chỉ kiếp cuối cùng thành Phật, Ngài mới tiêu hóa thấu suốt tới nơi tới chốn. Thấm thía được thế nào là sự sanh diệt của danh sắc, thế nào là tính nhân quả, tính duyên khởi của danh sắc không phải dễ. Nói quí vị đừng buồn, coi chừng mình không đọc sách thì không hiểu gì hết, mà đọc những cái đó rồi thì chỉ cản trở trong lúc tu thiền thôi, chưa gì mà cứ tưởng tuệ này tuệ kia. Thấy được tính nhân quả, tính vô thường, tính tam tướng của danh sắc không dễ đâu, phải thấy bằng trí tu, chứ bằng trí văn là coi chừng. Không học giáo lý thì không biết đường tu, nhưng cái thấy trong lúc chứng ngộ không giống như cái thấy của bài vở. Không giống nhưng không mâu thuẫn chống trái, hay là hay ở chỗ đó. Không học thì không chứng được, nhưng khi chứng thì cái thấy trong lúc chứng không giống như cái thấy trong lúc mình học. Trí tu có đặc điểm thế này, đó là sự trực nhận, là sự hốt nhiên đại ngộ, cái thấy này lạ lắm, không phải muốn là được. Chẳng hạn như bây giờ tôi hiểu cái gì có sanh thì có diệt, khổ thọ là cái gì làm cho tôi đau đớn khó chịu, lạc thọ là cái gì làm cho tôi thấy khoan khoái dễ chịu, cái này là vô thường nè, cái này có thì cái kia có, cái này không cái kia không, đó là tính duyên khởi của danh sắc; đó là trí văn. Nhưng cái hiểu biết trực nhận của hành giả trong những vấn đề đó bằng trí tu lại khác. Trí văn lúc nào muốn ôn lại thì lập tức nhớ ngay, nhưng trí tu thì không. Cái nhận thức của trí tu lạ lùng một chỗ là không giống bất cứ sách vở nào hết, và nó chỉ đến trong một khoảnh khắc rất đỗi bất ngờ nào đó mà thôi, nó lạ lùng là không hề giống như cái thấy trong sách vở. Đừng bao giờ mắc cái tâm tự mãn đọc sách cho cố, nghe giảng cho cố rồi cứ nuôi cái đó trong đầu rồi cứ tưởng trí văn tức là trí tu.

 

Kamamānaṃ là bậc kinh lịch trong thánh đạo nghĩa là con đường này Ngài đã đi từ lâu lắm rồi, nhưng bước chân của ngày xưa là bước chân của phàm phu còn bây giờ là bước chân của một bậc thánh. Kể từ gốc bồ đề ra đi thì Ngài là bậc thánh, trước đó Ngài là người phàm, nhưng vẫn con đường đó, đi bằng những bước chân khác cùng về một hướng.

Nội dung bài kệ Bậc Hoàn Toàn vừa rồi là lời tán thán của ai đó dành cho Đức Phật. Ngài là bậc có đủ mọi đức lành, có cái nhìn hiểu biết mọi vấn đề sâu sắc, bậc ban bố trí tuệ cho người khác, bậc cư trần bất nhiễm, bậc toàn giác, bậc hiền trí, bậc đã và đang đi trên con đường thánh đạo. Chỉ riêng câu thứ tư (Ariye pathe kamamānaṃ mahesin) đáng để chúng ta nói với nhau hai tiếng đồng hồ. “Đi trên con đường thánh đạo” là sao? Nếu một người tin Phật, tu Phật thì trong từng ngày, từng giờ phải để ý xem con đường mình đang đi, kiểu sống mình đang sống, thế giới mình đang có mặt nó ra làm sao. Đừng tưởng rằng mình đang ở dưới mái che có vách có cột có sàn có trần là đang ở trong nhà. Nếu ta đang sống bằng tâm bất thiện thì đó là chuồng cũi lồng chậu của bàng sanh. Nếu ta đang sống bằng bốn pháp cộng trú thì đó là Phạm cung và cảnh giới của Phạm thiên. Nếu ta đang sống trong trí tuệ trong tam tướng danh sắc, thì đó chính là trụ xứ của thánh nhân. Thánh đạo nghĩa là ta đang có mặt trên con đường của thánh nhân hay trên con đường của phàm nhân tục lụy. Đức Thế Tôn hội đủ các đức lành còn ta có được góc mẻ nào của Ngài hay không.

 

Paññādadaṃ nghĩa là lời Thế Tôn nói ra cho người khác nghe, kiểu sống của Thế Tôn cho người khác nhìn đều là ban bố cho người ta trí tuệ. Có biết bao nhiêu người chưa nghe Ngài nói, chỉ nhìn Ngài thôi là đã có trí tuệ rồi.

‘Kāmālaye asattaṃ’ nghĩa là Thế Tôn không bị dính mắc trong năm trần. Ngài Maha Kassapa Đại Ca Diếp là vị đệ nhất đầu đà, suốt đời chỉ mặc y phấn tảo lượm ngoài nghĩa địa, suốt đời sống hạnh khất thực ăn xin bằng bình bát, suốt đời sống trong hang động gốc cây, suốt đời chỉ ăn nhất tọa thực, lỡ điểm tâm rồi thì không ăn trưa, ấy vậy mà mỗi lần về quì đảnh lễ dưới chân Thế Tôn thì một lòng tôn kính tuyệt đối, vì ngài biết con người mình đang quì lạy đây mỗi ngày sống trong tiện nghi và sử dụng vật chất ưu việt nhất nhưng một chút xíu tham đắm cũng không có, cảnh trần đối với vị này giống như gió qua mành lưới, nước trên lá sen, hạt cải trên đầu kim. Ngài biết rõ con người này không dính mắc trong cảnh trần trong cảnh dục đã đành rồi, mà cảnh Phi tưởng phi phi tưởng Ngài cũng không màng tới, vị này có thể xuất nhập thiền Vô Sắc nhanh hơn tia chớp nhưng vị này không hề dính mắc. Với một bậc đạo sư như vậy thì 13 hạnh đầu đà của ngài Ca Diếp có nghĩa gì đâu, thế nên ngài quì lạy dưới một nhân cách vĩ đại như vậy. Không phải như những vị thầy khác, Khổng Tử nói, hiếu học ta không bằng Nhan Hồi, lễ nghi ta không bằng Mạnh Tử v.v… nghĩa là chính Khổng Tử cũng nhìn nhận có chỗ này chỗ kia mình thua học trò, nhưng Thế Tôn thì không. Đệ tử có giỏi bao nhiêu thì Ngài còn giỏi hơn rất nhiều lần. Có lần ngài Ānanda từng tán thán Thế Tôn: Thật may mắn thay cho con, đại hạnh thay cho con khi con có một bậc đạo sư như Thế Tôn. Ngài Udayi đang đứng hầu kế bên liền nói: Tôn giả Ānanda dư lời khen “phò mã tốt áo”. Đức Phật nói: Này Udayi đừng nói như vậy, nếu đời này kiếp này mà Ānanda không chứng quả A-la-hán viên tịch vô sanh thì với niềm tin trong tích tắc khi mà Ānanda nói lời tán thán đó, Ānanda đủ phước báu 36 lần làm Đế Thích, 36 lần làm Chuyển luân Vương và vô số lần làm Phương chủ quốc độ. Có một chuyện quí vị phải ghi nhớ nếu có niềm tin. Niềm tin của mình đối với Đức Thế Tôn sẽ dẫn đến công đức rất lớn, tuy nhiên niềm tin đó phải tùy thuộc vào sự hiểu biết của mình về Ngài. Muốn hiểu được ân đức của Phật trước hết phải học giáo lý để nhận thức của mình về Đức Phật càng sâu càng rộng. Trong A-tỳ-đàm nói tâm tham có 8, tâm đại thiện có 8. Tâm tham có hợp tà ly tà, thọ hỷ thọ xả, vô trợ hữu trợ; tâm đại thiện có hợp trí ly trí, thọ hỷ thọ xả, vô trợ hữu trợ; mình nghe như vậy mình tưởng có 8 thứ chứ thật ra không phải. Có hai cách nói, cách nói đơn giản: Chỉ có một tâm tham thôi, một tâm thiện thôi. Cách nói rắc rối: có vô số tâm tham chớ không phải có tám. Vì sao? Vì tâm tham thọ hỷ hợp tà vô trợ của quí vị không giống như tâm tham thọ hỷ hợp tà vô trợ của tôi, vì thọ hỷ của quí vị làm sao giống thọ hỷ của tôi. Vì cái căn cơ, khuynh hướng tập khí luân hồi nhiều đời nhiều kiếp của tôi, vốn liếng sanh tử của tôi không giống các vị nên tâm tham thọ hỷ của tôi không giống các vị; hợp tà cũng vậy, thường kiến của các vị cũng không giống của tôi; vô trợ (không cần tác động) của tôi cũng không giống của các vị. Không cảnh đời nào giống cảnh đời nào hết, vì vậy quí vị nên nhớ trong kinh nói 8 tâm tham thì phân loại cho thấy rõ vậy thôi thật ra tâm tham người này không giống của người kia. Tâm thiện cũng vậy, vì sao, thọ hỷ của tôi không giống thọ hỷ của quí vị; hợp trí cũng vậy, hiểu biết của tôi về Phật pháp không giống các vị cho nên khi tôi niệm Phật làm sao giống các vị được. Ví dụ như quanh nhà tôi có hoa hồng, mỗi lần tôi cắt hoa hồng vô tôi cúng cho Ngài tôi chỉ niệm một điều thôi: “Ngài xứng đáng nhận những hoa này, đời Ngài là hoa, con xin cúng hoa cho Ngài”. Khi tôi thắp hương đối trầm cho Ngài tôi cũng chỉ niệm: “Xin cho con được giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát, giải thoát tri kiến hương như của ngài”, hoặc những khi lạy Phật tôi chỉ niệm có một câu thôi: “Ngài là người đã làm chuyện khó làm, đã nhịn chuyện khó nhịn, đã cho cái khó cho, nên Ngài đã thành tựu cái khó thành tựu”, chỉ vậy thôi. Chứ còn tôi sợ nghe niệm Phật mà cứ đọc ê a như con két mà không biết những gì mình đọc như Điều Ngự Trượng Phu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Minh Hạnh Túc là cái gì, có một điều vô cùng khó hiểu và vô cùng đau lòng là Phật tử VN cứ niệm Phật như con két mà con mắt thì láo liên không hề hiểu được câu niệm đó là cái gì. Đối với tôi mà nói, niệm Phật mà không có cái lòng dính vào đó giống như niệm nam mô Lê Văn Hai, nam mô Nguyễn Văn Tèo vậy đó, không có ý nghĩa gì hết, niệm một nơi mà làm một nẻo. Niệm Phật phải hiểu được ý nghĩa; nên tôi nhắc ở đây chuyện rất quan trọng, phước báu của mình khi mình lạy Phật, lễ Phật, cúng Phật công đức sẽ nhiều ít tùy thuộc vào khả năng hiểu biết về Ngài. Có hiểu biết mới dẫn đến chuyện hợp trí hay ly trí. Trong hợp trí của mình, A với B lại khác nhau nữa, ví dụ như ngài Hộ Pháp ở núi Dinh, hễ nói đến chữ “Phật, Vô Ngại giải, Lục thông Tam minh…” thì ngài “phê” lắm, hơn người bình thường rất là nhiều. Như trong bài kệ, chỉ có chữ Kamamānaṃ (kinh lịch thánh đạo) thôi mà nó mênh mông hà xứ như vậy, trong khi mình không biết cái gì hết, mình chỉ biết quì, biết lạy thôi, quá yếu! Giống như một người mẹ có hai đứa con, một đứa sống với mẹ bốn chục năm, khi nhắc đến mẹ thì bao nhiêu kỷ niệm trùng trùng trở về, còn một đứa thất lạc từ bé, bốn mươi năm sau gặp lại mẹ, thì “rõ ràng trước mắt còn ngờ chiêm bao”, tự nhiên một người đàn bà lạ hoắc trở thành mẹ thì vẫn xa cách không giống như đứa con kia. Niệm Phật có hai cách, một là niệm như đứa con ở gần mẹ 40 năm hoặc như đứa con nhận mẹ sau 40 năm xa cách, quí vị muốn niệm kiểu nào tùy ý.

THIÊN NỮ

Bài kinh này có nội dung hơi lạ lạ. Có một vị tỳ kheo tu hành rất tinh tấn, cần chuyên, thanh tịnh, đùng một cái, vào một ngày buồn không còn thở nữa. Trong cái chết đột ngột đó, vị này được sanh thiên. Trong chú giải nói thế này: ayaṃ kira devaputto tương truyền rằng vị thiên tử này satthusāsane pabbajitvā vattapaṭipattiṃ pūrayamāno pañcavassakāle pavāretvā sau khi xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật được 5 năm tu hành tinh tấn, làm tròn trách nhiệm của người tu hành, dvemātikaṃ paguṇaṃ katvā kammākammaṃ uggahetvā cittarucitaṃ kammaṭṭhānaṃ uggaṇhitvā học trọn vẹn cả thiền chỉ lẫn thiền quán sallahukavuttiko araññaṃ pavisitvā là người rất là dễ thương, bậc tiêu dao thoát tục sống trong rừng thì mạng chung. Sau khi chết rồi thì sanh về trời.

Theo một sớ giải khác nói chuyện sanh về địa ngục hay sanh về trời: sanh về cõi Trời thì sau khi chết rồi sẽ thấy giống như mình thức dậy và có cảm giác thơm ngát, mát lạnh, xung quanh là những âm thanh du dương, những âm thanh chưa bao giờ được nghe trong đời sống thường nhật, mở mắt ra thấy quanh mình toàn tiên nữ, lâu đài trôi bềnh bồng trong mây trắng, bốn phương không giới hạn. Sanh về địa ngục thì có cảm giác thức dậy trong lò bánh mì, bốn bề lửa cháy nóng rần rần, có tiếng van xin gào thét, mùi hôi thối, lúc đó thì biết rằng mình đã “hạ cánh”! Có người đâm chọt, cắt thịt cắt da, xung quanh toàn những người bị giống như mình.

Vị tỳ kheo này cũng vậy, nghe mát lạnh thơm mát, mở mắt ra thấy một rừng mỹ nữ, vị này mất hồn. Cô tiên nữ nói: Ngài không có gì phải ngại, giờ ngài đã thành thiên tử, ngài là chủ của chúng tôi. Vị này lòng không yên lập tức dùng trí tuệ quan sát, biết mình đã từ trần, sanh về đây, nhưng chỗ này không hạp với mình. Như một đứa bé nhớ mẹ, vị này nhớ ngay đến Đức Phật bổn sư liền. Chúng ta hãy nhớ một chuyện như thế này, khi mình dễ duôi, mê đời, mê tiền, mê gái, háo sắc thì mình thấy đời đẹp, nhưng một người sợ sanh tử thì hình ảnh Đức Phật là hình ảnh tuyệt vời nhất, là sự an toàn, an lạc. Một người có niềm tin nơi đạo thì ngoại trừ những phút dễ duôi riêng mình ra thì không có hình ảnh nào an toàn bằng hình ảnh Đức Phật. Đó là lý do tại sao khi gặp người quen thì tôi hay đề nghị đừng có đeo tượng Phật trên người, vì tượng Phật đeo trên người thì mình khó nhìn thấy nhất, trên thân mình thì bất tịnh, bất xứng; mang vào toilet thì không hay. Chỉ nói với người quen thôi, chứ người lạ thì mang gì cứ mang. Tôi khuyên nên tìm một bức tượng, bức hình cho vừa ý, mỗi lần thấy lòng không yên mình nhìn lên Ngài, mình cảm thấy một chỗ dựa, chỗ dựa đặc biệt lắm quí vị. Có người cho bà Asandhimitta – hoàng hậu của vua A Dục, một con chim hót rất hay, con chim tên là Karavika (Ca-lăng-tần-già). Nghe con chim hót bà nghĩ, nghe kinh nói âm thanh Thế Tôn giống âm thanh con chim này, khi nó hót trong lúc thiện đã hay như vậy, thì huống chi âm thanh của Thế Tôn, của một bậc không phiền não đã lậu tận. Chỉ nghĩ như vậy bà đã đắc Tu-đà-hoàn. Khi nhìn bức tượng, bức tranh của phàm phu làm ra, họ là người còn tham còn sân còn si mà làm ra khuôn mặt như thế này thì tôn nhan thật sự của Thế Tôn làm sao mình không kính ngưỡng được, một con người nhiều đời nhiều kiếp dám chết vì người khác, ai Ngài cũng thương. Tôi tuyệt đối tin rằng, nếu tôi được gặp Thế Tôn thì điều gì tốt đẹp nhất có thể làm cho tôi thì Ngài sẽ làm; nếu tôi có đủ duyên giác ngộ thì dù tôi ở xa ngàn trùng Ngài cũng đến với tôi;, nếu tôi có hạnh Bồ tát, nếu nói câu gì đó để cho hạnh Bồ tát của tôi được củng cố thì dầu có ngàn dặm Ngài cũng đến với tôi.

Vị tỳ kheo này về trời thấy bầy tiên nữ thì sợ hãi đám này sẽ đưa mình về cõi đọa ngàn trùng viễn xứ của máu lửa tang thương, nên lập tức quay về với Thế Tôn. Quí vị thấy câu kệ này mới tang thương nè:

Thiên nữ đoàn tụ hội,

Ngạ quỷ chúng tới lui,

Rừng ấy danh rừng si,

Làm sao có lối thoát?

Rừng si ở đây tiếng Pāḷi là Mohana. Trên cõi trời có rừng Nandana (Xem lại bài kinh Vườn Hoan Hỷ), gọi là rừng Khoái Lạc, vị này chơi chữ thay vì gọi là rừng Nandana thì gọi là rừng Mohana, rừng si. Si ở đây không phải là loại cây si cây kiểng.

Người Tích Lan tả người nữ: “ajjhattayakkhā bahiddhadevatā”nghĩa là bụng dạ xoa, ngoài thiên nữ, giống kiểu khẩu Phật tâm xà. Chữ ‘quỷ’ này có hai nghĩa: 1. Gian ác nhỏ mọn, ích kỷ; 2. Là người đưa mình xuống địa ngục. Trong tiếng Sanskrit còn gọi người nữ là ‘narakadipikā’ nghĩa là “ngọn đuốc dẫn về địa ngục”. Bữa nay tôi đứng về phía vị tỳ kheo nên chắc quí vị phụ nữ rất là buồn. Có chuyện này mình cũng nói nhỏ nhau thôi, người nam ghét nhau nhưng vì hoàn cảnh có thể gần nhau được, chứ nữ thì không. Lòng người nữ hẹp lắm nhưng nói ra họ giận.

Vị này nói, “Accha­rā­gaṇa­saṅ­ghuṭṭhaṃ, pisāca­ga­ṇasevi­taṃ”. thấy tiên nữ vậy thôi chớ đó là đám quỷ. “Vanantaṃ mohanaṃ nāma”, bây giờ đang sống trong khu rừng tăm tối mịt mù như vậy, “kathaṃ yātrā bhavissatī” biết đi đâu về đâu. Kathaṃ: thế nào (how). Yātrā nghĩa gốc là ‘hành trình’ (journey). HT Minh Châu dịch là “làm sao có lối thoát”. Tâm trạng của vị này: Bạch Thế Tôn chung quanh con giờ toàn quỷ cái không hà, sống chung với đám quỷ hắc ám vậy giờ con biết đi đâu về đâu.Hiện nay Ấn Độ dùng chữ ‘Yātrā’ để chỉ cho ngành du lịch (tourism). Đức Phật nói: Đừng nói là ngươi không chỗ về, rõ ràng có một chiếc xe yên tĩnh đi về nơi không sợ hãi với các phụ tùng là những thiện pháp, bất kể ai trên đời này cũng đều phải dùng chiếc xe đó đến Niết Bàn. “Ðường ấy tên chơn trực … Hướng tiến đến Niết-bàn”.

Con đường mà HT Minh Châu dịch “con đường chơn trực” “Ujuko nāma so maggo” có nghĩa là con đường không quanh co. ‘Vanka’ là ‘quanh co’. Cái lưng bị cong cũng là ‘vanka’, con đường quanh co cũng là ‘vanka’, sự trùng hợp ngẫu nhiên[1]. Con đường không quanh co ở đây ám chỉ Bát Thánh Đạo, là con đường đi thẳng, không tái sanh. Con đường thiện ác theo nghĩa thế gian thì có quanh quẹo. Những thiện pháp được tu tập trong lý tưởng vô lậu thì đi thẳng về phía trước. Đức Phật dạy, này các tỳ kheo sở hành quanh co dẫn đến sanh thú quanh co. Con rắn, con chồn, cáo, chim, chuột rất sợ loài người hoặc loài lớn hơn thì sẽ tìm cách trốn lủi luồn lánh. Cũng vậy, người mà có sở hành bất thiện thì gọi là người có sở hành quanh co. Vankacārī: sở hành quanh co. Cái gì bất thiện thì đâu dám khoe, phải giấu, chính vì sở hành bất thiện mình phải giấu nên đời sau mình sanh thành loài gì đó hay né tránh trốn lủi lòn lách như chuột, rắn. Người đi đường ngay lối thẳng chỉ có thiện pháp thôi. Abhayā disā: phương trời an toàn vô úy, ám chỉ Niết Bàn. Ujuko maggo: con đường trực chỉ không quanh co ám chỉ cho Bát Thánh Đạo. Akūjano ratho: chiếc xe êm ái không tiếng ồn, cũng ám chỉ Bát Thánh Đạo. Như vậy ở đây Bát Thánh Đạo vừa là con đường cũng là chiếc xe.

Aṭṭhaṅgiko maggo ujuko nāma. Bát Thánh Đạo là con đường trực chỉ không quanh co.

Ratho akūjanoti aṭṭhaṅgiko maggova adhippeto. Chiếc xe không tiếng ồn cũng ám chỉ cho bát thánh đạo. Adhippeto: ám chỉ. Vì sao không tiếng ồn? Chiếc xe bình thường càng đông khách thì càng om sòm, còn chiếc xe Bát Thánh Đạo càng nhiều người tu thì càng yên lặng, nên được gọi là xe vô thanh.

Trong kinh nói, có một đêm trăng rất đẹp, vua Ajātasattu (A- Xà-Thế) thấy vậy mới nói đêm nay mình ngồi chung quanh mấy cô cung phi thì uổng quá đêm nay phải có một vị thầy nào đó hướng dẫn tâm linh cho mình thì vui biết bao nhiêu. Mỗi một vị quan giới thiệu một thầy khác nhau, riêng có một người đề nghị vua Ajātasattu đến hầu Đức Phật. Vua đi đến vườn xoài để hầu Phật, khi gần tới nơi vua hỏi vị quan đó: ngươi có dụng ý tà tâm gì mà đem ta tới chỗ này vắng hoe. Nơi đó có 1250 vị tỳ kheo mà tất cả đều đang ngồi thiền im phăng phắc làm vua sợ luôn.

“Thật khả ái thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật diễm lệ thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật mỹ miều thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật êm dịu thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật điềm lành thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Nay chúng ta nên đến chiêm bái vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, nhờ sự chiêm bái này tâm chúng ta được tịnh tín?”

– Này khanh Jìvaka, người phản ta chăng? Này khanh Jīvaka, người lường gạt ta chăng? Này khanh Jīvaka, ngươi nạp ta cho kẻ thù chăng? Tại sao trong một đại chúng lớn như thế này gần một nghìn hai trăm năm mươi vị, mà không có một tiếng đằng hắng, không có một tiếng ho, không một tiếng ồn?”

Con người tu đúng Bát Chánh Đạo rồi thì đông bao nhiêu cũng không ồn. Ekappahārena caturāsītiyāpi pāṇasahassesu: Chiếc xe này dù có tám muôn bốn ngàn người chất lên ngồi đi nữa thì đi cũng không có tiếng động.

‘Dhammacakkehi’: ‘bánh xe pháp’. ‘Bánh xe pháp’ ở đây ám chỉ cho sự tinh tấn thân tâm. Kāyikacetasikavīriyasaṅkhātehi dhammacakkehi saṃyutto.

‘Kàyaviriya cetasikaviriya’: ‘tinh tấn thân tâm’

‘Cetasika’: 1. Tâm sở (mental factor, ingredient, thành phần của tâm). 2. Mental (thuộc về tâm). Pháp luân là bánh xe phải được đẩy về phía trước bằng lực đẩy của sự tinh tấn thân tâm.

‘‘Hirī tassa apālambo, satyassa parivāraṇaṃ;

Chữ ‘Apālambo’ ở đây tôi không muốn dịch vì không rành thiết bị phụ kiện của xe ngựa, lại là xe ngựa thời xưa nữa. Cấu trúc cơ bản của nó giống nhau nhưng chi tiết đi theo của nó tôi không chắc. Đây là một cơ phận nào đó của xe mà thôi. Ở đây Ngài nói bánh xe chỉ cho sự tinh tấn; tàm, niệm, chánh tri kiến là những bộ phận của chiếc xe. Chiếc xe ngựa ngó đơn giản nhưng cách đây mấy ngàn năm các bộ phận của nó không giống như bây giờ. Chiếc xe ngựa của vua Tần Thủy Hoàng lạ lắm. Xe ngựa của châu Âu hình chữ nhật, nhưng thùng xe của Tần Thủy Hoàng hình vuông. Vào google gõ chữ ‘Binh mã dụng’, hoặc ‘terracotta carts’ để xem thêm cho biết. Hirī là tàm, trong chú giải nói, chánh kinh chỉ nói tàmnhưng hàm ý có cả úy ở đây. Có những cặp không rời nhau: hôn thụy (thīnamiddha); tàm úy (hirīottappa), giả dối lừa đảo (māyā-sātheyya).

“Dhammāhaṃ sārathiṃ brūmi, sammādiṭṭhipurejavaṃ”.

‘Sārathi’: ‘người đánh xe’.

‘Dammasārathi’: người đánh xe giỏi, thiện nghệ’.

‘Purisa’: ‘người’.

Người đánh xe, thông thường là đánh xe ngựa xe bò.

Gonna’: bò, ‘assa’: ngựa.

Gonna dammasārathi:người đánh xe bò giỏi,

Assa dammasārathi: người đánh xe ngựa giỏi.

‘Purisadammasārathi’: Ðiều Ngự Trượng Phu, người thiện nghệ, lành nghề trong việc độ con người.

“Chơn diệu pháp” (Dhamma) ở đây ám chỉ cho ‘Thánh đạo’, “Chánh tri kiến” thì HT Minh Châu dịch là “Mau chóng đi tiền phong”, chữ này tôi chống tuyệt đối; ‘purejava’phải dịch là ‘người tiền trạm’, ‘tiên phong’ (running in front). Phong có nghĩa là ngọn núi hay đỉnh núi; cô phong là ngọn núi lẻ loi. Phong có nghĩa là gióPhong có nghĩa là mũi nhọn, (tiên phong).

Chánh kiến ở đây ám chỉ cho trí tuệ quán (Vipassana): trí tuệ thấy được tánh Tam tướng (cái gì sanh ra thì sẽ mất đi, đã có rồi sẽ biến diệt, băng hoại và phân hủy) và duyên khởi (cái này có từ đâu, và sẽ dẫn đến cái gì, cái này có cái kia có, cái này không cái kia không) của danh sắc. Chính trí này được xem là ‘kẻ tiền trạm’ (purejava) dẫn đầu.

Bài kinh này rất gần gũi với hành giả, bởi vì làm gì thì làm, nói cho rốt ráo, dù có mê pháp học cách mấy đi nữa, mê chuyện làm phước gì đi nữa thì phải nhớ rằng không có cái chi qua được trí tuệ Vipassana hết, vì trí tuệ này chỉ có trong thời kỳ của Phật Chánh Đẳng Chánh Giác thôi. Nếu đủ duyên thì chứng quả đời này, nếu vô duyên kém phước thì cũng gieo duyên đời sau kiếp khác, có thể là lúc xá lợi gom lại năm ngàn năm cũng có, có thể là chết kiếp này rồi tái sinh trở lại tu tập kiếp kế, kế, kế nữa. Nhiều thì không dám nhưng tôi có niềm tin là Sơ quả không phải đời này thì cũng kiếp sau, cứ làm phước và nguyện đời đời, nguyện dồn dập thì tôi nghĩ không khó. Những biệt hạnh đệ nhất thì khó vì đòi hỏi thời gian tu Ba-la-mật nhất định còn chuyện Sơ quả, nhất là có loại sơ quả tột mạng, đắc xong rồi chết luôn (samasīsī) mình chỉ cần “đủ tiền để mua được cái vé” lên đó, mua cái visa bước vào đó, chết ở phi trường xứ người – của thánh nhân – cũng được. Làm gì đi nữa thì cũng nhớ sống chậm lại một chút để nhìn cái gì đang diễn ra. Điều quan trọng nữa là thời gian luôn luôn đi vun vút và bất cứ giây phút nào cũng là giây phút cuối cùng, nó qua rồi thì không còn trở lại được nữa. Một ngày dù vui dù buồn, dù thiện, dù ác, dù quạnh hiu hay náo nhiệt thì một ngày rồi cũng trôi đi. Từ lúc bắt đầu giảng đến giờ đã hai tiếng rồi, hai tiếng đồng hồ nghe pháp hay nhậu nhẹt, đánh bài chè chén cũng trôi đi. Bên Âu Mỹ thời gian qua nhanh hơn trong nước, vì cái gì cũng đẩy cho cuối tuần vì cuối tuần là ở nhà (đi chợ, họp mặt, ăn uống, cưới hỏi vv…) nên chỉ cần có chương trình kế hoạch cuối tuần thì bảy ngày qua mau vô cùng, vì chỉ nhớ tới cuối tuần. Trong khi ở VN thì khái niệm ‘weekend’ gần như không có, cảnh thanh niên ngồi lê thê ngoài đường uống cà phê không bao giờ có ở Mỹ. Một lần nào đó bà con thử đặt chân xuống ở nhà ga metro New York, London sẽ thấy kinh hoàng, một đứa bé trên tay mà rớt xuống là tiêu vì chân người đan kín mít lại di chuyển rất nhanh. Tôi có một pháp môn Watching Meditation, nhìn đồng hồ để thấy giây phút nào cũng là giây phút cuối cùng thưa quí vị. Và sẽ có một ngày những gì chúng ta đang sở hữu ở đây chỉ là cái gì đó rất là nhàm chán, rất là mỉa mai. Một cái đồng hồ ngày xưa mình mua đeo cho sướng tay thì bây giờ đeo không nổi khi cái tay bị bệnh liệt rung Parkinson, và có ngày mình nhìn mà không biết nó là cái gì, và thậm chí không biết đeo vào cổ chân hay cổ tay. Cho nên hãy nhớ rằng trong bài kinh này, Đức Phật kết thúc rằng: chính trí tuệ thiền quán là kẻ tiên phong, luôn luôn đặt ưu tiên trước bố thí, trì giới, phục vụ v.v… Đã đủ cho hôm nay. Xin hẹn gặp lại quí vị. (Còn một phần bổ sung của bài kinh này được giảng tiếp ở bài kinh Trồng Rừng)

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app