Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Phẩm Gia Chủ

Một Vị Bà La Môn

Sáng hôm nay mình học bài kinh Aññatarabrāhmaṇasuttaṃ, Kinh về Một Vị Bàn Môn. Tại sao là Bàn Môn mà không phải là Bà-la-môn? Tại vì chữ Bà-la-môn dài quá, chứ hai chữ tương đương. Người Nam Bộ đọc chữ ‘bàn môn’ và ‘bàng môn’ giống nhau. ‘Bàng môn’ nghĩa là ngoại đạo, ngoài cửa, giống như bàng quan, là kẻ đứng ngoài cửa. Vì vậy người ta mới kêu là “bàng môn tả đạo.” Nhưng chữ ‘bàng quang’ là nghĩa khác, nghĩa là bọng đái. ‘Bàn môn’ ở đây là âm, từ chữ Brāhmaṇa. Còn Bàn Môn Điếm của Bắc Hàn thì cho đến bây giờ tôi cũng không rõ từ đâu ra, nhưng tôi đoán là phiên âm hay là gốc từ tiếng Hán.

Vừa rồi bỏ một buổi giảng tôi tiếc ghê lắm, vì mình đang đi một lèo, ngưng vậy thì mất đi tinh thần.

Một vị Bà-la-môn đến hỏi Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, người hành động có phải là người cảm thọ không?” Câu này hay vô cùng. Bà con con nhớ câu này không “dukkhameva na koci dukkhito” chỉ có cái khổ, không có ai chịu khổ. Ở đây cũng vậy, tuyệt đại đa số chúng sinh phàm phu cứ nghĩ rằng tôi làm ác thì tôi sẽ bị khổ, nghĩa là có người làm ác có người chịu khổ. Câu hỏi của vị Bà-la-môn đó là: Có phải người tạo nghiệp cũng chính là người chịu quả sau này hay không? Đức Phật trả lời: Chỉ có các duyên làm việc với nhau. Dĩ nhiên một số người nghe chỗ này sẽ khó chịu, tại sao phải né chữ “người”. Đúng ra phải né, vì sự thật không có, và nếu không né sẽ hình thành ra cái ngã chấp thủ rất là nguy hiểm.

Có chuyện tào lao nhưng cần thiết phải nói, hiện giờ tôi đang là một người nghèo, nghèo nổi tiếng đó. Tất cả những người quen của tôi đều biết, tôi ở nước ngoài lâu năm nhưng tôi không có chùa miểu gì, nhưng các Phật tử phải biết đồ dùng của tôi, tôi dùng rất là kén chọn và phải nói toàn đồ tốt không. Ở đâu ra? Ở Mỹ tôi chỉ đi một vài tiệm trong suốt mười sáu năm trời, đó là Marshall hoặc TJ Maxx, ở đây chỉ bán nửa giá thôi. Tôi chủ trương xài đồ nửa giá mà đồ tốt chớ tôi không muốn đi vào trong mall xài đồ đắt tiền, đồ mới mà toàn đồ China không. Về bên Thụy Sĩ thì 99.9% đồ tôi dùng là đồ ở Brockiland còn gọi là Brockenhaus, hôm nào bà con về Thụy Sĩ đi lục mấy cái này đủ kiếm được vé máy bay rồi. Ví dụ một áo lông mười mấy ngàn, ở đây họ bán nhiều lắm còn một ngàn thôi. Một lò nướng hiệu Gillette ngàn rưỡi bán còn chừng hai trăm đồng bạc. Nồi niêu soong chảo muỗng nĩa đồ của Thụy Sĩ giá chỉ còn một phần mười. Tại sao tôi nói những điều này, tôi cầm một món đồ mà thấy nó có khả năng bị sét tôi không muốn mua. Trong cái thắt lưng của tôi, tôi có để miếng nam châm, để thử đồ inox. Tôi nhìn mọi vật bằng cảm nghĩ sợ bị sét, sợ bằng đồng ra teng (stain), tôi “được” ám ảnh như vậy. Tôi nhớ trong kinh có một câu thế này: “Này các tỳ kheo, ta thấy trong các hành vốn không cốt lõi, các hành là vô thường.” Cái gì mà mình thấy có khả năng bị sét thì mình chán, một cái áo bằng vải gì đó tôi không biết nhưng tôi thấy nó dễ đổ lông hoặc tích điện khi mặc vào mùa đông thì tôi không muốn xài. Một người có nội quán, họ nhìn thế giới bằng mọi sự như kiểu tôi nhìn kim loại, thì họ sẽ ngại. Một hành giả nhìn cái gì cũng thấy nó có vấn đề, có thể bị ra teng, nhờ vậy mà bỏ bớt được rất nhiều thứ. Nhiều người gặp cái gì cũng thích bởi vì họ không màng đến chất liệu bên trong của nó, còn người kén vì họ có bận tâm. Tôi nhớ tôi có câu lục bát: Phải đâu ta sợ chi tình. Chỉ lo tình phụ nên đành vô tâm. Phàm mà, mình đàn ông, đâu phải bị biến thái, cũng rung động chớ, nhưng chợt nhớ đến những góc cạnh phù phiếm và hai mặt của chuyện đời nên mình ngán không có tin ai. Danh sắc cũng vậy đó, cũng phù phiếm và hai mặt. Ở đây ông Bà-la-môn hỏi Đức Phật ‘có phải người hành động là người cảm thọ hay không’, cách nhìn này rất quan trọng, giống như mình xài đồ vậy. Lẽ ra mình có thể gọi là ‘người làm’ và ‘người cảm thọ’, nhưng vốn dĩ không có một cái gì gọi là ‘người’, vốn dĩ không có một cái gì đi từ điểm A qua điểm B từ thời điểm X qua thời điểm Y mà không thay đổi. Dầu danh hay sắc, nó chỉ tồn tại đúng một sát-na rồi thì nó bị thay thế bằng một sát-na khác, như vậy làm gì có chuyện có người tạo và có người hưởng. Thấy như vậy, buổi đầu mình thấy bằng sự vay mượn từ cái biết của người khác, lâu ngày thấm thía lúc nào mình không hay, lúc đầu mình dùng tự kỷ ám thị, lâu ngày thành ra của mình. Tôi tin Phật không phải vì tôi mến Ngài hoặc sợ đi địa ngục, mà thật sự là lời Ngài nói không trật. Ngài nói thiện đem lại an lạc, ác đem lại đau khổ, bất an, ít nhất trong đời sống mình thấy điều đó hoàn toàn đúng. Điều thứ hai, Ngài nói, cái gì cũng do duyên mà có, cái này không thể trật được, uống một ly nước không phải dễ, cần phải có vô số điều kiện mới uống được ly nước, và bản thân ly nước cũng cần vô số điều kiện mới có. Và mọi sự khi có rồi sẽ luôn luôn đứng trước nguy cơ thay đổi, biến mất. Nếu mình nắm vững lý Nhân quả, lý Tam tướng thì làm sao mình có thể thấy người hành động và người cảm thọ là một được, nó luôn luôn biến diệt chớp nhoáng. Mọi thứ do duyên mà có, đã có rồi phải bị mất. Năm nay tôi đã đi hơn nửa đời người, chỉ dựa vào cái biết của mình đã thấy ra điều đó, nói chi là thánh trí. Tôi thấy rằng trong cái biết của tôi, hai điều này không thể nào khác được: Vạn sự do duyên mà có, đã có rồi phải bị mất; mà mất trong thời gian bao lâu? Xin thưa, trong một sát-na, cái này tiếp nối cái kia, B được tạo ra từ A nhưng nó không phải là A nữa, C được tạo ra từ B, nhưng nó không phải là B nữa.

Có 3 bức màn che trí tuệ Tam tướng.

1. Khái niệm liên tục (santatisaññā). Chính khái niệm này che khuất trí tuệ về sự vô thường

2. Sự thay đổi tư thế sinh hoạt (iriyapāttha) che đậy trí tuệ về khổ tướng.

3. Khái niệm về khối lượng (ghanasaññā) che khuất trí tuệ về tính vô ngã. Lẽ ra phải thấy cái gì cũng là lắp ráp, kết nối.

Cái thằng Tèo hồi còn nằm ngửa trong nôi, từ từ lớn lên dứt sữa, ăn cháo, ăn cơm, rồi dậy thì lớn lên trung niên rồi về già… mình tưởng là một người, nhưng thật ra cái thằng Tèo trong bụng mẹ đó đã chết từ lâu, cái tâm sinh lý của thằng Tèo đã thay đổi trăm phần trăm, không có cái gì nằm khư khư đó đi từ tuổi này qua tuổi kia. Đó là santatisaññā.

Khi mình ngồi lâu quá bị mỏi, mình đổi qua nằm, đứng, hoặc đi, chính vì vậy mình mới thấy cơ thể mình luôn luôn có vấn đề, nếu bà con ngồi một chỗ để ý sẽ thấy trong thời gian ngắn, sẽ thấy ra một điều đó là tấm thân của mình luôn có vấn đề, luôn bất an và bất ổn. Chính vì mình dùng đủ cách để thay đổi tư thế sinh hoạt, đói thì đi ăn, khát thì uống, đi toilet, tự xoa bóp tay chân, chà xát trên mặt trên tóc nên sẽ ngăn trở trí tuệ khổ tướng (iriyapāttha).Nói cho biết chứ không phải kêu bà con ngồi yên để nhìn cái khổ.

Khi nói đến thằng Tèo, cái tủ, cái xe, mình chỉ hình dung ra một cái gì nguyên khối, thật ra không hề có cái gì đơn nhất mà tồn tại. Cái bàn, thật ra gồm miếng ván nhỏ, ván lớn, có đinh, có ốc, chưa kể mặt bàn cũng là nhiều thớ gỗ cộng lại. Cứ thử chẻ nhỏ ra nó sẽ thành tăm xỉa răng, cưa ra thì thành mạt cưa, xay ra thì thành bột. Có những loại gỗ quí như trầm người ta xay thành bột. Tôi có cả ký lô bột trầm, tôi có cái khuôn trầm giống như khuôn bánh in, tôi nén bột trầm vào trong đó và in ra thành cái bánh in bằng bột trầm có hình chữ Phúc. Khi đốt thì khói sẽ tạo lên chữ Phúc, thơm lắm. Bản chất danh sắc cũng vậy, có là thủ tướng, giáo hoàng, ăn mày, hay hoa hậu gì đi nữa cũng đều có thể xay thành bột từ danh tới sắc, nghĩa là có thể phân tích ra thành từng thành phần cực vi, chính từ đây không thể nghĩ kẻ tạo nghiệp cũng chính là kẻ tạo quả. Ở đây Ngài nói rằng: “Ta không nói có kẻ tạo nghiệp và có kẻ hưởng quả, ở đây ta chỉ nói vô minh duyên cho hành, hành duyên cho thức, thức duyên cho danh sắc…”. Ở đây chỉ có các duyên. Do không hiểu Bốn Đế nên mới có ba Hành, và từ có ba Hành mới có 32 tâm quả thiện ác, từ 32 tâm quả thiện ác mới có danh sắc đầu đời, từ danh sắc tái tục mới có 6 căn, từ 6 căn mới có 6 xúc, 6 thọ, 6 ái, tứ thủ, hai hữu, sanh già đau chết, sầu bi khổ ưu não. Trong đau khổ sầu bi đó người ta quýnh quáng tìm lối thoát. Tìm bằng cách nào? Trở lại vòng tròn vô minh duyên hành, hoặc sống ác, hoặc sống thiện. Nếu sống thiện thì về cõi trên, hết tuổi thọ lại đọa xuống. Khi anh không có một nỗ lực gì thì tự nhiên sẽ trở về đơn vị gốc. Khi trở về cõi Dục thì chỉ tìm chốn đoạn trường mà đi, biền biệt sơn khê không có lối về. Trong Tăng Chi Bộ kinh, Pháp Một Chi. Đức Phật dạy: Nếu có thương ai, cha mẹ, vợ chồng, bè bạn, thân quyến, láng giềng, muốn đem lại lợi lạc cho người đó thì khuyên họ sống an trú trong niềm tin Tam Bảo. Vì sao vậy? Vì rằng giống như đại dương có lượng nước khổng lồ, ta không thể cân đo đong đếm; công đức có được từ niềm tin đúng đắn với Tam bảo sẽ đem lại lợi lạc vô lượng cho đương sự. Vì vậy thương ai thì giúp cho người ta an trú vào chánh kiến và chánh tín. Không gì bậy cho bằng được mang thân người, được sống trong thời có chánh pháp mà vì tình riêng đi theo một ông sư phụ không dạy cho mình giáo lý, không có khái niệm gì về 12 Duyên khởi, về Bốn Đế, về Tam tướng, về đời sống chánh niệm của pháp môn Tứ Niệm Xứ. Làm Phật tử mấy chục năm trời mà không biết những cái này thì thành thật chia buồn cùng quí vị.

THUẬN THẾ PHÁI

Lokayata, bản Hán dịch là Thuận Thế, tên gọi một trường phái ngoại đạo ở Ấn Độ thời Đức Phật. Tên cũng giống như tên các đạo Hồi đạo Sikh, đạo Mẫu v.v…. Ông này đến hỏi Đức Phật một khái niệm mà tôi cho là rất quan trọng. Có những vị triết gia, những nhà tư tưởng, giáo chủ, nhà tu hành, thấy đời này lúc có lúc không, nắng sớm mưa chiều, có đó mất đó, nên họ mới nói vạn sự là không. Giàu có xinh đẹp, trí thức cũng chết, xấu nghèo ngu dốt, khùng điên cũng chết. Núi non sông rạch ao hồ cũng thay đổi, thương hải hóa vi tang điền, có chỗ lở có chỗ bồi, cứ như vậy đó, trong tỷ năm không có gì trong trái đất này đứng yên. Chính vì vậy nhiều người chủ trương cái gì cũng là không. Chữ ‘không’ ở đây là một cực đoan, bởi trong đạo Phật không nói chữ ‘không’ theo nghĩa đó, mà ‘không’ ở đây là không có tôi, không có ta, không có linh hồn bất biến, không có gì là thường hằng, không có gì là đơn nhất; tất cả đều là lắp ráp và vô thường. Ngài dạy, không có cái gì được gọi là chiếc xe, xe được gọi là xe vì là đồ lắp ráp. Không phải Ngài phủ nhận cái bốn bánh đang chạy trên đường, Ngài chỉ nói rằng vật thể đang di chuyển đó là đồ lắp ráp.

Vạn vật có thiệt nhưng có theo cách lệ thuộc các duyên và đã có rồi thì phải có lúc biến mất.

‘Có’ ở đây là có theo kiểu tùy duyên và vô thường. ‘Không’ ở đây có nghĩa là không có một cái gì đơn thuần, đơn nhất, cá thể tuyệt đối mà có thể tồn tại. Cái gì cũng là đồ lắp ráp, kết nối, lắp ghép (composition only).

Bát bất trong kệ dẫn nhập của Trung Quán Luận: “Bất sanh bất diệt, bất tăng bất giảm, bất thường bất đoạn, bất tịnh bất cấu” nếu hiểu đúng thì rất là hay. Thế gian thường sống cố chấp trong biên kiến, có mập có ốm, có cao có thấp, có đen có trắng… chính vì chìm sâu trong những ý niệm phân biệt này mới nảy sinh bao nhiêu rắc rối, chống đối lẫn nhau. Anh da vàng tôi da đen, da đỏ da trắng, riêng tôi là… da xanh nữa. Sáng hôm nay chỗ tôi ngồi ngó ra bên ngoài cửa sổ tuyết đổ trắng. Cách đây mấy ngày, khoảng hai ngàn cổ động viên VN qua Mã Lai coi đá banh, vỗ tay làm sao không biết mà bị người ta đánh. Đó là phân biệt! Quí vị có nhớ câu chuyện một cư sĩ hành giả đến hỏi xin một vị thiền sư nói một cách ngắn gọn tinh hoa Phật pháp để anh ta hành trì. Vị thiền sư vạch một đường trên đất rồi hỏi đường vạch này dài hay ngắn. Anh cư sĩ nói không thể trả lời được vì chỉ có một đường không thể so sánh dài hay ngắn được. Toàn bộ Phật pháp thật ra chỉ nằm trong câu chuyện này thôi. Tại sao mình thích? Vì mình có so sánh, mình ghét cũng vì mình có so sánh. Do nghiệp đẩy mình vào hoàn cảnh sống nào đó, có điều kiện tâm sinh lý nào đó, cái gì chống lại tâm sinh lý đó thì mình không thích. Ví dụ tôi là phụ nữ, thích đẹp, cái gì chống lại nhan sắc của tôi là tôi không thích. Trong đời có khổ vì người ta có so sánh. Chính từ so sánh mới nảy sinh ra những phân biệt về chính trị, văn hóa, tôn giáo, chủng tộc; chính từ phân biệt mới nảy sinh ra chuyện thân sơ, thù bạn. Nơi Bắc Cưu Lưu Châu không có khái niệm về hôn nhân, gia đình, nam nữ thương nhau thì đến với nhau trong một lùm cây rồi thì xong, chuyện xong rồi đường ai nấy đi, người nữ có mang thì coi chuyện sanh con như đi toilet, họ vào lùm bụi gì đó rồi sanh con, không đau đớn như Nam Thiệm Bộ Châu. Họ sanh ở đâu rồi thì bỏ mặc ở đó, ở nơi này không quá lạnh, không quá nóng, không côn trùng, không gai góc, nơi đây như cái tấm thảm nhung nhiệt độ hoàn hảo. Đứa bé khi đói thì khóc, người đi đường (bất cứ là ai, nam hay nữ, già hay trẻ) đi ngang thấy vậy đưa ngón tay cho đứa bé bú, và ngón tay có sữa chảy ra. Bú no rồi nằm ngủ. Vài tháng thì biết đi biết chạy. Lớn lên hồn nhiên như nai như thỏ, không biết gì là cha, mẹ, anh, chị, vợ, chồng. Nó sống thênh thang giữa đời, khi nào đói bụng thì đến gốc cây Như ý, muốn gì thì lấy từ đó ra mà ăn. Các vị có thể không tin nhưng tôi tin tuyệt đối, bằng chứng là ngay trên trái đất này có loài động vật mà nguồn sống của nó rất thoải mái. Bên Thụy Sĩ, lâu lâu đi trên những con đường xuyên qua rừng có cầu nối cho thú đi khỏi bị xe cán. Tôi từng đi đến những nơi mà cá trong suối thò tay chạm được nó. Ngay trên hành tinh này đã vậy thì những cảnh giới như trên cũng không có gì lạ. Có những quan điểm Đức Phật cho là biên kiến: Nói tất cả đều có là cực đoan, nói tất cả đều không cũng là cực đoan; nói tất cả đều là nhiều cũng là cực đoan mà tất cả đều là ít cũng là cực đoan. Ngài nói, không có nhiều, không có ít, không có lớn, không có nhỏ, không có cao, không có thấp, không có đen, không có trắng, tất cả chỉ là sự lắp ráp. Với một người hiểu rõ hai nguyên lý đã nói (Vạn hữu do duyên mà có, đã có rồi phải có lúc mất) thì không còn bận tâm những ý niệm phân biệt.

Có – không, nhiều – ít, tất cả đều là giả niệm. Muốn thoát khỏi giả niệm này thì phải luôn nhớ công thức của lý Duyên khởi, Lý Duyên khởi nằm gọn trong hai nguyên lý vừa nói.

Kinh thứ hai là Janussonisutta, kinh thứ ba là Thuận Thế Phái, đã giảng xong ba kinh. Tiếp theo là Kinh Thánh Đệ Tử.

THÁNH ĐỆ TỬ

Kinh này đọc bản Việt có thể hiểu lầm, phải sửa lại một chút để có thể hiểu được kinh này.

Vị thánh nhân không có nghi ngờ về lý Duyên Khởi. Đã là thánh nhân dù là Sơ quả cũng không có thắc mắc về lý Duyên Khởi. Tùy sức ở mỗi tầng thánh mà hiểu rộng hay hẹp, sâu hay cạn về lý Duyên khởi. Kinh này nhấn mạnh rằng không thể gọi là thánh nhân nếu không hiểu được lý Duyên Khởi, bởi lý Duyên Khởi chính là cơ cấu, cấu trúc làm nên cái gọi là sinh tử. Phải hiểu được nó mới ra khỏi biển khổ.

Nội dung kinh Thánh Đệ Tử: một vị Sơ quả trở lên không thể có thắc mắc về lý do có mặt của mình ở đời này. Cái thấy của vị Hữu học có thể hạn chế so với vị La-Hán, nhưng về căn bản vị Sơ quả không thể không biết gì về nguyên lý Duyên khởi.

Mọi hình thức hiện hữu đều do tham ái, vô minh tạo ra thông qua sự tiếp xúc và xử lý 6 trần của 6 căn. Nếu không biết những điều này thì không thể đoạn trừ phiền não, thấy được Niết bàn.

Bằng chứng là vị Sơ quả đã đoạn trừ ba phiền não căn bản của dòng luân hồi là thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ. Ba phiền não này là ba phiền não gốc. Một chiếc xe đã chạy mấy chục ngàn tỷ cây số rồi, bây giờ chỉ còn khả năng chạy 7 cây số thôi; bảy cây số này thích thì kể, không thích thì thôi. So với dòng luân hồi thăm thẳm thì 7 kiếp sống giả định này chẳng là gì so với đoạn đường vị ấy đã đi qua. Điều đó có nghĩa thân kiến và hoài nghi là những phiền não rất là căn bản. Một vị đã hiểu được lý Duyên khởi không thể tiếp tục có thân kiến(nhìn danh sắc như là ta, của ta), hoài nghi (sự mơ hồ về nguồn gốc của mình). Ngược lại, người không có hai phiền não này cũng không thể mơ hồ về lý Duyên khởi. Khi nào vị đó nhìn thấy cái gì, nghe cái gì mà có lòng tham thì vị đó biết ngay, đây là ái, duyên cho thủ, thủ duyên cho hữu… Vị đó biết rõ ngay trong tham ái này vô minh có mặt, hành có mặt. Hoặc vui trong thiện, vui trong bất thiện, vị đó biết rõ đây là hành, sẽ tạo ra 32 tâm quả, hoặc biết rõ đây là lục nhập. Cách xử lý 6 trần của phàm và thánh khác nhau. Thánh thì thấy chỉ biết là thấy (thấy bằng thánh trí), biết rõ nguồn cơn của đau khổ; còn mình thấy thì dẫn đến thích (tâm tham) và không thích (tâm sân).

“2) Này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử không có suy nghĩnhư sau: “Do cái gì có mặt, cái gì hiện hữu? Do cái gì sanh khởi, cái gì sanh khởi? Do cái gì có mặt, các hành hiện hữu? Do cái gì có mặt, danh sắc hiện hữu?….”

Trong bản dịch của HT Minh Châu thì là vị thánh đệ tử “không có suy nghĩ” ở đây phải hiểu là “không có thắc mắc, không có nghi hoặc”. Trong bản Pāḷi họ cũng dùng “không có suy nghĩ”

Ví dụ như bây giờ mình biết rõ đây là cái đồng hồ của bạn mình bỏ quên, sẽ có hai cách nói: mình ‘không có suy nghĩ’ rằng mình nên đem bán cái đồng hồ này, hoặc không có lòng tham hay toan tính đem đi bán, hay là ‘không có phân vân’ nên đi bán cái đồng hồ hay không.

Tại sao tôi lại làm rõ chỗ này bởi vì một ngày nào đó quí vị sẽ thấy những đoạn kinh hình như gần giống như nói ngược lại: “ở đây vị đó suy nghĩ như sau: cái khổ này từ đâu mà có…” lúc bấy giờ chữ ‘suy nghĩ’ ở đây đôi khi còn có nghĩa là sự quán xét, ở đây có nghĩa là sự nghi ngờ.

Kinh Thánh Đệ Tử (2) cũng y hệt như vậy. Ngày trước trong một thời gian khá dài, tôi không thích, lại vừa thắc mắc tại sao những kinh này giống nhau y hệt mà các vị kiết tập lại không bỏ bớt. Bây giờ mới thấy có lý do rất là tuyệt vời. Phải có sự trung thực như vậy đó người đời sau họ mới tin vào tính cách truyền thống, tính xác thực của Tam tạng. Nếu mọi thứ như cách nghĩ phàm phu của mình, cái gì được gọt giũa trơn tru quá thì sẽ khả nghi. Ngày xưa các ngài chỉ nhắc lại bằng miệng, khẩu truyền, nên có sao y vậy, càng đọc kỹ trong kinh Pāḷi sẽ thấy nhiều chuyện rất độc đáo. Nếu quí vị đọc thường thì sẽ nhận ra nhiều chữ rất độc đáo.

Trong quyển Chuyện Phiếm Thầy Tu tập hai, tôi sẽ dành một phần lớn để nói về chuyện nghiên cứu kinh điển, về tu tập Tứ Niệm Xứ ở các truyền thống Miến và Thái. Tôi biết tôi không phải pháp sư Tam tạng, không phải là thiền sư mà lạm bàn thì cũng phiền lòng nhiều người nhưng bà con cứ xem thử coi tôi nói cái gì, tính theo khổ giấy A4 thì trung bình một đề tài tối đa là một trang rưỡi, font size 12-14. Tôi sẽ lạm bàn một số vấn đề chẳng hạn như niềm tin của mình đối với kinh điển ra sao. Hôm nay tôi ngồi giảng về kinh tạng bằng cách tham chiếu chú giải, ấy vậy mà tôi cho rằng mình cũng vẫn phải rất là cẩn trọng đối với cái gọi là chú giải của đời sau. Bởi chú giải của đời sau có những sự bất nhất. Đời trước họ không có internet như mình bây giờ nên điều kiện tham khảo không được nhiều, có những vị học hỏi từ sư phụ của mình với những điểm sai khác, cứ để nó nằm ở đó. Vị khác cũng vậy, rồi khi có được internet, người ta mới tập đại thành, và gom hết mọi thứ lại thì mới phát hiện ra vấn đề.

Ở đây có câu hỏi học kinh Phật cách nào đạt hiệu quả nhất? Câu hỏi này quá sức rộng, tôi sẽ hỏi ngược lại: uống thuốc hay tập thể dục cách nào hiệu quả nhất. Câu này không thể nào trả lời ngắn gọn được, vì cơ thể của thằng Tèo không giống cơ thể của thằng Tý. Thằng Tèo bị tiểu đường, thằng Tý bị cao huyết áp, má nó thì bị bao tử. Học kinh Phật cũng vậy, có người đến với kinh Phật đi theo sự đơn giản, rốt ráo ngắn gọn, nhưng có những người thì đơn giản quá không đủ cho họ vì họ thắc mắc nghi hoặc hoài, họ phải học tới nơi tới chốn mới yên. Sau bao nhiêu năm học kinh Phật suy tư tôi thấy không cần nhiều, chỉ cần biết rõ một ít thôi, đó là giáo lý Duyên khởi, không cần phải biết chi tiết cõi Trời nào sống bao lâu, hào quang làm sao, Bồ tát Tất Đạt lấy vợ năm bao nhiêu tuổi… Cái quan trọng là: “Tại sao có tạng Luật, tại sao có tạng Kinh, tại sao có tạng A-tỳ-đàm?” mà trả lời cho mỗi câu này chỉ mất ba phút. Tạng Luật, Tạng Kinh, Tạng A-tỳ-đàm có tác dụng như thế nào đối với chuyện tu hành chấm dứt phiền não, và giáo lý Duyên khởi nằm ở đâu trong ba tạng đó? Gom gọn nội dung bà con cần tham khảo kinh điển chỉ khoảng một trang giấy học sinh mà thôi. Cách đây tôi nghe một câu nói mà không tưởng tượng được sao người ta ‘thông minh’ kinh hoàng như vậy: “Không cần học gì nhiều, chỉ cần tu Tứ Niệm Xứ thôi”. Không học thì biết Tứ Niệm Xứ nói cái gì? Giống như nói không cần học Y, không cần học Dược, mà chỉ cần uống thuốc thôi là hết bịnh. Thuốc đó ở đâu mà có? Nói như vậy nghĩa là họ không biết A-tỳ-đàm nói cái gì. Tôi đã trả lời ngắn gọn thế này, có thể chúng ta không từng học A-tỳ-đàm trước khi đắc đạo nhưng tôi xin đoan chắc rằng toàn bộ những gì mà một vị thánh nhìn thấy trước khi chứng thánh dứt khoát 100% là những gì tạng A-tỳ-đàm nhắc tới. Trong chú giải bài kinh Tư Lường có nói rõ một chuyện: Chư Phật ba đời chỉ có hai cách nói về khổ và con đường thoát khổ, đó là nói theo cách Tục đế (sammutikatha, sammutisacca), cách hai là Chân đế (paramatthasacca).

Có người đến với đức Phật, Ngài chỉ nói lý Duyên Khởi hay bản chất Tam tướng, nhân quả của 5 Uẩn là xong. Vạn hữu do duyên mà có, đó là tính nhân quả, có rồi phải bị mất, đó là tính Tam tướng. Đôi khi chư Phật chỉ nói vắn tắt như vậy là người nghe đã chứng thánh. Có lúc các ngài phải nói cả một thời pháp (bài kinh) thật đầy đủ. Ví dụ Ngài nói do tiền nghiệp quá khứ giờ phải sanh ra trong hoàn cảnh nào đó, cộng với điều kiện tâm lý mới ghét cái này thích cái kia, và từ chỗ đó vô tình tạo thêm điều kiện để quay trở lại đời sống đó. Chẳng hạn do tiền nghiệp mình phải mang thân bịnh hoạn nghèo khổ, chính vì nghèo khổ bịnh hoạn mình làm chuyện bậy, và từ đó mình tiếp tục sanh trở lại bịnh hoạn và nghèo khổ nữa. Có loài thích ăn phân, có loài thích ăn trái cây, có loài thích ăn củ rễ, hoa quả, có loài thích ăn cơm, có loài hít thở không khí là sống. Ngay trong đời sống đó lại ghim sâu gắn chặt để quay trở lại. Mình tu là không tiếp tục thích ghét, để không ghim sâu gắn chặt vào thế giới này. Có người thì không cần nói như vậy mà họ phải được hướng dẫn sống đời xuất gia, từ bỏ vật chất, sống khép mình, độc cư, tìm cơ hội cọ xát đau khổ, để chán đời, để mài mòn phiền não. Hồi nãy tôi dậy bốn giờ rưỡi, gió lạnh se sắt quật vào cửa sổ, tôi biết rõ bên Thái Miến, các chùa ở nông thôn, chư tăng ôm bát đi từ sớm, có bữa mưa tầm tã cũng phải đi, bởi đi trễ bà con đi làm hết không còn ai để bát. Hơn nữa đi sớm để về giao bát cho nhà bếp để sửa soạn cơm trưa, còn bản thân thì phải lên lớp học. Đi xuất gia phải cực như vậy mới ra ông sư tốt, phải cực khổ như vậy mới thấy ngán, sống trong tập thể thế nào cũng bị cọ xát va chạm, được cái này, mất cái kia. Có vị khi đủ tuổi đời tuổi đạo thì thầy cho ở trên núi trên rừng một mình, trên đó thì bịnh không có thuốc, đói không có cái ăn, sống trong hang đá. Có bình nước nhỏ xíu mà buổi chiều quên lấy, nửa đêm trong hang khát nước, hai giờ sáng gió rít từng cơn, nước đâu mà uống. Phải như vậy thì mới thấy dòng luân hồi dễ sợ. Sáng mai gió mưa như vậy mà phải đi xuống làng, không biết gió mưa như vậy có ai để bát không. Đó là xóm PG, còn ở cái chỗ không có Phật tử thì người ta không cho mà còn chửi, thả chó ra còn mệt nữa thì sao.

Tùy căn cơ chúng sinh, có người Đức Phật giảng cho nghe về A-tỳ-đàm, có người là một bài kinh, có người ngài dùng tạng Luật, nghĩa là khuyên dạy họ đi xuất gia, sống một cuộc đời như vậy như vậy…, miễn là họ có dịp nhận diện được gương mặt thật của đời sống là cái gì. Khi họ sống khép mình vào đời sống xuất gia họ mới có dịp thấy được phiền não làm cho mình khổ cỡ nào. Khi không sống khép mình vào giới luật thì tâm lăng xăng. Khi tâm lăng xăng thì mình không có dịp thấy để sợ. Có người giải thoát do thấy sợ nhân luân hồi, ở đây ám chỉ phiền não. Có người giải thoát do thấy sợ quả luân hồi, ám chỉ những nỗi khổ trong đời sống của mình và người. Người lợi căn thường thấy như vậy, tức thấy nhân trước quả, có người phải thấy quả mới nghĩ đến nhân.

Thương ai hoặc thích món đồ nào đó, khổ ghê lắm, ghen tuông, ganh tị cũng khổ. Tôi nhớ khi về Đức ở, họ giao cho tôi một chỗ ở trên núi hai tầng, đã lâu lắm tôi không sợ ma là gì, nhưng thật sự khi đặt chân vào nhà này tôi mới nhớ là hình như mình còn sợ ma. Có những tiếng động rất lạ, nhưng chợt nhớ lại hai chuyện tôi hết sợ, thứ nhất đó là tôi biết tôi đã đi hơn nửa đời rồi, cái ngại trước mắt là cái chết, tôi phải chết ra làm sao. Nó có lù lù trước mặt tôi cũng không sợ bằng cái chết của tôi. Thứ hai là tôi nhớ hình như từ nhỏ tới lớn cái làm cho tôi khổ là con người chớ không phải con ma, tôi nhớ người đáng sợ hơn ma. Thứ ba là tôi nghĩ đến chuyện sắp tới mình sống làm sao, đâu có ai hộ trì, cái đó mới đáng sợ. Nhờ nghĩ vậy mà ma tà mất sạch hết. Ngay lúc đó tôi mới thấm thía một chuyện, thì ra, sống trong sự sợ hãi, hờn giận, ghen tuông, toan tính nó khổ như thế này. Có người sợ luân hồi qua cái quả, thấy cảnh đói lạnh nghèo của người khác mà họ sợ. Tôi không phải là thiền sư nhưng điều này quí vị phải tin tôi, luôn luôn niệm câu thần chú này: Tất cả những gì ta thích hay ghét trên đời này toàn là đồ giả.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app