Cuộc Đàm Đạo Để Dẫn Đến Trí Tuệ, Hoan Hỷ Và Cách Vợ Chồng Hỗ Trợ Nhau Tấn Hóa Trên Con Đường Tu Tập – Ngài Tam Tạng 10 Thuyết

Cuộc Đàm Đạo Để Dẫn Đến Trí Tuệ, Hoan Hỷ Và Cách Vợ Chồng Hỗ Trợ Nhau Tấn Hóa Trên Con Đường Tu Tập – Ngài Tam Tạng 10 Thuyết Pháp, Sư Thiện Đức Hỗ Trợ Dịch Việt 14/02/2022

 

  • 0:00 Đảnh lễ Phật 
  • 1:36 Giải thích về lý do đặt tên bài kinh Cūḷavedalla Sutta 
  • 9:00 Câu hỏi của cư sĩ Visākha và câu trả lời của tỳ khưu ni Dhammadinnā về sakkāya – tự thân
  • 15:26 Câu hỏi của cư sĩ Visākha và câu trả lời của tỳ khưu ni Dhammadinnā về nhân tập khởi của ngũ uẩn
  • 18:05 Câu hỏi của cư sĩ Visākha và câu trả lời của tỳ khưu ni Dhammadinnā về sự chấm dứt đối với ngũ uẩn
  • 21:47 Câu hỏi của cư sĩ Visākha và câu trả lời của tỳ khưu ni Dhammadinnā về con đường chấm dứt khổ
  • 24:56 Câu hỏi của cư sĩ Visākha và câu trả lời của tỳ khưu ni Dhammadinnā về sự chấp thủ ngũ uẩn
  • 31:06 Câu hỏi của cư sĩ Visākha và câu trả lời của tỳ khưu ni Dhammadinnā về tà kiến đối với ngũ uẩn. Sự giải thích chi tiết về 20 loại tà kiến đối đối với ngũ uẩn
  • 47:08 Câu hỏi của cư sĩ Visākha và câu trả lời của tỳ khưu ni Dhammadinnā về Bát chánh đạo là pháp hữu vi hay vô vi. Sự giải thích chi tiết về việc chia Bát chánh đạo theo tam học giới định tuệ
  • 1:20:59 Câu hỏi của cư sĩ Visākha và câu trả lời của tỳ khưu ni Dhammadinnā về định, nhân sinh định, yếu tố hỗ trợ định và sự phát triển định.
  • 1:24:35 Câu hỏi của cư sĩ Visākha và câu trả lời của tỳ khưu ni Dhammadinnā về hành – saṅkhārā
  • 1:32:12 Câu hỏi của cư sĩ Visākha và câu trả lời của tỳ khưu ni Dhammadinnā về diệt thọ tưởng định. Ngài tam tạng 10 giải thích về diệt thọ tưởng định
  • 1:51:06 Câu hỏi của cư sĩ Visākha và câu trả lời của tỳ khưu ni Dhammadinnā về các loại thọ (lạc thọ, khổ thọ và xả thọ) và các loại phiền não, tuỳ miên. 
  • 2:04:39 Pháp thoại liên quan đến Ngài Sāriputta về sự tìm kiếm đối với sự bất tử của Ngài Sāriputta
  • 2:07:20 Thực hành chánh niệm ở trên hơi thở vào, hơi thở ra
  • 2:19:00 Ngài tam tạng đọc kinh chúc phúc
  • 2:22:47 Sư Thiện Đức hướng dẫn chia và hồi hướng phước báu. 

Để bắt đầu buổi pháp thoại ngày hôm nay tất cả chúng ta cùng nhau niệm ân đức Phật là bậc Chánh pháp vương

Namo Tassa Bhavagato Arahato Sammāsambuddhassa (03 lần)

Để bắt đầu bài pháp thoại, trước hết Ngài giải thích chữ Cūḷavedalla. Trước hết là từ vedalla được bắt nguồn từ chữ veda với la. Veda có nghĩa là tuệ, sự hoan hỷ, la là câu hỏi và câu trả lời dẫn đến sự hoan hỷ, dẫn đến trí tuệ. Nói cách khác vedalla là cuộc đàm thoại hay đàm đạo để dẫn đến sự hiểu biết và hoan hỷ. Còn chữ Cūḷa nghĩa là nhỏ, ngắn hay là tiểu. Nếu như so với những bài kinh khác dài hơn thì có bài kinh Mahavedalla Sutta được Ngài Sāriputta thuyết. Nếu như so sánh với bài kinh của Ngài Sāriputta thì bài kinh này ngắn hơn cho nên các Ngài Đại trưởng lão trong lần kết tập Tam tạng thứ nhất như Ngài Mahākassapa… đã đặt tên bài kinh này là Cūḷavedalla và bài kinh Ngài Sāriputta thuyết được đặt là kinh Mahavedalla Sutta

Sở dĩ bài kinh này được đặt là vedalla hay đầy đủ là Cūḷavedalla là do: Bài kinh này ngắn hơn so với bài kinh của Ngài Sāriputta và cuộc đàm thoại giữa ông Visākha và cô tỳ khưu ni Dhammadinnā đã mang lại sự hoan hỷ cho ông cư sĩ Visākha vốn là người chồng cũ của cô tỳ khưu ni Dhammadinnā. Trong cuộc đàm thoại này đã khiến cho ông Visākha rất là hoan hỷ, cho nên cuối bài kinh được đặt là vedalla; bài kinh này ngắn hơn so với bài kinh của Ngài Sāriputta cho nên được đặt là Cūḷavedalla Sutta – Kinh Tiểu Phương Quảng. Không những ông Visākha thấy hoan hỷ khi lắng nghe cô tỳ khưu ni Dhammadinnā trả lời mà các thính chúng sau này khi đọc lại bài kinh này cũng cảm thấy hoan hỷ và tăng thêm sự hiểu biết. Cho nên bài kinh này vì vậy cũng được đặt là Cūḷavedalla Sutta – Kinh Tiểu Phương Quảng. 

Ông cư sĩ Visākha vì muốn biết cô tỳ khưu ni Dhammadinnā có hoan hỷ ở trong giáo pháp của Đức Phật hay không, hoan hỷ với con đường Phạm hạnh của mình hay không. Nghĩ như vậy nên ông đã hỏi cô tỳ khưu ni Dhammadinnā tự thân tự thân được nghe như vậy. Tự thân, tự thân nghĩa là như thế nào “sakkāya sakkāya nghĩa là gì”. Khi dịch ra Tiếng Việt là tự thân, tự thân nghĩa là gì. Đó là câu hỏi đầu tiên ông cư sĩ Visākha đã hỏi cô Dhammadinnā

Bởi vì chữ sakkāya được kết hợp từ 2 chữ sant + kāya. Sant ở đây có nghĩa là hiện hữu, rõ ràng. Còn kāya là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Cho nên kāya ở đây có nghĩa là ngũ uẩn. Vì mang ý nghĩa ngũ uẩn là những yếu tố hiện hữu rõ ràng cho nên khi được hỏi sakkāya sakkāya nghĩa là gì, cô Dhammadinnā mới trả lời rằng sakkāya sakkāya tự thân nghĩa là ngũ uẩn. Và ngũ uẩn ở đây là ngũ uẩn hợp thế, hay ngũ uẩn là đối tượng của sự chấp thủ. 

Đối với những vị nào đã từng học qua ngũ uẩn là gì có thể hiểu rõ ràng.

  • Rūpa khandha – Sắc uẩn là tập hợp của vật chất ở trong thân và ở ngoài thân. 
  • Vedanā khandha – thọ uẩn là tập hợp của các cảm thọ 
  • Saññā khandha – tưởng uẩn là tập hợp của tưởng
  • Saṅkhāra khandha – hành uẩn là tập hợp các yếu tố thuộc về tâm hay còn gọi là hành
  • Viññāna khandha – thức uẩn là tập hợp của các thức

Trong ngũ uẩn này, chỉ có những tâm và tâm sở hiệp thế mà thôi chứ không có tâm và tâm sở siêu thế. Chính vì vậy ngũ uẩn ở đây là ngũ uẩn chấp thủ, hay chấp thủ ngũ uẩn – ngũ uẩn làm đối tượng để cho tâm chấp thủ bám víu vào, nương vào mà phát sinh. Khi được nghe cô Dhammadinnā trả lời như vậy ông Visākha cảm thấy rất hoan hỷ và tán thán rằng: Sādhu Sādhu ayye nghĩa là Sādhu Sādhu lành thay thưa cô. Đó là sự hoan hỷ vedalla đầu tiên

Ông cư sĩ Visākha đã đặt câu hỏi tiếp theo là Nhân tập khởi của ngũ uẩn đó là gì, thưa cô. 

Và cô Dhammadinnā đã trả lời rằng sự tập khởi, hay nguyên nhân dẫn đến ngũ uẩn chấp thủ đó là 

  • Thứ nhất kāmataṇhā – sự dính mắc vào những đối tượng tham dục ở dục giới như là sắc, thanh, hương, vị, xúc,..
  • Thứ hai là do bhavataṇhā – tham ái hay sự dính mắc đối với sự tồn tại hay là thường kiến
  • Thứ ba là vibhavataṇhā – sự tham ái hay sự dính mắc vào sự không hiện hữu hay là đoạn kiến, sự không có tồn tại

Đó là ba nguyên nhân kāmataṇhā, bhavataṇhā, vibhavataṇhā dẫn đến sự khởi sinh của ngũ uẩn chấp thủ. 

Bởi vì bao giờ vẫn còn năm ngũ uẩn chấp thủ này, vẫn có thể mang lại sự già, bệnh, chết, sầu bi khổ ưu não. Cho nên ông cư sĩ Visākha đã hỏi rằng: Thưa cô, sự chấm dứt đối với ngũ uẩn là gì. 

Và câu trả lời đó là sự chấm dứt của dục ái – kāmataṇhā, hữu ái – bhavataṇhā và phi hữu ái – vibhavataṇhā

Cũng giống như những cây mít, cây xoài. Để khiến cho cây mít, cây xoài bị tiêu huỷ, không có cơ hội khởi sinh nữa, người ta phải tiêu huỷ hạt giống để có thể nảy sinh cây xoài, cây mít. Bao giờ vẫn còn hạt giống của cây xoài, cây mít,… khi hội đủ những nhân duyên như nước, ánh sáng, đất,… các hạt giống vẫn có thể nảy sinh, đâm chồi và có thể lên cây. Cũng vậy để chấm dứt sự đau khổ hay ngũ uẩn chấp thủ. Thay vì phải loại bỏ kết quả là ngũ uẩn chấp thủ, phải loại bỏ nguyên nhân dẫn đến ngũ uẩn chấp thủ. Nguyên nhân dẫn đến ngũ uẩn chấp thủ đó là dục ái – kāmataṇhā, hữu ái – bhavataṇhā và phi hữu ái – vibhavataṇhā. 

Và ông cư sĩ Visākha mới hỏi rằng: Thưa cô, con đường dẫn đến sự chấm dứt của khổ, hay dẫn đến sự đoạn diệt của các loại tham ái đó là gì. Cô Dhammadinnā đã trả lời rằng con đường dẫn đến sự chấm dứt của ngũ uẩn chấp thủ đó là bát chánh đạo – Aṭṭhaṅgika magga. 

Và chúng ta cần phải nhớ rằng ông cư sĩ Visākha đã hỏi cô Dhammadinnā về bốn sự thật hay tứ đế: khổ, nguyên nhân sinh khổ, sự diệt khổ, con đường dẫn đến sự diệt khổ

Khi được cô Dhammadinnā trả lời về bốn sự thật hay tứ đế như vậy, ông Visākha cảm thấy hoan hỷ và nghĩ rằng cô Dhammadinnā đã có sự hoan hỷ ở trong giáo pháp của Đức Phật rồi vì cô đã trả lời về bốn sự thật. Nhưng mà ông cư sĩ Visākha vốn là một vị Thánh Bất lai cho nên không biết được tâm của cô Dhammadinnā là một bậc Thánh A ra hán, cho nên ông cư sĩ Visākha mới hỏi một câu hỏi sâu hơn. Ông đã hỏi rằng: Vậy thưa cô, ngũ uẩn chấp thủ với sự chấp thủ là khác nhau hay giống nhau, ở trong ngũ uẩn chấp thủ có chấp thủ hay không, và ngũ uẩn chấp thủ có phải là sự chấp thủ hay không

Đối với những ai đã từng học Vi diệu pháp hay có đọc sách về Vi diệu pháp hay những vị đã chứng đắc các tầng Thánh đạo và quả, câu hỏi này mới có thể trả lời được. Bởi vì đối với một người bình thường, không thể hiểu được câu hỏi này – một câu hỏi rất sâu sắc. Cho nên chữ upādāna nghĩa là sự chấp thủ, sự chấp thủ ở đây là có bốn sự chấp thủ:

  • Sự chấp thủ cho rằng có cái ta
  • Sự chấp thủ đối với những pháp hành không dẫn đến sự chứng đắc đạo quả mà cho rằng sẽ dẫn đến chứng đắc đạo quả
  • Sự chấp thủ đối với quan điểm, 
  • Sự chấp thủ đối với những đối tượng như là sắc thanh hương vị xúc. 

Bốn sự chấp thủ này nếu như đưa về các pháp chân đế chỉ có hai mà thôi. Đó là tham và tà kiến. Còn đối với ngũ uẩn chấp thủ có danh pháp, sắc pháp hay là tâm và tâm sở và sắc pháp thuộc về thế gian hay hiệp thế. Như vậy upādāna hay là sự chấp thủ là một phần của ngũ uẩn mà thôi. Cho nên cô Dhammadinnā mới trả lời rằng sự chấp thủ không phải là ngũ uẩn chấp thủ và ngoài ngũ uẩn chấp thủ ra không có sự chấp thủ, mà sự chấp thủ cũng nằm trong ngũ uẩn chấp thủ

Tóm lại sự chấp thủ nghĩa là sự dính mắc, sự bám víu vào những đối tượng thuộc về vật chất và tâm.

Khi được nghe cô Dhammadinnā trả lời như vậy, ông Visākha mới có niềm tin rằng cô Dhammadinnā đã thật sự là Thánh ở trong giáo pháp của Đức Phật, đã thực sự hiểu về tứ đế và những gì thuộc về tứ đế. Cho nên ông đã hỏi rằng: Dạ thưa cô sakkāyadiṭṭhi – tà kiến đối với ngũ uẩn là gì. Đối với những người nào có sakkāyadiṭṭhi – tà kiến đối với ngũ uẩn chấp thủ.

Dhammadinnā đã trả lời: Đối với những người mà tà kiến đối với ngũ uẩn có thể khởi sinh là những người vô văn phàm phu từ Pali là assutavā puthujjano. Assutavā là người không nghe, hoặc ít nghe, ít học. puthujjano là phàm nhân. Cho nên assutavā puthujjano được dịch là vô văn phàm phu. Thế nào được gọi là vô văn phàm phu. Là người không từng nghe, không từng học về ngũ uẩn là gì, về mười hai xứ – āyatana là gì, mười tám giới – dhātu là gì, tứ đế – catusacca là gì, về thập nhị nhân duyên – paṭiccasamuppāda là gì. Những người không từng nghe, không từng học về những pháp nêu trên được gọi là vô văn phàm phu. Đối với một người vô văn phàm phu, có 20 loại tà kiến đối với ngũ uẩn

Cho nên đối với những hạng người vô văn phàm phu còn được gọi là andaputhujjana nghĩa là những người phàm phu không có con mắt trí tuệ hay là mù đối với trí tuệ. Mù đối với trí tuệ nghĩa là không có sự hiểu biết trong pháp học, pháp hành đối với những pháp như là ngũ uẩn chấp thủ, mười hai xứ, mười tám giới, thập nhị nhân duyên,… Còn đối với những phàm phu có sự nghe, sự thực hành thì gọi là Kalayana puthujjana. Đối với hạng phàm phu Kalayana puthujjana thỉnh thoảng có 20 loại tà kiến và thỉnh thoảng không có 20 loại tà kiến. Đối với một bậc Thánh nhân từ Nhập Lưu trở nên, 20 loại tà kiến này đã đoạn trừ vĩnh viễn, không còn dư sót nữa. 

Hai mươi loại tà kiến đó là gì: Ngũ uẩn có sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Trước hết có bốn tà kiến đối với sắc uẩn. Bốn tà kiến đối với sắc uẩn là: Cho rằng sắc là ngã hay sắc là ta. Cho rằng ta là sắc. Cho rằng trong sắc có ta. Cho rằng trong ta có sắc. Đó là bốn loại tà kiến liên quan đến sắc uẩn. Cũng tương tự như vậy có bốn loại tà kiến liên quan đến thọ uẩn. thọ là ta, ta là thọ, trong thọ có ta, trong ta có thọ. Cũng tương tự như vậy đối với tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Cho nên bốn tà kiến nhân 5 uẩn trở thành 20 tà kiến

Cho nên 20 loại tà kiến này được gọi chung là sakkāyadiṭṭhi – tà kiến đối với ngũ uẩn, hay là sự nhìn nhận, sự thấy biết sai lệch đối với ngũ uẩn sắc thọ tưởng hành và thức

Trong 20 loại tà kiến này các ngài đại trưởng lão giải thích trong chú giải rằng: Đối với tà kiến cho rằng sắc là ta, thọ là ta, tưởng là ta, hành là ta, thức là ta. Năm tà kiến này được gọi là đoạn kiến, sự thấy biết nhìn nhận sai lầm đối với ngũ uẩn, cho rằng ngũ uẩn là ta, thuộc về đoạn kiến – ucchedadiṭṭhi. Cho rằng ta là sắc, ta là thọ, tưởng hành thức. Trong ta có sắc, thọ, tưởng hành thức. Trong sắc thọ tưởng hành thức có ta. Hay mười lăm loại tà kiến phía sau được gọi là thường kiến – sassatadiṭṭhi

Cho nên đối với những phàm nhân có sự nghe, sự học, sự thực hành thì không cho rằng, không nhìn nhận rằng sắc thân này là của ta, không có nhìn nhận rằng cảm thọ này là của ta, không có nhìn nhận rằng tưởng này, hành này, thức này là của ta mà nhìn nhận với sự hiểu biết năm ngũ uẩn sắc thọ tưởng hành thức này là vô thường, luôn thay đổi biến hoại là khổ, bất toại nguyện và là vô ngã không làm chủ, không có cốt lõi. Đối với những hành giả, những người phàm nhân có học, có tu, có sự thực hành như vậy, thỉnh thoảng khi mà có trí tuệ khởi sinh lên đối với ngũ uẩn liên quan đến vô thường, khổ, vô ngã, khi đó không có 20 loại tà kiến này. Nhưng nếu như thất niệm, trí tuệ không khởi sinh lên, tà kiến có thể khởi sinh lên trong tâm của người đó. Nhưng đối với các bậc Thánh nhân 20 loại tà kiến này đã đoạn trừ vĩnh viễn, không còn dư sót, cho nên không có khởi sinh lên trong tâm của các bậc Thánh nhân nữa

Khi nghe cô Dhammadinnā trả lời về 20 loại tà kiến, và đối với ai có thể sinh khởi, với ai không thể sinh khởi 20 loại tà kiến này, ông cư sĩ Visākha đã hoan hỷ tín thọ lời dạy của cô Dhammadinnā và tiếp tục hỏi rằng: Vậy thì thưa cô, đối với con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ hay Bát Chánh đạo Aṭṭhaṅgika magga saṅkhata – hữu vi hay là asaṅkhata – vô vi. 

Và bởi vì những pháp vô vi chỉ có Niết bàn mà thôi, ngoài ra là hữu vi. Cho nên cô Dhammadinnā mới trả lời là Aṭṭhaṅgika magga hay là Bát chánh đạo là saṅkhata – pháp hữu vi.

Sau đó ông cư sĩ Visākha đã hỏi tiếp rằng: Vậy thì thưa cô, Aṭṭhaṅgika magga hay là Bát chánh đạo có nằm ở trong tam học giới định tuệ hay không, và tam học giới định tuệ có bao gồm trong Bát chánh đạo hay không

Bởi vì giới uẩn định uẩn và tuệ uẩn bao gồm cả giới định tuệ hiệp thế và siêu thế. Cho nên khi mà nói về giới uẩn bao gồm cả những giới thuộc về hiệp thế như ngũ giới, bát giới, mười giới,.. và bao gồm cả những giới siêu thế của bậc Thánh. Tương tự như vậy định uẩn cũng bao gồm định hiệp thế và định siêu thế hay định của phàm nhân và định của Thánh nhân. Tương tự như vậy tuệ uẩn cũng bao gồm tuệ hiệp thế và tuệ siêu thế, cho nên khi được hỏi rằng là giới uẩn, định uẩn và tuệ uẩn có bao gồm trong Bát chánh đạo hay không. Cô Dhammadinnā đã trả lời rằng Bát chánh đạo không bao gồm nghĩa là không có phải là giới uẩn, định uẩn và tuệ uẩn; mà giới uẩn, định uẩn và tuệ uẩn bao gồm Bát chánh đạo. Có nghĩa Bát chánh đạo nằm trong giới uẩn, định uẩn và tuệ uẩn bởi vì Bát chánh đạo ở đây là chỉ chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định siêu thế. Cho nên Bát Thánh đạo là lĩnh vực nhỏ hơn so với giới uẩn, định uẩn và tuệ uẩn. Cho nên Bát Thánh đạo ở đây không có chứa giới uẩn, định uẩn và tuệ uẩn mà ngược lại giới uẩn, định uẩn và tuệ uẩn chứa Bát Thánh đạo. 

Cho nên ở trong chú giải các ngài Đại trưởng lão đã lấy một ví dụ. Đó là ví dụ về một tỉnh và một thôn làng. Thôn làng mới nằm trong một tỉnh chứ tỉnh thành không nằm trong thôn làng. Vì thôn làng là một không gian nó hẹp, trong lúc một tỉnh thành không gian nó rộng hơn. Chính vì vậy mà chỉ có thôn làng mới nằm trong một tỉnh chứ không phải ngược lại tỉnh thành không nằm trong thôn làng. Để cho dễ thấy dễ hiểu như ở Việt Nam có những tỉnh thành như Hà Nội hay Hồ Chí Minh. Trong Hà Nội hay Hồ Chí Minh có những quận huyện. Những quận huyện nó nằm trong Hà Nội hay Hồ Chí Minh chứ Hồ Chí Minh không nằm trong quận huyện của Hà Nội, Hồ Chí Minh. Ở Myanmar cũng vậy có thành phố Yagon, Mandalay. Trong thành phố Yagon có những quận và huyện khác nhau. Chỉ có những quận huyện đó mới nằm trong Yagon chứ Yangon không nằm trong những quận huyện. Cũng vậy đối với Bát Thánh đạo Aṭṭhaṅgika magga là chỉ bao gồm những chi phần Thánh đạo siêu thế mà thôi trong lúc tam học như giới uẩn, định uẩn và tuệ uẩn bao gồm cả hiệp thế và siêu thế. Chính vì vậy Bát Thánh đạo nằm trong tam học như giới uẩn, định uẩn và tuệ uẩn chứ tam học như giới uẩn, định uẩn và tuệ uẩn không nằm ở trong Bát Thánh đạo.

Cho nên các Ngài Đại trưởng lão cũng nói rằng vì ở trong Bát Thánh đạo có 3 chi phần thuộc về giới là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Ba chi phần thuộc về giới này nằm ở trong giới uẩn Sīlakhanda, 3 chi phần thuộc về định ở trong Bát Thánh đạo đó là chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Ba chi phần này thuộc về siêu thế, cho nên nó nằm ở trong định uẩn samādhikhanda. Bởi vì định uẩn là một lĩnh vực rộng lớn hơn, nó bao gồm cả hiệp thế và siêu thế. Cho nên 3 chi phần thuộc về định siêu thế nó nằm ở trong định uẩn. 

Đối với 3 chi phần thuộc về giới như chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng nếu quy về pháp chân đế thì nó là virati cetasika hay là tâm sở mà kiêng tránh, virati có nghĩa là kiêng tránh, giới cũng có nghĩa là kiêng tránh. Cho nên 3 chi phần đó là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng nằm ở trong giới uẩn là dễ hiểu rồi. Nhưng mà đối với 3 chi phần của định đó là chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định thì ba chi phần này định nằm trong định uẩn đã dễ hiểu, nhưng đối với chánh tinh tấn, chánh niệm vì sao nằm trong định uẩn. Câu trả lời được các Ngài Đại trưởng lão ở trong chú giải trả lời như sau. 

Để trả lời câu hỏi vì sao chánh tinh tấn, chánh niệm không phải là định, nhưng bao gồm trong định các Ngài Đại trưởng lão lấy ví dụ có 3 người đi vào trong vườn hoa và muốn hái những cái hoa ở trên một cây cao. Ba người này phải làm như thế nào. Một người phải cõng người thứ hai, người thứ ba giữ cho người thứ nhất và người thứ hai không bị ngã. Người cưỡi trên vai của người thứ hai một tay có thể nắm đầu người thứ hai, một tay hái hoa. Nắm đầu người thứ hai để giữ thăng bằng, người đó mới có thể hái hoa được. Ví dụ ba người hái hoa này cũng giống ba yếu tố tinh tấn, niệm và định. Tinh tấn là người cõng người thứ nhất. Người thứ nhất được ví như định. Người thứ ba được ví như niệm. Bởi vì niệm giúp cho tinh tấn và định cân bằng. Nhờ có tinh tấn giống như người cõng người hái hoa, người hái hoa mới có thể với tới cái hoa để hái được. Cho nên mặc dù tinh tấn và niệm không phải là định nhưng chỉ khi nào ba yếu tố tinh tấn niệm và định kết hợp lại với nhau thì mới có thể đạt đến định được giống như ba người hái hoa phải hợp tác với nhau mới có thể hái được hoa. Ba yếu tố định niệm và tinh tấn phải kết hợp lại với nhau mới có thể đạt đến định. Tinh tấn và niệm giúp định càng ngày vững bền hơn, vững mạnh hơn. 

Cho nên khi chúng ta ngồi thiền nếu như không có tinh tấn sẽ dẫn đến ngủ gật vì không có chánh niệm liên tục, tinh tấn ở đây là sự duy trì liên tục trong sự thực hành, chánh niệm ở trên đề mục thiền. Chánh niệm là sự trọn vẹn ý thức đối với đề mục thiền. Vì vậy để cho tâm được an trú ở trên đề mục phải có sự chánh niệm hay ý thức trọn vẹn một cách liên tục ở trên đề mục thiền. Cho nên chánh niệm được ví như sợi dây. Nếu như có sợi dây để cột một con khỉ, dù con khỉ có chạy qua chạy lại nhưng nhờ có sợi dây nó buộc chặt con khỉ ở trên một trụ cột chẳng hạn, con khỉ đó nó không có chạy lung tung được nữa. Vì vậy nhờ có tinh tấn hay sự duy trì liên tục và nhờ có niệm hay ý thức trọn vẹn trên đề mục mà yếu tố định mới có thể phát sinh và được duy trì. Cho nên mặc dù tinh tấn và niệm không phải là định nhưng hai yếu tố này giúp để phát triển và duy trì định, nên hai yếu tố này nằm trong nhóm định và thuộc về định uẩn. Cho nên câu trả lời đối với câu hỏi định siêu thế ở trong Bát Thánh đạo là tinh tấn, niệm và định có nằm ở trong định uẩn hay không. Câu trả lời là có bởi vì ba yếu tố tinh tấn, niệm và định siêu thế ở trong Bát Thánh đạo là lĩnh vực nhỏ hơn so với định uẩn là yếu tố bao gồm cả định hiệp thế và định siêu thế

Đối với hai yếu tố thuộc về tuệ trong Bát Thánh đạo là Chánh kiến và Chánh tư duy. Đối với chánh kiến thuộc về tuệ có thể hiểu một cách dễ dàng rồi bởi vì chánh kiến ở đây là sự hiểu biết đối với khổ, tập diệt và đạo hay bốn sự thật. Đối với sammāsaṅkappa hay là Chánh tư duy nếu như quy về pháp chân đế nó thuộc về vitaka cetasika – nó là một tầm tâm sở, cho nên làm sao mà nó có thể nằm ở trong tuệ phần của Bát Thánh đạo được. Và các Ngài Đại trưởng lão ở trong chú giải giải thích như sau.

Các Ngài Đại trưởng lão ở trong chú giải giải thích bằng một ví dụ. Ví dụ có một người thợ kim hoàn chuyên về những loại vàng, bạc, đá quý và có một người cầm thỏi vàng đến. Muốn biết vàng này và vàng ròng hay vàng có tạp chất ở bên trong, nếu như người thợ kim hoàn mới nhìn qua thì khó mà biết nó là vàng ròng hay vàng có tạp chất mà ông ta phải cầm lên để xoay từ trái sang phải, từ phải sang trái, nhìn thật kỹ mới có thể biết được là vàng ròng hay là vàng có tạp chất của đồng, của chì hãy kẽm,.. Cũng tương tự như vậy đối với chi phần sammāsaṅkappa chánh tư duy khi được quy về pháp chân đế nó là yếu tố tâm sở hướng tâm hay là tầm tâm sở – yếu tố hướng tâm đến đối tượng. Đối với hành giả sau khi thực hành chánh niệm ở trên hơi thở vào hơi thở ra hay ở trên một đề mục khác, khi chuyển qua thực hành thiền quán để phát triển trí tuệ thì hành giả phải hướng tâm đến những đối tượng như là đất nước lửa gió hay là hướng tâm đến những yếu tố thuộc về tâm, thuộc về tâm sở. Nhờ có yếu tố hướng tâm nên hành giả mới có thể thấy và hiểu về đặc tính riêng và đặc tính chung của các pháp như là đất nước lửa gió thuộc về vật chất tứ đại, hay những danh pháp tâm và tâm sở. Cho nên sammāsaṅkappa hay là chánh tư duy được bao gồm ở trong tuệ phần

Sau đó cư sĩ Visākha đã hỏi cô Dhammadinnā rằng: Dạ thưa cô, định là gì, nhân sinh định là gì, yếu tố hỗ trợ định là gì, và sự phát triển định là gì. Đó là bốn câu hỏi mà ông Visākha hỏi cô Dhammadinnā

Dhammadinnā trả lời rằng: Thưa cư sĩ, định là sự tập trung hay sự an trú trên một đề mục duy nhất mà thôi. Nhân sinh định, hay yếu tố dẫn đến định tâm đó là tứ niệm xứ hay chánh niệm ở trên thân, trên thọ, trên tâm và trên pháp. Còn đối với sự hỗ trợ của định là bốn sự tinh cần hay tứ chánh cần đó là tinh tấn để cho những pháp bất thiện đã sanh được đoạn trừ, tinh tấn để cho những pháp bất thiện chưa sanh không có sanh khởi, tinh tấn để cho những pháp thiện đã sanh được phát triển và tinh tấn để cho những pháp thiện chưa sanh được sanh khởi. Đó là tứ chánh cần là những yếu tố để hỗ trợ định. Câu trả lời dành cho câu hỏi thứ tư sự phát triển định là gì. Sự phát triển của định là sự thực hành liên tục để khiến cho định càng ngày càng vững mạnh hơn

Và ông cư sĩ xin hỏi tiếp một câu hỏi đó là saṅkhārā là gì thưa cô. saṅkhārā ở đây là các pháp hữu vi hay các pháp hành, những pháp có điều kiện

Sở dĩ ông cư sĩ Visākha hỏi câu hỏi saṅkhārā là gì là bởi vì ông ta muốn biết rằng cô Dhammadinnā có đạt được định đặc biệt hay không. Định đặc biệt đó là diệt thọ tưởng định, cho nên ông mới hỏi cô Dhammadinnā saṅkhārā là gì. 

saṅkhārā là một lãnh vực rất là rộng, chẳng hạn như có câu Sabbe saṅkhārā nicca – Tất cả các hành là vô thường, hay tất cả những pháp có điều kiện là vô thường. saṅkhārā dhamma ở đây là một lĩnh vực nó bao gồm rất nhiều pháp khác nhau, nhưng mà cô Dhammadinnā hiểu được thấy được tâm của ông Visākha muốn hỏi cái gì, cho nên cô đã giới hạn lại saṅkhārā liên quan đến diệt thọ tưởng định mà thôi. Cho nên cô Dhammadinnā đã trả lời rằng saṅkhārā ở đây đó là kāyasaṅkhāra – thân hành, vacīsaṅkhāra – khẩu hành manosaṅkhāra – ý hành. 

Thân hành ở đây là hơi thở vào hơi thở ra, khẩu hành ở đây là vitaka – tầm và vicāra – tứ, manosaṅkhāra ở đây chính là saññā – tưởng vedanā – thọ. 

Sở dĩ thân hành được gọi là hơi thở vào hơi thở ra là do hơi thở vào hơi thở ra được khởi sinh lên dựa vào cái thân, cho nên hơi thở vào hơi thở ra gọi là thân hành, còn vitaka – tầm và vicāra – tứ được gọi là khẩu hành là do vì có tầm – sự hướng tâm và tứ – sự duy trì sự hướng tâm trên đối tượng cho nên mới có thể nói bằng lời nói được. Chính vì vậy vacīsaṅkhāra – khẩu hành là vitaka – tầm và vicāra – tứ. Đối với ý hành là thọ và tưởng là do thọ và tưởng dựa vào ý hay là tâm mới có thể là tưởng. Cho nên ý hành được gọi là thọ và tưởng

Câu hỏi tiếp theo đó là liên quan đến diệt thọ tưởng định là một loại định rất là sâu sắc và không phải ai cũng có thể đạt được định này. Nhưng ông Visākha muốn biết cô Dhammadinnā có loại định này hay không cho nên ông mới đặt câu hỏi liên quan đến diệt thọ tưởng định. Đây là một loại định không thể nào hiểu được qua sự đọc sách hay nghe pháp để có thể hiểu một cách tường tận mà phải có sự chứng đắc và phải có sự trải nghiệm ở trong tâm đối với loại định này liên quan đến tiến trình tâm. Chính vì vậy mà để hiểu rõ thì phải thực hành và đạt đến loại định này. Còn để hiểu sơ sơ, thì cũng có thể từ từ nghiên cứu đọc sách mới có thể hiểu sơ sơ được

Để chúng ta có thể hiểu sơ sơ về diệt thọ tưởng định này, Ngài tam tạng sẽ giải thích đôi chút để chúng ta có thể hiểu. Thứ nhất đối với những người mà có thể nhập vào diệt thọ tưởng định này hay định diệt thọ và tưởng là một định không có thọ cũng không có tưởng, người đó phải có Bát định hiệp thế tức là bốn định thuộc về sắc giới và bốn định thuộc về vô sắc giới. Bốn định thuộc về sắc giới là được tính theo phương pháp tứ thiền chứ không phải theo phương pháp ngũ thiền. Người nào học Vi diệu pháp sẽ hiểu rằng ngũ thiền được chia rẽ ra từ tứ thiền nhất là tầng thiền thứ hai của tứ thiền trở thành tầng thiền thứ hai và thứ ba của phương pháp ngũ thiền. Ở đây tính theo phương pháp tứ thiền là bốn tầng thiền sắc giới và bốn tầng thiền vô sắc giới gọi chung là Bát định. Bát định này thuộc về hiệp thế. Ngoài ra người đó phải là một bậc Thánh Bất lai – Anāgāmi và bậc Thánh A ra hán mới có thể nhập được diệt thọ tưởng định.  Nói tóm lại một bậc Thánh Bất lai hay A ra hán có Bát định mới có thể nhập vào định diệt thọ tưởng này

Và để nhập vào tầng định diệt thọ tưởng này, người đó phải có sự chuẩn bị trước đó là: Chỗ có thể ngồi để nhập diệt thọ tưởng định phải làm vệ sinh sạch sẽ sau đó vị đó thực hành thiền định để nhập vào nhất thiền rồi xuất ra khỏi nhất thiền, rồi xuất ra khỏi nhất thiền vị đó quan sát những thiền chi của nhất thiền đó, sau đó vị đó thực hành thiền định để nhập vào nhị thiền, rồi xuất ra khỏi nhị thiền, quan sát các thiền chi của nhị thiền để thấy rõ vô thường, khổ và vô ngã của những thiền chi ở trong nhị thiền, rồi vị đó tiếp tục thực hành thiền định để nhập vào tam thiền sau đó xuất ra khỏi tam thiền, tiếp tục quan sát những thiền chi để thấy rõ vô thường, khổ, vô ngã của những thiền chi đó, rồi vị đó tiếp tục thực hành thiền định và nhập vào tứ thiền, sau đó xuất ra khỏi tứ thiền và quan sát những chi thiền của tứ thiền để thấy rõ khổ vô thường và vô ngã của những thiền chi trong tứ thiền. Và tương tự như vậy nhập vào ba tầng thiền đầu tiên của vô sắc đó là không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ. Cứ mỗi tầng thiền nhập vào rồi xuất ra, vị đó quan sát những chi thiền của tầng thiền đó cho đến tầng thiền thứ ba của vô sắc giới trước khi tầng thiền cuối cùng của vô sắc giới đó là phi tưởng phi phi tưởng xứ, vị đó phải phát nguyện

Trước khi vị đó quyết định vị đó sau khi xuất ra khỏi tầng thiền không vô biên xứ, vị đó quan sát các chi thiền của tầng thiền không vô biên xứ này rồi quan sát để thấy rõ tam tướng vô thường, khổ và vô ngã của chi thiền ở trong tầng thiền này, vị đó quán sát tuổi thọ của thọ xem coi có thể sống hơn 7 ngày hay không. Nếu như sống hơn 7 ngày vị đó mới quyết định diệt thọ tưởng, còn nếu như thấy tuổi thọ của mình không có sống đến 7 ngày vị đó không có nhập vào định diệt thọ tưởng. Sau khi quán sát tuổi thọ vị đó quan sát và phát nguyện rằng nếu như có Đức Phật hay Chư tăng muốn gặp mặt thì sẽ nguyện xuất ra khỏi tầng định này, vị đó cũng phát nguyện trong suốt thời gian nhập định diệt thọ tưởng thì những vật dụng liên quan như là y phục, bình bát,… không có bị tiêu hoại bởi lửa, yếu tố bên ngoài. Sau khi quan sát, quyết định và phát nguyện như vậy, vị đó mới phát triển thiền định và đạt đến tầng thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ sau đó vị đó nhập vào quả Bất lai đối với những bậc Thánh Bất lai và quả A ra hán đối với những vị Thánh A ra hán. Đối với những bậc Thánh Bất lai sau khi tốc hành tâm của Bất lai Thánh quả đạt đến diệt thọ tưởng nghĩa rằng là thọ và tưởng không có còn nữa. Còn đối với những bậc Thánh A ra hán thì sau khi vị đó nhập vào phi tưởng phi phi tưởng tưởng xứ rồi xuất ra khỏi phi tưởng phi phi tưởng xứ và nhập vào A ra hán Thánh quả thì tiến trình tâm sinh khởi, sau khi tốc hành tâm của tâm A ra hán Thánh quả thì diệt thọ tưởng định là định mà không còn thọ và tưởng nữa. 

Và khi một vị nhập vào định diệt thọ tưởng, trước hết là vacīsaṅkhāra – khẩu hành là vitaka – tầm và vicāra – tứ sẽ diệt trước sau đó kāyasaṅkhāra – hơi thở vào hơi thở ra sẽ chấm dứt, ngưng hoạt động rồi mới đến cittasaṅkhāra tưởng và thọ chấm dứt

Và sau 7 ngày vị đó xuất ra khỏi định diệt, thọ, tưởng cái yếu tố thứ nhất xuất hiện đó là cittasaṅkhāra – ý hành sẽ xuất hiện trước, rồi mới đến kāyasaṅkhāra – hơi thở vào hơi thở ra xuất hiện và cuối cùng mới đến vacīsaṅkhāra tầm và tứ xuất hiện. Sau khi xuất ra khỏi định đó đối với một bậc Thánh A ra hán, tâm A ra hán quả sẽ xuất hiện rồi mới đến 3 hành vừa đề cập mới xuất hiện. Đối với bậc Thánh Bất lai, tâm Thánh quả Bất lai sẽ xuất hiện rồi đến ba hành đã đề cập ở trên xuất hiện sau

Và đối với những bậc Thánh Bất lai và A ra hán sau khi xuất ra khỏi diệt thọ tưởng định, sẽ có một trong ba sự xúc chạm đó là sự xúc chạm đối với không, sự xúc chạm đối với vô tướng, sự xúc chạm đối với vô tác. Đây là ba yếu tố rất vi tế chỉ có những bậc Thánh có thể nhập và xuất ra khỏi diệt thọ tưởng định mới có thể trải nghiệm được một trong ba yếu tố này sau khi xuất ra khỏi diệt thọ tưởng định.

Và sau đó vị cư sĩ Visākha đã lấy yếu tố thọ ở trong thọ và tưởng để hỏi cô Dhammadinnā: Dạ thưa cô, thọ là gì. Cô Dhammadinnā đã trả lời rằng thọ là khổ thọ, lạc thọ và xả thọ. 

Ông tiếp tục hỏi rằng thưa cô vì sao gọi là khổ thọ, vì sao gọi là lạc thọ, vì sao gọi là xả thọ. 

Và cô Dhammadinnā trả lời rằng đối với lạc thọ khi nó tồn tại sẽ có cảm giác dễ chịu, nhưng khi nó biến mất đi sẽ tạo ra cảm giác khó chịu

Đối với cảm giác đối với khổ thọ. Sở dĩ gọi là khổ thọ vì khi nó tồn tại cảm thấy khó chịu, nhưng khi khổ thọ này biến mất sẽ cảm thấy dễ chịu 

Đối với xả thọ, khi nào không có sự hiểu biết về cảm giác không khổ, không lạc, sẽ có một cảm giác khó chịu, nhưng nếu như có sự hiểu biết đối với xả thọ là cảm giác không phải dễ chịu, không phải khó chịu, sẽ có một cảm giác dễ chịu. Nói tóm lại nếu như hiểu xả thọ sẽ có lạc thọ, nếu không hiểu xả thọ sẽ có khổ thọ

Và ông Visākha hỏi rằng với sự không có tu tập những pháp nào đối với ba cảm thọ này thì sẽ dẫn đến những phiền não tuỳ miên, phiền não ngủ ngầm. Cô Dhammadinnā đã trả lời rằng nhờ vào sự tu tập của chánh niệm và tỉnh giác đối với ba cảm thọ khổ lạc và xả này mà những phiền não tuỳ miên không có sinh khởi. Đối với khổ thọ nếu như không có sự chánh niệm và tỉnh giác thì sẽ có sân tuỳ miên sinh khởi. Đối với lạc thọ mà không có chánh niệm tỉnh giác sẽ có dục tuỳ miên sinh khởi. Đối với xả thọ mà không có chánh niệm tỉnh giác thì vô minh tuỳ miên sinh khởi

Trên thực tế ở trong pháp hành, nếu như một hành giả khi mắt tiếp xúc với sắc, nhìn thấy một hình ảnh mà không có chánh niệm tỉnh giác thì sự tiếp xúc đó sẽ sinh ra cảm thọ dễ chịu, nếu như không có chánh niệm tỉnh giác đối với cảm thọ dễ chịu đó thì rāgānusaya – dục tuỳ miên sẽ sinh khởi. Còn nếu như có chánh niệm tỉnh giác đối với cảm thọ dễ chịu hay lạc thọ đó thì dục tuỳ miên sẽ không có cơ hội sinh khởi

Hay là khi hành giả ngồi thiền khoảng 1 tiếng đồng hồ sẽ có những cảm giác khó chịu sinh khởi ở trong thân. Nếu có chánh niệm tỉnh giác đối với cảm giác khó chịu đó, có sự hiểu biết đúng đắn và sự thay đổi biến hoại, và khổ và vô ngã với cảm giác khó chịu đó thì paṭighānusaya hay là sân tuỳ miên sẽ không có cơ hội sinh khởi. Nhưng nếu hành giả không có chánh niệm tỉnh giác đối với cảm giác khó chịu đó, không có thấy rõ tam tướng khổ vô thường vô ngã của cảm giác khó chịu đó thì sân tuỳ miên sẽ sinh khởi

Và câu hỏi tiếp theo đó là đối với cảm thọ nào thì những phiền não tuỳ miên có thể biến mất. Giống như sự sinh khởi của các phiền não tuỳ miên, sự biến mất cũng vậy. Nếu như ở trên thọ khổ hành giả có sự chánh niệm tỉnh giác và trí tuệ đối với vô thường, khổ và vô ngã thì sân tuỳ miên không có sinh khởi, và sân tuỳ miên sẽ biến mất. Đối với thọ lạc mà hành giả có sự chánh niệm tỉnh giác và trí tuệ đối với vô thường, khổ và vô ngã của cảm giác dễ chịu đó thì dục tuỳ miên sẽ biến mất. Đối với xả thọ mà hành giả có sự chánh niệm tỉnh giác và trí tuệ đối với vô thường, khổ và vô ngã của xả thọ đó, vô minh tuỳ miên sẽ biến mất

 Ngài Tam tạng nói rằng cuộc đàm thoại của ông cư sĩ Visākha và cô Dhammadinnā  còn một đoạn nữa. Nếu như Ngài thuyết thì còn khoảng 20 phút nữa. Đoạn đàm thoại này Ngài sẽ thuyết tiếp trong chủ nhật tuần sau. Thời gian bây giờ Ngài sẽ tranh thủ chia sẻ với chúng ta về một đoạn pháp thoại liên quan đến Ngài Sāriputta là sự tìm kiếm đối với sự bất tử của ngài Sāriputta như thế nào

Đoạn pháp thoại của ngài liên quan đến ngài Sāriputta, ngài dạy rằng trên đời tất cả chúng sinh đều sợ hãi đối với sự chết. Cho nên để không có sợ hãi sự chết chúng ta phải biết cách để thực hành, để thấy rõ những pháp sinh diệt thì mới không có sợ hãi và để vượt qua sự sợ hãi thì phải đạt đến sự vô sinh bất tử. Khi có sự vô sanh rồi mới có sự bất tử. Đối với đoạn pháp này, ngài cần giải thích thêm cho nên chủ nhật tuần sau Ngài sẽ kết hợp phần đàm thoại của cư sĩ Visākha với cô Dhammadinnā và đoạn pháp thoại này liên quan đến Ngài Sāriputta. Bây giờ cũng đã đến lúc chúng ta thực hành, qua sự thực hành mới có thể thấy rõ bản chất sinh diệt của thân và tâm. Và thông qua đó mới có thể đạt được sự vô sinh bất tử. 

Cũng như mọi khi chúng ta sẽ thực hành chánh niệm ở trên hơi thở vào, hơi thở ra. Chúng ta ngồi ở trên ghế, hoặc trên toạ cụ, giữ lưng và cổ thẳng đứng nhưng không gồng mình, phải để thân thoải mái, thư giãn, chúng ta nhắm mắt ngậm miệng thư giãn toàn thân, tâm không nghĩ về quá khứ, không suy tưởng về tương lai mà hãy giữ tâm với chánh niệm ở trước mặt, ở trong giây phút hiện tại. Chú ý đến hơi thở vào, hơi thở ra tại điểm tiếp xúc của lỗ mũi và hơi thở. Khi hơi thở vào biết rõ hơi thở đi vào tại điểm tiếp xúc đó, khi hơi thở đi ra biết rõ hơi thở đi ra tại điểm tiếp xúc đó. Nhận biết và quan sát hơi thở từ đầu đến cuối hơi thở. Thở một cách tự nhiên, không cố gắng. Khi nghe một âm thanh, hay cảm nhận cảm giác một chỗ nào đó trên thân hay là những hình ảnh những tư tưởng xuất hiện trong tâm, hãy đừng quan tâm, đừng quan sát những đối tượng đó mà hãy quay trở về điểm tiếp xúc giữa hơi thở và lỗ mũi, nhận biết và quan sát hơi thở vào hơi thở ra. Hãy quay, hướng tâm trở về lại hơi thở một cách nhẹ nhàng không có phản ứng đối với những đối tượng đó, không có phân tích, suy nghĩ về đối tượng đó mà chỉ nhẹ nhàng, quay trở về lại hơi thở vào hơi thở ra, nhận diện và quan sát hơi thở vào hơi thở ra tại điểm tiếp xúc. Nếu không có nhận biết rõ hơi thở ở điểm tiếp xúc có thể thở mạnh hơn và tiếp tục quan sát hơi thở. Khi nhận biết hơi thở một cách rõ ràng, có thể thở bình thường một cách tự nhiên, không có cố gắng để thở. Nếu như cảm thấy tâm không có an trú ở trên hơi thở mà suy nghĩ hay là phóng tâm chỗ này chỗ kia, hành giả cũng có thể thực hành phương pháp đếm hơi thở. Hơi thở vào hơi thở ra đếm 1. Hơi thở vào hơi thở ra ở cuối hơi thở đếm 2. Hơi thở vào hơi thở ra cuối hơi thở đếm 3 cứ như vậy đến 8 sau đó quay trở lại đến 1. Trong khi đếm hơi thở như vậy tâm vẫn nhận biết và quan sát hơi thở vào hơi thở ra tại điểm tiếp xúc. Khi tâm có thể an trú trên hơi thở rồi hãy quan sát và nhận biết hơi thở một cách tự nhiên của hơi thở và lỗ mũi, không có cần phải đếm hơi thở nữa. 

Sau đây Ngài sẽ tụng đoạn kinh trích ở trong tam tạng để chúc phúc, cầu nguyện cho chúng sinh có được sự an lạc và đặc biệt cho các Phật tử đã nghe pháp ở trong zoom này hoặc đang theo dõi ở trên youtube hay do nhân duyên gì đó không thể tham gia được, Ngài cầu chúc cho tất cả quý vị luôn có được sự an lạc và sức khoẻ, hạnh phúc bên người thân và gia đình cũng như luôn tinh tấn và thuận duyên trong việc thực hành giáo pháp của Đức Thế Tôn

Và bây giờ tất cả chúng ta cùng nhau phát nguyện Phật Pháp được trường tồn

Buddasasanam ciram titthatu (3 lần)

 

Ngài Tam Tạng 10 Thuyết Pháp, Sư Thiện Đức Hỗ Trợ Dịch Việt, Bản Text Do Bạn Đào Duy Thắng Tốc Ký

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app