Thiện Pháp Ấn Tống & Thỉnh Sách Dhammapada: Pháp Dẫn Đến Niết-bàn

Thông Báo Ấn Tống Sách Dhammapada: Pháp Dẫn Đến Niết Bàn

“Sabbadānam dhammadānam jināti: Bố thí pháp, làm thiện pháp là ưu việt nhất trong tất cả sự bố thí, làm thiện”.

Đại Dương Phật pháp, ai có khả năng ở lĩnh vực nào thì làm ở lĩnh vực đó, chung tay vì sự phát triển chánh Pháp, phát triển Pháp bảo mà Đức Phật đã chỉ dạy, vì lợi lạc cho nhiều người. Với ý nguyện chân chánh ấy, cuốn Dhammapada (nguyên tác tiếng Miến Điện của tác giả U Shwe Aung) được Sư Hộ Giới chuyển ngữ sang tiếng Việt và sẽ được ấn tống khoảng 1000 cuốn và phát hành 2000 cuốn (đợt 1) vào đầu năm 2021 Dương lịch, với tựa đề “Dhammapada: Pháp dẫn đến Niết-bàn”.

Sự chung hùn phước của quý vị là phát triển ánh sáng chánh pháp, ánh sáng trí tuệ của Phật giáo, nhất là Phật giáo Theravāda, nhằm đem lại sự lợi ích, an lạc và tăng trưởng cho tất cả chúng sinh. Đây cũng là nhân duyên để phát hành tiếp những tác phẩm tiếp theo trong hành trình hoằng dương chánh pháp đến với quê hương, dân tộc và đất nước chúng ta.

Xin trân trọng và hy vọng quý vị cùng hoan hỷ với phước thiện pháp thí cao quý này.

Mettena cittena, (với tâm từ)

BQT Theravada.vn

P.s. Bài viết này nhằm mục đích thông báo thiện pháp ấn tống kinh sách và form để quý vị đăng ký thỉnh sách, không nhằm mục đích kêu gọi hùn phước. Đợt 1 dự tính sẽ ấn tống khoảng 1000 cuốn, tuỳ vào số lượng sách quý vị thỉnh, chúng tôi có thể sẽ ấn tống thêm. Nguyện Phật giáo được trường tồn! Nguyện ai đó hữu duyên được tiến bộ trong Dhamma, được an vui, hạnh phúc, được giải thoát khỏi mọi khổ đau!

 

QUÝ VỊ ĐĂNG KÝ THỈNH SÁCH THEO SỐ NÀY Ạ:

 

GIỚI THIỆU VỀ CUỐN DHAMMAPADA: PHÁP DẪN ĐẾN NIẾT-BÀN

Đức Phật Gotama, kiếp cuối cùng là đức Bồ tát Thái tử Siddhatta đản sinh vào đêm trăng tròn tháng 5, năm 624 trước Công nguyên, (Rằm tháng Tư, Âm lịch). Năm 16 tuổi Thái tử được đức phụ Vương Suddhodana truyền ngôi và kết hôn cùng công chúa Yasodharā. Năm 29 tuổi, sau khi trải qua 13 năm hưởng thụ dục lạc của một bậc Đế Vương cùng Chánh cung Hoàng hậu và 42 ngàn (42.000) cung phi mỹ nữ ở trong 3 cung điện thích hợp với 3 mùa mưa, nắng và lạnh của xứ Trung Ấn Độ; sau một năm đức Vua Bồ Tát xuất thành du hành đã gặp 4 cảnh tượng lão, bệnh, tử, bậc xuất gia, do Phạm thiên hóa hiện (không phải thuộc tự nhiên) để làm cho đức Vua Bồ tát phát sinh tâm kinh hãi nhàm chán thế gian mà xuất gia hành đạo. Đúng vào ngày trăng tròn tháng 7, năm 595 trước Công nguyên (Rằm tháng 6, Âm lịch), đức Vua Bồ tát Siddhattha quyết định từ bỏ mọi dục lạc Đế Vương để xuất gia tầm đạo, cũng ngay trong đêm ấy đức Vua Bồ tát hay tin, Hoàng hậu Yasodharā đã hạ sinh hoàng Thái tử Rāhula, mặc dù vậy đức Vua Bồ tát vẫn quyết chí ra đi, khi chưa một lần nhìn thấy mặt của đứa con thơ đầu lòng sau 13 năm mong đợi. 

Đức Vua Bồ tát đi đến xứ Maghadha xuất gia làm đạo sĩ, trải qua gần 6 năm trường học đạo và thực hành pháp khổ hạnh (dukkara: khó hành) trong rừng sâu cùng nhóm 5 đạo sĩ Pañcavaggī, là những Bà-la-môn kiệt xuất tinh thông thiên văn địa lý trong vương quốc trước đây của đức Bồ tát đạo sĩ. Sau khi họ rời bỏ đức Bồ tát đạo sĩ, vì Ngài không còn tiếp tục thực hành pháp tu khổ hạnh như xưa nữa, đức Bồ tát đạo sĩ một mình đi đến Gāyā khất thực tu tập. 

Không lâu sau, vào sáng ngày trăng tròn tháng 5, năm 589 trước Công nguyên (Rằm tháng Tư, Âm lịch), đức Bồ tát đạo sĩ sau khi thọ nhận mâm cơm sữa của nữ tín chủ Sujātā với lời chúc: “Những nguyện vọng của con được thành tựu trọn vẹn tốt đẹp như thế nào, con cũng xin chúc những nguyện vọng của Ngài cũng được thành tựu tốt đẹp trọn vẹn như thế ấy”. Ngay đêm ấy, dưới cội đại Bồ Đề, đức Bồ tát đạo sĩ đã chiến thắng Ma Vương từ cõi trời, chứng đắc Tam Minh, với trí tuệ biết đúng và rộng khắp tất cả (sabbaññutaññāṇa) trở thành đức Phật Toàn Giác hiệu là Gotamabuddha (đức Phật Gotama), đúng như lời thọ ký từ đức Phật Toàn Giác Dīpaṅkāra, cách đây 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, cũng như lời thọ ký từ 23 vị Toàn Giác Phật ra đời trong những kiếp trái đất sau đó.

Sau khi đức Phật (Gotama) an hưởng quả vị giải thoát 49 ngày đêm quanh cội Bồ Đề (một thành quả mà phải trải qua đến 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất thực hành pāramī miệt mài không ngừng nghỉ mới thành tựu được), Ngài lại lên đường (đi bộ, không dùng thần thông) đến xứ Bāraṇasī để thuyết giảng bài pháp đầu tiên vào ngày trăng tròn tháng 7, năm 589 trước Công nguyên ấy (Rằm tháng Sáu, Âm lịch). Và cũng kể từ đó trong suốt 45 năm tại thế của một vị Phật Toàn Giác, Ngài đã không nghỉ ngơi mà du hóa khắp các nơi, từ kinh thành cho đến làng mạc xa xôi, của các Vương quốc thuộc vùng trung tâm của Ấn Độ, để thuyết giảng giáo pháp cho những chúng sinh có duyên lành giác ngộ. Đối với Ngài khoảng cách về không gian, thời gian hoặc thời tiết, quốc độ không quan trọng, hễ nơi nào chúng sinh ấy có duyên lành thì Ngài đi đến, có khi chỉ đi một mình mà cũng có khi đi với số đông hội chúng vì lợi ích thiết thực của chúng sinh ấy, mà thuyết pháp tế độ họ.

Trong 45 năm trụ thế du hóa thuyết giảng ấy của đức Phật, đến ngày nay trải qua 6 thời kỳ kết tập truyền tụng, giáo pháp của Ngài, đã có nhiều cách phân chia như sau:

  1. Nếu chia theo nguyên sơ nhất gồm có 2 phần: Dhamma: Pháp và Vinaya: Luật. 
  2. Nếu chia theo Tạng (Piṭaka: tổng hợp, nhóm) gồm có 3 Tạng: Luật tạng; Kinh tạng; Vi diệu pháp tạng. 
  3. Nếu chia theo thể loại (Nikāya: tổng hợp, thể loại) gồm có 5 thể loại: Thể loại dài; Thể loại vừa; Thể loại cùng một chủ đề; Thể loại các pháp tăng dần; Thể loại hỗn hợp (bao gồm cả tạng Luật, Tạng Vi diệu pháp và phần còn lại của tạng Kinh). 
  4. Nếu chia theo cách thức (aṅga) thuyết giảng gồm có 9 cách: những bài pháp có tựa đề Sutta: Kinh; những bài pháp văn xuôi lẫn thi kệ; những bài pháp thuần văn xuôi; những bài pháp thuần thi kệ; những bài pháp cảm thán; những bài pháp bắt đầu “Đức Thế Tôn đã thuyết như vậy”; những bài pháp về tiền thân; những bài pháp đặc biệt giảng rộng; những bài pháp đức Phật tự thuyết. 
  5. Nếu chia theo nhóm pháp (dhammakkhandha) thì có 84.000 nhóm.

“Dhammapadagāthā: những bài pháp thuần thi kệ dhammapada”, tựa đề đã nói lên cho chúng ta biết rằng, Dhammapada này chia theo cách thức (aṅga), thuộc những bài pháp thuần thi kệ (gāthā) trong 9 cách thức thuyết giảng của đức Phật; còn nếu chia theo thể loại (nikāya) thì nó thuộc Thể loại hỗn hợp (Khuddakanikāya) trong 5 thể loại; nếu chia theo Tạng (Piṭaka) thì nó lại thuộc Tạng kinh (Suttantapiṭaka); và nếu chia theo nguyên sơ nhất, thì nó nằm trong phần Pháp (Dhamma).

Danh từ “Dhammapada” ngày nay đã quá phổ thông đối với những người học Phật, nó đã trở thành ngôn ngữ quốc tế khi nhắc đến Phật giáo, cho nên Tác giả và Người chuyển ngữ quyển sách này vẫn giữ nguyên danh từ ấy làm tựa sách, vì chỉ có như vậy mới có thể diễn đạt được ý nghĩa nguyên bản nhất mà thôi. Tại sao vậy? Bởi vì: Dhammapada là một danh từ ghép gồm 2 từ “dhamma” và “pada”, “dhamma: pháp” nếu đứng riêng lẽ thì nó mang ý nghĩa bao gồm tất cả, không loại trừ bất cứ gì. Trong khi “Pada: Niết-bàn” là một cách gọi khác của Nibbāna: Niết-bàn vậy. Do đó khi hai từ này ghép lại với nhau, thì nghĩa của từ dhamma sẽ bị giới hạn bởi nghĩa của từ “pada”. “Dhamma” ở đây có nghĩa là “Pada” vậy. Cho nên, “dhammapada” nếu dịch chữ đó là “Pháp Niết-bàn”, còn nếu dịch ý nghĩa thì trong các sách xưa có rất nhiều nghĩa, tựu trung lại có 2 ý nghĩa chính đó là: “Nguyên nhân để thấy biết các pháp chân thật và những pháp dẫn đến Niết-bàn”. Như vậy, “Dhammapada nghĩa là nguyên nhân để thấy biết các pháp chân thật hoặc những pháp dẫn đến Niết-bàn”. Quả thật vậy, những bài kệ trong quyển “Dhammapadagāthā: Thi kệ dhammapada” này hầu hết khi nghe đức Phật thuyết giảng xong và tiến hành theo, người nghe đều chứng đạt Thánh đạo, Thánh Quả và Niết-bàn trở thành bậc Thánh nhân từ thấp đến cao trong giáo pháp của Ngài tùy theo pāramī của mỗi người.

Những bài thi kệ “Dhammapada” này đức Phật đã thuyết giảng đến những ai, thuyết giảng ở nơi đâu và nguyên nhân tại sao lại thuyết giảng, câu chuyện đằng sau những bài thi kệ này như thế nào? Nội dung hương vị cũng như sự thực hành, hoặc các bài học rút ra từ những lời dạy đó ra sao? Đó là điều mà quyển sách này sẽ đem đến cho người đọc một sự hiểu biết, sự cảm nhận sâu sắc chân thực nhất về “dhammapada”. Ở đây người chuyển ngữ xin nêu ra một vài điều nhằm giới thiệu đến những ai có duyên lành quan tâm đến giáo pháp của đức Phật Gotama, nhất là pháp học và pháp hành về cách thức phương pháp ở khía cạnh thấy biết “pháp” ngay trên thân thể tổng hợp 5 nhóm khandha, chứ không phải những điều gì xa xôi diệu vợi khác qua những bài thi kệ “Dhammapada” này.

Trước tiên, những câu chuyện trong Dhammapada này đều xảy ra với những nhân vật có thật cùng thời với đức Phật, khác với những câu chuyện tiền thân thuộc về quá khứ. Đặc biệt hơn, những bài thi kệ này dù đức Phật thuyết giảng vì nhân duyên gì đi nữa, thì người nghe, hội chúng thính pháp ấy và tiến hành theo vẫn chứng đạt được Thánh đạo, Thánh quả và Niết-bàn trở thành bậc Thánh nhân trong Phật giáo cả. Riêng về phần nội dung trong từng bài pháp (kệ), từng lời giảng dạy, từng câu chuyện đều cho chúng ta ngoài những phương pháp thực hành theo, làm phát sinh đức tin trong lành, làm phát sinh sự hoan hỷ ra; nó cũng còn làm cho chúng ta phát sinh lên sự đáng thương cảm, đáng tránh xa, rúng động tâm can nữa. Nói đến Dhammapada dù là thi kệ hay tích truyện đều được các Dịch giả trên khắp thế giới chuyển ngữ từ Pāḷi sang ngôn ngữ của dân tộc mình rất nhiều, trong tiếng Việt cũng vậy, nhiều Tác giả cũng đã dịch thuật với nhiều dạng khác nhau, tùy theo mỗi thời đại. Sở dĩ thi kệ và tích truyện của Dhammapada luôn sống động và thiết thực dù đã trải qua hơn 2600 năm, là vì nó hàm chứa trong mình không những pháp thế gian mà còn cả sự thật chân lý cao thượng và pháp hành giải thoát khổ đưa đến Niết-bàn, an lạc vắng lặng nữa.

Người chuyển ngữ đã có duyên được đọc tập sách Dhammapada của Tác giả U Shwe Aung bằng tiếng Myanmar từ rất lâu. Với cảm nhận và hiểu biết riêng, người chuyển ngữ thấy một văn phong khác lạ nhưng rất thiết thực sống động, dễ hiểu dễ nhớ giúp ích rất nhiều trong cách tiếp cận Phật pháp theo lối phổ thông mà đúng đắn, nhất là đối với những ai đang thực hành thiền quán. Nhằm thổi vào luồng sinh khí mới cho những người vừa mới tìm đến Phật giáo có cái nhìn nhẹ nhàng thiết thực, người chuyển ngữ với khả năng học hiểu của mình đã cố gắng hết sức để chuyễn ngữ theo văn phong như bản gốc của Tác giả, tuy nhiên, vì sở học và tầm nhìn có hạn nên khó có thể lột tả được hết tính chân thực của nguyên bản, mong rằng người đọc sẽ có sự đồng cảm.

Người chuyển ngữ cũng không muốn nói thêm nhiều, xin hãy để cho người đọc cảm nhận pháp vị trong mỗi bài kệ, mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật từ quyển sách “Dhammapada” trên tay quý vị đang cầm. Người chuyển ngữ xin tri ân đến tất cả những bậc hữu ân thiện hữu tri thức, các thiện tín nam, nữ đã góp ý động viên và ủng hộ kịp thời để quyển sách này đến được với tay bạn đọc. Xin tất cả quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu sắc của người chuyển ngữ tiếng Việt. Xin cầu chúc tất cả quý vị và thân quyến cùng bạn hữu thân tâm an lạc.

 

Sīmā Chánh Pháp Đăng

Quảng trị, mùa an cư PL.2564/2020

Người chuyển ngữ tiếng Việt từ cuốn Dhammapada

(nguyên tác tiếng Myanmar của tác giả U Shwe Aung)

Sư Hộ Giới  – Rakkhitasīla Bhikkhu

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app