Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Phẩm Cây

Thủ

Sáng nay mình học cùng một lúc nhiều kinh vì có nhiều kinh có nội dung giống nhau, chỉ khác nhau chút đỉnh. Kỳ rồi mình học bài kinh cuối cùng là bài kinh Thủ (Upadanasutta). Nội dung là gồm hai thái độ sống: 1. Assadanupassi: cảm nhận 6 trần (đời sống) qua lăng kính tục lụy, thấy gì cũng ngọt ngào. 2. Adinavanupassi: cảm nhận đời sống qua những mặt trái của nó. Khi ta thấy thích một thứ gì thì ngay trong đó đã có vô minh, ba hành…, ngay khi ta thấy được bản chất tùy duyên và Tam tướng của 6 trần rồi sinh tâm nhàm chán thì lúc đó chính là thời điểm tháo gỡ vòng Duyên khởi. Thay vì 6 xúc duyên 6 thọ, 6 thọ duyên 6 ái thì ở đây 6 thọ duyên cho Tứ Niệm Xứ, Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo. Đó là tâm trạng của hành giả lúc đang tu tập Tứ Niệm Xứ. Khi người ta thấy, nghe cái gì đó người ta thích, còn mình ngay chỗ thấy nghe đó mình không để cái thích xuất hiện mà tín, tấn, niệm, định, tuệ xuất hiện ngay lúc đó, trường hợp này được gọi là đang đi theo chiều ngược của 12 Duyên khởi, nghĩa là tháo gỡ vòng Duyên khởi. Ở đây Đức Phật thu gọn lại và giải thích cho mình nghe vòng tròn sinh tử đều đi ra từ hai thái độ sống: Cảm nhận đời sống ngọt ngào và cảm nhận mặt trái của đời sống.

KIẾT SỬ (1) (2)

Kinh Kiết Sử cũng có nội dung giống vậy chỉ thêm ví dụ ngọn đèn. Ngọn đèn có tim có dầu thì cháy hoài. Nếu không thêm dầu mới, không thay tim mới thì ngọn đèn chắc chắn sẽ tắt. Các nhà khảo cổ đã có dịp lạnh xương sống khi phát hiện trong ngôi cổ mộ, lăng miếu có những ngọn đèn cháy hàng ngàn năm bằng một loại dầu sệt. Gọi là những ngọn đèn Trường Minh. Muốn biết thêm thì bà con vào google gõ “những ngọn đèn vĩnh cửu”. Ở đó người ta sẽ cho biết tường hợp nào người ta phát hiện ra những ngọn đèn như vậy.

Khi ngọn đèn hội đủ Duyên khởi thì sẽ cháy. Đức Phật dùng hình ảnh ngọn đèn để nói về dòng luân hồi. Xem thêm đoạn cuối bài kinh Tam Bảo Ratanasutta, đoạn ví dụ vị A-la-hán giống như ngọn đèn hết dầu.

Kinh Kiết Sử (2) cũng có nội dung giống vậy. Đức Phật ví dụ dòng luân hồi giống như ngọn đèn được thêm dầu, thay tim liên tục. Khi hết duyên sinh tử thì mọi sự kết thúc.

Kinh Upadanasutta đã học ngày thứ năm (11-12-2014) là kinh bắt đầu cho các kinh sau.

Mỗi lần ta cảm nhận sáu trần cảnh bằng thái độ tục lụy là mỗi lần ta đang thay tim, thêm dầu cho ngọn đèn sinh tử.

KINH ĐẠI THỌ (Maharukkhasutta)

Mahārukkhasutta’: Kinh Đại Thọ, Ví Dụ Cội Cây Lớn. ‘Rukkha’: cây.

Loạt kinh đang học có nội dung giống nhau, gồm 2 Kinh Đại Thọ, Kinh Cây Nhỏ (Tarunarukkhasutta) Kinh Danh Sắc (Nāmarūpasutta), Kinh Thức (Viññāṇasutta).

Kinh Cây Lớn và Kinh Cây Nhỏ có nội dung: dù cho cây lớn hay cây nhỏ miễn là có được nguồn tiếp dưỡng liên tục thì cây nào cũng sống thêm. Hiện giờ bên cạnh chỗ ngồi của tôi có mấy bụi sả, ớt, rau thơm. Quá lạnh quá nóng chính là trở lực để cho cây phát triển, thế là tôi phải đem vô nhà, vô nhà thì thiếu nắng, thiếu sương. Giống như chăm sóc người bịnh, thấy nó thoi thóp chắc qua không hết mùa đông. Những chậu cây trong nhà hiện giờ giống như một hành giả đạt tới hành xả tuệ rồi. Nay mai chắc những hành giả này đắc Sơ quả là cái chắc rồi, Sơ quả là không có cố gắng gì hết thì cũng Nhị quả thôi, Nhị quả không cần cố gắng gì cũng lên Tam quả. Đây là ví dụ thôi. Đèn đã bể rồi, tim còn dính chút dầu thì leo lét chút thôi. Đức Phật dạy, 6 căn chính là 6 nguồn tiếp liệu cho nguồn sinh tử. Ngày nào còn thấy thích trong 6 trần thì có nghĩa là ta đang thay tim, thêm dầu cho ngọn đèn sinh tử, là ta đang chăm sóc cẩn thận cội cây sinh tử.

Khi nào mình đón nhận 6 trần bằng thái độ ly tham ly dục bằng sự nhận thức rõ ràng đúng đắn về mặt trái của nó thì cội cây sinh tử mòn dần. Dĩ nhiên nhận thức bằng trí tuệ phàm nhân thì không rốt ráo bằng trí tuệ bậc thánh nhưng chính là điểm bắt đầu cho thánh trí. Ngày tôi từ Mỹ về châu Âu, tôi có liếc mắt mấy cái cây ở sân sau; ngay thời điểm tôi biết tôi phải đi châu Âu ít lâu, tôi giống như hành giả quyết tâm tu Tứ Niệm Xứ, dù còn phàm nhưng lòng đã hướng đến sự lìa bỏ. Khi đã hướng về sự lìa bỏ rồi thì dầu mấy cái cây trước mắt (bồ ngót, rau thơm, nha đam) đang xum xuê, tươi tốt, tôi biết nó sẽ bị héo, vì không ai chăm sóc. Rồi một tuần hai tuần cũng sẽ chết sạch, và đúng như vậy. Cách đây khoảng một tháng, mấy người tôi nhờ coi ngó giùm, họ báo tin như vậy. Ngay khi lòng mình đã có ý lìa bỏ rồi, thì nỗ lực của mình không phải đời này thì cũng sẽ là kiếp khác. Ngọn đèn dù có đầy dầu, cội cây có xum xuê cách mấy nhưng mà mình có lòng lìa bỏ thì khi hết dầu nó phải tắt. Cội cây đó khi đã khô rồi, đợt chăm sóc sau cùng của mình không còn hiệu quả nữa.

NIDANASUTTA (Nhân)

Các kinh vừa học và kinh Nhân có nội dung giống nhau.

Theo Chú giải, một ngày kia sau giờ cơm ngài Ānanda đi xem xét xem Thế Tôn có cần nhờ việc gì hay không. Ngày nào cũng vậy, khi nào ngài thấy Thế Tôn không cần gì nữa thì ngài ra gốc cây nào đó hoặc ở phòng riêng bên cạnh để nghỉ trưa. Nghỉ trưa là nếu mệt thì nằm ngủ một chút, còn khỏe thì ngài nhập thiền Quả. Nhập định đáo đại là mình đắc tầng thiền nào, khi muốn sống an lạc thì quay lại đề mục mình đã đắc đó, an trú vô đó chút xíu. Tâm thiền cao nhất mình chứng được sẽ quay trở lại. Hoặc khi đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng mà muốn nhập lại Tam thiền Sắc giới thì cứ an trú vô đề mục ngày xưa mình đã đắc Tam thiền thì trong vòng tích tắc trở lại tâm Tam thiền đó gọi là nhập Thiền đáo đại. Nhập thiền Quả là vị thánh đó là Sơ, là Nhị, là Tam, là Tứ quả, lâu lâu vị đó cảm thấy cần nghỉ ngơi tịnh dưỡng bằng thiền Quả, (không có sự nghỉ ngơi nào bằng sự an trú trong tâm thánh quả, vì lúc đó cảnh người ta biết chỉ là Niết bàn). Mình ngoài đời quá sức mệt, ra ngoài sân sau hè nghe gió thổi nước chảy khác với chuyện vô mở phim Hàn thương hận tình thù. Vô coi phim thì cái đầu mình vẫn tiếp tục làm việc dù biết đây là cảnh giả. Dù biết là phim nhưng khi coi lòng mình vẫn bị cuốn trong đó. Trong khi đó cái mình thấy chỉ là nước chảy mây trôi, lòng sẽ khác đi, mình không phải suy tư nhiều, nói chi là thiền Quả. Vị thánh biết đời là giả nhưng hễ còn sống bằng tâm Dục giới, còn thấy còn nghe thì còn mỏi mệt, vì cái thân chưa được thật sự an. Theo chú giải, tùy vào cảnh mình biết cảnh gì, tùy cái tâm mình đang sống bằng tâm gì thì thân của mình được an dưỡng ở mức độ nào.

Tùy cảnh, tùy tâm mà ta đang sống, thân mình được tác động như thế nào, khi tâm an, cảnh vi tế, thì phỉ lạc có mặt và nhờ vậy thân xác được tĩnh dưỡng. Khi tâm ta an lạc, cảnh của tâm sạch sẽ thì huyết áp ổn định, nhịp tim ổn định. Khi ta biết cảnh sôi động, với tâm tư sôi động thì huyết áp và nhịp tim cũng căng thẳng, sôi động. Khi tâm sôi động thì hơi thở sẽ gấp gáp, ta sẽ thấy mệt mỏi hơn là lúc tâm yên tĩnh, hơi thở lắng đọng nhẹ nhàng. Theo dõi một hơi thở nhẹ nhàng thì tâm ta cũng nhẹ nhàng. Tâm nhẹ nhàng thì hơi thở cũng nhẹ nhàng, tâm vi tế thì hơi thở sẽ vi tế. Để ghi nhận hơi thở vi tế thì tâm cũng phải vi tế theo. Hơi thở vi tế thì huyết áp, nhịp tim cũng vi tế theo. Cái này nương cái kia. Như khi ta đang lắng tai và lắng tâm để nghe dư âm sau cùng của một tiếng chuông.

Thế nào là tâm thô, tâm vi tế ? Tâm bất thiện so với tâm thiện thì tâm thiện là tâm vi tế, tâm bất thiện là tâm thô thiển. Tâm bất thiện có tà kiến là thô, không có tà kiến là tế. Tâm bất thiện vô trợ là thô, tâm thiện vô trợ là tế. Tâm thiện hợp trí là tế, tâm thiện ly trí là thô. Tâm biết cảnh dục giới là thô, biết cảnh thiền là tế. Tâm phàm là thô so với tâm của thánh là tế. Tâm biết cảnh thiền là tế, tâm biết cảnh dục là thô. Tâm biết cảnh Niết bàn là tế, tâm biết cảnh hiệp thế là thô; nghĩa là cái này so với cái khác. Hơi thở cũng vậy, hơi thở được tác động bởi tâm vi tế được gọi là hơi thở vi tế; được tác động bởi tâm thô thiển thì gọi là hơi thở thô thiển. Khi nào tâm lành, ổn định thì hơi thở rất là nhẹ, khi nào sợ hãi, giận, ghen, tức vì sốc thì hơi thở rất nặng. Người nào từng giữ chánh niệm, từng theo dõi hơi thở mới hiểu được điều này.

Một vị thánh khi muốn an dưỡng tuyệt đối ngay khi còn sống có hai cách: 1.Nhập thiền Diệt (nếu vị đó có khả năng). Để đắc thiền Vô sắc, thánh trí thì ít nhất phải đạt đến Tam quả. Trong suốt thời gian đó thì họ hoàn toàn không có tâm. 2.Nhập thiền Quả, vị đó chứng tầng thánh trí nào (chẳng hạn Tu-đà-hoàn) thì quay lại đề mục ngày xưa đã đắc. Quan sát Tam tướng trong danh sắc mà chứng thánh. Hôm nay muốn nhập thiền Quả thì cứ tác ý khía cạnh Tam tướng của danh sắc, thời gian lâu mau tùy người, thì tâm thánh quả cao nhất của mình sẽ xuất hiện và kéo dài bao lâu tùy ý, lúc đó tâm chỉ biết cảnh Niết bàn. Thí dụ như muốn nhập thiền Quả thì ngài tác ý, ngài chú ý đến hơi thở, ngài chú ý đến tâm, chú ý đến thọ, thấy thọ lạc, thọ khổ, thọ xả… biết xả đang có mặt, biết khổ đang có mặt v.v…. Khi ghi nhận như vậy lập tức thấy nó đang vô thường. Tùy theo người mà nhanh hay chậm. Khi tác ý như vậy đàng sau loạt tâm đó thì tâm thánh quả cao nhất (đã từng đắc như Sơ quả, Tam quả…) xuất hiện, dài ngắn lâu mau tùy người, có vị chỉ cần búng tay, hoặc có vị cần một ít thời gian. Như ngài Ānanda trong bài kinh này chỉ nhập thiền Quả với thời gian của một giấc ngủ trưa khoảng một hai tiếng đồng hồ. Sau đó ngài xả và ngồi suy tư về lý Duyên khởi và nhớ một lần Đức Phật dạy, lý Duyên Khởi rất khó hiểu và khó thấy. Ngài tự nói với mình, cái này cũng đâu đến nỗi khó, rồi vào thưa với Đức Phật, nghĩ sao nói vậy. Trong chú giải, Đức Phật suy nghĩ như sau: vì Ānanda hiểu chưa giống như một vị Phật mà hiểu theo trình độ của Thanh văn, vì vậy Ngài giải thích cho ngài Ānanda và biết lời giải thích này sẽ được lưu lại cho ngàn năm về sau, cho vô lượng chúng sinh khác. Đức Phật nói đừng nghĩ như vậy, vì lý Duyên khởi thực sự sâu sắc, tùy theo trình độ mà chúng sinh hiểu đến đâu. Theo chú giải, giống như ngoài biển có rất nhiều loài thủy tộc: cá, tôm, cua, rùa, rắn… có những loài ở độ sâu mấy cây số nhưng có những loài chỉ ở cách mặt nước vài trăm mét và có những loài chỉ sống trên mặt nước, nhìn thấy được bằng mắt thường không cần phải lặn xuống mới thấy. Ở đây cũng vậy, tùy thuộc vào trình độ của mỗi cá nhân mà thấy được chiều sâu của dòng Duyên khởi tới đâu. Trên lý thuyết thì ai học xong chi pháp 12 Duyên khởi cũng có thể nghĩ mình biết hết, nhưng thật ra tùy theo trình độ mỗi người mà thấy lý Duyên khởi sâu cạn, rộng hẹp khác nhau.

Chẳng hạn như quí vị không biết gì hết, học A-tỳ-đàm ít lâu, cứ tưởng đâu là mình đã biết rồi, thật ra, hiểu biết lý Duyên Khởi ở mỗi người giống hệt như kiến thức khoa học. Ai cũng biết mưa là do mây, mây là hơi nước bốc lên từ mặt đất, sông rạch, biển hồ, nhưng cái biết đó của một vị tiến sĩ phải khác với một học sinh trung học. Vị tiến sĩ biết tại sao mây trắng, tại sao mây đen, thế nào là mây độc… Người học cơ bản nhẹ nhàng thì biết vô minh trong Bốn Đế tạo ra ba Hành… sầu bi khổ ưu não. Nhưng thật ra không phải đơn giản như vậy, một người dầu bây giờ họ tạo phi phúc hành nhưng trong họ có bản năng sẵn sàng cho bất động hành và phúc hành; một người đang tạo bất động hành nhưng ngầm có mầm của phi phúc hành và phúc hành… Duyên nghiệp mỗi người khác nhau, hành của người trí nhiều khác với hành của người trí ít. Lý Duyên khởi nói trên công thức thì đơn giản như vậy nhưng trên thực tế chỉ có vị Chánh Đẳng Chánh Giác mới nhìn xuyên suốt vào bản tâm của mỗi người để thuyết giảng một cách chính xác. Vị Thanh văn đại trí có thể biết rõ chúng sinh, nhưng ngay bây giờ nói cái gì cho mình nghe để đắc thì không thể. Cách đây 4 a-tăng-kỳ một trăm ngàn đại kiếp, Đức Phật Nhiên Đăng nhìn thấy một vị đạo sĩ, Ngài biết liền người này không cách chi đắc quả, không cách chi giác ngộ ngay đời này, Ngài biết ông đạo sĩ đang nằm trên sình cho Ngài dẫm lên đó, ông này chỉ cần muốn là đắc Lục thông Tam minh, Tứ tuệ phân tích, và trong suốt 4 A-tăng-kỳ, một trăm ngàn đại kiếp nữa cũng không đắc dưới sự hướng dẫn của vị Phật nào hết mà cuối cùng ông phải tự mình thành Phật, đó chính là Bồ tát Cồ Đàm. Cách đây một A-tăng-kỳ, một trăm ngàn đại kiếp Đức Phật Anomadassī nhìn thấy một vị đạo sĩ cực kỳ thông tuệ, vị này có rất nhiều đệ tử. Thầy trò của vị đạo sĩ này khi gặp Đức Phật thì hàng ngàn đệ tử đều đắc quả A-la-hán nhưng vị đạo sĩ này không cách chi đắc được mặc dù khả năng thông tuệ hơn hẳn đệ tử, bởi vì đạo sĩ này khi gặp được Đức Phật Anomadassī vị này nhìn thấy bên cạnh Đức Phật Anomadassī có một vị tỳ kheo tăng tướng rực rỡ, Đức Phật Anomadassī kêu vị ấy thuyết pháp. Đạo sĩ nhìn hình ảnh, nghe âm thanh vị tỳ kheo đó hỏi ra được biết đây là Đệ nhất thanh văn, Đệ nhất trí tuệ. Trong Tam giới lúc đó đây là nhân vật số hai sau Đức Phật Anomadassī, không ai có trí tuệ bằng vị tỳ kheo đó. Đạo sĩ quì xuống trước Đức Phật Anomadassī và mong đời sau trở thành vị tỳ kheo giống y như vị này. Đức Phật Anomadassī biết rõ tâm nguyện này sẽ thành tựu, nên ngài thọ ký: Một A-tăng-kỳ, một trăm ngàn đại kiếp nữa, ngươi sẽ trở thành vị tỳ kheo tên là Sariputta, là đệ tử số một của vị Toàn Giác Thích Ca Mâu Ni, sẽ là vị Đệ nhất trí tuệ; trong phạm vi mười ngàn thế giới của vị Phật đó, ngoại trừ vị Phật đó, không ai có trí tuệ bằng một phần mười sáu của ngươi. Trong khi các vị Thanh văn, thấy người ta thông minh thì thuyết pháp mong cho người ta đắc quả, nhiều lắm là có thể biết là ‘biết đâu người ấy có tâm nguyện khác.’ Riêng vị Chánh Đẳng Giác thì nhìn là biết, vì đây là một trong thập lực của vị Chánh Đẳng Giác, “chúng sanh chư căn thượng hạ tri lực” (Asayanusaya, indriya, paropariyañāṇa biết rõ căn tánh cao thấp, khuynh hướng của người này như thế nào). Đừng tưởng học chi pháp là hết. Nhưng không, 3 hành của mỗi người khác nhau. Sáu ái của thằng Tèo không giống 6 ái của thằng Tý, và vì không giống nên tứ Thủ của thằng Tèo không giống tứ Thủ của thằng Tý và vì vậy nên hai Hữu của thằng Tèo khác 2 Hữu của thằng Tý. Vì tâm tham của thằng Tèo không giống tâm tham của thằng Tý nên nghiệp hữu của thằng Tèo không giống nghiệp hữu của thằng Tý. Xét trên lý thuyết thì đại thiện của thằng Tèo cũng được gọi là đại thiện, đại thiện của thằng Tý cũng gọi là đại thiện; tâm tham của thằng Tèo cũng được gọi là tâm tham mà tâm tham của thằng Tý cũng được gọi là tâm tham. Nhưng trong thực tế thì tâm tham của thằng Tèo không giống tâm tham của thằng Tý. Trong chú giải có nói thế này: Nói theo ba phương diện hữu trợ, vô trợ, hợp tà, ly tà thì tham có 8 nhưng thực tế tâm tham thứ nhất của người này không giống của người kia, vô trợ cũng khác nhau, hữu trợ cũng khác nhau tâm thiện thứ năm của người này không giống của người kia, của mình lúc này không giống của mình lúc khác. Như vậy con số 8 tâm tham, 2 tâm sân, 8 đại thiện chỉ là tương đối. Tương đối, nghĩa là căn cứ vào những khía cạnh như tà kiến hay không tà kiến, hữu trợ hay vô trợ, thọ hỷ hay thọ xả, căn cứ ba khía cạnh này thì mới có 8 tâm tham, 8 tâm đại thiện… Tâm đại thiện hợp trí hay ly trí, tâm tham hợp tà hay ly tà. Hữu trợ của người này không giống hữu trợ của người kia, hữu trợ của mình lúc này không giống hữu trợ của mình lúc khác. Có lúc hữu trợ là do mình do dự, có lúc hữu trợ là do người khác tác động. Chuyện người khác tác động cũng có trăm ngàn cách, sự do dự của mình cũng trăm ngàn cách. Có lúc mình do dự do tâm sân, có lúc mình do dự là do tâm tham. Trong tâm sân chia ra bốn, lúc do dự vì sân, lúc vì tật, lúc vì lận, lúc vì hối. Tâm thiện cũng vậy, có lúc do dự vì một tâm thiện át, có lúc do dự vì một tâm bất thiện. Ví dụ muốn làm nhưng sực nhớ ngày mai không mời được người ta đông, thôi để tuần sau, tuần sau mời bạn bè chư tăng dễ. Đó cũng là thiện, chính vì thiện này mà làm cho thiện kia bị chậm lại. Có người hỏi học A-tỳ-đàm làm sao dễ nhớ. Tùy căn cơ mỗi người chứ làm sao tôi nói được. Trước hết phải xác định lý do học để làm gì. Học để tu thiền hay học để tìm hiểu cho biết hay học để thành một học giả, chuyên gia A-tỳ-đàm thì khác, học để dạy cho người trong gia đình thì khác. Giống như ở đây tôi có quen vài Phật tử là dược sĩ. Tôi là ông sư, tôi học thuốc làm gì, giờ tôi cũng già rồi. Nhưng mỗi lần gặp họ tôi hay hỏi họ cái này cái kia. Tôi hỏi họ về thuốc bổ. Tôi đọc báo lơ mơ không hiểu thì hỏi họ. Ví dụ như tôi đọc thấy không thể tùy tiện uống thuốc bằng nước gì cũng được. Họ nói đúng. Có nhiều người ẩu, trước mặt có ly nước cam, thế là họ uống thuốc bằng nước cam. Có người đến giờ uống thuốc gặp trúng sữa hay ca cao, hay cà phê là họ uống luôn. Các loại nước uống có ảnh hưởng nhiều đến thành phần thuốc mình đang uống. Tôi đâu có ý làm dược sĩ đâu, tôi chỉ hỏi để xoay sở trong đời sống của tôi thôi. Còn như tôi đang là sinh viên học ngành dược thì tôi sẽ hỏi khác. Phải nói cho tôi biết học để làm gì, giống như học về thuốc để làm dược sĩ hay học để hiểu biết khi sử dụng thuốc thì khác.

Sau khi ngài Ānanda thưa thì Đức Phật nói: “Chớ có nói vậy, này Ānanda! Chớ có nói vậy, này Ānanda! Sâu xa thay, này Ānanda là định lý Duyên khởi này, và sâu xa thật là định nghĩa này. Này Ānanda, chính vì không hiểu rõ pháp này, không giác ngộ, không chứng nhập pháp này mà chúng sanh nay bị rối ren như cuộn chỉ, bị phủ đầy bởi bệnh cằn cỗi, như cỏ munjà, như cây lau, không thoát khỏi sự luân hồi trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ.” Đức Phật đã nói vậy khi ngài Ānanda nghĩ lý Duyên khởi đơn giản. Những gì tôi đã kể nãy giờ là để bà con thấy dòng luân hồi vốn dĩ rối như vậy và cái Duyên khởi mình học chỉ ở mức căn bản, học trên chi pháp thôi. Đừng nói tới thánh nhân, cái hiểu về Duyên khởi giữa chúng tôi và quí vị trong room đã khác nhau rồi. Khác nhau là vì quí vị biết Kinh Tạng, Luật Tạng không nhiều. Kinh tạng biết ít quá thì cái biết về Duyên khởi cũng nghèo theo; cái biết bách khoa về thế gian nhiều thì sẽ thấy dòng luân hồi phức tạp, ví dụ tình cảm nam nữ đã rối cỡ nào mà trong A-tỳ-đàm chỉ gọi là “ái”, tính thích hưởng thụ nhà lầu xe hơi, du thuyền, máy bay, trong A-tỳ-đàm cũng gọi là “ái”, thích chơi tem, tiền cổ, thích bài bạc nhậu nhẹt, cũng gọi là “ái”; nhưng trong thực tế thì vô số sở thích, vô số cái chúng sinh thích, chúng sinh ghét.

Trong chú giải có nói rõ tại sao ngài Ānanda lại có suy nghĩ dòng Duyên khởi đơn giản như vậy:

1. Pubbùpanissaya:túc duyên Ba-la-mật sâu dày. Ngài tu Ba-la-mật một trăm ngàn đại kiếp.

2. Titthavasena: sống gần bậc Toàn Giác.

3. Sotapannataya: bản thân ngài là vị Sơ quả.

4. Bahussutabhava: bản thân ngài là một người đa văn quảng kiến.

Đây là bốn lý do khiến ngài có suy nghĩ như vậy, không phải do sự nông nỗi hay kiêu mạn như chúng ta. Thật lòng mà nói, người không hiểu đạo mới kiêu ngạo. Tất cả những cái biết của chúng ta về đạo về đời chỉ là cái biết của người tù về căn hầm đang nhốt mình, cái biết của bịnh nhân ung thư biết về thuốc về bịnh của mình. Cái biết này không có gì để kiêu ngạo, vị A-la-hán là bịnh nhân đã bình phục, ngài là phước điền của chúng sinh, đáng để mình đảnh lễ nhưng bản thân ngài thì luôn luôn biết rõ ngài chẳng là gì hết. Tinh thần của ngài không có phiền não như phàm, chỉ vậy thôi. Nếu xét về mặt kỹ thuật thì Ma Vương và Đức Phật không ai hơn ai. Nếu mình muốn trầm luân thì phải thờ Ma Vương, muốn giải thoát thì thờ Phật. Mình thờ Phật vì mình đã quá khổ, ngài là một người đã giải thoát, ngài dạy cho mình con đường giải thoát, mình phải quì lạy dưới chân ngài. Nếu mình muốn trầm luân mà lạy Phật thì xem như lộn địa chỉ. Một vị thành thánh thì không có lý do gì để kiêu ngạo hết, các ngài thấy rõ sự đắc chứng đó không có gì để kiêu ngạo, ngày xưa thì quá khổ, giờ thì duyên Ba-la-mật có đủ nên có thánh trí xuất hiện. Trong nhận thức của một bậc thánh không còn gì để thích để ghét, không còn cảnh giới nào để đi.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app