Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 10: Tương Ưng Tỳ Kheo

1. KOLITA

Kolita là thế danh (tên đời) của ngài Mục Kiền Liên, thỉnh thoảng vẫn được dùng bên cạnh ngoại hiệu Moggalāna. Upatissā là thế danh của ngài Sāriputta.

Bài này người có biết một chút về A-tỳ-đàm thì nghe rất là ok. Người chưa học thì nghe hơi mệt, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ cố gắng nói nhẹ nhẹ cho bà con nghe. Trong kinh có nói một điều đặc biệt, Đức Phật dạy rằng, đệ tử của ngài khi gặp nhau chỉ có hai việc cần làm đó là trao đổi giáo lý hoặc cùng giữ im lặng theo cách của bậc thánh. Có nghĩa là tu tập Samatha hay Vipassanā bên cạnh nhau. Tôi biết những người VN của mình nghe vậy thấy rất là khó chịu, họ thấy như vậy thì còn gì tình cảm nữa. Nếu quí vị chưa từng sống qua những nơi chốn như vậy thì quí vị không tin hoặc không hiểu nổi đâu.

Thực ra ta sẽ càng thương quí nhau hơn nữa khi ta cùng tinh tấn tu học như nhau, không phải tào lao nhiều rồi thương nhau. Cứ tưởng gặp nhau đem ba tình hình trong nước, quốc tế, trong nhà ngoài ngõ, chuyện nấu ăn, chuyện chồng con nói cho đã miệng thì sẽ thương nhau. Nghĩ vậy là sai. Cho dù nói suốt một ngày thì chúng ta chỉ khinh nhau thôi, sẽ nghĩ về nhau không ra gì hết. Cái đầu của anh rỗng thì ngôn ngữ của anh mới rỗng, làm sao nể được một người đầu rỗng dù chính mình cũng rỗng. Phiếm luận là dấu hiệu chính xác nhất về một cái đầu rỗng tuếch. Chỉ có rỗng mình mới nói nhau quá nhiều chuyện tào lao.

Chuyện quan trọng nữa đó là tôi bảo đảm bà con một điều, cứ nói tào lao một lát không giận nhau mới lạ. Cứ nói một lát là thất niệm, và khi thất niệm thì sẽ nói nhiều câu làm người ta không vui, 99% là như vậy. Tôi tận tai tận mắt chứng kiến những cuộc trò chuyện của Phật tử trong chùa, bà A khen bà B: Con bà, thằng Tý giờ đẹp trai, ngoan, giỏi ghê. Mình biết là lời khen không thật, người ta nghe khen là biết khen dóc chớ, chỉ chuyện khen dóc cũng đủ làm người ta phiền rồi, nói chi đến châm chích. Vì vậy Đức Phật dạy đệ tử của Ngài khi gặp nhau thì trao đổi giáo lý hoặc im lặng như bậc thánh.

Trong kinh này ngài Mục Kiền Liên nói đến thiền Chỉ Samatha và nói rõ là tầng Nhị thiền. Thời Đức Phật chuyện đắc thiền rất dễ. Vì sao ngài nói tầng này? Nhị thiền chấm dứt Tầm và Tứ, hai điều kiện để ta nói năng.

Nói gọn thì tâm chỉ có một, nhưng nói phân tích thì có 121 tâm (mind) cộng với 52 tâm sở (mental factors). Tâm chỉ là cái biết, còn tâm sở là những thành tố tâm lý. Ví dụ khi nhìn mà biết những cái đó hình tròn hay vuông, là nhờ tâm sở tưởng – kinh nghiệp tích lũy do mình học và nghe từ lâu. Trong cái biết có vui có buồn, có hững hờ bình thản, gọi là thọ, tâm sở thọ. Trong cái biết đó có tham thích ghét sợ, được gọi là tâm sân. Trong một cái tâm có vô số sở hữu trong đó, nhưng thật ra có hai tâm sở chịu trách nhiệm nói năng cho mình đó là tầm và tứ. Theo chú giải, chính nhờ có tầm và tứ mình mới nói chuyện được, không có hai tâm sở này mình không tiếp xúc với nhau được. Bà con nào thấy lạ thì xem thêm trong kinh Đại Phương Quảng, Trung Bộ Kinh và và Kinh Phúng Tụng, Thập Thượng trong Trường Bộ sẽ thấy rằng thân hành là hơi thở; khẩu hành là tầm, tứ; ý hành là thọ, tưởng. Không bàn tới yếu tố thân hành và ý hành, ở đây chỉ bàn đến khẩu hành là tầm, tứ. Một cái tâm có rất nhiều tâm sở đi chung nhưng để nói năng phát biểu thì cần đến hai tâm sở tầm và tứ này. Tầm, tứ nghĩa là trước hết mình phải lựa chữ, coi chữ nào thích hợp (dù có lựa sai cũng là có lựa); bởi vì ở loài bàng sanh cũng có tầm, tứ nhưng không giống mình, không đủ để nói năng; chỉ có chư thiên và loài người mới có tầm, tứ đúng mức để tiếp xúc nói năng. Đây là đang nói ở cõi Dục. Ngài Mục Kiền Liên nói rằng, khi an trú trong tâm thiền thì không còn nói chuyện nữa, nếu không có thiền thì dù im lặng đôi khi cũng còn có ý lắng nghe hay muốn nói. Khi ta còn có nhiều nhu cầu ăn uống thì ta sẽ mất rất nhiều thời gian cho chuyện ăn uống, rồi nảy ra nhu cầu ăn cho ngon, mặc cho đẹp, cho sang, cho người ta nể. Như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian. Quí vị sẽ thấy bài kinh này không nói gì chuyện ăn uống, nhưng tôi cố ý đề cập đến. Ngài Mục Kiền Liên nói khi càng nhiều nhu cầu thì càng mất nhiều thời gian cho những nhu cầu đó, kể cả nhu cầu nói năng. Bỏ hết các nhu cầu đó, chỉ còn nói chuyện thôi nếu bỏ luôn thì sẽ tiết kiệm rất nhiều thời giờ.

Khi ta còn có nhiều nhu cầu thì ta sẽ phải tiêu tốn thời gian, năng lượng cho chúng. Càng ít nhu cầu sinh hoạt thì ta càng có nhiều thời gian, công sức cho những việc thật sự quan trọng.

Khi kể lại chuyện lúc mới tu, ngài Mục Kiền Liên nói lúc đó chính Đức Thế Tôn hướng dẫn từng bước cho ngài đi từ chỗ không có thiền đến chỗ đắc Sơ, Nhị, Tam, Tứ thiền Sắc giới, rồi bốn tầng Vô sắc. Chính Đức Thế Tôn dạy cho ngài luyện thông. Vì sao vậy, đâu có người đệ tử nào được như vậy mà sao ngài lại được như vậy? Vì hai lý do: ngài đã nguyện từ một A-tăng-kỳ trước là trở thành vị Đệ nhất thần thông của một vị Phật tương lai. Hôm nay muốn giúp cho ngài thành tựu đó nên Đức Phật giúp cho ngài Mục Kiền Liên làm trọn tâm nguyện. Với sự giúp sức của Đức Phật thì ngài Mục Kiền Liên sẽ phát triển đến tận cùng khả năng của một vị Thanh văn. Hơn nữa, mang tiếng là giúp nhưng Đức Thế Tôn không mất nhiều thời gian, vì đây là sở trường của ngài Mục Kiền Liên. Đức Thế Tôn chỉ bỏ ra một ít thời gian. Đức Thế Tôn đã hướng dẫn ngài Mục Kiền Liên bằng cách dạy cho ngài từng bước tu tập thiền định

Có hai cách tu thiền:

– ‘Visesabhagiya’: Hướng đến các tầng cao hơn, để an lạc hơn gọi là

– ‘- ‘Hanabhagiya’: Bỏ dần các chi thiền để bớt phiền, để tâm ngày càng ít thô thiển

‘Hana’: bỏ dần (reducing)

Tu là để bỏ bớt những cái xấu, phiền không nên có, trau dồi để có thêm những điều tốt như tri ân, kham nhẫn, hành xả, trí tuệ. Có người tu bằng cách nghĩ đến chuyện giảm bớt, có người nghĩ đến chuyện phát triển; cả hai đều là tu hết. Ở đây ngài Mục Kiền Liên được hướng dẫn là tu giảm, giảm bớt cho nhẹ, tu để giảm bớt những chi thiền như tầm, tứ, hỷ, lạc, bỏ hết; cuối cùng còn định với xả, lúc đó ngài đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Có người tu bằng cách tăng. Tuy nhiên hai cách không khác nhau. Nguyên tắc của bài kinh này: Khi tủ của mình chứa quá nhiều đồ tốt thì không còn chỗ cho đồ tào lao nữa. Cách một: dọn hết đồ tào lao trong tủ để dành chỗ chứa đồ tốt; cách hai: từng bước từng bước chất dần đồ tốt thì đồ tào lao sẽ bị đẩy ra. (Ví dụ, tháng này quí vị gởi tôi đôi giày da hươu, tháng sau quí vị gởi tôi hộp đồng hồ Rolex, một cái jacket hiệu Angelo Litrico của Ý, tháng tiếp gởi tôi áo len của Mông Cổ, khăn choàng của Thụy Điển, quí vị gởi đi, tôi chỉ cách dọn tủ hay lắm, tôi đẩy món đồ của China ra, tôi hứa sẽ quay phim gởi clip cho quí vị coi.)

Tu có hai cách, một là tập trung bỏ dần đồ xấu, cách hai là tập trung tăng trưởng đồ xịn đồ tốt.

Bài kinh này sâu ở chỗ: càng bớt đi nhu cầu tào lao thì không còn mất thời gian cho những thứ đó nữa. Không phải bỗng nhiên ngài kêu mình im lặng, khi im lặng thì mình sẽ có nhiều thời gian cho chuyện khác. Bởi vì, nói năng là một phần rất lớn trong nhu cầu sinh hoạt của chúng ta. Quí vị cứ ngỡ rằng tôi vui lắm, tôi giống quí vị lắm, an lạc lắm, nhưng quí vị cứ thử qua đây sống một ngày, quí vị chết ngay chết thẳng cẳng không kịp nhắm mắt là vì bốn bề quanh tôi trừ những ngày tôi về Thụy Sĩ, bình thường thì chỉ có rừng thông thôi, buồn lộng lẫy luôn. Nhưng phải nói nhờ vậy mà có thời gian nhiều. Chớ còn có thời gian nói năng, ăn rồi cứ a lô, chát, thì không còn thời gian, Tết tới nơi rồi. Còn một chuyện rất là vô minh mà nói ra người ta chém mình chết. Tết là ngày buồn chớ mắc gì phải vui. Tết báo cho biết mình thêm tuổi, không có Tết mình đâu có nhớ mình thêm tuổi, chính vì nhớ mình thêm tuổi mình buồn. Mắc gì Tết mặc đồ mới đi chúc tân xuân này tân xuân kia, Tết là một dấu mốc cho mình biết mình già hơn. Quí vị tự hỏi mình còn khả năng ăn được bao nhiêu cái Tết nữa. Nguyễn Bá Thanh, nhân vật chói sáng của chính trường VN, gần Tết mà qua không nổi. Đọc báo thấy có những người cận Tết mà bị tai nạn giao thông ở VN, nghe mà đứt ruột. Cận Tết rồi mà cũng ăn tết không nổi. Nhà thơ Nguyễn Bính còn một ngày nữa là Tết mà qua không nổi, nhiều lắm. Nhưng nhớ kỹ lại, mà qua để làm gì, ngày nào cũng như ngày nấy thôi. Tết chỉ là dấu mốc của thời gian.

UPATISSA

Kinh này lại sâu theo kiểu khác. Ngài Xá Lợi Phất dạy rằng, đối với người như ngài thì chuyện đời bây giờ có ra sao nữa, có bao nhiêu mất mát hoang tàn ngài cũng không vì vậy mà buồn. Hãy tự hỏi khả năng hạnh phúc của mình so với khả năng đau khổ lớn bé bao nhiêu phần trăm. Khả năng đau khổ của mình lớn lắm, bởi vì, những chuyện mình gặp trong ngày, trong tháng, trong năm toàn là chuyện buồn, chuyện bất toại. Những cái mình thích, những người mình thương mà họ bị trục trặc gì mình lại cũng khổ nữa. Mình bị khổ theo nhiều cách. Trong khi đó, những chuyện như ý vốn không nhiều mà lại rất dễ dàng mất đi.

Khả năng đau khổ luôn lớn hơn khả năng hạnh phúc vì hai lẽ: bản chất của thế giới là vô thường là khổ, và phàm tâm của chúng sinh là phiền não, luôn có khuynh hướng ôm cái này, tống khứ cái kia. Thánh nhân không vậy, thánh nhân đánh giá mọi thứ giống như nhau. Họ tùy duyên, cái gì đến thì nhận, họ luôn sống trong tỉnh thức, không đặt điều, không hình dung, không liên tưởng. Không đặt điều nghĩa là không thêu dệt nên chuyện. Hôm qua là ngày Valentine, có một người con gái ghé ngang chỗ tôi, đưa cho tôi hũ chao, sau đó cô ấy sẽ ghé nhà người bạn trai. Ngồi nói chuyện với tôi một chút, có cú phone, thế rồi cô vội vã ra đi bỏ quên cái bông hồng. Khi cô đi rồi tôi nghĩ cô cố ý để lại cái bông hồng cho tôi, có điều tôi lấy làm lạ tại sao tặng hũ chao mà kèm cái bông hồng, tại sao tặng bông hồng mà lại kèm hũ chao. Nhưng dù sao đêm đó tôi không ngủ vì mùi Versace còn dính đâu đó trên bông hồng. Tôi đem cành hoa vào phòng, để trên gối không ngủ, pha bình trà thật đậm, làm thật nhiều thơ. Cuối cùng lúc hai giờ sáng người ta gọi phone cho tôi nói là đã để quên đóa hồng, phải đi mua hoa khác. Thêm một lần đau khổ. Chỉ là ví dụ thôi chứ ai mà cho chao. Đó là liên tưởng! Phàm phu là vậy đó. Hũ chao thì mình không nghĩ ngợi nhiều, nhưng vì đó là ngày Valentine, lại là bông hồng, lại là phụ nữ, lại là trẻ tuổi, lại là có nhan sắc, thế là ta bèn cộng hết mấy thứ này lại để mà mất ngủ.

Khi ngài Xá Lợi Phất kể lại rằng đời này không có sự kiện, biến cố nào khiến cho ngài phải phiền lòng hết, là vì mọi sự phải là như vậy. Ngài Ānanda nghe vậy mới hỏi: Giả định như bậc đạo sư, Đức Thế Tôn có mệnh hệ chi, tôn giả có vì vậy mà buồn không?

Ngài Xá Lợi Phất trả lời: Tôi rất thương kính Thế Tôn tôi mong Thế Tôn trụ thế lâu hơn nữa để độ sinh, nhưng tôi chắc Thế Tôn sẽ có ngày ra đi, và trong bất cứ giây phút nào Thế Tôn có chuyện gì thì tôi cũng không vì vậy mà đau khổ hay phiền lòng.

Đây là một bài kinh rất sâu, sâu cả suy nghĩ của ngài Xá Lợi Phất và sâu cả câu hỏi của ngài Ānanda vì ngài Ānanda biết trong lòng ngài Xá Lợi Phất thì Đức Phật là tất cả. Còn chúng ta thì nói tứ đại giai không chớ có một vài món đồ, một vài con người có chuyện gì thì mình lo sốt vó.

Ngài Xá Lợi Phất có bảy anh em đều xuất gia và đều là A-la-hán, trong đó có ngài Upasena Vangantaputta. Upasena là tên của ngài do cha mẹ đặt, Vanganta là tên của cha; putta nghĩa là ‘con’. Vì vậy Upasena Vangantaputta là Upasena con của ông Vanganta. Ngài Xá Lợi Phất tên là Upatissa Sariputta nghĩa là Upatissa con của bà Sari.

Upasena Vangantaputta là một vị pháp sư, một vị A-la-hán rất nổi tiếng. Bữa trưa đó, ngài ở chung với chư tăng trên núi, đang khâu lá y, ngài bị một loại rắn cực độc cắn. Vì là vị La-Hán lục thông, ngài biết không thể nào qua được bữa nay, ngài nhìn qua ngài Xá Lợi Phất và nói: Thưa tôn giả, tôi đã bị rắn cắn, tôi không thể qua khỏi, xin tôn giả nhờ huynh đệ khiêng tôi ra ngoài sân giùm, tôi không muốn qua đời trong hang này.

Theo tôi nghĩ là ngài Upasena Vangantaputta không muốn hang bị bất tịnh, gây khó chịu cho mọi người sống trong hang. Quí vị tưởng tượng em ruột của mình sắp chết trước mặt mình thì tâm trạng đáng sợ biết chừng nào, nhưng ngài Xá Lợi Phất là vị A-la-hán, lúc đó ngài nói: Thật vi diệu thay, thật hi hữu, thật đặc biệt thay. Hiền giả Upasena gần viên tịch rồi mà sắc diện vẫn tươi sáng hồng hào không lo âu sợ hãi.

Trong giây phút cận tử như vậy mà hai anh em vẫn nói chuyện và anh thì khen em. Ngài Upasena trả lời: Thưa tôn giả, chính từ lâu tôi đã không coi cái thân này là của mình, nên hôm nay ở bối cảnh này tôi vẫn an lạc như vậy.

Đây là bài kinh đáng được bà con nghiên cứu. Hai anh em đi tu không cha không mẹ giữa rừng sâu núi thẳm, thình lình người em bỏ anh đi, đau chứ. Thật ra mấy thầy anh em trong nhà tôi mỗi người sống mỗi nơi nhưng nếu ai chết tôi cũng đau, làm sao mà khen, gần chết rồi vẫn còn đẹp trai làm sao khen nổi. Vậy mà vẫn khen được, thái độ của ngài dạy dỗ cho hàng hậu tấn rất là nhiều.

Điểm sâu sắc ở bài kinh này: hãy tự hỏi khả năng đau khổ của mình so với khả năng hạnh phúc cái nào lớn hơn, dĩ nhiên là đau khổ lớn hơn. Tại sao vậy? Bởi vì, mình ôm giữ cái gì được là mình ôm, mai này nó vuột khỏi tay thì đau khổ vô cùng. Phải thường xuyên tâm niệm như Đức Phật dạy: Mỗi ngày phải nhớ rằng mình hoàn toàn chịu trách nhiệm những gì mình nói, làm và suy nghĩ. Phải tâm niệm chắc chắn sẽ có một lúc mình lìa bỏ những gì mình thương thích dù người hay vật. Phải thường xuyên tâm niệm nếu mình không đi sớm thì chắc chắn mình sẽ có tuổi già, và chắc chắn mình sẽ trải qua những cơn bạo bịnh kinh hoàng. Nếu sống hơn trăm tuổi thì sẽ có lúc bị lẫn. Hôm nay những lời thề non hẹn biển, những buổi gặp gỡ lãng mạn, bao nhiêu danh vọng, tiền bạc trong bank, tất cả sẽ đi vào bóng tối của biển dâu khi ta đi vào một trăm và một trăm hơn, sẽ quên sạch không còn nhớ gì cả. Cựu tổng thống Reagan, một con người đầu óc bén nhạy như vậy mà khi mãn nhiệm, sống cuộc đời của một người dân bình thường, về già mắc chứng Alzheimer, ông quên sạch sẽ, quên cả người vợ của mình, bà Nancy. Trong ngày sinh nhật của ông, khi bà hôn ông như mọi khi, ông hỏi: Bà là ai? Một câu hỏi tàn nhẫn vô cùng, ông quên mất, ông an trú vào “vô tâm bạc tình tam muội” nên quên sạch. Nếu bây giờ mình không chết sớm thì chắc chắn sẽ có lúc mình bịnh, chắc chắn sẽ có lúc mình già, lìa bỏ những gì mình thương thích, và chắc chắn mình phải chịu trách nhiệm những gì mình nói, làm và suy tư; mình không đem theo tài sản xuống mồ mà chỉ đem theo công đức và ác nghiệp.

CÁI GHÈ

Một ngày kia ngài Xá Lợi Phất gặp ngài Mục Kiền Liên da dẻ sắc nhuận hồng hào. Ngài Xá Lợi Phất hỏi: Bữa nay hiền giả an trú trong pháp nào mà lại được như vậy? Trong thời Đức Phật, câu hỏi này là một trong những câu rất phổ biến bởi thời đó thánh tăng nhiều như sao trên trời. Một bậc thánh đắc thiền hay phàm đều có nhiều khả năng an dưỡng tốt lắm, mỗi ngày họ chỉ ăn một chén cơm trắng nhưng họ vẫn có thể an lạc gấp triệu lần người bình thường, họ không có đẹp trai nhưng có sự thu hút khó cưỡng, bởi họ có sự an dưỡng tinh thần rất tốt. Tôi làm thầy chùa từ nhỏ, tôi để ý các vị mới xả thiền, không biết họ có đắc gì không nhưng mặt họ lạ lắm, hành giả tu tinh tấn sau khi xả thiền mặt họ sáng đẹp lắm, giống như người thuộc về cảnh giới khác.

Có những lần Đức Phật hỏi ngài Mục Kiền Liên hôm nay an trú pháp gì, thường là câu trả lời: Con bỏ ra nhiều giờ để an trú trong Vô tướng tâm định, hoặc trong Từ tâm giải thoát. An trú trong Từ tâm giải thoát thì mong cho chúng sinh ai cũng được an lạc. Với tâm như vậy kéo dài nhiều giờ đồng hồ, gương mặt sẽ đẹp như Phạm thiên vậy. Khi an trú trong Vô tướng tâm định giải thoát thì không thấy chúng sinh là chúng sinh nữa mà chỉ thấy toàn là danh sắc, chớp nhoáng, nhìn thiên hạ chỉ là những đốm sáng chớp lóe thì lòng nhẹ lắm. Dĩ nhiên là tôi đâu có đắc cái gì đâu nhưng thỉnh thoảng tôi nhìn bầy kiến, tôi liên tưởng những vị trời, vị thánh nhìn mình ghen tuông, buồn vui, danh lợi cũng như nhìn bầy kiến lúc nhúc, trong khi mình ở trong đó mình quan trọng buồn vui, tiếng tăm, tiếng tai, khen chê. Nếu mình nhìn vạn người trong thiên hạ như bầy kiến thì mình an lạc cỡ nào. Những lúc an trú các ngài nhìn thấy tất cả chỉ là giọt nước trong dòng nước, chỉ là đốm sáng chớp lóe trong đêm liên tục tiếp nối nhau sanh diệt, đó là Vô tướng tâm định giải thoát.

Khi ngài Xá Lợi Phất nhìn thấy ngài Mục Kiền Liên và hỏi an trú trong pháp nào mà lại sáng như vậy, ngài Mục Kiền Liên đáp chỉ là bình thường thôi.

Theo chú giải, ngài Mục Kiền Liên kể cho ngài Xá Lợi Phất nghe:

Hôm nay Thế Tôn đang ở chùa Kỳ Viên, lúc đó tôi không có ở chùa Kỳ Viên, tôi đang ở chỗ khác, tôi suy nghĩ Thế Tôn bây giờ đang ra sao.

Tadā kira thero ‘‘kathaṃ nu kho etarahi satthā viharatī’’ti ālokaṃ vaḍḍhetvā dibbena cakkhunā satthāraṃ jetavane vihāre gandhakuṭiyaṃ nisinnaṃ disvā tassa dibbāya sotadhātuyā saddaṃ suṇi. Lúc bấy giờ tôn giả dùng thiên nhãn bằng cách sử dụng đề mục ánh sáng xem Thế Tôn đang như thế nào và nhìn thấy Thế Tôn ở chùa Kỳ Viên và ngài lắng nghe Thế Tôn.

Ngay lúc đó Thế Tôn đang ở chùa Kỳ Viên đang nghĩ về ngài Mục Kiền Liên và cũng lắng nghe xem ngài Mục Kiền Liên nói gì. Ngài Mục Kiền Liên nói với ngài Xá Lợi Phất: Hôm nay tôi chỉ biết có cảnh sắc và cảnh thinh. Cảnh sắc là hình ảnh Thế Tôn, cảnh thinh là tiếng nói Thế Tôn. Khi nhìn thấy Thế Tôn, ngài Mục Kiền Liên hỏi: Bạch Thế Tôn, thế nào là tinh tấn.

Quí vị có thể lấy làm lạ vì sao một vị A-la-hán mà lại hỏi như vậy. Chuyện đơn giản thôi, giống như hai người chơi đồ cổ có cả kho đồ, khi cần thì tiện tay lấy ra một món bàn thảo mà thôi. Khi đó, Đức Phật dạy: Tinh tấn đúng mức thì coi cái thân này không là gì hết.

Có ba hạng hành giả, bậc hạ thì tọa thiền thiền hành có giờ, hết giờ thì tự do trong mọi chuyện vui chơi, bậc trung thì ngoài giờ hành thiền thì chỉ làm những chuyện tốt như nghe pháp, tụng kinh, tuy nhiên vẫn có thất niệm. Bậc thượng không có ranh giới phân biệt lúc nào tu và không tu. Việc nào cũng bằng chánh niệm như nhau. Việc gì cũng là cơ hội để chánh niệm, chỉ tinh tấn như vậy mới có thể là hành giả bậc thượng.

Hôm qua tôi dịch bài của một thiền sư, ngài có nói một chuyện rất là thú vị, đó là tất cả mọi chuyện trên đời này muốn làm cho xong thì phải có sự cố gắng, cố gắng nào cũng gắn liền sự mệt mỏi, riêng sự cố gắng của người tu tập thiền Quán thì không. Càng cố gắng thì càng an lạc, còn chuyện đau lưng hay buồn ngủ thì đó là nhu cầu đòi hỏi của thân xác sinh học. Tất cả mọi chuyện dù chúng ta là chính khách, thương gia, nông dân… thì bất cứ nỗ lực nào cũng là mệt mỏi, kết quả đem lại thì bất toàn. Riêng đối với hành giả Tứ Niệm Xứ thì càng tu tập càng tinh tấn thì khả năng an lạc càng lớn. Giả định như tôi có hai người bạn rất thân, một người đời sống tinh thần rất tốt, là một hành giả Tứ Niệm Xứ rất tinh tấn, người này rất là nghèo, còn người thứ hai là không biết gì về Tứ Niệm Xứ, nhưng rất giàu và gia đình rất là như ý hoàn hảo. Nói thiệt, trong tận đáy lòng của tôi, tôi nhìn cái anh nhà nghèo tu Tứ Niệm Xứ tinh tấn tôi yên tâm về sự an lạc của anh ta. Nếu nhìn người thân của tôi giàu có mà không biết Tứ Niệm Xứ là gì, tôi rất e ngại hạnh phúc của họ. Khi anh không phải là người học đạo, hành đạo thì khả năng đau khổ của anh rất lớn. Anh có thể dựa vào đâu để tin rằng có thể giữ được vợ, con, tài sản, mạng sống và sức khỏe của mình? Ai ở VN thì biết, chỉ tai nạn giao thông thì đã luôn luôn rình rập hạnh phúc của mỗi người. Bầu khí quyển của mình độc hại cỡ nào, khả năng ung thư của nhân loại nhất là xứ nghèo, rất lớn.

Ngài Xá Lợi Phất nghe ngài Mục Kiền Liên kể như vậy, ngài tán dương: Người như tôn giả thật đặc biệt, ở xa Thế Tôn mà có thể tiếp xúc với Thế Tôn dễ dàng như vậy. Khả năng thần thông của tôi so với tôn giả, giống như đem hạt sỏi so với núi Himalaya.

Ngài Mục Kiền Liên khen lại: Trí tuệ chúng tôi đem so với tôn giả thì giống như một hột muối để cạnh lu muối.

Trong chú giải có nói vì sao hai ví dụ chênh lệch như vậy. Đây là hình ảnh rất đẹp, bởi vì thiền định hay thần thông là tục đế, là cái gì đó hoành tráng, hùng vĩ mà mình có thể thấy biết được bằng mắt thường nên là ngọn núi là đúng. Còn cái thâm sâu vi diệu là cái gì rất trừu tượng, hình ảnh hạt muối bên cạnh lu muối có ý nghĩa rất hay, vì trong cái nhìn tới nơi tới chốn như ngài Xá Lợi Phất thì hình ảnh ví dụ có lớn bao nhiêu cũng vậy thôi và nhỏ bao nhiêu cũng vậy thôi, chỉ cần đưa ra hình ảnh để phân biệt lớn và nhỏ là được rồi, xuất sắc là ở chỗ đó. Ngay trong bản chất trí tuệ, vốn dĩ nhìn thấy mọi sự đã là hư không, là rỗng.

Bây giờ đã là bảy giờ hai mươi. Giảng luôn bài Tân Tỷ Kheo nữa rồi nghỉ nghen.

TÂN TỶ KHEO

Kinh này muốn nói dài thì dài, muốn nói ít thì ít. Vị tỳ kheo được nhắc đến trong kinh này là một vị A-la-hán lục thông. Vị này ngoài việc chứng đắc thiền định thần thông, vị này còn chứng đắc quả vị La-Hán. Khuynh hướng tâm lý chung của các vị La-Hán là sống ẩn cư thiền định, thấy cái gì không thực sự cần thiết thì không tham gia, góp mặt. Cái gì gây nên phiền toái cho mình cho người thì các vị tránh. Theo trong chú giải khác, các vị A-la-hán thương chúng sinh vô bờ bến, tuy nhiên chính vì cái thương này, những khi nào có mặt giúp được người ta thì các ngài lập tức có mặt. Nhưng xét thấy sự có mặt của mình có thể đem lại sự bất lợi cho người khác thì vì lòng đại bi các ngài lánh mặt. Xét thấy những vị tỳ kheo này còn phàm, mới thọ tỳ kheo mà có lòng bất kính với mình họ sẽ tổn đức rất nặng, nên không đến đó, cứ để cho họ trách mình thì nhẹ hơn; còn hơn để họ tiếp xúc với mình sẽ thêm những điều tổn đức khác.

Thời Đức Phật có vị La-Hán 7 tuổi, các vị tỳ kheo phàm tăng không biết mới bồng lên thảy qua chuyền lại cho các vị kia chụp. Lúc đó Thế Tôn luôn luôn tìm cách trực tiếp hoặc gián tiếp giải thích cho chư tăng biết để đừng tiếp tục giỡn như vậy với vị A-la-hán. Có lần nọ, một vị sa di tên Sumana, học trò của ngài Anuruddha, 7 tuổi mà đắc A-la-hán, các tỳ kheo phàm không biết cũng giỡn như vậy. Thế là Đức Phật gọi chư tăng lại và kêu ngài Sumana làm một công việc mà chỉ có thần thông mới làm được. Từ đó các vị tỳ kheo khác mới nể không dám nữa. Đó là lý do vì sao có một số vị A-la-hán lánh mặt, sống tự cô lập để tránh sự tổn đức cho người khác, đó là lòng đại bi của các ngài. Đó cũng là lý do tại sao một cư sĩ chứng La-Hán không thể tiếp tục sống đời cư sĩ bởi nhiều lý do: chiếc áo cư sĩ không đủ chứa đức độ của một vị tu sĩ. Khi đắc A-la-hán thì hoàn toàn không còn tham không còn sân, mặc đồ như vậy thì ở đâu, cũng không lý do gì để mặc đồ cư sĩ. Rồi khi cứ mặc đồ cư sĩ thì người đời không biết, họ đối xử với mình như người đời với nhau, và như vậy là chỉ hại người ta mà thôi. Điều quan trọng nhất là tâm tư của vị A-la-hán chỉ thích hợp với đời sống xuất gia và hình thức xuất gia, vì vậy vị A-la-hán khi chứng rồi, mà xét thấy mình không đủ duyên xuất gia thì phải niết bàn càng sớm càng tốt, có thể trong ngày hoặc trong tuần, đó là lý do vì sao có bài kinh này. Bài kinh này cho mình một gợi ý, tùy người, chú ý khía cạnh nào, hãy sống cẩn trọng với những người mình gặp gỡ, dĩ nhiên thời này A-la-hán không nhiều nhưng coi chừng tổn đức. VN có câu: “nhất phá sơn lâm nhì đâm hà bá” là hai nghề tổn đức, vì xúc phạm chỗ ở của nhiều hàng chúng sinh. Trong dòng sinh tử luân hồi phải hạn chế việc làm tổn hại cho người khác, vì mình không biết người mình sẽ gặp là ai, có thể là những bậc thánh, hoặc là những cư sĩ tu hành chân chính, hoặc là những vị Bồ tát mà mình không biết. Cẩn trọng chỉ có tốt chớ không xấu. Không gì bậy cho bằng cả đời tu tập, chỉ vì việc tổn đức mà mình phải đi xuống. 

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app