Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 – Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên – Phẩm Đồ Ăn (āhāravagga)

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Phẩm Đồ Ăn (Āhāravagga)

BẬC HIỀN SO SÁNH VỚI KẺ NGU (Bālapaṇḍitasutta)

Nhớ kỹ được phần giải thích của 12 Duyên khởi thì bà con hoàn toàn có thể đọc hiểu những bài kinh trong chương này. Mỗi kinh có một số chi tiết khác nhau nhưng nội dung vẫn tập trung trong 12 Duyên khởi. Bài kinh Kassapasutta và Timbarukastta có nội dung giống hệt như kinh Moliyaphaggunasutta.

Tiếp theo là bài kinh Bậc Hiền So Sánh Với Kẻ Ngu. Nội dung bài kinh này là thân tâm của người ngu và người trí đều là quả của quá khứ, đều có khổ lạc như nhau, nhưng điểm khác biệt là người trí mang thân sinh tử nhưng biết lấy đó làm cơ sở để tu tập phẩm hạnh, hướng đến giải thoát. Người ngu thì ngược lại, trong thân sinh tử này lại đầu tư thân sinh tử khác.

Tại sao thân tâm người trí và người ngu đều là quả của quá khứ? Do nghiệp quá khứ, ta có Thức tái tục, vốn là tâm quả, từ đó mới có tâm chủ quan, là hữu phần, cũng là tâm quả. Mắt, tai, mũi, lưỡi của mình cũng là tâm quả.

Muốn đi vào cảnh Phạm thiên hay địa ngục làm trùn làm dế, làm chuột làm rắn thì phải có cái tâm đầu thai tức tâm tái tục, đó chính là tâm quả có từ thiện ác quá khứ. Sau khi có cái thân ở cảnh giới đó rồi thì mình thấy, nghe, ngửi đó là quả; còn chuyện lúc thấy, nghe, ngửi phát khởi tâm thiện hay ác thì đó là phần nhân tiếp theo, nhân thiện hay nhân ác. Sáu xứ, lục nhập chính là quả của quá khứ mà có. Vô minh, hành, ái, thủ, nghiệp hữu là pháp nhân, còn lại đều là pháp quả.

Có sự khác biệt giữa người ngu và người trí là một người trong thân sinh tử tìm đường giải thoát lìa bỏ nó vì họ nhàm chán sợ hãi nó, còn người thì mang thân sinh tử này lại đầu tư cho thân sinh tử khác, bằng cách dùng quả – 6 căn đời này để tìm kiếm thêm 6 căn của đời khác. Trong suốt thời gian học phẩm này phải ôn lại nội dung 12 Duyên khởi.

Đời sống của mình chỉ có hai phần nhân và quả. Người trí dùng 6 căn để tu tập, khi thấy họ chỉ biết là thấy, cái biết đó là pháp thiện, nghe ngửi cũng vậy, chỉ biết là nghe ngửi. Khi có đam mê thích thú xuất hiện người ta biết ngay, khi nhận diện được thì lập tức nó biến mất. Buổi đầu thì chuyện này hơi khó, nhưng về lâu về dài, ngày dài tháng rộng, nhận diện được là nó biến mất. Người non yếu do kiến thức Phật pháp ít quá, không biết cái nào là phiền não, cái nào là pháp thiện, chỉ biết cái gì thô mà thôi. Ví dụ như nổi giận, thì biết đây là nổi giận, ăn ngon thì biết đây là tâm tham, đó là thô. Còn như khi hai người đang bàn luận về Phật pháp, trong lúc đó rất có thể tâm sân xen kẽ liên tục mà mình không ngờ, mình cứ nghĩ là đang nói chuyện Phật pháp thì không có tâm sân. Mình nghĩ rằng, tâm sân thì không có trí tuệ đi chung, mình đang cãi thì mình dùng trí; chỉ có hành giả mới phát hiện ra trong lúc mình tranh cãi có ngã mạn, tâm sân, xuất hiện liên tục, thậm chí có tà kiến nữa; ngã mạn là mình thấy người ta dở hơn mình. Khi người ta không chấp nhận quan điểm của mình, khi mình nổi nóng lên mình mới biết đó là tâm sân chứ khi chưa thật sự nổi nóng những phiền não nào xuất hiện xen kẽ mình không thấy. Ví dụ khác, trong mùa dâng y, mình ăn mặc diêm dúa hoa hòe, vòng vàng nữ trang áo dài áo ngắn, đầu đội cái mâm, đi vào giữa đám đông mình thấy hoan hỉ quá, thấy người ta rải hoa, thấy mùi hương hoa lài (hương hoa lài là đặc điểm của lễ VN), mình thấy vui biết bao nhiêu mà không biết là ngã mạn nhiều dữ lắm, vì hôm nay mình là thí chủ mà, hôm nay mình mặc áo đẹp mà, cái mâm mình đội đầu là mâm bự nhất; đó là tâm tham mà mình không ngờ. Chỉ có hành giả chuyên tu mới nhận ra điều đó. Thật ra sự khác biệt giữa tâm thiện và tâm tham xa lắm nhưng tại vì mình không phải là người có học A-tỳ-đàm cũng không phải là hành giả Tứ Niệm Xứ, nếu có học cũng học lơ mơ và nếu có tu cũng tu lơ mơ còn nếu mà chuyên tâm thì sẽ nhận ra. Các vị còn nhớ ba hạng hành giả Vipassanā không?

Ba hạng hành giả tu Vipassana: 1. Bậc hạ là tu chánh niệm theo thời khóa, ngoài lúc đó ra sống sao cũng được. 2. Bậc trung là ngoài thời khóa, chỉ làm điều lành và không cần theo dõi chánh niệm. 3. Bậc thượng là từ lúc thức dậy cho đến khi ngủ lại luôn chánh niệm 100%. Đừng hiểu rằng khi nào đi hành thiền mới là hành giả mà vấn đề là mình dễ duôi hay là tinh tấn, chớ không phải là trong hay ngoài thiền viện. Nếu mình tinh tấn thì phải thường trực để ý. Cái gì cũng phải tập, buổi đầu lơ là nhưng lâu dài quen dần. Sẽ có một ngày quí vị thấy rằng giây phút nào sống chánh niệm thì đó là giây phút an toàn (không bị tấn công từ bên ngoài) và an lạc. Chỉ cần mình lơ đễnh một chút, một câu nói, một ánh mắt, một nụ cười một thái độ của ai đó chắc chắn sẽ làm cho mình phiền. Sự an lạc của mình rất mong manh, rất dễ bị tấn công, rất dễ bị mất mát. Đừng nghĩ mình giàu, trẻ, đẹp là mình sung sướng hạnh phúc, chỉ cần mình không chánh niệm là hạnh phúc của mình bị tấn công. Chỉ cần ánh mắt ai đó ‘nhìn đểu’ là đủ để đâm người ta chết rồi. Có nhiều người có tật xấu của bàng sanh, đó là nói cạnh nói khóe, giống như con rắn con chó con cọp người ta không chọc ghẹo gì cũng tấn công. Nhiều người có tật lạ lùng như vậy, ngoài đời đầy, trong chùa cũng vậy. Còn tâm tham thì khỏi nói, có rất nhiều cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị làm mình đam mê ưa thích; bất cứ giây phút nào bà con thất niệm là bà con khổ 200%. Muốn mà không được là khổ, không muốn mà phải gặp, phải nghe, phải nhìn, phải thấy là khổ. Tà kiến cũng làm cho mình khổ, theo đuổi một pháp môn tào lao rồi ngày nào đó thấy phiền não mình vẫn còn nguyên. Ví dụ như thích thầy, thích chùa, thích pháp môn nào đó, tu hùa theo chùa đông, chạy pháp môn nổi tiếng, đêm về một mình trong đêm tối mới thấy pháp môn nào đó chẳng đả động gì đến phiền não của mình hết. Đức Phật dạy cho bà Gotami: Pháp môn nào mình càng theo đuổi mà mình càng an lạc khi hành trì, càng dễ nuôi, trở thành người thiểu dục, tinh tấn, thích sống một mình, thì đó là chánh pháp. Ngược lại là không phải lời Phật, là tà đạo. (Xem lại Tăng Chi Bộ kinh phần Phần Tám Chi). Khi thấy chỉ mất thời gian mà không được gì thì ta phải xét lại pháp môn mình đang theo đuổi, cách thức ta đang hành trì hay bối cảnh chung quanh.

Trong ăn uống sử dụng thuốc men mình luôn luôn cẩn thận, sợ dư đường, dư mỡ, sợ cao máu nhưng trong đời sống tinh thần thì coi như bỏ ngỏ, rất là thờ ơ. Chỉ cần thích ông thầy nào đó, thích tổ chức nào đó, mê vẻ ngoài của pháp môn nào đó, đắm đuối trong lời hứa hẹn nào đó rồi theo đuổi một cách hồn nhiên vô tư, vậy là rõ ràng mình coi nặng vật chất hơn tinh thần. Vì sao? Đối với sức khỏe thì mình rất là cẩn thận. Đối với tấm thân mấy chục ký này thì mình sợ đủ điều, sợ dư cái này thiếu cái kia, sợ bệnh này, bệnh nọ, nhưng về tinh thần thì mình rất dễ dãi. Như vậy mình coi nặng vật chất hơn tinh thần. Mình nói mình là Phật tử, nhưng thật ra 99% coi nặng vật chất. Nghe nói bốn chữ “coi nặng vật chất” nhiều người sốc dữ lắm, họ tưởng nói họ coi nặng tiền bạc. Không phải. Coi nặng vật chất không phải là coi nặng tiền bạc mà coi nặng tấm thân, sợ bịnh sợ xấu, trong khi đời sống tâm linh, suy tư thì coi nhẹ, giao phó cho tăng ni, giao phó cho thiên hạ chung quanh, đó không phải là ngu thì còn gì nữa, đó chính là sự khác biệt giữa người ngu và người trí.

DUYÊN (Paccayasutta)

“Dầu các Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp trú tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy.” Nghĩa là, dầu chư Phật có ra đời hay không, chuyện sanh, lão, bệnh, tử vẫn diễn ra ở đời này.

Sanh, sự có mặt ở đời này là nguồn gốc để tạo ra sầu bi khổ ưu não, dù chư Phật có ra đời hay không, ‘sanh’ vẫn được tạo ra từ nghiệp hữu (nghiệp thiện ác đời quá khứ). Dầu chư Phật có ra đời hay không, nghiệp hữu vẫn được sanh ra từ Tứ thủ.

Tứ thủ:

– Dục thủ là chấp chặt trong sự hưởng dục (cái này ngon, cái này mềm, cái này ấm, cái này mát…)

– Kiến thủ là chấp chặt trong quan điểm suy tư sai lầm của mình, “tôi suy nghĩ vậy là đúng”, suy nghĩ theo quan điểm cá nhân hoặc quan điểm khoa học học được từ trường lớp.

– Giới cấm thủ là chấp chặt đường lối hành trì sai lầm nằm ngoài Bát Chánh Đạo

– Ngã chấp thủ là chấp chặt vào ý niệm tôi là, của tôi

Ta tin điều gì đó vì ta có thể chứng minh là nó có. Nếu muốn phủ nhận điều gì đó thì ta cũng phải chứng minh được là nó không có.

Tôi có kể hoài chuyện lần đó, tôi giảng trong thiền viện Phước Sơn hai mươi năm trước. Giảng xong có hai ông cư sĩ già theo tôi xuống suối. Một ông là sĩ quan VNCH cũ, một ông là thiếu tá chế độ mới. Nhân duyên xô đẩy thế nào mà hai ông này gặp nhau ở Phước Sơn và trở thành bạn. Ông thiếu tá miền Bắc hỏi tôi rằng: Có cách nào chứng minh có ma quỉ, kiếp trước kiếp sau, luân hồi, quả báo, tôi theo thầy liền. Ổng không phải ghét bỏ gì mình, ổng muốn đi hành thiền cho lòng nhẹ, nhưng trong lòng ông có điểm bất an. Tôi nghĩ câu đó ổng đã hỏi nhiều người rồi. Tôi trả lời: Tôi không dám nghĩ đến chuyện bác theo tôi, để trả lời câu hỏi của bác tôi xin đề nghị bác, nếu bác chứng minh được những cái đó không có, thì tôi xin theo bác. Tôi thấy ổng có vẻ rất vui với câu trả lời của tôi. Muốn tin điều gì đó thì phải có cơ sở, nền tảng để tin, nhưng muốn bác nó thì mình phải chứng minh rằng nó không có chứ.

Khi mình cho rằng có một cái tôi, có một cái ta, có một cái linh hồn bất biến trôi nổi từ đời này qua đời khác thì phải suy nghĩ xem nó hợp lý hay không. Rõ ràng mình có lúc vui lúc buồn, lúc thiện lúc ác. Hãy tự hỏi mình, tại sao mình mê chuyện có cái gì đó đi từ kiếp này kiếp khác mà không chịu chấp nhận rằng mọi thứ là lắp ráp như lời Đức Phật dạy? Tại sao mình muốn có cái gì đó để gọi là tôi và của tôi? Chuyện đó hoàn toàn không có lợi gì hết sao mình lại muốn như vậy? Vì nhiều đời mình đã có tính cách tư hữu, muốn xác định tôi và của tôi là quá quen rồi. Đức Phật dạy, mình là đồ lắp ráp. Tôi rất là an lạc khi chấp nhận quan điểm tôi là đồ lắp ráp, không có gì là của tôi hết, nếu không có cái gì là tôi thì làm gì có cái của tôi. Biết như vậy an lạc hơn chứ. Cả thường kiến và đoạn kiến đều làm cho mình khổ thôi. Chấp chặt cứ thấy mình đúng, như vậy là kiến thủ.

Giới cấm thủ là có những người cũng có lòng sợ khổ, cũng muốn giải thoát, nhưng chọn sai pháp môn. Chọn sai là vì có nhiều lý do: 1. Do căn tánh của đời trước thích đi theo đường lối tu hành tào lao như vậy. 2. Do bối cảnh tâm lý.

Thứ nhất, do khuynh hướng tâm lý nên thích cầu nguyện, giao phó cho đấng chí tôn trên mây nào đó. Cho nên sanh ra đời gặp tôn giáo nào đó là xin, đến lúc gặp Phật pháp, vô chùa rồi cầu nguyện xin phù hộ. Thứ hai là do môi trường sống hiện tại, xung quanh mình toàn những người theo pháp môn năn nỉ, cầu xin cái này cái kia, đi theo một đạo nào đó, lệ thuộc vào cái đấng nào đó xin ban cho cái này cái kia. Tôi cũng nhắc Phật tử Nam Tông, cầu Tam Bảo là cầu cái gì, Phật dạy cái gì thì mình hành trì theo Ngài, mình được an lạc. Nếu quả trổ mình bịnh thì ráng chịu, nghiệp tới lúc mình phải chết mình lăn đùng ra chết thì thôi. Chớ còn chuyện trông chờ Tam Bảo phù hộ thì tôi xin hỏi mấy câu thôi, quí vị có biết Đức Phật cũng còn phải bịnh không, bịnh cho đến lúc cuối đời? Đến lúc còn ba nốt nhạc nữa là viên tịch, Ngài vẫn còn bịnh kiết lỵ. Chỉ một phần mười tai nạn trong đời Đức Phật mà đổ lên đầu mình thì mình chết mất rồi. Người ta thả voi điên, voi say ra, giết người vùi xác sau nhà, độn bụng vu oan, thuê thích khách giết, chửi bới suốt ngày. Ngài bị nạn như vậy mà mình niệm Ngài để hết nạn thì niệm làm sao? Ngài Mục Kiền Liên đệ nhất thần thông bên tăng bị chết thảm do ăn cướp giết. Bà Uppalavannā đệ nhất thần thông bên ni thì bị hãm hiếp. Toàn là đệ nhất thần thông đắc A-la-hán mà nghiệp tới trở tay hổng kịp, còn mình ngồi cầu nguyện Tam Bảo phù hộ là cầu cái gì. Quan trọng là Phật dạy làm sao mình sống y như vậy. Tôi tin mình tu hành mà phước báu nhiều thì cũng có thể ngăn chặn gia giảm chút ít khi quả trổ. Và tôi tin chắc chắn khi mình tu tập như vậy mình đã gieo duyên lành giải thoát, gieo hạt giống cho đời sau, chớ còn chuyện ăn rồi đi cầu nguyện người này người kia phù hộ, đeo hình đeo tượng trên người thì tôi xin thành thật chia buồn cùng quí vị, vậy là quá hưỡn đi. Tay chân không vận động thì bị teo, đầu óc lười biếng suy tư thì lúc cần xài đến nó, nó cũng không phát huy hiệu quả. Giới cấm thủ là cắm đầu đi theo pháp môn nằm ngoài lý tưởng Bát Chánh Đạo.

Nói gọn lại, tứ thủ chỉ còn trong hai điều là chấp chặt trong hưởng thụ và trong ý niệm chấp ngã.

Dầu chư Phật có ra đời hay không, vòng luân hồi cũng diễn ra với hình thức 12 Duyên khởi. Dầu chư Phật có ra đời hay không thì từng chi trong 12 chi Duyên khởi cũng đều là vô ngã, vô thường, mong manh.

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là duyên sanh pháp? Già, chết, này các Tỷ-kheo, là vô thường, hữu vi, duyên sanh, biến hoại tánh, biến diệt tánh, ly tham tánh, đoạn diệt tánh.”

Chữ Chữ ‘ly tham tánh’ trong bài kinh này được HT Minh Châu dịch từ chữ Virāga, mà thực ra “ly tham tánh” chỉ là một trong ba nghĩa của chữ Virāga mà thôi. Ở đây chữ Virāga phải được hiểu là vô thường, biến dị, nhạt nhòa, mau phai.

Chữ Chữ virāgacó nhiều nghĩa: ‘ly tham’, ‘nhạt màu’, ‘phai phôi’, ‘sự vô thường’, ‘mong manh’, ‘phù du’. Chú giải giải thích:

Viraga = virajjanaka (Atthakatha), palujjanaka (Tika).

Trong đời sống hay trong cuộc tu, hãy để ý xem cái mình cần là cái gì, cái mình thích là cái gì. Phật tử VN mình thường chú ý chạy theo cái mình thích nhiều hơn cái mình cần. Đừng nói tinh thần mà nói cái vật chất, nếu khi ăn mình chỉ lựa toàn mấy thứ mình thích thôi thì hình dung ra sao? Mình phải lựa thứ mình cần chớ đâu thể lựa cái mình thích. Ngày nào tôi cũng coi Chú giải, mệt óc thì tôi coi báo, đêm hôm qua tôi gặp nguyên đám mấy bà sồn sồn trên báo, trang điểm phấn son, tôi giựt mình. Đúng là họ chạy theo cái họ thích chớ không phải họ cần, họ quên mất phấn son nữ trang áo quần để trang điểm cho mình đẹp mà mặc vô không đẹp thì mặc làm gì, mặc bình thường được rồi. Những thứ đắt tiền chừng nào, màu mè chừng nào chỉ làm cho người ta chú ý mình nhiều hơn thôi. Vì vậy, nhắm những thứ nào gọi là đẹp, chỉ sử dụng khi tin chắc mình thuyết phục được thiên hạ mới nên xài, còn không thì cứ bình dân cho rồi. Mình chỉ nên chấp nhận những gì cần thiết thôi. Ở một lứa tuổi nào đó, chưa kể ở một nhân dáng ngoại hình nào đó, có lẽ mình phải xét lại bỏ bớt ba cái vụ vòng vàng phấn son đi, chớ không nó kỳ dữ lắm. Nhắm mình đeo vô không đẹp mà cứ ráng thì vô tình tạo sự chú ý của người khác thôi, nhưng người khác nhìn mình thảm lắm. Tôi không can thiệp đời tư các vị, nhưng nó liên hệ Phật pháp. Có những pháp môn, những vấn đề tinh thần, nếu có hại và không giúp được mình thì nên bỏ. Vô chùa, Phật pháp thì không chịu học, cứ canh me lễ lạt thì quần là áo lụa, cúng dường. Đi chùa chỉ biết làm phước thôi mà không chịu coi chuyện học đạo là quan trọng. Cứ chờ theo đám đông rồi làm phước, còn một mình mình thì không tu tập, không an lạc được, như vậy là rõ ràng có vấn đề.

Bài kinh này Đức Phật xác định, dầu chư Phật có ra đời hay không ra đời, dòng sinh tử vẫn có mặt với sự chi phối của 12 Duyên khởi, được hình thành qua 12 Duyên khởi, và điều đặc biệt là từng cái gọi là nhân hay quả trong vòng Duyên khởi đó đều là vô thường, vô ngã.

Mình khổ vì lý do mình không biết mình là cái gì, mình quên mất rằng tất cả niềm vui hay nỗi khổ đều xuất hiện trong nháy mắt. Dầu thiện ác, buồn vui, tất cả đều xuất hiện trong nháy mắt, cái sau thay thế cho cái trước. Tuy ngắn ngủi, nhưng nhân thiện cho ra cái vui, nhân ác cho ra cái khổ. Nhân và quả, thiện và ác đều là chớp nhoáng. Trong lúc đau bịnh hấp hối, nếu hôn mê thì thôi, còn nếu tỉnh táo thì hãy quan sát cái này: nỗi sợ nào cũng chỉ là chớp nhoáng, nỗi đau nào cũng là chớp nhoáng, sự nhớ thương, sự tiếc nuối nào cũng là chớp nhoáng. Mình có hoan hỉ trong Phật pháp, sẵn sàng ra đi, sự hoan hỉ đó cũng là chớp nhoáng. Chuyện mình thấy mình hay mình giỏi đó chỉ là trò chơi Khắc chu cầu kiếm, đánh dấu mạn thuyền (rớt gươm dưới nước mà vạch dấu trên thuyền). Hôm nay mình ngồi nhớ lại chuyện xưa, ngày xưa vui quá, những tháng ngày thơ mộng tình tứ lãng mạn đẹp quá, toàn bộ niềm vui của mình toàn là chuyện khắc dấu mạn thuyền mà thôi, nó đã qua mất rồi mà mình ôm nó lại để vui. Nếu mình quan sát tinh tường thì mình chưa kịp cầm nó, chưa kịp nhìn thấy nó, thì nó đã mất rồi. Theo như A-tỳ-đàm thì khi mình biết nó đẹp, nó là cái gì, thì tâm nhãn thức đã vô thường rồi, còn cái mình đang thấy trước mắt đó là tâm nhãn thức thứ một triệu, thứ hai triệu rồi. Chính vì thấy được sự chớp nhoáng này mình mới không có những bận tâm hồi ức, tưởng tiếc về quá khứ, ngồi nhớ lại chuyện xưa. Có người coi kinh hỏi tôi: Đâu có ai khùng ngồi suy nghĩ ta có mặt trong đời quá khứ hay không, ta có mặt như thế nào, đâu có ai nghĩ như vậy? Tôi mới giải thích thế này: Nguyên văn kinh xưa là nói như vậy, nhưng mình ngồi nhớ chuyện quá khứ đó gọi là hồi tưởng quá khứ; mình dự định trù hoạch tương lai, thì gọi là sống cho tương lai. Với một người không hiểu lý vô ngã thì họ cứ nghĩ rằng đó là quá khứ của tôi, đó là tương lai của tôi. Còn với người hiểu đạo, đặc biệt hiểu giáo lý Duyên khởi thì thấy rằng toàn bộ đời sống của mình chỉ là chuỗi dài ghép nối của nhân và quả; nhân vô thường và quả cũng vô thường, mọi thứ tồn tại chớp nhoáng, có đó rồi mất đó. Khi mình thấy nó là một dòng chảy bao gồm toàn những thứ chớp nhoáng như vậy thì mình không còn tha thiết gì chuyện cố nhớ quá khứ hay cố tưởng về tương lai. Tôi nhớ cách đây đúng 20 năm (1994), tôi có lớp giảng A-tỳ-đàm ở Mỹ Thuận, trên sân gạch cạnh con rạch. Tôi hỏi mọi người ở đó, quí vị sanh ra ở đây mà có bao giờ quí vị thắc mắc dưới con rạch có bao nhiêu tôm cua cá tép, hai bên bờ có bao nhiêu trùn rắn ếch? Họ trả lời, khi nào cần ăn thì bắt cá bắt tép lên ăn chớ đâu có ai bận tâm bên dưới có bao nhiêu con này con kia. Cũng vậy, những ai hiểu được sự tào lao của dòng sanh tử thì họ cũng không có nhiều thời gian để tưởng nhớ về quá khứ. Đức Phật chỉ nhắc về quá khứ khi cần thiết mà thôi. Ví dụ Ngài nói: Không phải bây giờ mà đời xưa người này cũng như vậy rồi. Ngài kể chuyện xong rồi nói, các ngươi hãy thấy các hành là vô thường, mọi sự ở đời là mong manh, ngày xưa ai công hầu ai khanh tướng, ai nghèo đói, ai trộm cướp, bây giờ đây là vị tỳ kheo, là ông cụ, là đứa bé đang ngồi trước mặt mọi người ở đây… là những nhân vật mà Như Lai đã kể trong câu chuyện, đây chính là sự vô thường. Khi cần Ngài mới kể lại chuyện xưa chứ còn trong cái nhìn của bậc thánh thì chuyện xưa không là gì cả.

Khi hành giả, người học đạo, thấy mọi thứ do vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc… hết đời này qua đời khác lặp đi lặp lại như vậy thì họ chán, họ không còn tưởng tiếc quá khứ hay hiện tại, vị lai nữa. Có ba lý do mình thích hay ghét: tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, bối cảnh sống hiện tại. Người dân châu Phi màu da thì đen thui như cục than nhưng rất thích và rất hãnh diện khi mặc những trang phục lòe loẹt màu sắc. Phụ nữ bộ tộc Kayan ở Miến Điện thì tròng những chiếc vòng đồng vào cổ chồng lên nhau cho đến khi cái cổ dài ra mà họ nghĩ là đẹp…

Khi hiểu mọi thứ đều là chớp nhoáng và hiểu những chuyện ta thích ta ghét đều có lý do rất là vớ vẩn thì sẽ hiểu vì sao bậc thánh nhìn cuộc đời này bằng cặp mắt lãnh đạm. Cặp mắt chúng ta thì nồng nàn và chan chứa khi nhìn về cõi nhân gian, bởi chúng ta hiểu lầm về nó. Cái đẹp, xấu, ngon, dở ở đời này chỉ là ước lệ, là mặc định, tạm thời ở một bối cảnh, không gian, thời gian, địa phương, môi trường nào đó chớ không phải là giá trị hằng tại bất biến. Hiểu như vậy để thấy mọi thứ chỉ là cuộc chơi rất trẻ con. 

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app