Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 – Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên – Trung Lược Phẩm 

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Trung Lược Phẩm 

SA MÔN, BÀ LA MÔN

Ở kinh Sa-môn, Bà-la-môn này Đức Phật xác định rằng tất cả thánh nhân ba đời mười phương đều phải là người hiểu rõ lý Duyên khởi, biết rõ sanh tử từ đâu đến để từ đó chấm dứt ngọn nguồn sinh tử.

Biết rõ là do vô minh trong Tứ Đế mới có ba hành, từ ba hành mới có 32 Tâm quả thiện ác, từ 32 Tâm quả thiện ác mới có 19 Tâm đầu thai, từ chuyện đầu thai vào các cõi mới có 6 căn, rồi từ đó là 6 xúc, 6 thọ, 6 ái, 4 thủ, 2 hữu, rồi thì tiếp tục sanh già đau chết, sầu bi khổ ưu não. Do vô minh trong Bốn Đế nên khi khổ quá lại tiếp tục giải quyết vấn đề bằng cách đầu tư 3 hành. Cứ thế, cuộc trầm luân là một vòng tròn khép kín. Chứng thánh là phá nát vòng tròn đó. Điều quan trọng nên nhớ thêm là lý Duyên khởi không chỉ là vấn đề của đời này với kiếp khác mà phải được hiểu là ngay bây giờ. Khi mắt ta thấy, tai ta nghe, mũi ta biết mùi, đầu ta suy nghĩ … thì là lúc 6 căn (lục nhập) làm việc, trong đó có 6 xúc, 6 thọ, 6 ái.

‘Vatta’: luân hồi (cycle, circle).

‘Saṃsāra’: ngựa quen đường cũ (turn again), quay tới quay lui, lên rồi xuống.

Ba đời mười phương: ba đời là tất cả mọi thời điểm quá khứ, hiện tại, vị lai; mười phương là tất cả mọi phương hướng không gian (Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam, trên và dưới). Ba đời mười phương nghĩa là không gian thời gian nào đi nữa.

Nội dung bài kinh này là tất cả hiền thánh ba đời mười phương đã là thánh nhân thì phải biết giáo lý Duyên khởi.

ĐẠO SƯ

Trong kinh này Đức Phật dạy rằng muốn hết khổ phải hiểu ngọn nguồn của khổ là hệ thống Duyên khởi, không hiểu được lý Duyên khởi đừng hòng thoát khổ. Nếu tự mình không thể hiểu được lý Duyên khởi thì phải biết tìm thầy để học. Lúc đầu biết qua thầy, sau đó biết bằng chính sự chứng ngộ của mình.

‘satthati buddho va savako va’: thầy ở đây là Đức Phật hoặc đệ tử của Ngài.

Đây là bài kinh cuối cùng của phẩm này. Những bài kinh sau này Đức Phật nhấn mạnh một chuyện quan trọng đó là toàn bộ đau khổ đi ra từ hệ thống Duyên khởi, nếu không biết hệ thống Duyên khởi là cái gì thì làm sao hết khổ. Toàn bộ hiền thánh ba đời mười phương đều phải biết rõ những cái khổ ở đâu ra, ngọn nguồn từ đâu. Cứ lo tình cảm, lo gia đình mà muốn thoát khổ thì hơi khó. Trong số những người quen của tôi có một cô Phật tử thông minh lắm, cổ là một trong số ít ỏi người thông minh, có thể hiểu những vấn đề sâu kín trong Phật pháp, nhưng từ khi có chồng rồi thì cổ chỉ có biết có con, cổ coi con như Tam Bảo, vì con mà kêu cổ làm gì cổ cũng làm. Chúng sinh ở đời, mỗi người có chỗ lụy, kẹt vào đó đừng hòng thoát ra.

Các kinh sau có nội dung đại khái giống nhau: Trau dồi thiện pháp theo lý tưởng buông bỏ (lìa xa lý tưởng của ba hành), tránh xa các ác pháp (vốn là tinh thần của ba hành) để từng bước tháo gỡ, phá bỏ vòng tròn khép kín của hệ thống Duyên khởi. Xưa nay thấy hay nghe cái gì chỉ biết thích hay ghét, bây giờ khi sáu căn làm việc thì để chánh niệm biết sáu căn đang làm gì và cái gì cũng do duyên mà có, đã có rồi thì phải vô thường. Chánh niệm ghi nhận, trí tuệ thì biết rõ. Chánh niệm thì biết how is, trí tuệ thì biết what is. Ví dụ, ngồi lâu thấy quá sức mỏi, trí tuệ biết cái khó chịu là khổ thọ, chánh niệm biết là đang khổ, đang muốn đổi oai nghi; không phải tôi đang khổ mà chỉ là khổ thọ đang có mặt. Trước đây nghĩ rằng đó là chiếc xe của tôi, bây giờ hiểu rằng đó là một đống đồ (part) được lắp ráp hợp lý để vận hành trên đường. Nhờ hiểu như vậy mà bớt khổ, trước đây mình nghĩ là ông A, bà B, là tôi, là họ, là nó, là chàng v.v… giờ mình hiểu toàn là đồ ráp mà thôi. Chỉ cần một cơn bệnh xảy đến thì coi như những chuyện kề vai tựa má gì cũng bỏ hết. Có một bà Phật tử ở Houston, rất sợ ma, chỉ sợ ông chồng chết, nếu đêm hôm chưa kịp đem đi, phải ở nhà một mình trong lúc chờ xe nhà thương đem đi thì không biết làm sao. Rồi lại sợ chết rồi mà bắt phải nằm một mình trong nhà quàn (Funeral home: Tang nghi quán). Sống bằng một ý niệm như vậy thì ớn lắm. Thương nhau như vậy, chỉ cần tắt thở thì nhiều người không dám rờ tới mình, lúc này mới thấm thía sự bẽ bàng, phũ phàng của gương mặt đời sống. Đây là một cảm xúc thường tình, không nói đến chuyện nhân tâm hay đạo đức. Chết một hai ngày đã có mùi rồi thì con cháu nào có thương yêu đến mấy cũng ngại. Lúc đó mới thấy ông A, bà B là như vậy, là các protein đang phân hủy. Có một lần tôi đi công việc xuống Tampa vài tuần lễ, khi về nghe một cái mùi nhức cả đầu, củ khoai tây để dưới đất có thể nảy mầm, nhưng vì lý do nào nó bị hư thì thúi không thể tưởng tượng được. Hôm nay người nào mình tương tư hay thương nhớ chỉ cần không thở ba ngày thì tiền muôn bạc vạn mình cũng không dám ôm người đó vào lòng.

Thiện pháp trong lý tưởng giải thoát chỉ là vàng để vượt biên hay tiền lo giấy tờ xuất cảnh, hay tờ giấy cây bút được dùng để làm giấy ly dị, không phải là những thứ mình muốn giữ lại làm của. Không giống như người bình thường làm lành để sanh về cõi này cõi kia, người có lý tưởng tu hành coi làm thiện làm phước là Ba-la-mật, là động lực để đi đến giải thoát.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app