Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên – Phẩm Đoạn

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên

Phẩm Đoạn

LƯƠNG THỰC

9. Pātheyyasutta

‘Pātheyya’ là chữ tôi rất thích. Đối với tôi nó là một trong những chữ thơ mộng bậc nhất, thấy ở đây dịch thành chữ ‘lương thực’ là “tan hoang sự nghiệp” rồi.

‘Pātha’: ‘con đường’, ‘pātheyya’ là những gì mình mang theo trên con đường đi, tư lương, hành lý, hành trang… (trong trường hợp đặc biệt nào đó thì có nghĩa là ‘thức ăn’, ‘thực phẩm’) Chữ này hình thức và ngữ nghĩa na ná chữ ‘path’ trong tiếng Anh. Tôi ngờ rằng chữ này tiếng Anh lấy từ chữ Phạn ra.

Cái gì cột lương thực? Cái gì hút tài sản?

“Kiṃsu bandhati pātheyyaṃ, kiṃsu bhogānamāsayo;

Có hiểu chữ ‘pātheyya’ đúng như tôi vừa trình bày nãy giờ quí vị mới thấy câu này dịch lại như thế này rõ hơn: Trong túi đựng hành trang (tư lương) mang theo trên đường, cái gì giúp cho mình giữ được những món hành trang trên đường? Tài sản của mình, điểm tựa là ở đâu? Ở đây là nhờ vào công đức, phước báu… những thứ này từ đức tin mà có. Không có đức tin thì không làm được gì hết. Nhìn vào căn tánh người hỏi, Đức Phật trả lời đức tin chính là món hành trang quan trọng.

Bhogānamāsayo=Bhogānam + āsayo (chỗ ở, chỗ dựa nương)

“sirī bhogānamāsayo”, điểm tựa cho tài sản của mình là ở đâuCâu này HT Minh Châu dịch là “Thần tài hút tài sản”, quá là kẹt! Trong bản Pāḷi không hề có chữ ‘hút’ ở đây, mà là chữ ‘chỗ dựa’. Chữ ‘sirī’ HT Minh Châu dịch ‘thần tài’. Theo chú giải, chữ ‘thần tài’ Siri này được giải thích là issarya (theo Aṭṭhakathā), vibhava (theoTika), tổng kết lại chữ ‘sirī’ ở đây nghĩa là ‘quyền lực’. Theo chú giải, trong trường hợp này sirī dịch là quyền lực.

Ngày xưa điền chủ là vua trong một địa phương, bất cứ cái gì mà tá điền có, ông điền chủ ông quan địa phương mà muốn là phải được. Đó chỉ là quan phụ mẫu địa phương thôi. Hôm nay chúng ta cũng biết, mấy ông lớn tham nhũng muốn hối lộ thì càng mau nữa, quyền lực là điểm tựa, chỗ dựa cho tài sản. Chu Vĩnh Khang, Trung Quốc một thời nắm quyền ngành dầu mỏ, lúc là bộ trưởng bộ công an, ông ta có một tập đoàn tài chính chằng chịt như chân rết, tới lúc phanh phui, tài sản tịch thu từ tập đoàn đó lên tới 14 tỷ đô la Mỹ. HT Minh Châu đã chọn nghĩa ‘thần tài’ là một trong nhiều nghĩa của chữ ‘sirī’ trong tự điển. Nhiều chỗ tôi nghĩ không phải ngài dịch, và cũng ngờ là dường như bản Pāḷi ngài chỉ tham khảo thôi chứ không phải bản gốc mà bản chính ngài dựa vào là bản tiếng Anh. Bản tiếng Anh có chỗ người ta chú thích, có chỗ không. Hôm nay chúng ta thấy có ngài Bodhi, một vị sư người Do Thái, ngài đang có chương trình dịch lại kinh tạng Pāḷi, tức là làm mới lại bản dịch của hiệp hội PTS, điểm độc đáo đó là ngài không chủ trương dịch lại nguyên vẹn chú giải mà chỉ dịch chánh tạng và ghi chú thêm phần chú giải cho những chữ khó. Tôi nghĩ rằng nếu trong tăng ni Phật tử VN nói chung và trong room này nói riêng, nếu mình dịch hẳn 100% sớ Aṭṭhakathā thì là một công trình lớn làm rất ngán, cách hay nhất là in lại bản dịch của HT Minh Châu và trước khi in mình đem phần chú thích của chú giải đó chèn vào mỗi trang dịch của ngài. Thứ nhất là bản dịch của ngài quá hay không thể thay thế nữa; thứ hai là dịch hẳn bộ chú giải thì ai đọc đây. Theo thống kê quốc tế năm 2014, số người Việt Nam đọc sách mỗi năm là 1,8 cuốn (nghĩa là chưa hết hai cuốn sách một năm). Sở thích đọc sách không còn nữa, bây giờ mình phải chấp nhận sự thật. Chẳng hạn như vừa rồi tôi in một lúc hai cuốn mà bây giờ chắc không thể để lại VN vì ai đọc đây, “rượu ngon không có bạn hiền, không mua không phải không tiền không mua”.

Kiṃsu naraṃ parikassati, kiṃsu lokasmi dujjahaṃ; đường đời muôn vạn lối, con người đi dựa vào cái gì, cái gì lôi kéo chúng sanh đi về một phương?

Icchā naraṃ parikassati, icchā lokasmi dujjahā; Chính ý muốn mới là ma đưa lối quỷ đưa đường đưa ta vào chốn đoạn trường, cũng chính ý muốn đưa ta về phương trời lợi lạc, vào cõi thiên đường. Cũng chính ý muốn là cái mình không bỏ được. Còn có ý muốn thì còn có ý đi về phía trước, còn con đường đúng sai thì tính sau. Chúng ta còn nhiều chỗ dựa để đam mê thích thú hào hứng trong cuộc chơi sinh tử này. Sẵn ở đây tôi nói thiệt một chuyện, có nhiều người tôi tiếp xúc bị dính mắc chuyện này, có người nói với tôi rằng họ không thích cái gì hết, họ khoe không thích đi shopping, họ ăn cái gì cũng được, mấy chục năm lấy nhau họ chưa từng làm khó làm dễ bà xã trong chuyện ăn uống. Có người nói sao họ không thích xài đồ hiệu, đồ gì họ xài cũng được. Khi nói, họ tưởng đó là cái hay. Nếu đúng như vậy là hay, nhưng tôi xin thưa một điều, vì mình có một tỷ cái mình thích, nên cái nào mình cho rằng mình không thích thì chưa đủ để mình hãnh diện đâu. Bởi vì mình không thích cái này nên mình mới đi khoe. Một lần, cậu của ngài Xá Lợi Phất đến thưa với Đức Phật: Bạch Thế Tôn con không thích cái gì hết. Ông tưởng rằng Đức Phật sẽ khen, nhưng Đức Phật trả lời: Chuyện ngươi không thích gì hết, ngươi có tâm đắc với điều đó hay không. (Trung Bộ Kinh, bài Dighanakasutta). Lúc đó ngài Xá Lợi Phất đã xuất gia được một tháng đúng, trong suốt một tháng đó, ngài chỉ là vị sơ quả, sau khi nghe Đức Phật giảng xong bài kinh cho người cậu, lúc đó ngài đang đứng quạt hầu Đức Phật, nghe Đức Phật trả lời xong ngài Xá Lợi Phất lập tức chứng A-la-hán cùng với lục thông tam minh, tứ tuệ phân tích ngay tại chỗ. Một trường hợp khác, ngài Anuruddha, đệ nhất thiên nhãn, trước khi xuất gia chứng quả Tu-đà-hoàn, tu tập thiền Chỉ và chứng đắc Tứ thiền ngũ thông, thiên nhãn của ngài ngay lúc đó đã là số một. Một lần ngài vào gặp Xá Lợi Phất và nói thế này: Thưa tôn giả, tôi có thể nhìn thấy một ngàn vũ trụ dễ dàng như người ta thấy nhìn trái sung đặt trong lòng bàn tay, tuy nhiên tôi vẫn chưa chấm dứt hết lậu hoặc. Câu này đối với những người không mặn mà về khoa học thì thấy thường, nhưng đây là khả năng rất đáng nể, vì cho đến hôm nay, mình cứ hình dung trái đất trong vũ trụ như hột nhãn trong căn nhà có diện tích một cây số vuông. Trái đất của mình trong vũ trụ còn nhỏ hơn hột nhãn trong căn nhà đó, vì diện tích căn nhà mình còn tính được, còn vũ trụ thì bao la không bờ mé. Đến bây giờ khoa học chỉ khám phá được vòng quanh hột nhãn thôi vậy mà ngài Anuruddha thấy một ngàn vũ trụ như vậy. Một ngàn thái dương hệ làm nên một tiểu thiên thế giới, hai ngàn tiểu thiên thế giới làm thành một trung thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới làm thành một đại thiên thế giới, khả năng thiên nhãn của ngài Anurudhha thấy được nhiều ngàn đại thiên thế giới, nên ngài tự hào kể với tôn giả Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất nói: Một nửa câu nói của hiền giả được phát biểu bằng lòng kiêu mạn, một nửa câu còn lại chính là trạo hối. Trong cái nhìn của một bậc thánh thì mọi sự phải chi li như vậy đó. Chỉ một câu nói của người sư đệ khoe với sư huynh thôi mà người sư huynh giúp đỡ sư đệ nhận diện vấn đề. Ngài Anurudhha cảm ơn ngài Xá Lợi Phất, lui ra chuyên tâm thiền định, không lâu sau đó chứng quả A-la-hán và dĩ nhiên không còn chuyện kiêu mạn hay trạo hối nữa. Còn mình thì sao? Mình muốn tùm lum hết, cái gì mình cũng thích, và cái gì mình có chút ít cũng đủ làm niềm kiêu mạn cho mình. Nhìn quanh Phật tử chung quanh mình có ai một tháng 8 ngày bát quan không, không nhiều lắm, thế là mình kiêu mạn; Phật tử xung quanh có ai nghe pháp nhiều như mình hay không, có ai sách kinh nhiều như mình hay không, thế là kiêu mạn. Cái gì mình dễ kiêu mạn là những cái đó mình thích, còn cái thích ở mức độ nào, lý do vì sao là chuyện khác.

Cái gì lôi cuốn người?Ở đời, khó bỏ gì? Đó là Đó là ý muốn (Icchā). Chính cái ý muốn này dắt mình đi. Câu này có hai ý cần phải lưu ý:

1. Còn thích thì còn có chỗ đi, còn có chỗ đi thì còn sanh tử.

2. Muốn thực hiện điều gì đó, kể cả ước nguyện giải thoát cũng cần có ý muốn. Muốn đi vào hay đi ra cũng phải có cái gọi là ý muốn, muốn đi lên hay đi xuống cũng phải có cái gọi là ý muốn, vì vậy phải chú ý lại cái ‘muốn’ của mình.

“Icchābaddhā puthū sattā, pāsena sakuṇī yathā”.

‘Icchābaddhā’: gắn chặt, trói buộc vào những ước muốn.

‘puthū sattā’ = ‘puthujjana: ‘phàm phu’

Kẻ phàm phu bị gắn chặt hay trói buộc vào những ước muốn giống như những con chim dính chặt vào những cái bẫy (pāsa). Cái lưới chụp chim cũng gọi là pāsa. Lồng để nhốt con chim mồi để chờ con chim trời bay vào kẹt trong đó cũng gọi là pāsa.

Icchā naraṃ parikassati, chính ước muốn dẫn dắt người ta đi

icchā lokasmi dujjahā, cũng chính ý muốn là cái khó bỏ nhất.

du’: ‘khó’; ‘jaha’: ‘từ bỏ’; ‘jaha’ là từ động từ ‘ là từ động từ ‘jaheti’ (động từ này rất thường gặp trong tiếng Pāḷi). Chữ ‘jaha’ cũng rất thường gặp trong kinh điển. ‘dujjaha’: cái gì đó khó lìa bỏ.

Còn ý muốn là còn có đi tới, cũng chính ý muốn nhưng nếu mình đổi hướng, thay vì đi vào, đi xuống dòng sanh tử thì mình đi lên, đi ra khỏi vòng sanh tử. Trong pháp Tứ thần túc, có dục, cần, tâm, thẩmthì chữ ‘dục’ đó không xài chữ ‘icchā’ nữa mà xài chữ ‘chanda’. Dục, cần, tâm, thẩmnghĩa là không có ước muốn mãnh liệt thì không được, không có sự nỗ lực đúng mức cũng không được, không có tâm thái tương ứng cũng không được và không có sức mạnh trí tuệ cũng không được. Túc là ‘chân’, có những chữ xài quen mình không tra nghĩa gốc của nó. Tàu có cái tôi không thích đó là cái gì họ cũng dịch, do ngày xưa nguồn tài liệu tham khảo ít. Chữ ‘guna’nghĩa là ‘ân đức’, ‘công đức’, nhưng đó chỉ là hai trong rất nhiều nghĩa của chữ ‘guna’. ‘Guna’ còn có nghĩa là ‘chồng’, ‘lớp’. Kamaguna dịch là “dục công đức” nghe rất là kỳ, trong khi nghĩa của nó là năm trần, là cái gì đó khiến cho dục ái của mình chồng chất lên. ‘Guna’ còn có nghĩa là nhân (trong toán học).

Nội dung bài kệ trên: Cái gì là cái túi đựng hành trang, túi đựng lương thực cho con người? Đó chính là đức tin. Cái gì là điểm tựa, là chỗ dựa cho tài sản của con người? Đó chính là quyền lực, khả năng huy động tới đâu thì giàu tới đó. Cái gì dẫn dắt người ta đi trong đời này, cái gì khó lìa bỏ nhất? Đó chính là ước muốn. Thật ra người hỏi đã đoán biết câu trả lời, nhưng họ muốn Đức Phật xác nhận thôi, và dĩ nhiên cách trả lời này chỉ riêng cho đối tượng trước mặt Đức Phật thôi, trong những trường hợp khác Ngài sẽ có cách trả lời khác.

CHỚP

Pajjotasutta

– Vật gì chiếu sáng đời?

Vật gì thức tỉnh đời?

Ai cộng nghiệp với người?

Cử chỉ chúng là gì?

Ai nuôi kẻ nhác, siêng,

Như mẹ nuôi con cái?

Hữu tình gì trì mạng,

Y cứ vào địa đại?

Mê ngủ là sống như những xác chết biết đi, nghĩa là chết rồi mà chưa có chôn. Trong đời có nhiều hạng, hạng chết rồi mà chưa chôn và hạng chôn rồi mà chưa chết.

Chết rồi mà chưa chôn là sống, ăn, uống, đi đứng nằm ngồi, nói, cười buồn vui hoàn toàn không biết, cứ sống phóng dật, thất niệm. Kẻ đó như là kẻ chết rồi, trong Kinh Pháp Cú nói kẻ dễ duôi là kẻ chết rồi, ‘mātā’ là ‘chết rồi’, đi đứng nằm ngồi như quỉ nhập tràng, chỉ biết ăn uống nói năng mà chớ hề nhìn lại xem coi cái gì đang diễn ra, bản chất đó là cái gì, đang ra làm sao, what is, how is. Sống như vậy không biết thân tâm bản chất thật sự là gì và đang là gì, gọi là chết rồi chưa chôn.

Chôn rồi nhưng chưa chết nghĩa là chết rồi nhưng tiếng tăm sự nghiệp của họ cũng còn đó, hoặc cách hiểu khác là những người về hưu rồi mà chưa nghỉ. Họ không còn chức vụ đó nữa, không còn chính thức đảm nhiệm vai trò nữa nhưng sức sống vẫn tràn trề kể cả họ bán thân bất toại, những người như vậy gọi là chôn rồi nhưng chưa chết.

Thỉnh thoảng phải tự hỏi mình là loại gì, chết rồi chưa chôn hay chôn rồi chưa chết?

– Trí tuệ chiếu sáng đời,

Chánh niệm thức tỉnh đời,

Bò cọng nghiệp với người,

Ðường cày là con đường.

Mưa nuôi kẻ nhác, siêng,

Như mẹ nuôi con cái.

Mưa trì mạng chúng sanh,

Y cứ vào địa đại.

Trong bài kệ này, câu hỏi là trong cuộc đời tăm tối này, cái gì soi rọi cho mình? Đức Phật dạy trên đời có những loại ánh sáng, ánh sáng mặt trời cho ban ngày, ánh sáng mặt trăng cho ban đêm, ánh sáng của lửa khi nào mình muốn có thì mình thắp lên những chỗ tối, nhưng riêng trí tuệ thì không. Khả năng soi rọi của trí tuệ không bị giới hạn trong không gian, thời gian. Lửa không phải lúc nào muốn cũng có, ánh nắng mặt trời không phải lúc nào muốn cũng có, ánh trăng đêm cũng vậy. Hôm nay, chúng ta có đèn điện xài cũng nhờ có ánh sáng trí tuệ của một số người. Với sự phát minh của họ những nguồn lực của thiên nhiên được khai thác triệt để. Gián tiếp hay trực tiếp, duy tâm hay duy vật phải nói rằng trí tuệ dính vào nguồn sáng của thế giới.

Chánh niệm là sự thức tỉnh giữa cuộc đời mê ngủ này. Người này đi đứng, nói cười, buồn vui đều biết rõ, người mê ngủ thì không biết mình là cái gì đang ra sao. Học cho nhiều cho giỏi, tinh tấn nghe pháp, hành hương lễ Phật, cúng dường bố thí nhưng một cư sĩ hay tu sĩ sống không chánh niệm là thua rồi. Làm gì làm, quan trọng nhất vẫn là chánh niệm, nếu thu xếp được càng sớm càng tốt để sống chánh niệm chớ đừng hứa hẹn khi có thời gian, khi sắp xếp được chuyện gia đình. Chiều hôm qua tôi nói chuyện với Phật tử ở Đà Nẵng, cô này cũng may mắn từ nhỏ đến giờ, có gia thế, có ăn học, và giờ kể ra cũng thành công. Cổ hỏi tôi nghĩ gì về đời sống hiện tại của cổ, tôi nói: Nói cô đừng có buồn, tôi nhìn thấy cô là một tu nữ VN có mặt trong học viện nào đó ở Miến Điện thích hơn là dù gia đạo như ý, chồng con nhà cửa ok, nhưng 30 năm nữa chỉ là một bà cụ có tiền, có một bầy con cháu bu quanh. Tôi không xúi cô lìa bỏ gia đình nhưng cô nên dành thì giờ cho Phật pháp nhiều hơn, vì mình không biết mình sống đến bao lâu và hãy nhớ rằng càng về già tinh thần càng tệ, trí cũng tệ đi, niệm tệ đi.

“Kiṃsu lokasmi pajjoto” Vật gì chiếu sáng đời? ‘Pajjoto’: ‘ánh sáng’. Chữ ‘Pajjoto’ ở đây không phải là động từ nhưng khi diễn dịch trong câu tiếng Việt nghe có vẻ giống như động từ, phải nói là “cái gì là ánh sáng cho cuộc đời?” kiṃsu lokasmi jāgaro; cái gì là sự tỉnh thức ở đời? ‘Jāgaro’: ‘tỉnh thức’

Hai câu đầu: “Vật gì chiếu sáng đời?” Đó là trí tuệ. “Vật gì thức tỉnh đời?” Đó là chánh niệm. Đây là hai câu rất đáng để treo trong nhà.

Câu thứ ba: Ai cộng nghiệp với người? “Kiṃsu kamme sajīvānaṃ” cái gì là sự cộng hưởng trong đời sống, trong công việc của mình.

“kimassa iriyāpatho”, ngài Minh Châu dịch là “Cử chỉ chúng là gì?

‘Iriyāti’: ‘di động’, ‘xê dịch’, ‘đổi dời’, move.

‘Patha’: ‘đường lối’, ‘kiểu cách’, ‘cách thức’.

‘Iriyāpatha’: oai nghi, đi đứng nằm ngồi, co tay duỗi chân, đại oai nghi, tiểu oai nghi nói chung. Đây là những chữ nên nhớ, chỉ có lợi, mai này đi tu thiền ở Thái Lan đôi lúc người ta sử dụng bằng tiếng Pāḷi. Những chữ Pāḷi này còn quan trọng hơn những chữ như cà-tô-mát (tomate, tomato), cải xà lách (salad), sa-pô-chê (Sapote, Tzapotl), trái sơ ri (cherry), trái bom (bomb), hoặc chữ mìn (mine), tất cả những chữ ngoài đời này còn cần thiết nói chi chữ Pāḷi thông dụng mà người Phật tử nên nhớ.

Ở đây Đức Phật cũng nhìn vào căn tánh người hỏi và trả lời. Người VN mình có chuyện đáng buồn là hay cắt khúc bài viết hay bài nói chuyện của người ta, rồi kẻ nghe hoặc đọc lại cứ nhắm mắt mà tin, trong khi cắt khúc như vậy thì ý nghĩa sẽ khác đi. Tổng hợp lại cả bài kệ mới thấy chiều sâu của nó chớ cắt khúc ra thì không thấy hay. Hai câu đầu của bài kệ thì quá dễ dàng hiểu, phần sau thì sâu sắc một cách thơ mộng, đó là bức tranh về cuộc sanh tử của mình. Cái gì cộng hưởng với con người?

Có câu ca dao của người VN nói về con trâu giúp cho người nông dân.

Trâu ơi! Ta bảo trâu này!

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.

Cày cấy vốn nghiệp nông gia,

Ta đây trâu đấy ai mà quản công!

Bao giờ cây lúa còn bông,

Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Trong xã hội nông thôn miền Tây Nam Bộ VN người ta coi nặng con trâu nhưng miền Đông Nam Bộ VN thì coi nặng con bò. Ở Ấn Độ xưa cũng coi nặng con bò. Trong chú giải có nói con bò không những giúp mình kéo xe kéo cày mà bất cứ cái gì trong thân của nó cũng cần thiết cho mình. Bên Đức có chữ riêng Milchprodukt để gọi cho tất cả những gì được làm ra từ sữa bò: phô mai, sữa tươi. Có thể nói rằng một phần trong đời sống của người Âu Mỹ là do con bò mang lại. Túi xách da bò, thức ăn thịt bò. Con bò đối với một số xã hội quan trọng như vậy. Bài kệ này thơ mộng ở chỗ là người khác nói về con bò thì không quan trọng gì hết, nhưng ở đây Đức Phật muốn nói con bò là người bạn buồn vui sinh tử của con người, và mưa là người mẹ nuôi dưỡng cuộc đời, và bốn oai nghi được dùng cho chuyện cày xới. Đó chính là bức tranh của dòng sinh tử. Con bò nói là bạn nhưng nó bị cư xử như người nô lệ. Nói tới mưa thì phải nói tới nắng. Có lần Đức Phật hỏi các vị tỳ kheo: Các ngươi có tu tập về niệm chết hay không?Các vị tỳ kheo thưa có. Đức Phật hỏi tu tập như thế nào. Có vị trả lời: Bạch Thế Tôn con suy niệm cuộc đời này chỉ là mùa nắng mùa mưa. Có vị trả lời: Con niệm chết bằng cách nghĩ cuộc đời này chỉ gồm những bữa ăn. Một vị tỳ kheo nói: Bạch Thế Tôn, con niệm chết bằng cách quán niệm hơi thở và thấy sự sống chết của con trong từng hơi thở. Đức Phật tán thán: Lành thay, ngươi đã tu tập niệm chết một cách đúng mức, tinh cần, sắc sảo như vậy. Bài kệ này nhắc nhở: đời sống này chỉ là những lần mưa nắng, là những mùa nước lớn nước ròng, chỉ là những bữa ăn, xuân hạ thu đông, và sau cùng chỉ là những giây phút buồn vui, những hơi thở ra vào trong kiếp người mà thôi. Đọc chú giải bài kinh này, tôi hình dung ra trên một cánh đồng mưa, có những nông phu đang gò lưng kéo cày trên đó, đó chính là cánh đồng sinh tử. Mai này, cũng trong Tương Ưng Bộ, quí vị sẽ có dịp học bài kinh mà Đức Phật dạy: tham ái chính là sự mầu mỡ trên cánh đồng sanh tử và thức tái sanh chính là hạt giống của cuộc trầm luân. Lúc đó lấy bài kinh đó kết hợp với những bài kinh hôm nay, mới thấy ra bức tranh này. Con bò là bạn của người nông dân mà mình đối xử với nó ra sao? Tất cả những gì mình có được trong cuộc đời này là sự lợi dụng lẫn nhau, là sự vay mượn, mua bán rất tàn nhẫn, khốc liệt, đó là diện mạo, dung nhan của cuộc sinh tử. Nó là nguồn sống của mình nhưng quan hệ giữa mình với nó chát chua làm sao. Mưa là sự lạnh lẽo, lầy lội, ấy vậy mà đời sống của con người phải nhờ cậy vào những cơn mưa lạnh lẽo lầy lội ướt át đó và chính sự nhọc nhằn đó làm nên cuộc sống của chúng ta, một sự mỉa mai vô cùng cho cái diện mạo phải nói là phũ phàng của đời sống. Không phải tôi thi vị hóa bài kinh này mà quí vị có đọc chú giải sẽ thấy. Ở đây tôi không đồng ý bản dịch của ngài Minh Châu trong câu “cử chỉ chúng là gì” mà phải dịch là “Các oai nghi trong cuộc đời này nhắm đến cái gì?” và câu trả lời rất phũ phàng là “sītassa iriyāpatho”, bốn oai nghi có trong đời này chỉ làm những chuyện cày xới và có sự trùng hợp trong ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại, người ta không nói đi làm lụng cực nhọc mà người ta nói “đi cày”. Người ta hỏi nhau lúc này có vui không, câu trả lời là: Cày dữ quá. Bốn oai nghi là để cày xới trên cánh đồng sinh tử. Từng hơi thở ra vào, từng bữa ăn chúng ta kiếm được, từng chuyện giật gấu vá vai, tần tảo một nắng hai sương chỉ là những lần cày xới trong đời của mình, và tất cả những quan hệ của mình trong đời sống: tôi là con bò của anh, anh là con bò của tôi, mình là vợ chồng nhau, mình là bạn bè nhau, đối tác làm ăn với nhau, tất cả đều là chủ và con bò. Anh vắt sữa của tôi, tôi vắt sữa của anh, cùng nhau mà sống trong cuộc đời buồn khổ này. Độc đáo là ở chỗ đó, bốn oai nghi ở đây để cho cái gì? Chỉ để dành cho chuyện cày xới thôi, đọc kỹ cả Atthakata và Tika mới thấy chỗ này.

“Ai nuôi kẻ nhác, siêng, Như mẹ nuôi con cái?” Cái gì nuôi kẻ siêng lẫn người lười như người mẹ nuôi con không phân biệt? Ở đây Đức Phật giải thích đó chính là mưa. Nhưng hai câu cuối trong kinh rất dễ hiểu lầm: “Mưa trì mạng chúng sanh, Y cứ vào địa đại.”. Hai câu Pāḷi cuối là bổ sung cho hai câu trước đó: Vuṭṭhiṃ bhūtā upajīvanti, ye pāṇā pathavissitā.

Cái gì như một người mẹ lo cho các con không phân biệt dầu đó là đứa lười hay đứa siêng. Câu trả lời ở đây là mưa. Mưa giống như người mẹ chan hòa khắp nơi, mưa rơi xuống khắp nơi không phân biệt đối tượng và không lựa chọn nơi chốn. Kẻ nào cũng được ân triêm lợi lạc từ mưa.

Vuṭṭhiṃ bhūtā upajīvanti, các loại hữu tình sống dựa vào mưa. Chữ bhūtā này phải đi liền với câu cuối cùng: bhūtā ye pāṇā pathavissitā’’ti. Với loài sống trên đất phải luôn cậy nhờ mưa. Ở đây ngài Minh Châu đã dịch sát và dịch đúng trật tự của câu kệ nên nghe kỳ lắm, người Ma-Kiệt-Đà đọc thì hiểu nhưng người VN mình hay dân tộc khác đọc không hiểu, bởi vì cấu trúc của Pāḷi nó như vậy.

Vuṭṭhiṃ bhūtā upajīvanti, ye pāṇā pathavissitā. Đối với những loài sống dựa trên mặt đất, loài nào cũng sống dựa vào mưa.

KHÔNG TRANH LUẬN

Araṇasuttavaṇṇanā

Bài kệ này trong chú giải cũng giải thích nhẹ nhàng thôi.

Chữ “không tranh luận” ở đây từ chữ Pāḷi ‘Araṇa’ dịch là ‘vô tránh’ hay ‘vô tranh’ đều được hết. Chữ ‘raṇa’ ở đây đồng nghĩa ‘kilesa’: phiền não. Tại sao? Bởi vì nghĩa gốc chữ ‘raṇa’ là “sự xung đột”, “sự mâu thuẫn”, mà ở đâu có phiền não là ở đó có xung đột. Hễ có cái thích thì có cái không thích, có cái thương thì có cái ghét, tất cả mâu thuẫn trên thế giới này 100% xuất phát từ thích hoặc ghét. Vì vậy ‘raṇa’ ở đây phải dịch là ‘mâu thuẫn’, ‘xung đột’. Ở đâu có phiền não thì ở đó có mâu thuẫn, ở đâu có phiền não thì ở đó có xung đột. Đối với bậc thánh, ngay cả chuyện sống chết các ngài còn không coi nó ra gì sá chi mấy chuyện thành bại đắc thất doanh hư tiêu trưởng, những thứ này không nghĩa lý gì hết. Chúng ta thì ngoài chuyện ham sống sợ chết, trốn khổ tìm vui, còn đấu tranh giành giựt từng lợi ích nhỏ xíu. Biết bao vụ án trong nước xuất phát từ động cơ rất nhỏ mà nước ngoài không tin, chỉ ‘nhìn đểu’ thôi đủ chém nhau chết rồi. Chạy xe nẹt pô, rú ga cũng có thể bị chém chết. Đó chỉ là những chuyện nhỏ nói chi đến chuyện tiền bạc, tình cảm, làm ăn, tranh giành lãnh địa v.v… Phiền não nói chung được xem là căn cớ nguồn cơn cho mọi xung đột ở đời.

 

“Raṇanti kandanti etehīti raṇā”,(Tika) chữ raṇā ở đây là xung đột, mâu thuẫn nhưng ám chỉ cho tất cả các phiền não.

“Ai không tranh luận đời?Ai sống không hoại diệt?Ai rõ ham muốn đời?Ai thường xuyên tự tại?”

Ở đây câu trả lời của Đức Phật là: “Samaṇīdha araṇā loke”

Samaṇīdha’: ‘Samaṇa’ (Sa-môn) + īdha (ở đây).

Có điểm hay ở đây là chữ ‘rana’ nghĩa là ‘mâu thuẫn’ xung đột và Ngài cố tình xài chữ ‘samana’rất là hay. ‘Samaṇa’ là “Sa-môn”động từ là sameti có nghĩa là “làm cho lắng yên”. Samatha: thiền Chỉ. Từ gốc ‘sam’: làm cho lắng yên. ‘Samôn’ là người có nội tâm thanh tịnh; ‘samatha’ là pháp môn làm cho tâm yên tịnh. Người có tam nghiệp thanh tịnh mới gọi là Sa-môn. Trong chú giải ghi Sa-môn ở đây là Samaṇāti khīṇāsavasamaṇā:“lậu tận Sa-môn”. Sa-môn ở đây ám chỉ cho bậc thánh vô lậu. Trong bài kinh Thuần chủng (Tăng Chi Bộ), có những hạng chúng sinh không sợ chết. “Ai trên đời này cũng sợ chết chỉ trừ một vài đối tượng đặc biệt đó là loài thuần chủng”. Thú thuần chủng lòng kiêu mạn của nó lớn nên nó không sợ chết. Thứ hai là bậc lậu tận (A-na-hàm trở lên, không còn tâm sân nữa) không còn sợ chết nữa. Bên Mỹ sau nhà có một khu rừng lớn, rắn độc nhiều. Ban ngày chúng không thấy đường, chỉ di chuyển bằng khứu giác, tôi lấy cây dích nó đi mà nó mổ lia lịa, không sợ chết, không biết có phải thuần chủng không nhưng nó không chết. Lậu tận là ám chỉ cho vị không còn dục ái và sân, chấm dứt hết 10 phiền não, và trong trường hợp đặc biệt nào đó thì ám chỉ cho vị A-na-hàm.

Sa-môn không có tranh luận với đời vì nhiều lý do, 3 lý do đơn giản là vị A-la-hán không còn gì để thích và không có gì để ghét, ngài biết rất rõ bản chất của mọi người và mọi sự vốn dĩ là gì. Bản chất của mọi người chỉ là danh sắc, bản chất mọi sự xung đột chỉ toàn là hiểu lầm. Khi không còn gì để thương ghét, hiểu lầm thì làm gì còn lý do để xung đột, đấu tranh với thế gian nữa.

“vusitaṃ na nassati” bản tiếng Việt dịch “sống không hoại diệt”, nghe kỳ lắm. Ở trong đoạn kinh mô tả sự chứng đắc của vị thánh, có câu tôi hay nhắc “Vusitavā katakaranīyo ohitabhāro” (Phạm hạnh đã thành, chuyện nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống). Còn “vusitaṃ na nassati” ở đây nghĩa là sao? Tôi là người giàu có, tôi có rất nhiều tiền và tiền có thể sẽ hoàn toàn rời khỏi tôi một ngày nào đó và tôi trở thành một người ăn mày. Tôi là một người trí thức nhưng một ngày nào đó tôi có thể nghi ngờ những cái biết của tôi, hoặc một ngày nào đó tôi mất trí nhớ, hoặc trở thành một kẻ say sưa nghiện ngập, những cái biết của tôi sẽ hao mòn từ từ. Theo chú giải, tất cả những cái có của phàm phu đều có thể bị mất đi, nhưng “Vusitaṃ na nassatīti tesaṃ ariyamaggavāso na nassati”, riêng đối với bậc lậu tận thì cái gì vị đó đạt được thì không thể mất được; đời sống hay đức tánh hay những gì vị thánh thành tựu được thì không thể nào mất được, chỉ khi nào Niết bàn thì thôi. Không mất được không phải là vì không có vô thường. Có hai cách vô thường:

1. Từ có thành không.

2. Từ cái này chuyển sang cái kia.

Sự vô thường của danh và sắc chỉ nằm trong hai trường hợp này, có sanh thì có tử, cái này chuyển thành cái kia. Ví dụ như tâm thì có vô thường, sát na trước xuất hiện rồi biến mất nhường chỗ cho sát na sau, tiếp nối liên tục thành dòng chảy không ngừng cho đến khi nào viên tịch thì thôi. Nói chữ viên tịch mới nhớ người Việt mình xài ẩu lắm. Cứ tu lâu là khi chết gọi là viên tịch. Viên là tròntrọn vẹnTịch trong tiếng Hán là tắt, viên tịch là chỉ sự ra đi vĩnh viễn của vị La Hán, của Đức Phật, còn mình thì “đi quá xa” nên dùng chữ tưởng là hay, cần phải xét lại. Nhân tiện, cũng nói thêm những điều tôi trăn trở, không thể nói “nhập Niết bàn”, làm gì có chuyện “nhập”, ngọn lửa tắt là đủ rồi. Tôi đã kể câu chuyện không biết quí vị còn nhớ không, câu chuyện đáng để đàn bà lấy son vẽ lên kính, đàn ông xăm lên người. Có người hỏi vị thiền sư ngọn lửa tắt đi về đâu, vị thiền sư trả lời muốn biết nó đi về đâu thì phải biết nó từ đâu tới. Chỉ hai câu này là toàn bộ giáo lý duyên khởi của PG cả chiều xuôi lẫn chiều nghịch, và cũng hai câu này thu gọn toàn bộ Phật ngôn. Vì vậy, chữ ‘viên tịch’ chỉ dùng cho vị A-la-hán thôi; và Niết bàn là từ chữ ‘parinibbāyati’ nghĩa là khi mà thân ngũ uẩn này không còn điều kiện để tiếp tục tồn tại nữa và đương sự không còn thức tái sinh nữa, đó là parinibbāyati, sự viên tịch. Đằng này mình tặng thêm chữ “nhập” giống như có cái cửa để mình bước vô, như có một cõi Phật cảnh, Phật quốc để mình bước vô, ở đây không có gì “nhập” hết, đó là do mấy ông thầy Tàu tặng cho mình xài, khi mình đã quen dùng như vậy mà ai có ý kiến bài xích không đồng ý thì mình nổi điên lên vì như câu ca dao “cầm vàng mà lội qua sông, vàng rơi không tiếc tiếc công cầm vàng”, hoặc như trong kinh kể chuyện có mấy người đi gánh cỏ khô, lỡ gánh lâu quá tới lúc kêu họ liệng họ tiếc. Nhớ ngày xưa lúc Đông Âu chưa bị sụp, bên Bungari có câu chuyện thế này, có ông cán bộ đang đi gặp người vô gia cư nghèo khó đang ngồi đói lạnh bên đường, bèn kêu hỏi có rảnh không, giúp việc rồi ông sẽ cho tiền. Người kia nói đang gánh cỏ cho người ta, đói bụng chưa có gì ăn. Ông cán bộ nói: Tôi có tủ bàn đắt tiền ông khiêng giùm rồi tôi trả tiền. Người kia nói đang gánh hai gánh rơm từ sớm đến giờ nếu bán thì được năm đồng; ông cán bộ liền mua luôn gánh rơm nhưng kêu bỏ gánh rơm ở đó. Anh chàng nông dân cầm năm đồng bỏ túi, đi theo ông cán bộ để khiêng đồ, nhưng cứ một lát lại quay lại dòm chừng gánh rơm. Khi ông cán bộ hỏi, anh nông dân nói, cảm ơn đã cho tôi năm đồng, tôi được năm đồng không cần gánh rơm nhưng tôi đã gánh gánh rơm đi một quãng đường xa, giờ bỏ đó lòng tôi không yên. Đó là câu chuyện cười nhưng tôi cố ý kể không thành chuyện cười, để nói rằng, chúng ta cũng vậy, có những cái tào lao nhưng mình đã theo đuổi mấy chục năm rồi bỏ không đành. Thánh nhân thì những gì không cần cầm nắm nữa là buông. Mình thì muốn qua sông cần có bè, qua sông rồi liệng bè lòng không yên, không đành lòng cam tâm. Giữ giới một tháng tám ngày bát quan, nghe mấy thời pháp, nhà có mấy cuốn kinh, tưởng mình là vô địch võ lâm. Lâu lâu có điều kiện đi Miến Điện Thái Lan về cái mặt lầm lầm tưởng mình là hành giả có cầu chứng.

“Ai không tranh luận đời, ai sống không hoại diệt, Sa-môn không tranh đời, Sa-môn sống không diệt”, ở đây giải thích thế này: “samaṇānaṃ vusitaṃ na nassati”: thánh tâm của vị Sa-môn không thể nào bị mất. “Samaṇā icchaṃ parijānanti”: Vị Sa-môn biết rất rõ lý tưởng sống ở đời là gì.

Câu “Ai rõ ham muốn đời” phải dịch lại. Icchaṃ: ý muốn= lý tưởng sống, chỗ để nhắm đến. Ai sống cũng có chỗ để nhắm đến hết. Vị Sa-môn biết rõ hễ còn có chỗ nhắm đến là còn có đường đi; còn có đường đi là còn có sanh tử. Tu là để “cùng căn mạt kiếp”. Ngoài đời nghe bốn chữ “cùng căn mạt kiếp”này sẽ thấy sợ chứ chữ này trong đạo rất hay; người ta thường la con: “đừng chun dưới sào đồ coi chừng hết đầu thai. Mình cầu cho hết đầu thai, nếu chun dưới sào đồ mà hết đầu thai được thì cũng nên chun. Chữ ‘Icchaṃ’ ở đây nên dịch là lý tưởng sống chứ đừng khư khư ôm tự điển. Sa-môn là người hiểu rất rõ mọi lý tưởng sống ở đời, còn có chỗ nhắm đến là còn tái sinh, còn tái sinh là còn luân hồi, hiểu rõ lẽ này Sa-môn buông hết, chính vì buông hết mới được gọi là Sa-môn

“Kedha icchaṃ parijānanti, kesaṃ bhojissiyaṃsadā”.

“bhojissiyanti”= adāsabhāvo. HT Minh Châu dịch là ‘tự tại’

‘dāsa’: ‘nô lệ’; ‘adāsa’: tự chủ, tự quyết.

Bhāva: trạng thái, tình trạng,

Tiếng Pāḷi cũng rộng lắm, chữTiếng Pāḷi cũng rộng lắm, chữ Bahu /báhú/: nhiều. hu /báhú/: nhiều. Bāhu /bahú/: cánh tay. Chỉ trừ trường hợp văn phạm, hu /bahú/: cánh tay. Chỉ trừ trường hợp văn phạm, bāhusaccan đồng nghĩa với chữ husaccan đồng nghĩa với chữ bahusutta (đa văn, quảng kiến, nghe nhiều học nhiều). Trong trường hợp này do văn phạm từ chữ ‘bahu’ thành bāhu nhưng trong trường hợp đặc biệt đó thôi

Dāsa: là nô lệ, dasa: 10.10. Vì vậy khi đọc dasa – parami (thập độ, 10 Ba-la-mật) phải chú ý (đọc là “đá sá”).

“bhojissiyanti”có nghĩa là ‘adāsabhāvo’: ‘sự tự tại’, ‘sự tự quyết’. Không bị lệ thuộc vào cái thích cái ghét nữa. Đời sống mình là một sự lệ thuộc kinh khủng lắm, mình cứ tưởng rằng nô lệ, đầy tớ, ở đợ là phải thờ chủ, mình đâu phải nô lệ, ở đợ cho ai. Mình mới là nô lệ, mỗi ngày mình để cho cái thích cái ghét nắm đầu mình đưa đi, mình không có tự tại. Mình làm cái gì cũng nhắm vào cái mình thích. Mình cứ nghĩ nằm ngủ là nghỉ ngơi, thật ra không phải, quí vị hãy thử làm cái này lợi lạc vô cùng: nằm trên giường mà tự hỏi mình là mình có đang thư giãn thật sự hay mình đang gồng? Theo Anatomy thì khi mình nằm (mà chưa ngủ) thì cơ bắp mình vẫn còn đang gồng. Hãy theo dõi thử hai tay, hai chân, mình, cổ của mình đang gồng hay đang buông, quan sát thật kỹ coi mình có phải đang nghỉ ngơi hay không. Nằm chánh niệm mới thật sự nghỉ ngơi. Đó là cái thân. Còn cái tâm, có bao giờ mình sống mà không lệ thuộc phiền não không, một động tác nhỏ xíu của mình cũng do phiền não nó đẩy. Ngay cả hơi thở cũng vậy, khi sơ ý không thấy, theo Vi diệu pháp, sắc tâm hữu phần sẽ tạo hơi thở (chỉ trong lúc ngủ). Khi thức, nếu có chánh niệm mới thấy mình thở bằng tâm tham. Hơi thở vô phổi mà đầy rồi thì đẩy ra mới dễ chịu, trong lúc dễ chịu này đó là tâm tham, đẩy ra hết hơi thì nhu cầu sinh học tự động kéo hơi thở mới vô, khi đó có sự dễ chịu, thích thú trong đó, vì nhanh quá nên mình không ngờ mình thở ra thở vô bằng tâm tham. Ở đây chỉ đề cập tâm tham thôi chớ một phút có nhiều cái tâm. Về thân thì nếu mình chánh niệm một chút mình sẽ nhận ra một sự thật mình không ngờ được là thân của mình luôn luôn trong tình trạng căng thẳng và đau đớn. Chúng ta sống thật sự không tự tại, thân và tâm mình sống trong tình trạng rất chộn rộn, nặng nề và lệ thuộc nhiều thứ. Vì mình phóng dật nên khi nào nực mình quạt thấy mát thì tưởng sung sướng. Ngài Xá Lợi Phất nói muốn lắng nghe tiếng chuông lúc chỉ còn dư âm thì tâm mình phải vi tế, muốn theo dõi danh sắc ở mức độ vi tế nhất thì tâm phải sâu lắng theo. Ở mức độ sâu lắng đúng mức mình sẽ nhận ra tâm mình luôn phiền não, không tham thì sân, và thân mình luôn sống trong tình trạng căng thẳng và đau đớn, vì nó là nhà máy phức tạp bậc nhất thế giới. Các nhà máy lớn không rối bằng cơ thể của mình, từ ngón tay đến sợi tóc luôn trong tình trạng hoạt động ráo riết mà mình không biết. Chỉ cần lấy ống nghe bác sĩ đặt vào người, sẽ nghe tiếng động của nhà máy này làm việc, nếu khuếch đại âm thanh lên 50 lần là mình nghe không nổi, một nhà máy đang làm việc rầm rầm trong đó. Tôi từng có dịp xem những thước phim về cơ thể con người và viện bảo tàng về cơ thể, thấy dễ sợ lắm. Muốn chết không phải dễ, phải có một cuộc đảo chánh đình công dẫn đến sự sụp đổ của sự sống.

Các vị thánh thì tâm còn không lệ thuộc nữa nên các ngài được gọi là tự tại. Vị sa môn ‘bhojissiyaṃ’ nghĩa là ‘adāsabhāvo’, là trạng thái không nô lệ, là khả năng tự quyết.

“Samaṇaṃ mātā pitā bhātā, vandanti naṃ patiṭṭhitaṃ”, Sa-môn chính là người mà cha mẹ, anh chị, huynh trưởng trong nhà có thể đảnh lễ, trong khi vua chúa thì không. Người ta cúi đầu trước vua, sợ uy của vua chớ trong lòng chắc gì người ta chịu cúi đầu. Hoàng thái hậu, thái thượng hoàng không cần quì trước vua, nhưng riêng vị Sa-môn thì khác, nếu là vị A-la-hán thì đến cả Phạm Thiên cũng phải quì xuống. Trong đêm cuối cùng của ngài Xá Lợi Phất chính đức Thiên Vương Đế Thích xuống xin được đi đổ ống nhổ cho ngài, ngài cản không cho, bởi vì ngài muốn gieo duyên lành cho mẹ mình vì ngài biết rất rõ ngài là ai. Trong trường hợp này vấn đề này hơi tôn giáo một chút. Bà mẹ rất là thương ngài, căn phòng ngài ở từ nhỏ bà vẫn giữ đó chờ ngài về. Ngài 84 tuổi còn bà đã 120 tuổi vẫn cứ chờ. Buổi chiều hôm đó người hầu ở ngoài phố chạy về nói “Bà ơi, cậu về rồi, cậu dẫn thêm 500 vị sư nữa, cậu nói bà sắp chỗ giùm”. Bà mẹ sắp chỗ qua đêm cho 500 vị tỳ kheo, còn bà thì mở cửa căn phòng ngày xưa đó cho ngài về có chỗ nằm. Đêm đó ngài bị kiết lỵ, đầu hôm thì Tứ thiên Vương, giữa đêm thì Đế Thích hầu ngài. Gia đình ngài Xá Lợi Phất có bảy vị A-la-hán, trong đó có hai vị đệ nhất đặc hạnh, ngài Xá Lợi Phất trí tuệ, vị kia là Khadiravanya Revata (Khadira: cây keo; vanya: rừng, người sống trong rừng keo, thời Đức Phật người tên Revata rất nhiều nên tên phải ghép thêm như vậy để phân biệt). Đức Phật và chư tăng từng đến thăm vị này, trên đường đi đến đây nghe đồn đây là khu rừng ma thiêng nước độc mà ngài Revata là đệ nhất ẩn lâm. Các ngài nghe đồn vậy nhưng khi đến nơi thì thấy đường phố thênh thang, xóm làng trù phú, thanh niên thiếu nữ dập dìu “ngựa xe như nước áo quần như nêm”, các vị thấy vậy có lòng không phục. Đức Phật chú nguyện cho hai vị tỳ kheo để quên đồ trong khu rừng, hai vị quay trở lại thì thấy rừng rậm hoang vu. Nhóm về trước gặp ngài Cấp Cô Độc, mới kể là nơi đó là phồn hoa phố thị, còn nhóm về sau thì kể đó là khu rừng già đáng sợ. Ngài Cấp Cô Độc nghe lấy làm lạ, sao chư tăng đi cùng Đức Phật đến cùng một chỗ mà đi về thì kể khác nhau nên mới đi hỏi Đức Phật. Đức Phật trả lời đó là nơi hoang sơn dã lãnh lam sơn chướng khí, nhưng chư thiên muốn cúng dường Như Lai và chúng tỳ kheo nên mới hóa hiện như vậy. Riêng tôn giả Revata cũng muốn cúng dường phòng ốc cho Đức Phật và chư tăng ở nên mới hóa hiện như vậy. Đó là em trai của ngài Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất trước khi đi tu có tên là Upatisa, sau khi đi tu ngài có tên là Sariputta. Ngài có người em trai tên là Upasena Vangantaputta. Người anh ngài Xá Lợi Phất có tên đời là Upatisa nhưng có ngoại hiệu Sariputta nghĩa là con của bà Sari; em trai ngài là Upasena, Vangantaputta nghĩa là con của ông Vanganta, người em được gọi theo tên của người cha. Ngài Revata có cuộc đời đặc biệt, trong ngày cưới vợ, nhìn thấy bà ngoại của mình già quá mới hết hồn, nghĩ trong lòng vợ mình mai mốt giống thế này thì nản lắm nên bỏ trốn đi xuất gia ngay trong ngày hôn lễ; còn ngài Upasena Vangantaputta thấy anh chị mình đi tu nên cũng bắt chước đi tu và chứng đắc A-la-hán. Một buổi trưa bào huynh của ngài Upasena và chư tăng đi bát xong về ăn cơm trên ngọn núi, ngài Upasena Vangantaputta đang may y trong một cái hang trên ngọn núi, bị một con rắn cực độc cắn vào người. Với vết cắn này biết mình không thể sống được, ngài mới nói với ngài Xá Lợi Phất: Tôi bị rắn độc cắn không qua nổi, xin sư huynh cho người đem tôi ra ngoài giùm. Ngài Xá Lợi Phất khen: Thật hi hữu thay, trong giây phút này mà sắc diện của hiền giả vẫn chói sáng không giống như người sắp ra đi. Ngài Upasena Vangantaputta trả lời: Tôi được như vậy là vì từ lâu rồi tôi không nhìn xác thân này là tôi, là của tôi. Chỉ có thánh với nhau mới làm được việc như vậy, em ruột chết trước mặt mà còn khen nhau. Bữa tôi về thăm gặp sư cậu bịnh nằm trong cái phòng chật, dơ và nóng là sốc chịu không nổi huống chi nhìn người thân bị rắn cắn, biết rõ người thân bị rắn cắn không qua khỏi mà vẫn tỉnh bơ. Trong kinh có những chỗ “vô tự” (không nói nhiều) nhưng ý rất nhiều. Trong kinh có ngài Ratthapāla xuất thân là một công tử thế gia vậy mà nhìn thấy chậu cháo thiu mà dám đề nghị đổ cháo thiu vào trong bát của mình đem về ăn, tôi nhà nghèo mà thấy thức ăn không rõ nguồn gốc là tôi đã lạnh người. Thà tôi ăn cơm với muối mà sạch chớ đồ ăn ngon thơm mà không rõ gốc tích tôi nuốt không nổi. Cháo thiu là đồ bỏ đi có kèm theo bao nhiêu thứ trong đó vậy mà ngài kêu người đầy tớ đổ vào bát đem về ăn hết thì tôi chỉ còn nước quỳ lạy thôi. Ngài Ca Diếp đi bát thì người cùi rớt ngón tay vào bát, ngài liệng ngón tay ra rồi ăn hết bát đó. Những vị thánh như vậy, cha mẹ có quỳ lạy dưới chân cũng đáng, vì là phước điền cho họ. Đêm cuối cùng ngài Xá Lợi Phất trở về, bà mẹ dù chưa biết con mình đã là gì, nhưng nhìn cách đi cách đứng cách mỉm cười của con mình bà biết đứa con này không thuộc về mình mà đã thuộc về trời cao đất rộng. Buổi sáng sớm, bà vào hỏi thăm sao ban đêm trong phòng sáng ngời, ngài nói là Phạm Thiên xuống hầu. Bà ngạc nhiên, ngài không giải thích ngài là ai, mà chỉ nói: “Thầy của tôi, mẹ có biết không, Phạm Thiên xuống hầu Phật giống như một người đệ tử, một thị giả, một sa di vậy”. Bà mẹ nghe vậy hoan hỉ và ngài giảng Bốn Đế cho bà nghe. Nghe xong bà đắc quả Tu-đà-hoàn và quì sụp xuống, bà biết trước mặt bà là ai, đó là vị Thượng Thủ Thanh Văn, đệ nhất trí tuệ của vị Chánh Đẳng Chánh Giác, bà biết bà có một người con xuất sắc, nhân vật số hai trong toàn vũ trụ, và sau đó ngài chỉ nói: Này các hiền giả, các hành là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có dễ duôi. Rồi ngài lấy y che mặt lại và nhập thiền, sơ nhị tam tứ thiền, sau khi xuất khỏi tứ thiền, ngài lập tức viên tịch. Trong kinh nói lúc đó địa cầu rung động, địa cầu rung động trước sự ra đi của một bậc đại trí. Bậc thánh như vậy đáng được cha mẹ huynh trưởng lễ bái, cúng dường.

“Samaṇīdha jātihīnaṃ, abhivādenti khattiyā’’ti”: Vị Sa-môn được như vậy, chẳng những đáng để cho cha mẹ huynh trưởng đảnh lễ mà ngay cả những bậc đế vương có quì lạy, đảnh lễ một vị sa môn có gia thế tầm thường cũng không có gì lạ. Có người đến hỏi Đức Phật về vấn đề gia thế của một tỳ kheo có liên hệ gì đến sở đắc và sở chứng của vị này không, Đức Phật trả lời: Khúc gỗ nào cũng được, miễn là có thể đem đốt ra lửa thì thôi, ngọn lửa trên các khúc gỗ đều giống nhau. Dù là gỗ tạp hay danh mộc, một khi đã cháy rồi thì ngọn lửa giống nhau. Xuất xứ của các vị Sa-môn, tỳ kheo có thể khác nhau nhưng nếu tu học tới nơi tới chốn thì ngọn lửa họ thắp lên được sẽ giống nhau. Đó là lý do tại sao một vị sa môn, jātihīnaṃ, dù thân thế tầm thường, đến cả hàng đế vương cũng có thể đảnh lễ được. Bây giờ đã là bảy giờ sáng. Chúng ta phải mừng vì đã kết thúc một chương. Xin đảnh lễ chư tôn đức, chào các vị Phật tử.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app