Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 – Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên – Phẩm Cây

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Phẩm Cây

Kinh Tư Lường

Tư Lường (Parivimamsana) ở đây có nghĩa là suy nghĩ, trầm tư bằng trí tư, sau đó bằng trí tu, là suy tư. Nội dung kinh là người học đạo suy xét nguồn cơn xem các khổ trên đời từ đâu có, suy tư theo nguyên lý Duyên khởi thì sẽ thấy. Có nhiều cách suy tư, nhưng suy tư theo nguyên lý Duyên khởi là một trong những cách giúp ta chứng thánh. Phải suy nghĩ thế nào để thấy được nhân luân hồi, quả luân hồi, phiền não luân hồi.

Trong 12 Duyên khởi có cái là nhân, có cái là quả. Quả được tạo ra từ nhân, nhưng cũng là nhân để tạo ra quả khác. (Kỳ nhông ông kỳ đà, kỳ đà cha cắc ké, cắc ké mẹ kỳ nhông)

Vô minh là nhân, duyên cho hành cũng là nhân. Hành duyên cho thức (quả). Thức duyên cho danh sắc (quả). Danh sắc duyên cho lục nhập (quả ). Lục nhập duyên 6 xúc cũng là quả, xúc duyên thọ cũng là quả. Thọ duyên cho 6 ái, là nhân. Sáu ái duyên cho 4 thủ cũng là nhân. Tứ thủ duyên cho nghiệp hữu cũng là nhân, duyên cho sinh hữu là quả. Hai hữu duyên cho sanh, là quả. Sầu bi khổ ưu não, vừa là nhân, vừa là quả. Nhân ở đây là tâm thiện hay bất thiện. Quả ở đây là quả thiện hay quả bất thiện được tạo ra từ các tâm thiện hay bất thiện.

Vô minh, phi phúc hành, ái, thủ, nghiệp hữu bất thiện là phiền não luân hồi.

Người học đạo ngồi suy tư, lúc đầu thấy bằng trí văn, tức qua chữ nghĩa; dần dần thấy bằng trí tư, tức qua sự trầm tư thấm thía; cuối cùng là thấy bằng trí tu, tức sự thể nghiệm, thân chứng lúc tu tập Tứ Niệm Xứ. Vừa nhìn, nghe cái gì đó mà thấy thích là biết liền, vô minh đang có mặt, biết phi phúc hành đang có mặt, biết ái đang có mặt, biết lục nhập đang làm việc, biết 6 xúc, 6 thọ đang có mặt, biết rõ 4 thủ đang có mặt, biết rõ nghiệp hữu đang có mặt. Lúc đầu biết theo trí văn, lâu ngày biết theo trí tư, và khi sống trong chánh niệm thì biết liền. Giống như người chưa từng học hóa chất, liếc thấy một giọt nước chanh đang nhểu xuống thì không biết nhưng người có học hóa thì biết trong đó có chất gì liền. Một anh thợ máy giỏi thì chỉ cần nghe tiếng máy lúc đề là biết có vấn đề gì xảy ra liền. Hoặc dân nấu ăn giỏi, những người có lưỡi hoàng đế, múc miếng chè bỏ vào miệng là biết ngay công thức, có chất gì trong đó, còn dân không biết nấu ăn thì không biết thứ gì trong đó. Tu là phải có học, không học mà ngồi đòi biết như người ta thì chỉ có chiêm bao thôi.

Vị đó thấy rõ tất cả những cái khổ trên đời này ở đâu mà có, do phút chào đời mà có. Giây phút chào đời này ở đâu mà có? Do hai hữu mà có. Hai hữu ở đâu mà có? Do tứ thủ mà có. Tứ thủ ở đâu mà có? Do 6 ái mà có. Sáu ái ở đâu mà có? Do 6 thọ mà có. Sáu thọ ở đâu mà có? Do 6 xúc mà có. Sáu xúc ở đâu mà có? Do 6 xứ mà có. Sáu xứ ở đâu mà có? Do danh sắc đầu đời mà có, danh sắc đầu đời từ 32 quả thức mà có. 32 quả thức này có từ ba hành, ba hành có từ 4 vô minh, 4 vô minh do tứ lậu, tứ lậu do sự vùng vẫy trong tuyệt vọng của một người bị sầu bi khổ ưu não. Sầu bi khổ ưu não do đâu mà có? Do sanh mà có. Cứ vòng vòng như vậy, là vòng tròn khép kín không có điểm bắt đầu nhưng bắt đầu chỗ nào cũng được.

Vị đó thấy rõ rằng, một khi không có cái này thì không có cái kia. Cuối kinh, Đức Phật hỏi chư tăng: Một vị đã hết phiền não thì có thể còn ý muốn đầu tư ba hành hay không? Chư tăng trả lời là không. Như một người hiểu chuyện thì không hề muốn có mặt ở Iraq với bất cứ hình thức nào, làm ăn, tạm trú đều nguy hiểm. Mình còn muốn luân hồi là vì mình còn thấy thích, mình thích vì quên mất câu thần chú, tất cả những gì mình thích đều là đồ giả.

Tôi nhớ một câu chuyện ngắn trước 75. Câu chuyện về một gia đình ở miền Trung, vì chiến tranh nên một gia đình phải dời đi vào Sài Gòn. Thằng nhóc luyến tiếc chõng tre, con chó mực, con chị thì tiếc búp bê. Khi xe chạy rồi tụi nó còn quay lại ứa nước mắt. Má nó giải thích là về ngoại ở để tránh đạn bom. Tôi thấm câu chuyện đó là trong tâm tình trẻ thơ, chúng yêu được những cái mà người lớn coi không ra gì. Một thời tuổi trẻ yêu được những cái mà thời trung niên không yêu được. Thời trung niên yêu được những cái mà tuổi già yêu không được. Đàn ông yêu được những cái đàn bà không yêu được. Đàn bà yêu được những cái mà đàn ông không yêu được. Người ít học yêu được những cái người trí thức không yêu được, người trí thức yêu được những cái người ít học không yêu được. Người châu Á yêu được những điều người Âu Mỹ khó chấp nhận. Người Âu Mỹ yêu được những điều người Đông phương khó chấp nhận. Tùy tâm tư, trình độ, công đức xưa, hoàn cảnh hiện tại mà dẫn đến mình thích cái gì ghét cái gì. Nhu cầu kéo theo thị hiếu, sở thích. Tiền nghiệp dẫn đến môi trường sống, môi trường sống dẫn đến nhu cầu, nhu cầu dẫn đến sở thích, thị hiếu.

Có thể tôi xuất thân là người nghèo nhưng đến tuổi này tôi có bạc tỷ đô la trong tay tôi cũng không nghĩ đến chuyện mua căn hộ đắt tiền để ở, tôi chỉ thích đi. Trong vali của tôi có dán cái tên để đừng lạc “Thích Phương Trì”, phương trì là phi trường. Phương là thơm, trì là cái ao, nhưng phương trì ở đây là phi trường. Thà là tôi đi như vậy, tôi sẽ chia gia tài, cái nào cho tổ chức PG nào. Nếu có tiền tôi sẽ làm bệnh viện nông thôn ở Miến Điện, tôi thương Miến Điện. Tôi muốn đến mấy trường đại học của Miến Điện, Tích Lan xin cúng tiền để họ mở ra những chuyên khoa về hoằng pháp, tôi muốn họ được học lớp ngoại ngữ đặc biệt của các giáo sư bản xứ để họ có thể đi về các nước khác hoằng pháp một cách hiệu quả. Ví dụ về Đức phải biết tiếng Đức, biết văn hóa Đức, biết cơ cấu xã hội Đức để hội nhập thậm chí hòa tan để hoằng pháp hiệu quả hơn. Tôi thích mỗi sáng thức dậy tôi nhìn thấy một khung cảnh mới, một bờ biển mới, một bìa rừng mới và tôi chán thì tôi đi. Tôi thích như vậy hơn nếu có tiền chớ không chịu cảnh nửa đêm thức dậy cũng nhìn thấy cái nhà đó, sáng dậy, buồn vui cũng cái nhà đó, tôi cảm giác mình giống như con chuột giữ hang. Nếu tôi ở trong nước tôi sẽ dành dụm cho con em đi định cư hoặc đi du học hết chớ không bỏ tiền ra cất cái nhà hoành tráng bằng gỗ lim, cẩm lai, đi xe đắt tiền, sống kiểu đại gia. Không bao giờ. Tối thiểu không được về Âu Mỹ thì cũng tống con em qua Thái Lan hết, không để ở trong nước.

THỦ (Upadanasutta)

Toàn bộ nội dung kinh này chỉ gói gọn trong hai chữ quan trọng sau đây: Toàn bộ nội dung kinh này chỉ gói gọn trong hai chữ quan trọng sau đây: ‘Assadanupassino’ kiểu nhìn ngắm thời gian qua lăng kính màu hồng, thấy toàn sự ngọt bùi để tiếp tục ở trong vòng tròn Duyên khởi. kiểu nhìn ngắm thời gian qua lăng kính màu hồng, thấy toàn sự ngọt bùi để tiếp tục ở trong vòng tròn Duyên khởi. ‘Adinavanupassino’ kiểu nhìn ngắm thế giới qua những khía cạnh tiêu cực để nhàm chán và từ đó ra khỏi vòng tròn Duyên khởi.

Đức Phật dạy khi mắt, tai, mũi, lưỡi đón nhận trần cảnh ở những khía cạnh ngọt ngào thì mình mới thích, từ chuyện mình thích mới dẫn đến vòng tròn Duyên khởi. Vô minh duyên hành, hành duyên thức…, từ đó toàn bộ khổ uẩn được hình thành. Còn một người nhìn thấy thế giới này qua những sắc, thinh, khí, vị, xúc, nhìn thấy ở khía cạnh tiêu cực thì họ thấy mọi thứ do duyên mà có, đã có rồi thì bị mất, nhìn thấy như vậy họ mới nhàm chán, ly tham và có thể giải thoát được. Vì vậy nội dung bài kinh này cũng như toàn bộ nội dung tu hành giải thoát của mình chỉ nằm trong Adinavanupassino và Assadanupassino.

‘Assadā’: vị ngọt; ‘Anūpassīno’: chiêm ngắm, quan sát.

Một người thường xuyên thấm thía vị đắng của cuộc đời thì thường rất chừng mực trước cái gọi là vị ngọt, luôn cảnh giác. Người chìm đắm trong vị ngọt thường khi đau khổ gấp bội lúc nếm trải vị đắng. Đây là kinh nghiệm bằng vàng.

Tôi nhìn thấy những cuộc họp mặt mà người trong cuộc vui vẻ cười đùa thoải mái đến mức quên mình thì tự nhiên tôi ngại giùm, không biết niềm vui này kéo dài được bao lâu. Trong khi đó, những hành giả thứ thiệt gặp nhau rất khó lòng nhìn thấy họ có những trận cười thoải mái. Bởi vì tất cả những trận cười của mình đi ra từ sự thất niệm, từ sự thiếu cảnh giác. Một nhóm tử tù ngồi lại với nhau khó mà có những trận cười hết mình. Một nhóm bệnh nhân ung thư kỳ cuối ngồi gần nhau cũng vậy. Họ luôn sống trong một ý thức thường trực về những gì mình đang trải qua và sẽ phải đối mặt sắp tới.

Hành giả Tứ Niệm Xứ là những người luôn thấy mình là tử tù, là bệnh nhân ung thư kỳ cuối. Chỉ sống bằng tâm trạng này thì người ta mới dễ dàng buông bỏ mọi sự và tha thứ độ lượng dễ dàng hơn. Tôi không có ý kêu gọi bà con sống trong sự héo úa, lo âu sợ hãi, tôi chỉ muốn nói ý thức thường trực của mình về bản chất thật sự cần thấy của đời sống. Mình dễ duôi là vì mình thấy mình còn nhiều thời gian, chớ thật ra, chuyện ngủ dậy mà bị liệt một bên người thì không khó, hoặc thấy trong người kỳ kỳ đi ra bác sĩ và họ phán mình bị ung thư cũng không khó, nhất là trong bối cảnh hiện tại, thức ăn độc hại, môi trường ô nhiễm, âu lo toan tính thường trực trong đầu. Ông bà mình ngày xưa không giàu bằng mình, nhưng họ thanh thản hơn mình nhiều lắm. Tôi nhớ Đức Dalai Lama nói: Người ta đang đem bán thời gian và sức khỏe, tuổi trẻ của mình để lấy tiền. Mai sau lấy tiền mua lại sức khỏe và tuổi trẻ, nhưng dĩ nhiên không còn kịp nữa. Bà con là cư sĩ phải đi làm kiếm sống, nhưng phải thường xuyên nhớ câu này. Kiếp người khó kiếm mà chỉ vì miếng cơm manh áo mình phải đi vật lộn với đời sống để đổi lấy ít tiền. Không có gì tan nát cho bằng sức khỏe mình đang ngon lành, mình đang có khả năng thiền định rất là tốt mà phải bỏ hết đi làm, mỗi ngày ngồi mấy tiếng đồng hồ ngoài sở, gom được mớ tiền gởi nhà băng, tới lúc về hưu thì cái đầu không tập trung được, học đạo không được, ngồi thiền không được. Lúc đó chỉ còn tiền trong nhà băng thôi, rồi lấy tiền đó đi làm phước, nghe nói chùa nào xây cất, đúc tượng in kinh thì hùn. Chuyện làm phước đó tôi không bài bác nhưng nó chỉ có tác dụng rất nhỏ đối với đời sống tinh thần của mình. Về hưu 65 tuổi làm phước ròng rã 5 năm trời, rồi thành cụ già 70, mà đời sống tinh thần quá nghèo nàn, lúc đó chỉ cần gặp cái sốc trong gia đình thì chịu không nổi, tấm thân đau nhức cũng chịu không nổi. Rõ ràng có năm năm trời đi làm phước mà không có giây phút nào để sống tĩnh tại và nội hướng. Hôm nay, bà con vẫn đi làm để sống chớ ai nuôi mình đâu nhưng hãy nhớ chừng “tôi đang bán rẻ sức khỏe và thời gian của tôi để lấy tiền, mai này tôi sẽ lấy tiền để mua lại những thứ tôi đã bán rẻ năm xưa.” Tâm niệm thường xuyên như vậy rất có lợi. Đó là nội dung bài kinh Thủ.

 

Nếu quí vị là người tin Phật thì sẽ thấy rằng cơ hội quay lại làm người không dễ, nói gì làm người được gặp chánh pháp, nghe Phật pháp. Hãy tưởng tượng, nếu hôm nay trên hành tinh này, cũng với nền khoa học phát triển rực rỡ như vậy và chúng ta là những người tuổi trẻ thành công học thức giàu có như vậy đó, nếu như không có Phật pháp thì sẽ ra làm sao. Nhớ giùm Phật pháp ở đây không phải là cái chùa, là bóng dáng tăng ni, mà là những gì mình nghe được, thấm thía được, đem lại sự thay đổi tích cực cho đời sống của mình. Chớ đừng hiểu Phật pháp theo nghĩa chùa to Phật lớn, tăng ni đầy đường đỏ chợ, bản thân mình thì có tiền làm phước ào ạt mà trong khi đó đời sống nội tâm quá sức nghèo nàn, chỉ những câu hỏi nhẹ nhàng mà không sao trả lời được, không tìm được lời giải đáp: Tôi là ai, ở đâu đến, sẽ về đâu, hiện giờ nên làm gì?

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app