Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 – Chương 5: Tương Ưng Kassapa – Không Biết Sợ

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 5: Tương Ưng Kassapa

I. KHÔNG BIẾT SỢ

Anottappīsuttavaṇṇanā

Ngài Xá Lợi Phất đến thăm ngài Ca-Diếp. Giữa hai vị A-la-hán tứ tuệ phân tích, lục thông như nhau, đều không còn phiền não, người này biết trước người kia sẽ nói cái gì cho người khác, cho đời sau. Họ nói với nhau những điều cả hai đều biết, giống như hai người chơi lan, hoặc hai người chơi đồ cổ gặp nhau. Ví dụ ông A thăm ông B nhìn thấy ấm trà đời Tống thì nói câu này: Tiền mất kiếm được chớ chuyện gì thuộc về quá khứ kiếm không được, tôi mê ấm trà của ông, cái núm giữ nhiệt tuyệt vời. Mình nghe như vậy thì dễ dàng hiểu rằng ông này nói những gì ông kia không biết, thật ra cả hai ông đều hiểu chuyện đó hết. Không riêng bài kinh này, quí vị sẽ bắt gặp rất nhiều bài kinh như vậy trong kinh tạng. Hai vị A-la-hán gặp nhau và người này nói với người kia những điều cả hai đều biết.

Trong bài kinh này, ngài Xá Lợi Phất gom toàn bộ hạnh tu của một tỳ kheo thứ thiệt vào hai pháp: Vị có hai pháp cần tránh và hai pháp cần có:

Hai pháp cần tránh:

1. Anatapi: sống thiếu nhiệt tâm nhiệt huyết

2. Anottappi: không biết ưu tư (không biết sợ) trong đạo nghiệp.

Hai pháp cần có:

1. Atapi: nhiệt tâm

2. Ottapi: biết ưu tư trong đạo nghiệp

Nếu mình không lưu ý cứ để cho thị phi làm phiền mình hoài thì sống còn không nổi chớ đừng nói tu. Đây là chưa nói danh lợi, tình cảm. Một người biết thương mình thì hãy nhớ, Phật pháp biết rồi, Phật nói cái gì cũng là đồ giả, biết chuyện đó rồi mà sao cứ để khen chê làm khổ mình hoài. Người biết nghĩ như vậy là người biết sống có ưu tư. Người như vậy là người được gọi là người sống có nhiệt huyết, không buông trôi thả nổi.

Phật nói cái gì cũng là phù du, sao mình vẫn sợ chết. Chết chỉ là một hiện tượng tự nhiên, sao mình lại sợ. Cái quan trọng là mình tu như thế nào để bớt được sợ chết, để nay mai nằm trên giường bệnh đỡ hoảng hốt. Trong đạo Phật có hai cách sợ chết:

– Sợ theo kiểu trẻ con, hốt hoảng của người không biết đạo.

– Sợ của người cầu đạo giải thoát, nghĩ chuyện tu hành để không còn sinh tử nữa hoặc còn phàm thì phải có cái chết thanh thản.

Người có ưu tư, nhiệt tâm thì luôn luôn nhìn lại mình để biết nên thêm cái gì, bớt cái gì, cái gì nên có, cái gì nên không.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app