Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 7: Tương Ưng Bà La Môn

NAVAKAMMIKA (Navakammikasutta)

‘Nava’: ‘mới’. Chữ này cũng hay, có những chữ na ná nhau trong các ngôn ngữ khác giống như đi ra từ một gốc vậy (new, nouveau, neu). ‘Kammika’: ‘công việc’. ‘Navakammika’: ‘xây dựng’ (công việc làm mới). Trong tạng Luật hoặc trong sách Thiền của PG Nam Tông rất thường có chữ “navakammika” này: Hành giả nên tránh trú xứ nào có navakammika. Nếu có lòng phục vụ thì tốt, còn có lòng trau dồi chánh niệm, chuyên tu thiền định mà có mặt ở những chỗ này rất là phiền, tối ngày cứ nghe đập rầm rầm, cạy gỡ, đập phá, hoặc có những chỗ người ta đang xây mình tới ngồi yên coi cũng kỳ mà tham gia thì làm sao tu. Trong tạng Luật thì ưu tiên cho vị tỷ kheo nào đang gánh trách nhiệm navakammika. Ví dụ như tỷ kheo nuôi bệnh, tỷ kheo đang gánh vác navakammikaxây dựng chùa chiền thì có những đặc quyền, đặc ân, đặc lợi.

Theo trong chú giải, ông Navakammika là một người thợ làm nhà, ông đi vào trong rừng để tìm những loại gỗ tốt về làm đồ gia dụng cho người ta để kiếm sống. Dĩ nhiên mình phải hiểu ngầm khái niệm về lâm sản môi trường hồi đó không giống như bây giờ. Hồi đó đất vẫn rộng như bây giờ nhưng người ít, và không có phương tiện máy móc để làm việc hiệu quả như bây giờ nên việc phá rừng không trầm trọng như ngày nay.

Ông Navakammika đang làm việc trong khu rừng, nhìn thấy Đức Thế Tôn đang ngồi thiền, ông đến hỏi: Người ta có công chuyện mới vô rừng, ngài vô đây có một mình ngồi kiểu này thấy hiu quạnh vậy, có chuyện gì làm, có gì vui mà ngài vô đây. Đức Phật nhìn thấy căn cơ túc duyên ông này thích hợp với cái gì nên Ngài mới xoay quanh một chữ thôi: ‘ Đức Phật nhìn thấy căn cơ túc duyên ông này thích hợp với cái gì nên Ngài mới xoay quanh một chữ thôi: ‘rừng’. Ngài nói cho ông một bài kệ rất ngắn và hàm súc. Câu trả lời của Đức Phật đọc vô bản Pāḷi thì hay vô cùng:

“Na me vanasmiṃ karaṇīyamatthi,

Ucchinnamūlaṃ me vanaṃ visūkaṃ;

Svāhaṃ vane nibbanatho visallo,

Eko rame aratiṃ vippahāyā’’ti.

Ở đây có chữ rất là hay đó là chữ “nibbana” (niết bàn). Chữ Niết bàn có nhiều cách định nghĩa:

Ni: không; vana: vết thương. (‘nibbana’: không còn thương tích nữa)

Ni: ra khỏi; vana: khu rừng (nibbana: ra khỏi khu rừng)

Ni: không, hết, không còn; vana: dệt vải, kết sợi, xe chỉ. (nibbana: thất chức).

Đức Phật nhắc tới nhắc lui nhiều lần chữ “vana”

Ngài trả lời: Ta không có chuyện gì trên rừng hết. “Rừng” ở đây có nhiều nghĩa. Nói theo nghĩa thông thường thì “rừng” là chỗ nhiều cây cối thiên nhiên tự mọc tự lớn, không ai chăm sóc, nhưng hàm ý sâu hơn, “rừng” nghĩa là thế gian này, là cuộc đời sinh tử này:

“Na me vanasmiṃ karaṇīyamatthi,” Ta không còn chuyện gì để làm trong rừng

“Ucchinnamūlaṃ me vanaṃ visūkaṃ”; Với ta thì không còn cái gì gọi là rừng nữa

“Svāhaṃ vane nibbanatho visallo”, bởi ta không còn một chút thích thú nào trong cái gọi là rừng. Câu này còn một cách hiểu nữa là: tất cả cây cối không còn nữa.

Chữ ‘Vanatha’ có hai nghĩa: ‘niềm đam mê’; ‘sự rậm rạp’

“Eko rame aratiṃ vippahāyā’’ti”. Ta sống một mình và không còn vui cũng chẳng còn buồn

Tất cả chúng ta có mặt trong cuộc đời này giống như những người bộ hành hay những người lữ khách đang có mặt trong khu rừng. Chúng ta có nhiều chuyện để làm trong đó vì chúng ta còn thích cái này ghét cái kia. Chúng ta còn ưa thích hạnh phúc, còn ghét sợ đau khổ nên chúng ta còn nhiều chuyện để làm. Từ một con kiến con ong con mối, cho đến con voi con cọp, con người giàu nghèo sang hèn, giỏi dở, tất cả bắt đầu một ngày mới là phải lao vào cày xới trên cánh đồng sinh tử để kiếm sống. Hôm trước Ngài nói về cánh đồng, hôm nay Ngài nói về khu rừng, cũng với ý đó, tất cả chúng ta bắt đầu một ngày mới bằng sự tần tảo trên đồng hoặc trong rừng để sống để tồn tại. Cho dù chúng ta có giàu có đến mấy, sang cả tiếng tăm quyền lực đến mấy, cho dù không phải vật lộn với miếng cơm manh áo nhưng phải nhìn nhận rằng từng ngày chúng ta vẫn cứ vật lộn với đủ thứ để mà sống. Dù chúng ta là tổng thống hay tỷ phú, hay đứa bé đánh giày trên phố, mỗi ngày cái đầu chúng ta không yên vì chúng ta phải đối phó với cái thích và ghét. Chính vì phải đối phó như vậy nên cả đời mình mãi là nông phu trên cánh đồng sinh tử, mãi hoài là người đi trong rừng làm việc để tồn tại và mưu sinh. Với Thế Tôn, với một vị A-la-hán thì chuyện thích ghét không còn nữa. Đây là hai mặt đối lập của một đồng tiền, nụ cười ở đâu nước mắt ở đó, thích ở đâu ghét ở đó, thương ở đâu sợ ở đó. Đối với một vị không còn sanh tử nữa thì vị ấy không còn lý do gì để thích hay ghét bất cứ điều gì trên đời này nữa hết. Và tôi muốn nói đi nói lại một điều, ngay bây giờ các vị thấy không cần, nhưng một ngày nào đó tóc bạc nhiều hơn các vị sẽ thấy thấm, đó là toàn bộ những gì mình thích, mình mê, mình thương trong cuộc đời này nó vô nghĩa, ngây ngô, trẻ con, không tưởng nỗi, bởi vì động cơ, nguyên nhân, lý do, cơ sở, nền tảng dẫn đến mình thích hay ghét cái gì đó là do:

1/ Tiền duyên đời trước đẩy mình vào hoàn cảnh sống trong hiện tại, trong hoàn cảnh buộc chúng ta phải chọn cái này hoặc chọn cái kia. Ví dụ nghiệp đẩy tôi về làm một đứa bé ở miền Tây Nam Bộ VN thì tự nhiên tôi phải thích chuyện nặn đất, lội sông, hái trái, chăn trâu v.v… Nghiệp đẩy tôi về thành phố châu Âu hay Nam Mỹ thì tự nhiên tôi phải thích hợp với những nơi đó.

2/ Khuynh hướng tâm lý bản thân. Ví dụ nhiều đời tôi thích sát: câu cá, đá dế, chăn nuôi lấy thịt v.v… giờ sanh ra tôi thích những việc đó.

3/ Hoàn cảnh hiện tại. Túc nghiệp không cũng chưa đủ, khuynh hướng tâm lý cũng chưa đủ, dù túc nghiệp đẩy tôi về VN, về ở phố mặt tiền, thì không thể nào có điều kiện sát sanh như một đứa bé nhà quê.

Phải đủ 3 duyên trên cộng lại thì mới khiến cho mình thích cái này ghét cái kia, mình cứ tưởng đó là hay ho ghê gớm, dệt mộng về nó, nhưng thật ra bản thân những thứ mình thích đó không phải là hằng số bất biến mà hoàn toàn tùy thuộc vào 3 duyên trên. Chính vì thích nên còn ghét, mình thích sạch nên ghét dơ và ghét luôn những con gì từ chỗ dơ ra (gián, chuột, ruồi) và ghét những nơi đầm lầy nước đọng… Từ chỗ đó mà cái này có cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sanh cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt là chỗ đó. Đó là lý do ngài Xá Lợi Phất khi nghe câu kệ: “Vạn pháp do duyên sanh, vạn pháp do duyên diệt, bậc đại Sa môn, đạo sư của tôi đã nói hết về duyên sanh duyên diệt của vạn pháp…” chỉ nghe như vậy ngài thấy ra toàn bộ giáo lý duyên khởi, giáo lý Tứ Đế, và ngài đắc Tu-đà-hoàn. Ngài thấy rõ ràng đời sống này là sự thừa tiếp của cái trước và cái sau, cái sau không phải là cái trước, cái trước không phải là cái sau nhưng kết nối với nhau bằng nguyên tắc nhân quả.

Vì vậy ở đây Thế Tôn nói rõ: Ta không có chuyện gì để làm ở khu rừng đó hết vì ta không còn cái gì để ta thích cũng không còn cái gì để ta ghét, ta không phải theo đuổi và không trốn chạy cái gì. Cái gọi là rừng đối với ta cũng không còn nữa, vì những yếu tố tạo nên khu rừng đó không còn nữa. ‘Yếu tố’ ở đây là chữ ‘vanatha’ (sự đam mê, rậm rạp). Từ đó mới có chữ nibbanatha (ni + vanatha).

Quí vị nhớ ghi câu này: Chú giải kinh Navakammika của Tương Ưng Kinh có một định nghĩa rất sâu, rất sátrất rộng và rất hay về chữ ‘Nibbana’. Trên đầu giường của tôi luôn có cuốn sổ tay và cây bút chì, mỗi khi tôi đọc sách ban đêm, có gì tôi hay ghi vào trong đó. Tôi có cái ba lô, trong đó có nước uống, thức ăn khô, tôi mang theo khi đi trên xe lửa. Lúc nào trong ba lô cũng có cuốn giấy trắng để tôi ghi và trong ipad lúc nào cũng có phần note để ghi chú.

“Nibbanathoti nikkilesavano”: ra khỏi khu rừng phiền não

Bài kệ này sâu là ở chỗ đó: Ta không còn chuyện gì để làm trong rừng vì cái gọi là rừng đối với ta không còn nữa. Rừng không còn nữa vì những yếu tố tạo nên rừng cũng không còn nữa. Nói rốt ráo là ta không còn thích và không còn bất mãn cái gì nữa.

KATTHAHĀRA (Kaṭṭhahārasutta)

Ông này cũng vào trong rừng, cũng thấy Đức Phật ngồi trong rừng. Bà-la-môn giáo là thờ Phạm thiên, trong đời của người Bà-la-môn chia ra nhiều giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là: 1/Gahattha (giai đoạn cư sĩ); 2/Brahmacari (Phạm hạnh). Triết lý sống, nhân sinh quan của Bà-la-môn hay lắm. Ở đây mình không nói đến phương diện tri kiến rốt ráo của Phật pháp mà nói theo thế gian thì nền văn minh của Ấn Độ cao hơn vượt khỏi TQ rất là xa. TQ thì trong lý tưởng nhập thế, dấn thân phục vụ xã hội thì người ta theo đạo Khổng để làm quan, để có chức quyền, tiền bạc, mặt mũi tiếng tăm cho mình và cho dòng họ. Khi về già hoặc bất đắc chí thì họ quay sang Lão Trang hoặc PG. Hoặc trở về chùa như Tô Đông Pha, hoặc tuy lớn tuổi có vợ con nhà cửa nhưng trở thành cư sĩ chìm sâu trong việc nghiên cứu Phật pháp, hoặc trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng chìm đắm trong những suy tư của Lão Trang. Tư tưởng Lão – Trang chỉ lòng vòng có mấy cuốn: Nam Hoa Kinh của Trang Tử, Đạo Đức Kinh của Lão Tử, Dương Tử Liệt Tử (lấy tên tác giả làm tên sách) mấy cuốn này nên đọc. Nếu một người có học A-tỳ-đàm, học thiền quán, học Phật pháp nói chung, đặc biệt là A-tỳ-đàm, bằng tâm hồn của một người Phật tử tin Phật và phải có kiến thức tương đối nền tảng về Phật pháp một chút, nếu có làm một cuộc rong chơi trong trần thế này thì nên đến thăm viếng ba bộ sách này. VN mình có bản dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê, các vị sẽ thấy đây là chỗ ẩn náu tinh thần rất dễ thương, rất minh triết, rất thú vị. Người Tàu ngày xưa học chữ ra làm quan, lúc về già hoặc bất đắc chí thì chui vào trốn lánh trong ba bộ sách này. Trong khi đó người Ấn Độ lại khác, người Bà-la-môn Ấn Độ tuổi trẻ sống trong giai đoạn Gahattha (Gaha nghĩa là ‘nhà’, nghĩa là còn sống dựa vào nhà cửa, thế tục), họ chủ trương là có tài sản, có con cái nối dõi, về mặt này họ giống người Tàu. Giai đoạn sau thì họ hơn người Tàu, họ chủ trương một nửa đời trước sống để duy trì thế giới này nhưng một nửa đời sau là để dành cho thế giới tâm linh, để dành cho sự trở về hợp nhất với Phạm Thiên. Theo tín ngưỡng Bà-la-môn giáo mỗi chúng sinh trên trái đất, vũ trụ này nói chung, chính là một mảnh vụn được lấy ra từ đại ngã của Phạm Thiên, ngài là toàn bộ vũ trụ, và từng người trong vũ trụ này chính là những mảnh vụn được lấy ra từ đại ngã đó, mỗi cá thể là một tiểu ngã. Khi chúng ta chết nếu đủ duyên đủ phước đủ công đức thì chúng ta trở về nhập một với nơi chốn xuất pháp của mình đó là Phạm Thiên. Để trở về với nguồn gốc của mình thì phải tu tập công đức, hàm dưỡng các đức tánh, bởi Phạm Thiên là sự trong sạch, sự cao đẹp và chân thiện mỹ; muốn trở về hợp nhất thì phải sạch sẽ mới ráp với ngài được, còn nếu mình vẫn còn dơ bẩn thì tiếp tục là những mảnh vụn trôi dạt đời này kiếp khác, chỗ này chỗ nọ, làm chó làm heo, làm trâu làm ngựa, ăn mày, kỹ nữ ăn cướp lưu manh du đãng v.v… khổ dữ lắm. Vì vậy phải ráng tu tạo công đức, hàm dưỡng đức tánh để trở về với nguồn gốc xuất phát của mình, đây là giai đoạn Phạm hạnh: Brahmacari. Đây là chữ gốc, trước khi Thế Tôn ra đời thì “Brahmacari” mang nghĩa ‘sự hành trì để trở về với Phạm Thiên’, vậy mới gọi là ‘Phạm hạnh’. Từ khi Thế Tôn ra đời, Ngài định nghĩa khác: ‘brahma’ là ‘thánh nhân’. Ngài vẫn xài nghĩa cũ (Phạm Thiên) và có thêm nghĩa mới ‘thánh nhân’. Ngay cả chữ Brahmana trước đây người ta hiểu theo nghĩa là ‘Bà-la-môn’ (những người theo tư tưởng Bà-la-môn giáo) nhưng khi Ngài ra đời thì Ngài dùng theo nghĩa cũ và thêm nghĩa mới là ‘thánh nhân’. Cả Phạm Thiên cũng cho một nghĩa mới là chỉ cho thánh pháp, thánh đạo, cho chánh pháp và cũng có nghĩa là ‘thánh nhân’. ‘Brahmacari’ là con đường hành trì để trở thành Phạm Thiên. Ngài dùng nghĩa cũ nhưng thêm một nghĩa mới, cũng giống như hôm nay chúng ta biết chữ ‘file’, ngày xưa có nghĩa là ‘hồ sơ’, và tên một loại cá (file fish: cá nóc gai). Từ khi có computer ra đời thì chữ ‘file’ mang thêm nghĩa khác. Từ khi có computer chữ ‘delete’ mang thêm nghĩa khác, nhìn thấy nó là mình lập tức nghĩ đến computer liền. Trước khi Thế Tôn ra đời thì có nhiều chữ được dùng rồi nhưng khi Ngài ra đời Ngài cho những chữ đó thêm nghĩa mới nữa.

Ông Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhāradvāja vào trong rừng thấy Đức Phật và mặc nhiên nghĩ chắc Đức Phật cũng vào rừng để tu tập kiểu như ông là để mai mốt trở về hợp nhất với Phạm Thiên. Đức Phật nói: Với một người như ta không còn một đam mê ước vọng gì hết, ta không còn chỗ để đi nữa, kiếp này là kiếp chót rồi. Ta không như các ngươi sống ở đây còn mong đi về chỗ này chỗ nọ. Mọi hiện hữu của danh sắc, mọi hiện hữu của uẩn, xứ, giới, đế là sự lặp lại tẻ nhạt, vô ích, mệt nhoài mà ta đã làm tới lui quá nhiều lần rồi, giờ ta chán rồi, cội rễ sanh tử đã cắt bỏ. Bài kinh trước nói về chữ ‘rừng’, ‘nibbana’, bài kinh này nói về ‘dòng sanh tử’, cũng tương đương như vậy, nghĩa là toàn bộ dòng sanh tử của mình chỉ là sự lặp lại. Thí dụ như bây giờ một chính khách nào đó, một tổ chức, một cá nhân nào đó biến trái đất này trở thành thiên đường, thì sao? Thì bảy tỷ người trên trái đất này không cần phải lo lắng miếng cơm manh áo nữa, rồi thì sao? Xe cộ, máy bay, cần là có, rồi thì sao? Sống hết trăm tuổi rồi thì cũng trở về đất. Cho dù chúng ta sống hết một tỷ năm, hết một tỷ năm rồi cũng trở về đất, rồi cũng lặp đi lặp lại. Đâu ai muốn chết yểu đúng không, ai cũng muốn mình sống lâu; giả dụ mỗi người sống 100 tuổi, thương ai được ở gần người đó, muốn món đồ gì thì được món đồ đó, rồi thì sao? Cứ ăn, ngủ, thức dậy, đi đứng nằm ngồi, cười nói, buồn vui, xong rồi ngủ. Cứ như vậy cứ làm tới làm lui, lặp đi lặp lại hết ngày này qua tháng khác, rồi để làm cái gì? Tôi biết tôi nói vậy nhiều người sẽ nói là tại vì thầy chùa nên nói chuyện nghe bi quan. Tôi bày cho các vị một cái kế, một cách tu lạ lắm, nhiều vấn đề mình nhìn mình không thấy nhưng khi nhìn người ta mình mới thấy. Trong mỗi buổi giảng tôi thường bày cho các vị một số cái mà các vị không thích nhưng đó là kinh nghiệm cá nhân. Có nhiều chuyện mình làm không thấy bậy, không thấy kỳ nhưng mình nhìn người khác là thấy bậy liền. Vì vậy tu thiền quán là mình phải quan sát mình như mình quan sát người khác. Bây giờ mình nhìn thấy một người nào đó, họ giàu thiệt là giàu, có kẻ ăn người ở hầu hạ, sáng chạy bộ đi đánh tennis, ra biển ăn uống, họ chỉ chắp tay sau lưng, có người hầu hết, vợ chồng con cái vui vẻ cả ngày, tối giường cao nệm êm chăn ấm nằm ngủ, xong sáng ra lại bắt đầu ngày mới, thấy kỳ cục lắm. Nếu sống không lý tưởng tinh thần thì cũng giống như mấy con chó nhà giàu thôi. Tôi biết tôi nói nặng, hơi ác, nhưng thật ra là vậy, giống y như chó nhà giàu, giống chim chuột trong cũi bằng vàng vậy đó, đó là tôi đang nói là sướng đó. Chưa nói tới khổ, phải vật lộn với miếng cơm manh áo lúc trời còn mờ mờ đất. Hồi nãy tôi đang ngủ sướng biết bao nhiêu, trời lạnh muốn chết, đắp cái mền, nghe tiếng alarm reo, bật dậy đi đánh răng súc miệng rửa mặt, ra ngồi đây mở cái room. Có làm gì đâu, chỉ đi ra ngồi nói chuyện thôi mà thấy mệt, lát nữa ăn sơ sơ rồi trưa đi học, sướng muốn chết luôn vậy đó mà còn thấy ớn huống hồ chi những người đi làm xa muốn kịp xe lửa 7 giờ sáng là 5 giờ phải dậy rồi, dở thức ăn đem theo. Vài bữa nữa tuyết lên tới đầu gối, phải mang bốt cao tới đầu gối đi ra ngoài ga, trời đầy tuyết, lạnh như cắt, lập cập, nhanh tay thì cầm được ly cà phê, trễ là thôi, rồi ôm ba lô ngủ gà ngủ gật. Tôi đã từng đi chuyến tàu khuya, ai trên tàu cũng ngủ gà ngủ gật. Cái cảm giác có những người ngồi ăn bánh mì, bẻ bánh mì mà mình nghe thấy, họ coi báo mình cũng nghe, cái âm thanh đó, cộng với bên ngoài tuyết rơi, trời chưa kịp sáng, cảm giác đó lạ lắm. Tôi nghĩ nếu cứ vậy mà lặp đi lặp lại nhiều đời nhiều kiếp thì dễ sợ quá. Vậy mà, ông Bà-la-môn này cứ tưởng luân hồi là hay, thật ra nó là sự lặp lại mệt nhoài và tẻ nhạt. Tiếp theo là bài kinh Nuôi Dưỡng Mẹ

NUÔI DƯỠNG MẸ (Mātuposakasutta)

Ông Bà-la-môn Mātaposaka này đi làm lụng cực khổ để về nuôi dưỡng mẹ.

‘Māta’: mẹ. Nhiều ngôn ngữ trên thế giới chữ “mẹ” đều là chữ M: ‘mutter’, ‘maman’, ‘mother’.

‘posaka’: ‘người nuôi dưỡng’. ‘poseti’ (động từ): ‘nuôi dưỡng ai đó’. Từ gốc: ‘pos’: ‘nuôi dưỡng’. Có một định nghĩa trong kinh ‘uposatha’ dịch là ‘trưởng tịnh’, ‘trưởng’ nghĩa là ‘nuôi lớn’. ‘uposatha’ nghĩa là nuôi dưỡng, nuôi lớn sự thanh tịnh trong tâm hồn của mình. Còn chữ “bố tát” là âm. Theo tôi biết thì người VN mình từ đó đến giờ cứ kêu là “bát quan”, “bát quan trai”. Lâu lắm mới nghe chữ ‘uposatha’ nhưng thường là chư tăng chứ cư sĩ ít biết chữ này. Đối với chư tăng, Uposatha là ngày giới, ngày rằm, ngày ba mươi, ngày chư tăng tỷ kheo sám hối, tụng giới bổn. Thọ bát quan trai có thể sanh thiên, vì một người thọ bát quan trai trong một ngày đêm có tám điều giống như vị A-la-hán: Vị La-Hán suốt đời không sát sinh, người thọ bát quan trai trong ngày đêm đó không sát sanh. Vị La-Hán suốt đời không hành dâm, không nói dối, không uống rượu thì người cư sĩ trong ngày thọ bát quan trai cũng không hành dâm, không nói dối, không uống rượu. Vị La-Hán suốt đời không có ăn sái giờ sau mười hai giờ trưa sau khi mặt trời đứng bóng, vị La-Hán suốt đời không có thưởng thức thích thú trong ca vũ nhạc kịch, trong chuyện sử dụng trang điểm hương liệu mỹ phẩm thì người cư sĩ thọ bát quan trai trong ngày đêm đó cũng không ăn sái giờ v.v…

Ông Bà-la-môn này đến gặp Đức Phật, ông biết Ngài có chuyện để nói cho mình nghe nên mới đem chuyện ông cho là tâm đắc nhất ra nói. Đọc bản tiếng Việt thì rối nhưng bản tiếng Pāḷi thì sáng trưng: “ahañhi dhammena bhikkhaṃ pariyesāmi, dhammena bhikkhaṃ pariyesitvā mātāpitaro posemi”: con dùng phương thức hợp pháp để kiếm sống, rồi cung dưỡng cha mẹ.

dhammena’: hợp pháp, đúng pháp, không làm chuyện tà mạng, không sống bằng nghề giựt dọc, lừa đảo, lấy của phi nghĩa. Bản tiếng Việt hơi cầu kỳ: “con tìm món ăn thiết thực theo thường pháp”, trong khi đó bên bản Pāḷi chỉ là ‘dhammena bhikkhaṃ’.

bhikkhaṃ”: thực phẩm.

dubbhikkham”: thời điểm khó tìm thực phẩm, (ví dụ lũ lụt, mưa bão, núi lửa, thất mùa…)

Đức Phật tán thán: Đúng rồi, làm như vậy là đúng, người như vậy trước mặt được hiền thánh ở đời tán thán ngợi khen, về sau lìa bỏ thân này cũng sẽ được về trời, hưởng lạc. Một người cư sĩ đúng nghĩa dĩ nhiên phải đi kiếm sống chớ đâu ai nuôi mình, vì vậy, tất cả những tài sản người cư sĩ kiếm được phải chia làm bốn phần[1]: 1.Trả nợ cũ; 2.Cho vay nợ mới; 3.Liệng bỏ hố sâu; 4.Chôn để dành. Người cư sĩ sử dụng tài sản như vậy, sống như vậy mới là sống đúng pháp. Sống đúng như vậy thì có thể ra đi bất cứ lúc nào, ra đi trong sự thanh thản không tiếc nuối sợ hãi. Mình mang tiếng cư sĩ bởi mình có thọ tam qui ngũ giới, có làm lễ qui y, có pháp danh, mình có một sư phụ cụ thể điển hình nào đó, rảnh rảnh thì ghé chùa một chút, bát quan trai tiện thì thọ không tiện thì thôi, nghe pháp thì cũng tùy duyên, có ai nói thì nghe không nói thì thôi, cũng tùy duyên chớ không tha thiết kiếm tìm để lắng nghe, cái gì cũng tùy duyên hết. Khi thiện pháp đối với mình không phải là lẽ sống, không quan trọng đến mức chiếm một phần thời gian trong đời của mình thì đến lúc hữu sự, đau buồn hay sợ hãi, lúc bấy giờ chánh pháp làm sao giúp được mình vì bình thường mình đâu có nhớ. Quí vị phải nhớ một chuyện quan trọng, cái gì mình thường tâm niệm, cái đó mới là của mình, còn cái gì lâu lâu nhớ tới một lần thì không phải của mình. Giống như con ngựa mình thường cởi, thường huấn luyện, gặp chuyện mình tót lên nó mới chạy, bình thường mình bỏ cù bơ cù bất, khi có chuyện leo lên thì nó đá cho chết. Chuyện tu hành cũng y như vậy, bình thường mình nghe pháp coi kinh cho có vậy thôi chớ mình không đưa vào trong máu trong tủy của mình, không đưa vào đời sống của mình thì khi đụng chuyện khó lòng lắm, đó là lý do vì sao mình phải nhờ cậy đến chuyện cầu an cầu siêu, chứ một người cư sĩ mà có đời sống Phật pháp ngon lành thì chuyện cầu an cầu siêu không quan trọng bởi có nhiều lý do: 1. Không ai cầu an cầu siêu cho mình hay bằng mình. 2. Mình có thể ra đi bất cứ lúc nào, làm gì có tăng ni sẵn đó mà cầu an tụng niệm cho mình.

“Sống theo pháp” của ông Bà-la-môn này mang nghĩa rất nghèo, nghĩa là không giựt dọc lừa đảo ai hết, chỉ dùng mồ hôi nước mắt để đổi lấy miếng ăn về nuôi dưỡng cha mẹ. Đối với người cư sĩ, chữ ‘dhammena’ ở đây rất sâu, nghĩa là Thất thánh sản (tín, thí, giới, văn, tàm, úy, trí).

[75] Thất thánh sản

– Tín: niềm tin dựa trên trí tuệ.

– Thí: sự trao ra ba thứ (tài thí, pháp thí, vô úy thí).

– Giới: xuất gia giới 227 hoặc 311, 105; hay cư sĩ giới: 5, 8, 10 giới.

– Văn: sự lắng nghe chánh pháp. Trong Tăng Chi Bộ kinh dạy rõ: Lắng nghe, ghi nhớ, hiểu, nhận thức, hành trì một cách tôn kính, còn nghe lớt phớt thì không phải là văn.

– Tàm: biết thẹn với chính mình; quí vị có thấy kỳ không, khi gặp chuyện hữu sự thì cầu chư thiên, khi làm bậy thì quên mất chư thiên đang nhìn mình, phải biết thẹn với điều này.

– Úy: biết sợ. Có bốn cái sợ: 1. Sợ cắn rứt: (Khi làm chuyện gì đó thì nghĩ cả đời này ngủ không yên) 2. Sợ tiếng đời (sợ làm cái gì đó người ta nói chết). 3. Sợ pháp luật. 4. Sợ sa đọa. Tàm Úy là một cặp, ở đâu có tàm ở đó có úy. Hôn trầm thụy miên là một cặp. Có rất nhiều chuyện nếu nói là cắn rứt thì cũng không đáng, thí dụ như bây giờ nhiều muỗi quá, mình đập cái bốp cho xong chớ việc gì phải đi bắt mệt. Đập con muỗi có gì đâu mà cắn rứt, có ai biết đâu mà sợ tiếng đời, pháp luật cũng đâu có ai trừng trị việc này, nhưng lại sợ sa đọa. Trong kinh, có vị tỷ kheo thời Đức Phật bị người ta hiểu lầm là tên tội phạm đang bị truy nã, người ta nhìn mặt rồi bắt ngài, lấy cây lao xỉa từ hậu môn ngược lên trên. Trước khi vị này chết Đức Phật đã xuất hiện và nói một câu, vị đó hành và đắc A-la-hán, đó là vị A-la-hán viên tịch trên mũi lao. Chư tăng hỏi một vị có phước báu có thể trở thành A-la-hán như vậy mà sao chết thê thảm. Đức Phật nói tiền kiếp vị này là đứa bé giết ruồi bằng cách lấy que tăm xiên qua với cái tâm thích thú. Chuyện những người bị đá đè, bị xe đụng dẹp lép do nhiều nguyên nhân mà mình có thể nghĩ trong đó có thể là do nghiệp đập muỗi đập ruồi. Do mình đập cho nên đời sau mình bị chết theo cái kiểu xẹp lép vậy đó. Cách đây mấy hôm tôi có coi một cái tin trên internet thấy ghê quá, một cô ở miền Bắc mang thai tám tháng, bị xe tông làm sao mà đứa bé văng ra ngoài luôn. Cổ thì bị nát bét mà đứa con văng ra trước nên còn nguyên vẹn. Nhiều cái chết cũng ghê lắm, nên sợ là sợ như vậy đó. Úy là sợ sa đọa, sợ khổ báo về sau.

– Trí: trí Nhân Quả và trí Tam Tướng.

Trí về nhân quả là biết không việc làm nào của phàm phu mà không để lại hiệu ứng. Có một vị thiền sư người Mỹ, khi được người ta nhờ định nghĩa vắn tắt về nghiệp báo của đạo Phật, ngài nói: Nothing is nothing. Không có gì là zero hết, nghe câu đó thấy có vẻ rất là kỳ, nói theo toán thì không có việc gì là vô nghiệm hết. Một người không học A-tỳ-đàm không biết rằng chỉ lấy tay gãi thôi, đó là nghiệp. Khi mình bị ngứa là tâm sân, gãi cho đã là tâm tham. Tâm tham chính là tâm bất thiện. Tham xuất hiện trong giai đoạn đổng lực (javana) trong một tâm lộ. Javana hiệp thế của phàm phu thì dứt khoát phải để lại quả trong kiếp sau. Mỗi tâm lộ có một giai đoạn javana, javana ở đây là giai đoạn thiện hay ác của một lộ tâm. Đối với vị La-Hán thì chỗ này không thiện không ác, còn chúng ta thì mỗi một lộ tâm như vậy ngay giai đoạn javana hoặc là tham hoặc là sân đều để lại nghiệp hết. Người học đạo phải biết không có việc làm nào của mình mà không để lại kết quả; một là nó để lại quả liên hệ đến thân, hai là nó để lại quả liên hệ đến tâm.

 

Tam tướng: phải hiểu rằng mọi thứ ở đời này, hễ có mặt là có lúc biến mất, có sinh ra thì có lúc biến diệt. Không việc làm nào không để lại hậu quả. Mọi thứ do nhân quả (nhân duyên, nghiệp báo) mà có, chính bản thân nó có thể vừa là quả của một chuỗi mắc xích nào đó và cũng có thể là nhân cho một chuyện khác. Hiểu được điều này thì người Phật tử sẽ có sự cẩn trọng và sống trách nhiệm hơn. Ví dụ, tôi chửi các vị, đó là nhân, khi các vị chửi tôi thì đó là quả, nhưng mọi sự chưa kết thúc ở đó. Đời trước tôi chửi người ta nên đời này tôi bị người ta chửi lại. Khi tôi bị người ta chửi, tôi có phản ứng. Một vòng quay mới lại được bắt đầu. Chưa hết, đời trước tôi chửi người khác giờ quí vị nhìn mặt tôi quí vị muốn chửi, thế là quí vị gieo nghiệp mới.

Cái gì có mặt thì bắt buộc phải biến mất, đó là vì lý do rất khoa học chớ không phải là tôn giáo. Đừng hiểu là tại vì Phật nói, Phật tạo ra. Trong Tương Ưng kinh Đức Phật dạy: Dù các đấng Như Lai có ra đời hay không thì luật tam tướng vô thường khổ vô ngã luôn luôn là như vậy. Lý do mọi sự tồn tại trong vô thường rất khoa học: một đứa bé không thể nằm hoài trong bụng mẹ, nó phải đi ra, màu da của không phải đỏ hoài mà phải sậm lên. Màu da đỏ của nó gặp nắng gió mưa sương thì mới giống như màu da người lớn, xương cốt của nó cũng rắn chắc cứng cáp hơn để dần dần trở thành thanh niên, thiếu nữ; đi thêm một chuỗi năm tháng nữa thì mới ra trung niên và sau thành ông già bà già. Trên đời này không có cái gì đứng yên kể cả những vật thể như khoáng chất, kim loại. Những phân tử vật chất trong một miếng kim cương hay miếng vàng cũng luôn biến động không ngừng. Trong kinh nói có hai vô thường: vici (thấy được) và avici(không thấy được). Một vũng nước thấy lúc sáng trưa nắng nước bốc hơi dần, một người trước đây da dẻ mịn mạng đẹp đẽ giờ nhăn nheo đó là vô thường thấy được. Một cái bàn bằng gỗ tốt nếu mình không có ý phá hoại thì năm năm sau vẫn thấy nó như không thay đổi, đó là vô thường không thấy được. Nhưng dù thấy hay không thấy thì trước sau nó vẫn luôn luôn vô thường, mọi thứ luôn luôn bị đẩy về phía trước dù muốn dù không. Theo khoa học thì mọi sự tồn tại chỉ là quá trình tiêu thụ năng lượng và chuyển đổi bản chất, giai đoạn sau phủ nhận giai đoạn trước. Ví dụ giai đoạn dậy thì phủ nhận giai đoạn trẻ con trước đó, giai đoạn trưởng thành phủ nhận giai đoạn dậy thì, giai đoạn trung niên phủ nhận giai đoạn thanh niên, giai đoạn lão niên phủ nhận giai đoạn trung niên. Vì vậy trong bộ Patisambhidamagga ngài Xá Lợi Phất có nói thế này: Vô thường, khổ, hiểu theo nghĩa thế gian thì nó gắn liền với cảm thọ. Ví dụ khổ ở đây có nghĩa là ưu của tâm hoặc khổ của thân, đây chỉ là khổ khổ trong 3 khổ. Câu người đời thường hay nói: “Trời ơi, sao mà tôi khổ quá”, “Thế gian này là biển khổ”, cái khổ đó là khổ khổ, chỉ một phần ba cái khổ mà Đức Phật nói. Khổ khổ: sự có mặt những gì làm mình khó chịu. Hoại khổ: sự vắng mặt của những gì làm mình dễ chịu. Hành khổ: tất cả sự có mặt của vạn hữu đều do chư duyên mà có – sự lệ thuộc nhân duyên chính là khổ. Các vị ngồi bình tâm một chút mới thấy nó nản, chuyện các vị ngồi ở đây nghe tôi nói chuyện đừng nghĩ là đơn giản là “tôi muốn và vì tôi có cái máy”. Nghĩ vậy là sai, có đến ba ngàn tỉ nhân duyên để quí vị có thể ngồi đây nghe tôi nói chuyện. VN mấy ngày nay cáp quang trục trặc, quí vị đâu có nghe được, chỉ cần tôi không giảng thì quí vị cũng đâu nghe được. Các vị không có nhức đầu đau lưng tiêu chảy, gia đình chồng con, nhà cửa công ăn việc làm không có vấn đề mới vào nghe được. Chỉ cần đang ngồi boss gọi vào công ty giải quyết công việc đột xuất là phải tức tốc đi liền, hoặc cơ thể có đau bệnh gì đó v.v… , có tới ba ngàn tỉ nhân duyên, sự lệ thuộc duyên đó không phải dễ. Chỉ cần nhức răng hoặc hạt bụi nhỏ xíu lọt vô mắt thì các vị không còn có thể suy nghĩ làm việc gì được hết. Đừng nói hạt bụi là nhỏ, một hạt bụi lọt vào mắt là bằng mọi giá phải lấy nó ra, nó còn nằm trong mắt là không thể suy nghĩ, quyết định hay suy tư gì được. Người Phật tử hiểu được Tam tướng là hiểu được vô thường, khổ. Khổ ở đây không phải chỉ là sự khó chịu mà còn bao gồm luôn cả sự bức bách, thúc đẩy, ép buộc (pilanapilita). Dầu muốn dầu không mọi sự ở đời luôn luôn bị ). Dầu muốn dầu không mọi sự ở đời luôn luôn bị đẩy về phía trước:

– Cái gì mình không muốn tự động nó phải có mặt

– Những thứ mình thích có lúc nó phải biến mất

– Vạn sự ở đời phải lệ thuộc nhân duyên, không ai có thể cưỡng lại được, do dù bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.

Có thân là phải chịu già, chịu đói, chịu khát, chịu nóng, chịu lạnh chịu đau, chịu nhức. Chư thiên thì không bị già, đói khát, đau nhức… nhưng họ bị thân tâm luôn sanh diệt và càng lúc càng bị đẩy gần về cái chết. Chết rồi thì bất trắc, họ đọa đi đâu nào ai biết. Đừng nói là về trời trở lại, họ có tu hành gì đâu mà về trời trở lại. Mình sống mấy chục năm có chút xíu tiền mà chỉ lo hưởng thôi, huống chi họ sống mấy chục triệu năm muốn gì được nấy thì làm sao mà tu nổi. Sống hết tuổi trên cõi Trời thì mọi thứ trở thành bất định và bất trắc. Trong thời gian mình mang thân người mình còn có cơ hội gieo duyên giác ngộ, mình còn nhìn thấy cảnh sanh ly tử biệt, nắng nóng, mưa dầm, lầy lội, côn trùng…những hình ảnh đó còn làm cho mình sợ sanh tử, còn trên cõi Trời thì thơm ngát mát lạnh, ánh sáng như ý, nhiệt độ như ý, cái gì cũng như ý thì cơ hội chán sợ sanh tử không có. Cõi Người tuy khổ thiệt, sống bằng tâm sân thấy thê thảm thiệt nhưng ít ra không kéo dài sanh tử. Cái ghê gớm nhất là sống bằng tâm tham, muốn kéo dài sanh tử. Kẻ thù của sanh tử không phải là nỗi khổ mà chính là niềm vui. Nỗi khổ là cơ hội tốt để người ta chán sợ sanh tử và có ý muốn thoát khỏi, còn sống quá nhiều đam mê thì khả năng ghim sâu gắm chặt càng nhiều. Nếu tôi kêu các vị đừng làm phước thì kỳ, nhưng nếu làm phước mà không cầu giải thoát thì tạo ra quả lành, mà quả lành thì gắn mình vào dòng luân hồi dữ dằn hơn làm ác. Làm ác cũng có cái hay, nói cái hay thì cũng kỳ, nhưng quả khổ cũng có cái hay là làm cho mình chán sợ sanh tử, còn làm thiện cho quả lành làm mình thấy ngọt ngào, chính ngọt ngào làm mình thấy sanh tử có lý do. Tiếp theo là bài kinh Bhikkhaka

BHIKKHAKA (Bhikkhakasutta)

Tôi muốn thông qua lớp học này gởi đến quí vị những nhận thức mới, mới ở đây không phải là do tôi sáng tác, mới ở đây là quí vị nên có một cái nhìn kết hợp mà mình là cư sĩ mình không có dịp thấm thía.

‘Bhikkha’: ‘thực phẩm’.

‘Bhikkhaka’ = ‘Bhikkhu’: ‘người đi xin ăn’.

Ông Bà-la-môn Bhikkhaka này cũng sống bằng hạnh khất thực. Ai hôm nay đi về Ấn Độ sẽ thấy hình ảnh rất đẹp, Ấn Độ là xứ đủ thứ tôn giáo, tôn giáo nào cũng có thể tồn tại trên đất Ấn Độ. Khi anh đã là tu sĩ, không cần biết đạo nào, hễ anh đi ăn xin là anh không có đói. Ví dụ mình theo đạo A, gặp ông theo đạo B mà đi ăn xin mình cũng có thể đem cho ổng được. Cái xứ VN mình, phải nhìn nhận cũng là vùng đất tín ngưỡng nhưng phải nói là không bằng một góc của Ấn Độ về mặt sinh sôi tôn giáo. Ấn Độ thì đạo gì cũng có, bây giờ mấy người trong room này qua Ấn Độ chế ra cái đạo gì cũng được, không lâu thì mau cũng có đệ tử, nhưng phải nhớ là đừng làm gì phạm pháp và đừng chế ra cái gì chỏi lại văn hóa bản địa. Chỉ cần bảo đảm hai điều này thì ở Ấn Độ quí vị muốn lập đạo gì cũng được.

Ông Bà-la-môn này cũng theo đuổi một lý tưởng tôn giáo nào đó, rồi đi ăn xin. Thấy Thế Tôn cũng đi khất thực, ông đến hỏi Ngài: Ngài khất thực con cũng khất thực, giữa hai người đâu có gì khác nhau. Ông nghĩ đơn giản quá. Giống như hôm nay mình ra đường thấy hai người mang kính, người thì cận bẩm sinh, người thì do đọc sách nhiều, nhìn thì thấy cả hai giống nhau, nhưng có thể người thì không biết chữ còn người thì đầy chữ. Đức Phật trả lời: Khác nhau chứ, không phải ai ăn xin cũng gọi là khất sĩ. Ở đây Ngài nói chữ “vissan dhammam”, ngài Minh Châu dịch là “pháp độc”.

‘Visa’: ‘chất độc’ (poisson), ‘vissa’: ‘khó ngửi’( theo chú giải là Duggandha nghĩa là khó ngửi).

Đức Phật nói không phải ai ăn xin cũng giống nhau vì những người có sở hành “khó ngửi” thì không gọi là tỷ kheo, ai lìa bỏ tập khí sanh tử nói chung thì người đó mới được gọi là tỷ kheo. Bài kinh này với người không học Phật pháp thì đọc vô hiểu không nổi: “Ai sống ở đời này, Từ bỏ các phước báo, Ðoạn trừ mọi ác pháp, Hành trì theo Phạm hạnh” nghe rất là căng. Trong bản Pāḷi thì sáng trưng:

“Yodha puññañca pāpañca, bāhitvā brahmacariyaṃ”(Ai sống lìa bỏ các nhân sinh tử, gồm cả thiện ác, hướng đến Niết Bàn, thì người đó mới được gọi là tỳ kheo)

“brahmacariyaṃ”: Phạm hạnh. Tu tập hướng đến Niết bàn thì gọi là Phạm hạnh, còn hướng đến quả báo nhân thiên thì không phải là Phạm hạnh, chỉ gọi là “thiên hạnh”

Có học Phật pháp mới hiểu chỗ này chớ không thì thấy lạ. Phật pháp lúc nào cũng dạy chúng ta làm lành lánh dữ, sao ở đây lại kêu gọi lạ lùng như vậy. Đây là điều rất độc đáo của đạo Phật, bước đầu dạy mình bố thí trì giới, nhưng bước thứ hai thì cho mình biết rằng tất cả công đức có hai khía cạnh cần phải hiểu:

– Công đức thì chỉ dẫn đến sự tái sanh các cõi nhân thiên, nếu so với sự sa đọa thì sự tái sanh lên cõi nhân thiên tốt hơn.

– Nếu so với Niết Bàn thì các cảnh giới nhân thiên vẫn còn là đáng sợ

Lúc đầu vô chùa thì được dạy là “làm phước đi, để hướng đến cõi nhân thiên” nhưng khi họ đi vô chùa một thời gian lâu mình “kề tai nói nhỏ” cho họ biết một chuyện nữa: Hồi đó đến giờ anh bầy hầy quá, chuyện bậy nào anh cũng làm, nên anh phải làm lành lánh dữ, nhưng bây giờ tôi cho anh biết thêm bước thứ hai, chuyện quan trọng là anh phải cầu giải thoát đừng có sanh tử nữa. Bởi vì so với sa đọa bốn cõi khổ thì nhân thiên tốt hơn, còn nếu so với sự vô sanh của Niết bàn thì cảnh giới nhân thiên vẫn còn đáng sợ. Y như đời sống thường ngày mình thấy, con nít buổi đầu phải ráng đi học để lớn lên có nghề nghiệp tiền bạc, nhưng sẽ có lúc nào đó trong đời khi tám chín chục tuổi thì mới thấy sinh mạng của mình đáng hơn hết thảy. Đời sống là sự quẩn quanh, khi còn nhỏ có sức khỏe, tuổi trẻ, nhan sắc, đem bán rẻ mấy thứ này để đổi lấy đồng tiền, đến một lúc nào đó khi có đồng tiền rồi thì dùng tiền đi mua ngược lại sức khỏe. Ngồi nghĩ lại mà thấy ngán, tuổi đẹp nhất của con người thì đi hành hạ đày đọa nó. Các vị ra ngoài ga xe lửa ngậm ngùi lắm, biết bao nhiêu nam thanh nữ tú cơ bắp sức khỏe cường tráng, họ vào trong sở, đóng cửa lại, ngồi trước computer, họ vùi chôn “xác bướm cành khô nơi đáy mộ”, nhan sắc đó, cơ bắp đó, đem vô trong sở ngồi trước máy tính, mấy chục năm sau, nhan sắc xệ xuống, về hưu rồi mới lấy tiền đi tập fitness, chạy bộ, yoga, dưỡng sinh uống thuốc uống sâm, đông trùng hạ thảo, ai bày tầm bậy tầm bạ gì cũng uống, còn giai đoạn đẹp nhất thì bán đi, bán sức khỏe đi để đổi lấy tiền, có tiền rồi thì mua ngược lại cái mình đã bán. Vì vậy Đức Phật dạy rằng: đã còn sanh tử thì còn khổ, thiện ác lúc bấy giờ đều trở thành gánh nặng hết.

SANGĀRAVA ( Saṅgāravasutta)

Ông Bà-la-môn Saṅgārava này, không phải là đệ tử của ngài Ānanda, ông coi ngài như một người bạn thân. Trong chú giải gọi là gihisahāya (bạn cư sĩ). Có những vị cư sĩ mến thương một vị sư mà không muốn coi họ là sư phụ và bản thân họ cũng không coi họ là người đệ tử cư sĩ, giống như Tô Đông Pha và Phật Ấn vậy. Quí vị có nhớ hai người này không. Thời nay văn minh quá, rồi computer sách báo nhiều quá, có nhiều chuyện cũ bà con không có thì giờ để đọc. Tôi năm nay mới bốn mươi ngoài mà tiếp xúc với Phật tử VN tôi có cảm giác mình già lắm. Ví dụ như nhiều người bây giờ không còn thời gian để biết đến Tô Đông Pha, Nguyễn Du, Lưu Vũ Tích, Liễu Tôn Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ… nữa. Có lần nói chuyện với một nhóm Phật tử, tôi có đọc câu thơ mà họ mở to mắt nhìn tôi vì họ không hề biết trong khi ai đọc sách thiền thì cũng biết hết: “Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt, Vạn lý vô vân vạn lý thiên”. (Ngàn sông ngàn nước ngàn trăng hiện, bao dặm không mây mấy dặm trời). Nghĩa là lòng mình càng mở ra chừng nào thì thế giới sống của mình càng rộng ra chừng đó. Tôi đọc lại cho họ chép, họ nói họ chưa từng biết câu đó, tôi giựt mình nghĩ chắc mình già rồi, những cái mình biết thuộc về lớp trước rồi. Phật Ấn là một HT mà Tô Đông Pha thương ghê lắm. VN cũng nhiều, có những người không bái tăng vi sư, họ chỉ coi là bạn. Ông Bà-la-môn Sangārava này đối với ngài Ānanda cũng vậy. Ông theo hạnh ‘udakasuddhika’: tạm dịch là ‘thánh tẩy’ (tin là tắm có thể rửa tội được), ông tin là tắm nước sông có thể hết tội. Ông Cấp Cô Độc có một cô nữ tì tên là Punnā ra ngoài sông lấy nước, thấy người ta tắm lặn ở dưới, cô hỏi: Trời lạnh thế này tôi bất đắc dĩ phải xuống sông lấy nước, còn mấy người làm gì mà ngâm mình dưới nước lạnh vậy. Người ta trả lời là ngâm cho hết tội. Cô nói: Nếu ngâm hết tội vậy mấy con cá tôm dưới nước hết tội sao.

Ở đây, ông Bà-la-môn này cũng tin như vậy, ngâm mình dưới nước thì bớt phần nào tội lỗi, bớt phần nào ô trược, về Trời về cõi Phạm thiên nhanh hơn. Tin như vậy là tà kiến. Khi Đức Phật hỏi vì sao ngâm nước như vậy, ông Bà-la-môn trả lời ban ngày ông làm ác nghiệp gì thì chiều ông tắm để gội sạch ác nghiệp ấy. Đức Phật nói với ông: Không có một cách nào làm sạch nội tâm của một con người ngoại trừ hành trì chánh pháp. Có một bài kinh đã học, Đức Phật dạy: Đời sống Phạm hạnh chính là phép tắm không cần nước. Ở đây Ngài dạy nội dung cũng y như vậy: Chánh pháp là ao hồ, giới là bến nước tắm. Giới ở đây gồm ba: Giới thân, giới khẩu và giới ý. Việc gì hại mình hại người trong đời này đời sau và do phiền não tác động thì không làm, không nói, không nghĩ đến, gọi chung là giới. Đang lái xe, đang lặt rau, đang quét nhà, có tư tưởng gì mang nội dung hại mình hại người thì phải biết liền, tự nhớ chừng: “cái này bậy nhen”, vậy là giữ giới ý. Có câu nói này phải thuộc lòng: Ở đây Ngài dạy nội dung cũng y như vậy: Chánh pháp là ao hồ, giới là bến nước tắm. Giới ở đây gồm ba: Giới thân, giới khẩu và giới ý. Việc gì hại mình hại người trong đời này đời sau và do phiền não tác động thì không làm, không nói, không nghĩ đến, gọi chung là giới. Đang lái xe, đang lặt rau, đang quét nhà, có tư tưởng gì mang nội dung hại mình hại người thì phải biết liền, tự nhớ chừng: “cái này bậy nhen”, vậy là giữ giới ý. Có câu nói này phải thuộc lòng: Đừng xem nhẹ một suy nghĩ nào, bởi nó được lặp lại nhiều lần sẽ biến thành hành động. Hành động nhiều lần sẽ biến thành thói quen, nhân cách và nhân cách tạo ra số phận chúng ta.

Có những suy nghĩ lặp đi lặp lại sẽ biến thành hành động, ví dụ các vị không thích tôi, nếu đúng là một người Phật tử, khi các vị không thích tôi, các vị nói “đây là ác cảm”, vậy là đủ rồi; mỗi lần nghĩ về tôi các vị thấy khó chịu, các vị nói “đây là ác cảm, không cần thiết”. Các vị không thích thì thôi chứ không nhất thiết phải nhớ về tôi để bực mình, nếu mỗi lần các vị bực mình, rồi nghĩ thêm tại sao lại bực mình, cứ nghĩ thêm như vậy lâu ngày biến thành hành động, gặp tôi các vị sẽ háy nguýt, đánh chó chửi mèo, dằn mâm, xáng chén v.v… Tại sao phải đi xa như vậy, chỉ cần nghĩ về tôi mà khó chịu, quí vị nói: “không nên, thành kiến, ác cảm”. Không nên đào sâu khoét rộng. Giới thân, giới khẩu, giới ý là chỗ đó, cứ nghĩ chuyện gì hại mình hại người đời này và đời sau và do phiền não tác động thì không làm. Đó là bài kinh Saṅgārava. Mai mốt chúng ta sẽ gặp lại ông Saṅgārava này trong một bài kinh khác, ông đến hỏi Đức Phật: Bạch Thế Tôn tại sao hồi con còn trẻ học cái gì cũng dễ nhớ mà khó quên mà bây giờ tuổi già học cái gì cũng khó nhớ mà dễ quên. Đức Phật giải thích rằng: Có nhiều lý do để một người bị tình trạng đó, tuy nhiên nói theo tinh thần tu học thì hành giả phải nhớ rằng giây phút nào mà tâm mình bị 5 triền cái chi phối tác động ảnh hưởng thì sẽ tạo ra tình trạng khó nhớ dễ quên. Ví dụ khi tâm mình khi bị sân hận giống như nước đang sôi mình không nhìn mặt mình trong đó được; tâm mình đang tham dục thì giống như nước đang bị nhuộm màu; tâm đang hôn thụy buồn ngủ thì giống như nước bị rong rêu; tâm đang phóng dật thì giống nước đang bị gió thổi gợn sóng lăn tăn. Tâm bị năm triền cái tác động chi phối thì giống hệt như mặt nước bị cặn cáu, bị sôi, bị gió thổi, bị rong rêu. Cũng vậy, nội tâm càng thanh tịnh thì càng sáng suốt, dễ hiểu, dễ nhớ vấn đề hơn. Người hỏi câu hỏi đó chính là ông Saṅgārava, hôm nay trong bài kinh này không phải là câu hỏi đó mà là vấn đề khác, đó là câu hỏi về rửa tội của ông.

KHOMADUSA (Khomadussasutta)

‘Khomadussa’: ‘vải bông sợi’ (linen). Linen mặc mát như cotton vậy, khó ủi, nhăn, nhưng mặc thì thấm mồ hôi.

Bài kinh này, theo chú giải, buổi sáng hôm đó Đức Thế Tôn nhìn thấy cơ duyên của mấy ông Bà-la-môn này, Ngài muốn tế độ nhưng biết rằng họ là những người còn thành kiến.

“Lúc bấy giờ các Bà-la-môn gia chủ ở Khomadussa đang tụ họp tại hội trường để giải quyết một vài vấn đề và trời đang mưa nhỏ hột.” Mưa này không phải là hiện tượng thiên nhiên mà là do thần thông của Đức Phật. Trong chú giải nói rằng, Ngài suy nghĩ: Nếu vô nhân vô duyên mà ta đi vào trong đó thì không tiện (aphāsukadhātukaṃ), không thoải mái cho hai bên. Cho nên “ekaṃ kāraṇaṃ paṭicca” bây giờ ta phải dựa vào nhân duyên nào đó, “upasaṅkamissāmī” ta mới vô trong đó được; “adhiṭṭhānavasena vuṭṭhiṃ uppādesi”, Ngài chú nguyện khiến cho trời vần vũ và mưa xuống lâm râm. Mọi người tưởng là hiện tượng thiên nhiên nhưng đây là do thần thông của Đức Phật. Vì sao Ngài không làm mưa lớn? Mưa lớn thì sẽ khiến Ngài bị ướt và Ngài thì không muốn đảo lộn trời đất ảnh hưởng chúng sanh khác, Ngài muốn tạo ra một cái duyên nhỏ không ảnh hưởng nhiều. Với một Phật lực như Ngài, Ngài chú nguyện cho mưa rơi xuống. Ngài đang đi bát, trời mưa nên Ngài có cớ bước vào trú mưa trong hội trường đó. Lý do làm mưa đơn giản là vì chỗ người ta đang hội họp, Ngài bước vào không tiện. Trong kinh nói vì Ngài là vị vua nên Ngài cư xử đẹp lắm. Một lần đó có vị đang thuyết pháp trong hội trường, thuyết pháp vừa xong họ nghe tiếng gõ cửa, có người ra mở cửa thấy Đức Phật, Ngài nói: Lành thay, các tỷ kheo khi gặp nhau đã thuyết giảng chánh pháp. Vị pháp sư đó quì xuống: Bạch Thế Tôn, nếu biết Thế Tôn đứng ngoài cửa thì con đã không nói nhiều như vậy. Ngài cho biết: Như Lai đợi ngươi nói xong mới gõ cửa. Câu chuyện chỉ mấy hàng chữ nhưng đáng để suy nghĩ. Một vị pháp vương mà hành xử như vậy đó thì mình nghĩ lại mình giống ai? Ở đây cũng vậy, dù Ngài đến để độ người ta nhưng cũng phải có một duyên sự đẹp, Ngài chỉ chú nguyện nhẹ nhàng cho trời mưa để có cớ bước vào. Các ông Bà-la-môn ngồi ở trong thấy Ngài thì bực. Quan niệm văn hóa tín ngưỡng của Ấn Độ thời đó coi thường người không có tóc. Hôm trước tôi có nói, giống như VN mình vậy đó, trước ngày xa quê, tôi nhìn mấy thanh niên đầu trọc, xăm mình, phụ nữ hút thuốc là tôi ác cảm, mấy người Ấn Độ này cũng vậy, cái ác cảm của họ ghê hơn của tôi, tôi chỉ thành kiến với người đời cạo đầu thôi, còn tu sĩ thì chuyện bình thường, còn đối với mấy người Ấn Độ này thì bất cứ ai cạo đầu họ đều không thích, vì vậy họ nói câu rất nặng mà bản dịch Việt của HT Minh Châu thì không nặng, không phải ngôn ngữ của đời sống bình thường: “Những Sa-môn đầu trọc ấy là ai? Và họ có thể biết gì về quy tắc của hội trường?”. Đọc bản Pāḷi thì sáng lắm: “Cái thứ đầu trọc này biết cái gì mà tới đây chỗ của người ta đang hội họp”. (‘Sabhadhamma’: ‘hội họp’).

Câu trả lời của Đức Phật rất là tuyệt vời: “Nesā sabhā yattha na santi santo”, chỗ nào không có người hiền trí thì chỗ đó không đáng được gọi là chỗ họp mặt. (Tôi thì dịch nặng hơn: Nếu không có người đáng mặt thì mọi sự họp mặt chỉ là sự tập trung của bầy đàn nào đó mà thôi). Được gọi là một cuộc hội họp thì phải là có sự có mặt của những bậc hiền trí, mà không thể nào có hiền trí nếu không có người biết nói tiếng người (trong đây gọi là ‘nói đúng pháp’). Hoặc là: Không thể nào gọi là họp mặt nếu ở đó không có con người đáng mặt, mà con người đáng mặt phải là người biết nói tiếng người, muốn nói tiếng người thì anh phải có nhân cách của một con người. Đây là dịch “nặng” để ….bị người ta chém đó. Còn dịch nhẹ là: Hội trường chỉ là hội trường khi có người hiền trí, chỉ gọi là hiền trí khi biết nói đúng pháp, muốn nói đúng pháp phải lìa bỏ phiền não. Dĩ nhiên trong trường hợp khác Thế Tôn sẽ có một tỉ cách nói khác, nhưng trong trường hợp này nhìn rõ vào căn cơ của những người trước mặt Ngài thấy cách nói này là tốt nhất. Sau khi nghe Ngài nói xong họ xin qui y với Ngài, họ nói: Giống hệt như dựng lên những gì bị ngã xuống, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem ánh sáng vào trong bóng tối, đúng vậy, hôm nay Thế Tôn đã giúp chúng con mở mắt hiểu ra được vấn đề… Hội trường chỉ là hội trường khi có người hiền trí, nếu không thì chỉ là sự họp mặt của bầy đàn, bao nhiêu tiếng bàn bạc chỉ là tiếng vo ve của loài ong loài muỗi loài ruồi thôi.

Được gọi là hội trường phải là sự có mặt của người hiền trí. Hiền trí phải là người nói đúng pháp; đúng pháp là lợi mình, lợi người đời sau kiếp khác; muốn được nói năng như chánh pháp thì phải là người có nhân cách đúng pháp: lìa bỏ ba phiền não. Đó chính là nội dung của bài kinh Khomadussa.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app