Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 – Chương 5: Tương Ưng Kassapa – Tượng Pháp

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 5: Tương Ưng Kassapa

TƯỢNG PHÁP

Bây giờ là tôi đã giảng tới phút bốn mươi bảy rồi, quá xá dài. Còn bài kinh cuối cùng làm luôn. Quí vị biết, giảng pháp cũng có tấm lòng lắm chớ phải không nhưng dài quá ngán. Tôi ngán cho tôi mà cũng ngán cho quí vị, vì sợ nghe nhiều quá. Có những người ở cái vùng mà bây giờ khuya lắm rồi. Có những cái xứ mà bây giờ chiều lắm rồi. Rồi có những cái chỗ mà bà con bây giờ đang cần ăn nữa. Còn tôi là ok. Nhưng sau tháng Ba năm nay có lẽ, 95% là phải đổi giờ. Tôi có tật thức khuya. Bữa nào tôi thức khuya rồi sáng mai giảng thì đêm đó hơi bất tiện, đang coi cái gì đó cao trào sực nhớ cũng ráng dỗ giấc ngủ mà nhiều khi ngủ không được, do có tuổi hay sao đó. Như đêm nay mười hai rưỡi mới ngủ mà tự nhiên đồng hồ sinh học mới có năm giờ thì rùng mình dậy, ngủ không đủ. Nhưng mà ngộ, nhờ phước trời thương, nhào vô giảng thì tỉnh. Chứ bây giờ mà quăng máy ra thì chỉ còn có một “nửa hồn thương đau” thôi.

Ngài Ca-Diếp đến đảnh lễ hỏi Thế Tôn một điều mà thật ra ngài đã đoán ra được câu trả lời. Dĩ nhiên là ngài đoán ra nhưng vẫn mong được nghe nhiều hơn cái ngài có thể đoán. Ngài hỏi: “Bạch Thế Tôn vì sao thuở ban đầu Thế Tôn mới thành đạo, chúng tỳ kheo quá sức là lý tưởng, quá sức dễ thương, quá sức là tuyệt vời, quá sức là trong sạch. Khi đó Thế Tôn chưa kịp ban hành giới luật.”

Chúng ta nên nhớ một chuyện đó là giới luật cho chư Tăng chỉ có sau khi hạ thứ 12 của đức Phật. Hạ đầu tiên của Ngài là năm ngài 35 tuổi. Luật của Đức Phật đặc biệt ở chỗ không phải là Ngài chế toàn bộ một lần (105 cho sadi, 227 cho tỳ kheo, 311 cho tỷ kheo ni) mà lần lượt từng điều theo từng sự việc xảy ra. Mười hai năm đầu tiên đặc biệt là vị chứng La-Hán tự nhiên không ăn chiều, vị La-Hán tự nhiên không nhận, giữ và dùng những gì không thật sự là nhu cầu bức thiết trong đời sống. Chỉ riêng vụ này mà bớt không biết bao nhiêu là giới. Ví dụ giới cấm không được cất cốc quá lớn, trong khi vị La-Hán chỉ cần một chỗ nằm yên tĩnh là xong thì giới cất cốc lớn không cần nữa rồi. Vị La-Hán tự nhiên không ăn chiều nữa bởi vì vị ấy thấy rằng một buổi là đủ rồi, tự nhiên thấy bữa thứ hai là thừa, là hưởng thụ.

‘Patirupa’: 1.sự thọ nhận. 2. sự xứng đáng. 3.sự đối lập

‘Saddhammapatirupaka’: những gì đối lập với chánh pháp. (VN gọi là ‘thế lực thù địch’)

Khi ngài Ca-Diếp hỏi như vậy, Đức Phật dạy: Bao giờ những thứ đối lập với chánh pháp có mặt thì chánh pháp sẽ biến mất. Ngài xác định thêm, không giống như một chiếc thuyền chở khẳm sẽ bị chìm, số lượng tứ chúng không làm cho tuổi thọ chánh pháp bị ảnh hưởng, mà chính do cách hành xử của tứ chúng mới khiến chánh pháp tồn tại hay biến mất ở đời. Không do thiên tai nhân họa (đất, nước, lửa, gió) mà mất. Nghĩa là không có cái gì thuộc về vật chất gây ảnh hưởng mà chính là do cách hành xử của tứ chúng.

“15) Ở đây, này Kassapa, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không tôn kính, không tùy thuận bậc Ðạo Sư, sống không tôn kính, không tùy thuận Chánh pháp, sống không tôn kính, không tùy thuận chúng Tăng, sống không tôn kính, không tùy thuận học giới, sống không tôn kính, không tùy thuận đối với Thiền định.”

‘Không tùy thuận’ nghĩa là không sống giống như Ngài dạy

‘Không tôn kính’ ở đây là không màng, không nghĩ đến Ngài, kể cả việc giương dù, mang giày dép, láo liên, nhặng xị. Quí vị có thể nghĩ tôi dịch không sát, thật ra tôi dịch rất sát:

“aññato oloketvā kathaṃ kathento gacchati,” mắt láo liên, nói năng lung tung vừa đi vừa nói (tức là ‘nhặng xị’), ngay cả chuyện vô chỗ đền tháp, chỗ thờ phụng

‘cetiyaṅgaṇa’: đền tháp, chỗ thờ phụng.

Ở đây tôi cũng nói thêm chuyện vì sao gọi là bất kính. Tại sao người ta thờ Phật? Có người nói thờ Phật thì không sợ ma, nhưng một khi người ta đã sợ rồi thì nhìn hình Phật họ vẫn sợ ma. Có một kinh nghiệm bằng vàng, nhìn tượng rồi mà mình vẫn sợ là vì sao? Khi nào mình hiểu Phật pháp, khi nào trước tượng Phật mình không dám có suy nghĩ tầm bậy thì khi sợ ma mình nhìn lên tượng mình mới hết sợ. Còn khi nào trước tượng Phật mà mình dám làm bậy, nghĩ bậy thì mai mốt đụng chuyện mình nhìn lên bức tượng không có tác dụng. Anh phải thờ bằng sự hiểu biết, phải thờ như thế nào mà trước tượng Phật anh không dám tham sân thì khi sợ hãi, khi cận tử nhìn hình tượng Phật mới hiệu nghiệm. Còn thờ cho có, cho bằng chị bằng em thì kiểu thờ này không được. Thờ Phật thì hãy chịu khó tìm giùm tranh hay tượng cho hoan hỉ một chút. Chuyện không đáng xài thì có tiền, còn xài chuyện đáng thì không. Theo tôi thì nên tìm một bức tượng bức tranh cho tới nơi tới chốn. Chưa nói tới làm lễ, chỉ cần mỗi lần đi ngang liếc một chút nhìn thấy gương mặt Ngài là thấy có phước rồi. Phải chịu tốn một chút. Tôi thờ mấy bức tượng rất lộng lẫy mà nhẹ nhàng về tiền bạc. Tôi thỉnh bên Miến Điện, bức tượng chưa tới $50, nhưng phải chịu cực đi kiếm, thấy không được là đi kiếm tiếp. Không được là phải đi kiếm. Cuối cùng là tôi tìm thấy được bức tượng nằm bằng gỗ, sắc sảo phải nói là từng centimet vuông, nét mặt từ bi không thể từ bi hơn.

Trở lại bài kinh, tôn kính ở đây nghĩa là học pháp một cách tôn kính, sống tôn kính, hành trì tôn kính. Xem thêm trong Tăng Chi Bộ, phần 5 Chi. Trong đó Ngài có nói rõ có năm lý do khiến cho giáo pháp không tồn tại ở đời: Các tỳ kheo, các cư sĩ không học pháp một cách cung kính cẩn thận, không có ghi nhớ một cách cung kính cẩn thận, không chịu tìm hiểu một cách cung kính cẩn thận, không có hành trì một cách cung kính cẩn thận.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app