Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 5: Tương Ưng Tỳ Kheo Ni

ĀLAVIKĀ (Āḷavikāsutta)

Bữa nay mình học trọn một chương luôn Tỳ Kheo Ni. Chương này trong Chú giải không nói gì đặc biệt, bà con đọc chánh văn của kinh tạng tự hiểu không có gì khó. Toàn bộ nội dung của chương này nói một điều thôi: Ác Ma Thiên tử đã hiện xuống quấy rầy phá rối các vị tỷ kheo ni sống thiền tịnh độc cư một mình ở chỗ thanh vắng. Từ chuyện này dẫn đến chuyện khác, đó là ở đời này mà mình có đi làm ăn cướp chắc chắn mình cũng có bạn, có chích hút, say sưa, trộm cướp lừa đảo, chắc chắn mình cũng có bạn, và dĩ nhiên trong thiên hạ cũng có vô số người chống đối thù ghét và pháp luật cũng trừng trị mình. Bên cạnh đó, ngược lại, mình tu hành đàng hoàng, có nhân cách có đạo đức, làm chuyện tốt đẹp cũng có người chống mình. Tôi muốn nhân chương này xin các vị lưu ý, đừng thắc mắc vì sao mình tu hành đàng hoàng mà đời trù dập bạc đãi làm khổ mình thế này. Hễ có mặt trong đời sống là chúng ta phải chấp nhận những khía cạnh tương phản. Nếu thằng ăn cướp mà có bạn được thì người hiền cũng có kẻ thù là chuyện tự nhiên. Ở đây người ta tu hành không chọc phá ai hết mà cũng có người ghét đó là chưa kể đến chuyện dòng chảy luân hồi sẽ xuôi theo ác pháp, bất thiện, xuôi theo bản năng phàm phu của chúng sanh. Trong khi mình tu hành là đi ngược lại hết, ngược nước, ngược gió, nên bị những thử thách, trở ngại, trở lực ngăn chặn thì là chuyện bình thường và cực kỳ dễ hiểu. Ngay cả chuyện tu hành thời buổi này, hoặc thời Đức Phật cũng vậy, khi mình kêu gọi người ta mê tín dị đoan, cúng bái, lừa đảo buôn thần bán thánh thì chắc chắn gặp phải vô số phản ứng chống đối từ thiên hạ nhưng cũng có một tỷ người ủng hộ mình. Nếu mình chủ trương tu hành giới luật thanh tịnh thiền định tinh tấn thì cũng có một tỷ người ủng hộ mình và một tỷ người chống đối mình. Mình ngồi yên không làm gì hết thì không thấy gì hết, chứ bung ra làm thì biết thân ngay, khởi xướng phong trào tu học đàng hoàng một chút thì bị chống phá đủ điều. Mở cái room hát karaoke thì nhiều người ủng hộ mình nhưng cũng nhiều người chống đối mình.

Bài kinh đầu tiên là bài kinh Āḷavikā. Tỷ kheo ni Āḷavikā sau khi đi bát xong về tìm chỗ thiền định thì Ác Ma xuất hiện, nói một câu trớt quớt: Người ta tu hành mục đích để giải thoát, nhưng nói thiệt cho bà biết, bà đừng buồn nghen, chuyện đó làm gì có mà hướng tới, sanh ra thì già bịnh chết, ai cũng vậy. Người tù cầu giải thoát thì mong ra khỏi tù, để tự do sung sướng, đó mới là lý tưởng của người tù. Còn ở đời, lý tưởng giải thoát là sao, tu hay không tu cũng giống nhau, tu cho lắm thì cũng già chết, không tu cũng già chết, giải thoát hay xuất ly chỉ là chuyện tào lao, lừa đảo chớ làm gì có.

Các vị trong room này là những người học Phật, tin Phật, nghe câu đó thì biết là câu tào lao. Nhưng quí vị hãy tưởng tượng nhiều lúc trong đời mình chỉ cần một câu nhẹ nhẹ vậy thôi cũng ảnh hưởng rất lớn đến nội tâm mình. Cho nên, câu đầu tiên trong kinh Kiết Tường 38 Pháp An Lành Đức Phật dạy lìa kẻ ác, gần người lành là vậy đó. Ngay bây giờ mình đang ngon lành mình thấy câu nói đó là xúi dại, nhưng lúc nào đó, cái tâm mình cũng giống như cơ thể vậy, cơ thể lúc khỏe thì không sao hết, nhưng lúc yếu rồi thì một chút sương, một chút gió, một chút nắng, một chút đồ ăn bậy bạ, một chút sinh hoạt phi thời thì lập tức lăn ra bịnh liền. Nội tâm mình cũng vậy, có những lúc mình không chánh niệm thì không lường trước được đâu, có lúc những tác động từ người ngoài, từ một hình ảnh mình nhìn thấy, một câu nói mình nghe được, sẽ ảnh hưởng mình ghê gớm lắm. Một câu nói nhẹ nhàng thôi, ví dụ mình muốn dịch, muốn in kinh, có người cười mỉm, phán câu nhẹ nhàng: Tự mình tu học còn chưa xuể mà nói gì chuyện đi hoằng pháp, ai thật sự có lòng học đạo tự tìm đến hay hơn, mình in một núi kinh ai đọc, tốn tiền tốn công tốn thời gian, thời này có ai đọc đâu, muốn gì thì viết bỏ lên internet chớ mắc gì đi in cho mệt. Họ phán một hai câu đủ làm mình chùn lòng chớ không phải không, nhưng việc gì mình thấy cần thiết thì mình cứ làm. Sống dẫm lên dư luận mà đi là chuyện không nên nhưng trở thành nạn nhân của dư luận, của thị phi, thành một chiếc lá trong dòng chảy cũng không nên. Cái khó của đời tu cũng là chỗ đó mà cái khó của đời sống cũng là chỗ đó. Ở đây tỷ kheo ni Āḷavikā nghe vậy trả lời: Sao lại nói kỳ vậy, Phật dạy có mà, chính ta là người chứng ngộ thì làm sao sự giải thoát lại là không có được. Biết mình đã bị nhận diện, Ác Ma thất vọng, biến mất.

SOMĀ (Somāsutta)

Tỷ kheo ni Somā cũng bị phá như vậy, bằng một câu nói khác làm cho nản, chán. Ác Ma nói: Chuyện tu hành khó chớ không phải dễ, người ta người nam làm chưa xuể nói gì là người nữ. Có ý tu làm chi, nữ thì chỉ biết làm nội tướng nội trợ là được rồi. Ở đây trong chánh văn, Ác Ma nói với bà tỷ kheo ni Somā thế này:

“Ðịa vị khó chứng đạt,

Chỉ Thánh nhân chứng đạt,

Trí nữ nhân hai ngón,

Sao hy vọng chứng đạt?”

Trong tiếng VN, chữ “hai ngón” là tiếng lóng có nghĩa là ‘móc túi’, ‘ăn cắp’. Trong tiếng Pāḷi, chữ “hai ngón” mà Ác Ma dùng chỗ này là Dvaṅgulapaññāyāti có nghĩa là cái trí chỉ vừa đủ cầm kim chỉ làm chuyện may vá thôi. Trí “hai ngón” này chỉ cho đàn bà vì ám chỉ cho chuyện may vá, đàn ông thì sức vóc ngon lành dời non lấp biển, khiêng vác cưu mang gồng gánh những chuyện trọng nhậm trong trời đất này, đàn bà tối đa chỉ làm được chuyện may vá sử dụng hai ngón tay là đủ rồi. Nếu không đọc Chú giải thì mình cũng đoán mò ra được, đoán mò hai ngón là việc gì đó nhỏ xíu. Bà trả lời: “Nữ tánh chướng ngại gì, Khi tâm khéo Thiền định”. Tâm tư người nữ đồng ý có vấn đề thiệt nhưng hoàn toàn không có trở ngại cho một người chứng ngộ. Bà nói rằng: Người còn bận tâm chuyện nam nữ để phân biệt kỳ thị thì còn thấp kém lắm. Ác Ma hãy đi tìm những người đó mà nói chuyện cho cân xứng ngang bằng chớ đừng đem chuyện nam nữ ra nói với một người như ta. Chỉ có những trường hợp đặc biệt: Chuyển Luân Vương, Đế Thích, Ma Vương, Phạm Thiên, Chánh Đẳng Giác thì không có người nữ thôi chứ nếu nói khả năng chứng ngộ Tứ Đế chấm dứt sanh tử thì nam nữ (tam nhân) đều có khả năng giống nhau.

GOTAMI (Kisāgotamīsutta)

Gotami ở đây là bà Kisā Gotamī. Ác Ma rất độc, nhìn vào tâm tư khuynh hướng tâm lý của mỗi vị tỷ kheo ni mà dùng câu nói khích tướng châm chọc khác nhau. Ác Ma rành lắm, ở mỗi vị tỷ kheo ni, Ác Ma chọn câu châm chích có tác dụng thâm độc tùy người. Ác Ma nói với bà Kisā Gotamī:

“Sao nàng như mất con,

Một mình, mặt ứa lệ.

Hay một mình vào rừng,

Ðể tìm đàn ông nào?”

Thấy nàng ngồi một mình trong rừng, ngồi im lặng không nói không cười, (ngồi một mình không lẽ ngồi cười, huống là một vị thánh nữa), Ác Ma nói là buồn. Trong kinh kể rất là nhiều lần có những vị Trời hoặc những vị cư sĩ thấy Thế Tôn hoặc chư tỷ kheo ngồi trong rừng thường hỏi một câu giống nhau: Ngài ngồi một mình, có gì buồn không? Ngài và các vị thánh trả lời giống nhau: Ta mất gì mà ta buồn, ta được gì mà ta vui. Cũng như có ông Bà-la-môn hỏi ngài Xá Lợi Phất: Ngài có sợ chết không? Ngài Xá Lợi Phất đáp không, thì lại hỏi nữa: Ngài có chán sống không? Ngài Xá Lợi Phất trả lời: không. Thế là ông Bà-la-môn hỏi: Không sợ chết mà cũng không chán sống thì phải hiểu thế nào? Ngài Xá Lợi Phất đáp: Ta không ham sống cũng không sợ chết, ta chỉ không muốn trái còn xanh mà phải rụng, những ngày tháng ta sống đây chỉ chờ nhân duyên hội đủ là ta đi thôi.

Bà Kisā Gotamī tên đời chỉ là Gotamī. Kisà nghĩa là gầy ốm (skinny). Bên tăng thì có ngài Mahākappina, làm vua nhưng tạng người ốm ốm xanh xanh mét mét suốt đời. Bà Kisā Gotamī cũng vậy, thời đó có nhiều người tên Gotamī, tỷ muội trong đạo tràng gọi là Kisā Gotamī để phân biệt các Gotamī khác. Mình cũng vậy, hay gắn thêm ngoại hiệu nào đó để phân biệt với những người khác. Giống như ngày xưa truyện của Duyên Anh có những nhân vật như Hoàng Ghita, Dũng Đa Kao… đại khái là thêm một chút xíu ngoại hiệu.

Trước khi đi tu bà Kisā Gotamī có chồng nhưng gia đình bà không có thương, không trọng bà, họ chỉ coi nặng đứa con trai của bà thôi, nên bà xem toàn bộ cuộc đời của bà là ván bài đánh cược trên cuộc đời đứa con, ấy thế mà đứa con lăn đùng ra chết. Hãy tưởng tượng tâm tình của một người mẹ trẻ mất đi đứa con duy nhất thì khổ cỡ nào, mà khổ nỗi đứa con đó còn có ý nghĩa khác kinh hoàng hơn, đó là chỗ dựa duy nhất bên nhà chồng. Bà bồng xác con đi tìm thầy tìm thuốc. Đứa bé đã chết rồi mà bồng xác đi thì được gì. Có người thương tình chỉ bà về chùa Kỳ Viên gặp Thế Tôn là vị Toàn Giác, cái gì Ngài cũng làm được, ai Ngài cũng thương, đến gặp Ngài biết đâu ngài có cách. Bà đến gặp Thế Tôn và quì khóc xin cứu giùm đứa con trai. Đức Phật không từ chối, Ngài nói bà đi tìm một ít hạt cải ở nhà nào không có người chết đem về Ngài sẽ làm thuốc cứu. Bà đem con vô nghĩa trang để đó, rồi đi từng xóm từng làng để tìm nhà ai không có người chết. Người ta nói với bà hạt cải thì không thiếu, nhưng gia đình dòng họ không có người chết thì không có. Lúc đó bà mới hiểu ra không phải chỉ một mình con bà chết mà tất cả thiên hạ đều phải chết và chính mình sau này cũng sẽ chết. Hiểu vậy bà đem xác con đi chôn và trở lại đi xuất gia, chứng quả A-la-hán, bà trở thành vị Etadagga paṃsukūlika – Đệ nhất phấn tảo y (y dính bụi dơ, ‘paṃsu’: ‘bụi’), vị này suốt đời này không nhận y may từ cư sĩ và cũng không chính mình lựa chọn kiếm tìm vải mới để may y mà chỉ dùng một loại vải duy nhất là vải lượm, lượm ở đống rác, nghĩa trang, nhà quàn xác, nơi bốc mộ… miễn là còn nhuộm được. Hạnh phấn tảo y, đối với bản thân, nếu mình còn phàm thì được tính ly tham, đồng thời được giản tiện trong đời sống, và đối với đời thì tăng niềm tin cho người khác, cho người ta thấy thân này là bất tịnh, giống như vết thương, vết thương thì băng bó vải gì cũng được chớ không cần phải đồ tốt đồ đắt tiền. Hạnh này là một trong 13 hạnh đầu đà, có vị thọ trì đủ 13 hạnh, có vị thọ chỉ một hoặc hai hạnh. Bên tăng có một vị tên là Mogharajā vị này cũng là Đệ nhất phấn tảo y. Chính vì Ác Ma biết bà Gotamī có chuyện đời đau lòng nên mới nói một câu thâm ác như vậy: Sao mặt buồn vậy, bộ con chết hay sao, hay vô rừng kiếm đàn ông? Ác Ma khơi lại vết thương lòng, còn chọc ngoáy xúc phạm nữa. Bà đã là A-la-hán nên bà biết, bà trả lời: Con cũng xong rồi, chồng cũng xong rồi, không còn thích gì hết, thứ lon ton như ông thì không nghĩa lý gì với ta hết. Ác Ma nghe vậy biến mất.

VIJAYĀ (Vijayāsutta)

Vijayā là một mỹ nhân trước khi đi xuất gia. Ác Ma thấy vậy nên xuống phá, nói như thế này:

Nàng vừa trẻ, vừa đẹp,

Ta vừa trẻ, vừa xuân,

Với cung đàn năm điệu,

Nàng cùng ta vui hưởng.

Vậy đó, thấy người ta đẹp xuống quyến rũ người ta. Phá chơi vậy thôi. Bà biết là Ác Ma nên bà mới trả lời:

Sắc, tiếng, vị, hương, xúc,

Làm cho ý đam mê,

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app