Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 – Chương 5: Tương Ưng Kassapa – Trở Về Già & Giáo Giới

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 5: Tương Ưng Kassapa

TRỞ VỀ GIÀ.

Ngài Ca-Diếp trong một lần đến đảnh lễ Thế Tôn thì cũng đã lớn tuổi rồi. Quí vị tưởng tượng một vị lão tăng đã lớn tuổi, y áo cũ sờn, mỗi ngày phải ôm bát mà đi. Tôi cũng có chút duyên gặp được những vị trì hạnh Đầu đà, ngày xưa tôi cũng gặp một vị chín mươi tuổi, khi chết rồi tôi mới biết pháp danh của vị ấy là hòa thượng Thích Pháp Tịnh. Chứ còn cách đây ba mươi mấy năm về trước tôi cứ theo mọi người kêu cái tên đời là Sư Ba Liền. Lúc đó sư mới tu, mấy chục năm sau sư thành hòa thượng. Sư trì hạnh đầu đà, đi suốt nắng gió mưa sương. Ngài Hộ Nhẫn cũng vậy, trời rét vậy mà đi chân không, con đường đá lổn nhổn đau chết luôn vậy mà bàn chân già cỗi đó lê trên đoạn đường đó suốt nửa thế kỷ đi bát. Y áo nắng gió mưa sương làm sao mà mới, chỉ có bình bát bóng lưỡng thôi. Khi Đức Phật nhìn thấy Ca-Diếp, một vị lão tăng đã lớn tuổi, y áo cũ sờn, mỗi ngày ôm bát mà đi, Đức Phật nói Ca Diếp về sống với Như Lai cho đỡ cực chớ ở trong rừng phải lượm y áo may nhuộm, thực phẩm bữa có bữa không. Ca-Diếp thưa với Đức Phật suy tư của mình: Những chuyện cần làm cho con đã xong rồi, con làm như vậy là nghĩ đến người đời sau. Những người muốn tinh tấn mà nghĩ đến con sẽ thêm tinh tấn, người không được tinh tấn nghĩ đến con thì họ sẽ được tinh tấn. Đó là tấm lòng của ngài đối với người đời sau. Trong lòng tôi thật sự có cảm mến nhiều với ngài Xá Lợi Phất và ngài Ānanda vì tôi nghĩ đây là vị dễ gần, còn ngài Ca-Diếp thì tôi thấy khó, thấy sợ. Trong kinh nói ngài nghiêm túc đến nỗi một người đệ tử chịu không nổi đốt cốc ngài rồi bỏ đi hoàn tục luôn. Nhưng đọc kỹ lại thì ngài là một người đại từ, đại bi, đại trí, đại dũng. Cả đời ngài chỉ nghĩ đến người khác. Xuất gia bảy ngày, đến ngày thứ tám là ngài chứng quả A-la-hán, lục thông tam minh, tứ tuệ phân tích, chẳng còn gì để làm, vậy mà đi bát, kiếm xóm nghèo mà đi. Quí vị vào Trưởng Lão Tăng Kệ có ghi lại những câu nói của ngài: Có người hỏi ta vì sao đã lớn tuổi mà vẫn trì hạnh Đầu đà, sao không về sống ở chùa miểu tự viện để có kẻ hầu người hạ. Ca-Diếp đã từ chối không làm vậy vì cho đến bây giờ ống chân ta vẫn còn mạnh, ta vẫn còn có thể leo núi… Học kinh cho biết để hoan hỉ vậy thôi chớ những hạnh này bây giờ trở thành “cổ vật” rồi. Hạnh này giờ phải về mấy xứ quốc giáo chớ ở Âu Mỹ là không có rồi đó. Còn về VN thì cũng hơi khó

GIÁO GIỚI

Loạt kinh này được thuyết giảng lúc Đức Phật đã trọng tuổi, sắp Niết bàn. Nếu mình dùng bụng tiểu nhân đo lòng quân tử thì những bài kinh này rất dễ hiểu lầm là trước giờ mấy chục năm, Đức Phật có ngó gì tới ngài Ca-Diếp đâu, đến khi Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên tịch rồi, Đức Phật mới nhìn ngài Ca-Diếp có chút ưu ái vì bây giờ người sẽ gồng gánh trọng nhiệm duy trì Phật pháp sẽ là ngài Ca-Diếp. Nếu nghĩ như vậy sẽ rất bất kính và bất lợi cho mình. Chư Phật chỉ làm cái gì nên làm vào thời điểm đó mà thôi chớ không có tính toán như mình. Loạt kinh này Đức Phật tán thán ngài Ca-Diếp.

Ngài nói: Hoặc là ta hoặc là Ca-Diếp hãy dạy dỗ chúng tỳ kheo. Bài kinh tiếp theo Ngài nói: Ta chứng Sơ thiền Ca-Diếp cũng chứng Sơ thiền, ta chứng Tứ thiền Ca-Diếp cũng chứng Tứ thiền, ta có Tam minh Ca-Diếp cũng có Tam minh. Ta chứng La-Hán diệt tận phiền não không còn tái sinh thì Ca-Diếp cũng là vị La-Hán chấm dứt phiền não không còn tái sinh. Ta có khả năng nhớ lại nhiều đời quá khứ thì Ca-Diếp cũng nhớ lại nhiều đời quá khứ. Đây là Ngài chỉ nói chung chung chứ một người đệ tử không bao giờ bằng một phần tỷ của vị Chánh Đẳng Giác. Một vị trí tuệ như ngài Xá Lợi Phất, thần thông như ngài Mục Kiền Liên, đức hạnh như ngài Ca-Diếp không bằng một phần tỷ của Đức Phật. Trong Chú giải nói, sức nhớ tiền kiếp của một vị Độc Giác nhớ gấp đôi ngài Xá Lợi Phất, tức là hai A-tăng-kỳ, một trăm ngàn đại kiếp.

Lúc đó ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, bà Yasodhara và ngài Bakkula nhớ được một a-tăng-kỳ đại kiếp, các vị còn lại nhớ tối đa một trăm ngàn đại kiếp mà thôi. Trong khi đó, vị Chánh Đẳng Giác thì “Yam yam tathāgato ākankhati tam tam tathāgato pajanati”: chư Phật muốn biết đến đâu thì lập tức biết ngay đến đó và không có giới hạn. Không cần phải dò như Thinh Văn, giống như cầm đèn dầu mà rọi vậy. Khả năng thần thông của Đức Phật hơn hẳn vị đệ tử, dù nói trên chi pháp cũng tâm này tâm kia giống nhau. Nhưng chư Phật sống chết vì tất cả thiện pháp không e sợ bất cứ khó khăn nào khi tu Ba-la-mật, nên khi thành Phật cái gì tốt nhất Ngài cũng có. Ví dụ mình chỉ thích bố thí hoặc trì giới, hoặc có những vị tánh trong sạch nhưng kẹo, có vị thì mê pháp học nhưng mắc bịnh học giả, lòng lại hẹp, có vị khoái hành thiền tinh tấn nhưng trong đời sống anh em thì tệ, và đối với chuyện hoằng pháp không có trách nhiệm; không phải là Bồ tát Chánh Đẳng Giác thì thiện pháp luôn có vấn đề. Có người giữ giới rất trong sạch nhưng giữ xong rồi thì coi người khác không ra gì vì không bằng mình. Vị Bồ tát thì không, giữ giới không coi giữ giới là duy nhất, không coi bố thí là duy nhất, làm tất cả các hạnh lành không giới hạn, chết cũng làm, mất ngai vàng cũng làm, mất sạch mọi thứ tình cảm cũng làm. Chính vì vậy khi thành Phật cái gì Ngài cũng biết, và không sợ hãi bất cứ trở lực nào nên khi thành Phật thì trở thành bậc bất khả chiến bại, không bao giờ chết trong tay người khác. Không ai có thể hơn được bậc Chánh Đẳng Giác bất cứ một chút gì về từ bi, trí tuệ, hành xả v.v…

Đức Phật kêu gọi ngài Ca-Diếp trở về chùa sống, ngài Ca-Diếp từ chối. Kêu gọi ngài dạy dỗ chư tăng, ngài thưa với Phật những vấn đề khó khăn (họ không kham nhẫn, họ không kính trọng những lời giáo giới, so với mấy chục năm trước thì thiện pháp không bằng, họ không có niềm tin, tàm, quý, tinh tấn, trí tuệ… Ngài không nói đến tín, tấn, niệm, định, tuệ mà chỉ đề cập đến tín, tàm, quí, tấn, tuệ vì đang nói đến đời sống thường nhật của những vị dễ duôi.

Bài kinh Giáo Giới tiếp theo cũng y hệt như vậy, Đức Phật tán thán ngài Ca-Diếp và ngài cũng xác định thực tế đáng ngại của Phật pháp lúc đó, ngài nói thuở xưa (mấy chục năm trước đó) chuyện tỳ kheo sống trong rừng rất phổ biến nhưng càng về sau thì chùa miểu nhiều hơn, Phật tử đông đảo hơn, điều kiện sinh hoạt của chư tăng thoải mái hơn thì sự tinh tấn của chư tăng có dấu hiệu sút giảm. Chuyện này đã xảy ra từ thời Đức Phật chớ không phải bây giờ. Mình trách cũng không được, vì các pháp hữu vi đều không bền vững, có cao trào thì phải có thoái trào, có đỉnh thì phải có đáy. Mình thấy Phật tử đông, chùa miểu nhiều, cúng dường nhiều, nếu ngồi trong rừng ngó ra ngoài thấy phòng ốc, máy lạnh, xe cộ bóng loáng thì cũng động tâm, thôi về chùa sống cho khỏe. Như tôi bây giờ đâu phải trụ trì giàu có gì nhưng khi đi Miến Điện thấy các thiền viện tôi ham quá, mát lạnh đẹp như Đà Lạt; nhưng tới giờ cơm để miếng cơm vào miệng lạnh ngắt đến rùng mình. Nằm chiêm bao tôi cũng không hiểu sao cứ mười một giờ ăn cơm thì chín giờ họ đã dọn lên cho ruồi bu kiến đậu, nhang tàn khói lạnh, nguội ngắt. Vậy sống sao nổi. Nhiều món lạ lùng, mùi vị chịu không nổi. Nếu đi xuất gia mình chỉ biết Miến Điện thì ăn được, đằng này mình đã sống qua quá nhiều hoàn cảnh nên mới nảy ra so sánh. Vì vậy đừng trách tăng ni, hễ có so sánh thì có lựa chọn. Có điều, làm sao thì làm, đừng bỏ lý tưởng cao nhất của mình.

Đức Phật dạy: Này Ca-Diếp, đời sống phạm hạnh là đời sống cực kỳ khó khăn. Ngài gọi là hiểm nạn. Riêng ba cái tri túc là không phải dễ. Vui với cái mình nhận được là hơi khó rồi; trong mười món nhận được phải bỏ đi những món không thật sự nhu cầu; và trong những món thật sự nhu cầu chỉ được dùng những gì coi được. Mới quá, bóng quá, đắt tiền quá, anh em sư phụ mình không có mà mình xài thì hơi khó. Sống đúng tinh thần phạm hạnh là một hiểm nạn. Sinh tử là một cánh rừng, một đại dương, muốn ra khỏi rừng, muốn lên khỏi biển làm gì không có chuyện trả giá.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app