Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Phẩm Thập Lực

THẬP LỰC (Dasabalasutta)

Nhắc lại bài kinh Duyên hôm trước, chúng ta biết một người khi hiểu được 12 Duyên khởi thì không có những thắc mắc vớ vẩn về quá khứ, hiện tại, vị lai. Không có những suy tư về bản thân theo cách kích thích phiền não, đại loại là nghĩ về những đoạn đời đã qua của mình buồn vui ra sao, để rồi cái nào tham được thì tham, sân được thì sân, tức là cái nào thích được thì thích, bất mãn được thì bất mãn; rồi nghĩ về quá khứ, ao ước có được Túc mạng minh để nhớ được đời sau kiếp trước như thế nào. Những suy tư, hồi tưởng về quá khứ của kiếp này hay kiếp xưa, gắn liền với ý niệm về ngã và ngã sở, (những ước vọng trù tính về tương lai, tôi sẽ như thế này, tôi sẽ như thế kia, cũng gắn liền với ý niệm tôi và của tôi, và trong hiện tại, tôi đang là gì, vinh nhục thành bại ra sao), những suy tư gắn liền với ý niệm ngã chấp đó sẽ chấm dứt khi mình biết rõ sự hiện hữu của mình trong quá khứ, tương lai hay hiện tại chỉ là sự có mặt chớp nhoáng của danh và sắc, chỉ là sự ghép nối liên tục và ngắn hạn của từng sát-na danh sắc. Giống như hôm nay mình nhớ về những món đồ chơi thời còn nhỏ, ngẫu nhiên tình cờ nhớ thì ok chứ còn dành nhiều thời gian để nghĩ về những món đồ chơi ngày bé thì rất khó xảy ra, vì nó chỉ là những món đồ chơi bằng nhựa hay bằng giấy không đáng gì hết. Dù là kỷ niệm, nhưng đó là đồ chơi của thời vụng dại, trẻ người non dạ, không biết suy nghĩ, ăn chưa no lo chưa tới, cái thời mà mọi đánh giá mọi nhận thức về cuộc sống của mình chưa xài được. Một bậc hiền trí, một người có học đạo (chưa nói người chứng đạo) nghĩ về chuyện cũ hay chuyện sau này bằng cái nhìn trách nhiệm, cái gì nên và không nên, cái gì cần và không cần, chỉ vậy thôi, không nghĩ ngợi mất thì giờ về nó bằng những suy nghĩ không cần thiết. Đó là nội dung bài kinh cuối cùng trong phẩm Nhân Duyên. Sáng nay học bài kinh đầu tiên trong phẩm Mười Lực.

Trong bản Hán người ta dùng chữ ‘Thập Lực’. Đây là một trong những hồng danh của Đức Phật.

“Này các Tỷ-kheo, Như Lai đầy đủ mười lực, đầy đủ bốn vô sở úy, tự nhận vị trí Ngưu vương, rống tiếng rống con sư tử giữa hội chúng, chuyển Pháp luân và nói rằng: “Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt. Ðây là tưởng, đây là tưởng tập khởi, đây là tưởng đoạn diệt. Ðây là hành, đây là hành tập khởi, đây là hành đoạn diệt. Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt”.

Mới đọc qua đoạn kinh này thấy không có gì đặc biệt nếu mình không thường đọc kinh tạng. Ngài xác nhận Ngài là một vị Chánh Đẳng Giác với Thập lực, và cuối cùng Ngài nói, Ta có đủ tư cách để xác định đây là 5 Uẩn, đây là con đường dẫn đến 5 Uẩn, đây là sự kết thúc của 5 Uẩn, đây là con đường dẫn đến sự hiện hữu của 5 Uẩn. Nghe không có gì là ghê gớm, nhưng toàn bộ thế giới này, toàn bộ sự hiện hữu của tất cả vũ trụ, toàn bộ sự có mặt của tất cả chúng sinh, toàn bộ sự có mặt của những gì vô tri như đất đá, cây cỏ, núi non, kinh rạch chim muông thú vật, tất cả mọi hiện hữu đó gom lại chỉ là 5 Uẩnmà thôi. Trong cái nhìn rốt ráo của một bậc đại giác thì thế giới này chỉ là vậy, không hơn không kém. Ngài nói cho mình biết Ngài hiểu rõ sự có mặt của vạn hữu ở đời thật ra là cái gì và từ đâu có sự hiện hữu đó. Và bằng vào hành trình nào ta đạt đến cứu cánh chấm dứt mọi thứ, đó chính là nội dung bài kinh.

Thập lực là gì?

1. Biết rõ cái gì là hợp lý và vô lý (thāna + athāna), tức là Ngài biết chuyện đó có xảy ra hay không và với điều kiện, nguyên do như vậy thì sẽ xảy ra như thế nào. Ví dụ Ngài dạy, không thể nào thiện dẫn đến quả khổ, không thể nào việc ác dẫn đến quả vui, không thể nào nhân sinh tử dẫn đến giải thoát, và không thể nào nhân giải thoát dẫn đến sinh tử. Không có cái gì đã có mặt thì trường cửu và không vô thường. Nói chung tất cả những cái gì ở đời này cũng phải y cứ trên yếu tố nhân duyên. Vạn pháp do duyên mà có, đã có phải vô thường, đó là lý Nhân quả và Tam tướng.

2. Biết rõ vấn đề nghiệp lý; kammasamādāna: nghiệp nào dẫn đến quả nào.

Mười điều này có thể có ở hàng Thanh văn nhưng ở mức hạn chế và bất định. Hạn chế nghĩa là cái biết của hàng Thanh văn không vô tận, vô biên, vô lượng như Đức Phật. Chỉ riêng sức nhớ về quá khứ, ngay cả Phật Độc Giác chỉ nhớ 2 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Hai vị chí thượng Thanh văn ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên nhớ được 1 A-tăng-kỳ, 100 ngàn đại kiếp. Các vị đại Thanh văn có biệt hạnh đệ nhất, như ngài Ānanda, Ca Diếp chỉ nhớ 100 ngàn đại kiếp, các vị khác thì bất định, rất hạn chế. Bất định nghĩa là vị A-la-hán này không giống vị A-la-hán kia. Ngay cả bản thân vị đó, ngay lúc trau dồi thường xuyên khả năng nào đó thì vẫn có lúc bỏ lơ, ví dụ ngài Anuruddha lúc ngài mới chứng thiên nhãn thì khả năng của ngài không bằng thời gian sau đó; nhưng chư Phật Chánh Đẳng Giác thì không, 10 lực của các ngài không hạn chế, và luôn cố định, từ lúc thành đạo đến lúc Niết bàn trước sau như một, vị Phật này giống hệt vị kia, không hạn chế.

3. Biết rõ con đường dẫn đến tất cả cảnh giới (sabbatthagaminipatipadam yathabhutam pajanati). ‘yathabhutam pajanati’: biết như thật, nó làm sao thì biết như vậy. ‘patipadam’: con đường, lối hành trì. ‘sabbatthagamini’: mọi chỗ lai vãng, lui tới. Ví dụ nhìn con kiến, Ngài biết rõ vì đâu mà nó tới nơi đó. Khuynh hướng tâm lý của mình dẫn đến hành động của mình và hành động dẫn đến cảnh giới tái sanh, vì vậy đừng nghĩ thói quen chỉ là thói quen. Một thói quen nhỏ xíu, chú ý tủn mủn vụn vặt như cái đinh, thức ăn hư gom góp để dành, nếu mình thiếu công đức chút xíu sẽ sanh ra làm loài như ong, kiến. Mấy con sóc, đến mùa chúng dành dụm thức ăn cho mùa đông. Khuynh hướng thói quen tâm lý của mình sẽ dẫn đến mình là con chim, con bướm, con cá, con rắn mà không phải là loài khát máu ăn thịt sống. Khuynh hướng trong từng ngày, cộng với điều kiện sống hiện tại, cộng với tác động của nghiệp quá khứ dẫn đến mình sẽ đi về cảnh giới nào, và mình có thể quan sát được tương lai của mình thông qua đời sống hiện tại của mình. Mình sống giống như hạng nào thì mình sẽ về cộng trú với hạng đó. Trong Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy, chỗ nào mình đi đứng nằm ngồi còn tham sân si thì chỗ đó là chỗ ở của loài đọa xứ; chỗ nào mình sống bằng tâm lành của người đang tu tập thập thiện thì chỗ đó là chỗ ở của chư thiên; chỗ nào mình sống bằng 4 vô lượng tâm từ, bi, hỷ, xả thì chỗ đó là chỗ của Phạm thiên; chỗ nào mình sống bằng trí tuệ, chánh niệm về Tam tướng trong 5 Uẩn thì đó là thánh xứ, là trụ xứ của thánh nhân. Nói vậy có nghĩa là cho dù ngôi nhà của mình là biệt thự hàng triệu đô la mà sống bằng tâm tham thì chỗ đó là chuồng heo, nếu sống bằng tâm sân thì đó là chuồng cọp beo sư tử, chỗ của Dạ xoa, của A-tu-la. Cái này không phải là cách nói ẩn dụ trừu tượng mà thật sự như vậy. A-tu-la là chúng sanh thường trực sống trong thế giới nội tâm nóng bức, gây gổ, bất mãn. Đức Thế Tôn nhìn thấy là biết khuynh hướng sống như thế này, kiểu hành trì này, sẽ dẫn đến cảnh giới đọa lạc, cảnh giới của Dục thiên hay Phạm thiên, hay dẫn đến quả vị thánh nhân.

4. Biết rõ bản chất rốt ráo của thế giới này, gồm các chúng sinh và cảnh giới, thực ra là những gì(anehadhatum yathabhutam pajanati). Ngài biết trên tất cả khía cạnh tục đế, chân đế. Ví dụ Ngài biết rõ bên ngoài vũ trụ này còn có thế giới khác và những thế giới đó cũng gồm có sắc, thọ, tưởng, hành, thức như ở đây, cũng có cây cỏ, đất, đá như ở đây. Gom gọn lại, cái gì thuộc về sắc thì lấy bốn đại làm căn bản: đất, nước, lửa, gió. Cái gì thuộc về danh thì phải y cứ vào tâm và tâm sở. Ngài biết rõ tất cả vũ trụ và chúng sinh chỉ là con số 18 gồm 6 căn, 6 cảnh và 6 thức. Ngài biết rõ có bao nhiêu cõi, ở mỗi cõi có bao nhiêu loại chúng sinh, ở mỗi loại chúng sinh có bao nhiêu sắc, có bao nhiêu tâm sở; đó gọi là biết trên cả khía cạnh chân đế và tục đế.

5. Biết rõ khuynh hướng sai biệt và đa dạng trong tâm lý của tất cả chúng sinh (nanadhimuttikam pajanati). Ngài biết rõ ai có khuynh hướng ra sao, lợi căn, độn căn v.v… Vô lượng chúng sinh ở đời gom lại chỉ có 6 cơ tánh: nặng về tham, sân, si, tầm, tín, giác. Ngài biết rõ người nào nhanh, chậm, cao, thấp. Cao thấp ở đây là có người chỉ quẩn quanh trong năm dục, trong thiền Sắc giới, trong thiền Vô sắc giới, hướng tâm cầu vô sanh bằng cách nhàm chán 5 Uẩn và tu tập niệm xứ Vipassanā.

Có người đến chùa, coi chùa là chỗ họp mặt vui vẻ, vô chùa để nhiều chuyện. Có người đến chùa cầu công đức, họ phục vụ, thích quét dọn dưới bếp chớ không nghe pháp xem kinh nổi. Có người vô chùa để bố thí. Có người đến chùa để nghiên cứu kinh điển. Có người vô chùa ngồi xếp bằng nhắm mắt ké không khí đạo tràng cho yên tâm. Có người đốt nhang cầu khấn suốt mùa thu. Chỉ riêng chuyện đi chùa mà đủ loại đủ hạng, cả trăm lý do, nói chi chuyện khác trong đời sống.

6. Biết rõ khả năng giác ngộ của từng người có hay không, nhiều hay ít và có như thế nào (indriyopariyananabala). Ngài biết rõ thiện pháp của người này cái nào mạnh, hợp với cái gì để nói cho họ nghe.

Vị Thanh văn giỏi như ngài Xá Lợi Phất, biết rất rõ về người khác nhưng khả năng này cũng không bằng vị Chánh Đẳng Giác. Ngài Xá Lợi Phất nhìn một người có thể biết rõ trong 300 kiếp liên tục của một vị nào đó, vị ấy từng sở trường cái gì, từng thích cái gì, ghét gì, từng học đạo, từng gặp chư Phật quá khứ nào… nhưng lựa điều gì để thích hợp giảng cho người này thì khả năng này của ngài Xá Lợi Phất không bằng Đức Phật được. Đức Phật có thể nhìn thấy trong một núi sở thích thói quen đủ thứ và biết rõ cái nào là bản chất rốt ráo của con người này để mà Ngài thuyết giảng.

7. Biết rõ tất cả vấn đề liên quan đến thiền định (jhanavimokkhasamadhisamapattinaṃ sankilesavodanavutthanaṃ pajanati)

Trên đời có bốn điều mà trí tuệ người bình thường không có khả năng suy nghĩ tới nơi tới chốn, thậm chí có thể khiến cho mình điên loạn. Bốn pháp bất khả tư nghì (Acinteyya), không thể nghĩ bàn:

-Thế gian bất khả tư nghì:

Bên ngoài vũ trụ này còn có vũ trụ khác hay không, sinh hoạt ở đó ra làm sao? Mình ở đây phải nhờ đến ôxy, dưỡng khí để thở, ăn uống ngũ cốc, lúa mạch, các loại hạt, thịt cá; nhưng biết đâu có những cảnh giới khác sống hoàn toàn khác nơi này, cơ thể họ bằng kim loại và họ chỉ uống xăng, thậm chí uống acid để sống? Những suy nghĩ như vì sao con cò màu trắng con quạ màu đen, vì sao lá thường màu xanh, vì sao lá này to lá kia nhỏ; tại sao trái này ngọt, trái kia chua, trái nọ đắng; những bí mật về đại dương, về động vật, thực vậy, về khoáng chất v.v…. Có đi du lịch vô viện bảo tàng thì quí vị mới thấy những chuyện trong trời đất này lạ lắm, nội mình thấy những tinh thể của kim loại, những tinh thể của thủy tinh, của tuyết là đã lạ rồi, chúng trật tự và bài bản ghê gớm. Ai là người sắp đặt, an bài, tạo dựng ra những điều đó? Những suy nghĩ này mà chỉ làm cho mình rối trí, đó là thế gian bất khả tư nghì.

-Nghiệp báo bất khả tư nghì:

Trí tuệ như ngài Xá Lợi Phất cũng chỉ biết giới hạn nào đó, ví dụ ngài biết siêng học hỏi thì có trí tuệ; thích bố thí sẽ giàu có; giữ giới thì sẽ có tuổi thọ, nhan sắc, uy tín; sống từ tâm thì đời sau sinh ra mặt đẹp dễ thương. Ngài chỉ biết đại khái như vậy thôi, còn chi tiết thì giữa hai người bố thí sẽ có sự khác biệt nhau như thế nào thì sự biết của ngài không bằng vị Chánh Đẳng Giác. Cùng làm một việc thiện như nhau (chụp hình quay phim giống nhau y chang) nhưng tâm trạng hai người khác nhau, sẽ dẫn đến quả báo khác nhau; có những việc thiện hoành tráng nhưng quả trổ hạn chế, có người làm việc thiện việc ác nhìn đơn giản nhẹ nhàng nhưng quả trổ đáng nể; tình trạng tâm lý của chúng sinh lúc tạo nghiệp chỉ có vị Chánh Đẳng Giác mới biết tới nơi tới chốn, đó là nghiệp báo bất khả tư nghì. Ví dụ như việc Bồ tát Thích Ca nằm trải mình cho Phật Nhiên Đăng đi lên, trong kinh gọi là cúng dường thân xác và thân mạng cho chư Phật, mình thấy việc đó giống như bình thường, mình nghĩ là chư Phật, chư thánh tăng làm gì dẫm cho mình chết, có Phật tử Thụy Sĩ nói vậy, sẵn sàng nằm như ngài. Nhưng thật ra trong nghiệp báo không phải vậy, đó là cái tâm của người ta lúc người ta trải mình xuống, khi đó ngài nghĩ rằng cái chết có xảy đến cũng không thành vấn đề. Đó là nghiệp báo bất khả tư nghì.

-Thần thông bất khả tư nghì:

Khả năng tâm lực, khả năng thiền định của một người có thần thông, họ làm được những điều mình không tưởng tượng được, thí dụ, mình muốn tạo ra kim loại thì phải có kim loại trong tay, muốn tạo ra lửa phải có những công cụ hoặc nhiên liệu để tạo ra lửa, chớ không thể nào tay không mà tạo ra những vật bằng sắt bằng đồng hoặc tạo ra lửa, vậy mà thần thông có thể làm được chuyện đó. Trong kinh nói, một người từng cúng dường y áo cho chư tăng thì đời sau khi gặp vị Chánh Đẳng Giác và được xuất gia trước mặt Ngài, chỉ cần Ngài đưa bàn tay và nói “Ehi bhikkhu”, tới đây đi này vị tỳ kheo kia, vừa nói xong thì lập tức y áo có đủ trên người của đương sự. Hoặc khi ngài Maha Kasapa tôn trí xá lợi của Thế Tôn vào trong bảo tháp ngài biết rõ 218 năm sau sẽ có một ông vua tên là A Dục, từ một vị bạo chúa sẽ hồi đầu thị ngạn quay về với Phật trở thành vị đại hộ pháp chấn chỉnh PG trên toàn cõi Ấn Độ, ông sẽ đến mở cửa tháp này ra và việc gì sẽ diễn ra. Vì vậy khi tôn trí xá lợi của Thế Tôn vào trong lòng bảo tháp của vua A Xà Thế, ngài chú nguyện: “Xin cho ngọn đèn này hãy cháy liên tục cho đến khi vua A Dục mở cửa tháp, và những vòng hoa cúng dường xá lợi hôm nay hãy cứ thơm và tươi như vậy cho đến 218 năm sau khi vua A Dục mở cửa ra thì vẫn tươi thơm như vừa mới đặt vào.” Ngài chú nguyện xong thì niêm (seal) tháp lại, không ai cạy gỡ gì được nữa hết. Hai trăm mười tám năm sau, tháp đã cũ sụp nhưng lòng tháp vẫn còn nguyên vẹn đó. Vua A Dục muốn xây lại tháp mới, phải mở tháp cũ. Trước sự chứng kiến của vua, khi gạch đá được tháo gỡ ra thì ngọn đèn vẫn cháy như thuở ban đầu và vòng hoa vẫn tươi rói và tỏa hương thơm ngát như mới vừa được đặt vào trong đó hai giây đồng hồ. Chuyện này bà con có quyền không tin nhưng tôi tin, tôi tin vì lý do rất quê mùa và dốt nát, đó là tôi thấy người ta biểu diễn võ thuật, biểu diễn xiếc, cũng thân xác con người thôi nhưng trải qua luyện tập nhất định nào đó người ta làm được chuyện mà người bình thường không làm được. Ví dụ, cái bao xi măng 50 ký lô, mình khiêng cả hai tay hai chân, gồng cả xương sống để nhấc bao xi măng lên, vậy mà có kẻ hít đất bằng hai ngón trỏ. Cách đây không lâu tôi còn thấy có vị trồng chuối ngược toàn thân được chịu trên nền nhà bằng một ngón trỏ. Nếu đem chụp X-ray ngón trỏ này cũng chỉ là xương và gân thôi chớ đâu có thép. Ngay cả Liên Xô thời chiến tranh lạnh, họ cũng bằng cách nào đó cho ghi hình về nhân vật huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long, họ có hẳn một bộ phim tài liệu về nhân vật này với những lời bình có cánh. Họ nói con người này chỉ cao khoảng 1m60, gân xương chắc phải cấu tạo đặc biệt mới có năng lực đặc biệt như vậy. Chỉ riêng cái thân xác vật lý này của mình mà trong sự trau dồi đặc biệt nào đó thì có thể làm nên chuyện đặc biệt không thể tưởng tượng được, chẳng hạn như chuyện lấy đầu húc vào trong tường, đập bể gạch. Quí vị có thể vào youtube gõ chữ Shoulin (Thiếu Lâm) có thể thấy. Chỉ thân xác con người thôi mà như vậy thì nói gì là cái tâm. Tôi nhớ có lúc tôi ngồi ngoài nắng cả giờ đồng hồ mà tôi không hay, có khi tôi chờ xe bus có năm phút mà tôi thấy quá lâu. Vì sao, vì ngồi trong nắng mà có chuyện gì cuốn hút nội tâm của mình thì 60 phút trôi qua không biết, còn khi không có chuyện gì để làm thì trễ 5,7 phút xe lửa mình chịu không nổi. Cái tâm của mình lạ lùng lắm, có lúc năm ba phút chịu không được mà có lúc cả tiếng đồng hồ trôi qua không hay. Người tu tập thiền định cũng giống như vậy, họ khai thác sức mạnh của nội tâm họ làm được những chuyện mà người bình thường không làm được. Vì vậy trong kinh nói thần thông bất khả tư nghì là chỗ đó

-Phật trí bất khả tư nghì:

Phật hiểu rõ ba điều bất khả tư nghì trên đây nên trí Ngài cũng được gọi là bất khả tư nghì. Ngoài vị Chánh Đẳng Giác ra không ai hiểu được 3 điều trên, Ngài hiểu được nên trí của Ngài gọi là bất khả tư nghì.

Ở đây, chúng ta đang nói về 10 lực của Đức Phật, trong đó có một điều đó là biết rõ tất cả các vấn đề liên quan đến thiền định- jhanavimokkhasamadhisamapattinaṃ sankilesavodanavutthanaṃ;

‘vimokkha’: giải thoát; giải thoát này không phải là thánh trí mà là sự lìa xa năm triền cái, lìa xa dục giới.

‘jhanavimokkhasamadhisamapattinaṃ’: bốn chữ này gọi chung cho thiền định và thần thông.

‘Sankilesa’: phiền não

‘Vodana’: sự thanh tịnh

‘Vutthana’: sự xuất định

Ngài biết rõ bốn điều về thiền và thông: cách chứng thiền, nhập định, xuất định và biết rõ cái gì là trở ngại cho thiền định, thần thông; biết rõ rốt ráo, không chỗ nào không biết. Ngài biết rõ thiền nào có thể nhập, bằng điều kiện gì. Chẳng hạn như muốn đắc Sơ thiền phải nhàm chán năm dục để lìa bỏ năm triền; lìa bỏ năm triền mới chứng Sơ thiền, thành tựu đầy đủ 5 chi thiền (tầm, tứ, hỷ, lạc, định). Ngài biết rõ một người khi chứng thiền này có thể an trú trong đó một hay hai ngày, nếu đến lúc chết không mất thiền này thì sinh về cõi Phạm thiên sống được bao lâu. Ngài biết rõ với một người chứng thiền như vậy cái gì là trở ngại. Ngài nói điều đại kỵ của sơ thiền là tiếng động, là sự ồn ào, vì vậy người chứng sơ thiền phải tránh ở chỗ ồn ào. Người đắc Ngũ thiền, nếu người đó nhàm chán tâm thức, nếu muốn, với trình độ Ngũ thiền người đó có thể nguyện sanh vào cõi không tâm (cõi Vô tưởng), đến lúc lâm chung chỉ cần 5 thiền không mất, nguyện đó không đổi, thì vị này sẽ lập tức sinh về cõi Vô tưởng. Chết ở cõi người trong tư thế nào thì sanh về cõi đó cũng trong tư thế đó. Trong kinh nói cõi Vô tưởng giống như viện bảo tàng, có những tượng đi đứng nằm ngồi, ngồi kiểu nào, nằm kiểu nào, đa dạng đủ hình thức, tất cả tượng đó đều bằng vàng hết. Để hiểu rõ những điều này thì xem lại trong quyển A-tỳ-đàm của chúng tôi. Nói chung Ngài biết rõ những vấn đề liên quan về thần thông và thiền định, tất cả những vấn đề liên quan đến chuyện chứng thiền, nhập thiền, xuất thiền, cái gì trở ngại cho thiền và cách giải quyết ra sao.

Ba lực còn lại là Ba lực còn lại là Tam Minh:

Túc mạng minh là nhớ lại quả luân hồi, nhớ lại Ngài và người khác đã từng sinh ra ở đâu, sống thế nào, hình dáng, tuổi thọ, buồn vui ra sao.

Sanh tử minh là nhớ lại do nghiệp nào Ngài và chúng sinh khác đã có đời sống như vậy như vậy.

Lậu tận minh là biết rõ cái gì cũng do duyên mà có và có rồi đều phải vô thường, biết một cách rốt ráo bằng thánh trí của bản thân, không phải là thứ kiến thức học hỏi hay nghe lại từ ai khác; từ hai cái biết này dẫn đến sự chấm dứt phiền não, không còn gì để thích thú hay bất mãn, ghét sợ.

Dù mình có học thuộc lòng Tam Tạng bao nhiêu đại kiếp đi nữa, phiền não cũng không bao giờ hết. Phiền não chỉ hết khi chính mình thấy rõ vạn pháp do duyên mà có, và có rồi thì phải mất, cái thấy này phải do chính mình chớ không phải do ai đem lại cho mình. Dù có vị Chánh Đẳng Chánh Giác đi nữa Ngài cũng không thể nào giác ngộ giùm cho mình. Ả Rập có câu: Thầy chỉ là người mở cửa, trò phải bước vào bằng hai chân của mình. Đức Phật chỉ là người chỉ đường, người mở cửa; bước vào căn nhà giác ngộ phải chính là mình. Chưa từng uống ly cà phê thì dù có đọc hàng tấn sách nói về hương vị cà phê cũng không thể nào bằng nhấp môi vài giọt cà phê. Lậu tận minh là vậy, khi hiểu ra thì không còn thương thích ghét sợ, đam mê bất mãn gì nữa. Toàn bộ đời sống này chỉ là sự hiểu lầm. Chúng ta gọi ai đó là tri âm tri kỷ, chỉ là nói theo nghĩa thế gian, thực ra, nói cho rốt ráo ra chả có mèo nào hiểu mỉu nào. Chúng ta vốn dĩ cô đơn từ vô lượng kiếp, chúng ta đi một mình trên hành trình vạn lý từ bụng mẹ, từ thuở nằm nôi đến ngày nằm trong áo quan. Giác ngộ là tự mình nhìn thấy mình. Toàn bộ đời sống này chỉ nằm trong hai thứ: thích và ghét. Trong kinh Tứ Niệm Xứ Đức Phật dạy: Ở đây vị tỳ kheo tinh cần tỉnh giác, tu tập, quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp để diệt trừ tham ưu ở đời. (bhikkhu kāye kāyānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā, vineyya loke abhijjhādomanassaṃ); ‘Abhijjhādomanassaṃ’: Tham ưu (tham: thương thích này nọ, ưu: ghét sợ bất mãn này nọ). Cả hành trình sống của mình dù vô lượng kiếp hay trăm năm phù du kiếp người chỉ có hai thứ này: tham ưu.

Túc mạng minh và Sinh tử minh của Thanh văn và Phật Độc Giác bị giới hạn về thời gian. Về nội dung của Lậu tận minh thì La-Hán nào cũng giống nhau ở điểm đoạn trừ phiền não và thấy rõ Niết bàn nhưng khả năng trình bày cho các căn tính chúng sinh thì chỉ có Phật Toàn Giác mới viên mãn. Các vị Thanh văn cũng tự đắc nhưng cần sự gợi ý của Phật Toàn Giác. Chú giải kinh Patisambhidamagganói Độc Giác chứng đạo rồi không dạy được ai như người câm nằm chiêm bao.

Mười khả năng này ở vị Chánh Đẳng Giác được xem là 10 sức mạnh của ngài. Ngài có mặt ở bao nhiêu hội chúng Sa-môn, Bà-la-môn, Ma Vương, Phạm thiên gì Ngài cũng không hề sợ hãi. Với khả năng này thì Ngài nhìn mọi người đơn giản không gì khuất lấp.

Bốn vô sở úy:

Bà con vào bài Kinh Trung Bộ số 12, Đại Kinh Sư Tử Hống, xem bốn pháp Vesarajjadhamma, Vô Sở Úy của Đức Như Lai.

1. Tự tin về sự hiểu biết bằng thánh trí.

2. Tự tin về sự đoạn trừ phiền não của thánh trí.

3. Biết chắc những gì là trở ngại của thánh trí.

4. Biết chắc lời dạy của mình có thể dẫn đến thánh trí.

Có những vị tỳ kheo tu lâu năm có đệ tử rất đông, bản thân vị ấy là pháp sư Tam tạng, nhưng Đức Phật vẫn không xác nhận vị này là thánh, trong khi đó có những vị sa-di 7 tuổi Ngài xác nhận: Đây là con trai của Như Lai. Một khi Ngài xác nhận là “con trai /hay con gái của Như Lai” nghĩa là vị ấy là A-la-hán. Nếu thánh trí là cái gì đó mơ hồ thì Đức Thế Tôn không thể nào xác nhận vị sa-di 7 tuổi là A-la-hán, bởi 7 tuổi thì đoạn đời còn lại dài lắm. Khi cần thiết Ngài vẫn xác nhận đây là vị A-la-hán, nghĩa là sông có thể cạn núi có thể mòn nhưng quả vị này không thay đổi. Bản thân Ngài cũng tin chắc chắn quả vị Chánh Đẳng Giác của Ngài, không e ngại ai đó thử thách. Đó là vô sở úy thứ nhất.

Các vị thiền sư, pháp sư, mỗi đêm đều thắp hương lạy trời, cầu nguyện một điều “mong sao đừng có ai cám dỗ và thử thách con cho đệ tử nó thấy.” Nếu đệ tử thấy sư phụ bị cám dỗ sa ngã thì kỳ lắm. Vừa rồi ở bên Thái tôi đọc bản tin rất là buồn. Lần đầu tiên tôi tới Thượng Hải, ngủ đêm đầu tiên, sáng hôm sau tôi thấy ông tổ mì gói vừa từ trần đêm trước đó, lúc đó tôi có nguyên một va-li mì gói. Kỳ rồi ở Thái tôi chưa kịp đi thăm các thiền viện của ngài Ajahn Chah thì tôi nghe tin ngài Mitsuo Gavesako, một đệ tử lớn của ngài Ajahn Chah hoàn tục chỉ vì một cô Phật tử người Thái. Phải nói là nội quy nguyên tắc sinh hoạt của truyền thống thiền định của ngài Ajahn Chah rất là tinh nghiêm chặt chẽ, không để tiếp xúc Phật tử thoải mái như các dòng thiền khác. Ấy vậy mà bằng cách nào đó cô Phật tử Ma-Đăng-Già kia vẫn tiếp cận và làm phiền vị này. Ngài xuất gia trước năm 75, nghĩa là năm nay cũng 40 hạ rồi. Lửa gần rơm, mà nhìn bà này tướng bả như bình xăng, bình ga luôn chớ không phải rơm nữa. Vô trong google gõ chữ “Ajahn Gavesako”. Nhìn hình buồn lắm. Gavesako nghĩa là người đi tìm đạo. Sẽ thấy hình một người đàn ông ăn mặc rất nhà quê, tu lâu quá đạt tới cảnh giới ăn mặc sao cũng được, đeo một cái túi rất lớn, ngồi trên một băng gỗ, kế bên một cô nàng mặc áo trắng nón hồng, tựa vào vai. Nhìn mới thấy ôi thôi rồi nồi xôi.

Vô sở úy thứ nhất là Ngài biết rõ Ngài có cái biết của một vị vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vô sở úy thứ hai là Ngài biết rõ sự thanh tịnh của mình, Ngài biết rõ Ngài không còn tất cả những gì lậu hoặc nữa, vì vậy tất cả những gì gọi là thử thách cám dỗ của thế gian với Ngài không nghĩa lý gì. Trong đời, Ngài đã trải qua ba lần cám dỗ nguy hiểm nhất: 1.Ngai vàng là cám dỗ lớn nhất ở cõi người. 2.Nữ sắc dưới gốc bồ đề. Chính Ngài xác nhận đẹp nhất trong vũ trụ này là các tiên nữ cõi Dục thiên cao nhất (Tha Hóa Tự Tại). Ba cô gái của Ma vương đã đến gốc bồ đề cám dỗ Ngài nhưng vô hiệu. 3. Ngài đã chứng qua tất cả tầng thiền vô sắc giới, nhưng lại xem chúng là rác. Đây là điểm bắt buộc phải nói lạc đề một chút vì nó quá sức cần thiết. Thế giới này lạ lắm, qui luật của trời đất tự nhiên này lạ lắm, mình càng đam mê, càng chìm sâu chừng nào thì cái mình đạt được sẽ rất thấp và rất là ít. Đây là điều bà con phải nhớ. Ví dụ, như trong kinh nói, người bố thí trì giới và thiền định (nhưng chưa chứng) ở mức độ cao mới có thể sinh về các cõi Dục thiên cao cấp. Phải giữ bát quan trai mới về các cõi Dục thiên cao cấp. Bát quan trai là gì? Là ăn uống hạn chế, phấn son mỹ phẩm nữ trang hạn chế, ca vũ nhạc kịch hạn chế, tình cảm nam nữ hạn chế. Cuộc đời mình mà hạn chế mấy cái đó thì đâu còn là thế tục nữa. Có một người đi khám bệnh bác sĩ hỏi: Có hút thuốc không? Không. Có bia rượu không? Không. Có thức đêm bài bạc không? Không. Có quan hệ phụ nữ tình cảm bừa bãi không? Không. Bác sĩ nói, vậy ông đi bác sĩ làm gì, người đi bác sĩ là người sợ chết muốn sống; còn ông thì không có cái gì hết tại sao ông lết tới phòng mạch làm gì, sống vậy thì chết là vừa. Chuyện tuy tào lao nhưng trong góc độ nào đó thì thấy bác sĩ này nói đúng. Thạch Lam nói, cái gì hoàn thiện quá thì lạnh lẽo lắm. Sống gì đâu mà cứ vùi đầu trong công sở rồi về nhà vùi đầu nghiên cứu sách vở, đời sống buồn hiu, phải có du lịch, có săn bắn, dã ngoại, facebook, email… Đặc biệt thế giới này mà đam mê là sẽ dẫn đến khổ, càng bỏ bớt thì càng có nhiều thứ. Bỏ bớt mới có, vậy có để làm gì? Theo kinh nói ở cõi Đao Lợi trở xuống, chư thiên nam nữ còn tiếp xúc với nhau như cõi người, còn cõi Dạ Ma chỉ ôm nhau là xong, cõi Đâu Suất thì nắm tay nhau, Hóa Lạc thiên thì chỉ cười với nhau. Cõi Tha Hóa Tự Tại thì nam nữ chỉ nhìn nhau bằng ánh mắt dục nhiễm là xong. Cái đẹp trên đó chỉ để nhìn thôi.

Đức Phật đã chứng qua tất cả tầng thiền Vô sắc giới, nhưng lại xem chúng là rác trong khi tất cả những nhân vật nổi danh thời đó như A-Tư-Đà (Asita Devila), Uddaka Ramaputta đều chứng thiền Phi Tưởng Phi Phi Tưởng và sau khi chết đã sanh về cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Thầy của Bồ tát có hai vị, Alara Kalama chỉ chứng Vô sở hữu xứ, Ramaputta Uddaka chứng Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Asita Devila (A Tư Đà) không phải là thầy của Bồ tát mà là sư phụ của vua Tịnh Phạn.

Vô sở úy thứ ba là những gì Ngài gọi là trở ngại thánh trí thì chắc chắn là như vậy. Sớ giải nói rõ chẳng hạn như tình cảm nam nữ (methunadhamma) là điều phải lìa bỏ đầu tiên mới chứng thiền, chứng thánh được. Trong các dục, tình dục là nguy hiểm nhất. Trên các cõi Phạm thiên không có vấn đề giới tính. Chứng thiền Chỉ Samathā thì không còn vấn đề nam nữ. Chứng thánh thì dứt cả ý niệm về chúng sinh. Đắc thiền Quán Vipassanā thì vấn đề chúng sanh không còn nữa, chỉ còn danh sắc thôi.

Kể cả những người kiếp này thấy mình nguội lạnh trong vấn đề tình cảm, không ham thích gì, hoặc chỉ ham thích trong thứ không liên hệ nam nữ thì trong tâm khảm vẫn có một chỗ đặc biệt nhất dành cho khả năng tình cảm nam nữ sau này, nếu còn quẩn quanh trong cõi Dục giới. Tình cảm nam nữ là gốc của 5 dục, của cõi Dục giới nói chung. Không thể nào sống trong cõi Dục giới này mà không có tình cảm nam nữ. Những chuyện mình thấy không liên quan như mình thích trồng hoa, ăn ngon, thích mùi thơm, trong cái thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng đó mình tưởng không liên hệ, nhưng vẫn liên hệ. Trong sâu thẳm đáy lòng của mình khả năng tình cảm vẫn còn đó dù ngoài miệng mình nói rằng đã nguội lạnh.

Vô sở úy thứ tư là Ngài tin chắc rằng lời dạy của Ngài luôn nhắm đến cứu cánh giải thoát. Ngài xác định trong kinh Tăng Chi Bộ kinh: biển có một vị mặn, giáo pháp của ta chỉ có một vị giải thoát.

Trên đây là bốn vô sở úy của vị Chánh Đẳng Giác, với bốn điều này, Ngài tự nhận mình là vị vô thượng Chánh Đẳng Giác, Ngài không phải e sợ ngại ngùng khi bước vào bất cứ hội chúng nào. Trong đời Ngài, Ngài từng đến rất nhiều nơi. (Xem 8 hội chúng trong bài Kinh Trung Bộ số 12: “Này Sariputta, có tám Hội chúng này: Hội chúng Sát-đế-lị, Hội chúng Bà-la-môn, Hội chúng Gia chủ, Hội chúng Sa-môn, Hội chúng Tứ thiên vương, Hội chúng Tam thập tam thiên, Hội chúng Màra, Hội chúng Phạm thiên”. Trong kinh có nói Thế Tôn rất nhiều lần đã đến những vũ trụ khác để thuyết pháp trong hình thức tốt nhất theo nhịp sống ở đó, và nhiều khi người ta chỉ nghe tiếng Ngài nói mà không thấy hình dáng. Có rất nhiều nơi còn lưu lại lời dạy và cách hành trì của Ngài mà người ta vẫn tưởng là một vị thần thánh nào đó hiện đến để mặc khải. Đây là điều tôi suy nghĩ rất là lâu. Có lúc Ngài dùng hình tướng một vị Phật, có lúc Ngài trong hình dáng nào đó phù hợp với dân ở đó. Ví dụ Ngài có mặt ở xứ Ả Rập, Ngài sẽ dùng hình thức của một giáo sĩ Hồi Giáo để nói, và cách nói như thế nào để người ta không thấy bị tổn thương, chú giải nói vậy. Trong youtube có một clip rất hay, nói về những người đàn anh của thế giới, có một bộ tộc áo trắng bên châu Mỹ, họ sống đơn giản như tỳ kheo nguyên thủy và có những lời khuyên bảo cho thế giới còn lại, có nội dung rất minh triết, rất gần với kinh Phật. Đạo đức kinh của Lão Tử, Nam Hoa Kinh của Trang Tử, Liệt Tử Dương Tử cũng vậy, nội dung rất gần với PG. Chẳng hạn ý niệm về sự tương đối của vạn vật, không có gì là cao hay thấp tuyệt đối, đẹp hay xấu tuyệt đối. Nặng nhẹ, sướng khổ, rộng hẹp đều là tương đối.

Hồi Giáo ở sa mạc Trung Đông, tiếng là Hồi Giáo nhưng tư tưởng của họ rất gần với PG. Họ nói rằng, mình khổ là do mình có thích có ghét, ghét thì khổ, được cái mình thích thì sướng; máu chảy ra thì sẽ chết, niềm đam mê nhiều quá thì tinh thần bị hao tổn. Họ kêu gọi tiết kiệm năng lượng bằng cách đừng để các giác quan tiêu hao quá nhiều năng lượng. Cách nói của họ làm cho tôi liên tưởng tới điều Thế Tôn đã nhiều lần đến những nơi chốn để thuyết pháp trong hình dáng thích hợp với những người bản địa và dạy cho họ cách sống, cách suy tư. Vì vậy hôm nay mình phải cẩn trọng khi tiếp cận với những tư tưởng minh triết. Nếu hôm nay muốn lập đạo mới với thánh kinh ngon lành, dễ thuyết phục mọi tầng lớp nhân loại thì có lẽ là mấy cuốn sách danh ngôn thế giới tổng hợp lại. Một trang báo VN, ngoài tin nóng thì tôi liếc chuyện cười, nhưng phải nói mục danh ngôn rất là thú vị. Vào internet cứ tìm mấy chữ quotes, proverbs, thì đọc đã luôn. Tôi xin bảo đảm một ngàn phần trăm là bất cứ ai khó tánh nhất mà cầm quyển danh ngôn lên rồi không thể nào bỏ xuống được, chẳng qua là các vị không có thời gian, chớ trên đời này không có cuốn sách nào hay cho bằng cuốn danh ngôn, đọc không chán, câu nào không khoái thì đọc qua câu khác. Tôi e rằng trong kho tàng minh triết của nhân loại có vô số mảnh vụn có được từ lời Phật mà mình không biết. 

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app