Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 3 – Chương 1: Tương Ưng Uẩn – Phẩm Tham Luyến

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3 

Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Tham Luyến

LỜI CẢM HỨNG (Udanasutta )

Hôm nay mình học bài kinh Lời Cảm Hứng.

Xin hỏi trong room, ngoài bản điện tử của bộ Tương Ưng trên internet, có ai trong nhà có bản in của bộ kinh này? Tạm thời chúng tôi đang ở Đức, không có sẵn bộ đó ở đây, nên phải dựa vào bản điện tử. Nhưng có một chuyện rõ ràng là bản trên mạng thiếu một chỗ rất là nặng. Trong bản chánh tạng Pāḷi có đoạn như thế này mà trong bản điện tử không có:

“55.Sāvatthinidānaṃ.” Duyên khởi của kinh bắt đầu ở Sāvatthini.

“Tatra kho bhagavā udānaṃ udānesi”. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn tự nói lên câu cảm hứng như sau:

“ no cassaṃ, no ca me siyā, nābhavissa, na me bhavissatī’ti” Nếu trước đây ta chưa từng có thì bây giờ ta cũng không có, nếu bây giờ ta không có thì sau này ta cũng sẽ không có

“ evaṃ adhimuccamāno bhikkhu chindeyya orambhāgiyāni saṃyojanānī’’ti”. Khuynh hướng suy tư như vậy đó có thể đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử (*)

“Evaṃ vutte, aññataro bhikkhu bhagavantaṃ etadavoca” Khi được nghe như vậy một vị tỳ kheo bạch với Thế Tôn như sau:

“yathā kathaṃ pana, bhante”, Bạch Thế Tôn, con phải hiểu như thế nào câu nói của Thế Tôn.

Bản Tiếng Việt thiếu phần (*). Tại sao tôi phải nhắc chỗ này, vì không nhắc thì sẽ so le với bản chú giải. Trong chú giải có giải thích một chỗ mà trong bản tiếng Việt không có, điều đó có nghĩa là bản tiếng Việt bị thiếu. Trong chú giải có giải thích tại sao Thế Tôn có “cái ý muốn” nói lên câu kệ này. Chữ “cảm hứng” mà HT Minh Châu dùng ở đây có vẻ không trang nghiêm với một vị Chánh Đẳng Chánh Giác.

‘Udāna’ — Xem trong Tiểu Bộ Kinh sẽ thấy tập Cảm Hứng Ngữ gồm những câu kệ Thế Tôn tự nói một mình khi Ngài suy nghĩ chuyện gì đó hoặc nhìn thấy hình ảnh gì đó. Toàn bộ các câu kệ này đều có nội dung tu tập. Ngài biết rất rõ khi Ngài nói một mình không phải chỉ một mình Ngài biết mà còn có vô số chư thiên, Phạm thiên theo dõi Ngài nữa.

Khi Ngài đang suy nghĩ vấn đề gì đó, Ngài nói nói lên câu kệ. Ở đây cũng vậy, Ngài nhìn thấy căn cơ của vị tỳ kheo đang để ý lắng nghe Ngài.

‘Upanissayā’: ‘có duyên’, ‘túc duyên’, ‘căn cơ’.

Có ba loại căn cơ, duyên lành, làm nền tảng cho trí tuệ giác ngộ:

1. Dānasīlūpanissayā: duyên lành dựa vào hạnh bố thí.

2. Sīlūpanissayā: dựa vào giới hạnh.

3. Bhāvanūpanissaya: dựa vào việc tu tập Chỉ Quán.

Ngài xét thấy rằng muốn trở thành vị thánh trước hết phải có lòng nhàm chán sinh tử, không muốn tiếp tục tồn tại trong cuộc đời này nữa dù là trong bất cứ hình thức nào. Và phải có tu tập Ba-la-mật. Ba-la-mật bên kinh điển Nguyên Thủy có 10, Bắc Tông thì có 6 (bố thí, trì giới, thiền định, nhẫn nhục, trí tuệ). Kinh điển Nguyên Thủy thì thiền định nằm trong trí tuệ. Trí có 3: Văn, tư, tu nên thiền định nằm trong trí tuệ, Bắc Tông thì tách thiền và trí ra riêng biệt.

Có nhiều cách nói, có chỗ là Tín, Cần, Trí. Có những vị đức tin mạnh, có vị tinh tấn mạnh, có vị trí tuệ mạnh. Nhưng cũng có trường hợp căn tánh chúng sinh dựa vào những cái khác. Bồ tát Chánh Đẳng Giác, Độc Giác đều có ba hạnh:

Viriyadhika: Bồ tát hạnh tinh tấn

Saddhadhika: Bồ tát hạnh đức tin

Paññadhika: Bồ tát hạnh trí tuệ

Người nhiều đức tin (Tín) thì sẽ tập chú vào khía cạnh Vô thường trước khi thấm thía hai tướng kia. Người nhiều Định sẽ tập chú trước tiên vào Khổ tướng. Người nhiều trí sẽ tập chú trước tiên vào Vô ngã tướng, dù trước sau cũng sẽ thấy đủ ba tướng. Ví dụ, có người chán đời thấy phù du, có đó mất đó, có người thấy cảnh đau khổ, đói lạnh, chiến tranh… họ ngán. Có người thì chú ý đến khía cạnh giả hợp, cái gì cũng chỉ là đồ ráp. Trong các thứ vật chất, tôi sợ cái gì sét, nhìn sét là tôi khó chịu. Thỉnh thoảng tôi đi tiệm đồ cũ, trong người tôi lúc nào cũng có cục nam châm, cái gì tôi cần mua bằng inox là tôi lấy nam châm thử. Nếu nó hút thì không phải là stainless thứ thiệt. Một lần tôi đi quên đem theo nam châm, tôi mang về tôi thử thấy hít, tôi chán. Khi hít như vậy là lượng sắt rất cao, nay mai nó sẽ sét. Mỗi người thường bị một cái gì đó làm cho họ có ấn tượng, làm cho họ chán. Có người chán vì sự mong manh vô thường, có người chán vì sợ khổ, có người chán vì thấy khía cạnh giả hợp. Khi mình thấy khía cạnh Khổ thì lập tức thấy luôn hai khía cạnh còn lại, khi mình thấy khía cạnh Vô thường thì lập tức mình thấy hai khía cạnh còn lại. Tùy theo cơ tánh mà mình tập chú vào khía cạnh nào trước.

Trong bài kinh này căn duyên chúng sinh chia làm ba. Có người Ba-la-mật của họ được bắt đầu từ Thí, có người từ Giới, có người từ Thiền định. Ngài xét thấy căn duyên của vị tỳ kheo trước mặt yếu, vị này chỉ dựa vào Giới và Thí nên Ngài mới nói câu kệ đó.

Người có thiền định sẽ lấy Định làm nền tảng tu Quán, người không có Định thì chỉ có thể suy tư.

Cũng trong Tương Ưng, Đức Phật dạy rằng: Giống như các loài thú rừng khi nghe tiếng gầm của sư tử chúng sợ hãi như thế nào, một vị Chánh Đẳng Giác ra đời, Ngài nói ra sự thật của đời sống, chúng sinh nghe được sẽ kinh hãi, vì họ không ngờ. Có rất nhiều người chung quanh mình do hấp thụ nền giáo dục nào đó mà họ rất thờ ơ với đời sống tâm linh. Họ nghĩ cứ ăn học, có bằng cấp, lập gia đình, có con cái rồi già chết nằm xuống như chiếc lá không có gì phải lo. Người có học Phật pháp thì nghĩ mọi sự không phải đơn giản như vậy, không phải ngẫu nhiên mà mình có mặt trên đời này, và không phải khi chết rồi thì mọi sự sẽ hết. Biết được điều đó thì mình sẽ sợ hãi. Người không biết đạo, nếu không gặp chuyện buồn thì họ chỉ biết tận hưởng với những gì họ có, còn người biết đạo thì biết tất cả những gì ngọt ngào sung sướng hạnh phúc mình đang có sẽ lìa bỏ mình trong đầu hôm sớm mai. Câu kệ ở đây:

“Nếu trước, Ta không có,

Thời nay không có Ta,

Không tạo nhân sẽ có,

Tương lai sẽ không Ta”

Chú giải giải thích, nếu đời trước không có tạo nghiệp thiện ác, thì đời này không có mặt. Nếu đời này không tạo nhân thiện ác thì đời sau sẽ không có mặt. Nhận thức này dẫn đến hai cảm xúc khác nhau: người chấp ngã khi được nghe nói về bản chất Vô ngã thì thấy tiếc nuối, sợ hãi; người hiểu đạo nghe vậy lại thấy nhẹ nhàng.

Quí vị đọc kỹ xuống dưới sẽ thấy Ngài dạy, nếu một người không có trí tuệ thường xuyên quán chiếu thấy năm uẩn là Vô thường, Khổ, Vô ngã; cái gọi là tôi, của tôi chỉ là những ý niệm giả danh, lắp ráp, mong manh, lúc vầy lúc khác thì khi đối diện một thực tế tan nát phũ phàng chẳng hạn như nhan sắc, danh lợi, tiền tài, uy tín quyền lực tiêu tan mất mát thì chịu không nổi, cứ thấy cái tôi của mình bị đe dọa thì sẽ đau khổ. Còn một người căn bản thấy cái tôi đó vốn không có, thì làm gì có chuyện bị đe dọa. Một người thấy mất thì sợ, một người thấy mất thì xem đó là chuyện bình thường, bởi vốn dĩ người đó thường xuyên sống trong tâm niệm rằng tất cả những gì thuộc về vật chất thì luôn luôn vô thường biến đổi, cái gì vô thường thì cái đó gọi là khổ, cái gì là khổ thì cái đó không đáng được gọi là tôi, là của tôi. Đó là nói về sắc uẩn. Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn cũng vậy.

Bài kinh sau rất đáng được học thuộc lòng. Bài kinh sau giải thích năm uẩn theo cách không giống như ta thường nghe. Đó là lý do tôi không giảng nhiều ở bài kinh này. Cái thú vị độc đáo của bài kinh này là Đức Phật đưa ra một suy tư: Với một người không tu thì nghe chuyện “không có tôi, không có gì là tôi, là của tôi” thì họ đau khổ, còn với người có tu thì họ thấy vốn không có gì là tôi là của tôi thì làm gì phải đau khổ khi đối diện với thử thách, tan nát đổ vỡ.

Đoạn 18, 19 rất đặc biệt, ở đây do không có trí tuệ quán chiếu năm uẩn nên kẻ phàm phu hoảng sợ đối với chuyện không có gì đáng phải sợ: “kẻ vô văn phàm phu hoảng sợ tại chỗ không có gì đáng hoảng sợ”. Họ sợ những chuyện chẳng có gì đáng sợ, họ sợ chuyện như thế này, Ngài đọc bài kệ:

“Nếu trước, ta không có

Thời nay không có ta,

Không tạo nhân sẽ có.

Tương lai sẽ không ta.”

Kẻ phàm phu cứ sợ rằng họ không có mặt trong cuộc đời này. Có thể trước khi nghe giảng kinh này quí vị không có ngờ rằng mình sợ điều đó, nhưng thật sự tôi đã từng trải qua cảm giác như vậy. Tôi vẫn còn thích nhiều thứ lắm. Buổi sáng sớm ngồi bên bờ hồ mênh mông, nhìn lớp sương mờ bảng lảng trên mặt nước, đâu đó bên sườn núi ven đồi có tiếng chim hót. Hoặc buổi chiều vàng bình yên ngồi trên thảm cỏ, nghe tiếng chuông bò xa xa lắng nghe thời gian chầm chậm trôi, phảng phất đâu đó một mùi quen thuộc của quê hương VN, mùi của rơm rạ cháy, mùi ngai ngái nồng nồng của chuồng bò. Những giây phút đó đẹp biết chừng nào. Vậy mà bỗng nhiên, chấm dứt phiền não, không còn thích gì hết, sống hết tuổi thọ rồi tắt thở, không còn tái sanh nữa, nghĩ vậy cũng tiếc chứ. Nếu được chọn lựa giữa Niết bàn sinh tử không còn sự có mặt nữa và sự tiếp tục có mặt đời đời thiên thu trên trời đất này trong bối cảnh yên bình như vậy không bị sa đọa, có lẽ tôi không chọn viên tịch Niết bàn; tôi không đủ nhàm chán, tôi chưa đủ trí tuệ để lìa bỏ niềm đam mê trong sinh tử. Tôi sợ vì tôi biết chắc chắn rằng cái giây phút mình có thể ngồi yên với sự nhận thức đầy đủ của một con người về thế giới yên bình chung quanh, trong một đất nước dễ thương như vậy không có nhiều, không được một phần tỷ trong kiếp luân hồi. Phải can đảm khách quan nhìn nhận rằng chuyện nhàm chán sinh tử không phải là dễ. Vì vậy Đức Phật xác nhận rằng, với người còn ưa thích tham đắm trong năm uẩn, không quán chiếu Tam tướng trong năm uẩn thì họ sợ mất, sợ vắng mặt trên cuộc đời này. Chính vì sợ như vậy nên khi đối diện với bệnh tật, tai nạn, đổ vỡ, họ kinh hoàng sợ hãi cái nỗi sợ mà Đức Phật gọi là sợ hãi không đáng. Riêng vị thánh đệ tử quán chiếu Tam tướng trong năm uẩn, vị đó không sợ hãi ‘tôi còn’ hay ‘tôi mất’.

Từ đoạn 21 trở về sau, ngài có dùng chữ ‘giới’. Chữ này là ‘dhātu’dhamma: pháp.

Người nhàm chán năm dục (một phần của sắc uẩn) bằng sự chứng ngộ thiền Sắc giới thì sẽ sanh về cõi Sắc giới. Người đam mê trong năm dục (tức sắc uẩn) thì sinh về các cõi Dục giới. Người nhàm chán sắc uẩn nhưng còn đam mê trong bốn danh uẩn thì sinh về cõi Vô sắc. Bậc Tam quả dứt hẳn dục ái nên vĩnh viễn không trở lui cõi Dục, nên gọi là bậc Bất lai. Tư-đà-hàm chỉ còn trở lại cõi Dục một lần nên gọi là Nhất lai. Người nhàm chán cả năm uẩn bằng tứ đạo thì không còn tái sinh nữa. Xem từ đoạn 21-29 sẽ hiểu ngay.

Khi chán sinh tử phải có tu tập thì mới chấm dứt sinh tử. Chán sắc uẩn thì phải tu tập thiền định để về cõi Vô sắc, chớ còn chán mà ngồi yên thì không được kết quả gì.

Chính vì không quán chiếu Tam tướng trong năm uẩn nên phàm phu luôn sợ bị mất. Mất cái gì? Mất cái gọi là ta, bản thân ta, và cái gì của ta, thuộc về ta, liên quan đến ta. Chính vì sợ mất nên mới làm đủ cách để giữ lại. Một người hiểu đạo có tu hành, thấy bệnh thì uống thuốc, có vết thương thì băng bó, hành động của họ chỉ hoàn toàn mang tính kỹ thuật, như xe phải đổ xăng, hư phải sửa; còn người không biết đạo thì trong chuyện ăn mặc, xe cộ, nhà cửa không thuần là mang tính kỹ thuật mà còn là sự hưởng thụ. Người tu thì chỉ cần ăn no mặc ấm, người không tu thì ăn ngon mặc đẹp, ăn sang mặc đồ hiệu. Cứ theo đuổi như vậy hoài thì không bao giờ thỏa mãn vì trên đời biết bao nhiêu thứ ngon, còn hàng hiệu thì vô tận. Hàng hiệu thì luôn đổi mới, đó chỉ là sản phẩm bình thường nhưng các hãng sản xuất mượn hình ảnh của những nhân vật nổi tiếng để giới thiệu, quảng cáo, đánh bóng tại những nơi nổi tiếng và tạo ra thương hiệu. Với người tu tập thì nhu cầu ăn mặc ở, đi lại và thuốc men chỉ mang tính kỹ thuật, để duy trì mạng sống và tu tập, còn người không tu tập thì luôn gắn liền ý niệm hưởng thụ trong các nhu cầu. Ngày nào vẫn còn ôm ấp bám víu vào năm uẩn này thì các cơ hội tái sanh vẫn còn nguyên vẹn; khả năng sanh làm thú, làm trùn, làm dế… vẫn còn nguyên. Vẫn còn là phàm phu thì khả năng ăn thịt sống, ăn phân người, ăn những đồ dơ bẩn, phải sống ở những nơi tăm tối v.v… vẫn còn nguyên cho dù mình trí thức đến mấy, tiếng tăm đến mấy, ở những xứ sở văn minh đến mấy. Người có học đạo sợ cái mà người không học đạo không thấy sợ, và ngược lại.

Đoạn 24: “Này Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh của thức”, sự việc như vậy không xảy ra”. Câu này dịch quá sát bản Pāḷi. Diễn dịch theo ngôn ngữ của mình là: “Năm uẩn luôn gắn liền nhau, nên nếu bỏ bốn uẩn đầu thì không thể nào có sự có mặt của thức uẩn”. Muốn nói đến thức uẩn thì phải nói bốn uẩn trước, muốn nói sắc uẩn, (hay thọ uẩn, hay tưởng uẩn, hay hành uẩn) thì phải nói đến các uẩn còn lại. Sự vắng mặt của sắc uẩn trên cõi Vô sắc chỉ là tạm thời. Sự vắng mặt một sắc pháp nào đó trên cõi Sắc giới cũng chỉ là sự tạm thời, và sự có mặt của năm uẩn luôn luôn gắn liền nhau mặc dù thỉnh thoảng có sự gián đoạn – đó chỉ là tạm thời. Hễ còn thích thú trong một uẩn nào đó thì còn chủng tử ưa thích trong các uẩn còn lại. Ví dụ như mình không thích sắc, thinh, khí, vị, xúc nữa, chỉ thích ngồi thiền, dù cho mình đắc thiền sanh về cõi Phạm thiên cao nhất đi nữa thì một lúc nào đó cũng sẽ quay xuống, vì chủng tử ưa thích trong sắc uẩn vẫn tiềm tàng trong niềm đam mê danh uẩn; nó gắn liền với nhau như vậy. Cho nên, còn thích một cái gì đó, cái thích đó là suối nguồn để nuôi dưỡng cho sự đam mê khác. Một chút xíu tham ái, cũng chính là cơ hội để chúng ta tiếp tục có mặt trong vòng quẩn quanh Tam giới.

“30) Không có chỗ y chỉ như vậy thức không tăng trưởng, không có hành động, được giải thoát; do giải thoát nên được kiên trú; do kiên trú nên được tri túc; do tri túc nên không có ưu não; do không có ưu não nên tự mình cảm thấy tịch tịnh hoàn toàn. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Một người nhàm chán năm uẩn một cách rốt ráo và bằng thánh trí thì mới làm được như đoạn kinh này. Một vị Tu-đà-hoàn thì vĩnh viễn là Tu-đà-hoàn, một vị A-na-hàm thì vĩnh viễn là A-na-hàm, sự an lạc của bậc thánh thì không thay đổi.

Trong sớ giải kinh này có kể câu chuyện ngài Milakathera. Đây là câu chuyện đúc kết bài kinh này. Ngài Milakathera xuất thân là một người thợ săn thường xuyên dùng vũ khí, đặt bẫy bắt thú làm kế sinh nhai. Bữa nọ, ngài vô rừng để bắt thú cảm thấy khát nước quá thì nhìn thấy một thảo am của vị tỳ kheo ẩn lâm.

‘Araññavāsi’: ẩn lâm, sống trong rừng.

‘Arañña’ (Pāḷi); ‘aranya’ (Skt): rừng. Phiên âm là Lan nhã. Già Lam phiên âm từ chữ ‘arama’: khu vườn.

Ngày xưa PGNT không mặn mà chuyện xây cất. Chùa bây giờ thì tăng ni có thể sống mấy chục năm, trụ trì thì như chủ cơ sở. Trụ trì ngày xưa chỉ là người được chư tăng giao phó trông coi một nơi nào đó khi nào chán thì tìm người bàn giao rồi đi, không có quyền lợi gì. Tăng ni ngày xưa thì ban ngày đi bát, ban đêm về ngủ, chùa chỉ là chỗ ngủ qua đêm. Vì vậy chữ ‘chùa’ (vihara), không phổ biến bằng chữ ‘arama’.

Thợ săn Milakathera khi nhìn thấy thảo am liền tới xin nước uống, nhưng khi giở nắp lu ra thì không còn một giọt nước, anh ta cảm thấy bực bội nổi giận:

“bhikkhu, bhikkhu tumhe gahapatikehi dinnaṃ bhuñjitvā bhuñjitvā supatha”, Cái ông này được cư sĩ cúng dường ăn cho mập thây rồi đi ngủ, “pānīyaghaṭe añjalimattampi udakaṃ na ṭhapetha”,lu nước cạn đến mức thấm ngón tay cũng không có.

‘Pānīyaghaṭa’: ‘lu nước’, ‘vại nước’

Vị ẩn sĩ đi ra và nói: Lu nước người ta mới xách đầy đó. Thợ săn Milakathera nghe vậy mở nắp lu lần nữa và thấy nước đầy ắp. Anh ta đang khát và nghĩ mà thấy sợ: Trời ơi. Như vậy nghiệp của mình nặng đến mức lu nước rõ ràng không có miếng nước nào hết. Ngay khi mình còn sống mà nghiệp nhãn tiền như vậy thì mai này ra sao: “Kiṃ nu kho anāgate attabhāve bhavissatī’’ti?” (Không biết rồi tương lai của ta sẽ đi về đâu khi ác nghiệp của ta nặng như vậy?). Thế rồi, thợ săn Milakathera xin được xuất gia. Vị tỳ kheo ẩn sĩ truyền giới và dạy cho tỳ kheo Milakathera năm đề mục thể trược (tóc, lông, móng, răng, da). Mỗi lần vị tỳ kheo Milakathera ngồi thiền với đề mục bất tịnh đó, bao nhiêu hình ảnh thú rừng bị giết cứ hiện lên trong đầu, con này bị lòi ruột, con kia kêu la, con nọ đổ máu. Vị tỳ kheo Milakathera không thể thiền được, không thể lắng tâm được khi hình ảnh cũ cứ hiện về rõ nét. Thấy không xong, tỳ kheo Milakathera vào xin vị ẩn sĩ sư phụ cho hoàn tục. Vị ẩn sĩ nói: Không có duyên xuất gia thì thôi vậy, nhưng trước khi đi thì chặt giùm tôi đống củi và đốt giùm đống lửa. Trong kinh nói rằng vị tỳ kheo Milakathera đốt hoài mà lửa không cháy. Vị sư phụ ẩn sĩ dùng thần thông mở đất nứt ra một đoạn cho tỳ kheo Milakathera nhìn thấy ngục A Tỳ đang cháy. Vị sư phụ ẩn sĩ lấy một đốm lửa trong địa ngục búng vào đống củi thì cháy sạch. Vị tỳ kheo Milakathera thấy sợ hãi trước cảnh tượng đó, nghĩ rằng nếu mình dễ duôi thì không biết cuộc đời sẽ đi về đâu, vì vậy quyết tâm nỗ lực tu tập và đắc quả vị A-na-hàm.

Có một câu chuyện cũng tương tự như vậy. Một vị sư trẻ xuất gia xong thì tâm tư vọng động, ngồi thiền không được, sống trong rừng mà lòng cứ tơ tưởng chuyện đời, cuối cùng xin sư phụ cho hoàn tục. Sư phụ đưa cho vị này lá y cũ bảo đem xuống suối giặt rồi đi. Vị sư trẻ này đem lá y xuống suối giặt, nhưng không cách nào nhúng lá y xuống nước được, cứ phập phồng bên trên không thấm nước. Vị sư trẻ lấy làm lạ bởi không phải trong đời chưa từng giặt vải. Vị này về hỏi sư phụ lý do vì sao lá y không thấm và chìm xuống nước. Sư phụ nói: Hồi trưa chúng ta đi bát về ăn cơm, con rửa bát chỗ nào thì chạy ra đó nhìn xem còn miếng cơm nào không, lấy một hột đem xuống suối dằn lên lá y thì sẽ giặt được. Vị tỳ kheo trẻ lấy một hột cơm khô đem ra suối và liệng lên lá y thì lá y chìm lỉm xuống đáy suối. Giặt phơi y xong, vị tỳ kheo trẻ hỏi sao có chuyện kỳ lạ vậy. Quí vị có hiểu tại sao lá y đó chìm không? Sư phụ nói, hột cơm của tín thí nặng dữ lắm. Hột cơm của người ta là do người ta đổ mồ hôi sôi nước mắt, nhiều khi không dám cho cha cho mẹ ăn mà đem cho mình, nên nặng lắm. Mình với người ta là người dưng nước lã, họ nghĩ gì đem cho mình ăn với sự kính quí, mình mà tào lao là nuốt không trôi. Sư phụ nói với đệ tử: Một hột cơm mà nó làm chìm lá y. Hồi đó đến giờ con ăn bao nhiêu hột cơm rồi mà con đòi hoàn tục, thì mai mốt con hoàn tục thì nó kéo con tới đâu. Hôm nay quí vị nghe tôi kể chuyện này thì quí vị không sợ, nếu chuyện này xảy ra trước mặt mà quí vị là người trong cuộc thì chắc quí vị kinh hồn. Có những chuyện phải bản thân mình trải qua thì mình mới kinh cảm, chớ còn nghe người ta kể cả trăm chuyện về Đức Phật mình cũng không thấm. Câu chuyện này thì cũng không mắc mớ gì nội dung bài kinh ngoài chuyện nhìn đời sống hiện tại mà nghĩ đến tương lai. Có người nghĩ về quá khứ, về tương lai để sợ hãi tiếc nuối, để tích lũy tài sản; có người nghĩ để mà buông bỏ mà tinh tấn tu tập hơn. Hãy luôn luôn nhớ một điều: không có nhân thì không có quả, không gieo nhân sinh tử thì không có quả sinh tử. Sự có mặt của mình chỉ là sự có mặt của nhân quả, và chính vì vậy không có gì phải sợ khi ta bị mất mát cái này cái kia. Đó chính là nội dung của bài kinh Lời Cảm Hứng.

THỦ CHUYỂN

*Năm uẩn

Đức Phật xác nhận, khi chưa biết rõ năm uẩn thì ta vẫn chưa thành đạo. Năm uẩn ở đây là gì? Học thêm định nghĩa mới (mà không mới) về năm uẩn. Phải nhớ lại định nghĩa đã học về năm uẩn[1]rồi so sánh với bài học hôm nay.

Đoạn 7.” Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sắc? Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo thành. Này các Tỷ-kheo, đấy được gọi là sắc. Do các thức ăn tập khởi nên sắc tập khởi. Do các thức ăn đoạn diệt nên sắc đoạn diệt. Và con đường đưa đến sắc đoạn diệt là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định”

Sắc uẩn là 4 đại và 24 y đại sinh (xem thêm trong sách A-tỳ-đàm[2]). “Y đại” nghĩa là nương vào bốn đại mà có. Trong bài kinh này không ghi 24 y đại sinh, mà ghi là “bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng”.

Căn bản của sắc pháp là đất, nước, lửa, gió và những cái đi ra từ đó gồm 24 thứ, ví dụ: sắc tố nam, sắc tố nữ (hormone), những gì ta thấy (ánh sáng, hình dáng, màu sắc), những gì ta nghe (âm thanh, tiếng động), mùi, vị, những gì ta biết được bằng xúc giác, những gì ta gọi là dưỡng tố, chỗ nương của tâm thức mỗi loài (ý vật), khoảng cách giữa các vật chất và từng hình thức biến đổi của vật chất

Thọ uẩn. Gồm 6 thứ cảm giác khi nhìn, nghe, ngửi, nếm, đụng, suy tư. Có chỗ nói thọ uẩn là tâm sở thọ, có chỗ nói là 3 thọ (khổ, lạc, xả), có chỗ nói là 5 thọ (khổ, lạc, ưu, hỷ, xả), có chỗ nói là 2 thọ (thân thọ và tâm thọ), có chỗ nói là 6 thọ trong 6 căn. Những con số (1, 2, 3, 5, 6) này tuy khác nhau nhưng đồng nghĩa với nhau.

Tưởng uẩn. Gồm Tưởng trong 6 lúc biết cảnh. Khi nhìn cái vật nào đó, mình biết đó là cái tô mà không phải cái dĩa (biết do kinh nghiệm, kiến thức), đó là sắc tưởng; nghe âm thanh thì biết đây là giọng nam hay nữ, tiếng Pháp hay tiếng Tàu, tiếng nhạc hay tiếng kẻng đó là thinh tưởng.

Hành uẩn. Tâm sở Tư (cetanā). Có ba loại Cetanā, tức ba hành (saṇkhāra) (Phúc hành: thiện dục và thiện sắc, Phi phúc hành: 12 bất thiện, Bất động hành: thiện vô sắc) trong Duyên khởi. Ở đây Đức Phật lại nói có 6, trong 6 trường hợp làm việc của lục căn. Ba hay 6 cũng như nhau. Ví dụ: Đi chùa làm phước (phúc hành). Nếu kể theo 6 hành thì đi chùa làm phước thuộc hành nào? Ở đây Ngài gọi là Tư (cetanā). Tư: cố ý, đầu tư (intentionally, investment).

– Sắc Tư (rūpasañcetanā).

– Thinh Tư (saddasañcetanā).

– Khí Tư (gandhasañcetanā).

– Vị Tư (rasasañcetanā).

– Xúc Tư (phoṭṭhabbasañcetanā).

Đi chùa có Sắc tư hay không, có Thinh tư hay không? Phải biết chùa nằm ở đâu mới quẹo xe vô chứ, phải thấy tượng Phật nằm ở đâu. Đi chùa phải lắng nghe chứ (thinh tư), rồi phải nghe mùi nhang (khí tư), rồi phải ăn cơm chay, nếu là ở Mỹ (vị tư). Đi chùa phải đủ 6 căn. Ở nhà có bao giờ mình ngồi bệt xuống nền gạch đâu, nhưng vô chùa thì có; một số ít chùa thì có ghế như nhà thờ nhưng phần lớn các chùa Nam Tông tôi biết ở Mỹ thì vô ngồi bệt; vậy là ở đây có đầy đủ 6  (sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp). Khi mình đi đánh bài, đi ăn cướp, đi câu cá, săn bắn… làm chuyện tầm bậy tầm bạ cũng 6  này; làm thiện cũng 6 tư này. Lên núi tu thiền đắc tùm lum các thứ Sơ, Nhị, Tam, Tứ thiền cũng là 6  này.

Hành uẩn có nhiều cách giải thích, định nghĩa:

– Hành là các Tư (cetanā) thiện ác.

– Hành uẩn là 50 Tâm sở trừ thọvà tưởng.

– Hành uẩn là ba Hành trong Duyên khởi (trong trường hợp phàm phu)

Thức uẩn: Là 6 thức, 6 cái biết đơn thuần (bare knowing) của 6 căn (sense organs)

Bà con mà siêng thì trong vòng ba năm trở lại lượng từ Pāḷi Phật học quí vị biết rất nhiều, nhận thức cũng sẽ khác trước rất nhiều. Phật pháp không học thì không chết nhưng khi học xong thì nhìn cuộc đời không giống như trước đây nữa, mình trở thành con người khác. Ngày hôm qua tôi có post trên facebook một đoạn ngắn trong Tâm Thức Gió Lùa, một mẩu đối thoại rất là ngắn, tôi nói rằng Dương Tả Sứ của Minh Giáo có một người con gái là Dương Bất Hối. Lý do có cái tên đó là vì Kỷ Hiểu Phù khi thương Dương Tả Sứ, sanh ra đứa con gái lòng không hối tiếc. Mỗi người tu Phật cũng phải là một Dương Bất Hối, nghĩa là, không làm gì để mình phải hối hận nên sau này mình sẽ không phải hối hận những gì đã làm. (Người thời nay chỉ làm được một nửa câu đó, là không biết hối hận chuyện đã làm, dù bậy đến mấy).

Như vậy, sáng nay chúng ta học được định nghĩa mới về năm uẩn. Ngài dạy rằng: Sự có mặt của chúng sanh hay sự hiện hữu tồn tại của tất cả vũ trụ chỉ là sự hiện hữu của năm uẩn mà thôi. Người chứng đạo giải thoát luôn là người biết rõ như vậy. Biết rõ sự hiện hữu của năm uẩn là khổ. Biết rõ tham ái trong năm uẩn là nhân sinh khổ. Biết rõ Niết bàn là cứu cánh chấm dứt năm uẩn. Biết rõ Bát Chánh Đạo là con đường dẫn đến Niết bàn, sự chấm dứt vĩnh viễn năm uẩn.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app