Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 3 – Chương 1: Tương Ưng Uẩn – Phẩm Tham Luyến

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3 

Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Tham Luyến

BẢY XỨ (Sattatthanasutta)

Sáng nay mình học kinh Bảy Xứ. ‘Satta’: 7; ‘thana’: nơi chốn, đề tài. ‘Sattatthanasutta’: bảy xứ. Tựa kinh nghe mơ hồ, nội dung kinh thì rất khô khan, nhưng đây mới chính là tinh hoa, cốt lõi của Phật pháp.

“5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo biết rõ (pajānati) sắc, biết rõ sắc tập khởi, biết rõ sắc đoạn diệt, biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt, biết rõ vị ngọt của sắc, biết rõ sự nguy hiểm của sắc, biết rõ sự xuất lycủa sắc”.

Pháp, tập khởi, đoạn diệt, đạo, vị ngọt, nguy hiểm, xuất ly, tất cả là 7. Bảy khía cạnh này [nhân với] năm uẩn; đây là nội dung của kinh. Bây giờ chúng ta làm việc từng phần.

Năm uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ở đây Đức Phật gọi “này các tỳ kheo” bởi trước mặt Ngài là chư tăng, nhưng chúng ta phải hiểu ngầm là tất cả hành giả.

Quán sát năm uẩn trên bảy khía cạnh

1. Sắc. Hành giả biết rõ sắc là gì (4 đại và 24 sắc y đại sinh). Bốn đại là do đoàn thực mà có. Đoàn thực tạo ra sắc uẩn.

2. Tập khởi của sắc là đoàn thực.

3. Đoạn diệt. Sắc đoạn diệt là sự vô thường của sắc. Và Sắc đoạn diệt ở đây cũng là sự chấm dứt của sắc uẩn.

4. Con đường. Con đường dẫn đến sự đoạn diệt đó gồm có 2:

(1) Nhân tạo ra nó không còn nữa, tương đối và tuyệt đối.

(2) Con đường dẫn đến sự đoạn diệt đó là Bát Thánh Đạo, hay sự gián đoạn của duyên tạo.

Bốn khía cạnh đầu tiên hiểu theo nghĩa Tứ đế cũng được mà hiểu theo nghĩa Tam tướng cũng được. Nói rằng sự đoạn diệt của sắc uẩn chính là sự vô thường của sắc uẩn cũng được; mà nói rằng sự đoạn diệt của sắc uẩn chính là sự vắng mặt sắc uẩn tuyệt đối ở người giải thoát sinh tử cũng được (ám chỉ Niết bàn).

Duyên tạo ra sắc uẩn cũng có 2: Duyên trực tiếp là đoàn thực; Duyên gián tiếp là tham ái trong sắc uẩn.

Trong lúc tu tập Tứ Niệm Xứ, hành giả biết rõ trong các oai nghi: nằm ngồi, đi đứng, ăn uống, tắm rửa, kỳ cọ, gãi, giơ tay… toàn bộ là sắc uẩn. Hành giả biết rõ cái thích, cái tham trong những gì thuộc sắc uẩn chính là duyên khởi của sắc uẩn. Biết cái thích này tạo ra tham ái. Hành giả biết rõ Niết bàn là sự vắng mặt của sắc uẩn và sự vắng mặt của cả tham ái trong sắc uẩn. Hành giả cũng biết Bát Chánh Đạo là con đường dẫn tới sự chấm dứt vĩnh viễn tuyệt đối của năm uẩn. Như vậy sự đoạn diệt của sắc uẩn có hai nghĩa: không còn hiện hữu nữa, biến mất (theo nghĩa Tam tướng) và không còn hiện hữu nữa (theo nghĩa Niết bàn).

Trong bảy khía cạnh này, 4 khía cạnh đầu là quan sát Bốn Đế trong năm uẩn. Có nghĩa là nhìn vào biết rõ đây là Sắc, đây là Thọ, đây là Tưởng, đây là Hành, đây là Thức.

-Biết rõ bản thân mỗi uẩn là khổ, đó là trí tuệ trong Khổ đế.

-Biết rõ tham ái trong năm uẩn là duyên tạo ra năm uẩn, đó là trí tuệ về Tập đế.

-Biết rõ Niết bàn là sự vắng mặt tuyệt đối của năm uẩn (Khổ đế) và tham ái trong năm uẩn (Tập đế), đó là trí tuệ về Diệt đế

-Biết rõ Bát Chánh Đạo là con đường dẫn đến sự chấm dứt Khổ đế và Tập đế, tức là con đường dẫn đến sự chứng ngộ Niết bàn. Đó là trí tuệ về Đạo đế.

5. Vị ngọt. Hành giả biết rõ vị ngọt của năm uẩn là Hỷ (trong tâm) và Lạc (trong thân) là vị ngọt của các uẩn.

Trong A-tỳ-đàm nói rõ, cái gì làm cho tâm mình thoải mái dễ chịu thì gọi là ‘hỷ’, làm cho thân mình thoải mái thì gọi là ‘lạc’. Cũng có trường hợp hỷ và lạc được dùng chung, ‘lạc’ cũng có khi dùng cho tâm. Trời nực mà có được sự mát mẻ của quạt máy, máy lạnh, đó là sự thoải mái của sắc uẩn. Nhớ lại chuyện gì thấy vui thấy thích, đó là vị ngọt của bốn danh uẩn; bốn danh uẩn không bao giờ rời nhau.

6. Nguy hiểm. Năm uẩn trong tình trạng như ý thì ngọt ngào. Nhưng khi không được như ý thì cay đắng, như khi chúng biến đổi không còn như ý ta muốn nữa. Sự ngọt ngào trong thế gian này đều là (1) giả hợp, do (2) ngộ nhận mà có và đều (3) phù du. Ba khía cạnh (1) (2) (3) này gọi chung là “mặt trái của năm uẩn” (adīnava), ngài Minh Châu dịch là ‘sự nguy hiểm’. Chữ ‘adīnava’có ngàn lẻ một nghĩa.

Hạnh phúc trên thế gian này hội đủ ba khía cạnh: giả hợp, ngộ nhận, phù du. Giả hợp nghĩa là do sự cộng lại của bao nhiêu thứ nhân duyên chứ không phải khơi khơi mà có. Ví dụ có đói thì ăn mới thấy ngon, có khát thì uống mới ngon, có mỏi mệt nằm mới đã, có bệnh thì cạo gió mới đã chứ không bệnh không thể nào chịu nổi chuyện cạo gió hay xông. Ngộ nhận bởi vì mình không hiểu mọi thứ là giả hợp, vì vậy mình mới thích cái này cái kia. Do hiểu lầm mà có “tôi”, “của tôi”. Hạnh phúc không phải là một thực tại độc lập mà là sự cộng hưởng lắp ráp của nhiều thứ.Những gì gọi là hạnh phúc thì đều có rồi mất, đều phù du. Mặt trái của năm uẩn là sự biến đổi không như ý mình.

7. Sự xuất ly. Sự xuất ly hay lìa bỏ đối với năm uẩn là sự ly tham, không còn ham thích trong năm uẩn nữa, nhờ vậy không còn tiếp tục đầu tư uẩn mới.

Đó là quán sát năm uẩn trên bảy khía cạnh. Tiếp theo là quán sát 5 uẩn trên 3 khía cạnh: 18 giới, 12 xứ, 12 duyên khởi.

Quán sát 5 uẩn trên 3 khía cạnh:

1. Quán chiếu 5 uẩn qua 18 giới:

18 giới: 6 căn, 6 cảnh, 6 thức. Toàn bộ thế giới này chỉ nằm trong con số 18. Năm uẩn chỉ là 18 giới.

Bây giờ tôi hỏi quí vị, người ta nói năm châu bốn biển thì bốn biển chiếm phần lớn diện tích trên hành tinh, đúng không? Vậy toàn bộ những gì thuộc về đất (lục địa) và nước (đại dương) cộng với bảy tỷ người, có phải là cảnh để mình biết không, thuộc cảnh nào trong 6 cảnh? Cả 6 cảnh luôn!

Tôi biết rất nhiều Phật tử, ở châu Âu này cũng có, một là không biết, hai là biết nhưng hiểu không tới, ba là biết nhưng hiểu lầm, hiểu sai, bốn là biết nhưng quên. Trong khi đó cứ nghĩ mình đã học xong, học rồi, nhưng phải biết như thế nào mà khi chạm tới là bật ra thì mới gọi là của mình.

Toàn bộ tất cả mọi thứ trong thế gian này đều là 6 cảnh. Sáu cảnh chỉ là cảnh khi chúng được biết đến; cái biết đó là 6 thức và chỗ dựa cho 6 thức đó là 6 căn. Như không có mắt thì cái biết cảnh sắc dựa vào đâu mà có. Như vậy, toàn bộ thế giới này đều là con số 18. Cảnh chỉ gọi là cảnh khi nó được biết.

Chỗ dựa cho 6 thức gồm thần kinh thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, và xúc giác. Riêng về chỗ dựa của ý thức thì tùy loại chúng sinh: Có loại thì là một chỗ nào đó trong cơ thể; với Phạm thiên Vô sắc thì tâm hữu phần Bhavanga là chỗ nương cho ý thức.

Xưa nay ta vẫn theo truyền thống tin rằng chỗ dựa của sắc ý vật là ở tim nhưng đó là nói theo kiến giải khoa học ở Ấn độ trong giai đoạn sớ giải được viết ra. Đọc kỹ chú giải thì điều này cũng chỉ là một đề nghị (suggestion) chớ không phải là quyết định (conclusion). Hôm nay khoa học lấy tim mình ra rồi cho mình chạy tim giả mình vẫn sống. Có những loài cắt đôi ra chúng vẫn sống. Vì vậy trong kinh Đức Phật dùng chữ: “Yaṃ rūpaṃ nissāya” tâm nương chỗ nào, thì chỗ đó được gọi là sắc ý vật, chỗ nương của ý thức.

Tôi nói ra thì kỳ, bà con nói là tôi đi quảng cáo kiếm tiền, nhưng ở trong tình thế bà con hiểu lầm tôi cũng nói. Đó là nên đọc cuốn Chuyện Phiếm Thầy Tu tập hai, trong đó khác hẳn quyển một. Tôi sẽ đem ra bàn lại hết tất cả những vấn đề ngộ nhận trong pháp học và pháp hành, mỗi đề tài chỉ khoảng một trang trở xuống, bằng giọng nửa đùa nửa thật, ví dụ hữu phần là gì, sắc ý vật là gì. Người không biết Vi diệu pháp là cái gì cũng đọc được. Có những người không tin chú giải, cho rằng chú giải là của đời sau và mạt sát coi rẻ chú giải, nhưng thử hỏi nếu không tin chú giải thì tin ông sư nào. Nhưng cắm đầu cắm cổ coi chú giải là chân lý tuyệt đối thì cũng chết.

2. Quán chiếu 5 uẩn qua 12 xứ:

Có trường hợp hành giả chỉ nhìn thế giới này qua con số 12, tức là 6 căn và 6 cảnh. Căn ở đây gồm cả thức. Con mắt và nhãn thức kể thành một. Cái biết (căn và thức) và cái được biết (cảnh). Như vậy là toàn bộ thế giới này nằm trong con số 12

3. Quán chiếu 5 uẩn qua 12 duyên khởi:

Lúc mắt nhìn hay tai nghe biết rõ đây là nhãn xứ hay nhĩ xứ (tức Nhập trong duyên khởi). Lục nhập duyên cho 6 xúc. Sáu xúc duyên cho 6 thọ. Sáu thọ duyên cho 6 ái. Sáu ái duyên cho Tứ thủ. Tứ thủ duyên cho 2 hữu. Hai hữu duyên cho sinh, già, đau, chết, sầu bi khổ ưu não.

Như vậy là khi nhìn cái gì đó tôi thích, tôi có thể ghi nhận đây là nhãn xúc cũng được, nhãn thọ cũng được, nhãn nhập cũng được, hoặc ghi nhận là ái duyên cho thủ cũng được. Quán chiếu năm uẩn trên 12 duyên khởi là vậy. Khi thấy cái gì thích biết rằng đây là ái. Ái này ở mức độ sâu hơn chính là thủ. Chính vì có thủ nên mới có nghiệp hữu và sanh hữu. Nghiệp hữu là thiện ác, sanh hữu là tâm tái tục. Chính vì có tâm thiện ác nên mới có tâm tái tục cõi cao và cõi thấp. Chính vì có tâm tái tục mới có sanh – già – đau – chết. Tâm tái tục trong buổi đầu đời gọi là tâm tục sinh; ngay sau đó thì nó không còn là tâm tục sinh nữa, nó diệt đi và một loại tâm khác giống y như vậy được gọi là tâm hữu phần. Cuối đời mình chết cũng là tâm đó. (Đây là chỗ dễ hiểu lầm. Khi một tâm thiện hay bất thiện xuất hiện sẽ tạo ra hai thứ nghiệp tái sinh và bình sinh. Nghiệp tái sinh là khả năng tạo ra tâm đầu thai cho một kiếp sống nào đó, mỗi cái tâm chỉ tồn tại một sát na rồi mất. Sau khi sinh vào cõi nào đó rồi thì loại tâm thứ hai xuất hiện suốt đời sống, đó là tâm hữu phần (bhavanga), tâm này cũng do thiện ác đời trước tạo ra. Nên kinh mới nói tục sinh, hữu phần và tâm mệnh chung chỉ là một nhưng ‘một’ ở đây là do một nghiệp thiện ác tạo ra, không phải là một tâm.)

Hành giả khi nào nhìn thấy tâm mình, biết rõ tâm mình đang biết cảnh sắc, biết cái này là nhãn xứ, nhãn nhập; muốn thấy cảnh sắc cảnh thinh thì phải có xúc có thọ. Không thể nào lúc nhìn, lúc nghe mà không có xúc, không có thọ; giống như ánh sáng mất thì bóng tối tới, hai trạng thái (mất và xuất hiện) cùng một lúc; hoặc khi đắc cử tổng thống thì cùng lúc có quyền lực.

Tôi có nghe câu hỏi này rất nhiều lần: Xúc duyên cho thọ, thọ không duyên cho ái mà duyên cho sân thì tính sao? Tại sao Đức Phật chỉ đề cập thọ duyên cho ái? Khi được hỏi như vậy, phải trả lời rằng đức Phật trong trường hợp này chỉ nói đến lý do sinh tử nên chỉ nhắc đến trường hợp thọ duyên ái. Ngài đang nói trường hợp vì đâu có tấm thân này. Người không có tâm sân vẫn còn tái sinh được, đó là trường hợp của vị thánh A-na-hàm (Bất lai hoặc Tam quả).

Nhìn kỹ lại, không một thứ nào trong 12 duyên khởi lại nằm ngoài năm uẩn. Như vậy quán chiếu 12 duyên khởi cũng quán chiếu năm uẩn trên khía cạnh duyên khởi.

Đức Phật dạy rằng một người sống quán chiếu năm uẩn qua các khía cạnh vừa nói (7 khía cạnh, 18, 12, 12 duyên khởi) được gọi là satatavihārī bậc thường xuyên tỉnh thức, thường xuyên trí tuệ, đệ nhất hữu tình, bậc tối thượng… (‘Satata’: ‘thường xuyên’, ‘liên tục’).

Ở đời có nhiều hạng: chết rồi chưa chôn, chôn rồi chưa chết. Sống thất niệm, không biết mình đang làm gì, sống vô ích, không đem lại lợi lạc cho bản thân và người khác, gọi là chết rồi chưa chôn. Kẻ chôn rồi chưa chết là người sống chánh niệm, sống hữu ít, tắt thở rồi vẫn còn là tấm gương cho người khác, và khi sống thì sống trọn vẹn từng bước đi, từng muỗng cơm, từng ánh mắt. Đây là lý do Đức Phật gọi vị tỳ kheo sống chánh niệm là satatavihārī – bậc hằng sống. Không phải chúa Jesus mới hằng sống.

Phật pháp không phải là thứ kiến thức biết được thì tốt mà là phải được biết, vì Phật pháp cho ta nhận thức về đời sống, chính sự nhận thức cho phép ta sống như thế nào. Nhiều người mang tiếng là Phật tử mà đến lúc cuối đời vẫn không hiểu được điều này, Phật pháp không phải nghe được thì tốt mà là phải nghe. Anh giàu cỡ nào đi nữa mà nhận thức về đời sống cạn quá thì đời sống của anh ắt có vấn đề.

CHÁNH ĐẲNG GIÁC

Ở đây Đức Phật xác nhận một điều thú vị đó là sự giác ngộ của Ngài và vị La-Hán đệ tử là giống nhau. Không vị giáo chủ nào đi làm chuyện lạ lùng như vậy, lúc nào vị giáo chủ cũng phải là hàng đầu, số một, vô địch. Nhưng ở đây Đức Phật xác nhận sự giác ngộ của Bậc Đạo sư và người đệ tử giống hệt nhau. Chỉ một điều khác biệt: Ngài là bậc tự ngộ, nhìn thấy con đường đó và dạy lại cho đệ tử, còn đệ tử là người cũng đi trên con đường đó nhưng bằng vào sự hướng dẫn của Ngài.

“Như Lai, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, do yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc, được gọi là bậc Giải Thoát, không có chấp thủ, Chánh Ðẳng Giác. Còn vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, được giải thoát nhờ trí tuệ, do yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc, được gọi là bậc Giải Thoát, không có chấp thủ, giải thoát nhờ trí tuệ.”

Đoạn kinh trên, trong bản dịch tiếng Việt, dùng chữ ‘còn’ nên thấy sự nhận thức và sự giác ngộ của Bậc Đạo sư và người đệ tử có khác nhau Trong bản Pāḷi thì dùng chữ ‘cũng’ diễn đạt sự giác ngộ của thầy và trò y như nhau. Dịch lại như sau:

“Như Lai, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, do yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc, được gọi là bậc Giải Thoát, không có chấp thủ, Chánh Ðẳng Giác. Còn vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, được giải thoát nhờ trí tuệ, cũng do yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc, được gọi là bậc Giải Thoát, không có chấp thủ, giải thoát nhờ trí tuệ.”

Có sự khác biệt nào giữa thầy và trò? Sự khác biệt đó chính là Đức Thế Tôn tự mình nhìn ra con đường đó. Chú giải nói rõ: Con đường giải thoát mà Ngài dạy lại cho đệ tử từng được chư Phật quá khứ biết đến và thuyết giảng, nhưng sau đó hoàn toàn không được biết đến, mỗi vị Phật ra đời nhắc lại cho chúng sanh được biết, khai quật lại cái đã bị vùi chôn. Như Lai là người làm sống dậy cái đã mất, khai mở cái đã bị che khuất.

“Maggānugāti maggaṃ anugacchantā. Pacchā samannāgatāti ahaṃ paṭhamaṃ gato, sāvakā pacchā samannāgatā”

‘Maggānugā’: ‘người theo lối mòn’.

‘Ahaṃ paṭhamaṃ gato’: Như Lai là người đầu tiên đi trên con đường đó.

‘sāvakā pacchā samannāgatā’: các đệ tử chỉ là người đi theo sau này.

Nội dung bài kinh này không phải nằm ở chỗ Ngài muốn nói về Ngài mà sự sâu sắc ở đây là Ngài xác định sự chứng đắc giữa Bậc Đạo sư và đệ tử giống hệt nhau và con đường giải thoát chỉ có một mà thôi. Toàn bộ mọi hiện hữu là khổ, nhận thức được như vậy chính là con đường thoát khổ. Người có đại trí, đại bi, đại hùng mới nguyện chứng Phật quả. Nếu thiếu đại bi, chỉ cần nghĩ đến bản chất thế giới thì không còn tha thiết gì nữa. Khi hiểu rõ thì thấy thế giới này chỉ là sự đau khổ, sự vô thường mà thôi. Bây giờ có thành Phật thì báo thân 32 tướng tốt cũng chỉ là vô thường, khổ, vô ngã. Ngay cả sự chứng đắc cũng nằm trong khổ, vô thường, vô ngã; trí tuệ của Đức Phật vẫn là tâm sinh diệt liên tục. Bắc Tông đẩy Ngài lên vị trí thần thánh siêu nhiên còn kinh điển Nguyên Thủy thì xác nhận Ngài là người cái gì cũng biết, đức lành nào cũng có, ai Ngài cũng thương, nhưng tâm của Ngài, thân của Ngài cũng luôn luôn vô thường. Mỗi vị Phật ra đời cũng chỉ độ được một số lượng chúng sinh như nắm cát trên sa mạc. Phải có lòng thương mới chịu cực, kéo dài sinh tử để thành Phật. Đại trí không cho phép người ta sinh tử nữa nhưng lòng đại bi không cho phép người ta đi một mình.

Tây có câu hay lắm: Lý trí dạy tôi biết tôi chỉ là nothing, tình cảm dạy tôi biết mình là everything. Tôi sống giữa hai thứ đó. Nghĩa là Bồ tát có lúc phải quán chiếu thấy rằng tất cả là không. Cái gì cũng buông hết, không đam mê đắm chìm trong vị ngọt và cũng không chùn bước trước thử thách nhưng có lúc Ngài thương từng ngọn cỏ, con ong, cái kiến như một bà mẹ thương con; phải có cả đại bi và đại trí mới nguyện thành Phật được.

VÔ NGÃ TƯỚNG (Anattalakkhanasutta)

Bài kinh này có hai tựa: Năm Vị (Pancavaggiya): Ngũ bộ Tỳ kheo; và cũng được gọi là Anattalakkhanasutta – Kinh Vô Ngã Tướng.

Đức Phật dạy 5 uẩn là vô ngã vì ta không thể điều khiển chúng như là mình muốn. Ta có thể tiết chế, thu thúc để mình không sống bất thiện, để mình có thể sống thiện, nhưng không thể cưỡng lại sự vô thường trong đời sống.

Vô ngã là bản chất lắp ráp của thế giới, gồm cả chúng sinh và thiên nhiên. Theo văn phạm Phật pháp thì không thứ gì trên đời này có thể chia ở số ít. Ta có thể biến nước thành màu này màu kia, thậm chí khiến nó bốc hơi, nhưng không thể thay đổi những thuộc tính của nước. Mình làm thiện, tránh ác để sanh ra được thông minh trí tuệ … đó chỉ là nhuộm nước chớ không thay đổi được thuộc tính của nước. Dù mang thân người có “đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu” nhưng bịnh đến là phải chịu, mỗi khoảnh khắc tâm sanh diệt tỷ lần cũng phải chịu, sống một lúc nào đó răng long tóc bạc, da mồi, gối mỏi cũng phải chịu, không thể thay đổi được. Nếu năm uẩn là của mình, nằm trong sự điều khiển của mình thì mình có thể mong cho nó như thế này mong cho nó đừng như thế kia, nhưng chuyện đó không thể thực hiện được. Thật ra chính bản chất lắp ráp lại là điều hay, bởi vì, trong cuộc đời đau khổ này, nếu hiểu rõ hạnh phúc là gì, đau khổ là gì thì việc đi tìm cái tôi trong thế giới này cũng giống như xác định quốc tịch ở một xứ sở chẳng ra gì.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app