Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 3 – Chương 1: Tương Ưng Uẩn – Phẩm Biên

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3 

Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Biên

BIÊN KINH (Antasutta)

Sáng nay mình học bài Biên Kinh.

Theo chú giải, chữ ‘anta’ nghĩa là ‘phần’. anta # kotthasa

Ngài Minh Châu dịch là ‘biên’ vì theo trong Hán Tạng. Chữ ‘anta’ có nhiều nghĩa, nhưng nghĩa dùng nhiều trong Hán Tạng là nghĩa ‘biên’ (Trong tiếng Đức là ‘ende’, tiếng Anh là ‘end’ #anta), nghĩa là ‘tận cùng’, ‘sau cuối’. Đây là khuyết điểm của Hán Tạng. Đây là khuyết điểm của Hán Tạng. Giống như có người có thẩm quyền cầm trịch chọn lựa chữ đó mà dịch rồi từ đó về sau mọi người cứ theo nghĩa đó mà dùng. Ví dụ chữ ‘vedana’, từ ngữ căn ‘vid’ (biết), một thời gian họ dịch là ‘giác’ (biết). Đến thời ngài Huyền Trang, ngài thấy dịch như vậy, chữ Hán có vấn đề, có thể gây ra hiểu lầm nên ngài sửa lại là ‘thọ’, nghĩa là ‘cảm thọ’, ‘cảm thụ’, chứ chữ gốc của ‘vedana’là nhận biết. Từ ngữ trong Hán tạng là do các vị như Nghĩa Tịnh, Huyền Trang, An Thế Cao, Cưu Ma La Thập nắm giữ quyền chọn lựa chữ dịch, họ chọn chữ nào căn bản nhất rồi dùng chữ đó. Khuyết điểm của Hán tạng là không y cứ trên chú giải nguyên thủy. Chú giải nguyên thủy là chú giải Tam Tạng bằng tiếng Pāḷi, được dịch ra từ bản gốc tiếng Tích Lan vào thế kỷ thứ III sau Phật Lịch, ngài Mahinda đem PG từ Ấn Độ sang Tích Lan, ngài dạy đạo ở Tích Lan y cứ vào chú giải đem từ Ấn Độ qua. Nhưng vì lúc đó ngài muốn đặt nền mống PG Theravada tại Tích Lan, nên bộ chú giải đó buổi đầu được viết bằng tiếng Tích Lan cổ cho người Tích Lan học. Đến thế kỷ thứ IX Phật Lịch, ngài Buddhaghosa tác giả bộ luận thư Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) từ Ấn Độ qua, ngài dịch bộ chú giải đó từ tiếng Tích Lan cổ sang tiếng Pāḷi. Mấy cái này nghe như không liên quan gì bài kinh nhưng đó là kiến thức cần thiết cho người học đạo. Chứ còn cứ mở miệng ra là chú giải này nọ mà không biết gốc ở đâu ra là không được. Khuyết điểm của Hán tạng đó là một vài chữ được dùng tới dùng lui qua nhiều thế hệ mà không có sự nhuận sắc, hiệu đính, kiểm chứng lại. Thứ đến là các vị dịch từ bản kinh gốc từ Ấn Độ ra, có những bản không phải viết bằng Pāḷi mà bằng các địa phương ngữ (dialect) của Ấn Độ ví dụ như tiếng Prakrit, Saṅskrit, hoặc Hybrid Saṅskrit (Saṅskrit pha tạp), từ đó có những lấn cấn, vì vậy hôm nay khi ngài Minh Châu dịch sang tiếng Việt cách gọn nhất là cứ bê nguyên chữ gốc bên Hán tạng qua ngài xài. Đó là lý do vì sao chữ ‘anta’ dịch là ‘biên’.

“3) Có bốn biên này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là bốn? Hữu thân biên, hữu thân tập khởi biên, hữu thân đoạn diệt biên, hữu thân đoạn diệt đạo biên.”

‘Sakkāya’: ‘hữu thân’. ‘Saka’: yourself, myself, tự thân chính mình. ‘Kāya’: ‘thân’, body. Sakavà kaya cộng lại thành một thuật ngữ bắt buộc mình phải hiểu; ám chỉ cho năm uẩn[1]. Ví dụ: ‘Sakkāyaditthi’: thân kiến, sự chấp ngã trong năm uẩn. Thấy rằng thân này (sắc uẩn) này là của tôi. Năm uẩn gồm sắc uẩn tức là thân và danh uẩn (gồm thọ, tưởng, hành, thức). Thọ uẩn là tất cả cảm giác máy móc dễ chịu của thân tâm. Tưởng uẩn là cái biết dựa trên hồi ức, kinh nghiệm. Hành uẩn là khía cạnh thiện ác của tâm thức, nói gọn là thích, ghét và lý trí, lương tri. Thức uẩn là cái biết đơn thuần máy móc của 6 căn. Hành là 50 tâm sở (mental factors). Tâm thức gồm hai phần chính là tâm và tâm sở. Tâm chỉ là cái biết còn tâm sở là 52 khía cạnh tâm lý, gồm 13 tợ tha, làm đới chất để gắn kết các khía cạnh tâm lý khác, 14 tâm sở bất thiện là những khía cạnh tiêu cực của tâm lý như tham, sân, nghi, mạn…, 25 tâm sở tịnh hảo gồm 19 tâm sở tịnh hảo, biến hành và các tâm sở tịnh hảo cá biệt. Đã gọi là tâm thiện thì bắt buộc phải có 19 tâm sở tịnh hảo, còn tâm sở tịnh hảo cá biệt là có những những tâm thiện có nó và có những tâm thiện không có nó. Ví dụ có những lúc chúng ta làm thiện, làm phước làm lành mà không có trí tuệ xuất hiện; từ bi từ tâm cũng vậy, có lúc có lúc không. Có những tâm sở như tâm sở vô lượng tâm – bi và tùy hỷ, có lúc có lòng thương xót chúng sinh nhưng có lúc không có; tâm sở giới phần – có những lúc chúng ta có lòng tàm úy ngăn trừ điều ác, có lúc không cần ví dụ như ngồi trước bàn Phật tụng niệm kinh, lúc đó có thể không cần tâm sở giới phần, còn khi gặp chuyện bậy lẽ ra mình làm nhưng bằng suy nghĩ mình không làm, lúc đó giới phần có mặt. Tâm sở tịnh hảo cá biệt thì lúc có lúc không, nhưng hễ lúc nào có tâm thiện là phải có 19 tâm sở tịnh hảo, biến hành. Như vậy cái gọi là ông A bà B thật ra là sự lắp ráp của những thành tố tâm lý hay sinh lý (danh và sắc). Lớp này không phải dạy A-tỳ-đàm mà là lớp dạy Kinh tạng nên khi cần thiết chúng tôi cũng nhắc sơ qua một chút như vậy, bà con nào có nhu cầu nhiều hơn nữa thì chỉ có hai cách: tham dự các lớp dạy A-tỳ-đàm hoặc xem sách để tự học.

Cái gọi là thế giới chỉ gồm có năm phần, ở đây Đức Phật dùng chữ ‘anta’ (part). Trong đó có phàm, thánh, luân hồi và giải thoát. Cái khác nhau ở thánh và phàm nằm ở Hành uẩn. Khi Đức Phật nhìn bông hồng, Ngài có hai cách nhìn, Ngài có thể biết đây là bông hồng, hoặc Ngài quán chiếu đây chỉ là thành tố kết hợp nhau chớ không phải là bông hồng; cũng giống như nhà khoa học khi nhìn ly nước, có lúc họ biết theo nghĩa thường thức là nước, và có lúc là H2O. Dù nhìn góc độ nào đi nữa thì bậc thánh không bao giờ có tham, có sân, có si. Còn mình thì hành uẩn hơi phức tạp, mình nhìn một cái bông thì có thể có đủ thứ phiền não trong đó, có thể thích hoặc bực, (tôi chỉ nói đơn giản chung chung cho những người không học A-tỳ-đàm) khi nhìn bông hồng họ nghĩ đến chuyện sớm nở tối tàn, họ nhìn bằng tâm thiện (trí), có người nhìn bông hồng lại nghĩ đến một lời hẹn với ai đó, một món quà hoặc là, một kỷ niệm buồn (tâm sân) hoặc dậy lên niềm thương yêu với ai đó (tâm tham), hoặc tưởng tiếc quá khứ nào đó (đó là hối), nghĩ đến những vinh hoa mình sắp có hay nhớ đã từng bước lên thảm đỏ, được tặng bó hoa trong một vinh dự nào đó (đó là mạn).

Dù phân tích thế giới này bao nhiêu cách đi nữa thì ý chính của các ngài vẫn là bản chất phù du, lắp ráp, giả hợp, giả lập của thế giới này. Và luôn luôn ngay sau đó Ngài bày ra con đường giải thoát. Bao nhiêu đời sinh tử mình hiện hữu bằng năm uẩn, trong năm uẩn của đời này mình gây tạo nghiệp sinh tử – năm uẩn – cho đời khác; giải thoát là ngay trong tấm thân sinh tử này mình không tiếp tục thương thích ghét sợ nữa. Mọi hoạt động của năm uẩn cần được quán chiếu: đây là vô thường, đây là khổ, đây là vô ngã để không tiếp tục đầu tư thêm năm uẩn mới cho đời sau kiếp khác. Nếu đủ duyên lành Ba-la-mật chứng thánh ngay đời này, còn tối thiểu, với sự quán chiếu thường trực như vậy chúng ta cũng gieo duyên lành giải thoát cho đời sau kiếp khác. Khi đủ duyên thì tự nhiên có được thánh tâm thánh trí không tiếp tục luân hồi nữa. Luân hồi là sự thương thích ghét sợ đối với năm uẩn. Cuộc sống của mình ở kiếp này, từ lúc còn bé trong tay mẹ đến lúc đi vào quan tài chỉ có thương thích ghét sợ chứ không có gì khác. Nếu mọi sự được quán chiếu thì đời mình không khổ như vậy. Luân hồi là y cứ năm uẩn này để gây tạo đầu tư năm uẩn của đời sau kiếp khác. Giải thoát là mượn tấm thân sinh tử này như người chết đuối bám vào xác chết trên biển để tiếp tục sinh tồn, người tu hành giải thoát là dựa vào thân này để tu tập. Dù không muốn cũng phải ráng nương tay vào cái xác đó để sinh tồn. Hành giả thứ thiệt là coi thân này như cái xác. Một người hữu duyên sẽ nghĩ về cái thân này bằng cảm nhận kinh hoàng lắm. Đàng sau lớp da bụng là cái gì trong đó? Chỉ cần lấy dao lam rạch bụng từ trên xuống nó lòi ra rồi thì nhét vào không được. Nhờ vô minh che một lớp dày nên mình vẫn có thể thương nhớ một ánh mắt, một mái tóc, một nụ cười, bờ môi, mùi hương ở một con người nào đó. Thật ra nếu cứ quán chiếu khía cạnh tiêu cực của tấm thân này thì ngán ngẩm lắm. Tối nằm ngủ mà nghe đau rêm rêm thì tưởng tượng bên trong đang ra làm sao, có sạn có sỏi, có ruột dư thừa, bao tử đang bị loét, có bướu trong đó; mình không biết, vì mình không quán chiếu. Quí vị kiếm bài kinh này, có cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt: Kinh Girimananda (Girimanandasutta)[2]. Khi mình bệnh tật mình sợ hãi vì bình thường mình quá coi nặng tấm thân này. Mình nghĩ làn da, cơ bắp trước đây thế nào mà bây giờ đã mất rồi, còn một người quán chiếu tấm thân này như là gánh nặng thì đối diện với cái chết họ không thấy kinh hoàng, cũng giống như người tự sát họ muốn tìm đến cái nhẹ nhàng hơn cái họ đang gánh chịu. Một hành giả khi quán chiếu thấy tấm thân này là gánh nặng phải cưu mang gánh vác, cảm nhận của họ với cuộc đời khác đi nhiều lắm. Đêm hôm qua tôi viết xong một bài để bổ sung cho cuốn Chuyện Phiếm Thầy Tu, lẽ ra không nói ở đây nhưng cũng muốn nhắc sơ qua. Bài viết đó tôi dựa trên một câu danh ngôn: Giá trị một người tương đương với cái gì anh ta thương thích ghét sợ. Câu này rất sâu, phàm phu chỉ quẩn quanh bao nhiêu đó: đây là nhà cửa, vợ chồng, sức khỏe, quyền lực… của tôi, coi nặng nó quá thì khi mất rồi chịu không nổi, bởi giá trị của mình chỉ có nhiêu đó. Nhiều người chịu không nổi câu này, bởi nó phũ phàng quá. Phàm phu coi nặng thân tâm danh sắc này nên khi bị cái gì là chịu không nổi. Ngay buổi đầu không coi nặng thì ngay khi bị va chạm mất mát không bị sốc. Đây là bài học sinh tử, xương máu cho người tu học. Trong bài viết đó tôi kể một câu chuyện phim, một tỷ phú người Hongkong có ý định tự sát vì công ty rơi vào tình trạng không thể cứu vãn, chứng khoán tụt dốc, nợ nần chồng chất, vợ thì đòi li dị. Ông đang định tối đó sẽ đi, nhưng thằng cháu nội 4 tuổi mỗi lần thấy ông thì mang bàn cờ ra chơi dù nó chả biết đánh cờ, thích đi thế nào thì đi thế đó, thích con cờ nào thì lấy con cờ đó. Ông biết rằng chơi với nó là phải thua, điều thích thú là ông thích quan sát khuôn mặt rạng rỡ của nó. Hôm nay cũng vậy, không hiểu sao nó nhìn mặt ông mà nói: Bữa nay ông nội phải thắng. Ông ngạc nhiên. Nó nói nó thắng hoài nó chán. Chơi nửa ván cờ, ông từ bỏ ý định tự tử. Ông chợt hiểu, ngay từ đầu cuộc chơi, nếu mình hiểu đây là cuộc chơi thì mình đã không nặng lòng như vậy. Chính vì ngay từ đầu mình coi nặng quá nên thắng thua mới lớn chuyện. Câu chuyện đó chính là thái độ của hành giả Tứ Niệm Xứ. Ngay từ đầu hành giả thấy rõ rằng đây là cuộc chơi mà mình chắc chắn thua, mình thua cho cái vô thường, vô ngã, thua cho cái quy luật có rồi mất của cuộc đời. Tôi không phải là thiền sư, tôi không phải là hành giả, nhưng tôi xem nặng điều này vì để tự cứu mình. Tôi là một tu sĩ, không gia đình, không trụ trì chùa miểu. Có nhiều lúc tâm trạng đủ để tôi không coi cái chết là gì hết. Nếu nó đến thì mình không sợ, bởi ớn cái sống quá rồi. Chính nhờ cái sự quán chiếu này mà tôi có thể an lạc được bấy lâu nay. Tôi kể ra tuyệt đối không có ý than vãn hay gây hoang mang cho bà con. Trên 18 tuổi thì có nhiều chuyện để mình nặng lòng lắm, nhất là sống độc thân không nhà cửa, không job, không sở hữu, để tồn tại được trên mảnh đất xa lạ này không đơn giản. Quí vị sẽ nghĩ rằng đời sống tôi rắc rối lắm và trải qua bao nhiêu cơ man là phiền não. Nhưng tôi không điên, tóc không bạc qua sau một đêm, không suy tim, không suy nhược thần kinh bởi nhờ sự quán chiếu này, tôi sống như vậy để tự cứu mình, đó chỉ là kinh nghiệm của “thằng bệnh nhân” phải làm gì để chịu nổi cơn đau. Ngay từ đầu cuộc chơi phải nhớ điều đó.

Nội dung bài kinh này nói về năm uẩn, duyên khởi của năm uẩn, sự vắng mặt của năm uẩn và con đường dẫn đến cứu cánh đó.

“Thế nào là thân biên? Phải trả lời là năm thủ uẩn?”. Sau khi giảng năm uẩn xong, Đức Phật dạy năm uẩn ở đâu mà có. Năm uẩn là chỗ dựa của tất cả khổ nạn, sự đam mê trong năm uẩn là cách đầu tư để có năm uẩn mới. Sự vắng mặt vĩnh viễn của năm uẩn là giải thoát. Con đường dẫn đến sự giải thoát đó là nhàm chán lìa bỏ không tiếp tục thương thích năm uẩn nữa. Bát Chánh Đạo chính là con đường đó.

Bài kinh này rất căn bản cho người học đạo và hành đạo. Mai này hay ngay bây giờ mà tu tập Tứ Niệm Xứ thì luôn quán chiếu: Tất cả những cái biết, cái suy tư, cái ghét sợ gom chung lại gồm danh uẩn và sắc uẩn. Và mỗi lần thích cái gì thì phải nhớ cái thích này là đầu tư năm uẩn khác cho đời sau. Ngửi cái hoa, uống ly nước ngọt, ăn viên kẹo mà thấy thích là phải quán chiếu liền: hễ thích cái gì là đang đầu tư tấm thân sinh tử. Mỗi lần bất mãn cái gì cũng biết rằng mình đang bôi đen tấm thân sinh tử đó. Không có cái nào tốt hết, không nên thương thích cũng không ghét sợ, cứ thấy mình dốt không biết A-tỳ-đàm, không biết giáo lý thì chỉ cần biết quán chiếu như vậy.

“6)…thế nào là hữu thân đoạn diệt biên?” Là sự vắng mặt của năm uẩn. Có hai cứu cánh Niết bàn: Hữu dư Niết bàn là sự vắng mặt của Tập đế, tức của phiền não. Vô dư Niết bàn là sự vắng mặt của cả Khổ đế, tức của năm uẩn. Một vị A-la-hán còn sống nghĩa là đang sống trong Hữu dư Niết bàn, nghĩa là vắng mặt phiền não, mai này ngài tắt thở xuôi tay rồi, không còn tiếp tục sinh tử nữa, lúc đó được gọi là Vô dư Niết bàn. Hai Niết bàn này gọi chung là Diệt đế.

Ôn lại: Năm uẩn là Khổ đế. Sự đam mê trong năm uẩn, 6 trần là Tập đế. Sự vắng mặt của Tập đế gọi là Hữu dư Niết bàn (diệt đế 1), sự vắng mặt của Khổ đế (năm uẩn) là Vô dư Niết bàn (diệt đế 2). Bát Chánh Đạo là con đường dẫn đến hai diệt đế. Ba mươi bảy Phẩm Trợ đạo, tức Bồ đề phần (bodhipakkhiya), phân tích kỹ lưỡng cũng chính là Bát Chánh Đạo nói rộng. Bát Chánh Đạo chính là 37 Phẩm Trợ đạo nói gọn.

KHỔ (Dukkhasutta)

Bài kinh Khổ cũng giống kinh vừa học. Đức Phật có nhiều cách nói. Tam tạng Pāḷi là kho chứa trung thực từng bài giảng của Thế Tôn. Tất cả những gì ngài Ānanda nghe và thuật lại, chư tăng giữ nguyên như vậy, nên có những bài kinh giống nhau và nằm kế bên nhau do cách sắp xếp cùng đề tài hay tùy số các vấn đề.

Có nhiều chỗ trong kinh điển, Đức Phật dùng chữ ‘Khổ’ để gọi năm uẩn, thế giới. Trong bài kinh này, Đức Phật gom thế giới này vào trong một chữ: Khổ. Trong Kinh Nghiệm Thiền Quán, bà Ajahn Naeb cũng dạy như vậy. Bà dạy rằng, một hành giả sống có chánh niệm thường trực sâu dày, miên mật sẽ có một ngày thấy toàn bộ những gì nghe ngửi nếm đụng đều là Khổ. Trước đây thì chia ra cái này dễ chịu, cái này khó chịu, về lâu về dài thì sẽ thấm thía bất cứ cái gì có mặt ở đời đều là Khổ. Cảm nhận đó không phải là của người bi quan muốn tự tử, mà đó là cái nhìn trưởng thành, chín chắn của một hành giả. Ngày nào chưa biết đạo mình còn tung tẩy với năm uẩn, sáu căn, sáu trần, thích cái này ghét cái kia, trốn cái này kiếm cái nọ; riêng đối với hành giả, dù họ vẫn còn đang đi làm, sinh hoạt bình thường nhưng luôn luôn trong ý thức thường trực tất cả là gánh nặng, là khổ ải trầm luân. Còn mình thì sao? Nghe giảng, xem kinh cho vui vậy thôi chớ mình còn quá nặng lòng với những thứ thương thích ghét sợ; đến khi gặp vấn đề thì chịu không nổi.

HỮU THÂN (Sakkāyasutta)

Kinh Hữu Thân cũng y như hai bài kinh trên.

SỞ BIẾN TRI (Pariññeyyasutta)

Kinh Pariññeyyasutta: ‘Kinh nói về chuyện mình phải hiểu’.

Theo tinh thần Phật pháp, có ba thứ dốt nát:

-Biết chuyện không đáng biết

-Không biết chuyện đáng biết

-Biết không tới nơi.

Mình khổ vì đầu mình chứa toàn rác, nùi giẻ. Chuyện mình cần biết cần thường xuyên quán chiếu là: sự có mặt của năm uẩn là Khổ, những thương thích là đầu tư khổ mới, những ghét sợ bôi đen hiện hữu mới. Đó là cái thường trực phải có trong đầu. Khổ thay, thời nay người nghe được kinh này và chấp nhận hành trì theo kinh này không còn nữa. Bài kinh này cần phải thường xuyên đọc tụng mỗi ngày. Tôi sợ mấy bài kinh tán dương Đức Phật, năn nỉ chư thiên phù hộ sắc đẹp, sống lâu… Lẽ ra phải đọc những bài kinh suy tư thấm thía nhiều hơn như bài kinh này. Phải thường xuyên tâm niệm quán chiếu, bởi đây là sự thật rốt ráo, sự thật còn lại sau cùng trong cuộc đời phù du của mình. Chắc chắn sẽ có ngày quanh mình không còn ai hết, cái ngày mình đi vào quan tài nằm một mình, không ai vô nằm chung. Ở Mỹ mà ra khỏi nhà rồi, có chuyện gì là đi luôn chớ không đem về nhà nữa. Giả định năm nay quí vị 50 tuổi, sống thêm 50 nữa là một trăm. Tưởng tượng ông cụ bà lão một trăm tuổi thì ra làm sao? Tôi có nhiều dịp đi vào nhà già bên Mỹ, sạch sẽ sang trọng cực kỳ, nhưng thật mỉa mai, một chậu hồng trong đó ai nhìn? Các cụ lờ đờ hết. Vừa rồi, suốt bốn ngày đêm tôi đi thăm bệnh một người quen tại Thụy Sĩ này, cũng nản lắm, bị stroke. Bây giờ khá rồi, theo lời kể thì buổi sáng con cháu đến chở đi công việc, gọi má ơi má, bà tỉnh bơ. Nếu nhằm mắt thiêm thiếp thì người ta còn đoán được, đàng này bà ngồi thẳng lưng, mở mắt trao tráo không trả lời. Con cháu ở chung mấy chục năm mà tưởng bà giận. Cuối cùng có một người quen bảo phải đi cấp cứu mới biết bả bị stroke. Có thương có mến cỡ nào, nằm liệt một chỗ thì chỉ chăm sóc vài tháng rồi thì có mùi tanh hôi, vì khó chăm sóc lắm. Đó là gia cảnh khá. Sẽ có một ngày, tuổi già là như vậy.

Vì vậy, bài kinh này Đức Phật dạy phải quán chiếu thường trực. Chữ ‘biến tri’ (biết) trong bài kinh này nghĩa là sự quán chiếu. Có những cái biết không đủ thay đổi con người chúng ta. Không phải có nghe qua, có hiểu được thì gọi là biết. Ví dụ như, chuyện bố thí, nhiều người cứ tưởng là đem đi cho và nghĩ mình hiểu thế nào là bố thí. Xin thưa, chữ ‘bố thí’ này để hiểu tới nơi tới chốn phải nói mất một tuần, nói chi đến chuyện quán chiếu năm uẩn hay mài mòn phiền não. Đừng bao giờ cho rằng cái biết của mình là top, là không cần bổ sung nữa. Là người Phật tử đừng bao giờ nghĩ đến chuyện tốt nhất mà phải nghĩ đến chuyện tốt hơn. Vì vậy, bài kinh này Đức Phật dạy phải quán chiếu thường trực. Chữ ‘biến tri’ (biết) trong bài kinh này nghĩa là sự quán chiếu. Có những cái biết không đủ thay đổi con người chúng ta. Không phải có nghe qua, có hiểu được thì gọi là biết. Ví dụ như, chuyện bố thí, nhiều người cứ tưởng là đem đi cho và nghĩ mình hiểu thế nào là bố thí. Xin thưa, chữ ‘bố thí’ này để hiểu tới nơi tới chốn phải nói mất một tuần, nói chi đến chuyện quán chiếu năm uẩn hay mài mòn phiền não. Đừng bao giờ cho rằng cái biết của mình là top, là không cần bổ sung nữa. Là người Phật tử đừng bao giờ nghĩ đến chuyện tốt nhất mà phải nghĩ đến chuyện tốt hơn. Never best but better (Chỉ mong tốt hơn đừng mong tốt nhất). Đây là câu thần chú phải xăm lên trán. Hôm nay phải tốt hơn hôm qua, ngày mai phải tốt hơn hôm nay, tháng sau phải tốt hơn tháng trước… Tốt hơn ở đây có nghĩa là (Chỉ mong tốt hơn đừng mong tốt nhất). Đây là câu thần chú phải xăm lên trán. Hôm nay phải tốt hơn hôm qua, ngày mai phải tốt hơn hôm nay, tháng sau phải tốt hơn tháng trước… Tốt hơn ở đây có nghĩa là khả năng buông bỏ tốt hơn. Và, tinh thần tu học của PG là nhằm chấm dứt cái gì đó chứ không phải chứng đắc cái gì cả.

Có một bài kinh mình học rồi: “giống như người thợ, mỗi ngày mỗi ngày quan sát cán búa xem mòn đi bao nhiêu thì một vị tỳ kheo mỗi ngày phải quán sát xem thói hư tật xấu của mình mòn đi hết bao nhiêu.”[3] Đức Phật kêu gọi mình tu tập để lìa bỏ sự đam mê chấp trước trong năm uẩn, lìa bỏ tham sân si phiền não, lìa bỏ ái nghi mạn kiến, chớ không phải tu để được cái này cái kia. Quí vị yên tâm, khi mà bỏ được thì tự động chứng đắc. Có hai cách đi: làm sao tiến gần chỗ đến, hoặc làm sao lìa bỏ điểm xuất phát càng xa càng tốt. Khi tu tập nghĩ quá nhiều chỗ đến thì dễ sinh ngộ nhận, hoang tưởng, vì chưa đến mà cứ tưởng đã đến. Chỉ mong lìa bỏ phiền não, cách này không dẫn đến ngộ nhận, hoang tưởng. Cứ nghe mát lạnh, thoải mái, đầu óc sáng suốt bất ngờ là nghĩ mình đắc; tu hành không phải là vậy, mà hãy xem con người cũ của mình, bây giờ mình có bớt được nóng tánh, ghen tuông, đố kỵ, ham ăn, ham ngủ, lười biếng hay không. Chứ còn mong đắc này đắc kia thì khả năng hoang tưởng rất lớn. 

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app