Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên – Phẩm Kiếm

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên 

Phẩm Phẩm Kiếm

KIẾM

Hôm nay học bài kinh Kiếm, xin thưa với quí vị, có nhiều trường hợp tôi thích xài tiếng Hán nhưng có nhiều trường hợp tôi thích xài tiếng VN hơn, thí dụ câu “bông bí vàng ngoài giàn công em trồng sao anh không hái”, trong câu đó chữ “bông bí” hay hơn “hoa bí”. Có nhiều trường hợp xài tiếng VN hay hơn tiếng Hán, như trong bài kinh này tôi thích để chữ Phẩm Gươm hơn, vì chữ Kiếm mơ hồ lắm. Có một vị Trời đến thưa với Đức Phật điều tâm đắc của mình.

Như kiếm đã chạm da,

Như lửa cháy trên đầu,

Tỷ-kheo hãy chánh niệm,

Xuất gia bỏ ái dục.

Vị này có suy nghĩ về Phật pháp như vậy đó. Trong chú giải chỉ nói đây là một vị Trời chứ không nói thân thế rõ ràng. Lúc đó Đức Phật nhìn thấy nội tâm của vị này nghĩ gì. Vị này xài hình ảnh “Như kiếm đã chạm da, Như lửa cháy trên đầu” là một vị Trời tinh tấn. Khi bị ai kề gươm sát người thì mình không nghĩ đến điều gì ngọài sự sống chết, lửa cháy trên tóc cũng vậy. Mỗi bài kinh, tôi đều thu gọn nội dung của kinh để mai này in, sau đó tôi chú thích chữ khó. Trong bản dịch để in tôi không ghi phẩm Kiếm mà tôi ghi là Phẩm Thanh Kiếm, hoặc Thanh Gươm, tôi cũng không để “lửa cháy trên đầu” mà để là “lửa cháy trên tóc”, vì tiếng VN mình trên đầu có hai nghĩa: 1/ có chạm vào da đầu của mình; 2/ trên đầu nhưng không mắc mớ gì đến cơ thể mình hết. Chẳng hạn như, các vị nghe câu: “Trên đầu ba tấc có thần linh”, câu này không đụng chạm gì cái đầu mình hết, vậy nên câu “lửa cháy trên đầu” mơ hồ hơn “trên tóc”. Vị này đề nghị tâm lý tu hành của một người xuất gia phải rốt ráo thiết tha, gắn bó, da diết, khắng khít đến mức như người bị gươm kề hông, lửa cháy trên tóc. Hôm qua tôi gặp một người quen cũ mà 15 năm về trước đó là một người cao lớn khỏe mạnh đẹp trai, có cô vợ bé nhỏ đi theo chồng như một cái bóng, trông đợi sự che chở. Hôm nay mọi thứ ngược lại hết, ngày xưa anh chồng là bóng tùng quân che chở cho vợ, hôm nay cô vợ chăm sóc chồng bằng cách của người mẹ, và người chồng phải trông cậy vào sự quan tâm của vợ vì ông trải qua một cơn tai biến, khôi phục chỉ được 60%, đi đứng bình thường nhưng ăn uống sinh hoạt không được như trước nữa. Ngày xưa, năm 1993, tôi gặp ông tại Đà Nẵng, đến nay, nhìn ổng tôi nản quá, “như gươm chạm da, như lửa trên tóc” là vậy đó. Ổng cao cỡ 1m85, bà vợ nhỏ xíu mà giờ phải chăm sóc ông chồng to lớn như thể chăm sóc em bé.

Sattiyā viya omaṭṭho, ḍayhamānova matthake;

Kāmarāgappahānāya, sato bhikkhu paribbaje’’ti.

‘‘Sattiyā viya omaṭṭho, ḍayhamānova matthake;

Sakkāyadiṭṭhippahānāya, sato bhikkhu paribbaje’’ti.

Như kiếm đã chạm da,

Như lửa cháy trên đầu,

Tỷ-kheo hãy chánh niệm,

Xuất gia bỏ ái dục.

(Thế Tôn):

Như kiếm đã chạm da,

Như lửa cháy trên đầu,

Tỷ-kheo hãy chánh niệm,

Xuất gia bỏ thân kiến

Vị Trời nói “Tỷ kheo phải chánh niệm, xuất gia bỏ ái dục”.

‘Kāmarāga’: ‘Dục ái’. Theo chú giải, Đức Phật thấy tâm tư vị này nên mới nói: Ngươi nói đúng rồi, nhưng sửa chữ Ái dục thành chữ Thân Kiến. Đúng ra không phải là “ái dục” mà là “dục ái”. Chữ “ái dục” rất có thể nghĩa bao trùm tất cả các tham ái cao, thấp, thô, tế. Chữ “dục ái” mà vị Trời này dùng nghĩa nghèo lắm, một trong ba ái thôi, thích trong 5 trần cảnh như mình bây giờ vậy đó (thích ăn ngon, thích nhìn ngắm cái đẹp…). Theo trong kinh, có nhiều cách đối phó với phiền não.

[20] 5 cách đối phó với phiền não:

1/ Tadaṅga: Đau đâu chữa đó, không tận gốc.

2/ Vikkhambhana: Trấn áp dài hạn bằng thiền định

3/ Samuccheda: Cắt đứt bằng thánh đạo

4/ Patippasaddhi: Sự lắng yên của thánh quả.

5/ Nissarana: Chỉ cho Niết bàn

‘Tadaṅga’ nghĩa là đối phó tạm thời, đau đâu chữa đó. Khi có tâm sân thì niệm từ tâm, khi có lòng tham muốn trong vị ngon thì niệm bất tịnh. Đang ăn ngon mà thấy tham quá rồi quán bất tịnh, thắc mắc cái gì đó thì mình hỏi han.

Khi Đức Phật nghe vị Trời đọc bài kệ đó với câu “xuất gia bỏ ái dục”, Ngài biết ý vị này muốn nói đến sự trấn áp dục ái bằng thiền định, Ngài đã sửa lại: Không, nếu mình sợ sanh tử thì mình không trấn áp sơ sơ như vậy được, cần phải làm gì đó tốt hơn. Tu thiền mà bớt dục ái thì không tới đâu hết, nên Ngài mới sửa lại là ‘thân kiến’.

Năm dục ái có thể đối phó bằng thiền định, riêng thân kiến chỉ có thể đối phó hữu hiệu bằng thánh trí Sơ đạo Tu-đà-hoàn. Thay vì trấn áp dục ái bằng thiền định thì phải dùng tối thiểu thánh trí để đối phó với thân kiến. Thân kiến quan trọng lắm, quan trọng đến mức toàn bộ dòng luân hồi này được vận hành, thúc đẩy, tác động, nuôi dưỡng, bằng sự sức mạnh của thân kiến. Thân kiến là cho rằng thân tâm này, danh sắc này, năm uẩn này là của tôi, là tôi. Để đối phó với thân kiến, chỉ có một cách thôi, đó là trí Sơ đạo, bởi vì Tu-đà-hoàn bỏ được 10 phiền não.

Thiền định là gì? Trong PG Nam Tông, chữ thiền không xài tùm lum thoải mái như PG Đại Thừa, nào là trà thiền, cắm hoa cũng thiền… Bên Nam Tông thì thiền rõ ràng lắm. Thiền thì có hai loại:

Thứ nhất là Thiền Chỉ, (ārammanupajjhāna) tức là tập trung vào một trong 40 đề mục để phát triển khả năng định tâm, tiếng Pāḷi gọi là Samatha. Thiền này dẫn đến 3 tác dụng:

(1) Nếu đắc tối thiểu từ sơ thiền trở lên và đến chết vẫn còn giữ được tâm thiền đó thì đương sự sẽ sinh về cõi Phạm thiên tương ứng (nghĩa là tầng thiền nào thì sanh vào cõi Phạm thiên ấy)

(2) Được hiện tại lạc trú. Người đắc thiền có thể nhập định trong nhiều ngày không cần ăn uống tiểu tiện, không biết đau nhức nóng lạnh là gì. Sung sướng ngay trước mắt. Không sợ nóng lạnh, tiếng ồn, ô nhiễm, hoàn toàn sung sướng an lạc.

(3) Sự định tâm này sẽ là nền tảng hỗ trợ cho trí tuệ quan sát nhận thức về bản chất của vạn hữu; có nghĩa là lúc này Thiền Chỉ (Samatha) sẽ hỗ trợ thiền quán Tứ Niệm Xứ.

Thứ hai là lakkhanùpanijjhāna, quan sát Tam tướng trong năm uẩn. Thế nào là quan sát Tam tướng trong năm uẩn? Thế giới này là một dòng chảy, mọi thứ do duyên mà có và cũng do duyên mà mất, cái sau kế tục cái trước, cứ liên tục như vậy. Cái A do nhân do duyên mà có mặt, và do nhân do duyên thích hợp mà biến mất để nhường chỗ cho B; cái B do nhân duyên mà có mặt, rồi do nhân duyên mà biến mất nhường chỗ cho cái C. Kể cả triết học Mác Lê cũng nhìn nhận trong phạm trù căn bản của duy vật biện chứng có phạm trù phủ nhận: cái sau muốn xuất hiện thì phải phủ nhận cái trước, cái sau xuất hiện thì cái trước mất đi. Tam tướng là như vậy đó, cái sau thừa kế cái trước, phủ nhận cái trước. Quan sát thế giới này phải quan sát như vậy mới từ bỏ được lòng tham, từ bỏ thương thích ghét sợ. Cái sự quan sát này là thiền quán Vipassana. Như tôi đã nói, “trấn áp dục ái bằng thiền định”thì phải biết thiền là gì. Thiền có hai loại: tập trung tư tưởng vào một đề mục nào đó, ví dụ đề mục đất. Niệm “đất, đất, đất, đất…,” niệm hoài đến khi nhắm mắt lại nhìn đâu cũng thấy đất, lúc đó mình có khả năng đi trên hư không. Nếu mình niệm đề mục nước, niệm hư không, niệm khoảng trống v.v… niệm đến một lúc nào đó vách tường hay vách núi mình đi xuyên qua được, niệm đề mục gió thì coi như mình có khả năng tạo ra gió, tạo ra bất cứ sự di động nào cũng được hết, khả năng đó được gọi là Thiền Chỉ. Riêng thiền Quán thì không chú trọng chuyện tập trung ghê gớm như vậy, nhưng với một người có tu tập thiền Chỉ ngon lành, chuyển qua thiền Quán quan sát nhìn ngắm, quán chiếu sự vô thường của danh sắc thì dễ hơn không biết bao nhiêu lần. Trong PG Nam Tông chỉ có hai loại thiền đó thôi, chứ không phải kiểu thiền chung chung chơi chơi, buồn đời cạo đầu rủ nhau làm thành nhóm rồi kiếm chỗ nào đó làm nhà tranh tre vách lá cuối tuần uống trà ngâm thơ thổi sáo gọi là sống thiền, lâu lâu lận thêm mớ đồ ăn uống cắm trại rồi nói thiền, cái đó không đúng. Thiền có nghĩa là buông hết. “Buông” không có nghĩa là vứt mà buông là lòng mình nguội lạnh, vẫn tắm rửa, mặc áo quần, đeo đồng hồ, nhưng mà là biết đủ. Chỉ cần và đủ mà thôi.

[21] 10 phiền não

Được gọi là phàm phu thì có 10 phiền não. Muốn là thánh, muốn chấm dứt luân hồi thì đi từng bước, từng bước được giải quyết như thế này: Có tất cả 4 tầng thánh, tầng thánh đầu tiên: Sơ đạo thì trừ được 3 thứ phiền não đầu tiên là thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ.

1. Thân kiến: là cho rằng thân và tâm này, cái phần hồn và xác này là tôi, là của tôi, ai mà đụng tới nó là đụng tới tôi, tổn thương tôi, là xúc phạm tôi,. đó gọi là thân kiến.

2. Hoài nghi: là hoang mang nghi hoặc không biết tôi là gì, bản chất của tôi ra làm sao, từ đâu tôi tới và tôi sẽ về đâu.

Hoang mang nghi hoặc nghĩa là sao thấy cuộc đời này vô nghĩa quá, không biết sống trên đời để làm gì, trước mắt phải làm gì, đi đâu về đâu, gặp ai… ‘Hoài nghi’ ở đây là phải liên hệ đến cái gì thân thiết cốt tủy, liên quan đến vấn đề sanh tử, chứ những hoài nghi kiểu như không biết tiền này thật hay tiền giả, đồ này là Nhật hay đồ China thì không thể kể là hoài nghi. Một vị thánh đi đến trước ngã ba vẫn hoang mang vậy. Khi nào hoài nghi những chuyện đời sống tâm linh của mình mới gọi là hoài nghi.

3. Giới cấm thủ: là sự chấp trì, ôm chặt những giáo điều, tín điều nằm ngoài Bát Chánh Đạo để hướng tới cứu cánh không phải là Niết-bàn.

4. Dục ái: là sự ham thích vui thú trong năm trần cảnh: sắc, thanh, khí, vị, xúc.

Chúng sanh trong đời này gồm 3 cấp: 1/ Chúng sanh cõi Dục còn thích trong năm trần, còn bất mãn này kia. 2/ Còn thích trong thiền Sắc Giới nhưng không còn bất mãn này kia. 3/ Chán luôn cả vật chất, chỉ thích thiền Vô Sắc thôi. Cấp thấp nhất thì còn thích trong năm cảnh dục. Dục ái thấp kém là vì người ta còn thưởng ngoạn thế giới qua năm giác quan vật chất. Một đứa bé còn thích chơi đồ chơi bằng đất sét, bằng nhựa, thích bánh kẹo, gấu bông, thích áo quần giày dép lòe loẹt, có kèn, có đèn v.v… khi lớn lên rồi mọi sự đơn giản hơn. Trong cảnh Dục của chúng ta, nếu thấy một người mù không có mắt, một người điếc không có lỗ tai, người nghẹt mũi không có khả năng ngửi hoặc lưỡi bị mất vị giác… chúng ta sẽ nghĩ đó là bất hạnh vì cho rằng còn thích cảnh trần mà không có điều kiện thưởng thức thì đó là gọi là bất hạnh, tật nguyền. Nhưng theo trong kinh, có những chúng sinh không màng, không cần nhìn ngó tới những món đó thì lại là chuyện khác, muốn mà không thưởng thức được lại là chuyện khác. Dục ái chính là sự vui thích trong 5 cảnh trần.

5. Sân: sự bất mãn trong bất cứ vấn đề gì trong hay ngoài cảnh Dục. Hễ còn thích cái này cái kia trong năm dục là mình còn có sự bất mãn. Vì sao? Vì cảnh dục luôn bất trắc, cảnh thiện thì không bất trắc, trước sau như một. Bên Tàu có câu thế này: “Quân tử tình như đạm thủy”. Tình cảm của người quân tử như nước lạnh vậy. Chai nước lã để tám tháng đem ra uống vẫn bình thường vì quá đơn giản, thành phần hóa chất trong đó không nhiều, trong khi chè cháo ngon thiệt nhưng để lâu không được, để tủ lạnh cũng chừng mực, tối đa là ba ngày. Nước lạnh nước lã nước suối để lâu được vì tính đơn giản. Cái gì càng đơn giản thì càng để lâu được. Tình cảm bạn bè cũng vậy, “cần lai thân dã sơ”,nồng nàn đắm đuối thương yêu chăm sóc nhau thường quá thế nào cũng nảy sinh ra vấn đề. Càng tới lui càng khắng khít, nhưng chỉ nên ở một mức độ nào nhất định chứ nếu đi sâu, đi sát, đi xa quá coi chừng sẽ mất nhau, bởi vì “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Đời mất vui khi đã vẹn câu thề. Thơ viết đừng xong thuyền trôi chớ đỗ. Cho ngàn sau lơ lửng với ngàn xưa[1] là chỗ đó. Chỉ có thánh nhân càng hiểu nhau càng thương yêu, càng quý kính nhau, phàm phu thì mỗi người một đống rác bọc trong người, ở lâu với nhau thì nó rò rỉ, xì ra hết làm sao mà chịu thấu. “Quân tử tình như đạm thủy”, lòng người quân tử như nước lạnh, đơn giản mà xài hoài, lâu lâu a lô khi cần, hỏi thăm nhau khỏe không chứ đừng đem mấy chuyện ông Tư bà Tám ra kể. Có người mà khi họ gọi, nhìn thấy số phone là tôi sợ muốn chết. Sẵn đây tôi trao quí vị một kinh nghiệm, ngày xưa tôi ghét ai tôi không giữ số phone của người đó, nhưng đó là sai lầm. Mình ghét ai mình phải giữ số phone của người đó để biết đường mình né chứ, phải lưu số phone của họ để nhận diện. Tu hành là gì, là khả năng nhận diện được đối phương. Tứ Niệm Xứ là gì, là nhận diện đối phương. Có câu nói đùa nhưng khá là hay: “Vợ là địch bồ là ta, chiến sự đổ ra ta về với địch; nằm trong lòng địch vẫn nhớ về ta”. Câu này hay ở chỗ là luôn nhận diện địch và ta. Có những người – họ không khổ mới lạ – đầu óc họ chứa từng những chuyện ruồi bu, kiến đậu, ăn rồi cứ trách người này người kia, đi chùa cứ kể chuyện này chuyện nọ. Nghe tiếng phone họ là tôi rầu, họ nói toàn chuyện buồn, tào lao không. Tôi nói chuyện với họ có 3 phút nhưng họ kể lắm chuyện. Sống hãy bỏ những chuyện không cần thiết. Xin cứ xem cuộc đời như khúc hát, đoạn nào buồn xin bỏ bớt cho vui. Trong tủ mình phải bỏ bớt những tào lao thiên tướng thì mới có chỗ đi shopping. Cái gì cũng nhét vô thì chỗ đâu mà đựng đồ đàng hoàng? Khi mình thích thú những cái không ra gì thì mình sẽ nhiều bất mãn, vì sao, vì những thứ này là rác, mà rác thì sẽ bốc mùi. Hễ bốc mùi thì phải khó chịu, rác thì bất trắc, khó lường, không tin cậy được. Nước lạnh nước lã, đất cát đá sỏi, có thể tin tưởng được, có để lâu năm dài tháng rộng vẫn không có vấn đề gì. Cho nên, dục ái – niềm đam mê thích thú, hào hứng, phấn khởi, tha thiết trong năm trần cảnh – rất là trẻ con. Sân – sự bất mãn – cũng là thứ cảm giác rất là trẻ con. Còn hờn giận là còn trẻ con, chưa có chín chắn trưởng thành, chuẩn mực. Những người có giáo dục, có văn hóa, họ ít bất mãn hơn những người thiếu hàm dưỡng. Dân Thụy Sĩ, dân Bắc Âu, những lời nói của họ nghe mát mẻ lắm. Đường hướng giáo dục của VN mình khác người ta, không nặng hàm dưỡng tinh thần cho người trẻ mà khởi đầu là từ trẻ con, không dạy cho chúng khả năng kiên nhẫn, khả năng sống vị tha, khả năng chịu đựng, nên khi vào đời chúng không kham nhẫn được, thiếu sự kiên nhẫn thì trở nên dễ bực dọc. Hàm dưỡng nghĩa là tu tâm dưỡng tánh. Người thiếu hàm dưỡng thì thích tùm lum nên dễ bất mãn, người có hàm dưỡng thì cái thích của họ đơn giản nên cái ghét bực của họ cũng đơn giản. Dân xứ này dễ thương lắm, đồ đạc họ xài rất kỹ, cái nồi cơm điện hay máy pha cà phê, họ giữ gìn chùi rửa cẩn thận lắm, với mục đích là để người sau mình dễ dàng sử dụng, không bị khó chịu. Đó là một tinh thần mà tôi quá sức quý. Họ có thể cho mình một chiếc xe hơi cũ, nhưng trước khi họ cho mình họ cứ gìn giữ chăm sóc. Có câu chuyện này rất đẹp, cô gái thấy một đóa hoa đẹp ngay bên mé vực thẳm, cô nói với người yêu: Anh hái cho em đi. Anh chàng nhìn thấy chỗ đó mà xuống hái thì như “tráng sĩ một đi không trở về” nên trả lời: Chỗ đó anh thấy nguy hiểm, thôi để về phố anh mua cho em hai chục cái hoa. Đàn bà mà, đòi không được nên giận. Tối hôm đó nàng xách gối ra ngoài ghế sofa nằm, ăn tối thì phần ai nấy dọn, ăn sáng phần ai nấy lo. Hai ngày trôi qua như vậy, cô thấy trên bàn có phần điểm tâm dọn sẵn ghi mấy chữ: Hôm đó lẽ ra anh có thể hái hoa cho em, nhưng nếu có bề gì tay anh trầy xước, thì còn cánh tay nào có thể hái hoa cho em vào những dịp khác. Nếu hôm đó chân anh có bề gì, thì còn chân nào cõng em đi khắp quãng đường đời còn lại. Nếu chỉ vì cái hoa nhỏ mà tính mạng anh có bề gì thì làm sao có ai tặng cho em ngàn đóa hoa, đi cùng em suốt quãng đời còn lại, đó là lý do vì sao anh không hái hoa hôm đó. Anh nói để em hiểu, đến bây giờ em vẫn một mực ngoan cố kiên trì như vậy thì thôi. Đọc lá thư này nếu thấy anh nói đúng thì mở cửa ra. Tôi đọc đến đó tôi chảy nước mắt. Cô gái mở cửa và thấy anh ta ôm bó hoa đứng trước cửa. Trong đời sống mình cũng vậy, có nhiều khi mình đòi hỏi đối phương nhiều quá mà không nghĩ rằng còn có nhiều thứ khác hay hơn nữa. Nếu mình đòi hỏi nhiều quá thì mình quên đi những thứ hay khác. Người có hàm dưỡng thì biết kiên nhẫn, biết độ lượng, suy nghĩ. Người không có hàm dưỡng thì không có khả năng này đâu. Phạm Thiên là người sống ít rắc rối, có nhiều thời gian để suy tư, do đó họ yêu thương cuộc đời này nhiều hơn. Trong kinh nói Phạm Thiên là biểu tượng của từ bi là vậy đó, phần họ không có nhiều lắm, cho nên họ dành nhiều thì giờ cho người khác. Khi họ không còn nhiều thành kiến, ác cảm thì họ an lạc, khi đó họ nhìn người khác thấy dễ thương hơn. Tu tập là bỏ bớt những gì không cần thiết, những cái còn lại toàn là những cái cần thiết. Bỏ thành kiến thì còn lại cái thông cảm, thấu suốt. Bỏ ác cảm thì còn lại sự chia sẻ, yêu thương.

Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ là gốc của phiền não, luân hồi. Dục ái và sân là điểm của người thích trong năm dục.

6. Sắc ái: là thích trong tầng thiền sắc, thích sanh về cõi sắc.

7. Vô sắc ái: là thích an lạc trong thiền vô sắc, thích lìa bỏ.

8. Ngã mạn: là sự so sánh hơn – bằng – thua, tôi thua người ta, tôi hơn người ta, tôi bằng người ta, có lúc so sánh đúng, có lúc so sánh sai.

9. Phóng dật: là tâm không an trụ vào một điểm, luôn lăng xăng.

10. Vô minh: nghĩa là không biết rõ Bốn Đế, cái gì nên cái gì không nên, không biết thiện ác phải quấy.

Trong câu kệ của vị Trời này có đề cập Trong câu kệ của vị Trời này có đề cập phiền não. Vị Trời nhắc mình muốn tu hành tới nơi thì phải có thiền định để trấn áp năm triền cái, dục ái. Đức Phật thấy vị này nói đúng theo trình độ vị ấy, nhưng muốn nâng cao trình độ của vị ấy và muốn đại chúng đời sau kiếp khác biết bài kệ này nên sửa lại cho chuẩn hơn. Sự lìa bỏ, trấn áp dục ái bằng thiền định cũng chưa tới đâu, rất là tạm thời, ngắn hạn, mà phải là sự lìa bỏ thân kiến, tối thiểu Sơ đạo mới chắc ăn. Bài kệ này gợi ý nhiều điều: Lìa bỏ dục ái mà vướng những sắc, vô sắc thì chỉ lìa bỏ nhất thời. Cái gốc của luân hồi đó chính là thân kiến – sự chấp ngã trong năm uẩn. Sau cùng Ngài nhắn gởi một chuyện mà mình rất khó ngờ: bất cứ vấn đề gì, phải tới nơi tới chốn, chứ còn tơ lơ mơ là xài không được. Tại sao Ngài không nói xa hơn về thân kiến? Vì cái sức của vị Trời này chỉ tới đó. Một người đã giải quyết xong cái thân kiến thì quãng đường còn lại tuyệt đối không thành vấn đề. Nước còn trên trời, còn trên mây thì mình không biết nó rơi về đâu, nó rơi trên mái nhà thì mình cũng biết nó đi về đâu rồi nhưng mình chưa chắc lắm vì nó có thể đổ về phía này, phía kia nhưng một khi đã đi tới máng xối rồi thì biết rõ con đường chắc chắn về đâu. Có ai biết máng xối là gì không? Máng xối là…máng xối, càng diễn tả càng hiểu lầm. Chân lý thì hạn chế ngôn ngữ. Chân lý diễn dịch sai thì càng rối. Có ông kia đi Ý mà không biết tiếng Ý, muốn ăn món nấm. Ý có những món ăn từ nấm rất ngon. Ông ta ra hiệu thằng bồi mang tờ giấy cây viết đến, ông vẽ cây nấm, một lát sau thằng bồi xách ra cây dù. Đã không biết ngoại ngữ mà còn vẽ xấu nữa. Xin hẹn bà con ngày mai. Nhớ học thuộc định nghĩa của 10 phiền não, quí vị mà quên cái này sẽ khổ dài dài suốt cuộc đời luôn, mình tu để trừ phiền não mà không biết nó là cái gì thì làm sao mà trừ.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app