Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 3: Tương Ưng Giới

NĂM HỌC GIỚI (tt)

Ôn lại bài cũ, Đức Phật dạy, chúng sinh loại nào đi theo loại đó. Loại người nào tìm loại người đó để chơi, thông thường là vậy. Có vui thì người ta mới đi kiếm chỗ chơi. Người thích đàn ca hát xướng, ăn uống, câu cá săn bắn, ngồi lê đôi mách có khuynh hướng tìm đến nhau. Đặc biệt là những người nhiều chuyện, bản thân họ biết những điều đó là do mình bịa ra, và đối phương cũng là dân nhiều chuyện như mình, chuyện bé xé ra to, nhưng chính người nhiều chuyện là người thường bị cuốn hút bởi chuyện tào lao của thiên hạ. Mình thường hay nói dối, lẽ ra mình phải cảnh giác đề phòng chứ, vậy mà khi người khác gạt mình vẫn tin như thường. Chính mình biết đó là người xấu người ác, chỉ cần mình sa cơ là họ xuống tay không thương tiếc, nhưng làm gì làm chưa gặp chuyện là cứ xáp vô chơi. “Cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Có trường hợp, người ta chỉ cần giống người mình thích là mình đã khoái. Vì vậy, hãy cẩn thận lựa bạn mà chơi.

Trở lại một chút bài Năm Học Giới, ngài Minh Châu dịch là ‘Năm Học Pháp’ nghe rất lạ. Dịch là Ngũ giới cũng không sai.

Để gọi là sát sanh thì phải đòi hỏi 5 yếu tố: Trước hết, đó phải là chúng sinh, biết đó là chúng sinh, có tâm sát hại, sự nỗ lực, động vật đó bị chết do sự nỗ lực của mình.

Sự nỗ lực có thể bằng nhiều cách, ví dụ di ngón tay, chế nước sôi, bật quẹt cho mấy con kiến chết. Nếu nhìn hột mè mà tưởng là con kiến thì không phải là sát sanh, sát sanh là biết rõ đây là con kiến. Năm điều này có thể xem trong cuốn Kinh Nhật Hành của HT Hộ Tông. Ở đây tôi chỉ kể những chuyện mà trong đó không nói.

Theo Chú giải, sát sanh là chuyện phải tránh vì chính mỗi người đều sợ người khác tấn công, sao lại tấn công người khác. Không ai muốn đau đớn chết chóc, sao lại làm cho người khác phải đau đớn chết chóc. Có người làm khó hỏi tôi, nếu như nhà nhiều chuột nhiều gián, nếu không giết thì phải làm sao. Trong số người hỏi này có người thật lòng, có người thì làm khó. Để trả lời câu hỏi đó, hoặc như câu hỏi, đạo Phật là đạo từ bi, nhưng có ai muốn làm hại mình thì sao, tôi chỉ có một câu trả lời chung, đó là có tới trăm ngàn trường hợp làm sao có thể tìm ra một hướng giải quyết cho tất cả tình huống được. Câu trả lời duy nhất là: Anh hãy tự hỏi lòng anh đi, anh có muốn sát sanh hay không, anh có tham của người hay không, anh có lòng hại người hay không? Nếu anh trả lời thật lòng không muốn, thì ở mỗi hoàn cảnh sẽ có lối thoát. Ví dụ nếu biết đó là những con kiến, con chuột, con gián, giết nó mình sẽ bị cái gì đó, không nói đến nghiệp báo xa xôi, chỉ cần biết giết con kiến xong mình mất ngủ hai đêm, giết con chuột xong mình nổi dị ứng một tuần, giết con gián xong thì mụn đầy mặt v.v…, nếu giết xong quả báo nhãn tiền như vậy thì tự nhiên mình sẽ tìm ra lối thoát ngay. Còn đây là lòng mình thật ra không tha thiết lắm trong chuyện từ bi, thương chúng sanh. Khi mình thương con mình, con mình đưa mình vào biết bao nhiêu hoàn cảnh khó xử mình đã giải quyết ra sao? Rất là ngoạn mục! Bởi vì mình thương con. Vì vậy trong những hoàn cảnh thế này mình cũng có cách lách rất linh động, hãy hỏi lòng mình, mình có thật sự muốn giữ giới hay không, nếu muốn thì ở mỗi hoàn cảnh mình sẽ tìm ra cách giải quyết tốt nhất.

Năm yếu tố cấu thành tội sát sanh:

Pañca sambhārā honti – pāṇo, pāṇasaññitā, vadhakacittaṃ, upakkamo, tena maraṇant (1.Đối tượng là chúng sinh. 2.Mình biết đó là chúng sinh. 3.Có tâm cố sát. 4.Ra sức giết. 5.Đối tượng bị chết dưới tay mình)

Quí vị chịu khó đi, quí vị nào ghét Pāḷi cũng chịu khó, đây là cơ hội để mình học bản gốc. Dùng điện thoại nói dóc thì được, mà học cái khó thì nói mình không có thời gian. Vừa rồi tôi đi Anh, giữa thành phố Luân Đôn hoa lệ vậy mà mỗi ngày vẫn có những Phật tử Miến Điện đến chùa cúng dường thức ăn. Giàu có, nghèo có, bữa ăn sơ sài nhưng cách của họ đẹp lắm. Họ tác bạch bằng tiếng Miến Điện. Tất cả những người trong nhóm đều đứng chạm tay vào bàn để dâng chư tăng, dầu các sư nói tiếng gì với họ trong đó toàn là thuật ngữ Pāḷi. Tôi rất hoan hỉ và nhớ đến bà con VN mà chạnh lòng. Tuy trong ngôn ngữ của họ có tiếng Pāḷi sẵn, nhưng không phải vay mượn Pāḷi nhiều như vậy. Ông sư nói chuyện với Phật tử xài từ Pāḷi nhiều như là thầy Bắc tông giảng cho Phật tử VN xài từ Hán Việt. Các sư Thái Lan, Tích Lan hay Miến Điện nói chuyện với Phật tử, tiếng gì không cần biết nhưng xài từ Pāḷi rất nhiều vì đệ tử của họ được học. Nếu quí vị cứ sợ những chữ này, mai này đi qua các thiền viện Thái Lan, Miến Điện sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội, thí dụ mình đi trình pháp chẳng hạn, ông thầy phần lớn vẫn xài chữ sati, sampajāna, uddhaccakukkucca, thay vì niệm, tỉnh giác, trạo hối.

Tiếng Đức có chữ rất kỳ: ‘anhaften’; có chỗ người ta dùng để dịch chữ ‘taṇhā’ (khát ái), có chỗ dùng để dịch chữ ‘upadana’ (thủ) trong Duyên khởi. Đây là lý do tại sao chúng ta phải học Pāḷi.

Năm yếu tố cấu thành tội trộm cướp:

Pañca sambhārā honti – parapariggahitaṃ, parapariggahitasaññitā, theyyacittaṃ, upakkamo, tena haraṇant (1.Đó là vật của người khác. 2.Mình biết rõ điều đó. 3.Có tâm sang đoạt. 4.Ra sức chiếm hữu. 5.Đã lấy được.)

Bốn yếu tố cấu thành tội tà dâm:

Cattāro sambhārā – agamanīyavatthu, tasmiṃ sevanacittaṃ, sevanappayogo, maggenamaggapaṭipattiadhivāsananti. (1.Đối tượng cấm kỵ. 2.Mình có lòng ham muốn gần gũi. 3.Ra sức. 4.Đã thực hiện xong)

Đối tượng cấm kỵ ở đây là người được gia đình, thân nhân, kẻ giám hộ, luật pháp bảo vệ. Ví dụ ở gần cô nhi viện, trong đó có một cô bé dễ thương, nếu tìm cách chiếm hữu cô bé vẫn gọi là tội tà dâm, vì cô là người được giám hộ. Chỉ có một đối tượng ok là trên 18 tuổi, có ý thức tự vệ rõ ràng và xã hội không lên án. Có những nơi người trên 18 tuổi có quyền tự quyết. Nếu đối tượng đó bị mất trí, hôn mê, say rượu cũng không được. Bên Vân Nam, Trung Quốc, có những dân tộc có tập tục lạ, phụ nữ ra đường gặp đàn ông mình thích thì đến bắt chuyện rồi lấy ngón tay cào vào lòng bàn tay đàn ông, để lại địa chỉ. Tối đó người đàn ông tìm đến nhà cô ta theo lối cửa sổ. Và hôm sau khi rời nhà cô ta thì ân đoạn nghĩa tuyệt như chưa từng quen biết. Giới tà dâm ở chỗ này không giống chỗ kia, ở chỗ A cho là phạm nhưng ở chỗ B thì không. Nhưng nói chung, theo lời Đức Phật, thì chúng ta hạn chế tối đa giao du với người khác phái ngoại trừ người hôn phối hợp pháp với mình.

Bốn yếu tố cấu thành tội nói dối:

Cattāro sambhārā honti – atathaṃ vatthu, visaṃvādanacittaṃ, tajjo vāyāmo, parassa tadatthavijānanant (1.Chuyện không thật. 2.Có lòng khuynh đảo thị phi. 3.Tìm cách thuyết phục đối tượng. 4.Người ta chấp nhận lời mình)

Trong trường hợp nào giới SÁT SANH được gọi là tội nặng, trường hợp nào được gọi là tội nhẹ?

So guṇavirahitesu tiracchānagatādīsu pāṇesu khuddake pāṇe appasāvajjo, mahāsarīre mahāsāvajjo. Kasmā? Payogamahantatāya, payogasamattepi vatthumahantatāya. Guṇavantesu manussādīsu appaguṇe appasāvajjo, mahāguṇe mahāsāvajjo. Sarīraguṇānaṃ pana samabhāve sati kilesānaṃ upakkamānañca mudutāya appasāvajjo, tibbatāya mahāsāvajjot

Đối tượng bị giết không có đức độ, thân xác nhỏ bé thì tội ít, ngược lại thì tội nhiều.

Khi giết một con người, con voi thì phải ra sức nhiều, phải có cố ý dàn dựng sắp xếp, tổ chức có hệ thống, còn giết con kiến, con ruồi thì đơn giản, không phải ra sức. Đối tượng bị giết càng đức độ thì tội càng lớn, đối tượng to xác, thì tội nhiều hơn. Tâm lúc ra tay mà ý sát mạnh hơn thì tội cũng nhiều hơn. Ví dụ thấy người ta bị đau tim lên cơn té xuống mà chai thuốc lăn ra, thay vì mình lượm chai thuốc cho người ta mình đứng ngó xem người ta làm gì, hoặc lấy chân đá chai thuốc cho lăn ra xa mất tiêu. Một đằng mình ngó không ra tay, một đằng mình ra sức đá chai thuốc sang một bên, phải bằng một phiền não mãnh liệt (tibbakilesa) mới làm được chuyện đó. Chuyện mình đá hộp thuốc là mình đã cướp đi hy vọng sau cùng của người ta rồi, đây là ác dữ!

Trong trường hợp nào giới TRỘM CƯỚP được gọi là tội nặng, trường hợp nào được gọi là tội nhẹ?

Taṃ hīne parasantake appasāvajjaṃ, paṇīte mahāsāvajjaṃ. Kasmā? Vatthupaṇītatāya. Vatthusamatte sati guṇādhikānaṃ santake vatthusmiṃ mahāsāvajjaṃ, taṃ taṃ guṇādhikaṃ upādāya tato tato hīnaguṇassa santake vatthusmiṃ appasāvajjaṃ.

Vật có giá trị sẽ tội nhiều hơn, lấy của người đức độ tội nhiều hơn. Từ đó suy ra, lấy của tập thể tội nhiều hơn của cá nhân. Như cúng dường tập thể Tăng thì công đức cúng dường lớn hơn cá nhân, vì trong đó hạng nào cũng có. Lấy vật giá trị tội nhiều hơn cũng là do phiền não mãnh liệt (tibbakilesa). Lấy trộm viên kim cương thì cái lòng muốn lấy phải mãnh liệt hơn lấy củ khoai củ sắn. Cúng dường trai tăng cho đông đảo chư tăng vô phân biệt thí thì công đức lớn hơn vì trong đó đủ hạng người, có vị sẽ thành Phật Chánh Đẳng Giác, có vị sẽ thành Độc Giác, thành Chí thượng Thanh văn, có vị đã là Tu-đà-hoàn, có vị sửa soạn thành A-na-hàm, có vị đang là A-la-hán, có vị có đại nguyện, có vị có tiểu nguyện. Vì vậy, nói tới đám đông thì phước cũng nhiều hơn và tội cũng nhiều hơn nếu mình có hành động nào nhắm tới tập thể đó.

Trong kinh Cúng Dường Phân Biệt, Trung Bộ Kinh có câu: Trong kinh Cúng Dường Phân Biệt, Trung Bộ Kinh có câu: “sangghe dinne amhepi dinnam”: Khi tăng chúng được cúng dường cũng là lúc Ta được cúng dường. Vì sao vậy? Vì trong tập thể Tăng ấy hạng nào cũng có, và khi nhìn vào tập thể Tăng không ai có thể không nghĩ đến Phật. Nhìn một tập thể Tăng trùng trùng điệp điệp mà không nghĩ đến Đức Phật thì không thể nào làm được, giống như nhìn vô rừng mà không thấy lá nhìn mặt biển mà không thấy nước.

Phước tội nào mà nhắm đến tập thể thì quả báo cũng lớn hơn nhắm vào cá nhân.

Nếu bà con ở chỗ không có tăng ni thì thỉnh thoảng mời bà con bạn đạo đến nhà ăn bữa cơm thì đó cũng là sự cúng dường cho tập thể. Nếu tụ tập uống bia hát karaoke thì không phải, còn nếu tập trung lại hành thiền, lễ Phật, tụng kinh v.v… thì cũng gọi là cúng dường.

Trong trường hợp nào giới TÀ DÂM được gọi là tội nặng, trường hợp nào được gọi là tội nhẹ?

Giới tà dâm cũng giống vậy, cá nhân đó là người có đức độ mà mình ra sức quyến rũ, rù quến để người ta có phút xao lòng, đốn củi ba năm đốt một giờ với mình thì gọi là tội nặng. Còn đối tượng đó vốn lẳng lơ trắc nết lăng loàn thì tội nhẹ một chút.

So panesa micchācāro sīlādiguṇarahite agamanīyaṭṭhāne appasāvajjo, sīlādiguṇasampanne mahāsāvajjo.

Đối tượng mình xâm phạm không có đức độ thì tội nhẹ, ngược lại thì tội nặng. Có người nói rằng, hạng người mà đã gật đầu với người lạ thì đâu có gọi là đức độ. Nói vậy thì chung chung. Ví dụ trước khi xảy ra chuyện đáng tiếc, người A là người tu hành tinh tấn, nết na đoan trang thùy mị, hoặc là một người chung thủy vợ con, cẩn thận giới luật, nhằm ngay lúc nhất thời nào đó mà nhẹ dạ mềm lòng xuôi tay, còn người B kia thì một năm 365 ngày quanh năm đi kiếm tình mới, sẵn sàng ngã vào vòng tay kẻ lạ thì có lỡ xâm phạm với người B này tội sẽ nhẹ hơn với người A. Luật nhân quả không giống như pháp luật xã hội, không phải dựa vào có quá trình tốt hay mới phạm lần đầu mà châm chế. Muối luôn mặn, đường luôn ngọt dù nằm ở đâu. Một bất thiện mình tạo ra dù mình thiện cỡ nào đi nữa thì bất thiện vẫn là bất thiện. Có điều, dụ khị rù quến một người xưa nay trong sạch thì tội nặng hơn kẻ quen thói ong bướm suốt mùa thu cách mạng. Nếu lỡ rồi, muốn bớt ăn năn, đi điều tra lý lịch người ta thấy “vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề” thì mình yên tâm ngủ ngon.

Tốt nhất đừng có làm bậy. Giới sát sanh không chỉ gây ra nghiệp yểu thọ bệnh tật cho đời sau mà còn gây ra vô số quả xấu nữa. Ngoài chuyện yểu thọ, chết oan, chết thê thảm, còn bị những cái khác như bệnh tật triền miên từ nhỏ đến già, và sống trong cảnh sanh ly tử biệt suốt đời. Có những đứa bé vừa lọt lòng mẹ mà cha mẹ phải chia tay rồi, có đứa bị cha mẹ đem gởi ở nhà cô dì, chú bác hoặc bạn bè của cha mẹ, bị đối xử ghẻ lạnh, tàn tệ, lớn lên phải sống trong cảnh chén cơm chan nước mắt, trong niềm nhung nhớ người thân mà không được ở gần. Khi giết một con rắn, con cua, con chuột chúng ta đã để lại bao nhiêu giọt lệ biệt ly. Khi bắn chết con chim mẹ mình đâu biết đêm nay chim con ở tổ tụi nó lạnh biết chừng nào khi không có mẹ ủ ấm, ngày mai ai tìm thức ăn cho tụi nó. Đàng sau nhà tôi bên Mỹ có cây kiểng, bữa đó tôi dọn cây thấy có tổ chim tôi phải ngưng lại vì sợ có mùi tay người chim mẹ không dám về thì chim con sẽ bị đói lạnh.

Do quả sát sinh khiến ta tìm vào những chỗ yểu thọ mà góp mặt. Người cha người mẹ cũng có nghiệp yểu thọ nên người con mang nghiệp sát sanh mới tìm sanh vào đó để bị mồ côi. Chỉ kiếm nơi nào hưởng dương mà chui vô chớ không phải là hưởng thọ. Không phải người mang nghiệp sát sanh đi vào gia đình nào là người ta chết yểu tới đó mà do nghiệp chuyển họ tìm đến đó, tìm vào nhà có gene chết yểu. Theo Phật pháp, gene có hai: tâm lý và sinh lý. Khoái tự tử, khoái trác táng là gene tâm lý; bệnh di truyền là gene sinh lý. VN có câu hơi kỳ: “mua heo lựa nái, cưới gái lựa dòng”. Nhìn con heo mẹ ok thì con heo con mới tốt. Bên Anh có con ngựa mỗi lần nó cho giống là 50 ngàn bảng, bởi nó là con ngựa lớn nhất thế giới. Thường người mẹ có vấn đề về hôn nhân và tình cảm thì đứa con gái ít nhiều có gene đó. Tôi không có gia đình nhưng chuyện này tôi tin, hoàn cảnh bối cảnh hôn nhân của cha mẹ thường có ảnh hưởng rất lớn đối với con cái, tuy không tuyệt đối. Có người không đồng ý điều này, nhưng thường là như vậy, bố mẹ nghiện ngập bài bạc thì đứa con cũng rất có thể như vậy, bố mẹ có vấn đề về hôn nhân thì đứa con cũng rất có thể gặp rắc rối trong tình cảm.

Chúng sanh loại nào đi tìm loại đó mà chơi. Có hai cách đến với nhau: Chơi với nhau và sanh vào làm thân nhân.

Chơi với nhau cũng có hai cách: gần và xa. Như ta có thể yêu thích cuốn sách hay bộ phim của một tác giả ngoại quốc đã chết từ rất lâu. Tác giả ngoại quốc thì cách xa chúng ta về không gian, và chết từ rất lâu nghĩa là cách xa chúng ta về thời gian.

Nếu ta yêu kính Đức Phật được cũng có nghĩa là ta có điểm nào đó giống Ngài. Dĩ nhiên là có điểm nào đó thôi chớ không phải là được giống trọn vẹn đâu. Chúng ta cách Ngài về không gian Ấn Độ -VN, và thời gian thì cách nhau hai mươi lăm thế kỷ, biết gì đâu mà thương. Chúng ta biết Ngài qua những trang kinh, qua lời dạy của tăng ni, của bè bạn, rồi ta thỉnh bức tranh tượng của Ngài về treo, rõ ràng ta cũng có giống Ngài ở điểm nào đó ta mới thương chứ. Người có khuynh hướng như thế nào thì sẽ tìm đến đối tượng tương ứng như thế đó.

Kẻ phạm giới trộm cắp thì đời sau sanh ra thường xuyên bị nghèo, bị mất mát, thường xuyên bị người khác ghét bỏ, thân tướng không đẹp. Vì làm cho người ta bị khổ, bị mất mát, bị thiếu thốn nên đời sau thân tướng cũng sẽ bị khiếm khuyết.

Phạm giới tà dâm thì đời sau không có được hôn nhân như ý, thường xuyên bị ghét bỏ, bị ghẻ lạnh. Có vị tỷ kheo ni thời Đức Phật, xuất thân là tiểu thư con nhà trâm anh khuê các, đẹp lộng lẫy giàu có muôn hộ. Nhưng bao nhiêu công tử tới nhìn mặt là ra đi không hẹn ngày trở lại. Cha cô quyết định gả không cần sính lễ cũng không ai lấy. Có một cậu công tử cũng đến, nhưng vài bữa thì bỏ của chạy lấy người. Cha cô cuối cùng tuyên bố, sáng mai ai tới trước ông gả không đứa con gái xinh đẹp cho người đó. Sáng hôm đó gã ăn mày tới sớm nhất, và cha cô gả luôn. Gã ăn mày được tắm rửa sạch sẽ phục sức sang trọng bảnh bao mày râu nhẵn nhụi. Vậy mà vài bữa sau thằng rể ăn mày lui cui tìm trong nhà kho cái nồi đất và cây gậy cũ để tiếp tục đi ăn mày. Bố vợ hỏi lý do, có phải con gái của ông không đủ đức hạnh, nhan sắc. Rể ăn mày trả lời: Dạ không, vợ con hoàn hảo, nhan sắc đức hạnh trên cả tuyệt vời, thắp đuốc trên đời này cũng không tìm được người như vậy, nhưng không hiểu sao nhìn mặt vợ là thấy lạnh người. Tổng cộng trong đời cô tiểu thư ấy đến mấy đời chồng, buồn quá cô không muốn sống nữa, lúc ấy lại gặp những người đi chùa, cô tháp tùng theo và xuất gia, chứng quả A-la-hán. Sau khi chứng quả, nhớ lại thì ra cách đây 14 kiếp trước, cô là một công tử hào hoa phong nhã, được quí bà quí cô mến mộ, một gã phong tình sớm đào tối mận suốt mùa thu. Chết rồi bị đọa địa ngục, khi trở lên bị nghiệp không làm nữ thì bị thiến, không bị thiến thì cũng không được làm đàn ông đích thực, thân tướng luôn có vấn đề. Dính tới hôn nhân là tan nát gãy đổ vì quả của tà dâm, không phải chỉ riêng người khác phái ghét mà đồng phái cũng không ưa.

Phạm giới nói dối thì đời sau sanh ra không ai tin. Theo chú giải, do nghiệp vọng ngữ sẽ bị tình trạng dư hay thiếu ở thân tướng ngoại hình.

 

Trong room có câu hỏi “nhờ vào nhân nào mà đắc được A-la-hán?” Tất cả thánh nhân đều có hành trình giống nhau là sợ khổ sinh tử, làm thiện rồi phát nguyện giải thoát. Phải có sợ khổ sanh tử. Có nhiều người Phật tử không được hướng dẫn kỹ, thấy chồng, vợ mình tệ quá, con mình tệ quá, ba má đối xử với mình kỳ quá, công ăn việc làm bất như ý, buồn chán rồi đi vô chùa làm phước. Những điều đó không tính là Ba-la-mật mà phải là sợ sanh tử. Sợ sanh tử là sợ cái gì? Chính câu trả lời của câu hỏi này là một trong những nguyên nhân mà tôi đã lập nên room Vietheravada này. Rất nhiều người miệng nói là cầu giải thoát nhưng thật sự họ không sợ sanh tử, vì nếu họ biết rằng có những cảnh giới sống hàng tỷ năm, muốn gì có nấy, đi đứng chỉ muốn là đi, không chầu chực xe cộ, không nắng gió mưa sương, liệu họ có muốn Niết bàn, muốn chấm dứt sinh tử hay không. Tôi nghĩ rằng rất là hiếm. Người sợ sinh tử là người thật sự ngán ngẩm, thấy rằng có sung sướng đến mấy rồi cũng đến lúc phủi tay. Chuyện sa đọa đau khổ thì khỏi nói, nghe đã lạnh người rồi. Giờ này người ta đang ngủ ngon, những con thú như heo, bò, gà bị lùa vào lò sát sinh chờ làm thịt để người ta mang ra chợ cho tươi. Cơ hội làm người giống như con rùa mù dưới biển, một trăm năm mới trồi đầu lên một lần, bằng cơ may hãn hữu tình cờ chui vào lỗ của một tấm ván đang trôi bềnh bồng trên mặt biển từ bờ Đông sang bờ Tây, từ bờ Nam sang bờ Bắc. Cơ hội khả thể cho con rùa chui đầu vào lỗ ván đó hiếm vô cùng. Được làm người đã khó mà sống trong điều kiện như thế nào cũng là vấn đề khác. Theo tiêu chuẩn thế giới, làm người phải có điều kiện giáo dục, y tế, đi lại, truyền thông. Có điều kiện giáo dục nghĩa là có khả năng học đại học hay không. Xứ sở nào, xã hội nào mà người dân không có khả năng đi vào đại học dù dở dang thì xứ sở đó có vấn đề. Về y tế, đau răng mà mổ xẻ có khả năng hay không? Về chuyện đi lại, tôi nhớ ngày xưa VN có thời kỳ rất dài, từ Sài Gòn về Vĩnh Long tôi phải sắp hàng lúc 3 giờ sáng để lấy vé, quãng đường 136km mà đi tới ba giờ chiều mới tới. Về truyền thông, ở một xứ sở mà người dân không có điều kiện tiếp xúc với báo chí sách vở truyền hình truyền thanh thì họ làm sao có kỹ năng sống. Chiều hôm qua tôi đọc bài báo mà thương thì ít giận thì nhiều, dân mình cứ bị Tàu gạt hoài. Tụi Tàu hứa mua cái móng trâu, dân mình chặt bán, chặt xong nó nói đổi ý không mua nữa; rồi tụi nó nói mua măng cụt non, dân mình hái hết trái còn non rồi nó không mua nữa. Do không có phương tiện truyền thông nên không có phương tiện tiếp cận truyền thông trong nước, trong khu vực và cả thế giới. Được mang thân người không phải dễ, mà có những điều kiện tiêu chuẩn trên càng không dễ nữa. Có những người cũng là người VN mà họ coi chuyện đi vacation dễ ẹt, họ than không có thời gian, còn có người thì chuyện lên máy bay ngồi cho ấm chỗ rồi đi xuống cũng không dễ. Vì thấy chỗ này nên người ta mới sợ sanh tử, sợ sanh tử vì hạnh phúc nào cũng là mong manh. Phân tích rốt ráo, hạnh phúc chỉ là giải pháp đối phó đau khổ. There is no any happiness, but solutions (không có hạnh phúc chỉ có giải pháp). Đói quá ăn thấy ngon, thấy hạnh phúc, lạnh quá được mặc ấm, thấy hạnh phúc. Thật sự không có hạnh phúc, chỉ có giải pháp thôi. Nhớ nhau đến chảy nước mắt thì gặp nhau mới mừng ra nước mắt. Gặp nhau mà không ấn tượng gì thì xa nhau không nhớ, xa nhau không nhớ thì gặp nhau đâu có mừng, cái gì càng ao ước càng tha thiết, càng da diết thì khi có được mới sung sướng. Hạnh phúc chỉ là giải pháp. Tuy nhiên, trong A-tỳ-đàm nói có khổ thọ có lạc thọ chớ không phải không có. Có là có theo kiểu giải pháp, đối phó. Nếu biết có vui thì có khổ, thà rằng đừng khổ cũng đừng vui, người biết như vậy thì mới sợ sinh tử theo đúng tinh thần nhà Phật còn hầu hết 99.9% Phật tử miệng nói đời là khổ thật ra họ khổ vì hoàn cảnh, vì gia đạo, vì sức khỏe, vì túi tiền, con cái vợ chồng họ chứ còn nếu mọi thứ ok thì họ đi chùa để cầu tài lộc chớ không phải cầu giải thoát đâu. Nếu quí vị biết chắc quí vị sống 100 tuổi, nhà băng có 100 triệu, trọng lượng dưới 100 ký, thì nghĩ xem quí vị có đi chùa hay không? Một tháng như vậy quí vị sẽ đi shopping, đi du lịch, làm gì có thì giờ đi chùa, lúc đó quí vị nhìn về Phật với con mắt xa lạ. Người cầu giải thoát trước hết phải là người sợ sinh tử, người sợ sinh tử là người thấy rằng hạnh phúc chỉ là giải pháp đối phó với đau khổ, thấy như vậy mới gọi là sợ sinh tử.

Các kinh tiếp theo Bảy Nghiệp Đạo, Mười Nghiệp Đạo cũng cứ vậy mà hiểu.

KINH TÁM CHI, MƯỜI CHI

Kinh Tám Chi, Mười Chi có nội dung giống nhau.

Người tà kiến đi kiếm người tà kiến để chơi. Nếu như quí vị khoái đạo ông Tư bà Tám, Bà Liễu Hạnh, bà Chúa Xứ, Mẫu Thượng Ngàn v.v… mà đi gặp người chánh kiến thì họ không trao đổi với mình. Họ giải thích cho mình nghe rằng như vậy là mê tín; liệu mình có chịu nổi không? Mình phải kiếm người tin tầm bậy tầm bạ như mình thì chơi mới vui.

Tà kiến là do không hiểu lý nhân quả và Tam tướng nên nhìn đâu cũng thấy sai lầm, mắc vào thường hay đoạn kiến. Đoạn kiến gồm có ba: vô nhân kiến (ahetuka) cho rằng cái gì cũng do ngẫu nhiên mà có; vô hành kiến (akiriya) cho rằng không có gì là thiện hay ác, giống nhau thôi; vô hữu kiến (natthika) cho rằng cái gì không chứng minh được thì đều không có, như chuyện báo ứng, chuyện tái sinh, người khuất mặt, sự chứng ngộ của thánh nhân. Thường kiến cũng có ba: Tin vào một đấng chí tôn nào đó, tin vào một cái tôi nào đó, tin vào một cõi thiên đường vĩnh cửu nào đó. Trong kinh nói tà kiến có 62 nhưng gom gọn lại chỉ còn 6 tà kiến trên.

Đức Phật là người mà ai Ngài cũng thương, chuyện gì Ngài cũng biết, đức lành nào Ngài cũng có, nhưng không phải chuyện gì cũng làm được. Ngài không phải người tạo ra vạn vật, có quyền ban phước tha tội cho ai. Ngài chỉ có thể tế độ cho những người hữu duyên. Có duyên lành với Ngài thì Ngài thuyết pháp cho nghe, hướng dẫn cho tu học, xuất gia. Nhưng đương sự phải đắc chứng bằng phước duyên, công đức tu hành của chính mình, Ngài không thể nào vì lòng đại bi mà dùng cách nào đó để cho người khác đắc. Trong kinh nói, giống như người lọt xuống hầm phân, ló lên được nửa người, tới vai, hoặc tới cổ, hoặc búi tóc, thì nắm kéo lên được. Còn nếu lọt xuống mà không còn ló lên chút gì thì biết đường đâu mà cứu. Cũng vậy, những người gặp hiền thánh ở đời, cần phải có chút gì đó để hiền thánh cứu, nếu tệ quá, đầu đặc sệt thì chỗ đâu nhét vô. Tôi không phải hiền thánh, nhưng khi tôi thuyết pháp tôi có tiếp xúc với một số Phật tử bất trị, họ cứ chờ dịp để họ hiểu lầm mà thôi. Phải nói là bó tay. Chỉ còn có một cách là khổ quá thì nguyện giải thoát, và luôn nguyện một điều: thầy bà nào, kinh sách nào, truyền thống nào dẫn đến giải thoát, con xin được gặp thầy bà đó, được hành trì theo truyền thống đó; chớ cái kiểu hành đạo do tin thầy thì rất là nguy. Phải luôn luôn biết nghi ngờ con đường dưới chân mình, bước đi mà mắt phải dòm ngó một chút, “có đúng vậy không ta?” “thấy vậy mà không phải vậy!” Bậy nhất trên đời này đó là cơ hội làm người rất khó mà mình lại quá dễ dàng giao phó cuộc đời, niềm tin, sức khỏe của mình một cách bất cẩn cho người khác. Dù đó là sự giao phó về chính trị, văn hóa, tôn giáo, hôn nhân, xã hội, nếu giao phó bất cẩn thì đó là sự hoang phí một đời. Lấy chồng lấy vợ mà không coi cũng khổ, bây giờ có li dị còn đỡ, ngày xưa thế nào cũng ráng gồng. Nhưng cái lầm về tôn giáo, chính trị khổ hơn lầm về hôn nhân. Hôn nhân còn li dị được, lầm về tôn giáo, chính trị, sẽ mất nguyên một đời.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app