Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 10 Tương Ưng Dạ Xoa

INDAKA (Indakasutta)

Sáng hôm nay chúng ta làm việc với chương Dạ-xoa, bài đầu tiên là bài Indaka. Indaka là tên của một Dạ-xoa. Theo trong Chú giải thì quan niệm của Dạ-xoa này có lẽ giống như phần lớn chúng ta ở đây, đặc biệt là những người không học A-tỳ-đàm. Giống ở điểm là mình nhập chung những khái niệm ‘tôi’, ‘của tôi’, sinh mạng và đời sống của thân xác này là một. Ai mà lườm nguýt mình, háy nguýt vào thân xác mấy chục ký này là có nghĩa người đó coi thường mình, ghét mình. Hễ thân này của mình thì mình nghĩ là nó đẹp, được người ta trầm trồ ngắm nghía thì mình thấy vui, khi đau bịnh thì mình thấy cả một bầu trời sụp xuống. Nói chung là cái khái niệm về ngã và ngã sở, mạng sống của mình và xác thân của mình mình trộn chung vào một khối. Với một người biết Phật pháp thì họ không nhìn như vậy. Một hành giả Tứ Niệm Xứ sẽ thấy rõ: Tất cả những cái gọi là buồn vui thiện ác, là thuộc về thế giới tinh thần của mình, gọi là danh pháp; tất cả những tóc lông móng răng da thịt gân xương tủy mật đàm mủ máu… thuộc về sắc pháp, vật chất. Danh pháp có mặt và hoạt động bằng vào sự hỗ trợ của vô số nhân duyên và tấm thân sinh lý này của mình cũng được tồn tại và hoạt động bằng sự hỗ trợ của vô số nhân duyên. Danh không phải là sắc và sắc cũng không phải là danh. Trong toàn bộ cái gọi là sự có mặt của mình trong cuộc đời này nói chung là sự hiện hữu của một chuỗi nhân duyên, không có gì gọi là độc lập hết, không có cái gì là solid, không có gì là massive, không có gì là pure. Tất cả là một sự cộng ghép, cộng hưởng rất đỗi phù du, là sự lắp ghép tạm bợ. Tôi không để tiếng Việt vì ở đây có những bà con đọc những chữ này dễ hiểu hơn, không có gì đơn thuần riêng lẻ một món. (There is nothing solid or massive or pure, but compostion, transition). Dạ-xoa này cũng có quan niệm mọi thứ gom chung trong cục nợ này. Đức Phật nói không. Danh pháp, đời sống tinh thần của mình muốn tồn tại thì cần phải có Tâm sở mạng quyền (jīvitindriya cetasika = mental vitality: sức sống tinh thần). Sắc pháp muốn tồn tại thì cần phải có Sắc mạng quyền (jīvitindriya rupa). Đó là một trong những yếu tố làm nên sự hiện hữu của danh hoặc sắc. Hôm nay mang tiếng là người VN nhưng tôi là nam quí vị là nữ, mang tiếng là nam nhưng trong người tôi đủ bệnh còn quí vị khỏe mạnh, mang tiếng là nam nhưng lá gan của tôi tốt hơn gan quí vị, bao tử của quí vị tốt hơn tôi, nói chung là mỗi người có một mớ vấn đề về danh và sắc khác nhau. Trong cái gọi là danh và sắc đó ở bản thân mỗi người cũng có vô số những vấn đề, nói chung nó là sự cộng hưởng của rất nhiều thứ: tốt, xấu, khỏe, yếu. Do tiền nghiệp đời trước nên đời này tôi bị bệnh nhiều còn quí vị khỏe mạnh, do tiền nghiệp đời trước nên quí vị thông minh còn tôi thì bẩm sinh tâm thần, khờ khờ, trí nhớ bị kém, nghe đâu quên đó v.v… tất cả rõ ràng do nhiều yếu tố quá khứ và hiện tại, do tiền nghiệp đời trước cộng với hoàn cảnh hiện tại, gene gia đình v.v… tất cả làm nên cái gọi là ông A bà B, sang hay hèn, giàu hay nghèo, trí hay khờ… Nói chung sự hiện hữu của mình là sự cộng ghép của danh và sắc, của tiền nghiệp và hiện nghiệp… Dạ-xoa không biết điều này nên đến hỏi Đức Phật: Con cứ nghĩ cái mạng này của con là một khối sao con ngờ ngợ không biết nó hình thành như thế nào. Đức Phật giải thích:

– Danh Sắc là khối tổng hợp của nhiều thứ và do nhiều duyên mà có

– Không phải đột ngột, thình lình (ekappahara) xuất hiện mà chúng phải xuất hiện một cách tuần tự, thứ lớp (anupubbena: gradually).

Ngài giải thích theo quan điểm của người thời đó chứ không phải là Ngài không thể giải thích. Trình tự sinh học theo khoa học bây giờ không phải Ngài không biết nhưng thời đó Ngài phải nói như vậy đó. Hôm nay chúng ta cũng biết rằng nguyên thủy thì sự hình thành của một thân người rất là nhỏ, đây là vấn đề nhạy cảm tại sao tôi là một tu sĩ lại nói kỹ chuyện đó và tôi cũng không phải là nhà khoa học tại sao tôi lại chạm vào một lĩnh vực mà tôi là ngoại đạo, nhưng không thể không nói vì mình đang giảng về vấn đề này. Nguyên thủy mình chỉ là một chút sperm thôi, từ tinh trùng của người nam kết hợp với thời điểm rụng trứng của phụ nữ, từ đó hình thành ra bào thai, gọi là phôi (foetus) chứ chưa tới womb. Quí vị đi về New York có Viện Bảo Tàng Sinh Học sẽ thấy quá trình hình thành của một con người từ lúc đầu đời cho đến lúc chết như thế nào. Buổi đầu mình không thể nhìn bằng mắt thường, rồi từ từ là một miếng thịt, và tượng hình dần dần tứ chi… cuối cùng là một đứa bé. Từ ban đầu là một miếng dầu nhỏ xíu, như trong kinh mô tả, giống như dầu ăn dính trên đầu lông con thú (con cừu hay con chó). Bài kinh này liếc qua thì không thấy có gì liên hệ đến giải thoát nhưng đàng sau đó là có nhiều điều để nói: 1) Vạn pháp do duyên mà có. 2) Tất cả chỉ là sự lắp ráp. 3) Đã có rồi thì sẽ có sự vô thường, vì cái sau phủ nhận cái trước, thay thế cái trước. Cái nhỏ phải phát triển lớn, biến dạng để lớn hơn, ra hình dạng khác, mọi thứ bị đẩy về phía trước để đến cõi chết. Khi Dạ-xoa nghe như vậy thì hiểu ra được những vấn đề trên. Cái sâu của bài kinh này ở chỗ đó, mình có thói quen ghép thành một.

Bốn mươi khía cạnh Tam tướng: vô thường: 10; khổ: 25; vô ngã: 5. Trong những khía cạnh này, có khía cạnh ‘người lạ’. Danh sắc phải được xem là người lạ. Tôi nhớ có viết bài Lệ Giang, có nói đến khía cạnh này. Từ đó đến giờ mình khổ là vì mình nhìn mình từ góc độ của mình. Mình thấy mọi thứ là của mình, nên ai làm gì đụng tới mình thì mình thấy tổn thương. Hành giả quan sát thì không nhìn mình từ góc độ của bản thân mà họ nhìn như là ai đó vậy. Khía cạnh ‘người lạ’ là như vậy. Nếu có dịp quan sát thân tâm này, sẽ thấy lạ lắm, mình thấy bây giờ tới giờ nó khát nước nó muốn uống, nước vô tới, nó đang thích, nó no rồi không thích nước nữa, nó không muốn ngồi nữa, nó muốn đi; bây giờ nó đang phiền nè, nó đang phóng tâm; nó đang nhớ chuyện tầm bậy, nó đang giận, đây là tâm sân. Có một âm thanh xuất hiện, nó đang vui… Nếu nhìn kỹ như vậy quí vị sẽ thấy thú vị lắm khi mình quan sát mình như là người lạ. Còn nếu mình không chánh niệm, không hiểu biết Phật pháp, không tu tập Tứ Niệm Xứ, thì – nói hơi nặng – mình không khác con thú chút nào hết, chạm tới là mình phập. Có ví dụ này rất hay, đó là có một con chó khi bị người ta ném nó một cục đá hoặc gạch, nó sẽ táp sẽ giận cục gạch đó chứ không nghĩ đến người tấn công nó (trừ những con chó khôn ra). Con rắn cũng vậy, lấy cây khều nó thì nó cắn cây, tưởng nó ngu nhưng thật ra mình cũng vậy, mình cũng giải quyết cái ngọn không giải quyết cái gốc. Ví dụ người ta chửi mình, đánh mình tại sao mình giận? Là bởi vì mình tập trung vào “cục nợ” này, đây là tôi nè, bây giờ người ta chạm vào đó là người ta chạm vào tôi nè. Nhưng gốc khổ không nằm ở đây mà nằm ở ngộ nhận của mình. Vị A-la-hán bị đánh, bị chửi, các ngài không giận người tấn công vì các ngài biết rõ tấn công đó là gì, cục nợ đó là gì và vì đâu người ta không tấn công người khác mà tấn công chỗ này, vì đó là tiền nghiệp, vì sao hôm qua không bị mà tại sao bữa nay bị, vị A-la-hán thấy rõ hết, hiểu rõ bằng tất cả niềm tin, sự xác tín. Còn mình thì sao, cái chuyện anh chàng tưởng mình là hột thóc sợ gà ăn rất là sâu, khi anh chàng biết mình là con người nhưng vẫn ngờ ngợ con gà không biết. Cái biết của anh ta có vấn đề, vì với hình dáng của anh ta làm sao con gà có thể nghĩ anh ta là hạt thóc được. Đó là cái biết vay mượn từ bác sĩ và y tá trong bệnh viện thôi. Nói vậy có nghĩa là cái biết của anh ta y hệt như cái biết của Phật tử chúng ta biết về Phật pháp và giáo lý vậy. Khi mình đi chùa nghe pháp, tăng ni cho mình biết: đây là danh sắc, đây không phải là chúng ta nghen. Mình biết vậy đó nhưng khi ai nói nặng là mình nổi giận lên liền. Bởi vậy trong kinh nói “Sabbe puthujjanā ummattakā”(tất cả phàm phu đều là những người mất trí) là như vậy đó. Nội dung bài kinh này, Đức Phật mô tả quá trình sinh học của con người theo quan điểm, ngôn ngữ của thời đó, nếu Ngài có mặt hôm nay thì Ngài nói về biology hay hơn mình nữa.

SAKKA (Sakkanāmasutta)

Có một Dạ-xoa có lòng kính tin Đức Phật, nhưng Dạ-xoa này là Marapakkhika (một phe với Ác Ma). Mỗi khi Ma Vương cần đám đông đi phá làng phá xóm thì có nhiều người ủng hộ, những Ác Ma ở cõi Tha Hóa Tự Tại, Dục Thiên cao nhất, nhưng khi cần đám đông thì Ác Ma sử dụng luôn thêm lực lượng ở cõi thấp hơn. Chẳng hạn như đêm Đức Thế Tôn giảng bài kinh Đại Hội thì hằng hà sa số đồng bọn của Ác Ma tới đông lắm. Chỉ riêng chữ Marapakkhika gợi ý cho mình một điều quan trọng: ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Trong dòng luân hồi, khuynh hướng tâm lý của mình như thế nào thì mình sẽ đi về cộng trú với những người giống như vậy, cộng sinh cộng hưởng là chỗ đó. Hôm nay mình phải tu tập là để bào mòn ác pháp, vun bồi thiện pháp, tạo ra sự tương thông với các bậc hiền trí hiền thánh ở đời. Còn mình làm ác trước hết là gieo nhân khổ và tạo ra sự tương thông với kẻ ác.

Ông Dạ-xoa biết Đức Phật là bậc giác ngộ nhưng không hoan hỉ trong hoạt động của Ngài, ông muốn ngài cứ viên tịch đi, đừng thuyết giảng gì hết. Đức Phật mới giải thích, Ngài là người đã giải thoát, không có lý do gì Ngài từ bỏ chúng sanh. Ngài đã qua sông, có chiếc thuyền trên sông mà thấy người ta chết đuối, người ta cần thì ra tay giúp đỡ chứ đâu có lý do gì không dòm ngó tới người khác, sống là phải có ta có người. Bài kinh này trong Chú giải không giải thích nhiều, đọc sao hiểu vậy. Cái sâu của bài kinh này là sống như thế nào để đừng chống lại cái thiện, đừng ác cảm với cái thiện và sống như thế nào để tương thông với bậc hiền trí. Ở đây quí vị cũng biết, thiện nhân chỉ hòa tan với thiện nhân. Có nhiều thứ bỏ vào trong nước không tan, nhưng có thứ tan liền, có nhiều thứ để tự nhiên cũng tan thành nước. Cũng vậy, có những người đến bên cạnh người thiện, họ mau chóng trở thành người thiện, hoặc tối thiểu cũng thừa tiếp ân triêm lợi lạc từ người thiện, nhưng có những kẻ chỉ có thể hấp thụ, chịu ảnh hưởng tác động từ người ác thôi, ở gần người ác thì lây rất nhanh, còn ở gần người thiện thì trớt quớt, đó là điều để chúng ta lưu tâm. Học bài kinh này thấy vắn tắt nhưng mở ra vấn đề rất lớn là sống như thế nào mà chỉ nhận tác động từ người ác còn người thiện thì mình chỉ là tấm nylon trong cơn mưa thì chết, giống như cái muỗng nằm trong nồi canh thì không được, tối thiểu phải là cái lưỡi để nếm được vị canh dù ở xa nồi canh.

SUCILOMA (Sūcilomasutta)

“1) Một thời Thế Tôn ở Gayà, trên hòn đá Tankita tại trú xứ của Dạ-xoa Suciloma. 2) Lúc bấy giờ, Dạ-xoa Khara và Dạ-xoa Suciloma đi ngang qua, không xa Thế Tôn bao nhiêu….”

Dạ-xoa Suciloma

‘suci’: ‘cây kim may’.

‘loma’: ‘sợi lông’, ‘cọng lông’.

‘sūciloma’: ‘lông cứng, nhọn như kim’.

Theo Chú giải, vào đời Phật Ca Diếp, có một vị tỷ kheo lười biếng, tu hành trong sạch chân chánh, giới luật không phạm, nhưng khi mệt mỏi bạ đâu nằm đó không ý tứ nhìn trước trông sau gì hết. Khi mình mẩy mồ hôi mồ kê mà cứ muốn nằm mà thấy chỗ nào nằm được là cứ nằm đại. Theo trong Luật thì thời Đức Phật, dù không ai bắt buộc nhưng tỷ kheo ở xa bên ngoài Ấn Độ hoặc bên trong Ấn Độ nhưng ở vùng sâu vùng xa luôn dành sẵn một chỗ ngồi đàng hoàng vì họ nghĩ là rất có thể Thế Tôn sẽ đến, vì người như Thế Tôn thì sự có mặt ở nơi này nơi kia không thành vấn đề, không cần phải đi mua vé máy bay như mình. Khi Ngài không còn nữa thì những chỗ nào hơi rộng rãi một chút người ta dành chỗ để các vị tôn túc trưởng lão có ghé đến thì có chỗ ngồi. Ở đây vị tỷ kheo này có cái thói mỏi mệt là bạ đâu nằm đó, bất kể mình mẩy dơ dáy bụi bặm. Thói quen đó chính là một ác nghiệp, thói quen bất kể người khác, sinh hoạt theo ý của mình. Chỗ người ta đang dọn sạch sẽ mà mình mang tấm thân dơ của mình trây lên đó thì người ta gớm không dám nằm nhất là đồ của tăng (tập thể), vì vậy vị tỷ kheo này chết rồi sanh thành Dạ-xoa có lông cứng như kim. Dạ-xoa này rất là khổ sở, vì cả người toàn gai, phải chịu khổ trong một thời gian “buddhantarakala” (khoảng thời gian giữa hai vị Phật). Chữ buddhantarakala thường được dùng nhiều trong kinhKhoảng thời gian này lâu lắm, lâu đến mức vị này lòng xao lãng Phật pháp. Tôi từng gặp những vị sư hoàn tục, hoàn tục ít ít thì được chớ lâu quá thì nhìn họ không còn dấu vết của một ông sư nữa, dù chỉ một hai chục năm. Vừa rồi đi Pháp tôi có gặp một vị hoàn tục, người cũng hiền lành, có đức tin, nhưng khi tiếp xúc thì không còn dấu vết nào của một nhà sư hết. Nhiều vị còn mới nên “tình ngỡ đã quên đi nhưng người bỗng hiện về”. Tôi nhấn mạnh chuyện này là vì mình là tỷ kheo mà tới lúc gặp một vị Phật mà lại trớt quớt.

Dạ-xoa Khara.

‘khara’: (tough) ‘gồ ghề’, ‘sần sùi’. Dạ-xoa Khara vốn là một thiện nam, trong thời Phật Ca Diếp. Dạ-xoa Suciloma vốn là một tỳ kheo. Cả hai có tiền nghiệp giống nhau là thiếu ý tứ trong việc sử dụng tài sản của chư Tăng. Phải hiểu thêm là chẳng những của chư tăng mà của tập thể cũng vậy, ở những xứ văn minh cái gì thuộc về tập thể người ta trân trọng lắm. Nói ra xấu hổ chứ có rất nhiều lần đứng bên Đức hoặc Thụy Sĩ tôi nhìn thấy công viên có những ghế đá hoặc băng bằng inox tôi nghĩ bụng, cái này nếu gặp bên mình là biến mất trong vòng ba giây, cái ghế đẹp quá sức đẹp. Cái nào thuộc về công cộng mà không đem về xài được là cạy gỡ cho hư. VN với TQ thì hay có cái bịnh đó, như xe bus Carosa ở VN ngày xưa, cái gạt tàn thuốc bị cạy bung ra, cái ghế nệm bị rạch móc tanh bành mới chịu.

Hai ông Dạ-xoa này cũng vậy, biết nằm dơ như vậy người khác sẽ khó chịu, hoặc gớm. Chính mình cố ý đem lại cảm giác khó chịu cho người ta thì tạo ra cái quả sinh ra là phải chịu như vậy, ông Suciloma thì lông như kim, còn ông Khara thì có lưng sần sùi y chang như cá sấu (‘suṃsumāra’, crocodile), bởi vì ngày xưa ổng gieo rắc người ta cảm giác khó chịu nên đời này sinh ra như vậy. Dạ-xoa Khara này cũng không đến nỗi tệ, khi gặp Đức Phật ông nói với Dạ-xoa Suciloma đây là một vị Sa-môn. Hôm trước tôi đã nói, đừng tưởng có thần thông thì cái gì cũng biết, nếu mình thiếu đức tin, trí tuệ thì thần thông cũng chỉ như cái ống dòm, có thấy cũng không biết đó là cái gì. Vì vậy Dạ-xoa Suciloma nói “Ðây không phải Sa-môn. Ðây là Sa-môn giả. Hay ít nhất cho đến khi ta biết được Sa-môn hay Sa-môn giả”. Theo Chú giải, Dạ-xoa Suciloma có suy nghĩ, nếu ông này là thứ thiệt thì ổng không sợ mình, còn nếu là thứ dỏm nên ổng sợ mình, vì vậy Dạ-xoa Suciloma cố ý dùng thân của mình ép sát vào người của Thế Tôn. Lúc đó Đức Thế Tôn tránh qua một bên (‘apanameti’: remove, take away, dời đi): “Này Hiền giả, Ta không sợ Ông. Nhưng xúc chạm với Ông là điều đáng ghét” Trong kinh nói thêm là thân Dạ-xoa này rất dơ và hôi hám giống như con heo bị dính phân người, không có gì để người ta sợ nhưng để cho thân mình để đụng vào là việc không nên (‘pāpaka’) (HT Minh Châu dịch là ‘đáng ghét’.) Vì Dạ-xoa mùi hôi hám, và kim tua tủa như vậy nên Đức Phật phải tránh qua một bên. Dạ-xoa dù sao cũng từng là người đi tu, nên mới hỏi Đức Phật bằng câu kệ, trong Chú giải không nói nhiều về lý kinh mà chỉ nói chuyện ở bên ngoài, chỉ giải thích “không nên” là sao, “né qua một bên” là sao, “nắm chân liệng” là sao. Dạ-xoa hỏi Ngài phiền não ở đâu ra, Đức Phật giải thích phiền não do thân kiến mà ra.

Tất cả tham và sân (tức sự mê đắm và bất mãn) đều từ thân kiến mà có. Thân kiến là sự chấp ngã trong danh sắc, ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới của mình, cho là một khối và đó chính là bản thân mình, phải chứng được sơ quả mới lìa bỏ được thân kiến. Đầu buổi giảng tôi đã nói, mình nhìn thấy cái gì đó mình thích là bởi vì trong sâu thẳm tiềm thức của mình mình coi nhãn thức, nhãn cầu, tấm thân này là một. Trong quan sát của một hành giả thì không phải vậy, khi nhìn cái gì đó mình thích chỉ là một quá trình của một chuỗi thành tố tâm lý rất là phức tạp; cái thích hay không thích không phải từ mắt, mắt chỉ chụp hình; còn thích hay ghét hình ảnh đó là do tâm chuyển hình ảnh về cơ quan trung ương bên trong và phân tích: Cái này là hoa gì, đang nở hàm tiếu, thơm lắm, mang từ Nhật về quý lắm, không ai trồng được, chỉ có nhà mình trồng được … tất cả những chi tiết này do mình phân tích tự cung cấp để có khái niệm bông này quí và thích. Thật ra tất cả là sự ghép nối chứ không phải là một khối, nếu mình nghĩ thân và tâm mình là sự ghép nối thì mình không thích như vậy. Phải hiểu một cách rốt ráo từ thâm tâm, thấm thía tiêu hóa, phải tự tu tập có chánh niệm, có hành Tứ Niệm Xứ để thật sự thấy nó là đồ ráp chớ không phải là do nghe giảng rồi cắn răng chấp nhận. Khi mình đói thì không suy nghĩ nhiều về cái bất tịnh trong thức ăn trong việc ăn uống, nhưng khi mình ăn no và không đói thì có thời gian nghĩ sẽ thấy gớm chết. Các vị tưởng tượng cứ nhai món ăn nào đó rồi nhả vào bịch nylon, uống cái gì đó rồi nhả vào bịch nylon, đeo trước ngực thì gớm chết. Cũng những thứ đó mình nuốt qua cổ, tống vào người rồi đi súc miệng thì không nhớ rằng trong người mình đang có đồ dơ. Ăn chay là rau là đậu, ăn mặn là cá là thịt, tất cả những thứ này cho dù mình không chạm môi, không chạm tay tới, chỉ cần mình nấu xong rồi trút vào thùng chứa nào đó, với một thời gian, điều kiện nhiệt độ thì nó sẽ bốc mùi. Vậy mà mình lùa vào miệng, nuốt vô mà không thấy gớm. Trộn với nước bọt của mình đã thấy lạnh xương sống rồi, tới lúc qua tới ruột già chờ đi ra thì càng lạnh xương sống nữa. Có bao giờ mình nghĩ rằng khi mình nằm ngủ thì trong người mình có hai thứ, một thứ chưa tiêu hóa và một thứ đã tiêu hóa chờ tống ra ngồi; mình ngủ với một đống như vậy trong giường của mình, trùm mền, bên ngoài thì bôi kem, xức nước hoa bát ngát lãng đãng mà không ngờ là mình đang là thùng rác, đang lau chùi cái thùng rác và đem thùng rác đó lên giường đắp mền cho nó ngủ, phải nói phũ phàng như vậy.

Hành giả có học Phật pháp sẽ thấy: Hành giả có học Phật pháp sẽ thấy: Tất cả đều là sự lắp ráp, đều do duyên mà có, đã có rồi thì phải mất. Đây là câu thần chú còn hay hơn câu “yết đế, ba la yết đế”… Cứ đọc ngày đọc đêm trong nhà mình, khi đi làm hoặc khi đi vô thiền viện, cứ đọc hoài như vậy tôi bảo đảm ngàn phần trăm nếu đọc thế này thì chỉ trong vòng ba tháng (với người huệ căn) hoặc 6 tháng (với người độn căn) trở lên lòng quí vị sẽ nhẹ vô cùng. Hồi xưa giờ mình rất bị dễ tổn thương vì cái nhìn của ai đó hoặc nụ cười đểu, hoặc câu nói xúc phạm, nhưng kể từ khi trì niệm câu thần chú này thì quí vị sẽ vững vô cùng. Người ta trì chú tiêu tai giải nạn để không bị tai nạn tôi không tin, nhưng tôi tin câu chú này mà trì riết thì có gặp tai nạn lòng quí vị cũng bình tĩnh hơn, khả năng chịu đựng tốt hơn. Tây có câu rất hay: . Đây là câu thần chú còn hay hơn câu “yết đế, ba la yết đế”… Cứ đọc ngày đọc đêm trong nhà mình, khi đi làm hoặc khi đi vô thiền viện, cứ đọc hoài như vậy tôi bảo đảm ngàn phần trăm nếu đọc thế này thì chỉ trong vòng ba tháng (với người huệ căn) hoặc 6 tháng (với người độn căn) trở lên lòng quí vị sẽ nhẹ vô cùng. Hồi xưa giờ mình rất bị dễ tổn thương vì cái nhìn của ai đó hoặc nụ cười đểu, hoặc câu nói xúc phạm, nhưng kể từ khi trì niệm câu thần chú này thì quí vị sẽ vững vô cùng. Người ta trì chú tiêu tai giải nạn để không bị tai nạn tôi không tin, nhưng tôi tin câu chú này mà trì riết thì có gặp tai nạn lòng quí vị cũng bình tĩnh hơn, khả năng chịu đựng tốt hơn. Tây có câu rất hay: Cầu nguyện lúc gặp nạn không phải để thoát nạn mà để bình tĩnh ngay trong lúc gặp nạn.

Sau khi nghe xong câu trả lời của Đức Phật thì Dạ-xoa Suciloma chứng sơ quả, lập tức được hưởng thiên lạc. Tất cả lông kim đều rụng mất, không tiếp tục ăn đồ dơ như trước đây, trú xứ cũng trở nên thanh tịnh và cao sang, do uy lực của quả vị Dự lưu.

Thiên lạc là niềm vui của chư thiên. Theo trong kinh, vị Chuyển Luân Thánh Vương sống trường thọ, không có bịnh hoạn gì, suốt đời chỉ có 6 cái gọi là bịnh đó là: nóng, lạnh, đói, khát, đại tiểu tiện và có được bảy báu: tình cảm, gia tài, quyền lực… Tuy nhiên cái gọi là hạnh phúc của vị Chuyển Luân Vương không bằng một phần nhỏ xíu của chư thiên. Tôi chẳng cần phải là Chuyển Luân Vương cũng chẳng cần phải là chư thiên tôi vẫn hoàn toàn có thể hiểu được sự chênh lệch đó như thế nào. Quí vị tưởng tượng đi, mình đi đâu cũng phải lê cái cục thịt mấy chục ký lô này còn người ta đi đâu như một làn khói, chỉ vậy là thấy người ta sung sướng hơn mình rồi; lúc ngồi lâu thì mỏi, đi cũng mỏi, nằm lâu cũng nóng nực, ăn dù có chừng mực ăn xong cũng mệt. Tôi muốn có cảm giác không đói không no, muốn đi đâu thì đi. Ở Orlando có một chỗ gọi là Disney World, trong đó có cái show gọi là ET, tôi khoe cái này hơi kỳ, nhưng giấc trưa nắng chang chang vô đó tối thui mà mát lạnh, họ tạo cho mình cảm giác như mình đang trôi trong vũ trụ, sướng vô cùng. Tôi không phải là chư thiên, cái tôi mê không phải là thiên nữ, cung vàng điện ngọc trầm hương pha lê mà cái tôi mê là được bay trong vũ trụ vô cùng vô tận, bay hoài không muốn niết-bàn. Tôi chỉ ngán có mỗi một chuyện, sống hết tuổi thọ rồi đọa, chỉ vì cái đó mà tôi muốn niết-bàn, chứ nếu mà đời đời kiếp kiếp đừng sa đọa mà bay hoài trong vũ trụ thì đã lắm, gặp tinh tú nào ngộ ngộ mình tấp vào coi rồi mình bay nữa. Tôi lạc đề như vậy vì muốn nói đến cái “thiên lạc”, họ không bị giới hạn trong tốc độ, không bị giới hạn trong trọng lượng, không bị giới hạn trong sinh hoạt thường nhật, họ nằm ngoài tất cả. Một chuyện nhỏ xíu như vậy cũng đáng để mình suy tư, tâm hồn của mình như thế nào thì mình mới có cảnh giới sinh hoạt như vậy. Nhưng nói cho rốt ráo thì dầu là thiên lạc hay nhân lạc thì cũng có lúc nó mất vì vạn pháp chỉ là sự lắp ráp, do duyên mà có và có rồi cũng sẽ có lúc kết thúc.

MANIBHADDA (Maṇibhaddasutta)

Bài kinh này là nói về một vị Dạ-xoa có cái nhìn rất là Phật tử. Vị này đến thưa với Đức Phật điều mình tâm đắc: Không có gì sung sướng cho bằng sống một đời chánh niệm. Bà con thử sống một ngày chánh niệm đi, sẽ thấy rằng: . Bà con thử sống một ngày chánh niệm đi, sẽ thấy rằng: Tất cả vấn đề của thế giới đều đi ra từ sự thất niệm. Một người không tin Phật pháp nghe vậy thì cứ nghĩ mình thổi phồng, cường điệu. Chánh niệm, nói đơn giản là ý thức rõ ràng mọi sự đang diễn ra, mindful! Biết rõ mình đang làm gì, biết rõ cái gì đang diễn ra. Các vị có học hết Tam Tạng đi nữa mà sống thất niệm thì chỉ là người chết rồi mà chưa chôn thôi, bởi vì anh đi đứng nằm ngồi, buồn vui mà không hề biết thì anh không phải là xác chết thì là gì nữa. Trong kinh, Đức Phật định nghĩa chữ ‘chết’ nhiều nghĩa lắm: Vị tỷ kheo hoàn tục coi như chết, sống dễ duôi thì coi như chết rồi. Sống thất niệm thì coi như sống mà không biết cái gì đang diễn ra, cứ lao tới như một khúc gỗ vậy thì cũng như xác chết. Vị Dạ-xoa xác nhận một điều mà vị này tâm đắc: niệm là số một, chỉ có niệm mới đem lại an lạc cho cá nhân người giữ chánh niệm. Mình sống được bao lâu không biết nhưng mình chỉ có một con đường để sống mà thôi, đó là sống chánh niệm.

Sau khi Dạ-xoa nói vậy thì Đức Phật xác nhận: Đúng, chỉ có chánh niệm thì mới có thể sống được đời sống đẹp mình và đẹp đời. “Không hại ai hết, chỉ có chánh niệm mới có thể an lạc và ngay lúc giữ chánh niệm mình là người vô hại đối với thế giới.” Tất cả vấn đề của thế giới đều đi ra từ thất niệm, khi anh sống có trách nhiệm với bản thân anh và người khác thì anh trở nên vô hại đối với chúng sanh.

SANU (Sānusutta)

Sānu là con một (ekaputtaka) của một bà cư sĩ. Sānu đi xuất gia từ lúc còn bé và tu hành rất giỏi, giới luật trong sạch, siêng học, có giọng nói du dương, nhiều thầy tổ, chư tăng bè bạn, Phật tử thương quí. Có một nữ Dạ-xoa (yakkhini) vốn là mẹ kiếp trước của sadi Sānu có đức tin, và rất thương Sānu. Sānu tu một thời gian thì lại muốn hoàn tục, lòng không được vui, thấy việc đắp y mang bát không còn là linh thiêng ý nghĩa nữa mà lại khó chịu. Sānu về thăm mẹ rồi nói rõ ý định của mình. Khi đó nữ Dạ-xoa muốn ngăn cản bèn dùng thần thông tạo sự kiện.

Khi sadi Sānu nói ý định không muốn tu nữa, bà mẹ cản: Đời mẹ, mẹ biết khổ dữ lắm, giàu sang cỡ nào đi nữa rồi cũng phải lấy vợ sanh con, quần quật lo cho con cái không biết lo bao nhiêu cho đủ. Như vậy cả đời, riêng cái thân mình sống nay chết mai không biết có bịnh gì hay không, chăm sóc còn không nổi huống chi phải chăm sóc mấy cục nợ nữa.

Nữ Dạ-xoa sống lâu lắm, biết con mình bây giờ là nhân loại nhưng vẫn thương như kiếp xưa, biết sadi Sānu muốn hoàn tục nên dùng thần thông tìm cách ngăn cản. Trong đời, mỗi người có một cách hành động riêng, không nên thắc mắc vì sao người ta không hành động giống mình nghĩ. Dạ-xoa dùng thần thông bóp cổ Sānu, đẩy xuống đất. Sānu bị trợn trắng mắt, sùi bọt mép, trào nước bọt.

‘givaṃ parivatteti’: ‘vặn cổ’, ‘bẻ cổ’.

‘akkhiviparivatta’: ‘trợn trắng mắt’, ‘đôi mắt đảo tròng’.

‘khelena paggharanta’:‘sùi bọt mép’, ‘trào nước bọt’.

Dạ-xoa làm cho Sānu bị như vậy xong rồi mới rút tay lại. Sānu lúc đó mới nghĩ, có lẽ phải tu mới sống được, nếu không tu chắc chết. Nhờ sự cố này Sānu muốn tiếp tục tu hành và sau đó Sānu chứng La-Hán, trở thành một dhammakathika (đại pháp sưlừng danh (Sakalajambudipaṃ) và sống được 120 tuổi mới viên tịch.

Sakalajambudipaṃ khopeti”: làm chấn động toàn cõi Ấn độ.

“vīsavassasataṃ ṭhatvā parinibbāyi”: sống được 120 tuổi đã nhập niết-bàn

PIYANKARA (Piyaṅkarasutta)

‘Piyankara’: ‘yêu thương’.

Anuruddha là Đệ nhất thiên nhãn có thể nhìn thấy vũ trụ dễ dàng như nhìn ngắm đồ vật trên tay. Ngài cũng là bà con với Bồ tát Tất Đạt. Theo Chú giải, đêm đó tại chùa Kỳ Viên ngài đã đọc kinh Pháp Cú (Dhammapāda). Chữ ‘Dhammapāda’có nhiều nghĩa, có lúc ám chỉ Kinh Pháp Cú mà ta thường nghe, gọi là Chabbisativagga Dhammapāda (Pháp Cú 26 phẩm). Trường hợp khác, Dhammapādachỉ có nghĩa là một câu pháp. Ví dụ trong phẩm Chư Thiên mình đã học có câu: Dù cho bố thí cả núi vàng bạc cũng không bằng bố thí một dhammapāda.Dhammapāda ở đó không có nghĩa là Pháp Cú 26 phẩm mà là một câu kinh, một câu pháp, tùy chỗ mà hiểu.

Chú giải kinh này nói ngài Anuruddha khuya đó đang tụng Kinh Pháp Cú chương Appamadavagga, phẩm thứ 2 trong 26 phẩm Pháp Cú. Lúc đó, Dạ-xoa đang bồng con đi kiếm ăn. Theo một loạt Chú giải trong phẩm này đều nhìn nhận một chuyện, Dạ-xoa có cách giữ con rất lạ, không bồng ẳm như loài người mà lại cầm cổ chân của con xách đi nơi này nơi khác.

‘Ankenadaya’: “xách cổ chân, nắm ngay chỗ mắt cá”.

Ngoài Bắc, có người Mèo, khi mới sanh con ra còn đỏ hỏn, họ kiếm lá khô lót cho nằm, còn khi lớn một chút biết bò thì họ liệng xuống chỗ ruộng cạn, cứ để trần truồng bò lổm ngổm dưới sình, còn mẹ thì cứ lo làm. Mỗi chúng sinh có kiểu sinh hoạt độc đáo riêng.

Dạ-xoa có nhiều loại, loại đắc quả được và không thể đắc quả. Trong đó lại có loài chỉ ăn bất tịnh thực như ngạ quỷ; có loài chỉ thích ăn thịt sống; có loài ăn uống thực phẩm của chư thiên. Nữ Dạ-xoa trong kinh này thuộc loài ăn dơ (“uccāra passāva kheḷa siṅghāṇika”: phân, nước tiểu, nước bọt, đờm dãi).

Dạ-xoa xách chưn con đi kiếm ăn, đi ngang nghe ngài tụng kinh liền ngừng lại nghe, đứa con đói bụng khóc. Dạ-xoa nói con đừng khóc để mẹ nghe pháp:

“Mā saddaṃ kari piyaṅkara, bhikkhu dhammapadāni bhāsati;

Api [api (sī.)] ca dhammapadaṃ vijāniya, paṭipajjema hitāya no siyā.

“Pāṇesu ca saṃyamāmase, sampajānamusā na bhaṇāmase;

Sikkhema susīlyamattano [susīlamattano (sī. ka.)], api muccema pisācayoniyā’’ti.

Này Piyankara,

Con đừng làm um sùm,

Vị Tỷ-kheo đang tụng,

Những lời về pháp cú”.

“Không sát hại sanh vật, (giới sát sanh)

Không cố ý nói láo, (giới vọng ngữ)

Tự học tập giới luật, (tức là ba giới còn lại),

Chúng ta thoát ngạ quỷ.”.

Chữ‘pisāca’ ở đây ngài Minh Châu dịch là ‘ngạ quỷ’ nhưng tôi không đồng ý. Nói là ‘ngạ quỷ’ không trật nhưng phải giải thích thêm. ‘Ngạ quỷ’ theo mình thường hiểu là đói khát, ăn dơ, đầu óc khờ khạo còn ‘pisāca’ Dạ-xoa này cũng ăn dơ nhưng có thể đắc quả được, theo tiếng Tàu dịch là ‘Phiêu Phong Quỷ’. Tôi có viết bài Dạ-xoa này cũng ăn dơ nhưng có thể đắc quả được, theo tiếng Tàu dịch là ‘Phiêu Phong Quỷ’. Tôi có viết bài Phiêu phong không biết bà con có biết không. Cái tựa sách, tựa bài khi tôi viết tôi không giải thích, nhưng nếu ai hiểu thì biết ẩn ý của tôi. không biết bà con có biết không. Cái tựa sách, tựa bài khi tôi viết tôi không giải thích, nhưng nếu ai hiểu thì biết ẩn ý của tôi. Phiêu phong là một trong những bài tôi rất tâm đắc, bởi vì tôi dùng kiến giải của giáo lý nguyên thủy để nói về cảnh giới tái sanh bằng cách nói của người thời nay. Đừng xem bài viết đó là truyện ngắn giải trí mà thật ra là tôi diễn tả về loài này. Phiêu phong nghĩa là theo gió mà đi, rất đói khổ.

Dạ-xoa nói với con rằng đừng làm ồn để mẹ nghe pháp, nhờ nghe pháp mới có giữ giới, nhờ giữ giới mới thoát được kiếp này. Hôm nay chúng ta làm người, chúng ta không biết gì hết, không có thần thông, chỉ có chút ít tiền bạc sung sướng hưởng thụ, không gì kinh hoàng bằng mai này khi tắt hơi rồi thì không biết đi đâu. Trong ‘Phiêu phong’ tôi có tả, tả theo trong kinh chớ không phải theo tưởng tượng của tôi, người tạo ác nghiệp nhiều đến lúc chết họ có cảm giác giống như tỉnh dậy từ giấc chiêm bao. Nếu sanh địa ngục họ nghe nóng, nghe đau đớn cả người, mê sảng la hét không ai nghe, nhìn quanh thấy máu mủ tanh hôi, tiếng người la hét rượt đâm nhau trước mặt mình. Sanh về bàng sanh thì mù mịt. Sanh về cõi trời thì nghe tiếng nhạc du dương, mùi thơm ngát, mát lạnh, lâu đài vàng ngọc bồng bềnh trôi trong không gian, ánh sáng mờ ảo, người đẹp giai nhân dập dìu. Sợ nhất một ngày nào đó thức dậy thấy mình ở địa ngục, hoặc thấy khát nước, đói. Giờ mình đói còn chạy đi lấy gói mì, chớ loài đó thì chịu chết thôi, khi đã biết mình bắt đầu đói là thua rồi. Vì vậy phải nhớ, nghiệp gì thì nghiệp phải tránh nghiệp bỏn xẻn, trong lúc mình còn có thể chia sẻ được thì nên chia sẻ. Angulimala khi đi xuất gia bị chửi đánh đủ điều nhưng lúc nào cũng đầy đủ đồ ăn ngon, sở dĩ được như vậy vì đời xưa ngài từng là tỷ kheo, mỗi bữa trưa xong còn dư ngài kiếm chỗ nào khô ráo sạch sẽ ngài đổ ra với thiện ý con gì ăn được thì ăn.

Ở đây có người hỏi trên trời có lập gia đình không? Trên trời không có lập gia đình, nhưng nếu những cô thiên nữ đó thuộc về mình thì họ sẽ xuất hiện trong lâu đài của mình. Họ xuất hiện ở đâu thì thuộc về quyền của người ở đó. Theo kinh điển Nam Tông mô tả thì cõi Trời hơn cõi Tây Phương Cực lạc nhiều lắm hơn cả thiên đàng của Hồi Giáo, của Thiên Chúa giáo nhiều lắm, có điều là Phật tử VN xui không chịu đọc những điều đó. Ví dụ trên cõi Tịnh Cư của Nam Tông chỉ toàn thánh, không có vụ thánh phàm đồng cư. Cõi Đao Lợi, Dạ Ma, Đâu Suất thì thánh nhân đầy trên đó, vì mỗi lần có vị Phật ra đời thì số chư thiên đắc quả đông lắm, trên đó giờ thánh nhân đầy ắp. Muốn học Tam Tạng hay thắc mắc kinh điển gì thì Pháp sư Tam Tạng đầy trên đó. Ngay bây giờ nếu mình muốn thấy hình ảnh Đức Phật thì không khó, trên đó có vô số vị Trời đã nhìn thấy Ngài, chỉ cần xin họ cho mình nhìn thấy được hình dáng Thế Tôn thì trong vòng ba nốt nhạc mình đã nhìn thấy. Người ta có thể hóa hiện cho mình thấy. Biết được điều đó thì thấy đời tu có nhiều điểm hy vọng cũng vui, còn cứ lờ mờ không đọc kinh sách thì cũng chán lắm. Nên dành tối thiểu bảy năm trong đời chuyên tu Niệm Xứ hoặc chuyên tu Từ Tâm, và phát đại nguyện: Trong suốt thời gian này vật chất của tôi sẽ là của thiên hạ, ai cần gì tôi sẽ tùy khả năng mà giúp. Chỉ với lời nguyện như vậy, tu tập Từ Tâm và tu tập Tứ Niệm Xứ trong bảy năm thì chuyện sanh thiên không khó. Quí vị cứ làm thử đi, tu thiền là sống an lạc. Bây giờ thì xin chia tay, gặp lại quí vị ngày thứ Năm..

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app