Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên – Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên – Phẩm Cây Lau

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên

Phẩm Cây Lau

Bao Nhiêu Phải Cắt Đoạn (Katichindasutta)

Tựa đề theo chánh kinh, bản dịch của HT Minh Châu: “Bao nhiêu phải cắt đoạn”.

“Đứng một bên, vị thiên ấy nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Phải cắt đoạn bao nhiêu,

Phải từ bỏ bao nhiêu,

Tu tập thêm bao nhiêu,

Vượt qua bao trói buộc,

Ðể được có danh xưng,

Tỷ-kheo vượt bộc lưu?”

Trong trường hợp này “vượt bộc lưu” là danh từ. Nguyên phẩm này toàn là những vị Trời xuống hỏi pháp. Những bài kinh có điểm tương đồng thì người ta gom lại cho gọn. Nước chảy mạnh là cuồng lưu, bạo lưu, bộc lưu. Chữ ‘ogha’ này có hai nghĩa: phiền não hay luân hồi cũng được gọi là Bộc lưu, trong trường hợp đặc biệt nào đó. Phiền não được gọi là cuồng lưu, bạo lưu vì chúng cuốn phăng chúng ta đi biền biệt, đầy bất trắc, không lường trước được nơi về. Một bậc thánh như vị Tu-đà-hoàn, Nhị quả hoặc Tam quả, đi đâu về đâu còn đoán ra, còn hành trình sinh tử của một kẻ phàm phu thì vô cùng bất trắc. Chín giờ đêm tối nay ta còn đang là một vị bác sĩ đứng đầu bệnh viện nhưng hai giờ sáng hôm sau rất có thể ta tái sinh vào bụng của một con chuột nái nằm dưới ống cống của bệnh viện đó. Chuyện đó không có gì lạ. Sáng hôm nay ta là một người ăn mày ở một góc phố nghèo hẻo lánh, rất có thể đêm nay ta là vị Trời ở cung trời Đao Lợi có một tòa lâu đài cao vút đầy vàng bạc, âm thanh ánh sáng mùi hương như ý. Đó là hành trình sinh tử của kẻ phàm phu. Kẻ phàm phu dứt khoát không thể được gọi là kẻ vượt khỏi bộc lưu vì người như chúng ta chỉ như những chiếc lá bị cuốn phăng trên đó nên trong trường hợp này chữ ‘oghatiṇṇo’ này chỉ dành cho vị thánh mà thôi. Ở đây Đức Phật trả lời rất ngắn gọn và Ngài biết rằng trả lời như vậy đã quá đủ cho người hỏi rồi. Trong chánh kinh Đức Phật trả lời như thế này: Tu tập thêm năm pháp (lực), Vượt qua năm trói buộc, Ðể được có danh xưng, Tỷ-kheo “vượt bộc lưu”, diễn dịch theo ngôn ngữ chúng ta bây giờ là như thế này: ngôn ngữ chúng ta bây giờ là như thế này: Để xứng đáng với danh hiệu là một người vượt bộc lưu thì đương sự phải từ bỏ năm pháp, tu tập năm pháp và phải vượt qua năm thứ trói buộc thì mới xứng đáng là vượt bộc lưu.

Có người phản ảnh với tôi, trong lúc thuyết giảng tôi nói quá nhanh. Cái room này độc đáo một chỗ là giống thực tế như ngoài đời: chánh pháp vẫn còn đó thôi nhưng người nghe chánh pháp thì có những điều kiện đặc biệt; chánh pháp vẫn còn đó thôi mà có người không nghe được chánh pháp bởi vì họ ở trong một hoàn cảnh đặc biệt. Tam Tạng còn đó mà có người không hề biết tới, tôi vẫn còn đó mà có người không nghe thật là độc đáo.

Thế nào là “thánh”? Mặc Tử, Mạnh Tử cũng được gọi là thánh, thậm chí làm thơ hay như Lý Bạch cũng gọi là thánh, nhất là dân chat trên mạng ở VN cũng phong thánh cho bất cứ ai nổi trội về một mặt nào đó, trong khi PG Nam Tông chữ thánh rất khó xài, không phải trường hợp nào cũng xài chữ thánh được đâu. Bây giờ đi vào sớ giải, ở đây Đức Phật dạy rằng muốn được gọi là một vị vượt bộc lưu, nói nôm na là xứng danh một bậc thánh phải là người tối thiểu phải có khả năng làm mất đi được phàm tánh của mình, chẳng hạn như vị Sơ quả Tu-đà-hoàn, vị này không còn khả năng luân hồi nhiều hơn bảy kiếp. Các vị cứ tưởng tượng dòng luân hồi thăm thẳm, “tiền tiền vô thỉ, hậu hậu vô chung”, xét về trước không biết bắt đầu từ hồi nào, nhìn về sau không biết kết thúc ở điểm nào. Đức Phật từng dạy: Này các tỳ kheo nếu lấy tất cả cây cối trên hành tinh này, chẻ nhỏ thành từng que, số cây trên hành tinh này có thể hết đi nhưng số lần ai đó làm cha làm mẹ kể không hết. Ngài từng dạy máu lệ đổ ra trong luân hồi nhiều hơn nước trong bốn biển hôm nay bởi vì dòng luân hồi dài lắm.

I. Năm hạ phần kiết sử (Olambhāgiyāsam-yoyanā)

Muốn vượt khỏi bộc lưu, để được gọi là hiền thánh đúng nghĩa thì năm pháp cần phải vượt qua, cắt đứt, đó là năm hạ phần kiết sử. ‘Oram’ là ‘bên dưới’, ‘hạ liệt’, ‘uddham’ là ‘ở trên’, ‘kamadhatu’: ‘dục giới’. Năm hạ phần kiết sử gồm có: thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái, và sân.

1. Thân kiến (ahankara – chấp là tôi, mamankara – chấp là của tôi): cái nhận thức sai lầm cho rằng là đây là tôi, đây là của tôi – ngã và ngã sở.

Nói chuyên môn một chút, tôi có sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, 5 uẩn đó là tôi và tôi có danh sắc đó; mắt mũi tai này là của tôi và tôi chính là mắt mũi đó. Có lần Đức Phật đến thăm một vị tỳ kheo, Ngài hỏi có đau đớn lắm không, vị tỳ kheo đó đáp: Bạch Thế Tôn, đau đớn đến nỗi con nghĩ là chết tốt hơn là tiếp tục sống mà chịu đựng nỗi đau đó. Đức Phật dạy rằng: Trước mắt ngươi đừng nghĩ rằng cơn đau đó là của tôi, tôi chính là cơn đau đó, danh là danh và sắc là sắc, cả danh lẫn sắc đó không phải là ngươi, cái mà ngươi vẫn nghĩ rằng nhiều đời nhiều kiếp đây là tôi đây là của tôi là một thứ ngộ nhận. Đối với tôi, đây là một cách cầu an tuyệt vời bậc nhất dành cho người đang bịnh. Ngài từng dạy rằng hãy tâm niệm dù có bị xơ gan, bị ung thư, bị ruột thừa, bị cái gì đi nữa thì cũng đừng để tâm bịnh, đừng để tâm mình cuốn vào trong đó. Có thể nói rằng thân kiến chính là gốc của sanh tử, một vị Tu-đà-hoàn khi không còn thân kiến nữa thì khả năng sinh tử của vị này bị cắt đứt, chỉ còn tái sanh nhiều lắm là trong vài kiếp nữa bằng cái trớn (quán tính).

2. Hoài nghi: Sự hoang mang nghi hoặc không biết tôi là ai, ở đâu tôi tới, tôi sẽ đi về đâu, và bây giờ tôi nên làm cái gì. Đó là một thứ phiền não, là con đẻ của thân kiến.

Khi chúng ta còn khỏe, còn trẻ, chúng ta theo đạo Hồi, đạo Phật, đạo Chúa và trọn vẹn niềm tin. Khi không có đau bệnh nặng, không mất mát, không chịu cảnh sinh ly tử biệt, khi đang giàu có, quyền lực, thì mình hết lòng tin Chúa, tin Phật, và hết lòng tin vào lý tưởng chính trị này, lãnh tụ chính trị kia, nhưng một khi chúng ta bị đau bệnh nặng hoặc đối diện với nỗi khổ nào quá lớn thì đâm ra bàng hoàng hoang mang. Từ bàng hoàng chuyển qua hoang mang chỉ một giây thôi. Mình không biết mình là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu. “Trời ơi là trời, tôi làm cái gì mà chồng tôi/vợ tôi đối xử với tôi như vậy. Trời ơi là trời, tôi có ăn ở thất đức gì đâu mà cha mẹ tôi, con cái tôi, lìa bỏ tôi. Tôi có ác đức, có làm cái gì đâu mà bị lừa đảo, thân bại danh liệt thế này”. Khi khổ quá mình không biết phải làm gì. Khi vui vẻ thì mình có vẻ hạnh phúc lắm và dễ dàng có thứ hạnh phúc thơ ngây, nhưng khi đối diện với nỗi khổ niềm đau lớn quá lúc đó mình mới nhận ra một điều là mình biết về mình quá ít. Chẳng hạn như giáo sư Rhys Davids, một học giả nghiên cứu về Phật học Pāḷi và cũng là con chim đầu đàn của Hiệp hội The Pāḷi Text Society. Vị này khi còn khỏe mạnh dành hết thời gian, công sức, tiền bạc để nghiên cứu Phật pháp đùng một cái đứa con trai yêu quý qua đời, vị này bất mãn vì sao mình đã dành cuộc đời cho Phật pháp mà bị đại họa lớn như vậy, vị đó chuyển qua Thông thiên học. Thông thiên học là một giáo phái coi nặng Đức Phật Di Lạc, trong đời không gặp được Đức Phật Thích Ca thì dốc lòng dốc sức để gieo duyên lành chờ gặp đức Phật ra đời tựa như Cao Đài, Hòa Hảo Việt Nam chờ hội Long Hoa, chờ Thánh vương ra đời.

Tôi nhớ một câu chuyện thế này, có một anh chàng bị bệnh tâm thần, cứ tưởng mình là một hạt thóc, nhìn thấy con gà nào cũng cuống quít lên chạy trốn. Anh đi chữa bệnh bằng phân tâm học, và sau một thời gian điều trị, tình trạng đã có vẻ khả quan. Khi chia tay bác sĩ, anh nói với một giọng quả quyết: “Bác sĩ cứ yên tâm, tôi khỏi bệnh rồi. Tôi là một con người, không phải là một hạt thóc”. Nhưng chỉ vài phút sau, anh hối hả chạy trở về phòng mạch, mặt cắt không còn hột máu. “Con gà… con gà nó đuổi tôi”, anh lắp bắp. “Sao vậy?”Người bác sĩ ngạc nhiên. “Anh khỏi rồi mà. Anh đâu phải là hạt thóc” –“Vâng”, anh chàng buồn bã trả lời. “Vẫn biết tôi không phải là hạt thóc, nhưng khốn nỗi con gà nó vẫn tưởng tôi là hạt thóc…”. Với nhiều người đó là câu chuyện cười nhưng với tôi đó là một câu chuyện rất là minh triết, minh họa cho cái gọi là phàm phu của chúng ta. Trước khi biết Phật pháp, chúng ta nghĩ rằng đây là tôi, đây là của tôi. Khi ai đó nói gì đó làm gì đó mà chúng ta thấy họ xúc phạm mình, làm tổn thương mình, làm cho mình bị sốc, bị đau khổ mình ngủ không được, hoặc khi ai đó khen tặng mình khi mình được danh dự, quyền lực, chức vụ nào đó mình sung sướng ngủ cũng không được, trong những trường hợp đó chúng ta bị cuốn hút mãnh liệt ghê lắm. Nhưng đến khi mình biết đạo rồi, mình thấy cái gì cũng là đồ giả thôi. Khổ thay, mình chưa cắt bỏ 5 hạ phần kiết sử, có nghĩa là thân kiến vẫn còn nguyên đó, hoài nghi vẫn còn nguyên đó, cho nên học cho vui vậy thôi, miệng nói như con nhồng con sáo con cưỡng vậy thôi, chớ khi mình bị ai đó nói hay bày tỏ biểu lộ cử chỉ mình cho là xúc phạm làm tổn thương mình thì phải nói mình chịu không nổi còn khi cuộc đời khen tặng vinh danh thì sung sướng mất ngủ. Thân kiến hoài nghi vẫn còn đó y hệt như anh thanh niên nói trên, lúc đầu anh ta tưởng mình là hạt thóc sau không biết mình không phải hạt thóc nhưng lại sợ mấy con gà không biết điều đó, có nghĩa là cái biết của ảnh có vấn đề. Có nhiều Phật tử học được 3 mớ Vi diệu pháp, dự vài ba khóa thiền rồi cảm thấy mình cao siêu rồi từ đó sinh kiêu ngạo. Trong số những người tôi quen có số người bị tâm bịnh mà chỉ có trời cứu thôi. Họ đam mê Phật pháp, họ nghiên cứu Kinh Tạng, không từng biết Vi diệu pháp, mà chỉ bỏ thời gian nghiên cứu Kinh Tạng thôi. Nhìn qua không thấy ai nghiên cứu như họ, như vậy họ là độc tôn rồi. Điều đáng tiếc và đáng buồn là khi mình chấp đây là tôi, đây là của tôi đã đành rồi mà còn có cái bậy thê thảm hơn nữa là biết đạo rồi thì mình vẫn tiếp tục chấp mà chấp theo kiểu khác. Ngày xưa mình chấp đây là danh của tôi, đây là lợi của tôi, đây là vợ con chồng con của tôi, đây là nhà cửa của tôi còn bây giờ biết đạo rồi mình chấp thủ đây là kiến thức của tôi đây là cái đạo hạnh của tôi đây là trí tuệ của tôi đây là thiền Quán thiền Chỉ của tôi…

Nếu mình có cái nghi hoặc ở mình thì mình cũng sẽ nghi hoặc ở người khác và nghi hoặc cả cuộc đời này. Cái nghi hoặc đó quan trọng lắm, nếu mình biết rõ tất cả chỉ là chừng đó những thành tố do duyên mà có, do duyên mà mất và mọi thứ đang chờ vô thường đang chờ bị biến hoại, nếu hiểu đúng như vậy thì ổn rồi. Nếu chúng ta còn có gút mắc nào đó đối với cuộc đời, đối với những người mình thương, đối với những người mình ghét, đối với những người mình tôn trọng và đối với những người mình coi thường thì rõ ràng chúng ta còn nhiều vấn đề lắm. Nếu chúng ta có cái nhìn của bậc thánh thì đơn giản lắm, nó chỉ là nó, không thêm bớt, không vẽ vời tô điểm, không suy diễn, không suy luận.

3. Giới cấm thủ: Sự tuân thủ những giáo điều/ tín điều nằm ngoài Bát chánh đạo, hướng tới cứu cánh giải thoát không phải Niết bàn.

Khi mình không biết rõ mình là ai, mình là cái gì ở đâu mình tới, sẽ đi về đâu thì sẽ dẫn đến hệ lụy thứ ba đó là những khi mình thấy mình khổ quá, cô đơn hiu quạnh quá thì mình rất dễ dàng tìm đến chỗ nương tinh thần nào đó nằm ngoài tinh thần của Bát chánh đạo. Đức Phật gọi cái sự tùy miên và bất cẩn đó là giới cấm thủ, ví dụ như hành trì và tuân thủ những tín điều lạ lùng như thờ ông Tư bà Tám, đạo nước nóng nước lạnh…hoặc khổ hạnh như bên Ấn Độ không mặc áo quần gì hết, lấy phân bò trét lên người, cả ngày treo chân, chỏng đầu v.v…, với ý mong được thanh tịnh hơn, mai mốt sẽ được về trời hoặc về cảnh giới thiên đàng nào đó, hoặc như bên Hồi Giáo họ tin nếu họ chết vì đạo thì về trời và mỗi đàn ông được 47 cô tiên đẹp tuyệt vời, mà tôi nghĩ trên đó họ không còn trùm mặt nữa, vì trùm thì còn gì đẹp nữa, chung quanh thì lúc nào cũng có dòng sông đầy rượu. Quí vị nghĩ xem thiên đường mà chỉ toàn gái đẹp và rượu thì làm sao mà mấy ông ôm bom tự sát lại không khoái, dù lúc còn sống ở cõi người thì đạo Hồi cấm tín đồ uống rượu, sa đọa, trác táng bê tha, nhưng phần thưởng lại hứa hẹn như vậy đó. Rồi cứ tin như vậy mà mỗi ngày năm lần hướng về thánh địa Mecca cầu nguyện. Mỗi một năm có một tháng Ramadan, nhịn ăn một ngày, chỉ ăn trở lại sau khi mặt trời lặn. Đó gọi là Giới cấm thủ.

4. Dục ái: niềm đam mê chấp thủ trong 5 cảnh dục gồm: cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị và cảnh xúc. Cảnh sắc là những gì mình thấy, cảnh thinh là những gì mình nghe, cảnh khí là những gì mình ngửi bằng mũi, cảnh vị là những gì mình nếm bằng lưỡi, cảnh xúc là những gì mình biết được bằng xúc giác, sờ chạm. Một vị Phạm thiên Sắc giới họ không còn thích năm cảnh này nữa, mắt tai của họ chỉ dùng để nhìn nghe những gì cần thiết. Cặp mắt chúng ta là điều kiện sinh học cần thiết để mình sinh tồn và là phương tiện để mình hưởng thụ đời sống; có rất nhiều niềm vui của mình có được từ những cái mình thấy nhưng trên cõi Phạm thiên thì không. Tuy nhiên chỉ những ai đắc thiền về cõi Sắc giới, trong thời gian còn sống trên đó thì họ không thích năm cảnh dục nhưng khi hết tuổi thọ trở về cõi dục rồi thì “con đường xưa em đi”, mọi thứ lặp lại như cũ. Các cõi Phạm thiên, cõi Dục Thiên giống y chang như căn phòng máy lạnh ở xứ nhiệt đới vậy đó, giữa khi mọi người nóng bức thì mình sung sướng trong phòng máy lạnh, nhưng hạn chế khi mình còn ở trong phòng đó thôi. Khi cúp điện hoặc tắt thì không còn mát nữa. Các cõi trời Dục Thiên hay Phạm thiên cũng chỉ là trạm dừng chân rất là ngắn hạn so với dòng luân hồi nhiều lắm là vài chục đại kiếp, các cõi Dục Thiên thì vài triệu năm, vài tỷ năm, cõi Tha Hóa Tự Tại của Ma vương chỉ có 9 tỉ rưỡi năm. Chỉ có vị thánh Tam quả A-na-hàm vĩnh viễn từ bỏ dục ái. Vị Tu-đà-hoàn còn có lúc thích này thích kia, bất mãn này bất mãn nọ ra mặt, nhưng đối với vị Tư-đà-hàm – Nhị quả thì sự bực mình ít đi nhiều lắm; sự thích thú trong cảnh dục ít đi nhiều lắm, vị Tu-đà-hoàn đã ít rồi vị Tư-đà-hàm ít hơn nữa. Vị Tư-đà-hàm dục ái còn ít vì họ đã chấm dứt thân kiến rồi.

5. Sân là sự bất mãn trong hoặc ngoài cảnh dục.Ví dụ khi hành thiền, mình phóng tâm hoài không tập trung được, cảm thấy bực mình; hoặc buồn vì sao mình ngu quá học hoài không hiểu đó cũng là sân, cái sân này không thuộc về cảnh dục mà là cảnh pháp. Có những người đi Ấn Độ đến Kusinārā nhìn thấy bức tượng Đức Phật nằm, họ biết đây chính là nơi Đức Phật viên tịch và là chỗ cuối cùng mà Ngài có mặt trên hành tinh này, nhiều người chịu không nổi, họ khóc. Tôi nghe người đi Ấn Độ về kể lại là không có ngày nào mà trong ngôi đền ở Kusinārā không có người khóc. Trong không khí đó, người ta có cảm giác Đức Phật vừa mới ra đi mà thôi. Trong bối cảnh đó, họ thấy rằng mình rất là gần với Đức Phật, một Bậc đại giác cái gì cũng biết, ai Ngài cũng thương, đức lành nào Ngài cũng có, ấy vậy mà người ấy lìa bỏ mình mà đi, nghĩ tới điều đó mà người ta không cầm được nước mắt. Trường hợp đó gọi là sân ngoài cảnh dục.

Hai phiền não Dục ái và Sân thì phải đợi đến A-na-hàm mới chấm dứt được. Dục ái và sân đi một cặp với nhau. Chỉ có ở cõi Dục mới có dục ái, chỉ có ở cõi Dục mới có sân, là bởi vì ở trong cảnh giới thiền như Sắc và Vô sắc cái niềm vui do thiền định đem lại nó không bất trắc, không phức tạp như niềm vui có được từ 5 cảnh dục. Đó là lý do tại sao Dục ái và Sân đi một cặp, hễ có dục ái là dứt khoát có sân, mà thấy sân lảng vảng ở đâu là biết dục ái đang phảng phất ở đó. Ở cõi Dục có những cái mình nhìn mình thích, và có cái làm mình bực mình; âm thanh, mùi vị cũng vậy. Người nào thích cảnh dục, dứt khoát người đó còn tâm sân. Cảnh Dục là như vậy, lúc vầy lúc khác. Riêng cảnh thiền thì không như vậy, ví dụ, bây giờ 6 giờ sáng ngày 15 tháng Ba, tôi nhập sơ thiền bốn tiếng đồng hồ rồi tôi xả, rồi trở lại đời sống bình thường. Hai ngày sau tôi nhập trở vô sơ thiền bốn tiếng đồng hồ thì hễ mỗi lần tôi nhập sơ thiền cái cảm giác giống hệt nhau và không bao giờ có sự nhàm chán, thừa mứa. Niềm an lạc do thiền đem lại luôn luôn là vậy lúc nào cũng giống nhau hết. Hạnh phúc do năm dục đem lại không phải như vậy. Có cảnh dục trước đây hấp dẫn nhưng sau đó lại làm cho ta bực mình. Cảnh dục luôn luôn bất trắc là vì một đóa hoa đang đẹp sẽ héo đi, một bóng dáng ngày xưa mình từng mất ngủ vì lấy không được hôm nay mình mất ngủ vì bỏ không được. Ở đâu có dục ái ở đó có sân vì dục ái là niềm đam mê rất là thô thiển và cảnh giới đam mê đó vốn đầy bất trắc vậy nên nếu mình còn thích trong cái thô thiển thì còn đối diện với cái bất trắc của nó. Vị A-na-hàm thì không còn thích cảnh dục nữa, vì vậy vị này không còn sân tâm nữa. Người nào trong đời sống còn nhiều đam mê vớ vẩn thì còn bực mình vớ vẩnĐời sống càng đơn giản thì nội tâm càng bớt rắc rối.

 

Trong bài kinh này Đức Phật dạy, muốn được gọi là một bậc hiền thánh, một bậc vượt khỏi bộc lưu thì việc đầu tiên là phải cắt bỏ năm hạ phần kiết sử này. Trong bài kinh này Đức Phật dạy, muốn được gọi là một bậc hiền thánh, một bậc vượt khỏi bộc lưu thì việc đầu tiên là phải cắt bỏ năm hạ phần kiết sử này. Năm hạ phần kiết sử là năm vấn đề phải cắt bỏ bằng trí Tam quả. Kiết sử (1), (2) (3) chỉ được cắt bỏ bằng trí tuệ sơ đạo của vị Tu-đà-hoàn. Kiết sử (4) (5) chỉ được cắt bỏ bằng trí tuệ Tam quả A-na-hàm.

Năm pháp cần phải cắt bỏ(cắt bỏ: (cắt bỏ: chindati) là năm hạ phần kiết sử (Olambhāgiyāsamyoyanā). . Năm pháp cần phải từ bỏ (từ bỏ: (từ bỏ: jaheti): 5 thượng phần kiết sử (uddhambhāgiyāsamyoyanā), đó là sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, phóng dật và vô minh.

Chỉ cần học cho kỹ 10 bài kinh đầu tiên bằng chú giải là đã có căn bản giáo lý. Đây là lý do tại sao chúng ta phải có lớp học này. Phật tử phải được học những cái này. Năm hạ phần kiết sử cần phải cắt bỏ để trở thành thánh nhân. Thánh ở đây là Sơ quả và Tam quả. Vì sao không nhắc Nhị quả? Vì kẻ nào đắc Tam quả hoặc Tam đạo thì làm sao mà sót nhị đạo được. Một chuyện vô cùng quan trọng cần nhắc lại: Tu thì không nên nghĩ mình đắc cái gì mà phải nghĩ là bỏ cái gì. Phải nghĩ làm sao mình cắt bỏ thân kiến giới cấm thủ để trở thành Tu-đà-hoàn, làm sao cắt dục ái và sân để trở thành A-na-hàm tốt hơn là nghĩ làm sao để có được trí tuệ phước báu của Tu-đà-hoàn, A-na-hàm. Kẻ nào tu hành có ý mong được cái này đắc cái kia thì rất dễ kiêu ngạo, rất dễ bị ngộ nhận. Chẳng hạn, về mặt lý thuyết mà nói, trong tiến trình tu Vipassana, các ngài phân ra tuệ thứ nhất, tuệ thứ hai, tuệ thứ ba v.v… đây chỉ là những giai đoạn tâm lý mà hành giả phải vượt qua trước khi đạt đến thánh trí. Ví dụ: Tuệ sợ hãi, khi mình theo dõi hơi thở, theo dõi danh sắc, đến một lúc nào đó mình thấy cái chết thật đơn giản, có hơi thở ra mà quên đi vô là xong, danh sắc sanh diệt liên tục như vầy nghĩa là mình phải chết liên tục và tái sanh liên tục trong từng phút. Cái thấy này là cái thấy bằng toàn bộ sự thấm thía thật sự khiến cho hành giả phải sợ. Khi cái tôi của mình bị tấn công mãnh liệt, để thấy rằng cái tôi của mình không có cốt lõi và mình hoàn toàn không có điểm tựa nào để nương tựa trao gởi niềm tin về một cái tôi, một cái nào đó của tôi – cảm giác lúc này được gọi là Tuệ sợ hãiTuệ nhàm chán là khi muốn buông thì thấy “làm cho lắm cũng mắm với dưa”, danh sắc cũng bị vô thường, đẩy về phía trước, không cách gì níu giữ, nghĩ thấy nản, tuệ đó gọi là tuệ chán nản. Tuệ chỉ là các giai đoạn tâm lý. Nói theo A-tỳ-đàm thì tuệ chỉ là tâm đại thiện dục giới. Một người không biết Phật pháp gì hết, đang theo đạo Hồi, đạo Chúa, hoặc một người vô thần không tin tôn giáo thì họ cũng có thể có tâm đại thiện, có điều tâm đại thiện đó là trí hoặc ly trí, trí của họ không có yếu tố Phật pháp trong đó. Tâm đại thiện chỉ là tâm lành, một người tu tập thiền quán nếu đủ duyên và tu đúng thì bắt buộc phải trải qua giai đoạn tâm lý này và những giai đoạn đó chỉ là tâm đại thiện hợp trí mà thôi. Có người đi trình pháp nghe thiền sư giải thích mình đang trải qua các tuệ gì thì mừng lắm rồi dòm bà con chung quanh như nhìn những con thú chỉ một mình mình là “đỉnh cao trí tuệ thôi”. Lý tưởng của đạo Phật là bỏ, là buông, là lìa xa, đằng này mình quán danh sắc cho đã rồi thấy danh sắc này hay hơn danh sắc khác, tôi thấy tôi hay vì tôi hiểu lý vô ngã hơn người khác, ở đây không ai hiểu được lý vô ngã bằng tôi, tôi là hay nhất…. Tu là để bỏ, chứ không phải đắc cái này đắc cái kia; bỏ thân kiến, bỏ hoài nghi, bỏ giới cấm thủ – tu đúng chánh pháp mà nhận thức sai lạc vẫn là giới cấm thủ. Ví dụ như đầu đà, một ngày ăn một buổi là để thiểu dục, để ly tham, để tri túc; đêm không nằm chỉ ngồi là để thiểu dục, ly tham, để có thời gian tỉnh thức thiền định, hiểu như vậy thì là hiểu đúng. Hạnh ekasanikanga (nhất tọa thực – một ngày chỉ ăn một lần, buổi sáng lỡ ăn một chén cháo là nhịn luôn tới trưa cũng không được ăn nữa) chỉ có một tác dụng duy nhất là làm cho mình thiểu dục, ly tham mà mình tưởng như là cái gì huyền bí cao siêu cũng là giới cấm thủ. Hoặc giữ giới sát sinh là vì thương chúng sinh, không muốn ai giết mình và mình không nên giết ai, nếu nghĩ giữ giới này để đi về cõi Trời nào đó cũng là giới cấm thủ. Tu là để bỏ chớ không phải để được. Nếu tu với ý để bỏ thì được nhiều cái lợi, càng tu càng thanh thản, càng thảnh thơi và rất khó mắc phải ngộ ngận tăng thượng mạn, còn nếu tu có ý để được cái này đắc cái kia thì rất dễ bị ngộ nhận và càng tu càng thấy nặng, nặng dữ lắm vì nay được cái này mai được cái kia.

II. Năm thượng phần kiết sử

1/ Sắc ái: là niềm đam mê thích thú trong ba thứ thuộc Sắc giới: thích thú trong các tầng thiền Sắc, thiền Lạc và cõi Phạm thiên Sắc giới

2/ Vô sắc ái: Thích thú đam mê trong các tầng thiền và đam mê trong sự an lạc do thiền Vô sắc đem lại. (Nói là cõi Vô sắc nhưng thật ra nó không có thật vì Phạm thiên Vô sắc không có hình tướng, vi tế hơn cả một làn khói nữa thì họ cần gì một trú xứ

3/ Ngã mạn: là sự so sánh mình với người khác. Tu-đà-hoàn chấm dứt thân kiến không còn chấp thủ rằng đây là tôi đây là của tôi nữa, nhưng vị đó còn một chút phân biệt là A hơn B, B hơn A; sự phân biệt đi kèm một chút thích thú trong đó. Vị A-la-hán thì không như vậy, vị A-la-hán không còn sự so sánh thú vị rằng A hơn B, B thua C.. các vị ấy nhìn A và B, C và F giống như nhìn bông hồng so với bông mai và bông cúc, bông nào cũng là bông không nhất thiết có sự phân biệt ở đây. Giống như khi mình là một người mẹ có một đứa con đẹp, quá ngoan, quá giỏi, quá nổi tiếng; khi đi rước con ở phi trường, nhìn quanh khi nó đi qua sẽ thấy rất khác những thanh niên khác và có cảm giác đặc biệt; nhưng nếu mình là người hàng xóm đi rước thanh niên này thì cảm giác khác. Khi có ngã mạn chen vô thì sẽ có cảm giác so sánh. Ngã mạn gồm có 3 cách phân loại:

Cách 1: Như thật mạn: (yathàvamàna) kiêu mạn nhưng căn cứ trên sự thật cộng với sự so sánh và Hư ngụy mạn: (ayathàvamàna) không dựa vào sự thật mà do mình tưởng tượng suy diễn không đúng sự thật mà vẫn ngã mạn. Vị thánh hữu học (Tam quả trở xuống) vẫn còn sót lại Như thật mạn, cũng còn so sánh.

Cách 2: Ngã mạn được chia làm ba: so sánh hơn, so sánh bằng và so sánh thua.

Cách 3: Ngã mạn được phân thành 9: (3 x 3) mình hơn người ta mà nghĩ rằng mình bằng người ta, mình hơn người ta mà nghĩ rằng mình thua người ta, mình hơn người ta và thấy rằng mình hơn người ta; mình bằng người ta mà nghĩ rằng mình hơn người ta, mình bằng người ta mà nghĩ rằng mình thua người ta, mình bằng người ta và thấy rằng mình bằng người ta; mình thua người ta mà nghĩ rằng mình hơn người ta, mình thua người ta mà nghĩ rằng mình bằng người ta, mình thua người ta và nghĩ rằng mình thua người ta. Trong 9 ngã mạn này, vị thánh hữu học còn sót lại 3, tuy không còn thân kiến nhưng còn so sánh.

Có lần đó Đức Phật đi nhập hạ trên cõi Đao Lợi, ngày ra hạ, Ngài trở về cõi Người, ngài Mục Kiền Liên biết Ngài sẽ xuống chỗ nào nên thông báo cho chư tăng Phật tử là Đức Thế Tôn sẽ trở về cõi Người ở địa điểm đó, thành Sankassa. Mọi người ngồi thấy hơi lâu nên hỏi ngài Mục Kiền Liên Thế Tôn đã rời khỏi cõi Đao Lợi chưa. Ngài Mục Kiền Liên suy nghĩ rất nhanh: Ở đây có tôn giả Anuruddha là vị đệ nhất về thiên nhãn (có khả năng nhìn 1000 vũ trụ như nhìn trái sung trong lòng bàn tay), hãy nhân dịp này để cho mọi người thấy, biết đến khả năng đặc biệt sở trường của vị này. Ngài nói: Các vị hãy đến hỏi tôn giả Anuruddha đi, đó là vị đệ nhất thiên nhãn. Rõ ràng là ngài Mục Kiền Liên không hề ngã mạn ở đây, ngài “xử việc chứ không xử người”, vì lợi ích chúng sinh mà làm, còn chúng ta thì sao, không phân biệt được cái mình thích và không phân biệt được cái mình cần, cứ cái nào thích thì lao vào, còn bậc thánh thì chỉ làm cái mình cần, mà lạ lắm, khi cùng nhau một việc sẽ thương nhau, khi cùng thích một việc sẽ ghét nhau.

4/ Phóng dật. Phóng dật là sự phiền não nhẹ nhàng của sự thiếu tập trung.

Có nhiều người cho rằng những phiền não nào mà còn dai dẳng đến quả vị A-la-hán mới trừ bỏ được thì đó là phiền não ghê gớm nhất, dai dẳng, bền bỉ nhất, còn những phiền não mà bậc thánh thấp trừ được thì đơn giản dễ trừ bỏ, suy nghĩ đó là hoàn toàn sai. Không phải những phiền não Tu-đà-hoàn trừ được là dễ đâu mà là quan trọng bậc nhất, nguy hiểm nhất, khó trừ nhất, những phiền não còn sót lại là không đáng kể, còn sót lại vì Ba-la-mật chưa đến mức chín muồi ví như gốc cây đã nhổ rồi, chỉ còn sót lại vài ba nhánh cỏ dại. Cái ngã mạn của một người không còn thân kiến thì rất nhẹ. Còn thân kiến mới là nặng, thân kiến là mẹ ruột của hoài nghi, là nguồn cội của luân hồi. Những người còn dục ái và sân, nhìn còn thấy được vì họ còn thích cái này ghét cái kia, còn với những vị không còn dục ái và sân thì không thể nhìn mà biết được trong lòng họ nghĩ gì, nên khi mình nhìn vị A-na-hàm và A-la-hán mình không thể phân biệt được, những gì còn sót lại trong lòng vị A-na-hàm chỉ là vài cọng cỏ dại, cái định của vị này chưa chín muồi 100%, khi nào ra khỏi định thì tâm còn lan man một chút. Nên nhớ là phóng dật của chúng ta còn đầy chất ngất, là một cánh đồng lúa cò bay thẳng cánh, còn phóng dật của vị A-na-hàm thì như những hạt cơm còn dính sót lại trong chén.

5/ Vô minh. (Xem lại bốn thứ vô minh trong bài Bộc Lưu). Được gọi là thánh nhân là phải thấy rõ Bốn đế, giây phút nào ta chưa là A-la-hán thì cái thấy của ta về Bốn đế còn khiếm khuyết, cái thấy của ta còn khiếm khuyết là còn vô minh trong Bốn đế. Ở trong bộ Atthasālinī, Sớ giải bộ Pháp Tụ có cho một ví dụ thế này: Một người đang đi trong bóng đêm mịt mù bỗng nhìn thấy một tia chớp lóe lên trong bầu trời đêm và nhờ ánh sáng của tia chớp đó người khách bộ hành này đã kịp nhìn thấy trước mặt mình có nhà cửa, hồ nước, lâu đài hay là vực thẳm, kịp nhìn thấy có thể đi được nữa hay không hay là vực thẳm trước mặt. Sau khi tia chớp tắt rồi, người này có nhận thức rõ ràng có gì phía trước mặt mình, so với người mù so với người không thấy tia chớp, nhưng vì tia chớp quá nhanh nên người này chỉ có khái niệm, có nhận thức như vậy và vẫn tiếp tục đi trong bóng đêm, đây là ví dụ cho vị Tu-đà-hoàn. Vị Tư-đà-hàm giống như người khách bộ hành đó nhìn về phía trước nhưng trời chớp lên lần thứ hai. Khi trời chớp lên lần thứ hai thì nhận thức của vị này về con đường phía trước rõ hơn nữa. Vị A-na-hàm thì được nhìn thấy giống như trời chớp thêm một lần thứ ba. Đối với vị A-la-hán thì trời đã sáng hẳn, trời sáng hẳn rồi không cần chớp nữa. Đó là lý do vị A-na-hàm vẫn còn vô minh, vì Ba-la-mật chưa có tới. Và nhận thức về Bốn đế của vị này vẫn còn một chút gì đó. A-na-hàm chỉ trừ dục ái và sân, vị này vẫn còn thích trong Sắc và Vô sắc ái, còn một chút thích như vậy đó nghĩa là cái biết của vị này còn chút vấn đề. Sở dĩ A-na-hàm còn vô minh vì vị ấy còn thích trong ái và Vô sắc ái, vậy là còn một chút vô minh trong khổ đế và như thế sẽ còn một chút vô minh trong tập đế và như vậy cũng còn một chút vô minh trong diệt đế và tất nhiên là sẽ còn chút vô minh trong đạo đế. Ví dụ như nói hút thuốc là không tốt mà nếu người nào đó còn hút thuốc, nghĩa là trong cái biết của họ về tác hại của thuốc, về khí quản, hô hấp không rành, còn chút nghi nghi và họ không vượt qua được.

III. Năm quyền

Để trở thành một vị thánh nhân Thế Tôn dạy “Phải cắt đoạn đến năm: hạ phần kiết sử; Phải từ bỏ đến năm thượng phần kiết sử và Tu tập thêm năm pháp”. Năm pháp cần tu tập là năm quyềnTín, tấn, niệm, định, tuệ.

Tín là niềm tin. Cái này mà giảng cho đúng ý của tôi thì phải giảng đến 9 giờ (hai tiếng đồng hồ) nhưng thôi tôi phải giảng sơ sơ, cắt ngang ở đây thì lòng không yên, lỡ như tôi mệnh chung hay quí vị mệnh chung… Đức Phật nói có 3 điều làm cho người ta chết không nhắm mắt: làm quá nhiều điều ác, làm quá ít điều lành, và còn có cái gì đó dang dở.

Trong room có người hỏi “Tại sao gọi là bất động hành?”, chữ ‘bất động’ này trong chú giải giải thích, không có gì đặc biệt, ‘bất động’ ở đây có nghĩa là so với Dục, so với Sắc thì thiền Vô sắc được xem là an toàn hơn, bởi vì Dục giới liên hệ với Sắc đã đành rồi mà Sắc giới cũng còn ít nhiều liên hệ với Dục bởi vì cũng còn có hình danh sắc tướng. Ví dụ mình muốn tu đề mục đất, hay đề mục hơi thở, muốn sanh về Phạm thiên thì mình tu 31 đề mục. Phần lớn đề mục Sắc giới còn dính líu tới vật chất, cái gì dính tới vật chất thì còn chút gì đó mong manh bất trắc. Còn riêng Phạm thiên vô sắc thì tuyệt đối không còn gì gọi là vật chất hay sắc pháp nữa, họ không còn bất cứ tổn thương nào về vật chất, chỉ còn tâm không thôi; vị đó có thể toàn tâm toàn ý sống trong cảnh giới thiền định của mình mà tuyệt đối không gì có thể can thiệp vào được. Ví dụ, đối với Phạm thiên Sắc giới, họ có thể gặp Đức Phật và Đức Phật còn có thể gặp họ, riêng Phạm thiên Vô sắc thì đến cả Đức Phật cũng không nhìn thấy, Ngài chỉ biết các vị đó có tồn tại chứ không nhìn thấy, lý do là họ có cái gì đâu để nhìn. Nên nói đến an toàn tuyệt đối trong Tam giới là chỉ có cõi Vô sắc thôi, đó là lý do vì sao nói là bất động (aneñja).

1. Tín quyền: Đức tin. Niềm tin vào Tam Bảo, thầy bạn, pháp môn.

Tin Phật: là tin rằng có một người trước đây giống y như mình một ngày kia thấy đời là khổ bỗng khởi đại bi đại trí, phát nguyện trở thành một người giúp đỡ cho kẻ khác. Kể từ ngày đó người ấy huân tập tu hành vô lượng công đức trải qua vô lượng kiếp, tu tập vô lượng pháp lành đến một ngày người ấy trở thành vị Chánh Đẳng Chánh Giác thuyết giảng chánh pháp cứu độ chúng sinh.

Tin Pháp: Pháp không phải là những công trình tác phẩm do chư Phật tạo ra. Pháp những công thức trong vũ trụ được Đức Phật đem ra soi sáng cho chúng ta thấy, dù Như Lai có ra đời hay không thì ai tu đúng Bát Chánh Đạo cũng thành thánh nhân, cuộc đời này cũng vô thường vô ngã… Chánh pháp có điều đặc biệt, mình đọc mỗi ngày câu này quí vị có nhớ không: Svākkhāto bhagavato dhammo sanditthiko akāliko ehipassiko opanayiko paccattam veditabbo viññūhīti.[1]Chữ ehipassiko rất là đặc biệt. Ehipassikocó nghĩa là thách thức mọi thử nghiệm, ai nghi ngờ cứ suy tư, tìm hiểu. Ehi là tới đây, passiko là nhìn thấy. Akalikolà vượt ngoài khái niệm thời gian. Phật pháp là con đường duy nhất mà Bậc đạo sư kêu gọi mọi người hãy biết nghi hoặc con đường dưới chân của mình, đừng tin điều gì đó mà chỉ vì nghe người ta nói đây là lời dạy của Thế Tôn. Trong một bài viết tôi có nói, chúng ta đừng giống như những con cá lia thia lớn lên trong một chậu kiếng rồi e ngại tự do, không dám suy tư, không dám nghi ngờ không gian xung quanh mình. Con cá như vậy đã đành, con người mình được sinh ra tự do thoải mái càng không nên để cho ý thức chính trị văn hóa tôn giáo nào đó ràng buộc mình.

Tin tăng là thế nào? Có người nghĩ qui y tăng là qui y những vị cạo đầu đắp y xuất gia trong chùa trong miểu. Đó là cách hiểu vô cùng nguy hiểm, vì nếu một ngày nào đó mình bất mãn với cá nhân một vị tăng nào đó thì Tăng trong lòng mình không còn đẹp nữa, khi đó Phật đâu còn nữa, Pháp thì trừu tượng. Theo sớ giải giải thích: Tăng là những thánh nhân từ Sơ đạo trở lên đến A-la-hán, gọi là tăng bất tử, tăng bất hoại. Thánh nhân ở đây bao gồm nam phụ lão ấu, tăng tục, miễn họ là thánh nhân. Một phàm tăng thì còn có thể phạm giới, hoàn tục, kiếp sau sanh ra không còn là tăng nữa, tăng đó không phải là tăng bất hoại, tăng bất tử. Một vị đắc A-la-hán thì dù có gì đi nữa, vị đó vẫn là A-la-hán; vị Tu-đà-hoàn cũng vậy.

Sabrahmachari: thầy, bạn (HT Minh Châu dịch là đồng phạm hạnh). Sa: cùng với, giống chữ co-(chung, cùng, cộng với), co+ pan: người chia sẻ miếng bánh mì với mình; companioncoexit … Mitta là bạn bè, metta là từ mẫn, metta là người có tâm từ, mittalà tâm trạng của bạn bè đối với nhau. Trong trang namtong.org, tôi có mấy bài viết so sánh những điểm tương đồng giữa tiếng Pāḷi với tiếng khác. Ví dụ trong tiếng Pháp, câu hỏi bắt đầu bằng Q (Que, Quand, Qu’est. Qui), trong tiếng Anh, bắt đầu bằng chữ W (who, what, where, why, when), trong tiếng Pāḷi là chữ K (Kuhim = ở đâu. Ko = who, Kim = what), Đức (wie, wenn).

Niềm tin nơi thầy bạn là không bất mãn, không nghi ngờ thầy bạn về giới luật, tri kiến, đạo tình. Xem kinh Tâm Hoang Vu (Cetokhilasutta), Trung Bộ Kinh phần đầu. Khi tu mà bất mãn về Tam Bảo, thầy bạn, pháp môn thì không đi xa được. Hiểu đúng mới tin đúng. Riêng chuyện hình thức thôi thì Tàu làm tranh tượng khác người Việt, tranh tượng Phật của Tàu có tướng của người giàu có. Thái Lan thì Phật phải có cơ bắp, chữ V, Việt Nam thì nhìn cải lương, tay chân không cân đối. Mỗi tướng tốt của Đức Phật có được từ một đức lành, tu vô số kiếp về một cái hạnh nào đó mới được cái tướng đó. Ba mươi hai đại nhân tướng là từ một núi công đức mới được vậy. Nếu mình thờ Phật thì phải hiểu những công đức mà Ngài đã làm đã hình thành nên những nét đẹp của Ngài, xem bài Tướng Kinh (Lakkhana Sutta), Trường Bộ kinh để biết tướng gì do phước gì. Cố ý tránh không nói chuyện “bà tám” là được công đức rất lớn, bỏ được thói quen “bà tám” thì đời đời sinh ra cái gì cũng hơn người ta.

Tin pháp môn là sau khi nghiên cứu kỹ thì mình chọn pháp môn để tin.

2. Tấn quyền: Nỗ lực trừ cái ác chưa có (1), nỗ lực trừ cái ác đang có (2), nỗ lực tu cái thiện chưa có (3), nỗ lực giữ lại thiện pháp đã có (4). Ví dụ, thấy Phật pháp mình còn có nhiều chỗ dốt chưa biết, phải ráng học, đó gọi là tinh tấn thứ (3). Tôi thấy tính tôi nóng, tôi muốn bỏ cái tính này: (1) và (2). Để đối trị với một tật xấu, cần (1) và (2). Chỉ nghĩ “sao tôi có cái tật gì kỳ vậy ta” là đã có tấn quyền rồi.

3. Niệm. Tấn không đi một mình được, cần phải có trí, có tín, có niệm, nếu không có niệm làm sao biết mình có tật xấu. Tín, tấn, niệm, định, tuệ phải đi chung với nhau, thiếu trí, thiếu niềm tin thì không thể tấn được…

4. Định:

Sát na định (khanikasamadhi) là khả năng tập trung chớp nhoáng ngắn hạn (đang lái xe, vẽ hình, nấu ăn). Có thể lắp ghép sát na định nhiều lần để ngồi trong nhiều tiếng đồng hồ

Kiên cố định (Appanasamadhi) là khả năng định tâm của người chứng đắc thiền.

Cận định (Upacarasamadhi) cố tình trau dồi định tâm bằng một đề mục nào đó mới có thể đạt tới cận định, đây là giai đoạn sửa soạn để bước vào sơ thiền. Với cận định này mình có thể ngồi trong nhiều giờ đồng hồ sung sướng hạnh phúc an lạc không đau nhức gì hết. Ngày xưa ở VN có một nhân vật tôi thương quý vô cùng, đó là thầy Ấn Minh, thầy có thể ngồi nhiều ngày không ăn uống không đói khát hay tiêu tiểu gì hết, sau đó do hoán duyên thầy hành trì theo hình thức khác. Đó là nhân chứng sống về định. Mỗi tầng thiền đều có cận định, đối với người đại căn đại duyên thì giai đoạn sửa soạn này không có.

5. Tuệ: Khả năng nhận biết đó là cái gì, (biết đây là thiện hay là ác, là danh hay là sắc…), biết rõ nó vận hành ra sao (tam tướng, nhân quả…)

IV. Vượt qua 5 trói buộc

Vượt qua: atikkanta, trói buộc: sango. Bên Bắc Tông có một vị luận sư tên Asanga (Vô Trước) nghĩa là không dính mắc; còn nickname của tôi là Osanganghĩa là… “Ở sân ga”.

 

Năm trói buộc là: Ái nhiễm (ragasanga), Sân hận (dohasanga), si mê (mohasanga) ngã mạn (manasanga), tà kiến (ditthisanga).

Có lúc Đức Phật gọi ‘tham ái’ là raga, vì động từ ragajati là ‘nhuộm màu’, nhiễm là ‘nhuộm’; có lúc Ngài gọi ‘tham ái’ là tanha (Pāḷi), nghĩa là khát nước, tiếng Skt: thishna = thirsty (na ná nhau cho dễ nhớ). (na ná nhau cho dễ nhớ). Tham ái là thích trong 3 ái. là thích trong 3 ái. Sân là sự bất mãn trong và ngoài cảnh dục. là sự bất mãn trong và ngoài cảnh dục. Sigồm si hoài nghi, si phóng dật, phóng dật ở đây là thiếu khả năng định tâm, riêng hoài nghi ở đây là vô minh trong 4 đế. gồm si hoài nghi, si phóng dật, phóng dật ở đây là thiếu khả năng định tâm, riêng hoài nghi ở đây là vô minh trong 4 đế. Mạn có 3 cách..[2]; ; Tà kiến, nói rộng có 62, kể gọn chỉ có 2: đoạn kiến là phủ nhận cái gì mình không chứng minh được bằng khả năng bản thân như chuyện tái sinh, nghiệp lý, các cảnh giới, sự chứng đắc; thường kiến là tin vào một cái gì thuộc ngã, mà không biết gì về cấu trúc lắp ráp và tùy duyên của vạn hữu (tin vào cõi thiên đường, cực lạc, tin vào cái tôi nào đó, tin vào linh hồn…). Ví dụ Bà La Môn giáo tin tâm thức như con chim, thân xác như cái lồng, thân xác già bịnh chết giống như cái lồng chim bị hư nhưng thần thức, linh hồn sẽ như con chim bay qua chiếc lồng khác, lồng hư nhưng con chim vẫn còn. Theo A-tỳ-đàm thì không có chuyện đó. Mọi thứ là sát na trước diệt nhường chỗ cho sát na sau. Dầu là về danh hay là về sắc, đó là một tiến trình trôi chảy liên tục, cái sau có được từ sức đẩy của cái trước. Nói về nhân quả thì trái xoài này được tạo ra từ (hột) trái xoài trước nhưng không phải là trái xoài trước và không có trái xoài nào tồn tại quá 3 tháng. Hôm nay mình làm thiện làm ác, thì cái thiện ác hôm nay sẽ tạo ra thức tái sinh trong kiếp sau mình làm con này con kia; con đó được tạo ra bởi tâm thiện của đời này nhưng nó không phải là mình bây giờ. Ví dụ mình trở lại làm người con gái y hệt như bây giờ, người con gái đó đẹp xấu, giỏi dở, giàu nghèo, sang hèn, trí ngu thì những điều đó đều do đời này mình tạo nhưng người con gái đó không phải là người con gái của bây giờ mà người con gái đó là kết quả của những gì mà người con gái bây giờ đang làm ra. Không có cái gì đi từ đời này sang kiếp khác, ví dụ nói đi đầu thai là trật, không hề có chuyện đi đầu thai bởi vì tâm này mất thì sẽ xuất hiện tâm tái sanh để mình có mặt ở chỗ khác, không bao giờ có chuyện có cái gì đi từ điểm A qua điểm B hết. Đó là tinh thần của Phật giáo Nguyên Thủy.

[1] “Pháp của đức Thế Tôn đã khéo được thuyết giảng, hoàn toàn hiển nhiên, không bị chi phối bởi thời gian, hãy đến và hãy thấy, có khả năng dẫn dắt về hướng (Niết-bàn), và nên được hiểu biết tự cá nhân bởi các bậc trí tuệ.”

[2] Xem Ái, Sân, Si, Mạn… ở phần bài trước

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app