Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 – Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên – Phẩm Đại Phẩm

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Phẩm Đại Phẩm

NỘI XÚC (tt)

Trở lại bài kinh Nội Xúc (Sammasanasutta).

“Antaraṃ sammasanti abbhantaraṃ paccayasammasanaṃ”

Chữ mà HT Minh Châu dịch là ‘nội xúc’ thật ra là “sự quán sát Duyên khởi theo cách giữa chừng”. Chữ ‘nội xúc’ ở đây là “Antaraṃ sammasanti”, tôi nghĩ ở đây có sự nhầm lẫn, bởi vì chữ ‘Sammasana’ có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa là ‘sự sờ chạm’. Nhưng trong chú giải có nói rõ ràng là sự quán sát năm uẩn theo cách giữa chừng. Thông thường thì bắt đầu là vô minh duyên hành, hành duyên thức, nhưng cách này thì không bắt đầu từ vô minh mà từ một chỗ khác, mà bắt đầu từ Ái, bắt đầu từ Xúc, trường hợp đó gọi là “antaraṃ sammasana”. Chú giải giải thích thêm, ‘antaraṃ’ở đây là ‘abbhantaraṃ’, nghĩa là ‘bên trong’, ‘giữa chừng’. Từ số 1 đến số 12, bắt đầu từ số 3, số 9 hay 11, gọi là ‘abbhantaraṃ’. Xét theo nguyên lý Duyên khởi, bất cứ chỗ nào trong vòng tròn Duyên khởi cũng có thể là điểm bắt đầu, đối với phàm phu. Người có học A-tỳ-đàm sẽ biết trong vòng tròn đó cái nào là quả, cái nào là nhân. Ví dụ, ngũ song thức là quả, ái là nhân; mắt tai mũi lưỡi không có tội lỗi, chỉ là quả của quá khứ, nhưng đối với phàm phu thì giai đoạn nào cũng có thể là điểm bắt đầu cho Duyên khởi. Vị A-la-hán cũng có mắt tai mũi lưỡi nhưng không dùng ngũ căn của đời này để đầu tư thêm cho kiếp sau. Khi mắt mình nhìn cái gì đó mà thích thì chính cái thích này đưa mình trở lại cõi Dục giới, bởi cõi Dục giới có đủ mắt tai mũi lưỡi. Đối với một người sanh trong cõi Dục giới nhưng nhàm chán sắc thanh khí vị xúc, họ lo tu thiền nên sinh được vào cõi Sắc giới và Vô sắc giới. Còn vị A-la-hán, trước khi đắc quả ngài cũng là người ở cõi Dục giới nhưng sau khi đắc quả rồi ngài cũng có mắt tai mũi lưỡi nhưng không thích trong năm dục, và cũng không mê trong thiền, vì vậy ngài không có điều kiện để quay về cõi Dục, và cũng không mê trong mấy tầng thiền nên không có cơ hội quay lại cõi Phạm Thiên. Khi không còn chỗ quay lại thì đi đâu bây giờ? Chỉ còn chỗ vô sanh Niết bàn. Mình thì có ba cách: thích hưởng dục thì chết rồi quay trở lại cõi Dục; thích thiền Sắc Ggiới, chứng thiền Sắc giới, chết rồi sanh về cõi Sắc giới, hết tuổi thọ trở xuống cõi Dục. Thiền vô sắc cũng y vậy, nhàm chán Sắc giới, tu thiền Vô sắc, chứng thiền Vô sắc, chết sanh về cõi Vô sắc, hết tuổi thọ quay trở về đơn vị gốc. Cõi Dục là gốc của ba cõi. Cảnh giới đọa xứ (địa ngục, ngạ quỷ, A-tu-la, bàng sanh) là gốc của cõi Dục giới. Tam giới lấy cõi Dục giới làm gốc. Cõi Dục giới lấy bốn cõi khổ làm gốc. Chính vì vậy mới có chuyện quán xét Duyên khởi theo kiểu giữa chừng, nhắc cho mình bất cứ chỗ nào trong đời sống phàm phu cũng là chỗ bắt đầu cho dòng sinh tử. Trong bài kinh này Ngài bắt đầu từ chỗ sanh. Trước khi thành Phật Ngài từng quán xét ở đời này có quá nhiều cái khổ, sanh ly tử biệt, mất mát, bệnh hoạn, tai tiếng, muốn không được, thương phải xa, ghét phải gần v.v…, Ngài thấy tất cả những cái khổ này đi ra từ việc mình có mặt trên đời này: “Sự đau khổ đa loại, đa dạng này khởi lên ở đời với già chết. Sự đau khổ này lấy sanh y làm nhân, lấy sanh y làm tập khởi, lấy sanh y làm tác sanh, lấy sanh y làm hiện hữu. Do sanh y có mặt, già chết hiện hữu. Do sanh y không có mặt, già chết không hiện hữu”.

Cái khổ gọn nhất ở đời này là già và chết, còn khổ chi li thì không biết là bao nhiêu. Một người có trí, nhìn người ta đi làm dâu là đã không muốn sanh tử rồi, nhìn cảnh mẹ góa con côi, người già cả neo đơn trời mưa gió lạnh lẽo thế này phải đi buôn bán từng tờ vé số, từng cái bánh gai, bánh cam trên đường là đã không muốn sinh tử. Nhìn một người già trong bệnh viện ho sù sụ không ai thăm nuôi, nhìn những gia tộc giàu sang phú quí nhưng bên trong gia tộc chia năm xẻ bảy tan nát, củi đậu nấu đậu, mình cũng không muốn sinh tử. Một vị trời sung sướng, có đầy đủ mọi thứ, nhưng đứng trước giây phút sợ hãi sắp chết, hào quang mờ đi, hoa tươi trên người héo, nghe người mệt mỏi, cảm thấy chục triệu năm trong đời không có chỗ dựa tinh thần, giờ không biết đi về đâu, chỉ nghĩ vậy mình cũng thấy sợ, cũng không muốn sinh tử. Quí vị hãy nhớ câu này: Ai cũng muốn có một hiện tại vui, không ai thích một hiện tại thiện nhưng khi mọi sự đã là quá khứ, thì ai cũng muốn mình có một quá khứ thiện hơn là quá khứ vui. Bởi vì quá khứ thiện sẽ là hành lý để mình cầm đi, quá khứ vui qua rồi thì tẻ nhạt. Tôi có chút điều kiện để gặp gỡ một số người ngày xưa từng hét ra lửa lúc trước 75, giờ thì lớn tuổi rồi, vật đổi sao dời, bây giờ tuy có tuổi già nhàn hạ, nhưng quá khứ đã là quá khứ, chỉ ngồi gặm nhấm dĩ vãng. Nhìn họ tôi nhớ lại những vị Sayadaw bên Miến Điện, tôi nghĩ nếu quá khứ của họ từ đó đến giờ là một Sayadaw thì đỡ biết bao nhiêu. Dù trước mắt nhìn đời của một người tu cũng mịt mù mơ hồ quá, ăn rồi ôm chồng lá bối học, đi bát trời mưa lạnh lẽo chân không, gai góc; nhưng vài chục năm sau, khi cả hai vào tuổi chín mươi thì tình hình lại khác. Khi cả hai bước vào giai đoạn cuối của cuộc đời thì mới thấy, giá như sáu mươi năm qua mình là một người tu hơn là sáu mươi năm chăn êm nệm ấm.

Trong bài kinh này khi Đức Phật hỏi chư tăng có biết quán chiếu Duyên khởi theo cách giữa chừng hay không. Chư tăng thỉnh Đức Thế Tôn thuyết. Ngài nói rằng ngày xưa Ngài đã từng quán xét như vậy, Ngài kể kinh nghiệm của Ngài, khi quán xét năm uẩn theo cách nửa chừng, bắt đầu từ lục nhập, từ ái, từ xúc hay từ sanh cũng được. Quán xét mọi khổ trên đời từ sanh, từ sự có mặt. Sự có mặt này ở đâu mà có? Có từ sanh y. Sanh y (upadhi) ở đây chính là năm uẩn. Năm uẩn tức là thân và tâm, nếu kể ra là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Trường hợp nói gọn hơn, năm uẩn cũng là tâm.

Sanh y lấy gì làm gốc? Các khổ lấy năm uẩn làm gốc. Năm uẩn lấy Ái làm gốc. Do có Dục ái mới sanh ra trong cõi Dục giới, có đủ năm uẩn. Do có Ái nên mới sanh ra trong cõi Sắc giới có năm uẩn hoặc một uẩn. Do có Vô sắc ái nên mới sanh ra trong cõi Vô sắc giới, chỉ có bốn uẩn. Rõ ràng là vì có Ái nên mới có năm uẩn.

Ái lấy sáu trần làm gốc. Tu Vipassanā mới thấy rõ điểm này. Nghĩa là toàn bộ đời sống của phàm phu chỉ là quá trình làm việc của sáu căn đối với sáu trần. Khi mình gặp cảnh vừa ý thì thích trực tiếp. Khi gặp cảnh trái ý thì nghĩ đến việc trốn chạy, tránh né, tìm đến cái vừa ý. Đó cũng là một hình thức tham ái.

Khi tu thiền, ngồi lâu quá, mình bị đau nhức, mình mới có ý muốn thay đổi oai nghi. Chuyện mình thích nhìn cái đẹp, nghe cái hay, lưỡi muốn nếm vị ngon, thân muốn xúc chạm cái gì ấm trơn mịn thì khỏi nói, còn đàng này hành giả đang tu thiền, ngồi lâu quá đau nhức muốn đổi tư thế, từ kiết già muốn đổi qua bán già, hoặc muốn duỗi chân, muốn được đứng dậy đi một chút; khi muốn như vậy cũng là Ái. Ái bám mình khít khao không có một kẽ hở mà mình không ngờ. Mình cứ tưởng Áilà cái gì thích cụ thể như trai gái thích nhau, thích tiền, mê nhậu, cái đó thì quá rõ. Có những cái thích nhỏ nhặt bám sát mình trong đời sống đó cũng là ái. Ngồi lâu quá muốn sửa tư thế cũng là Ái, ngứa muốn gãi cũng là Ái, ngứa cổ muốn tằng hắng một cái cũng là Ái. Từ lúc mở mắt cho đến khi đi ngủ, từ lúc lọt lòng đến lúc chui vô quan tài, Ái bám mình suốt, vì vậy Ái được xem là gốc của năm uẩn. Chỗ dựa của Ái chính là quá trình tiếp xúc 6 trần của 6 căn. Từ lúc mở mắt là con mắt đã tìm chỗ làm việc rồi. Chỉ có tu thiền Tứ Niệm Xứ mới thấy, bởi vì quí vị đang có vợ, có chồng, có con cái, nhà cửa xe cộ, quí vị không thấy đâu. Phải gác hết, đi vào thiền viện, dự vài khóa, đừng hòng nghĩ đến chuyện ở nhà mà tu hành rốt ráo. Tôi cũng biết chuyện ở chung và ở riêng phức tạp như thế nào, chỉ cần trong nhà có hai người, ba người là có tiếng động, có sự nảy sinh va chạm dù ngọt ngào hay cay đắng. Hễ có va chạm là có mất thời gian. Cứ sống thử một ngày sẽ thấy bài kinh này sâu cỡ nào. Ngài dạy toàn bộ đời sống này chỉ là quá trình làm việc của sáu căn. Trong kinh có ví dụ, con chim có dịp là bay về trời, con cá có dịp thì nhảy xuống nước, chồn cáo thích về hang, con mắt luôn chờ dịp để nhìn, lỗ tai luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng lắng nghe. Chỉ có sống chánh niệm mới thấy điều này.

Ở đây Đức Phật dạy, năm dục nói riêng và sáu trần nói chung giống như bình thuốc độc. Một người khát nước, thấy cái bình đó, họ muốn uống. Có người nhắc: đây là bình thuốc độc, uống vô là chết. Quí vị biết rồi, nếu người này vẫn lì lợm mà uống thì sẽ bị như thế nào. Trong chú giải có nói:

Người xuất gia và người cư sĩ nói chung ai cũng có chỗ dựa hết. Người xuất gia thì có nhiều thầy, một là ‘upajjhāya’ là vị hòa thượng cho mình đắp y thọ trì giới cho mình, hai là ‘ācariya’, người dạy giáo lý, kiến thức cho mình, thứ ba là ‘nissāyacarya’ là vị cho mình nương tựa. Ít nhất là ba thầy, còn người dạy học cho mình A-xà-lê thì có khi là 8 vị hay 15 vị chứ không phải là một. Chẳng hạn như ngài Jotika bên Miến Điện có tám vị thầy, ngài học Luật, học Tạng kinh, học A-tỳ-đàm, học thiền Quán, học thiền Chỉ… với từng thầy khác nhau.

‘kalyāṇamitto’: thiện hữu, bạn lành.

‘ācariyupajjhāyādiko kalyāṇamitto’: thầy và bạn

‘ādīnavañca ārocento’ nói cho biết sự nguy hiểm

Họ nói cho mình biết sự nguy hiểm nhưng nếu mình không nghe thì… thôi. Dễ duôi thì ai cũng dễ duôi nhưng người có nhớ chừng thì vẫn tốt hơn người quên bẵng. Nếu mình nhớ luôn khi thì quá tốt, tối thiểu cũng phải nhớ chừng. Trước khi bỏ được năm dục sắc, thinh, khí, vị, xúc thì làm ơn có những tâm niệm để chuyện từ bỏ dễ dàng hơn. Ví dụ trong chuyện ăn uống, khi mình no thì nên suy nghĩ nhiều về thực phẩm để thấy chuyện ăn uống là chuyện như thế nào; khi mình bệnh hoạn khó chịu, tranh thủ lúc đó nghĩ về năm dục, sẽ thấy năm dục đúng là trò hề, phù phiếm và rỗng tuếch. Cũng cơ thể mấy chục ký lô này mà lúc bình thường thì thích đi du lịch, giao du gặp gỡ, nhưng lúc bịnh rồi thì cả rổ hột xoàn cũng không thèm ngó. Không cần phải quằn quại trên giường chết, chỉ cần đi tiêu chảy khoảng chừng bốn năm lần, con mắt thụt vô, đầu gối lỏng ra thì mình thấy rằng thì ra chuyện mình sở hữu cái này cái kia, mang mặc trang sức cái này cái nọ vô cùng phù phiếm vô duyên. Không có gì khổ cho bằng trên đời này lúc nào mình cũng dựng ra những nhu cầu, mà nhu cầu đó do chính mình nghĩ ra. Đi làm khổ như điên, bóp đầm xách tay loại gì chẳng được, vậy mà phải ráng dành tiền mua cho được đồ thời trang đắt tiền. Giày dép thì cái gì tiện dụng vừa chân là được rồi, vậy mà bỏ số tiền rất lớn ra mua đôi giày để hy vọng người ta sẽ trầm trồ ghen tị. Mắt kiếng, đồng hồ cũng vậy, phải mua loại nào cho người ta trầm trồ ghen tị. Tôi nói quí vị đừng có buồn, bữa nào quí vị lén lén mang kiếng đen đi, nhìn kỹ xem có ai nhìn mình không, chẳng ma nào ngó đâu. Vấn đề nằm ở chỗ đó. Mang kiếng đen để dễ quan sát. Tin tôi đi, trên đời này có hai trường hợp người ta nhìn mình thôi, một là mình quá quái dị, hai là mình là VIP, quá nổi tiếng đi. Mình không phải là VIP, vậy là mình lọt vào hạng quá sức quái dị thì người ta mới để mắt nhìn. Nếu mình không phải là một trong hai hạng này thì không ai nhìn đâu. Khổ nhứt là lúc nào mình cũng nghĩ đến người khác để ăn mặc. Đồng ý là bê bối quá thì không nên, nhưng không gì bậy cho bằng đua đòi. Không có gì bậy cho bằng ăn mặc để cho người ta ngắm. Mình là cái gì, mình cày như con trâu để ăn mặc cho người ta ngắm, mà người ta là ai, không có người ta nào hết. Bản chất của năm dục là rỗng tuếch, cái mình thấy đẹp là dựa vào nhiều điều kiện, điều kiện tri thức, điều kiện sức khỏe. Nghe hay cũng vậy, có lúc mình khoái tân nhạc, có lúc mình khoái cải lương, có lúc khoái jazz, có lúc thích nghe guitar classic, không phải lúc nào cũng vậy. Mùi cũng vậy, vị cũng vậy, cũng có khi có thì, không phải mình thích một thứ suốt đời. Một là chán nó, hai là không điều kiện hưởng thụ nó, ba là để kiếm được nó mình phải hy sinh cả cuộc đời. Không đáng! Năm dục bản thân nó không có giá trị hằng hữu, không phải bất biến, nó thay đổi theo nơi chốn và thời gian.

Đức Phật dạy, những ai trong đời quá khứ, hiện tại, tương lai, đối diện với sáu trần bằng niềm đam mê thì những người đó không thoát khỏi khổ đau, còn đắm đuối đam mê chìm sâu gắm chặt trong sáu trần thì không thể thoát khổ đau. Vì toàn bộ cuộc sinh tử của mình chỉ là quá trình làm việc của sáu căn đối với sáu trần. Cứ như vậy mà đi từ đời này sang kiếp khác.

Quán Duyên khởi giữa chừng là tự mình nhìn thẳng vô đời sống của mình để thấy tất cả những cái khổ ở đời có từ năm uẩn, năm uẩn từ đâu mà có, ái này từ đâu ra, từ đam mê trong 6 trần, từ đam mê này mới mở ra con đường sinh tử trước mặt. “Ngày nào đó có thời giờ, nên dành ra để tu thiền”. Đây là một trong những câu nói ngu nhất trên thế giới mà con người có thể nghĩ ra, bởi chuyện tu thiền không thể nào nói “một ngày nào đó” được. Cũng như không thể nói, một ngày nào đó có thời gian thì uống thuốc chăm sóc sức khỏe cho mình đang bị ung thư. Chuyện tu học cũng y như vậy, phải nói “ngay bây giờ” chứ không nên nói “một ngày nào đó”. Tôi bây giờ, bụng càng lúc càng to, chân càng lúc càng nhỏ lại, bắt đầu tôi đã thấy dấu hiệu, nhìn mình mà thấy lạnh xương sống. Hồi xưa ở VN tôi có nhìn thấy quyển 24 loại ngạ quỷ của ngài Bửu Chơn, theo mô tả trong kinh, tôi nhìn thấy người gì mà xấu dữ dằn, giờ thì tôi cũng y vậy chỉ là chưa có lông lá như ngạ quỷ, làm biếng vận động nên thành ra như vậy. Nhìn mình là biết mình gần đi rồi.

BÓ LAU (Naḷakalāpīsutta)

Nếu quí vị có học A-tỳ-đàm và có tu Tứ Niệm Xứ hoặc là có một trong hai thì sẽ thấy ví dụ về bó lau này hay không tưởng tượng được.

Kinh này gồm những câu vấn đáp giữa hai vị cao đồ, một người là Đệ nhất trí tuệ, một người là Đệ nhất vô ngại giải. Vô ngại giải là khả năng phản xạ nhanh vô cùng, chạm là bật. Cả hai vị hoan hỉ trong pháp và trao đổi với nhau.

Hai vị biết rằng mẩu đối thoại này sẽ đến tai ba trăm tỷ người trong tương lai nên mới có mẩu đối thoại này. Ngài xác định: Toàn bộ khổ đau ở đời không phải do ai tạo ra mà đều do các duyên tác động, giống như bó lau này dựa vào bó lau kia mà đứng được. Tại sao Ngài dùng hình ảnh bó lau (sậy)? Tôi nghĩ, nếu mình có một bức tranh chụp bờ lau bãi sậy treo trên tường, vậy là đủ rồi. “Bó” nghĩa là nhiều cọng gom lại. Các duyên tạo nên khổ đau ở đời cũng không phải chỉ có một thứ mà cùng lúc nhiều thứ duyên cộng hưởng với nhau để tạo nên các khổ. Ví dụ do Ba-la-mật của tôi bị kém, tín, tấn, niệm, định, tuệ của tôi kém, tàm úy kém, nên mắt tôi nhìn thấy cái gì đó, thay vì chánh niệm tỉnh giác biết thấy là thấy, nghe là nghe, tôi lại thích cái này ghét cái kia. Từ chỗ ghét này thích kia nó thành nhân phiền não cho đời sau kiếp khác. Phước nhiều thì tái sanh vào cõi vui cõi lành, phước ít thì đi xuống cống làm con này con kia. Luân hồi thì lúc nào đi xuống cũng nhiều hơn. Mỗi người đều có hai bản năng, thiện và bất thiện, giống như có hai tay, tay phải và tay trái, vấn đề là mình thuận tay nào.

Ngài nói toàn bộ đời sống này là do các duyên. Các duyên ở đây là 12 Duyên khởi, nói gọn thì giống như từng duyên hỗ trợ nhau nhưng trong thực tế thì cùng lúc có vô số duyên tác động nhau. Chính vì bất thiện thì dư, Ba-la-mật thì thiếu nên vô minh mới duyên cho hành. Vì vậy ngài Xá Lợi Phất nói: Các khổ ở đời không do ai tạo, không do mình tạo, không do người khác tạo. Thực ra không có cái gì là ta hay người khác. Tất cả đều là các thành tố danh sắc mà thôi. Khi đủ duyên thì khổ, vui, thiện, ác, sanh tử, trầm luân. Đó là duyên luân hồi. Nếu đủ duyên giải thoát tức tròn đủ Ba-la-mật thì tự nhiên ngũ quyền sẽ đủ mạnh để lìa bỏ phiền não, chứng ngộ thánh trí. Như vậy dầu là nhân sanh tử hay nhân giải thoát cũng đều là những bó lau. Vô minh không phải đi một mình mà do thiếu Ba-la-mật, bất thiện thì quá nhiều, nên mới cộng thành một bó vô minh. Ngài Xá Lợi Phất dùng hình ảnh bó lau rất là hay, ngài nói chuyện gì ở đời dù là tu hành giải thoát hay sinh tử trầm luân thì mỗi chuyện đều phải nhờ đến vô số nhân duyên và những nhân duyên này không hề đi một mình mà xoắn xít với nhau. Biết có vô số duyên làm nên cuộc đời này chúng ta mới thấy cuộc đời này phù phiếm. Chính vì thấy rằng vạn pháp do duyên, duyên thì có vô số, nên mình sẽ sống trách nhiệm hơn. Một lá me, một sợi tóc, một hạt bụi, cứ ngỡ là nhỏ nhưng chúng có thể là điểm bắt đầu cho trận ba đào bão tố nào đó. Một câu nói, một cái nhìn của mình cũng có thể làm phiền người khác. Tiếp theo là bài kinh Kosambi.

KOSAMBI (Kosambisutta)

Bài kinh này vô cùng hay, nó chạm vô được một sự thật gắn liền với mình. Nội dung kinh là cuộc nói chuyện nói chuyện giữa ba vị tỳ kheo bàn về lý Duyên khởi.

Vị tỳ kheo A hỏi vị B: Tôi hỏi thiệt, nếu không kể niềm tin, không kể kiến thức, tự đáy lòng của sư, sư có nghĩ rằng mình chấp nhận được lý Duyên khởi hay không. Có nhiều người chưa lấy làm chắc, nhưng vì sư phụ của họ nói như vậy, sách vở ghi chép như vậy nên đơn giản họ tin như vậy. Vị B trả lời: Thật ra lý Duyên khởi là do tôi tự thấm thía chứ không phải đơn giản là nghe ai khác.

Sớ giải ghi rằng, ngài Musīla là một vị La-Hán. Ngài Sāvittha hỏi: “Như vậy, Tôn giả Musīla là bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc? Khi nghe nói vậy, Tôn giả Musīla giữ im lặng.”.

Sa-môn có hai câu không trả lời: Sa-môn có hai câu không trả lời: 1. Ngài có đắc quả chưa? 2. Ngài có thích món đồ đó hay không?Mình không thích mà nói cũng kỳ, mà thích nói cũng kỳ, đây là hai câu mà vị tu hành chơn chánh không trả lời. Chú giải giải thích về sự im lặng của ngài.

Tuṇhī ahosīti thero khīṇāsavo, im lặng là bởi vì ngài là bậc lậu tận. ahaṃ pana khīṇāsavoti vā na vāti vā avatvā tuṇhīyeva ahosi. Im lặng là vì ngài không tiện nói ‘tôi đã đắc hay chưa đắc”

Nội dung rốt ráo của Duyên khởi là nghiệp hữu không còn thì sanh hữu cũng mất. Sanh hữu mất thì không còn tái sinh. Đó chính là Niết bàn.

Nghiệp hữu là các nghiệp thiện ác nói chung. Đâm cha chém chú, nhậu nhẹt, câu cá… gọi là nghiệp hữu bất thiện. Bố thí trì giới, hành thiền… là nghiệp hữu thiện.

Sinh hữu là quả của các nghiệp thiện ác đó. Chính sinh hữu đưa ta đi đầu thai chỗ này chỗ kia.

“bhavanirodho nibbānaṃ nāmāti sekhehipi jānitabbo pañho esa, ayaṃ pana thero imaṃ theraṃ asekhabhūmiyā kāreti, imaṃ ṭhānaṃ jānāpessāmī’’ti etaṃ avoca.”

‘Bhavanirodho nibbānaṃ’: hữu diệt thì Niết bàn.

‘Jānāpeti’: làm cho người khác biết

‘imaṃ ṭhānaṃ’: sự tình này

Lúc đó ngài Sāvittha suy nghĩ rằng câu “hữu diệt thì Niết bàn” vị thánh Hữu học cũng trả lời được nhưng cách trả lời của ngài Musīla rõ ràng là một vị A-la-hán. Ta phải bằng mọi cách cho người khác biết vị này là vị A-la-hán. Đây là cách hành xử của các bậc thánh. Một lần đó có người hỏi ngài Mục Kiền Liên Thế Tôn đang ở đâu, dù có thể trả lời được, nhưng ngài Mục Kiền Liên suy nghĩ, hiện giờ bên cạnh ta có Anurudha là đệ nhất thiên nhãn, ta phải để cho người khác biết vị đó là ai, vì vậy ngài bảo hãy đến hỏi ngài Anurudha. Tìm ra được nơi chốn nào mà từng người nơi ấy không từng phút tranh thủ vật chất, danh tiếng, quyền lợi, quyền lực cho mình, lúc nào sống cũng nghĩ đến người khác, tôi gọi đó là thiên đàng. Thiên đàng trong định nghĩa của tôi là nơi chốn như vậy đó; đừng bao giờ nói với tôi là ngọc ngà châu báu, vàng son chói lọi rực rỡ nguy la tráng lệ khi mà thiếu đi tâm tình mà tôi vừa nói. Trụ xứ của thánh nhân là sự buông bỏ toàn diện, bản thân mình có thành tựu chứng đắc cái gì thì cũng không chìm sâu gắm chặt trong đó mà lòng luôn nghĩ về người khác. Một lần đó Đức Phật đến thăm đệ tử ở một trú xứ và hỏi: “Huynh đệ các ngươi sống có an lạc hay không?” Các vị ấy trả lời: “chúng con sống rất an lạc, sống với nhau hòa ái tương kính”. Đức Thế Tôn hỏi thế nào là hòa ái. Các vị trả lời: “Chúng con bỏ tâm mình sống bằng tâm người”. Bỏ tâm mình không phải là phóng dật mà là làm cái gì cũng nghĩ chuyện có phiền người không. Một nơi chốn gồm toàn những người như vậy thì tôi cho rằng đó chính là thiên đàng.

Cái xuất sắc ở bài kinh này là gồm nhiều điểm, các ngài nói chuyện với nhau về lý Duyên khởi, xác định toàn bộ thế giới này được vận hành theo nguyên tắc Duyên khởi, cái này có cái kia có, cái này sanh cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt, cái này không có thì cái kia không có.

Ở đây gồm nhiều mẩu đối thoại. Kết thúc mẩu đối thoại thứ nhất khi được hỏi có phải là thánh hay không thì ngài Musīla im lặng. Mẩu thứ hai, khi được hỏi có phải là vị thánh hay không thì ngài không nói phải hay không phải mà trả lời: Tôi giống như một người khát nước giữa trưa, nhìn thấy có giếng có gàu nước nhưng tôi chưa có thòng gàu xuống lấy nước lên.

Ngày xưa khi đọc đoạn này mà chưa đọc chú giải, tôi cũng nghĩ, chắc mình cũng thuộc loại người này: khát nước, thấy giếng nước nhưng chưa múc nước; nhưng Sớ giải kinh này nói, hạng người thấy được giếng nước nhưng chưa uống được tối thiểu cũng là ám chỉ cho A-na-hàm. Lẽ ra vị Sơ quả cũng đáng được gọi là người nhìn thấy giếng nước nhưng chưa hết khát. Ở đây sở dĩ chỉ chọn A-na-hàm vì đây là nhân tuyển cao nhất. Nhân tuyển là gì? Ví dụ tôi đang cần người nấu giùm một bữa đãi khách, cạnh tôi có 10 người, nhưng có một người là bếp trưởng trong nhà hàng năm sao, thì ông đó được gọi là nhân tuyển tốt nhất. Ở đây thì Sơ quả, Nhị quả, Tam quả đều là nhân tuyển hết nhưng ở đây người ta nói vị cao nhất là vị A-na-hàm, vị này biết rõ điều mình chưa đạt được là sự chứng ngộ của vị A-la-hán, nay mai mình sẽ đắc thôi, nhưng bây giờ thì chưa.

Bài kinh này gợi ý cho mình: đời sống là quá trình nhận thức. Cũng con người đó nhưng khả năng an lạc và giải thoát hoàn toàn tùy thuộc vào cái nhìn của mình. Nhìn kiểu nào để tiếp tục sinh tử, nhìn kiểu nào để thành một bậc thánh Hữu học, nhìn kiểu nào để trở thành vị A-la-hán, nhìn kiểu nào để tiếp tục khát nước và nhìn thế nào để không còn khát nữa. Luân hồi hay giải thoát cũng là hành trình nhận thức. Có một câu chuyện nhỏ mà tôi rất thích, cách đây mấy bữa trong khi giải trí, tôi có mở một phim lẻ trên youtube coi. Nội dung phim là một người bị kẻ thù truy sát, lẽ ra ổng chết, nhưng người chết đó không phải là ổng mà là thằng con trai duy nhất của ổng. Vô cùng đau lòng. Tuy nhiên, bác sĩ nói đứa con có thể được cứu nếu được truyền máu. Người nhiều khả năng cho máu nhất chính là ổng. Khi thử máu trước khi truyền thì phát hiện ra đứa con không phải là con ổng, và một người báo cho ông biết đứa con đó là do bà vợ ngoại tình sinh ra. Cũng đứa con đó, trước đó ba mươi giây thì ông đau khổ không thể tưởng tượng được. Nhưng ngay khi xác định đó không phải là con mình, thì lòng đau khổ của ông chuyển sang hướng khác. Ông ghen vì bà vợ. Tôi coi mà thấy thấm, đắc quả là ở chỗ này. Từ xưa đến giờ mình nghĩ là con của mình, dồn bao nhiêu mọi thứ thương yêu, rồi một ngày nào đó biết không phải là con mình thì coi như tình hình đổi khác. Chứng thánh cũng y như vậy, từ danh sắc của mình, năm uẩn của mình, máu thịt xương da này là của mình, tiền bạc danh phận này là của mình nhưng khi chứng quả rồi thì con người, trời đất mọi thứ chung quanh cũng y như vậy; chỉ có một điều là trong sâu thẳm nhận thức của mình, mình nhận ra rằng mọi thứ không phải là mình. Không có chi là mình thì làm gì có cái của mình. Ngay lúc đó là đắc quả, vô cùng an lạc. Vì vậy trong kinh nói, bất cứ một vị Chánh Đẳng Giác nào sau khi thành Phật cũng có thể nhịn ăn suốt bảy tuần, sự an lạc không tưởng tượng được. Ngài nhìn thấy không có gì ngài không biết, và đặt xuống một gánh nặng không thể tưởng tượng được. Giống như thấy xác chết đó không phải người thân của mình, thì nhẹ biết chừng nào. Đi chung với nhau, nghe nói mất hành lý, mà mình liếc thấy hành lý của mình vẫn còn là nhẹ lòng liền. Chỉ là vấn đề nhận thức mà thôi. Mới ngày hôm qua tan lớp, tôi ghé chợ một chút, ghé xong tôi đi ra trạm xe bus, coi cái receipt thấy hình như tính lộn mất mười mấy đồng bạc, lòng nhói một cái. Nhưng khi tính lại thấy không có lộn, thì lại thấy quá sá an lạc. Tôi ngồi nghĩ, chẳng lẽ niềm vui của mình rẻ như vậy sao, chỉ mười mấy đồng bạc chớ đâu phải trúng vé số độc đắc. Lúc đó tôi mới nghĩ ra một chuyện thú vị, muốn có hạnh phúc thì mình phải từng lọt trong đau khổ. Từng nghĩ mình bị mất tiền, khi thấy không mất tiền thì mới hạnh phúc. Nếu không có chuyện coi lại receipt thì đau có khổ, nếu không khổ thì đâu có được vui.

NƯỚC THỦY TRIỀU DÂNG

Bài kinh Thủy Triều cũng nói về Duyên khởi. Ngài nói rằng, giống như khi nước thủy triều dâng, sông lớn đầy thì nước sông nhỏ cũng đầy, ao nhỏ cũng đầy. Tôi ở trong chùa Siêu Lý Vĩnh Long cũng cách xa sông, nhưng khi nhìn ao nước đầy lên là tôi biết nước sông cái đang đầy.

Nội dung kinh Thủy Triều là khi các duyên sinh tử hội đủ thì cái này kéo theo cái kia, khi nào duyên giải thoát hội đủ thì duyên này kéo theo duyên kia. Khi Ba-la-mật đầy đủ thì năm quyền tín, tấn, niệm, định, tuệ đầy đủ, gặp Phật ra đời, Ngài thuyết cho mình nghe rồi mình đắc, hoặc xuất gia theo Ngài, ôm bát theo Ngài rồi đắc. Giống như nước thủy triều lên cao ngoài sông thì ao hồ cũng nước lên cao. Mỗi lần thấy mình giận, thấy mình tham thì biết thủy triều của luân hồi đang lên, vì cái này kéo theo cái kia, và trong đời sống này không có cái gì là nhỏ, cái gì cũng có thể là điểm bắt đầu cho vô vàn sự cố khác.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app