Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 9: Tương Ưng Rừng

VIỄN LY (Vivekasutta)

Có một chuyện mà tôi nghĩ rằng phải mất chút xíu thời gian để nói ở đây, đó là có những người trong room mà tôi e rằng họ cũng có hơi chút khó chịu, hơi chút phản cảm khi nhìn thấy chương này toàn nhắc đến chư thiên, thấy có vẻ như huyền hoặc khó tin. Thôi thì tôi dành thời gian ba nốt nhạc để nói về chuyện này. Ở đây chúng ta trên mười tám tuổi hết và tối thiểu cũng có tú tài để mình biết một hai chuyện hơi sơ đẳng, hơi căn bản, đó là vạn vật trong trời đất này có nhiều thứ nhiều loại, và trong đó không phải cái gì mình cũng có thể dễ dàng thấy nghe theo cách thông thường. Ví dụ như mình thấy sự tồn tại và sự vận hành của các vi hạt vật chất như là điện tử (electron), quang tử (photon), phân tử (neutron), dù rất nhỏ nhưng nó cũng vận hành theo quỹ đạo (orbit) nhất định như mặt trăng, mặt trời, trái đất vậy. Cái sự vận hành, hoạt động của những vi hạt vật chất đó nhỏ đến mức mình khó có thể hình dung ra, tưởng tượng ra, nhưng nó thật sự vẫn tồn tại. Rồi thì những hình thức như là vi trùng (virus), vi khuẩn, (bacteria) mấy thứ tạm gọi là loài vi sinh, loài nào bắt đầu bằng chữ micro phải sử dụng đến những phương tiện rất hiện đại tối tân mình mới có thể thấy được. Chưa hết, có thể có những thứ vật chất trong đời sống thường ngày của mình mà trọng lượng kích thước của nó cũng rất nhỏ nhiệm. Khi mua gạo, mua thức ăn, mua trái cây, người ta cân bằng cân tấn cân tạ, cân yến, nhưng mua vàng hay thuốc bắc thì cân bằng cân tiểu ly, loại cân để cân những thứ nhỏ xíu. Vạn vật trong trời đất này có vô vàn những thứ mà chúng ta không thể dễ dàng nhận biết bằng mắt, bằng tai, bằng mũi bằng những giác quan thông thường. Chư thiên là một hình thức tồn tại của những chúng sinh nằm ngoài khả năng nhận biết của mình, chỉ đơn giản vậy thôi. Nếu các vị có hỏi tôi chư thiên và những chuyện siêu hình có hay không, tôi trả lời, mình không thể chứng minh là có, nhưng cũng không thể chứng minh là không, vì vậy đừng có bác. Tôi chỉ rào nhẹ nhẹ vậy thôi, đối với những ai có chút nghi ngờ khi nghĩ về chư thiên, thiên nhân, những loài khuất mặt,thì nhớ chừng nhiêu đó thôi, đó chỉ là những loại chúng sinh chia sẻ không gian với mình một cách dễ thương nhất mà mình không ngờ được. Theo mô tả trong kinh, có loại chư thiên gọi là Samacitta Deva có thể cộng sinh hàng trăm vị trong một hạt đậu. Chuyện cũng đáng suy nghĩ, nhóm chúng sinh tạo nghiệp giống nhau, suy nghĩ giống nhau, hành trạng giống nhau, khi sanh vào loài nào đó thì cộng trú với nhau một cách dễ dàng. Vì họ là sắc tế nên họ có thể dễ dàng sống chung với nhau trong một không gian cực kỳ nhỏ bé, hạn chế, hạn hẹp mà chúng ta không tưởng được. Ai có đọc sách về hải dương học thì mới biết có những luồng cá đi thành một khối tròn có đường kính cả trăm mét vậy. Người Nhật có phương tiện máy móc họ phát hiện ra những luồng cá như vậy và đưa ra đánh giá là luồng cá này đủ lớn để đánh bắt hay không, như một mẻ lưới và không biết bao nhiêu tấn. Đó là những chúng sinh có tâm tư sở hành giống nhau. Từ chỗ tương đồng dẫn đến sự cộng sinh, cộng nghiệp và cộng hưởng. Có những bầy ong, kiến, mối, hàng triệu con mà sống chung với nhau trong không gian thật là hẹp, chư thiên cũng vậy thôi. Mấy loại virus có thể trong bãi nước bọt không biết bao nhiêu con mà nói. Trong cái bóp đầm phụ nữ, bàn phím, nắm cửa, số lượng vi khuẩn trên đó không biết bao nhiêu mà nói.

Đời sống chúng ta luôn có sự dòm ngó, đôi khi là chăm sóc hoặc phá rối của vô số các loài chúng sanh mà mình không thấy, luôn có sự can thiệp vô tình hay hữu ý, tích cực hoặc tiêu cực, gián tiếp hoặc trực tiếp từ vô số chúng sinh khác. Đây là lý do tại sao Đức Phật dạy mình phải sống chánh niệm, sống an trú với từ tâm: thứ nhất phải luôn huân tập công đức, phát triển hạnh lành và trí tuệ để chứng thánh; thứ hai là khi nào sống trong tỉnh thức và yêu thương thì mới hạn chế được những động thái, động tác có nguy cơ phương hại đến chúng sanh khác, ví dụ, hắt tạt nước sôi, đào cây nhổ cỏ một cách không cần thiết. Nếu những động thái, động tác đó mà ảnh hưởng đến loài khác thì những loài khác cũng có thể ảnh hưởng đến mình, chuyện rất dễ hiểu, rất khoa học. Mình nhổ nước bọt, búng tàn thuốc, ném miếng giấy, bịch nylon, mình nghĩ là không đáng gì nhưng nếu cả phường ấp quận xã ai cũng nghĩ không đáng gì rồi ai muốn làm gì thì làm thì cả một địa phương cả một đất nước toàn rác không. Nhờ mình có một nhận thức, có niềm tin vào sự hiện diện của vô số chúng sanh khác và mình có nhận thức rõ ràng của cá nhân đối với đại chúng và đại chúng đối với cá nhân từ đó mình sống có trách nhiệm hơn. Chư thiên cũng vậy, mình sống trong sự dòm ngó của họ, họ có thể phá rối mình, họ có thể giúp đỡ mình, chuyện đó rất bình thường. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật dạy: Ai có lòng thương tưởng, nghĩ nhớ đến chư thiên bằng thiện tâm thiện ý thì chư thiên cũng sẽ nghĩ tưởng đến họ bằng thiện tâm, thiện ý, tình thương và sự chăm sóc. Sống trong một tâm hồn đẹp hướng về chúng sanh thì tự nhiên sẽ nhận được phản hồi rất đẹp từ chúng sanh, muốn người ta cư xử với mình ra sao thì mình phải cư xử với người ta như vậy. Chúng ta phải tin là có một từ trường nhất định, một sự ảnh hưởng rõ ràng giữa mình với người khác và từ người khác đối với mình, đừng tưởng mình có ác tâm ác ý trong lòng không ai biết. Nếu ác tâm ác ý trong lòng diễn ra trong nhiều ngày nhiều tháng nhiều năm thì sẽ tạo ra từ trường xấu tác động chung quanh mà mình không ngờ được. Hôm nay người ta có làm những thử nghiệm rất là độc đáo đó là sự kết hợp của những nhà tâm lý học, vật lý học, họ xét thấy rằng có sự ảnh hưởng tác động nhất định từ con người tới cây cỏ. Người chơi lan mỗi ngày chăm sóc tưới tẩm thì khi đứng gần nó, giữa mình và nó có sự tương tác qua lại rõ ràng. Nếu mình chặt đốn bứt bẻ nó thì khi mình đứng gần cây đó nó sẽ có những phản ứng sinh học (biological reaction) mà mình không ngờ được, nghĩa là tự nhiên khiến cho tế bào thân nhánh cành lá củ rễ của nó có những phản ứng đối với mình rất khác so với người từng chăm sóc nó, đây là vấn đề từ trường.

Vị tỷ kheo này sống một mình, tu hành đàng hoàng nhưng thỉnh thoảng có những suy nghĩ thế tục. Chữ “liên hệ gia đình” mà ngài Minh Châu dịch ở đây là chữ ‘Gehanissita’

Geha’: ‘nhà’.

‘Nissita’: ‘liên quan’, ‘liên hệ’, ‘y cứ’, ‘tùy thuộc’ (relation, depending on)

Gehanissita’: ‘thế tục’, ‘xã hội’, ‘cuộc đời’, ‘trần thế’

Một hành giả dù cư sĩ hay xuất gia mà cứ nghĩ cái này cái kia thì cũng không tốt. Như bản thân tôi, có chút ưu thời mẫn thế khi nghĩ về dân tộc đất nước, có chút cảm hoài chút khó chịu ưu tư khi nhìn về tình hình đất nước. Mấy hôm nay tôi quan tâm nhiều về biểu tình dân chủ ở Hongkong, quan tâm đặc biệt sâu sắc. Trước đây không lâu là vấn đề của Bangkok, bây giờ là vấn đề của Hongkong, tôi mong tình hình châu Á ngày một khá hơn. Tôi mong người dân các xứ biết nghĩ đến dân chủ và hành động dân chủ, tôi mong chuyện đó tạo nên sức ép tích cực lên những nhà cầm quyền để họ thay đổi cách nhìn và thay đổi cách làm việc, chớ còn vinh thân phì gia sâu dân mọt nước, bán cả quyền lợi dân tộc đất nước quần sanh, đổi lấy tiền bạc cho vợ mình đi thẩm mỹ, cho con mình ăn nhậu mua xe thì mấy cái đó dã man mọi rợ và thiếu tính người quá đi. Chớ còn thật ra những suy tư như vậy không tốt cho người tu hành có lý tưởng giải thoát vì nó thuộc về ‘gehanissita’.

Chúng ta quen miệng thường gọi “một vị chư thiên”, gọi vậy là không đúng. ‘Chư’ là nhiều, tối thiểu từ hai vị trở lên. Ở đây phải gọi là một vị thiên nhân, một vị phi nhân, thọ thần, sơn thần tùy chỗ. Trong tiếng Pāḷi, chữ ‘nhiều’ là ‘aneka’ (an+eka), nghĩa là không phải là một (eka) thì gọi là nhiều. Vị thiên nhân này nhìn thấy vị tỷ kheo sống bằng nội tâm như vậy nên tìm cách nhắc nhở. Bài kinh này mở ra cho mình nhiều vấn đề. Mưa rơi xuống từ trên trời không phân biệt nơi chốn, nhưng không phải nơi nào cũng nhận lợi ích từ nước mưa, ví dụ sân xi măng hay tấm nhựa thì mưa chỉ làm sạch thôi, còn miếng đất đã dọn cỏ gieo mầm thì mưa xuống sẽ làm cho cây phát triển, còn nếu chưa dọn sạch còn đầy cỏ dại thì mưa xuống chỉ làm phát triển cỏ dại. Chung quanh mình là bao nhiêu chúng sinh, chung quanh mình có biết bao nhiêu bài học để học, nhưng nếu mình không có khả năng đón nhận bài học đó thì cũng chỉ là tấm nylon hay sân xi măng mưa xuống trớt quớt thôi. Chung quanh mình có thể là chư thiên, hoặc nhân loại, sách báo hoặc chiếc lá vàng, một con chim, một con gà, hay con bò gì đó, bất cứ hình ảnh nào, bất cứ câu nói nào của thiên hạ cũng có thể là bài học hay cho mình, nhưng mình không cảm nhận được bởi vì lòng mình không mở ra, không sẵn sàng. Đức Phật dùng hình ảnh rất đẹp: Cánh cửa bất tử đã mở ra, ai có mắt hãy nhìn, ai có tai hãy nghe và có trí hãy suy nghĩ là vậy đó.

Ở đây chúng ta thấy vị tỷ kheo này phải sống thế nào đó mà vị thiên nhân mới có lòng nhắc nhở, chứ mình trơ trơ gỗ đá ai thèm nhắc. Mỹ có câu: “Không ai đá đầu con chó chết”. Nghĩa là xác chết rồi thì không có tác dụng nữa. “Có người chết rồi mà chưa chôn, có người chôn rồi mà chưa chết”. Chết rồi mà chưa chôn nghĩa là mình sống mà không có khả năng học hỏi, không có khả năng chia sẻ, sống không có đóng góp, không đem lại lợi ích cho ai, sống chỉ là góp mặt chớ không đóng góp, và cái chết của người như vậy chỉ là sự vắng mặt chớ không phải là sự mất mát cho đời. Sống như vậy thì hoang phí một kiếp người. Mình phải sống làm sao để có thể cùng một lúc là một người thầy giỏi để dạy người khác và là người trò giỏi để học người khác; mình có thể là người bạn tốt cho người khác, mình có thể là một đại dương cung cấp hơi nước cho thế giới và cũng là chỗ thu nhận những nguồn nước của thế giới. Sống biết cho và biết nhận như vậy mới là tuyệt, là đời sống theo chính pháp. Trang Tử có nói: Chỗ thấp nhất trên mặt đất và mênh mông nhất trên trái đất là biển, vì biển thấp nhất nên biển đón nhận hết. Mình phải sống làm sao có thể đón nhận cái hay cái đẹp từ nhân gian, vị tỷ kheo này phải sống làm sao đó mà chư thiên mới để ý mà nhắc, và con người mình cũng phải sống làm sao đó để khi người ta nhắc mình có ân triêm lợi lạc từ những nhắc nhở đó. Bài kinh này sâu ở chỗ đó chớ không phải đơn giản là kể chuyện có một ông sư tu không ra làm sao rồi có người ta nhắc. Mình phải dọn đất như thế nào để mưa xuống mình mới được lợi lạc. Mình phải có được khả năng như thế nào đó mới bắt được tần số làn sóng của những bậc hiền trí trong đời. Mình phải sống làm sao mà chư Phật hiền thánh ra đời, gặp các ngài mình được lợi ích liền. Chứ còn như ông đồ tể Cunda trước chùa Kỳ Viên mấy chục năm mà chư Phật chư Thánh đi ra đi vô mòn đường mà suốt mấy chục năm ổng chả hề nghe một câu pháp, chẳng cúng dường bát cơm muỗng cháo nào hết thì uổng lắm. Tôi để ý có nhiều sách Phật tiếng Việt hoặc nhiều vị pháp sư kể chuyện ông đồ tể Cunda này có một câu này nói hoài: “Ông đồ tể này hành nghề trước cổng chùa 55 năm”. Các vị hãy tưởng tượng, Bồ tát thành đạo xong thành Phật, trụ thế độ sinh có 45 năm; chùa Kỳ Viên được hình thành xây dựng rất sớm thì có thể là 40 năm, nếu ông này hành nghề 55 năm thì có thể là ổng hành nghề trước khi Ngài thành đạo hoặc kéo dài sau khi ngài Niết-bàn. Khi mình kể thì việc gì mình nói 55 năm trời ông không đi chùa, không cúng dường, con số này phải bớt lại. Phật ở chùa Kỳ Viên chỉ 19 năm thôi, cũng không liên tục, vì vậy mình phải nhớ những chuyện nhỏ nhỏ như vậy. Có những vị pháp sư thờ ơ, kể chuyện trong kinh mà cứ kể tùy thích, ví dụ ngài Xá Lợi Phất đến thăm bệnh ông đao phủ, ông này cả đời đi chặt đầu người ta nên lúc hấp hối ổng sợ. Sợ chứ, bình thường không sợ nhưng lúc sắp đi thì một là tiếc nuối, hai là sợ hãi, hoang mang nghi hoặc không biết đi về đâu. Khi ngài Xá Lợi Phất đến thăm bệnh, ông nói ông sợ. Ngài Xá Lợi Phất nói: Chuyện ông giết là tự ông hay ai sai khiến?Ông đao phủ trả lời: Dạ theo lệnh vua, y án theo quy định pháp luật thôi, chớ con hứng thú gì mà đi chặt đầu người ta.Ngài Xá Lợi Phất nói: Nếu không phải do ông mà do người khác thì tại sao ông phải sợ. Ở đây ngài Xá Lợi Phất không nói là “không có tội”. Nhưng nhiều vị pháp sư kể lại thì cho ngài Xá Lợi Phất trả lời: Nếu không phải ông chặt thì đâu có tội đâu, vì do lệnh vua mà.Trường hợp này không phải là không có tội, dù có an ủi phủ dụ trấn an người ta cũng phải nói cho chính xác, ngài không nói là không có tội mà ngài nói là đừng có sợ.

Tóm lại nội dung bài kinh này là vị tỷ kheo sống làm sao để nhận được sự nhắc nhở của người khác. Vấn đề chưa dừng ở đó, khi nhận được sự nhắc nhở của người ta mình có sửa đổi hay không, đó là chuyện khác nữa. Lời giải thích này cho bài kinh đầu tiên cũng là lời giải thích chung cho những bài kinh sau của chương này. Những bài kinh sau cũng có nội dung tương tự như vậy, nghĩa là một vị tỷ kheo nào đó trong đời sống có vấn đề nào đó, hoặc do chư thiên hiểu lầm rồi nhắc nhở cũng có. Chẳng hạn có một vị thiên nhân nhắc mà không biết người mình muốn nhắc là vị A-la-hán. Sẵn đây mình học được một bài học nữa, đừng nghĩ phi nhơn họ có thần thông thì cái gì họ cũng biết, cái này không chắc. Bằng chứng là trong đây có nói rõ, có những vị trong đây là A-la-hán, mà vị thiên nhân không biết nên họ vẫn nhắc. Vì vậy nhiều khi mình cứ nghĩ là có thần thông, có tha tâm thông thì cái gì cũng biết, vậy là không đúng. Mình học kinh có cái lợi là nó mở ra cho mình những vấn đề mình hiểu lầm, hoặc soi rọi những vấn đề tồn nghi trong lòng mình từ bao lâu nay, có nhiều cái mình hiểu sai hoặc hiểu chưa tới, chưa đủ sâu chưa đủ rộng, chưa đủ đúng. Nhờ nghe, nhờ học, nhờ đọc thêm mình có thể kịp thời bổ sung sửa chữa những chỗ cần thiết.

“…Các bụi trần dục vọng,

Như chim, thân dính bụi,

Rung thân khiến bụi rơi…”

Bài kệ này hình ảnh rất là đẹp, vị Trời nhắc vị tỷ kheo: Mình là người xuất gia giống như một con chim, mình làm sao mà những phiền lụy của trần gian đối với mình chỉ là những hạt bụi trên cánh của một con chim thì như vậy mới là tốt; chứ nếu như mình là một con heo trong chuồng, con trâu con bò trong vũng sình, để cho cái dơ đối với mình nặng nề và nhiều như vậy thì quá tệ. Con chim thì nhỏ, lông vũ thì vốn waterproof, không dính nước, nhiều lắm chỉ dính bụi thôi. Con chim lại bay lên trời, chỗ nhiều gió nên khả năng dơ không có nhiều. Hình ảnh này rất đẹp, mình là người xuất gia phải làm sao hệ lụy của cuộc đời đối với mình phải ít và dễ giải quyết. Cái hay của ví dụ này nằm ở chỗ đó.

SĂN SÓC HẦU HẠ (Upaṭṭhānasutta)

Các vị để ý, bài nào không có câu kết bằng văn xuôi thì vị tỷ kheo trong kinh đó là La-Hán (chỉ trong chương này thôi). Câu kết bằng văn xuôi chẳng hạn như: “Vị Tỷ-kheo ấy được vị Thiên cảnh giác, tâm hết sức xúc động.” Vị đó có thể là Tu-đà-hoàn, như ngài Ananda, khi được nhắc như vậy tâm hết sức xúc động. Chú giải có nói thêm, xúc động (saṃvegamāpādī) ở đây nghĩa là động tâm và nỗ lực hơn, nghe xong có tàm có úy, nhớ lại chuyện mình phải làm, ‘uttamavīriyaṃ’: trở nên tinh tấn hơn, ‘paramavivekaṃ’:sống chuyên cần độc cư hơn, ‘Maggameva paṭipannoti’: hành đạo chuyên tâm hơn, chớ không phải xúc động là sốc, nghe người ta nói rồi thấy quê, thấy tự ái. Bài kinh thứ hai này là vị A-la-hán. Vị La-Hán chỉ có cảm giác mỏi của thân xác, không có trạng thái tâm lý biếng lười mê ngủ. ‘Kāyadaratha’: sự mệt mỏi cần nghỉ ngơi của thân xác. ‘Thinamiddha’: hôn trầm thụy miên, đây là sự buồn ngủ, lờ đờ mơ màng của tâm lý, thích ngủ, thấy ngủ ngon, Vị A-la-hán không có hôn thụy, chỉ có sự mệt mỏi cần nghỉ ngơi của thân xác, không có thấy bực mình khi phải thức sớm hơn mình muốn. Chỉ có Thanh văn và Độc Giác mới có giấc ngủ dài như người bình thường. Phật Toàn giác thì phần lớn thời gian nghỉ ngơi là nhập thiền Chỉ hoặc trú niệm, còn tâm Hữu phần (bhavanga) chỉ xen kẽ với số lượng nhiều hay ít mà thôi, không đủ tạo nên cái gọi là giấc ngủ. Cái này tôi giảng theo A-tỳ-đàm, bắt buộc giảng chuyên môn phải nói thôi chứ không tin bà con có thể hiểu hết. Bhavanga là tâm chủ quan, tâm hữu-phần hay còn gọi là tâm hộ kiếp, tâm này là tâm quả từ quá khứ. Khi mình tạo nghiệp thiện ác gì đó thì nó tạo ra hai quả: 1. Quả tái tục (tức tâm đầu thai cho mình đi tái sinh chỗ này chỗ kia), 2. Quả bình sinh (bình nhật). Lúc mình sống, đời sống tâm lý của mình là một chuỗi dài của vô số sát na, khi mình biết cảnh từ bên ngoài thì sẽ xuất hiện một loạt (process) tâm lộ vīthi, tối đa là 17 tối thiểu là 3 hay 4, chỉ có rúng động hoặc khai ý là hết, cảnh cực nhỏ. Khi nào có cảnh cần biết thì tâm khách quan xuất hiện để nó biết. Nếu không có cảnh từ bên ngoài thì lúc bấy giờ tâm đầu thai của mình (không phải là một) nó tồn tại một sát na rồi diệt. Đầu đời của mình thì nó đóng vai trò là tâm tái tục, nhưng sau đó chỉ trong một sát na thì nó biến mất; loại tâm tương tự như vậy xuất hiện, đóng vai trò hữu-phần, để chiếm phần lớn thời gian trong đời của mình. Khi nào mình ngủ, mình ngất xỉu thì nó xuất hiện, còn không thì nó xuất hiện xen kẽ giữa các tâm lộ khách quan để mình biết ngoại cảnh. Đối với vị Độc Giác, Thanh văn và tất cả những người còn lại thì có thể do mệt mỏi hoặc hôn trầm thì loại tâm này có thể xuất hiện hàng giờ hoặc nhiều giờ, hoặc một ngày hai ngày liên tục để tạo những cơn hôn mê sâu, hoặc những giấc ngủ sâu, hoặc giấc ngủ ngắn. Riêng chư Phật Chánh Đẳng Giác thì không, thời gian những tâm hữu phần này xuất hiện ở các ngài không đủ nhiều để gọi là một giấc ngủ, các ngài chỉ nghỉ ngơi bằng cách nhập thiền Chỉ hoặc nhập thiền Quả hoặc Trú niệm. Đối với người trí nhanh thì khoảng cách giữa hai tâm lộ, tâm hữu-phần xen kẽ ít, trí càng chậm thì sát na hữu-phần càng nhiều. Đức Phật chỉ có 3, những vị như ngài Xá Lợi Phất, Ānanda thì có thể đếm được còn người bình thường thì đếm không được.

Vị thiên ở đây nhìn thấy vị tỷ kheo này nằm ngủ, vị này có ý trách tại sao vị tỷ kheo này nằm ngủ như vậy. Bài kệ này có một dị bản như vậy. Ở đây là “ko attho supitena te”. Dị bản kia là: “Uṭṭhahatha nisīdatha ko attho supitena vo”; (vo- số nhiều): xin các vị hãy ngồi dậy, ngủ như vậy có lợi ích gì. “Aturananhi ka nidda” đối với người đang bị bịnh phiền não, ngủ như vậy chỉ mất thì giờ, chỉ kéo dài thời gian sinh tử thôi. Ở đây thì bài kệ y hệt như vậy nhưng sửa thành số ít, chẳng những vậy còn sửa lại một hai câu ngắn ngắn.

“Uṭṭhehi bhikkhu kiṃ sesi, ko attho supitena te”; Hãy thức dậy sư ơi sư, ngủ vậy để làm gì, ngủ vậy có lợi ích chi đâu. Tại sao ở đây tôi đề cập bài kinh kia. Bởi vì bài kia[1]trong Kinh Tập (Suttanipāta) là bài kinh nổi tiếng bên Tích Lan. Buổi sáng thay vì đánh chuông, họ cho vị nào lớn giọng đọc bài kinh đó cho cả chùa nghe, giống như la, như hô canh vậy. Nghe rất là xúc động. Cái này tôi chỉ đọc báo thôi chứ tôi chưa đi Tích Lan. Thay vì tiếng chuông thì đây là một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở. Bản thân tôi không phải là hành giả, thiền sư, những khi khẩn cấp phải thức dậy tôi khó chịu lắm, nhưng thời gian mấy năm gần đây tôi có nhớ một chuyện: mình sống được bao lâu. Nhớ vậy là tỉnh liền. Mỗi lần ham ngủ, ngủ ngon quá đi, khi đến buổi giảng, tôi không nghĩ đến Phật tử, không nghĩ đến trách nhiệm, không nghĩ đến gì hết, chỉ có một cách tỉnh là nghĩ mình còn sống được bao lâu, thế là tỉnh liền. Một phần ba cuộc đời mình là ngủ. Hai mươi năm đầu đời trẻ người non dạ, ăn chưa no lo chưa tới. Hai mươi năm tiếp theo, đi học đại học, ra nghề, làm lụng kiếm tiền. Hai mươi năm nữa là sống được tới 50 là chuẩn bị hưu, giai đoạn rong chơi giảm dần. Sau 60 thì cũng hết xài. Trong 60 năm đó một ngày mình ngủ bao nhiêu, tính ra thấy khiếp lắm, vì vậy vị Thiên này nhắc: Đối với một người đang bị bệnh, đối với một người đang trúng tên, đối với một người đang sinh tử thì giấc ngủ chỉ làm mất thời gian. Chỉ kéo dài thời gian sinh tử thôi. Thế nhưng vị Thiên này không biết cái người mình nhắc đó là một vị A-la-hán. Vị A-la-hán không cần lời nhắc này, nhưng dù sao bài kinh này rất đáng để cho chúng ta suy ngẫm về giấc ngủ của mình. Mình đang có mặt trong giấc ngủ lớn, muốn tỉnh dậy thì phải từ bỏ giấc ngủ nhỏ.

Bài kệ này ý nói một người xuất gia thì đừng để cho sự mê ngủ làm mất thì giờ của mình. Tôi biết nhiều trường hợp giấc ngủ cản trở đời sống tâm linh của mình. Bên Thụy Sĩ có một chị Phật tử nói với tôi, chính giấc ngủ là cản trở lớn nhất khi đi tu thiền bên Miến Điện, khí hậu nóng lạnh chị chịu được, thức ăn tanh nguội cay lạt khó nuốt, chịu được, chỗ ở dơ thiếu phương tiện chịu được, nhưng dậy bốn giờ dậy không nổi. Theo trong kinh, cái định của ngài Mục Kiền Liên rất mạnh nên trước khi đắc A-la-hán ngài thường bị chứng hôn trầm rất nặng. Chính Đức Phật hướng dẫn ngài Mục Kiền Liên cách đối trị với hôn trầm và sau đó chính Đức Phật hướng dẫn ngài Mục Kiền Liên từng bước chứng thiền và luyện thông. Buồn ngủ cũng là một trở ngại lớn. Vị A-la-hán này trả lời vị thiên, ngài xác nhận: Ngươi nói đúng, nhưng người như ta không có tệ như vậy đâu.

KASSAPAGOTTA: THỢ SĂN (Kassapagottasutta)

Ngài Kassapagotta ở trong rừng thấy ông thợ săn, săn bắn đuổi thú, sát sanh, nên mới giúp ổng. Ngài nói với ông thợ săn: “pāṇātipāto nāmesa apāyasaṃvattaniko appāyukasaṃvattaniko” sát sanh như vậy là con đường dẫn đến sự sa đọa, dẫn đến sự yểu thọ, “mā evarūpaṃ kakkhaḷakammaṃ karohī”, đừng tiếp tục tạo nghiệp ác như vậy nữa.

Ông thợ săn vì lòng tôn kính, “gāravena ṭhatvā” ông đứng lại “sotuṃ āraddho” ráng mà nghe ngài nói. Nghe thì nghe “cittaṃ panassa” nhưng trong tâm ông, “asukaṭṭhānaṃ migo gato bhavissati” ở đằng kia có nai kìa, “tattha naṃ gantvā ghātetvā” mình tới đó mình giết. “maṃsaṃ khāditvā sesaṃ kājenādāya gantvā puttake tosessāmī”, phần nào ăn thì ăn, đem bán thì bán đem về nuôi con.

Ông đứng nghe ngài nói nhưng đầu ông cứ lảng vảng lo những chuyện riêng. Theo Chú giải, vị Trời này thấy ngài Kassapagotta mất thì giờ giảng cho người trơ trơ như đá không chịu nghe, vị Trời biết cảm giác đó, biết lòng tốt của ngài Kassapagotta và tâm tư của ông thợ săn nên vị này dùng một hình ảnh rất là sống động, ông nói: Trời đất ơi con lạy ngài, người như vậy nói họ không hiểu đâu, giống như ngài cầm mười bó đuốc mà người ta cũng không nhìn vì người ta không có con mắt cũng vậy thôi. Giống như sân xi măng, tấm bạt nhựa mà mưa xuống cũng như không.

Mình sống làm sao mà người ở gần mình người ta nghe mát không nghe lạnh, người ta thấy ấm không thấy nực, người ta thấy gần gũi mà không thấy chật chội, sống làm sao mà người ta thấy sáng sủa chớ không thấy chói mắt. ‘Chói’ nghĩa là cách nói của mình, cách sống của mình làm người ta thấy khó chịu. Đọc kinh thấy đối với đệ tử thì ngài Xá Lợi Phất làm cho đệ tử thấy ấm, mát, sáng, còn ngài Ca Diếp làm cho đệ tử thấy lạnh, thấy nóng, thấy chói. Không phải là ngài Ca Diếp dở nhưng cái kiểu của ngài như vậy, hơn nữa là cái thiện xảo sao bằng ngài Xá Lợi Phất được. Ngài Xá Lợi Phất trong kinh gọi là ‘satthasāmā’ nghĩa là giống hệt như Bậc Đạo sư. Dĩ nhiên đây là cách nói hơi cường điệu nhưng mình hiểu ngầm vậy, ngài là người duy nhất được chữ này. Chính Đức Phật cũng xác nhận “Xá Lợi Phất ở đâu cũng giống như Như Lai ở đó vậy”. Lúc Đức Phật nói năm nay Như Lai đã 55 tuổi, trong sinh hoạt Như Lai cũng cần có người giúp đỡ, Như Lai cần một thị giả, các tỷ kheo hãy chọn cho Như Lai một người. Ngài Xá Lợi Phất quỳ xuống xin Thế Tôn cho làm việc đó. Đức Phật nói không được, Xá Lợi Phất ở đâu thì giống như ta ở đó, nếu đi theo ta thì thiệt thòi cho chúng sinh nơi khác. Đối với ngài Mục Kiền Liên, Ngài cũng nói như vậy. Trí tuệ của ngài Xá Lợi Phất nổi trội quá nên hình ảnh của vị Mục Kiền Liên bị mờ đi chớ thật ra trí tuệ hai vị này 9 -10. Bên Bắc Tông thì tán thán ngài Mục Kiền Liên và coi nhẹ ngài Xá Lợi Phất. Ngài Mục Kiền Liên thì họ chỉ tán thán ngài có một cái “khen phò mã tốt áo”. Nghĩa là ngài Mục Kiền Liên có bao nhiêu pháp tánh thù thắng vi diệu muôn ngàn ức triệu Phạm thiên không bằng gót chân của ngài vậy mà họ chỉ khen ngài vụ đại hiếu. Tu-đà-hoàn là đại hiếu rồi, lòng tri ân là lòng của thánh nhân. Trong Chú giải nói rõ: nói gọn vị Tu-đà-hoàn không còn thân kiến hoài nghi, giới cấm thủ nhưng nói rộng thì Tu-đà-hoàn không còn bốn pháp thiên vị, không còn hành xử vì ghét vì thương vì sợ, không còn bỏn xẻn nữa. Đặc biệt là tánh tri ơn, lòng đại hiếu của Tu-đà-hoàn thì không ai sánh, khen vị A-la-hán đại hiếu là khen phò mã tốt áo, vì ngay vị Chánh Đẳng Chánh Giác mà đối với cha mẹ của mình còn cư xử như vậy thì nói gì đệ tử của ngài.

ĐA SỐ HAY DU HÀNH (Sambahulasutta)

Bài kinh này được gọi là Kinh Đám Đông (crowd). Bài kinh này kể chuyện một nhóm tỷ kheo đến nhập hạ an cư mùa mưa trong một khu rừng, sau đó bỏ đi chỗ khác. Đời sống của tỷ kheo ngày xưa là như vậy, không có chuyện chọn trụ xứ nào đó như ý rồi ở suốt đời, cũng có chớ không phải không, nhưng phần lớn các vị liên tục thay đổi chỗ ở vì nhiều lý do:

1. Điều kiện sinh hoạt ngày xưa không giống bây giờ, bây giờ có nhà bếp nhà kho, có tiền chợ, có hậu phương hậu cần, hạ tầng cơ sở vững chắc, có tổ chức có tính xã hội rất cao. Ngày xưa chùa chỉ là chỗ qua đêm của chư tăng. Phật tử cho chăn mùng, đệm, chiếu thôi chớ trong chùa không có nhà kho nhà bếp hay đầu bếp nấu ăn.

2. Chư tăng bên Ấn Độ không bị ràng buộc pháp luật theo cách như mình bây giờ, phải có giấy tờ. Ngày xưa thì chỗ ở của chư tăng không bị ràng buộc như vậy. Bây giờ mà một vị sư đang ở Đồng Nai ba tháng rồi lên Sài Gòn ở ba tháng thì khó, thành phố lớn không có mở rộng cửa cho những ai ngoại tỉnh về. Hồi đó thì tất cả đều sống trong rừng, nông thôn nhiều, những vị trong chùa thì không có quyền lợi như chư tăng bây giờ. Ngày xưa thì người thường trụ và người tạm ghé thì không có sự khác biệt gì về quyền lợi, cứ sáng thì xách bát đi giống nhau, tối về thì có chỗ ghé lưng, không phân biệt quyền lợi.

3. Lý tưởng rốt ráo của vị tỷ kheo nguyên thủy là tu hành giải thoát, trong Trung Bộ Kinh Đức Phật dạy rằng: Ở nơi nào mà biết rằng thiện pháp lui sụt, thối thất, ác pháp bất thiện tăng trưởng thì vị tỷ kheo lập tức phải ra đi, dầu phải ra đi trong đêm, không được sự đồng thuận của thầy tổ cũng phải ra đi. Còn nếu ở chỗ nào thiện pháp phát triển dầu có bị xua đuổi cũng phải tìm mọi cách để xin được ở lại. Đó là tinh thần PGNT, hôm nay tinh thần đó hầu như không còn nữa, hôm nay chúng ta nắm níu nấn ná nơi nào đó vì lý do nào đó chứ không phải lý do lý tưởng giải thoát nữa và do vì vấn đề xã hội đến vấn đề cá nhân. Tại sao bài kinh này tôi dừng lại nói nhiều ở chỗ này, là để mai mốt không nói nữa, vì sao chư tăng phải đi nhiều quá. Hôm nay chúng ta đọc lại cuộc đời của ngài Ajahn Mun sư phụ ngài Ajahn Chah, bản thân ngài Ajahn Chah, rồi ngài Achan Liem, học trò của ngài Achan Chah, chúng ta sẽ thấy các vị ấy có một thời tuổi trẻ tu tập rất là nhiệt thành, niềm tin rất là thuần cố, rất vững chắc, nên các vị đó không có ràng buộc với một trụ xứ, không quan hệ liên lạc với cư sĩ nào hết, và liên tục thay đổi chỗ ở chỉ vì lý do nhu cầu tinh thần. Hôm nay những người như ngài Ajahn Mun , Ajahn Chah thì không còn nữa, mình cứ tìm chỗ ở nào mà có dư quyền lợi.

Trong Chú giải nói rằng các tỷ kheo trong bài kinh này toàn những vị tinh thông Phật pháp, giỏi tạng Kinh (suttantika), chuyên về A-tỳ-đàm (abhidhammika), giỏi Luật (vinayadhara). Nghĩa là trong nhóm tỷ kheo này toàn là Long tượng hộ pháp, “Tả hữu sứ quang minh đỉnh” nên các vị cứ thay phiên nhau thuyết pháp. Trong Chú giải nói là mỗi lần bà con tổ chức cúng dường thì chư tăng trong đó từ vị trưởng lão đến vị nhỏ xíu đều có thể thay phiên nhau thuyết pháp, thuyết pháp mà toàn là “thứ dữ” không hà nên khi mấy sư phụ đi hết rồi thì để lại một khoảng trống không sao lấp đầy. Có những người sống trên đời chỉ là sự góp mặt chứ không đóng góp nên mai này họ chết hay ra đi thì sự ra đi của họ chỉ là sự vắng mặt chớ không phải là sự mất mát của chúng sanh. Vì vậy phải sống làm sao những người gần mình thấy mát chớ không phải lạnh, thấy ấm chớ không phải nóng, thấy gần gũi chớ không thấy chật hẹp, thấy sáng sủa chớ không thấy bị chói mắt. Sống làm sao mà sự có mặt của mình là sự đóng góp chớ không phải chen lấn, và sự vắng mặt của mình là sự mất mát cho người khác chứ không phải là sự dư chỗ. Những vị tỷ kheo này sống đúng với tinh thần đó nên các vị đã để lại khoảng trống mênh mông khi ra đi. Cái đẹp của bài kinh này là anh sống làm sao mà sau lưng anh là một khoảng trống khó lấp đầy, một chỗ trống u buồn, một nỗi nhớ không tên, chứ đừng sống làm sao khi anh ra đi mà để lại một chỗ trống thiên hạ mơ ước mà không được. Lời đối đáp trong kinh này rất là hay. Vị thiên trước than buồn, vị thiên sau đáp

Họ đi Magadha,

Họ đi Kosala,

Và một số vị ấy,

Ði đến đất Vajjà.

Như nai thoát bẫy sập,

Chạy nhảy khắp bốn phương.

Tỷ-kheo không nhà cửa,

Sống giải thoát như vậy.

Đó là tinh thần của PG truyền thống. Hôm nay tôi lạc đề một chút, lát nữa nghe giảng xong các vị vào internet tìm bài Trường Ca Kalinga của Trúc Thiên, bài thơ này mô tả cuộc đời vua A Dục, trong đó có đoạn nói về chư tăng trong cuộc đời hoằng pháp, tôi rất là thích. Khi vua A Dục thấy được cái sai của mình trong mộng tranh bá đồ vương, vua quyết định từ bỏ kiếm cung gươm giáo để trở thành Phật tử, vua có một lời phát nguyện:

“gươm giáo đó sẽ là chuông là tượng

thân tâm này sẽ là bát là y”

“đây: chồi Bồ Ðề

đây: ngọc Xá Lợi

đây: Ba Tạng Pháp Bửu Pa Li

trẫm cung kính trao về chư Ðại Ðức

đây: Muôn đời Thông Ðiệp của Từ Bi”

“… và Pháp Phật tràn lan như sóng nước

và Bồ Ðề bóng ngả mát mười phương

từ kinh kỳ ra hải ngoại

nối liền lục địa với trùng dương

pháp nào là chẳng Pháp Phật ?

tâm nào là chẳng Tâm Thương ?

tung ra thì đạo mở muôn đường

khép lại thì bặt từng mảy bụi

ai ngàn xưa mở núi

ai ngàn sau hành hương

thấy chăng trong nhịp hoằng dương

bóng người hộ pháp lồng khuôn Phật đà?”

Đoạn cuối rất là hay, mô tả quá trình đi hoằng pháp của chư tăng rất là đẹp. Chỉ hoằng pháp không thì không đẹp mà bản thân mình phải là những cánh chim mới là đẹp, chớ còn đi hoằng pháp mà có tư túi là không đẹp.

ANANDA (Ānandasutta)

Câu chuyện xảy ra ngay sau khi Đức Phật viên tịch chưa lâu. Chú giải nói sau khi Đức Thế Tôn niết-bàn chưa lâu ngài Ānanda đi đâu cũng bị người ta vây quanh, nhìn ngài người ta nhớ Đức Phật; người ta muốn hỏi tất cả những gì muốn hỏi về Đức Phật, về những ngày cuối đời của Đức Phật. Bà con mỗi lần gặp ngài Ānanda là khóc. Tâm lý bình thường của con người là vậy, mình thương một vị thầy của mình mà thầy đột ngột mất thì khi gặp thị giả của thầy mình sẽ có biết bao điều muốn hỏi.

“So bhagavato pattacīvaramādāya”, ngài Ānanda giữ lấy y bát của Thế Tôn,“kosalaraṭṭhaṃ gantvā ekasmiṃ araññāvāse vasitvā punadivase” đến sống trong một khu rừng ở Kosala, “ekaṃ gāmaṃ pāvisi” mỗi ngày đi vào rừng để khất thực. Người ta hỏi ngài. “bhante ānanda, tumhe pubbe satthārā saddhiṃ āgacchatha” Thưa ngài Ānanda, ngày xưa ngài đi với Thế Tôn, “Ajja ekakāva āgatā”bây giờ còn một hình một bóng thôi. “Kahaṃ satthāraṃ ṭhapetvā āgatattha?” Ngài bỏ lại Thế Tôn ở đâu rồi? “Idāni kassa pattacīvaraṃ gahetvā vicaratha?”Bây giờ những y bát đó ngài cầm đi về đâu?

Kassa mukhodakaṃ dantakaṭṭhaṃ detha”, ngày xưa mỗi sáng ngài cúng dường tăm xỉa răng nước rửa mặt cho Thế Tôn bây giờ ngài làm cho ai nữa. “pariveṇaṃ sammajjatha,” bây giờ làm sao còn dịp ngài quét phòng cho Thế Tôn nữa. “vatvā parideviṃsu”.Họ khóc

Ngài Ānanda trả lời: “mā, āvuso, socittha, mā paridevittha, aniccā saṅkhārā” đừng buồn, đừng khóc, chuyện đời vô thường như vậy.

Cứ như vậy mà ngài Ānanda đi đâu chuyện cũng diễn ra như vậy. Một vị Thiên nhân nhìn thấy khó chịu mới suy nghĩ thế này: Ngài đã biết ngay lúc này tới chỗ đám đông là bị bao vây sao ngài không chịu tránh, cứ đi đến mấy chỗ đó như vậy thì quá phiền. Cho nên vị Thiên mới nói:

“Rukkhamūlagahanaṃ pasakkiya, đã chọn lấy gốc cây làm trụ xứ rồi, “nibbānaṃ hadayasmiṃ opiya” đã để niết-bàn vào tim rồi, “kiṃ te biḷibiḷikā karissatī”. Có lợi ích gì khi ngài phải trả lời những câu hỏi tào lao của thiên hạ

‘Bilibilikatha’: ‘những chuyện tào lao’ (tattle)

Ngài Ānanda lúc đó mới là vị Tu-đà-hoàn, mấy hôm sau ngài mới đắc A-la-hán, nghe như vậy ngài xúc động, ngài quyết định lui về sống một mình, không gặp gỡ mấy người kia nữa.

Đọc bài kinh này mình mới thấy mình đã sống ra làm sao, mình nói mình là hành giả, tu tập, nhưng thật ra một ngày thời gian mình dành cho Phật pháp, cho suy tư chánh niệm không nhiều. Phải nói rằng ngày xưa, mấy chục năm về trước, (tôi làm thầy chùa 35 năm rồi) tôi thấy trong 5 ác khẩu có tội nói lời vô ích (‘samphappalapa’:‘phiếm luận’), tôi coi thường lắm, tôi nghĩ đó chỉ là chuyện tào lao mất thì giờ. Thế nhưng không phải, tội đó nặng kinh khủng. Cái đầu anh phải suy nghĩ chuyện tào lao, anh mới nói chuyện tào lao, và trong những cái tào lao đó có những đề tài làm cho anh lui sụt rất nặng về thiện pháp. Có những đề tài mà bàn riết thì con người mình bị hư, hỏng đi. Có những người mình tiếp xúc với họ riết mình đổi tánh, ví dụ mình đang rộng tự nhiên mình hẹp, nhỏ mọn, ích kỷ, keo kiệt, bủn xỉn. Có người khi mình tiếp xúc với họ mình trở nên nóng tính hơn, bận tâm những chuyện nhỏ nhặt hơn. Có những người mình tiếp xúc với họ tự nhiên niềm tin của mình đối với Tam Bảo tự nhiên phai nhạt dần, không thấy quan trọng nữa. Càng lớn thì mới thấy phiếm luận nó dễ sợ lắm. Thử để ý xem, đi vô chùa hay đến nhà người quen ngồi nói chuyện tào lao thì thấy mệt lắm, phải tập cho mình cái gan, thấy tào lao là đứng dậy liền, còn hoàn cảnh nào không thể lìa khỏi chỗ đó thì mình tìm việc gì đó mình làm, nhưng tối thiểu đừng có tham dự. Cứ để ý ngồi nói chuyện tào lao một hồi là ra chuyện, dứt khoát không tham thì sân.

ANURUDDHA (Anuruddhasutta)

“Một thời Tôn giả Anuruddha trú ở giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng. Rồi một Thiên nữ ở chúng Tāvatimsa, tên là Jālinii, đời trước là vợ của Tôn giả Anuruddha, đi đến Tôn giả Anuruddha…”

Theo Chú giải, vị Thiên nữ tên Jālinii ở đây (“anantare”: “ngay kiếp sống trước đây”) trước kiếp chót của ngài, bà là vợ ngài, nên khi gặp lại bả rất là thương, thương mãnh liệt. (‘Balavasineha’: ‘tình yêu mãnh liệt’)

Mỗi ngày bà quét dọn phòng của ngài, cúng dường thức ăn cho ngài. Ngài vẫn đi bát, nhưng phần nào đi bát thì đi, phần nào bà cúng thì cúng. Bà cúng dường y áo cho ngài bằng cách dùng thần thông tạo ra những tấm vải. Ngày xưa khác bây giờ, may y cho mấy sư sẵn, hồi xưa phần lớn là cúng vải, kích thước của mỗi vị khác nhau nên tốt nhất là họ cúng vải cho chư tăng. Chư tăng ngày xưa đều phải biết may vá y áo cho mình; truyền thống của ngài Ajahn Chah bên Thái cũng vậy.

Thời đại bây giờ đã lên iphone 6. Sáng nay tôi đọc báo thì Mỹ cho biết trong vòng 10 năm nữa người ta đã có thể tổ chức du lịch lên mặt trăng. Bà con trong room để dành tiền, sức khỏe đừng tệ quá thì cũng lên mặt trăng được. Trong 10 năm nữa thì chuyện qua đêm chỗ sâu nhất của Thái Bình Dương không khó khăn, bây giờ thì nhiều lắm mình làm một chuyến hải hành trên du thuyền một tháng hai tháng, hoặc lặn chút đỉnh dưới biển một hai chục phút. Hiếm nơi nào trên thế giới để mình có thể dạo chơi dưới biển nhưng 10 năm trở lại thì đáy biển, hay mặt trăng chỉ là chuyện nhỏ xíu. Trong thời buổi văn minh như vậy mà các thiền viện trong truyền thống của ngài Ajahn Chah thì chư tăng đều phải biết may y, cắt y, nhuộm y theo phương pháp thủ công. Hai ba vị đứng căng ra rồi cắt, tính toán trong y có bao nhiêu ô, cái nào dài cái nào ngắn, cắt ra rồi may, rồi mua thuốc nhuộm về nấu nước sôi rồi nhúng vào. Chuyện đó có tới ngàn lẻ một cái hay: Dạy cho chư tăng cái tay nghề, để mai này bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể tự may y cho mình, chỉ cần có vải thôi. Quí vị biết y của chúng tôi, thấy to nhưng thật ra là vải vụn. Quí vị có quen ông sư nào thân thì nói mở ra cho coi không cần phải đụng vào, chỉ toàn vải vụn. Ông sư phải có khả năng may y, rồi nhuộm. Tôi không có phước nhưng lại là cái hay, tôi rời VN mười sáu năm nhưng đặc biệt bốn chỗ ở của tôi đều không có máy giặt. Ngay cả tôi về Thụy Sĩ, hay chỗ ở bên Đức, cũng không có máy giặt, tôi giặt tay trong lavabo. Tôi nhiều nghề lắm, tôi có nghề nhuộm nữa. Chư tăng bên đây trời lạnh, mặc áo không để vai trần, cần áo tay dài. May thì may không nổi, nhờ trong nước may thì ai đem ra cho mình, thế là tôi kiếm mấy cái T shirt tay dài, màu sáng có thể nhuộm được, tôi cắt cái cổ đi đẹp lắm. Đẹp hơn áo mà Phật tử may cho mấy ông sư nữa. Thụy Sĩ bán màu đẹp lắm, có ghi sẵn là nhuộm bằng thủ công, nấu nước sôi 40 độ, ngâm hai giờ. Hoặc bỏ vào máy giặt, chọn chế độ càng lâu càng tốt. Cái cảm giác giữa xứ sở văn minh này mà nhuộm món đồ bằng tay nó ‘đã’ làm sao đâu. Cách đây hai tuần tôi đích thân đi mua vải bởi vì lúc này tôi mặc y màu Miến Điện, xưa giờ Phật tử cho tôi toàn y màu Thái Lan. Y Miến Điện xưa giờ là họ bán nhất y nhất quỡn, trên là có vai trái, dưới là y nội, y nội mặc rất là hao. Bận mỗi ngày hao lắm, thế là tôi ra mua vải nhờ người quen họ may giùm tôi, may cái màu không vừa ý mình nhuộm lại, cái cảm giác đã vô cùng. Bà Thiên nữ này cúng dường cho ngài Anuruddha bằng cách hóa hiện ra những vải tốt. (‘dibbadussa’: vải trời, celestial fabric). Tôi hay chua thêm tiếng Anh vì sợ có nhiều người tiếng Việt không giỏi. Bà tạo ra miếng vải đẹp rồi liệng vào đống rác (sankarakuta).

‘Dussa’: ‘vải’. ‘Susana’: ‘nghĩa địa’

‘Makkhitadussa’, ‘kilitthavattha’:‘vải nhơ nhớp’. ‘uccārapassāvapaṃsumasikaddamādīhi’: vải dính phân dính nước tiểu dính máu, vị tỷ kheo nhặt về giặt, nhuộm. Tỷ kheo nguyên thủy phải có gan xài vải như vậy về chính tay mình giặt. Chính Đức Phật cũng từng giặt vải bó xác cô nô lệ, rồi đưa ngài Ānanda may, sau này cho ngài Ca Diếp, vì Đức Phật biết ngài Ca Diếp có hạnh đầu đà nên Ngài khích lệ sách tấn. Đức Phật trao cho Ca Diếp lá y chính tay Ngài giặt. Vinh dự này trong tam giới đếm trên đầu ngón tay. Giống như trong đời Thế Tôn, 45 năm chỉ có một người duy nhất mà Đức Thế Tôn tiễn một đoạn, đó là ngài Xá Lợi Phất. Khi ngài Xá Lợi Phất đến từ biệt Đức Phật xin niết-bàn thì Đức Phật nói với ngài Xá Lợi Phất: Hãy thuyết pháp cho đại chúng một lần cuối đi và ta sẽ không bao giờ còn gặp người đệ tử nào giống như Xá Lợi Phất nữa. Sau khi nói chuyện xong, Thế Tôn đứng dậy nói: Để ta tiễn ngươi đi một đoạn. Đó là người duy nhất mà tôi được đọc thấy trong kinh. Trường hợp thứ hai là chính tay Đức Phật nhặt và giặt tay tấm vải dơ, rồi giao cho ngài Ānanda may y.

Vị Thiên nữ này cứ lảng vảng giúp đỡ ngài. Một ngày kia ngài thấy đã đến lúc phải nhắc nhở. So với chánh tạng thì Chú giải có nói thêm, ngài nghĩ ngài sẽ giúp vị thiên nữ này đừng nuôi tâm nguyện như vậy nữa và ngài chờ dịp. Bữa đó vị thiên nữ gặp ngài và nói: Thưa ngài, ngài cần cái gì, ngài muốn bất cứ cái gì (‘icchiticchita’: whatever you like) thì con cũng sẽ tạo ra cho ngài.

Ngài trả lời: Hãy xuất hiện bằng nhiều màu sắc khác nhau. Thế là vị thiên nữ mừng lắm, thế là rùng mình một cái, xuất hiện trong bộ trang phục màu vàng, rồi trộn lại màu xanh pha màu tím, hồng phấn, mỡ gà v.v… Khi đó cổ nhìn ngài thì thấy ngài nhắm nghiền đôi mắt và không màng gì hết:

“Thero indriyani okkhipi”:trưởng lão đóng kín các căn.

“sineham va santhavam va alabhamana nibbinditva gantumaraddha”: Khi thấy không được gì hết, cô Thiên nữ nhàm chán và bỏ đi.

‘Santhavam’: ‘sự tiếp xúc’

‘Alabhamana’: ‘không được gì hết’

‘Nibbinditva’: ‘nhàm chán’

‘Gantumaraddha’: ‘lập tức bỏ đi’

Người ta đến với mình mà mình không mở cửa thì khách nào cũng bỏ đi. Một trong những cách tự vệ tốt nhất của Sa-môn đó là đóng cửa. Đóng cửa ở đây không có nghĩa là xô đẩy, từ chối, xua đuổi người ta mà là thái độ của mình làm người ta chán. Ví dụ trên facebook, email, phone mà liên lạc với mình hoài mà không thấy mình trả lời người ta cũng buông. Có qua có lại mới dằng dai. Napoléon nói: Trên chiến trường tiến tới là thắng, rút lui thường khi là thua. Trong tình trường rút lui thường là thắng, tiến tới thường là thua. Nói cho cùng thương nhau đến với nhau là do không hiểu nhau mà tưởng lầm đã thuộc về nhau, chớ còn biết nhau rõ mười mươi thì còn gì nữa mà thương. Dĩ nhiên có người nghĩ là tôi đạo đức giả, nhưng mà tôi phải nói thế này, có thể là do tôi bị khiếm khuyết rất nhiều thứ, tôi có rất nhiều thứ mặc cảm, đó cũng là lợi thế của tôi, cộng với tánh đa nghi tôi không tin ai hết. Nếu có một vị sư nào muốn hoàn tục, hoặc anh thanh niên Phật tử hỏi tôi muốn tiến tới với một cô nào đó, tôi sẽ không nhắc vấn đề tu hành giải thoát, bất tịnh, quán tưởng… cái đó trong kinh có rồi, không cần phải nói nữa; tôi sẽ nhắc theo kiểu của tôi: mình thương người ta được bao lâu? Mình không chán người ta thì người ta cũng chán mình. Tôi không hề tin trên đời này có một sự thủy chung, người ta thủy chung vì chẳng qua vì không có hoàn cảnh thích hợp điều kiện như ý thôi, chứ khả năng ngoại tình tôi nghĩ là rất lớn. Bằng chứng là mình cứ nhìn mình đi, mình muốn người ta thủy chung với mình nhưng cứ tự hỏi lòng mình một cách sáng suốt, can đảm và bình tĩnh: khả năng mình thủy chung được bao nhiêu, rồi tự trả lời đi. Khi mình tự trả lời rồi thì mình thấy khả năng thủy chung của người kia chỉ là một ảo vọng không tưởng. Nếu như vậy thì lấy nhau làm gì? Lấy một người đủ sức làm cho mình ghen thì quá khổ, còn lấy người không đủ sức làm cho mình ghen thì lấy làm chi. Tu hành là không đi tìm đến cái vật nào mà mất rồi đủ làm mình thấy đau lòng. Nếu chỉ sở hữu những vật nào mà không đủ làm mình đau lòng khi mất thì sở hữu làm gì. Riêng cái thân cái mạng này mất bao nhiêu thời gian để lo cho nó, giờ còn phải dành thời giờ để lo cho cái nhà cái xe, cái máy, thì rất là mệt. Lấy một người đủ sức làm cho mình ghen thì thê thảm quá, không lẽ ăn rồi đi theo giữ hoài. Phải nói là tôi vô cùng thành kính và phân ưu với những cặp tôi nhìn thấy bên Mỹ, bên Âu, sáng sớm chồng đi làm một nơi vợ đi làm một nẻo, tôi thắc mắc dữ lắm không biết họ còn thương nhau không. Nếu là tôi thì tôi không thể nào đành lòng để bà xã tôi đi làm một nơi mà suốt ngày bả gặp thằng nào đó tôi không biết. Chiều về mượn cớ mệt mệt ngủ riêng hoặc về không dòm mặt tôi là tôi bắt đầu nghĩ tầm bậy rồi. Không biết họ có còn thương nhau hay không mà có thể sống xa nhau hay quá. Ở đây cũng vậy, trong tinh thần tu học người tu hành cũng y như vậy, sở hữu vật làm cho mình khổ thì sở hữu làm gì, mà sở hữu vật không làm cho mình khổ thì xét lại đi. Như vậy là xong bài kinh Anuruddha. Tôi chỉ có hai câu: Phải đâu ta sợ chi tình. Chỉ lo tình phụ nên đành vô tâm. Hẹn nhau ngày thứ Bảy.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app