Trưởng lão Sāriputta

Thời đức Phật còn tại thế, khi Ngài vừa thành đạo không lâu, tại vương quốc Māgadha, gần kinh thành Rājagaha có một ngôi làng lớn gọi là Nālaka. Đức Phật cũng đang cư ngụ trong vương quốc Māgadha ấy, mặc dù vậy, khi ấy mọi người vẫn còn chưa có ai biết đến đức Phật nhiều. Tuy chưa biết đến, nhưng lại có rất nhiều người đi tìm sự thật “chân lý” của cuộc đời khắp các nơi ở vùng trung tâm của India (Majjhimadesa). Mỗi người, ai cũng với phương pháp của chính mình, với sự thực hành tu tập của chính mình để làm sao cho trở thành được một vị Phật mới thôi.

Trong làng Nālaka ấy có vợ chồng Bà-la-môn Vaṅganta và Rūpasārī, là gia đình giàu có nổi tiếng nhất vùng. Nếu đề cập về vấn đề làm ăn nuôi mạng, thì theo như giai cấp Bà-la-môn, họ chỉ có cúng tế và làm những việc liên quan đến giáo dục mà thôi. Nếu đề cập đến vấn đề kinh tế tài sản, thì họ là những người rất giàu có. Còn nếu đề cập đến vấn đề Tôn giáo, tín ngưỡng, thì theo giai cấp Bà-la-môn, họ là những người tìm kiếm pháp đặc biệt không còn “già-bệnh-chết” y cứ theo trong lời chỉ dạy giáo huấn của các bộ sách Veda (Veda: là sách ghi chép toàn bộ giáo lý của đạo Bà-la-môn), đó gọi là mokkha: giải thoát (siêu thoát). Phương pháp tìm kiếm của họ đó chính là cúng tế đến Phạm thiên (Brahma) vậy.

Với sự lễ bái cúng tế đến Phạm thiên sẽ đạt được pháp đặc biệt không già, không bệnh, không chết. Pháp đặc biệt ấy là rất an lạc (cực lạc). Tuy nói là pháp đặc biệt nhưng nó chính là từ tất cả hợp thành một duy nhất mà thôi. Không phải từng phần nhỏ, từng phần nhỏ hợp lại thành một, mà nó là tất cả thành một cái duy nhất chơn như bất biến mà thôi (vạn pháp đồng nhất thể). Tuy trở thành một cái duy nhất chơn như nhưng nó hiện hữu khắp mọi nơi. Ngôn ngữ Pāḷi gọi là “sabbabyāpī”. Pháp đặc biệt ấy cũng gọi là “cái có” (thường hằng); cũng gọi là “cái biết”; cũng gọi là “cái đẹp”; pháp đặc biệt ấy có được là bởi do sự cúng bái, tế lễ. Quan điểm, tri kiến này những người theo đạo Bà-la-môn (Ấn Giáo), tin tưởng chắc chắn đến tận xương tủy. Nếu nói theo trong kinh sách của Bà-la-môn thì niềm tin này đã có nguồn gốc từ trong vô thủy luân hồi. Đó chính là một Tôn giáo và một niềm tin không có điểm bắt đầu (vô thủy) và cũng chẳng có điểm kết thúc (vô chung) vậy.

Vợ chồng Vaṅganta và Rūpasārī là những người thuộc giai cấp dòng dõi Bà-la-môn, nên họ là những người tin tưởng tuyệt đối nơi giáo điều của đạo Bà-la-môn ấy. Tuy vậy, không phải tất cả những người trong gia đình họ đều tin tưởng như vậy, trong gia đình họ ngoài hai vợ chồng ra còn có 7 người con nữa, tổng cộng gồm có có 9 người. Riêng con cái có 7 người gồm 4 người con trai và 3 người con gái. 4 người con trai gồm: Upatissa, Cunda, Upasena, Revata; và 3 người con gái gồm: Cālā, Upacālā, Sīsūpacālā. Người con trai út nhỏ nhất chính là Revata. Lúc này vì Revata còn quá nhỏ nên những gì liên quan đến vấn đề đức tin và Tôn giáo, cậu ta cũng chẳng hề quan tâm một mảy may nào. Riêng những người anh và những người chị, họ lại nghĩ: “nếu không có sự thực hành giới-định-tuệ cho vững chắc, mà chỉ tôn kính cái bên ngoài rồi hướng đến Phạm thiên để cầu nguyện cúng tế làm theo như những giáo điều, luận thuyết của Bà-la-môn sẽ được pháp đặc biệt gọi là giải thoát”; đối với vấn đề này thì 6 anh em họ không tin tưởng một chút nào.

Những người con trai và gái ấy, họ tin tưởng rằng, chỉ khi nào biết được chính bản thân mình như “ta là gì”…, rồi có khả năng làm sao cho trong sạch những ô nhiễm trong “ta”, thì khi ấy mới có thể sẽ đạt được pháp đặc biệt “không già, không bệnh, không chết”. Trong số những anh chị em ấy, thì anh cả Upatissa là người tiên phong, dẫn đầu đối với vấn đề ấy.

Vào khoảng những năm 600 trước Công nguyên, theo như lịch sử lưu truyền và ghi lại, đó là thời kỳ vàng son của những bậc Thiện trí thức trong đời đi tìm chân lý của bậc Thánh. Do đó, có thể nói đức Phật Gotama xuất hiện và ‘cánh tay mặt’ đệ nhất trí tuệ Trưởng lão Sāriputta, tiền thân là Upatissa, xuất hiện vào thời điểm ấy không phải là tình cờ theo duyên nghiệp, mà có thể nói đó là do sự thỉnh cầu, mời gọi của thời đại mà xuất hiện trên cõi đời này vậy.

Cách đây 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, trong thời quá khứ xa xưa, với kiếp đạo sĩ Sumedhā đã gieo trồng thành công hạt giống “Buddha: đức Phật” nơi đức Phật Toàn Giác Dīpaṅkāra; nên kiếp hiện tại hạt giống ấy đã nảy mầm đâm chồi trở thành cây đại thụ “Gotama-buddha: đức Phật Gotama” cao thượng trong đời. Cũng giống như phương pháp đó, cách đây 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, trong thời quá khứ xa xưa, cũng với kiếp đạo sĩ Sārada đã gieo trồng thành công hạt giống “cánh tay mặt Aggasāvaka: bậc Tối Thượng Thanh Văn” nơi đức Phật Toàn Giác Anomadassī; nên kiếp hiện tại này hạt giống ấy sẽ nãy mầm đâm chồi trở thành “cánh tay mặt bậc Tối Thượng Thanh Văn” trong giáo pháp của đức Phật Gotama. Trong vấn đề phát sinh lên một sự vật, thì dù nó là loài hữu tình (có sinh mạng) hay vô tình (không có sinh mạng), cũng không nằm ngoài quy luật, không phải muốn phát sinh lên sao thì phát sinh lên (vô duyên vô cớ); mà phát sinh lên là do kết hợp đầy đủ nhân duyên theo quy luật nhân và quả vậy.

Trong sự sinh khởi của nhân quả ấy, lại có những nhóm năng lực chính yếu tham gia tác động vào nó nữa. Những nhóm năng lực ấy gồm: thời gian (kāla), nơi chốn (desa), cố gắng (payoga) và hình tướng (upadhi). Thời gian nghĩa là sự liên tục trước sau của một sự kiện, nó diễn tiến theo một dòng sinh khởi nhất định. Nơi chốn nghĩa là chỗ sinh khởi trước sau của sự vật, như sự vật sinh khởi trong thời gian này và sự vật sinh khởi trong thời gian khác, các sự vật này hoàn toàn không giống nhau, dù chúng có cùng diễn tiến trong một dòng sinh khởi nhất định ấy. Cố gắng nghĩa là theo thời gian sự vật sẽ thay đổi diễn tiến từng bước từng bước ấy mà cố gắng thúc đẩy, vươn lên, vượt qua để cho sự vật ấy thay đổi tình hình từ vị thế này đến được vị thế khác. Hình tướng nghĩa là nơi tổng hợp thuận theo tình hình sự vật của những nhóm năng lực ấy, nó sinh khởi lên từ sự vật mới này đến sự vật mới khác, ngày một đặc biệt hơn từ sự tổng hợp lâu dài và liên tục trong cùng một dòng diễn tiến ấy. Căn cứ theo quy luật này thì thời gian kia là đất gồm 8 sắc không phân chia của “kalāpa: hạt sắc pháp” (đơn vị nhỏ nhất của một sắc chất theo Vi diệu pháp), nhưng qua thời gian khác nó tiến triển có thể đạt đến trở thành kim cương cũng chỉ gồm 8 sắc không phân chia của “kalāpa: hạt sắc pháp” ấy, không phải vậy hay sao?

Cũng theo quy luật (niyāma) như thế ấy, thời gian trước đây là “đạo sĩ Sumedhā”, đến thời gian này lại là “đức Phật Gotama”; và thời gian trước đây là “đạo sĩ Sārada”, đến thời gian này sẽ trở thành “cánh tay mặt Tối Thượng Thanh Văn, Trưởng lão Sāriputta”.

Ngoài ra còn có một gia đình khác rất thân thiết với gia đình của Upatissa; gia đình ấy chính là gia đình của Kolita. Cả hai gia đình đều thuộc giai cấp dòng dõi Bà-la-môn. Vì là những gia đình thân thiết nên theo đó mà Upatissa và Kolita cũng rất thân thiết với nhau. Kolita cũng không phải là người bình thường, mà chính là một người cũng đặc biệt sẽ trở thành “cánh tay trái Tối Thượng Thanh Văn” gọi là Trưởng lão Moggallāna sau này. Cậu ta trong tiền kiếp xa xưa cũng đã được đức Phật Anomadassī thọ ký rồi.

Theo phong tục tập quán của người India xưa kia, họ thường hay tổ chức lễ hội trên đỉnh các ngọn núi; mỗi khi đến dịp đó là cả hai người bạn thân Upatissa và Kolita cùng nhau đi xem lễ hội ấy. Theo như truyền thống của lễ hội trên đỉnh núi, các nghệ sĩ sẽ diễn kịch, ca hát về các vỡ tuồng nổi tiếng có từ trong truyền thuyết và trong những bộ sách Veda xa xưa. Vì vậy, nếu đứng về mặt thời gian để xem xét bình luận thì nó là những câu chuyện, những sự kiện từ bao thời đại trước đây; nói một cách chính xác nữa đó là những câu chuyện, những sự kiện mà không biết được thời đại bắt đầu của nó. Bây giờ những người đóng vai diễn kịch lại là những người trong thời kỳ hiện tại cùng thời với Upatissa và Kolita; khoảng cách của các thời đại có sự cách biệt lớn. Mặc dù vậy, những khán thính giả đang theo dõi kịch tuồng lại nghĩ rằng những nhân vật trong câu chuyện và những nghệ sĩ đang nhập vai cùng là một nhân vật, một con người; họ cũng nghĩ rằng những câu chuyện, những sự kiện thời đại trước và những câu chuyện, những sự kiện trong lúc đang diễn xuất tại thời đại hiện tại cũng là một.

Do đó, nên yêu thích khi có hoạt cảnh đáng yêu thích; giận dữ khi có hoạt cảnh đáng giận; cười khi có hoạt cảnh đáng cười; khóc khi có hoạt cảnh đáng khóc; vui sướng khi có hoạt cảnh đáng vui; và đau khổ khi có hoạt cảnh khổ đau,…. Họ không biết rằng những câu chuyện, những sự kiện từ trong truyền thuyết là khác biệt, hiện tại những điều xảy ra trong tuồng kịch trên sân khấu lại là một diễn biến khác; họ chỉ hiểu biết cùng là một câu chuyện, một sự kiện duy nhất mà thôi; không biết cách phân biệt sự khác biệt đó. Sự không biết phân biệt được điều khác biệt đó là do học thuật ảo diệu của các nghệ sĩ tài ba biểu diễn, hóa thân vào nhân vật, sự kiện ấy. Môn học nghệ thuật này, nếu nói theo “ngôn ngữ của Tôn giáo” thì nó chính là māyā: dối gạt, (nghệ thuật là ánh trăng lừa dối-ngạn ngữ), không phải đúng với sự thật. Tính chất này cả 2 người bạn là Upatissa và Kolita đều hiểu biết rõ.

Hai người họ là những người tin tưởng vào luân hồi, tin tưởng vào nghiệp và quả của nghiệp. Họ hiểu biết được rằng những kiếp sống diễn tiến trong luân hồi của họ và kiếp sống hiện tại cũng giống như những câu chuyện, những sự kiện, những nhân vật trên sân khấu kịch trong lễ hội ở đỉnh núi ấy mà thôi; chúng không phải là một sự kiện đồng nhất như những khán thính giả bình thường nghĩ; tuy nhiên lại luôn nghĩ rằng chúng chỉ là một cái đồng nhất, đó cũng là do māyā: dối gạt cả thôi. Māyā: sự lừa dối này không phải do “nghệ thuật học”, mà đó là do cuộc đời lừa dối (bhavamāyā); nghĩa là nó khiến cho không hiểu biết rõ đúng sự thật về cuộc đời, lại khiến cho hiểu biết một cách khác biệt hẳn như ảo thuật gia tài ba vậy, đó mới chính là māyā: lừa dối thật sự. Chỉ khi nào đoạn trừ, tiêu diệt được māyā ấy, thì mới biết rõ được cuộc đời (bhava) thật sự của chính mình. Và chỉ đến khi biết rõ cuộc đời của chính mình thì mới biết được thân thể tổng hợp (khandha) của ta trong cái “ta là gì” ấy. Chỉ đến khi ấy mới có thể chứng đạt được pháp đặc biệt “không già, không bệnh, không chết” bởi do sự biết đúng, thấy đúng. Hai người bạn ấy đã tin tưởng chắc chắn vào điều đó.

Theo sự tin tưởng chắc chắn đó, họ đã từ bỏ niềm tin truyền thống của ông bà cha mẹ mình, để quyết định cố gắng thực hành theo các phương pháp tu hành “tapa: hành trì tích cực”. Sau đó cả hai người đã quyết định đồng ý hành trì theo phương pháp từ vị thầy, bậc Đạo sư Sañcaya Belaṭṭhaputta (Đạo sư Sañcaya, con hoặc đệ tử của ông Belaṭṭha). Họ đã xuất gia làm du sĩ nơi vị Đạo sư Sañcaya ấy, rồi tinh tấn thực hành pháp “tapa: hành trì miên mật”. Các vị thầy có kiến thức ở đời gọi chủ thuyết, giáo điều, tư tưởng của ông ta là “saṃsayavāda: chủ thuyết, tư tưởng hoài nghi”; hoặc gọi là “aññāṇavāda: chủ thuyết, tư tưởng không có trí tuệ”.

Theo như vāda: chủ thuyết của ông ta, trong khi nhìn nhận một sự vật, thì tùy theo phương diện; tùy theo chú ý hướng tâm; tùy theo tập quán; tùy theo hiểu biết và kinh nghiệm của mình mà cách thấy có thể là:

  1. Không thể nói là thường hằng.
  2. Không thể nói là vô thường.
  3. Không thể nói là một số thường hằng, một số vô thường.
  4. Cũng không thể nói không có bất cứ gì.
  5. Cũng không thể nói không phải không có bất cứ gì.

Trong văn chương Pāḷi gọi đó là luận thuyết “amarāvikkhepavāda: chủ thuyết không quyết định, không có điểm cùng”.

Upatissa và Kolita chỉ 2, 3 ngày là học xong hết hoàn toàn những luận thuyết của vị Đạo sư Sañcaya ấy. Vị Đạo sư Sañcaya cũng nói lên lời tán dương và công nhận rằng hai người họ là những người đã học xong hết hoàn toàn những luận thuyết của ông ta.

“Chỉ với sự hiểu biết theo luận thuyết của vị Đạo sư Sañcaya thì không thể nào thực hành được pháp cao thượng gọi là “Brahmacariya: Phạm hạnh” (xa lìa 5 dục lạc). Một khi không thực hành được pháp hành cao thượng gọi là brahmacariya thì làm sao có thể đạt được pháp đặc biệt không già, không bệnh, không chết như cha mẹ của chúng ta thường hay dạy bảo.” Hai người bạn ấy nghĩ. Vì vậy, họ đã bàn bạc với nhau rằng chúng ta nên tìm đến những vị Giáo chủ, những vị Đạo sư của các môn phái khác để tìm hiểu thêm; sau đó hai người tìm đến từng vị Đạo sư, Giáo chủ của mỗi một môn phái để tham vấn, bàn luận; nhưng cả hai đều không hài lòng với bất cứ một luận thuyết nào đang thịnh hành vào thời đại ấy.

Tiếp theo sau hai người họ lại bàn bạc rằng: “Thay vì hai chúng ta cùng nhau đi tìm cho có được người Thầy tốt, thì chúng ta nên chia nhau ra mỗi người đi tìm một nơi; khi một ai gặp được vị Thầy tốt rồi, không nên một mình bỏ đi theo con đường giải thoát ấy mà hãy thông báo cho người kia được biết để cùng nhau thực hành”; họ đã cùng hứa hẹn với nhau như vậy.

Sáu mươi (60) bậc Thánh Á-rá-hán đầu tiên trong Phật giáo, theo lời giáo huấn của đức Phật tại khu rừng phóng sinh các loài thú có tên Isipatana, chia ra đi khắp các vùng trung tâm của India để giáo hóa tế độ chúng sinh có duyên lành. Trưởng lão Assaji là vị Á-rá-hán nhỏ tuổi nhất trong nhóm 5 Tỳ khưu Pañcavaggī, khi du hóa đây đó, lúc Trưởng lão đang vào thành Rājagaha để đi bát khất thực, du sĩ Upatissa đã nhìn thấy một vị xuất gia với oai nghi cử chỉ đặc biệt trang nghiêm thanh tịnh, nên đã phát sinh tâm kính ngưỡng nơi Trưởng lão Assaji; với tâm bị thu hút mạnh bởi oai tướng khất thực của Trưởng lão, nên du sĩ Upatissa đã đi theo sau phía xa xa để tìm hiểu và xem xét nhất cử nhất động của vị Trưởng lão có oai nghi đặc biệt đó. 

Trưởng lão Assaji khi nhận vừa đủ vật thực đã tìm chỗ thích hợp soạn sửa chỗ ngồi để độ ngọ dùng cơm trưa. Khi ấy, du sĩ Upatissa đã vội lấy tấm tọa cụ của mình để lót chỗ ngồi dâng đến Trưởng lão. Trưởng lão Assaji ngồi lên tấm tọa cụ do du sĩ Upatissa đã trải sẳn ấy rồi dùng vật thực một cách nhẹ nhàng thư thái, an nhiên tự tại. Trong khi Trưởng lão Assaji dùng vật thực thì du sĩ Upatissa vẫn đứng một bên để theo dõi những cử chỉ, hành động dù là nhỏ nhặt nhất, càng xem xét lại càng phát sinh đức tin kính ngưỡng. Sau khi Trưởng lão Assaji dùng vật thực xong, du sĩ Upatissa đã lấy nước mình mang theo dâng lên,… và làm tất cả những phận sự cần làm như một người đệ tử đối với vị Thầy của mình. Khi làm xong mọi phận sự du sĩ Upatissa liền bạch hỏi:

  • Kính bạch Trưởng lão! Oai nghi cử chỉ của Trưởng lão quả thật an nhiên tự tại quá! Thầy của Trưởng lão là vị nào thưa Trưởng lão?
  • Này du sĩ! Ta là người đã xuất gia trong giáo pháp của đức Phật. Trưởng lão Assaji trả lời.

Du sĩ Upatissa nghe xong liền bạch hỏi tiếp:

  • Đức Phật đã thuyết giảng những pháp gì? Xin Trưởng lão hãy cho phép tôi được biết có được không?

Trưởng lão Assaji bảo:

  • Này du sĩ! Ta xuất gia trong giáo pháp của đức Phật chưa được bao lâu, vì vậy, không thể có khả năng thuyết giảng rộng sâu được.
  • Kính bạch Trưởng lão! Xin Trưởng lão hãy thuyết giảng những gì Trưởng lão biết. Upatissa tác bạch thỉnh mời thuyết pháp.

Khi ấy, Trưởng lão Assaji đã thuyết giảng bài kệ như sau:

(Nghĩa của bài kệ)

“Trong thế gian này tất cả mọi vật khởi sinh lên đều có nguyên nhân nương vào nhân duyên mà sinh khởi. 

Đức Phật đã thuyết dạy chỉ rõ ra nguyên nhân nương vào nhân duyên của sự sinh khởi mọi vật ấy. 

Ngài cũng thuyết dạy về nơi đoạn diệt hoàn toàn của nguyên nhân sinh khởi vạn vật ấy. 

Và Ngài cũng thuyết dạy về phương pháp thực hành để đưa đến nơi đoạn diệt hoàn toàn của nguyên nhân sinh khởi vạn vật ấy. Đức Phật đã thuyết giảng tóm lược là như vậy.”

Du sĩ Upatissa khi được nghe Trưởng lão Assaji thuyết giảng hết hai câu kệ đầu của bài kệ thì đã chứng đạt thành bậc Thánh Nhập Lưu; hai câu kệ còn lại của bài kệ là nghe sau khi đã trở thành bậc Thánh Nhập Lưu vậy. Du sĩ Upatissa hiểu rõ rằng “Ta sẽ thấy biết rõ được pháp đặc biệt một cách đầy đủ rốt ráo mà ta đã thường mong cầu hướng đến”. Tiếp theo vị du sĩ đã thưa hỏi Trưởng lão Assaji rằng:

  • Kính bạch Trưởng lão! Xin Trưởng lão không cần phải tiếp tục thuyết giảng pháp thêm gì nữa! Xin Trưởng lão dừng lại ngang đây được rồi. Đức Phật hiện giờ đang cư ngụ ở nơi nào thưa Trưởng lão?
  • Hiện tại đức Phật đang cư ngụ tại ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh thành Rājagaha này. Trưởng lão Assaji trả lời.
  • Vậy kính xin Trưởng lão dời bước. 

Du sĩ Upatissa bạch thỉnh như vậy xong, nhớ đến lời hứa “ai thấy biết rõ được pháp đặc biệt trước thì phải báo tin cho người kia ngay”, nên đã đi tìm người bạn thân thiết của mình là Kolita để báo tin như đã hứa ấy. Khi Kolita nhìn thấy người bạn của mình Upatissa từ xa đi đến đã đoán biết được rằng: “Những bước chân của Upatissa không giống như trước đây, rất đặc biệt; gương mặt lại rất tươi vui; chắc chắn đã thấy biết rõ pháp đặc biệt rồi”.

Khi đến gần Kolita, du sĩ Upatissa đã tường thuật lại tất cả mọi điều đã diễn ra, rồi thuyết lại bài kệ mà Trưởng lão Assaji đã thuyết; khi nghe xong bài kệ ấy du sĩ Kolita cũng chứng đạt thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Bài kệ “Ye dhamma hutuppabhavā…” là một bài kệ rất nổi tiếng trong kinh tạng Pāḷi. Trưởng lão Assaji đã thuyết giảng đến du sĩ Upatissa khiến cho thấy biết rõ chân lý 4 sự thật cao thượng của bậc Thánh chỉ với bài kệ này. Và du sĩ Upatissa đã thuyết giảng lại cho du sĩ Kolita khiến cho thấy biết rõ chân lý 4 sự thật cao thượng của bậc Thánh cũng chỉ với bài kệ này.

Bài kệ này được đức Phật thuyết giảng tóm tắt lại những gì tự chính Ngài đã thấy biết rõ chân lý 4 sự thật cao thượng của bậc Thánh, đạt được Trí tuệ Toàn giác dưới cội cây Bồ Đề, và thuyết giảng trực tiếp đến nhóm 5 Tỳ khưu Pañcavaggī gồm những bài kinh “Chuyển Pháp Luân, Tướng Trạng Vô Ngã, và Nhân Duyên sinh khởi”.

Upatissa và Kolita tuy hiểu biết rằng có sự thật của pháp đặc biệt, pháp cao quý đạt đến nơi không già, không bệnh, không chết trong thế gian này. Mặc dù vậy, không biết phương pháp tìm kiếm pháp đặc biệt ấy như thế nào. Cho nên, họ đã thực hành pháp “tapa: hành trì miên mật” theo cách này cách kia, họ chỉ là những người hành trì một cách mơ hồ không rõ ràng.

Giờ đây, họ đã biết được rồi. Thật ra trong thế gian này không có cái thật sự gọi là con người, chúng sinh hay vạn vật bất biến; chỉ có các pháp diễn tiến mà thôi. Pháp cũng chỉ là danh và sắc (nāma-rūpa) mà thôi. Danh và sắc này cũng có khi mang tính chất của nhân, và cũng có khi mang tính chất của quả. Trong khi mang tính chất của nhân, theo bởi cách “thấy sự thật” thì “tham ái” là chính yếu nhất.

Tham ái với thiện nghệ lừa dối (māyā) của vô minh đã xây dựng lên ngôi nhà sắc thân tổng hợp (khandha) này từ cái có thật là danh và sắc ấy. Sau đó với sự kết hợp cùng tà kiến và ngã mạn biến hóa ra cái không có thật là “atta: ta”, rồi thổi linh hồn vào mạng sống ấy. Kể từ khi ấy mới phát sinh lên con người, chúng sinh. Đã là con người và chúng sinh nên theo đó mà có “Ta” (atta: linh hồn), cái ta ấy đã sai khiến năng lực tham ái biến hóa, sinh khởi lên tất cả những gì liên quan đến mình. Nếu là loài hữu tình thì biến hóa, sinh khởi hết thân này đến thân khác; nếu là loài vô tình thì biến hóa, sinh khởi hết vật này đến vật kia; ngôn ngữ Pāḷi gọi điều này là “ponobhavikā: tái sinh tiếp diễn”. Sai khiến nhuộm màu lên tất cả những gì liên quan đến mình để làm sao cho thật yêu thích, vui thú; điều này ngôn ngữ Pāḷi gọi là “nandīrāga: yêu thích vui thú”. Dù sinh vào kiếp nào hoặc dù ở trong cõi giới hay hoàn cảnh nào cũng sai khiến tạo dựng, tô vẽ cho thật đẹp, thật tráng lệ để say đắm, khoái lạc; điều này ngôn ngữ Pāḷi gọi là “tatra tatrābhinandinī: rất vui thích với nơi này chỗ kia”.

Do đó, theo tính chất của tham ái, dù chỉ mang thân phận “người ăn xin”, nhưng vẫn vui thích, quý trọng cuộc đời và của cải tài sản sở hữu của mình; vẫn thấy chính thân mình là người đáng yêu quý nhất; nghĩ tưởng rằng nơi chốn chỗ ở của mình chính là cung điện, thiên đường.

Atta: cái ta không phải chỉ chừng đó thôi đâu! Khi nó kết hợp với tham ái rồi biến hóa, sinh khởi lên tất cả những điều ấy; sau đó sai khiến biến hóa, sinh khởi năng lực diṭṭhi: tà kiến để thấy sai chấp lầm kiên cố vững chắc vào những điều đó; sai khiến biến hóa sinh khởi năng lực ngã mạn để thể hiện “cái tôi, cái ta” giữa hội chúng đông người, để khoe khoang, tự đắc; để khinh khi xem thường.

Theo như sự thuyết giảng của Trưởng lão Assaji, thì muốn đạt được sự an lạc chơn chánh đúng đắn, nơi không già, không bệnh, không chết là pháp cao thượng, pháp đặc biệt, thì phải đoạn diệt, nhỗ tận gốc rễ tham ái mới được. Một khi tham ái đã bị tiêu diệt, thì tà kiến và ngã mạn kết hợp với nó cũng sẽ bị tiêu diệt theo. Và kẻ cầm đầu của chúng là vô minh cũng sẽ cùng chung số phận đều sẽ bị tiêu diệt. Chính sự thấy biết rõ cần phải đoạn diệt này gọi là “kiccañāṇa: trí tuệ hành diệt tham ái, nhân sinh khổ”.

Còn nếu một khi chưa đoạn diệt hoàn toàn tham ái và nhóm nguyên nhân kết hợp với nó, thì atta: cái tôi với năng lực của tham ái, tà kiến, ngã mạn sẽ biến hóa, tạo dựng nên sự vui thích đối với tất cả những sự vật gì có liên quan đến chính mình. Dù là con Chó, nó cũng vui thích với cuộc đời (kiếp) làm Chó ấy. Con Bò cũng vậy, nó cũng vui thích với cuộc đời làm Bò ấy. Nói chung là tất cả chúng sinh đều có cuộc đời, kiếp sống của riêng mình nên ai cũng vui thích với cuộc đời, kiếp sống ấy của chính mình. Sự vui thích này không phải là sự vui thích đúng đắn chân thực; mà là sự vui thích có cái kết cuối cùng là khổ đau. Đó chỉ là sự vui thích có được do lao lực, lao tâm khổ trí phát sinh lên ở giữa hai trạng thái của sự khóc than thành tiếng và khóc than trong câm nín mà thôi. Cả Upatissa và Kolita đều hiểu biết rõ về sự vui thích này. Bây giờ hai người họ đều đã thấy biết rõ sự “vui thích chân thật” từ sự “vui thích giả tạo” tạm bợ đó.

Liên quan đến sự “vui thích giả tạo” có một sự việc xảy ra như sau: “Một thời kỳ nọ, Hoàng đế Asoka (Hán dịch A-Dục) đã chuyển giao ngai vàng, ban cho Hoàng đệ Tissa của mình lên ngôi hưởng thụ uy quyền và an lạc của bậc Đế vương trong vòng 7 ngày. Cung điện, hoàng thành và quốc độ cũng như quyền y của Hoàng đế Asoka rất to lớn nguy nga tráng lệ. Tuy vậy, Hoàng đệ Tissa lại không vui thích tham đắm nơi quyền uy, ngai vàng và an lạc Đế vương ấy. Nguyên nhân là tại vì Hoàng đế Asoka cũng đã ra lệnh sau khi hưởng thụ quyền uy và an lạc của bậc Đế vương 7 ngày xong sẽ bị đem ra xử tử (chịu tội chết). Thật vậy, tất cả những gì chúng ta đang hưởng thụ an lạc hạnh phúc thuộc trong thế gian này như của cải tài sản, địa vị danh vọng, vợ đẹp con ngoan, cung vàng điện ngọc,…; nếu một khi biết được chính xác thật sự thời gian thay đổi đưa đến khổ đau, thì bất cứ ai cũng không thể tin chắc những an lạc hạnh phúc đang hưởng thụ là sự “an lạc chân thật” cho được, không phải vậy sao?

Upatissa biết rõ rằng ngai vàng, tài sản vật chất của bậc Đế vương, bậc Thiên vương, bậc Phạm thiên vương không phải là những thứ đem đến “hạnh phúc an lạc chân thật”; chúng chính là mầm mống khổ đau khoác lên mình chiếc áo hạnh phúc an lạc mà thôi. Còn nếu nói rõ ràng cụ thể ra là tất cả những gì có trong 31 cõi giới này, dù là loài vô tình hay loài hữu tình, theo như giáo pháp nhân duyên sinh khởi, chúng không phải là chúng sinh, linh hồn, cảnh vật; chúng chỉ là sự diễn tiến sinh khởi của các pháp mà thôi. Pháp ấy chính là nhân và quả sinh khởi diễn tiến theo quy luật của nó, chỉ là một chuỗi sinh-diệt liên tục không ngừng nghỉ vậy.

Không có một Đấng Tối Cao Toàn Quyền, Toàn Năng đại thần lực nào có thể dùng oai lực thần thông của mình để có thể sai khiến một “pháp” nào trong chuỗi sinh diệt ấy rằng “pháp này hãy sinh lên, hay pháp kia hãy diệt đi” được. Chỉ có ‘nhân’ sinh thì ‘quả’ sinh; ‘nhân’ diệt thì ‘quả’ diệt mà thôi. “Nhân” ở đây theo trong nhân duyên sinh khởi chính là tham ái và những phiền não đồng sinh kết hợp với nó ở trong quá khứ và cả hiện tại; “quả” ở đây cũng theo trong nhân duyên sinh khởi chính là những danh pháp, sắc pháp không phải là phiền não ở hiện tại và cả trong vị lai. Vậy làm sao để diệt hoàn toàn được những ‘pháp’ (nhân-quả) ấy? Đó là làm theo phương pháp mà đức Phật đã thực hành xong (làm rồi) ngay dưới đại cội Bồ Đề vậy. Và cũng chính đức Phật cũng đã chỉ dạy phương pháp ấy để khiến cho nhóm 5 Tỳ khưu Pañcavaggī cũng chính tự mình chứng ngộ, đạt được “Niết-bàn vắng lặng” vậy. “Niết-bàn vắng lặng” nghĩa là sự hạnh phúc an lạc chân thật đúng đắn.

Theo như những gì chúng ta đang chứng kiến và trải qua lúc này, đó là để duy trì cuộc sống của mình từ sáng tinh mơ cho đến tối khuya phải đi đi, về về; phải nói chuyện, tiếp xúc; phải suy nghĩ; phải hoạt động,…. Trong đó, có khi cười cũng có khi khóc; có khi vui cũng có khi buồn (sân hận); có khi hạnh phúc an lạc cũng có khi bất hạnh khổ đau. Mặc dù vậy, dù có gì thì có ai cũng tham đắm, bám víu vào chính cuộc đời của mình với những mong ước, hy vọng trong đó. Những diễn biến này là trình bày diễn giảng theo ngôn ngữ phổ thông trong cuộc đời vậy.

Nói theo ngôn ngữ trong giáo pháp của đức Phật Gotama những diễn biến ấy gọi chúng hoặc là “loka: thế gian”; hoặc là “paṭiccasamuppāda: nhân duyên sinh khởi”; hoặc là “dhamma: pháp”; hoặc là “khandha: nhóm, sự chồng chất” (Hán dịch: uẩn); hoặc là “āyatana: sự mở rộng luân hồi” (Hán dịch: xứ); hoặc là “dhātu: bản chất riêng” (Hán dịch: giới); hoặc là “saccā: sự thật chân lý” (Hán dịch: đế). Còn nếu nói theo ngôn ngữ thiền tuệ (vipassanā) thì gọi là “nāma-rūpadhamma: danh pháp-sắc pháp; hoặc là “paramatha-dhamma: pháp chân thật”; hoặc là “saṅkhāra-dhamma: pháp kết hợp tạo tác” (Hán dịch: hữu vi).

Trong danh pháp-sắc pháp đó phải quan sát, quán xét làm sao cho hiện rõ ra tính chất, trạng thái vô thường, khổ, vô ngã (anicca, dukkha, anatta). Tính chất của sự quan sát, quán chiếu cho hiện rõ những trạng thái ấy được gọi là “trí tuệ thực hành” (kiccañāṇa) phận sự biết rõ sự thật khổ của bậc Thánh, đã được đức Phật thuyết dạy trong kinh Chuyển Pháp Luân. Để cho chúng hiện rõ lên thì phải quan sát, quán xét như thế nào? Đó là sử dụng chánh kiến dẫn đầu gồm 8 nhân Thánh đạo để quan sát, quán xét vậy. 8 nhân Thánh đạo đó chính là trí tuệ thiền tuệ (vipassanā: thiền quán) vậy. Để có thể thấy biết tính chất “vô thường, khổ, vô ngã” trong các pháp kết hợp tạo tác (saṅkhāra) cho đến khi chúng hiện ra rõ ràng, thì phải thực hành phát triển 8 nhân Thánh đạo cao quý một cách liên tục nhiều lần; thực hành không ngừng nghỉ cho đến khi nào thấy được chúng mới thôi. Biết được phận sự của 8 nhân Thánh đạo cao quý này cũng chính là “trí tuệ thực hành” (kiccañāṇa) phận sự chứng ngộ sự thật nơi diệt khổ của bậc Thánh vậy.

8 nhân Thánh đạo với năng lực của những pháp cùng hội hỗ trợ trí tuệ giác ngộ (bodhipakkhiya), có thể thực hiện phận sự đạt đến tột cùng để thấy biết rõ tính chất “vô thường, khổ, vô ngã” trong các pháp kết hợp tạo tác; và khi thật sự chắc chắn thấy biết rõ bởi tính chất của vị giải thoát (vimuttirasa) theo sát từng khoảnh khắc ấy, thì cũng chắc chắn chứng ngộ thấy biết rõ được tính chất, trạng thái đoạn diệt, tắt ngấm của các pháp kết hợp tạo tác ấy. Với phương pháp này Upatissa đã có thể chứng đạt trực tiếp sự thật chân lý diệt khổ của bậc Thánh gọi là Niết-bàn ngay hiện tại. Sự thấy biết rõ phận sự vượt qua các pháp kết hợp tạo tác này để chứng ngộ đạt đến nơi không già, không bệnh, không chết, là sự hạnh phúc an lạc chân thật đúng đắn, là Niết-bàn trực tiếp ngay hiện tại này, chính là “trí tuệ thực hành” (kiccañāṇa) phận sự pháp hành sự thật đưa đến diệt khổ của bậc Thánh vậy.

Trong giáo pháp của đức Phật, Upatissa và Kolita là những người đã tự mình thấy biết rõ pháp đặc biệt, pháp cao thượng do được nghe bài kệ “Ye dhammā hetuppabhavā…” từ Trưởng lão Assaji. Dhamma: các pháp ở đây chính là trong sự thật chân lý (sacca) thì chỉ có 4 loại mà thôi: khổ (dukkha), nhân sinh khổ (samudaya), diệt khổ (nirodha), phương pháp thực hành đưa đến diệt khổ (nirodhagāminī paṭipadā). 4 loại này gọi là sự thật chân lý tuyệt đối. Sự thật này gọi là sự thật của bậc Thánh nhân, hoặc ai thấy biết rõ chúng thì trở thành bậc Thánh nhân. Liên quan đến sự thật của bậc Thánh (ariyasacca) thì Upatissa và Kolita đã chứng ngộ đạt được trí tuệ học (saccañāṇa: trí tuệ hiểu biết 4 sự thật của bậc Thánh), trí tuệ hành (kiccañāṇa: trí tuệ thực hành theo phận sự trong mỗi sự thật của bậc Thánh), và trí tuệ thành (katañāṇa: trí tuệ quán xét sau khi đã hoàn thành xong mọi phận sự 4 sự thật của bậc Thánh). Ở đây, trí tuệ học hiểu biết 4 sự thật của bậc Thánh (saccañāṇa) nghĩa là có sự thấy biết nhìn nhận rằng tất cả những gì có hiện hữu trong 31 cõi này như con người, chúng sinh, vạn vật,… sở dĩ cho là “có” đó chỉ là dựa trên sự thật chế định, quy ước ra mà thôi. Còn khi thấy biết nhìn nhận bằng sự thật chân thực cao quý (paramatthasacca) thì chỉ có 4 loại gồm sự thật chân lý khổ, sự thật chân lý nhân sinh khổ, sự thật chân lý diệt khổ và sự thật chân lý con đường đưa đến diệt khổ. Sự thấy biết như vậy gọi là trí tuệ học thấy biết rõ về 4 sự thật của bậc Thánh. Trí tuệ thực hành 4 sự thật của bậc Thánh (kiccañāṇa) nghĩa là tự chính mình thấy biết rõ trong sự thật chân lý khổ ngoài tính chất vô thường, khổ, vô ngã ra chẳng có gì khác; trong sự thật chân lý nhân sinh khổ là phải tiêu diệt tận gốc rễ của vô minh và tham ái cùng với tất cả những phiền não kết hợp với chúng; trong sự thật chân lý diệt khổ đó là làm cho sự thật chân lý khổ và sự thật chân lý nhân sinh khổ diệt đi mà không còn có cơ hội phát sinh trở lại bất cứ một lần nào nữa; trong sự thật chân lý con đường đưa đến diệt khổ, đó là 8 nhân Thánh đạo với sự hỗ trợ của các pháp cùng hội trí tuệ giác ngộ, thấy biết rõ bằng cách lấy Niết-bàn làm đối tượng, và thấy biết rõ 2 sự thật còn lại bằng cách làm xong phận sự biết và diệt đoạn tuyệt chúng; đó chính là trí tuệ thực hành trong 4 sự thật chân lý của bậc Thánh nhân vậy. Trí tuệ thành (katañāṇa) nghĩa là sau khi hoàn thành những phận sự cần phải làm, chính trí tuệ ấy thấy biết rõ đã chứng ngộ đạt đến bến bờ siêu tam giới rồi.

Upatissa và Kolita sau khi được thọ ký (khẳng định) từ thời đức Phật Anomadassī còn tại thế, nay có thể khiến cho những chúng sinh đang vui thích say đắm trong sân khấu biểu diễn ảo thuật của vô minh, thấy rõ ra chân tướng như thật; và để tự chính mình làm chủ năng lực có thể đón đưa những chúng sinh ấy đến sự an lạc chân thật tuyệt đối là Niết-bàn, họ đã thực hành các pháp hạnh pāramī suốt trong 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, đến lúc này pāramī ấy đã tròn đầy rồi. Với địa vị là bậc Tối Thượng Thanh Văn nên sẽ cứu vớt những chúng sinh đang dính mắc trong mạng lưới lừa dối của vô minh; sự thôi thúc xuất phát bởi tâm từ, tâm bi của họ quả thật là lớn lao vô cùng!

Kolita khi vừa nghe Upatissa thuyết lại xong bài pháp của Trưởng lão Assaji đã thuyết, liền muốn ngay khi ấy đi đến gặp đức Phật tại ngôi chùa Veḷuvana bên ngoài kinh thành Rājagaha; để có thể thực hành chứng ngộ đạt đến 3 bậc Thánh cao hơn còn lại, nên muốn được nghe pháp trực tiếp từ đức Phật. Trong khi Upatissa lại muốn cùng đi đến vị Đạo sư Sañjaya người thầy của họ trước đây, vì muốn trình bày pháp 4 sự thật chân lý cao thượng mà chính mình đã chứng đạt, đã thấy biết rõ. Vì nghĩ rằng biết đâu khi nghe trình bày lại như vậy, Đạo sư Sañcaya là người có kiến thức nên chính mình cũng có thể trực tiếp chứng đạt, thấy biết rõ 4 sự thật chân lý cao thượng ấy; hoặc giả nếu không trực tiếp chứng đạt được đi nữa, cũng có thể vì nể nang họ mà cùng đi đến gặp đức Phật. Một khi được nghe pháp trực tiếp từ đức Phật thì chắc chắn vị Đạo sư Sañcaya sẽ trực tiếp chứng đạt được 4 sự thật chân lý cao thượng, không thể nào sai chạy được.

Upatissa đã nói lên những suy nghĩ ấy của mình cho Kolita nghe, và Kolita cũng đồng ý với việc đó. Mặc dù vậy, vị Đạo sư Sañcaya với địa vị Tổ sư của một giáo phái, tuy đúng thật là người có tri kiến, nhưng không phải chánh tri kiến, đó chỉ là tà tri kiến mà thôi. Tướng trạng mang tính chất như vậy đối với Upatissa quả thật là một dạng tướng trạng khó thấy biết được. Chỉ khi có hai loại trí tuệ là trí tuệ thấy biết rõ phiền não tiềm ẩn và trí tuệ thấy biết rõ các pháp chủ (đức tin, sự cố gắng, chánh niệm, thiền định và trí tuệ) già dặn hay non nớt, mới có thể biết được chắc chắn một chúng sinh giải thoát được hay không giải thoát được. Hai loại trí tuệ này lại chỉ có nơi trí tuệ của đức Phật Toàn Giác mà thôi. Mặc dù vậy, Upatissa lại có tâm sử dụng sắc thân của mình vì thế gian quá mãnh liệt, vì thế mà cả hai người Upatissa và Kolita cùng đi đến người thầy cũ của họ là Đạo sư Sañcaya. Khi hai người họ đến, như thường lệ mỗi lần gặp họ trước đây, vị Đạo sư Sañcaya liền hỏi:

  • Các người đã tìm gặp được Niết-bàn pháp đặc biệt không già, không bệnh, không chết rồi phải không?

Cả Upatissa và Kolita đều cung kính trả lời và trình bạch ý nguyện lại với Đạo sư Sañcaya:

  • Chúng con chính mình đã gặp (chứng đạt) được pháp Niết-bàn nơi không già, không bệnh, không chết. Trong thế gian này, thật sự là đức Phật, Bậc thấy biết rõ 4 sự thật chân lý cao thượng, Bậc có trí tuệ biết đúng và rộng khắp tất cả đã xuất hiệt rồi; Pháp bảo là 4 sự thật chân lý cao thượng và Tăng bảo cũng đã xuất hiện cũng như đang phát triển. Vì trong thế gian này đức Phật bảo, đức Pháp bảo, đức Tăng bảo đã xuất hiện đầy đủ rồi, cho nên chúng con đến để thỉnh cầu Đạo sư đi đến diện kiến đức Phật.

Khi ấy vị Đạo sư bảo:

  • Upatissa! Trong giáo phái của ta, hai ngươi là những người mà ta tâm đắc nhất. Ta đã nhắm chọn lựa hai ngươi sẽ thay thế ta lãnh đạo giáo phái này để thuyết giảng truyền bá chủ thuyết giáo điều của ta, một khi ta không còn nữa.
  • Thưa Thầy! Chúng con vì tìm kiếm nơi không già, không bệnh, không chết là pháp Niết-bàn vắng lặng, nên mới từ bỏ tất cả những của cải hạnh phúc an lạc thế gian để ra đi làm một du sĩ tu hành. Không nên để cho thời gian trôi qua trong vô ích, vì vậy mới mạo muội kính khuyến khích thầy hãy cùng chúng con đi đến diện kiến đức Phật. Upatissa cung kính trình bạch lại như vậy.

Nhưng vị Đạo sư Sañcaya vẫn bảo rằng:

  • Upatissa! Ta là vị Đạo sư lãnh đạo một giáo phái, ở trong giáo phái này của ta, ta là một cái chum (lu) lớn; trong khi nếu đến với đức Phật, ta chỉ có thể là cái ca (gáo) nhỏ trong cái chum đó mà thôi. Ta không muốn mình trở thành cái ca (gáo) đâu. Các ngươi muốn đi đâu thì có thể đi theo mong muốn của các ngươi, ta đã quyết định không theo rồi.

Nghe vậy xong, Upatissa liền thưa tiếp:

  • Đạo sư! Khi chúng con đi đến đức Phật thì 500 du sĩ này chắc chắn cũng sẽ cùng đi theo chúng con, khi ấy sẽ còn một mình Đạo sư cô độc ở lại mà thôi.
  • Upatissa! Giữa thế gian này có hai hạng người, người có trí tuệ và người thiểu trí; trong hai hạng người ấy, hạng thiểu trí rất nhiều còn hạng trí tuệ lại quá ít. Nếu những hạng trí tuệ đi đến với đức Phật, thì sẽ có những hạng thiểu trí đến với ta. Các ngươi không cần phải lo lắng cho ta, hãy đến với đức Phật như mong muốn của các ngươi. Vị Đạo sư Sañcaya đã dạy bảo và chấp thuận cho phép như vậy.

Khi Upatissa và Kolita cùng với 500 du sĩ tất cả cùng rời đi, nên tu viện của Đạo sư Sañcaya trở nên trống không, vị Đạo sư khi thấy vậy vì quá đau đớn nên thổ huyết không ngừng. Trên đường đi một nửa số du sĩ đã quay trở lại với vị Đạo sư ấy, còn một nửa gồm 250 vị du sĩ đã cùng với Upatissa và Kolita đi đến ngôi chùa Veḷuvana để diện kiến đức Phật. Họ đến gặp khi đức Phật đang thuyết pháp cho hội chúng; Upatissa và Kolita đã đi vào giữa hội chúng ấy, với tâm kính ngưỡng sâu sắc chiêm bái đảnh lễ đức Phật một cách thành kính. Sau đó, Upatissa đã tìm quanh xem vị thầy của mình là Trưởng lão Assaji ở đâu trong hội chúng ấy để đảnh lễ, rồi tìm một nơi thích hợp lắng nghe pháp và chiêm ngưỡng đức Phật.

Khi ấy, đức Phật cất tiếng gọi một cách thân mật gần gũi rằng: “Này Sāriputta và Moggallāna hãy lại đây!”, nghe những lời như vậy nên cả Upatissa và Kolita cảm thấy vô cùng dịu nhẹ hoan hỷ. Vào thời đại ấy, ở các vùng trung tâm India thường gọi tên bằng cách gọi thân mật theo tên của người mẹ,…. Như Upatissa là con của bà Sārī nên gọi là Sāriputta (con trai của bà Sārī), và Kolita là con của bà Moggali nên gọi là Moggallāna (con trai của bà Moggali), cách gọi này là một đặc ân cao quý của đức Phật để tán dương khen ngợi công lao đức độ của những người được gọi vậy. Và bắt đầu kể từ đây, Upatissa được gọi với cái tên mới rất nổi tiếng về sau này đó là Sāriputta; còn Kolita cũng được gọi với cái tên mới, và cũng rất nổi tiếng về sau này đó là Moggallāna. Chính trong buổi thuyết pháp ấy, Sāriputta và Moggallāna cùng 250 vị du sĩ đệ tử xin xuất gia Tỳ khưu nơi đức Phật. Tất cả họ đều được đức Phật đồng ý cho xuất gia Tỳ khưu bằng cách gọi “Ehi bhikkhu: Hãy lại đây này Tỳ khưu”.

Đức Phật trong pháp hội ấy tùy theo bản tính căn cơ của Trưởng lão Sāriputta và Trưởng lão Moggallāna cùng hội chúng của nhị vị mà thuyết pháp thích hợp đến họ. Khi nghe xong bài pháp, ngoại trừ nhị vị Trưởng lão Sāriputta và Moggallāna ra, tất cả hội chúng đệ tử của nhị vị gồm 250 Tỳ khưu đều chứng đắc thành bậc Thánh Á-rá-hán. Riêng Trưởng lão Sāriputta và Trưởng lão Moggallāna là những bậc có pāramī lớn lao nên cần phải có thời gian để đạt đến độ chín muồi tột đỉnh chí nguyện của nhị vị.

Trưởng lão Moggallāna chứng đắc thành bậc Thánh Á-rá-hán sau khi xuất gia trở thành Tỳ khưu được 7 ngày; còn Trưởng lão Sāriputta thì chứng đắc thành bậc Thánh Á-rá-hán sau khi xuất gia trở thành Tỳ khưu được 15 ngày. Ngay trong ngày Trưởng lão Sāriputta chứng đắc thành bậc Thánh Á-rá-hán (ngày Rằm tháng Giêng, 9 tháng kể từ ngày thành đạo của đức Phật), đức Phật đã tổ chức đại hội chư Thánh Tăng, Ngài đã tấn phong Trưởng lão Sāriputta lên địa vị “cánh tay mặt Tối Thượng Thanh Văn”, và Trưởng lão Moggallāna lên địa vị “cánh tay trái Tối Thượng Thanh Văn”, sau đó Ngài đã thuyết về “Ovāda pātimokkha: giáo giới (huấn thị) Tỳ khưu”.

Khi đức Phật tấn phong địa vị cho Trưởng lão Sāriputta và Trưởng lão Moggallāna như vậy, giữa các vị Tỳ khưu đã bàn tán qua lại với nhau rằng:

  • Trưởng lão Sāriputta và Trưởng lão Moggallāna là những vị gia nhập vào giáo pháp của đức Phật rất muộn; vì vậy không nên giao địa vị Tối Thượng Thanh Văn đến cho hai vị ấy; nên giao địa vị ấy đến cho nhóm của Trưởng lão Koṇḍañña; hoặc nhóm của Trưởng lão Yasa; hoặc nhóm của Trưởng lão Bhaddavaggī, hoặc nhóm của 3 anh em Trưởng lão Uruvela Kassapa mới phải.

Nghe được những lời nói đó của chúng Tỳ khưu, đức Phật đã giải thích rằng:

  • Này các Tỳ khưu! Sāriputta và Moggallāna là những người đã gieo trồng thành công hạt giống “Tối Thượng Thanh Văn” từ trong giáo pháp của đức Phật Anomadassī. Còn Koṇḍañña lại là người đã gieo trồng thành công hạt giống được “nghe và chứng ngộ 4 sự thật của bậc Thánh đầu tiên” từ trong giáo pháp của đức Phật Vipassī, và từ trong giáo pháp của đức Phật Padumuttara. Cũng theo phương pháp đó, Yasa; hoặc Bhaddavaggī, hoặc 3 anh em Uruvela Kassapa cũng là những người đã gieo trồng thành công những hạt giống “Á-rá-hán Thánh Quả” tương xứng với mỗi hạnh nguyện của từng người, từ trong giáo pháp của những đức Phật tương xứng với thời gian cần thiết. Do đó, theo hạnh nguyện của những người ấy mà Như Lai đã cất nhắc tấn phong họ vào địa vị mà họ đã gieo trồng, tạo dựng trước đây vậy.

Những hạt giống mà chính chúng ta đã gieo trồng thành công cũng cần phải chăm bón, săn sóc,… tính chất, trạng thái đó gọi là thực hành pāramī xuyên suốt cho đến ngày thành tựu, đó là thời gian cây đơm hoa kết trái; và theo quy luật tự nhiên, thì tùy thuộc vào mỗi loại hạt giống đã gieo trồng mà đến ngày sẽ cho ra mỗi loại hoa trái tương xứng với nó. Không có một Đấng Tối Cao, hay Bậc Đại Thần Lực nào lại có thể dùng thần thông vượt qua quy luật tự nhiên để khiến nó thay đổi được; nếu có được đi thì điều đó là phi tự nhiên, không theo quy luật nên không lâu dài và không thể là sự thật chân lý của bậc Thánh vậy.

Trưởng lão Sāriputta và Trưởng lão Moggallāna là những Bậc gánh vác các trách nhiệm quan trọng nhất trong phận sự làm cho giáo pháp của đức Phật Gotama (Phật giáo) được trường tồn lâu dài và phát triển như thế này. Những gì liên quan về mặt trí tuệ, đức Phật xem trọng Trưởng lão Sāriputta như là một nhân vật thân tín bên mình. Còn những gì liên quan về mặt oai lực thần thông, đức Phật lại xem trọng Trưởng lão Moggallāna cũng như là một nhân vật thân tín bên mình. Đức Phật vì sự lợi ích, an lạc và phát triển của thế gian, để khiến cho giáo pháp của mình được bền vững lâu dài nên đã cất nhắc các vị Tối Thượng Thanh Văn và các vị Đại Thanh Văn gánh vác trách nhiệm trong Phật giáo vậy.

Vào một thời gian kia, Trưởng lão Sāriputta và Trưởng lão Moggallāna đã trình bạch với đức Phật rằng:

  • Kính bạch Đức Thế Tôn! Chúng con đã từng thỉnh mời vị Đạo sư Sañcaya cùng theo về nương nhờ dưới chân của Ngài; nhưng khi ấy vị Đạo sư Sañcaya đã đáp lại: “Ta là Giáo chủ một giáo phái có rất nhiều đệ tử, ở trong giáo phái này ta giống như cái chum lớn, nhưng ở trong giáo pháp của đức Phật Gotama ta chỉ như là một cái ca (gáo) nhỏ mà thôi. Vì vậy ta không muốn đến đó, các ngươi hãy đi đến đó theo nguyện vọng của mình đi!” Bạch Ngài.

Khi ấy đức Phật dạy hai bài kệ rằng:

(Nghĩa của 2 bài kệ)

“Những người có nhận thức tri kiến sai lệch (micchādiṭṭhi: tà kiến), thường ngộ nhận có điều cốt lõi trong những pháp thật sự không có cốt lõi; và ngược lại, ngộ nhận điều không cốt lõi trong những pháp thật sự có cốt lõi. Những người như vậy sẽ không bao giờ có được điều cốt lõi.”

“Những người có nhận thức tri kiến đúng đắn (sammādiṭṭhi: chánh kiến), thường hiểu biết rõ có điều cốt lõi trong những pháp thật sự có cốt lõi; và ngược lại, hiểu biết rõ điều không cốt lõi trong những pháp thật sự không có cốt lõi. Những người như vậy mới có thể đạt được điều cốt lõi.”

Trong tất cả vạn vật hiện hữu trên thế gian này đều gồm có 2 phần: phần hình thức, tướng mạo bên ngoài và phần nội dung, cốt lõi bên trong. Phần hình thức, tướng mạo bên ngoài gọi là phần chế định, quy ước (paññatti); phần nội dung, cốt lõi bên trong gọi là phần mang tính chất chân thật, tính chất cao thượng (paramattha: không đổi thay). Trong phần chế định, quy ước bao gồm tất cả những sự vật thuộc hữu tình hay vô tình như: địa vị chức tước, của cải tài sản, vàng bạc châu báu,… hội chúng tùy tùng, con người chúng sinh,…. Trong phần cốt lõi bao gồm cả “tà tư duy và chánh tư duy” thuộc tính chất chân thật, cao thượng (không đổi thay).

Trong đó đối với phần chế định, quy ước thì nhân loại với năng lực trí tuệ, sức khỏe phải luôn cố gắng không ngừng nghỉ đầu tắt mặt tối mới có được. Phàm là chúng sinh con người thì bất cứ ai cũng giống nhau một điều, đó là đều phải cố gắng cho sự sở hữu đối với phần chế định, quy ước vậy. Những vấn đề liên quan đến phần chế định, quy ước cũng vậy, chỉ có khác biệt về ít-nhiều, tốt-xấu do bởi số lượng và chất lượng mà thôi; còn về trạng thái, bản chất hoàn toàn giống nhau. Chính một mình tham ái (taṇhā) đã nhuộm màu thật tốt đẹp lên trên đối tượng rồi khiến làm cho yêu thích luyến ái (nandīrāga); chỉ một mình nó (tham ái) lại biến hóa ra hết cái này đến cái kia không khi nào biết đủ do bởi luôn luôn sinh khởi cái mới (ponobbhavikā); chỉ một mình nó (tham ái) trói buộc, kết dính làm cho tham đắm, say mê trong những nơi ta đến, những kiếp sống ta có được và trong những vật mà ta sở hữu được (tatra tatrābhinandinī).

Do đó cho nên không dễ để phân biệt được phần vỏ bọc và phần cốt lõi trong những sự vật thuộc phần chế định, quy ước. Tại sao như vậy, là do bởi những hình thức, tướng mạo tất cả đều giống nhau khi khoác lên mình cùng một hình thức bên ngoài vậy. Tuy vậy, vẫn còn có tính chất trạng thái để có thể phân biệt rõ ràng đầy đủ phần vỏ bọc và phần cốt lõi. Tính chất trạng thái đó chính là tính chất của paramattha: tính chất chân thật, bản chất cao thượng (không đổi thay).

Trong tính chất chân thật, cao thượng thì tính chất tà tư duy (micchāsaṅkappa) và chánh tư duy (sammā-saṅkappa) là hoàn toàn khác biệt nhau. Trong khi tà tư duy là suy nghĩ hướng đến những điều sai lệch xấu ác, thì chánh tư duy lại suy nghĩ hướng đến những điều chơn chánh, thiện tốt. Bất cứ ai đang sống trong thế giới loài người, do nguyên nhân nào đó, đều phải giao tiếp, liên hệ với nhau không tránh khỏi được; không thể sống mà không có mối liên hệ giao tiếp được. Và khi ấy mới phát sinh lên hai danh từ “hưởng thụ” và “hy sinh”. 

Danh từ gọi là “hy sinh” mang ý nghĩa của “chánh tư duy”. Có nhiều luật lệ quy định liên quan đến sự giao tiếp, liên hệ giữa con người với nhau. Luôn luôn có những luật lệ quy định như: giữa những nhân viên với nhau thì phù hợp theo nhân viên; giữa những thương gia với nhau thì phù hợp theo thương gia; dù là người lao động tay chân hay người lao động trí óc, giữa những người lao động với nhau thì cũng phù hợp theo người lao động; giữa những người lãnh đạo với nhau thì phù hợp theo người lãnh đạo, v.v…. Những điều đó gọi là những quy phạm pháp luật, những phong tục tập quán, những nội quy, những truyền thống, những trách nhiệm, những bổn phận,…. Những điều đó cũng có thể gọi là sự thật chế định, quy ước, đồng thuận (sammutisaccā) vậy.

Trong cuộc sống với nhiều nguyên nhân nên giữa con người với nhau luôn có sự giao tiếp, liên hệ; trong đó nếu có thể giao tiếp, liên hệ với cách thấy biết về “hy sinh” gọi là chánh tư duy thì sẽ giao tiếp, liên hệ với nhau có căn bản là 4 pháp cao thượng của Phạm thiên như “yêu mến quý trọng lẫn nhau, thương xót nghĩ đến hoàn cảnh của nhau, làm cho tâm an lạc, và có sự cảm thông tha thứ cho nhau” (từ-bi-hỷ-xả).

Nếu nói theo điều thấp kém nhất đó là trong việc xây dựng gia đình, không phải vì sự hưởng thụ khoái lạc trong 5 đối tượng tham dục (sắc, tiếng, mùi, vị, tiếp xúc), mà vì sự phát triển của thế gian đó là sinh con đẻ cái để sử dụng cho thế giới này. Và trong việc tìm kiếm của cải tài sản cũng vậy, không phải chỉ vì hưởng thụ cho một mình ta mà để sử dụng xây dựng bệnh viện, trường học, v.v… cho xã hội, cho thế gian. Làm với mục đích như vậy gọi là “bồi bổ pāramī”; và một khi tính chất của pāramī thấm sâu vào trong mọi công việc, khi ấy sẽ ươm mầm cho tính chất không vì tôi, vì ta đưa lên trên hết, chỉ luôn vì người, vì thế gian đưa lên trên hết mà thôi.

Trong việc ươm mầm pāramī thì phải có sự để ý, chánh niệm điều phục tâm mình rồi cố gắng để gầy dựng chúng để không tham đắm (nekkhamma: xuất gia, từ bỏ, xả ly) nơi những đối tượng yêu thích; không sợ hãi (khantī: kham nhẫn) nơi những đối tượng đáng sợ hãi; có thể quân bình, trung dung (upekkhā) trong những đối tượng yêu thích và sợ hãi. Trong nhiều kinh sách đều có nói rằng nếu một khi có thể gầy dựng được 3 loại pāramī đó thì những pāramī còn lại sẽ dễ dàng thành tựu đầy đủ theo.

Một khi với sự thấy biết từ chánh tư duy, rồi tìm kiếm “cốt lõi của cuộc đời” thì sẽ không còn thấy an lạc tạm bợ (māyāsukha: an lạc lừa dối, tạm bợ) trong tài sản mình sở hữu, mà thấy đang đi đến cánh cửa an lạc vắng lặng (santisukha) trong sự bố thí, làm từ thiện. Bố thí, làm từ thiện (dāna) có nghĩa là không tham lam (alobha); một khi không tham lam là đã có năng lực tròn đủ sẽ có thể diệt trừ được sự thật chân lý nhân sinh khổ (samudayasacca) đó là tham ái (taṇhālobha). Điều cốt lõi này có được là do chiết xuất ra từ trong của cải tài sản, đây là điều cốt lõi thứ nhất.

Trong thế giới loài người này, luôn có những cộng đồng, những dân tộc, những xã hội con người chung sống với nhau. Họ cũng giống như chúng ta đều muốn giàu sang an lạc, muốn sức khỏe sống lâu, muốn trở thành bậc trí thức. Tính chất này khi có 4 tâm cao thượng từ-bi-hỷ-xả làm căn bản, rồi nhìn với đôi mắt chánh tư duy sẽ thấy biết được giới hạnh, đạo đức (sīla) trong sắc thân tổng hợp (khandha: 5 nhóm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức) của ta. Giới hạnh, đạo đức có nghĩa là không sân hận (adosa); một khi không sân hận đã có năng lực tròn đủ sẽ có thể diệt trừ được cái tâm chỉ vì ta, chỉ biết suy nghĩ tốt cho riêng bản thân mình. Tâm chỉ vì ta (attacitta) có hai thân tín đó chính là đố kỵ (issā: không thích ai hơn mình) và ích kỷ (macchariya: không muốn ai cũng được như mình) vậy. Do năng lực của giới hạnh, đạo đức sẽ làm cho đố kỵ và ích kỷ dần mất đi năng lực. Một khi diệt được cái ta, đố kỵ, ích kỷ ấy rồi, thì trong kiếp làm người khó được này, giữa những con người ấy với nhau sẽ giao tiếp, liên hệ trong sự tôn trọng, mềm mỏng, lịch thiệp. Điều cốt lõi này có được là do chiết xuất ra từ trong tấm thân tổng hợp của ta, đây là điều cốt lõi thứ nhì.

Cũng chính trong tấm thân tổng hợp này của ta, nên chiết xuất ra cho có được trí tuệ từ trong đó. Trí tuệ ấy gọi là thực hành, phát triển thiền (bhāvanā) vậy. Với ngôn ngữ vipassanā: thiền tuệ, thì gọi sự thực hành thiền chơn chánh đúng đắn đó là “sự thấy biết do trí tuệ quán sắc thân tổng hợp”. Trong các kinh sách Tam Tạng Pāḷi gọi những cái biết có được từ bên ngoài (bahiddha) là bahusuta: nghe nhiều thấy rộng. Thật ra, chính những đối tượng có được từ bên ngoài ấy khiến làm sao vào đến bên trong sắc thân tổng hợp của mình, rồi cố gắng đạt đến loại thấy biết do trí tuệ quán sắc thân tổng hợp khandha. Chỉ có như vậy mới tự chính mình thoát khỏi sự an lạc lừa dối, tạm bợ (māyāsukha), để có thể đạt đến sự an lạc vắng lặng (santisukha); và cũng như có thể đưa đón những người khác đến nơi an lạc vắng lặng ấy.

Những người nhìn thế giới với tư duy đúng đắn, chơn chánh (sammāsaṅkappa) mình sinh ra làm người không phải chỉ vì riêng bản thân cá nhân mình mà còn vì thế giới này nữa, chính những hạnh nguyện thôi thúc thực hành và năng lực của pāramī mà tự mình đã làm sẽ cho chính mình thấy biết rõ điều đó. Vì vậy mới có thể chiết xuất ra được bố thí (alobha), giới hạnh (adosa), hành thiền (amoha: trí tuệ đạo quả) chính từ những vật hữu tình hoặc vô tình thuộc bên trong và bên ngoài của mình. Do biết cách chiết xuất được như vậy, cho nên dù sống trong bùn lầy của 5 đối tượng dục lạc: sắc, tiếng, mùi, vị và xúc chạm vẫn không bị ô nhiễm bởi bùn nhơ, luôn trong sạch thanh tịnh và lại có thể hưởng được sự an lạc vắng lặng (santisukha); sống một cuộc đời luôn luôn trong sạch cao thượng vậy.

Còn đối với những người chỉ biết nhìn thế giới với tư duy sai lệch, bất chánh (micchāsaṅkappa) chỉ nghĩ đến lợi ích cho riêng bản thân cá nhân mình, kể cả khi làm điều xấu ác, việc bất thiện họ cũng rất vui thích, hạnh phúc. Mặc dù mỗi khi có được cơ hội làm điều tốt đẹp, việc thiện như bố thí, giữ gìn giới hạnh, thực hành thiền định-thiền tuệ; thì họ không những không hướng đến mục đích thoát khỏi sự an lạc lừa dối, tạm bợ (māyāsukha) trong sinh tử luân hồi, mà còn để tâm tạo tác mạnh mẽ hướng đến cuộc sống say mê đắm đuối trong sự an lạc lừa dối, tạm bợ ấy. Không quan tâm, không thấy biết đến lợi ích của người khác; chỉ quan tâm, thấy biết lợi ích cho riêng bản thân mình. 

Sự thấy biết theo tư duy sai lệch, bất chánh của những người ấy nếu là bất thiện, xấu ác sẽ chỉ có vui thích hạnh phúc trong cuộc đời, kiếp sống khổ mà thôi. Như tái sinh là Heo thì sẽ chỉ có được sự vui thích hạnh phúc trong đống phân của nó; Kền Kền thì sẽ chỉ có được sự vui thích hạnh phúc nơi các xác thối,…. Mặc dù vậy, đối với Heo và Kền Kền thì phân và xác thối, tham ái của chúng đã nhuộm lên những màu, mùi đáng ưa thích với tính chất vui say tham đắm chính trong sự an lạc lừa dối, tạm bợ ấy mà bám víu, nắm giữ sẽ vui thích, hạnh phúc không cùng tận, không mệt nhọc; cũng như tự hào, tự mãn vô cùng.

Những người thấy biết theo tư duy sai lệch, bất chánh ấy, nếu một khi làm việc thiện dục giới, thiện sắc giới, thiện vô sắc giới thì sẽ được tái sinh làm kiếp người, kiếp Thiên chúng và kiếp Phạm thiên. Sau khi tái sinh rồi lại chỉ vui thích say mê bám víu vào những sự hạnh phúc, an lạc lừa dối, tạm bợ không cùng tận từ những gì có được của những kiếp sống ấy mà thôi; không có bất cứ cách thức gì hay cơ hội nào để hưởng được sự hạnh phúc, an lạc vắng lặng (santisukha). Họ sẽ thấy hạnh phúc an lạc cõi người, hạnh phúc an lạc cõi trời, hạnh phúc an lạc cõi Phạm thiên chính là cốt lõi của cuộc đời. Cũng chỉ vì nguyên do cách thấy này mà vị Đạo sư Sañcaya đã từ chối đi đến diện kiến đức Phật vậy. Thôi thì, hãy để cho cuộc đời trôi lăn theo con sóng nước luân hồi sinh tử vậy!

Trong sự tìm kiếm điều cốt lõi, với cái thấy biết của tư duy sai lệch, bất chánh thì hạnh phúc an lạc kiếp người, kiếp trời, kiếp Phạm thiên chính là cốt lõi, không phải hình thức, vỏ bọc. Còn với cái thấy biết của tư duy chơn chánh, đúng đắn thì hạnh phúc an lạc kiếp người, kiếp trời, kiếp Phạm thiên, sự thật chúng chỉ là sự khổ do thay đổi, biến hoại và sự khổ do kết hợp thôi thúc, tạo tác mà thôi; đó chỉ là hạnh phúc an lạc do lừa dối, tạm bợ; chỉ là hình thức, vỏ bọc, không phải cốt lõi. Sự nhận thức và tri kiến có sự khác biệt nhau như vậy. Đức Phật qua câu chuyện của Trưởng lão Sāriputta đã giảng giải rõ về ý nghĩa của “hình thức, vỏ bọc và nội dung, cốt lõi” như vậy.

Hoặc một cách khác có thể nói theo những kinh nghiệm, những thấy biết trong dân gian thì luôn ưu tiên tư duy, suy nghĩ điều lợi ích tốt đẹp cho thế gian gọi là “nội dung, cốt lõi”; còn chỉ biết ưu tiên tư duy, suy nghĩ lợi ích cho riêng bản thân mình gọi là “hình thức, vỏ bọc”.

Khi nghĩ về đoạn kết của cuộc đời Trưởng lão Sāriputta chúng ta sẽ thấy được sự chấn động (saṃvega: rúng động tâm can, kinh hãi) vô cùng khi tính chất của những nghiệp bất thiện từ trong quá khứ sinh tử luân hồi. Trưởng lão đã bị bệnh kiết lỵ nên tịch diệt Niết-bàn (chết) tại chính căn phòng mình từng sinh ra, ngay nơi ngôi nhà của mình, cũng trong ngôi làng Nālaka nguyên quán của mình, gần kinh thành Rājagaha. Trưởng lão Sāriputta có tất cả 7 anh chị em, 4 trai và 3 gái; Trưởng lão tuy có năng lực dẫn dắt các em của mình (3 em trai, 3 em gái) khiến cho tất cả đều trở thành những bậc Thánh Á-rá-hán cao thượng trong Phật giáo; nhưng trong 2 bậc ân đức cao cả là mẹ và cha, Trưởng lão chỉ thuyết pháp tế độ được mẹ mình trở thành bậc Thánh Nhập Lưu mà thôi, còn người cha đã không thể dẫn dắt đến bậc Thánh nhân được. Vẫn biết có ân đức cao cả đối với mình, tuy muốn báo đáp một cách xứng đáng, nhưng tính chất của sự báo đáp là còn có được cơ hội để có thể báo đáp ân đức hay không mà thôi! Cơ hội mà thời gian và tình hình thực tế đem lại quả thật là quá khó; khó như thể bắt được tốc độ của ánh sáng do mặt trời đem lại vậy. Có thể chính vì vậy mà đức Phật đã thuyết giảng, nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt 45 năm của Ngài, cho đến lời cuối cùng Ngài cũng dạy “appamādena sampādetha: Hãy hoàn thành mọi phận sự, mọi trách nhiệm, mọi bổn phận bằng sự không dể duôi, quên mình, luôn có chánh niệm, luôn luôn chú ý tỉnh thức!”.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app