Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 9: Tương Ưng Rừng

NĀGADATTA (Nāgadattasutta)

Sẵn đây nhắc chút xíu chuyện cho nhớ, các vị xem Kinh Bổn Sanh (Jataka) thường thấy nhắc đến nhân vật tên là Brahmadatta. Trong lịch sử PG có một nhân vật rất nổi tiếng tên là Devadatta. Sáng nay mình học kinh Nāgadatta. ‘Datta’ nghĩa là ‘được cho’. ‘Devadatta’ là ‘trời cho’, ‘thiên phú’; sanh con mà đặt là ‘Devadatta’ là ‘đứa bé trời cho’. Brahmadatta là ‘Phạm tứ’ (do Phạm Thiên ban cho). Nāgadattalà ‘Long Tứ’ (do Long Vương ban tặng), Nagadatta là một nhân vật vua bài Thượng Hải. Đây là những cái tên nổi tiếng thường gặp, giống như Ratthapala: Bảo Quốc (ratta: quốc gia, pala: hộ trì). CEO của Facebook: Mark Zuckerberg (Sugar Mountain): Đường Sơn đại huynh. Tôi có viết một bài nhắc đến cái tên này. Ở đây có ai biết Đường Sơn đại huynh không, chắc là không biết đâu, tôi có tuổi mới biết chớ quí vị trẻ quá.

Ngài Nāgadatta có một lúc do có những nhu cầu của đời sống, cộng thêm quen biết với Phật tử, nhiều khi đi đứng giờ giấc hơi thoải mái, không lưu ý. Có lẽ lúc này Đức Phật chưa cấm chứ theo Luật thì tỷ kheo không có đi sớm về muộn. Vị tỷ kheo cũng không nói chuyện tay đôi với phụ nữ quá 6 chữ (chahi vacahi). Có người dịch là sáu tiếng. Không phải là six hours. Sáu câu chớ sáu tiếng thì “quá đã” rồi. Ngài Hộ Tông hay ngài Minh Châu dịch là sáu tiếng. Mấy vị tân thọ tỷ kheo nghe khoái lắm, 6 tiếng thì nói phone cháy máy luôn. Thật ra là 6 câu thôi. Dầu câu ngắn cũng là câu. Ví dụ, câu thứ nhất: Khỏe không? Câu thứ hai: Lúc này thấy ốm dữ nhen! Câu thứ ba là: Có đi thẩm mỹ không? Câu thứ tư là: Diet đi!… Cứ như vậy là một câu.

Vị Thiên nhân thấy ngài Nāgadatta như vậy nên có lòng thương tưởng và e ngại giùm nên mới nhắc ngài không nên lui tới cư sĩ quá nhiều. Trong bài kinh Từ bi (Metta sutta) có câu “kulesu ananugiddho”: lòng không vướng bận với những quan hệ cư sĩ. ‘Kula’là ‘gia đình’, ‘cư sĩ’; ‘anugiddha’: ‘dính mắc’Theo Chú giải giải thích là lấy niềm vui của người ta làm niềm vui của mình, lấy chuyện buồn lo của người ta làm chuyện buồn lo của mình. Mới nghe qua thì thấy hay quá, nhưng quí vị tưởng tượng đi, nhà quí vị, con nói không nghe, vợ chồng thì không vừa lòng nhau, quí vị vào nói với tôi, rồi tôi lo lắng y như người thân của tôi. Rồi đêm hôm tôi không hành thiền, kinh sách không nghiên cứu viết lách gì hết, đêm thì gọi phone: Thằng Tèo đi học về chưa, thằng Tèo ngủ dậy chưa, ông xã đi làm chưa, bà xã về chưa…, chuyện người ta mà mình lo suốt mùa thu vậy thì ra làm sao, không giống con giáp nào hết. Người ta cần mình thì đến hỏi thắc mắc về đạo một chút thôi chứ không thể nào “kulesu anugiddha”, cùng buồn cùng vui với họ trong chuyện tào lao thiên tướng là không được. Tôi biết người Phật tử là họ muốn được quan tâm, nhưng làm ơn nhớ giùm, quan tâm thì quan tâm về mặt tâm linh, đời sống tinh thần thì ok, nhưng lâu lâu thôi, không thể thường trực được. Chuyện mỗi người lo đã không hết mà còn dòm đến người khác thì thời gian đâu lo cho mình được. Một người đang ở dưới đầm lầy thì làm sao cứu người khác. Một người đang ở dưới nước thì làm sao đem người khác lên bờ được. Một người không có khả năng tự an lạc với riêng mình làm sao có thể giúp người khác an lạc được. Đừng tưởng vậy là hay, bản thân mình ở dưới sình, không thể lôi người khác ra khỏi sình. Vì vậy ở đây vị thiên nhân nhắc nhở: “như thế là không tốt”.

GIA PHỤ (Kulagharaṇīsutta)

‘Kulagharaṇī’: ‘gia trưởng’. ‘Gia trưởng’ ở đây không hiểu theo nghĩa độc đoán, độc tài. ‘Gia trưởng’ ở đây mang nghĩa trung tính, không phải nghĩa tiêu cực. ‘Gia trưởng’ là người đứng đầu gia đình.

“2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo ấy sống thân mật quá đáng đối với một gia đình”. Ở đây, vị tỷ kheo này là một vị A-la-hán. Đừng nghĩ loài khuất mặt có thần thông thì chuyện gì họ cũng biết. Họ y như mình, cặp mắt của họ có thể thấy chuyện mình không thấy, tai họ có thể nghe được chuyện mình không nghe, những tần số những làn sóng mình không nghe được; họ có thể di chuyển bất cứ nơi nào họ muốn, vật chất họ sử dụng là tự cung tự cấp với tốc độ nhanh nhất, muốn là có. Vì vậy tất cả những phương tiện khoa học hôm nay chúng ta có, tưởng đó là ghê gớm, thật ra chỉ cần mình có tu tập trở thành loài phi nhân thì mình nhìn nền văn minh của con người không ra gì hết, chỉ là trò hề, trò chơi của trẻ con mà thôi. Tuy nhiên, sướng gì thì sướng nhưng không phải cái gì họ cũng biết. Ví dụ như các vị có ống dòm, tôi không có ống dòm nên nhìn thấy mờ mờ không biết họ là cái gì, còn các vị có ống dòm nên có thể nhìn thấy cái đốm đang di động đó là một ông Tây, một bà Đầm, một con bò hay một con gà. Các vị chỉ khác tôi có nhiêu đó thôi chứ không thể biết hơn, các vị không biết ông Tây là người nước nào, nói tiếng gì. Còn tôi thì không có ống dòm nên không biết những chấm đen di động đó là cái gì. Quí vị biết đó là con gà, cái biết của quí vị y như tôi về con gà, chỉ vậy thôi. Trong kinh này, vị Thọ thần nhìn thấy vị tỷ kheo này mà không biết đó là vị A-la-hán. Không phải vị Thọ thần nào cũng giống nhau về các khả năng và điều kiện sống. Tôi cố ý nhấn mạnh điều này, vì sẽ có nhiều người hiểu lầm, không phải vị nào cũng giống nhau về thần thông, thiên nhãn thiên nhĩ, và điều kiện sống cũng tùy phước ít phước nhiều nữa. Ở đây vị Thọ thần thấy vị tỷ kheo này lui tới với cư sĩ nên nhắc nhở bằng câu hơi nặng: Ngài lui tới những chỗ quán sá tiệm tùng đông đúc như vậy thì giữa ngài và tôi có khác nhau cái gì chứ. Trong Chú giải ghi thế này:

“So kira satthu santike kammaṭṭhānaṃ gahetvā”, Vị tỷ kheo đó sau khi đến học thiền và xin đề mục với Đức Phật rồi, “vanasaṇḍaṃ pavisitvā” đi vào trong rừng sống, “gāmaṃ piṇḍāya pāvisi” sau đó đi khất thực, “pāsādikehi abhikkantādīhi” oai nghi tế hạnh rất đàng hoàng.

“Aññataraṃ kulaṃ tassa iriyāpathe pasīditvā” có một gia đình thấy ngài liền rất thích. Họ thỉnh ngài. Sau khi họ thỉnh ngài để cúng dường,

“Thero adhivāsetvā”vị trưởng lão đã nhận lời “āhāraṃ paribhuñjamāno” và thọ nhận những gì họ cúng dường, “vīriyaṃ paggayha ghaṭento” nỗ lực tu tập, “arahattaṃ patvā” chứng quả La-Hán “cintesi” và suy nghĩ: “bahūpakāraṃ me etaṃ kulaṃ, aññattha gantvā kiṃ karissāmī’’ti?” Gia đình này có lòng hộ trì mình như vậy tại sao mình phải bỏ đi nơi khác.

“Phalasamāpattisukhaṃ anubhavanto tattheva vasi”. Thế là vị đó ở lại nơi này thường xuyên an trú vào thiền Quả và không đi đâu hết.

Vì cảm tấm lòng của người ta, ngài muốn đem công đức cho người ta nên ngài ở lại đó, khỏi đi bôn ba chỗ khác và sự có mặt của ngài đem lại công đức lớn cho gia đình đó. Vì không còn chuyện gì để làm nên ngài thường xuyên an trú trong thiền Quả.

“sā kira therassa khīṇāsavabhāvaṃ ajānantī” tương truyền vị Trời này không hề biết rằng đây là vị La-Hán, nên mới nhắc nhở như vậy. Có những vị Trời xuất sắc nhưng cũng có vị kém cõi; vị Trời này không biết vị tỷ kheo là A-la-hán, thấy lui tới nhà cư sĩ nên nhắc nhở như vậy. Đây là những chi tiết nếu không coi trong kinh thì các vị Phật tử không thể tự biết. Ví dụ như nếu nói mình học A-tỳ-đàm, A-tỳ-đàm cho mình công thức, nguyên tắc này nọ, nhưng có những chuyện A-tỳ-đàm không nói, thí dụ như chuyện này. Vi diệu pháp mình giỏi mấy đi nữa nhưng nếu mình không đọc Kinh Tạng thì mình không biết. Nếu chỉ căn cứ theo Vi diệu pháp thì khó mà ngờ được chuyện một vị Thọ thần có tha tâm thông mà hoàn toàn mù tịt về nhân loại đang ngồi trước mặt mình; trong bài kinh này, đó là vị A-la-hán mà vị Thọ thần này hoàn toàn không biết gì hết. Theo Vi diệu pháp thì mình cứ nghĩ là hễ có tha tâm thông thì dầu không đủ trình độ để biết đây là A-la-hán nhưng mà tối thiểu cũng phải biết đây là con người trong sạch chứ, biết người này không tham, không sân, không si chứ; nhưng không phải vậy, đọc ở đây mới biết thì ra tha tâm thông như thế nào, chỉ biết tối đa là vị này đang bực mình thôi. Nếu các vị Thọ thần không học Phật pháp thì không hề biết được A-la-hán không còn tâm sân. Có những vị biết và có những vị không biết, không biết con người trước mặt mình không còn tham, không còn sân, không còn si nữa. Bài kinh này chỉ là sự hiểu lầm, và vị tỷ kheo này trả lời, ngài nói ngài sống như con nai hồn nhiên trong rừng, không bị dính mắc trong thế gian.

VAJJIPUTTA (Vajjiputtasutta)

Có một điều đáng tiếc thế này, Phật tử VN khoái đi chùa, cúng dường, bái lạy, khấn nguyện, cầu vãng sanh, đó là Bắc Tông, còn Nam Tông thì thích phục vụ cúng dường chứ còn rờ tới kinh tạng thì không nhiều. Tôi giảng mà cứ ngậm ngùi, có những chi tiết không biết có nên nói hay không, mà nói thì cứ như vịt nghe sấm, rất là uổng. Ví dụ như chữ Vajjiputta, nói ra có rất nhiều chuyện để nói, đây là tên gọi rất nổi tiếng trong PG, dĩ nhiên là đối với người có đọc kinh sách, chớ còn người đi chùa cầu phước thì nói ra uổng lắm.

‘Vajji’: ‘bị lưu đày’, trong trường hợp đặc biệt có nghĩa là ‘bị xua đuổi’, ‘bị hắt hủi’. Ngậm ngùi vậy đó, đàng sau cái tên này là một câu chuyện rất buồn, rất ngậm ngùi. Ngày xưa có một ông đạo sĩ lượm được hai đứa bé đem về nuôi. Khổ nỗi, ông là đạo sĩ nên chỉ nuôi chừng mực, sau chúng lớn lên ông phải đem trả về lại cho đời chứ không thể để mãi trong rừng. Hai đứa bé này rất khỏe mạnh, lại lớn lên trong rừng, tính tình hồn nhiên như thú hoang, nên chơi với mấy đứa bé cùng trang lứa lúc nào cũng tỏ ra lấn lướt. Từ chỗ đó, các gia đình cấm con cái mình chơi chung và xa lánh chúng. Hai đứa lớn lên có vợ, sanh con nhưng tính tình vẫn cứ ngang tàng. Dân làng mới nói hai anh em ra ngoài làng ở chứ không cho ở chung trong làng xóm nữa. Hai anh em mới ra ngoài làng cất nhà cất sanh con đẻ cháu thành cái làng xã đông đúc và người ta gọi đó là đám Vajji nghĩa là đám người bị xua đuổi. Nếu vị nào có coi tạng Luật thì sẽ thấy chữ này rất nổi tiếng. Khi PG trải qua một trăm năm thì có nhóm tỷ kheo tên là nhóm Vajjiputta, nhóm này chủ trương tu mà ôm Luật trăm phần trăm chỉ có chết, chi bằng nới nới chút cho dễ thở, vì thế những vị này chế ra một số chuyện, ví dụ trong Luật cấm không cho tỷ kheo ăn chiều, nhưng nếu trễ chút đỉnh thì không sao. Tuy nhiên họ quên một chuyện ‘chút đỉnh’ là như thế nào, ví dụ thế hệ trước là 12h15 ăn được, thế hệ sau thì 12h35, thế hệ sau nữa là 12h40… cứ vậy rồi tới chiều luôn, họ chủ trương lấn được bao nhiêu thì lấn. Rồi kế đến, họ nghĩ, nếu cứ ôm bát thế này rồi lỡ có ngày người ta dời nhà hoặc vì lý do nào đó không cúng, vì vậy họ tích trữ của nả. Thế là họ bày ra chuyện tỷ kheo được quyền giữ vàng bạc. Mỗi lần lễ lạt họ để trước chùa cái chậu to, ai muốn cúng bao nhiêu tiền bạc vàng ngọc cứ liệng vào trong đó. Đức Phật không cho tỷ kheo xài đồ bằng ngà, thế là họ nghĩ không cần phải cữ kiêng, cho gì xài đó, họ quên rằng xài đồ ngà là tiếp tay hại cho loài voi chết. Đồ ngà lại đắt tiền cư sĩ nhìn thấy họ nói, và sợ mất nữa thì tiếc nên đi đâu cũng cứ cầm theo. Nhóm tỷ kheo có quan niệm đó gọi là nhóm Vajjiputta. Nhóm này là con cháu của dòng họ Vajji. Chính vì vậy mà tôi nói đây là tên gọi rất nổi tiếng. Trong Kinh Đại bát Niết Bàn, những ngày tháng cuối cùng của Đức Phật có gắn liền với nhiều nhân vật hoặc vùng đất của dân Vajji này.

Có một vị tỷ kheo là con cháu của dòng họ Vajji đi xuất gia, đêm hôm ngồi trong chỗ thanh vắng nghe người ta hát xướng, tiếng vọng từ xa, nghe ngậm ngùi thấy buồn. Cũng dễ hiểu thôi, bây giờ ông sư có ipad, iphone, internet muốn tu hành thiền định muốn nghiên cứu kinh sách hay đọc báo coi phim thì cũng dễ dàng, ngày xưa thì ông sư hoàn toàn không có cái gì hết, nói cho rốt ráo là chỉ có cái bình bát sáng đã đi xin ăn rồi, còn buổi chiều thì không có cái gì tiêu khiển, giải trí, bầu bạn. Bây giờ buồn quá thì bóc cái phone lên, cứ alô người này không được thì alô người kia, lên facebook, email, facetime, viber, tango tùm lum hết. Có nhiều người Phật tử họ nói tôi một câu mà tôi không biết nên nói cái gì: Sao trong Kinh con thấy hồi xưa mấy sư sao tệ quá, thích nhiều cái rất là kỳ. Tôi đã trả lời: Quí vị đang đọc lại nhịp sống của những con người trong xã hội mấy ngàn năm về trước bên Ấn Độ, vậy mà đọc trang kinh đó bằng não trạng, tâm trạng của một con người thời nay thì trật lất rồi. Ngay cả truyện Kiều, mặc dù là hư cấu nhưng ít ra phải hiểu ngầm là những chuyện xảy ra trong Kiều đã rất là xa lạ với mình. Thời mình làm gì có chuyện người đối xử với người như trong Kiều. Phải hiểu rằng thời điểm cụ Nguyễn Du nhắc tới trong Kiều thì đã cách đây biết bao lâu rồi, đời nhà Minh, “Rằng năm Gia tĩnh triều Minh”, gần 500 trước, nói chi là chuyện thời Đức Phật. Vị tỷ kheo này thấy cô quạnh chạnh lòng khi nghe tiếng đàn ca hát xướng, lúc đó một vị Trời xuất hiện nhắc cho biết: Thật ra đời sống của ngài không dễ kiếm đâu, không phải ai muốn cũng được. Nếu mình tin Phật thì phải tin luôn một chuyện, chuyện con rùa mù. Một trăm năm con rùa mù trồi đầu lên mặt biển một lần, một sự trùng hợp hiếm hoi nào đó cái đầu con rùa chui lọt vào tấm ván đang trôi dạt trên mặt biển, đây là xác suất chưa được một phần ngàn tỷ, vậy mà cơ hội làm người còn khó hơn vậy nữa. Tôi tin Ngài nói đúng, một ngày hăm bốn giờ mình sống bằng tâm thiện được bao nhiêu. Mình biết Phật pháp, biết A-tỳ-đàm, biết Tứ Niệm Xứ, vậy mà mình sống bất thiện một ngày bao nhiêu phần trăm thời gian? Kẻ không Phật pháp thì không còn gì để nói, vậy cơ hội đâu mà làm người? Cơ hội được làm người được gặp chánh pháp càng khó khăn hơn. Cơ hội vị Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian này còn hiếm hơn cơ hội làm người nữa. Bây giờ được gặp Phật pháp, được làm người nam khỏe mạnh không bịnh hoạn, có niềm tin có hiểu biết, đi xuất gia nữa, vì vậy phải nói vị Thọ thần này nói rất đúng: Ngài có biết rằng đời sống của ngài nhiều người mơ mà không được giống như chúng sanh ở địa ngục thấy người ta ở Cõi Trời mà thèm vậy. Tôi phải nói rằng đức tin mình yếu quá, mình dốt quá, mình giống như người mù vô nhà hát vậy. Câu nói của vị Thọ thần là câu nói của người có đức tin, có chánh kiến, chớ còn Phật tử VN mình nghe câu nói đó thì thấy hơi quá đáng.

TỤNG HỌC KINH ĐIỂN (Sajjhāyasutta)

Vị tỷ kheo trong bài kinh này là một vị A-la-hán, không phải người phàm. Mình tưởng chư thiên cái gì cũng biết nhưng trong bài kinh này thì thấy không phải chư thiên thì cái gì cũng biết. Tôi nhớ câu chuyện có một ông linh mục đi đánh golf với một giáo dân, ông giáo dân này có tật xấu mỗi lần đánh trật là chửi thề. Linh mục la bảo không nên như vậy, chơi cho vui thôi chứ đừng chửi thề coi chừng Chúa phạt. Ông giáo dân nghe lời, nhưng lát sau đánh trật nữa và lại chửi thề. Vừa lúc đó một lằn sét từ trên trời đánh xuống trúng linh mục. Linh mục lăn ra chết. Một tiếng vọng từ trên cao: Ta là Chúa Trời còn đánh hụt nói chi là nó. Các vị tưởng tượng, tôi đọc câu chuyện đó tôi rất là tâm đắc. Chúa Trời còn đánh trật, thay vì đánh ông giáo dân lại trúng ông linh mục. Đừng tưởng chư thiên có thần thông thì cái gì cũng biết, họ cũng có nhầm lẫn của họ. Trong bài kinh này kể về một vị tỷ kheo ở chung với sư phụ của mình học Tam Tạng, mỗi ngày cứ dưng nước hầu cơm chăm sóc cho thầy, một thời gian ngắn vị này đắc A-la-hán. Có một điều trong thời gian học Tam tạng với thầy, mỗi lần thuộc một ít là mang ra tụng, hết kinh này qua kinh khác. Lúc đó có một vị Thọ thần ở gần đó nghe ké, ngày nào cũng nghe, nay thì Thất Giác Chi, mai là giáo lý Duyên Khởi, mốt là Tứ Niệm Xứ, nghe suốt mùa thu như vậy khoái lắm; nhưng ông này là Thọ thần người Ấn Độ chớ còn gặp Phật tử VN mình nghe thì chỉ có bực mình, vì thứ nhất mình không thích, thứ hai mình nghe có hiểu gì đâu. Ông Thọ thần này xuất thân Ấn Độ nên nghe đọc tụng thì vui lắm dù chỉ là nghe ké, tới khi vị tỷ kheo đắc A-la-hán, và có những điều suy nghĩ. Đây là việc mình cũng nên lưu ý, có những vị A-la-hán hoan hỉ trong chuyện tụng, nghe. Ví dụ như Đức Phật, khi nghe người khác trùng tụng trùng tuyên Ngài rất hoan hỉ. Vị A-la-hán nào cũng vậy, tuy nhiên, ‘thích’ không phải là nghe suốt mùa thu như mình tưởng tượng, vị ấy thấy thời gian tụng đọc như vậy không bằng thời gian sống an trú Tứ Niệm Xứ hoặc nhập Thiền quả. Trong Chú giải nói rõ như vậy: ‘phalasamāpatti’: thiền Quả, Quả định.

Quả định

Quả định là an trú trong thánh quả mình đã chứng, an trú trong một thời gian dài ngắn bất định. Ví dụ một vị Tu-đà-hoàn hoặc vị A-la-hán, một lúc nào đó thấy mỏi mệt, thấy cần an dưỡng tinh thần không muốn suy nghĩ gì hết thì vị này ngồi lại một nơi thích hợp nào đó, quán tưởng danh sắc: quán tưởng thân quán niệm xứ, hoặc thọ quán, hoặc tâm quán, hoặc pháp quán niệm xứ tùy căn cơ sở thích. Ngày xưa đắc quả bằng con đường nào thì bây giờ quay lại con đường y hệt như vậy. Ví dụ thân quán niệm xứ, vị đó quan sát theo nguyên tắc của thân quán niệm xứ; tùy theo vị độn căn hay lợi căn, trí chậm hay trí nhanh; thời gian thiền quả rất là nhanh, chỉ quan sát một chút là xuất hiện bốn hoặc ba sát na tâm: Chuẩn Bị, Cận Hành, Thuận Thứ và Bỏ Bực. Bỏ Bực trong trường hợp này là từ tâm Hiệp-thế chuyển qua tâm Siêu-Thế. Bỏ Bực có ba trường hợp:

Gotrabhū: Tâm Chuyển-tộc, có ba trường hợp:

1- Đưa người lìa cảnh Dục vào cảnh Đáo đại

Người lần đầu tiên đắc thiền, khi loại tâm này xuất hiện thì từ giây phút đó trở đi người đó được gọi là người chứng thiền Đáo đại tối thiểu từ Sơ thiền trở lên cho đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, nhờ Gotrabhū người đó trở về sau đã bước vào thế giới của Phạm thiên, tuy mang thân nhân loại nhưng tắt thở là về cõi Phạm Thiên, nếu thiền chưa bị hoại. Dù cho có mang thân đàn bà kể cả ghẻ chóc hôi hám xấu xí, miễn đắc Sơ thiền rồi là đã dự vào cảnh giới của Phạm thiên.

2- Đưa người lìa phàm tánh vào thánh trí lúc chứng đạo.

Tâm này xuất hiện là người ấy từ nay về sau không còn là phàm nữa mà đã là thánh nhân. Ví dụ lần đầu tiên đắc Sơ quả thì từ lúc đó người này vĩnh viễn không còn khả năng sa đọa nữa, sát na đó gọi là gotrabhū.

3- Đưa người lìa tâm Hiệp thế và tâm Siêu thế, lúc nhập Quả định.

Khi nào vị đó muốn nhập Quả định, sau khi quan sát danh sắc, một loạt tâm Chuẩn Bị, Cận Hành, Thuận Thứ Bỏ Bực xuất hiện, sát na Chuẩn bị này đối với người lợi căn không xuất hiện nhưng với người độn căn thì xuất hiện, thời gian xuất hiện nhanh vô cùng nên có hay không có cũng như nhau, nhỏ ít giống như một hột nếp nằm trong kho gạo. Khi bốn hoặc ba sát na tâm trên xuất hiện trong đó có tâm gotrabhū thì từ lúc đó trở về sau tâm Thánh quả (một trong bốn) Sơ, Nhị, Tam, Tứ xuất hiện, thời gian lâu hay mau tùy vị đó quyết định. Ví dụ, nếu vị đó quyết định nhập Thiền quả trong vòng 15 phút, nửa tiếng, hai tiếng, 10 tiếng, 30 tiếng v.v… tùy ý, vị đó chỉ chú nguyện là sẽ bao lâu thì đến lúc đó tự động sẽ ngưng. Sau khi ngừng thì tâm hữu phần chen vào, từ đó về sau lại tiếp tục, mắt thấy tai nghe bình thường. An trú thiền Quả là như vậy, trong thời gian đó tâm vị ấy chỉ biết một cảnh là cảnh niết-bàn, toàn thân vị ấy được an dưỡng tuyệt đối. Quí vị hãy tưởng tượng, nếu quí vị đang vui, đang nghe pháp hoặc đang có mặt trong một sân chùa vắng lặng nhìn người ta đi kinh hành, lòng mình vui suốt hai tiếng đồng hồ, thì con người mình khỏe biết chừng nào. Hoặc buổi chiều ra ngoài biển ngồi suốt hai tiếng đồng hồ, buông hết mọi sự không nghĩ ngợi lăng xăng, chỉ nhìn sóng vỗ, chim bay, gió lùa, tiếng trẻ con đùa giỡn xa xa vọng lại một chút, ngồi như vậy thì đã khỏe cỡ nào huống chi đàng này lìa cảnh thế gian mà chỉ an trú vào cảnh niết-bàn thì sung sướng cỡ nào. Tôi không có vô làm sao tôi dám nói tôi liễu niết-bàn, tôi chỉ gợi ý cho quí vị, trong suy nghĩ đó không còn chuyện danh lợi, thương ghét, sầu hận, không sợ hãi ghen tuông toan tính. Chính vì chỗ này, sau khi chứng quả, vị tỷ kheo không còn đọc nữa, vị Thọ thần không còn nghe tiếng tụng đọc nên mới hỏi “sao không tụng đọc gì hết” và vị tỷ kheo mới trả lời như vậy. Vì vậy bữa nào quí vị thấy tới giờ mà tôi không vô giảng thì biết đâu bữa đó…

BẤT CHÁNH TƯ DUY (Akusalavitakkasutta)

Vị tỷ kheo sống một mình và có những tư niệm không hay. Trong kinh dùng ngôn ngữ 2500 trước nghe cầu kỳ thay vì nói là suy nghĩ bậy bạ thì dùng chữ “bất chánh tư duy”. Chánh tư duy, tà tư duy là gì?

Tà tư duy

Dục tư duy: có suy nghĩ nặng về tham dục, thích cái này thích cái kia,

Sân tư duy: bất mãn này nọ, bực mình không vui, không thích cái này không thích cái nọ.

Hại tư duy: Lòng nghĩ, muốn nói, muốn làm gì đó ảnh hưởng quyền lợi người khác.

Đối lập với Dục tư duy là ly tham, ly dục, nhàm chán trong các dục: tâm sở vô tham.

Đối lập với Sân tư duy là Từ tâm: tâm sở vô sân

Đối lập với Hại tư duy là Bi tâm: tâm sở bi

Có người hỏi: Tại sao có Hại tư duy? Nếu hiểu đâm chém, đốt nhà bạo hành người ta là quá nặng rồi, Có người hỏi: Tại sao có Hại tư duy? Nếu hiểu đâm chém, đốt nhà bạo hành người ta là quá nặng rồi, hại tư duy là có suy nghĩ làm phương hại, tổn thương người khác. Chỉ cần một suy nghĩ: “Cái mặt đó hồi nãy mình chào uổng thiệt, mai mốt mình gặp không chào” hoặc “tại sao hồi sáng mình không nói câu đó cho bả thấm”, đó là hại tư duy. Quí vị tưởng tượng mình gặp người ta mà mình không chào thì người ta sốc chứ, đó là hại tư duy.

Vị tỷ kheo này hôm đó sống chìm trong Tà tư duy. Vị Thọ thần thấy vậy nên xuất hiện để nhắc nhở. Theo trong tinh thần Phật pháp, cái bất thiện mà Đức Phật nói có phần rất khác xa đối với cách hiểu của mình. Ví dụ mình nghĩ rằng: Cha mẹ thương con, lo cho con là đúng rồi; vợ chồng lo lắng thương yêu là đúng rồi. Theo trong lời Phật thì trách nhiệm mình lo cho chồng cho con, cho cha cho mẹ là đúng, nhưng phải hiểu rằng: Trong tình cảm với kẻ khác luôn có một trong hai yếu tố tâm lý: Vị tỷ kheo này hôm đó sống chìm trong Tà tư duy. Vị Thọ thần thấy vậy nên xuất hiện để nhắc nhở. Theo trong tinh thần Phật pháp, cái bất thiện mà Đức Phật nói có phần rất khác xa đối với cách hiểu của mình. Ví dụ mình nghĩ rằng: Cha mẹ thương con, lo cho con là đúng rồi; vợ chồng lo lắng thương yêu là đúng rồi. Theo trong lời Phật thì trách nhiệm mình lo cho chồng cho con, cho cha cho mẹ là đúng, nhưng phải hiểu rằng: Trong tình cảm với kẻ khác luôn có một trong hai yếu tố tâm lý: tham ái hoặc hoặc từ tâm; từ tâm thường hiếm hơn tham ái.

Vợ chồng thương nhau, cha mẹ thương con cái, con cháu thương ông bà cha mẹ, bạn bè thương nhau, thầy trò thương nhau… mình cứ nói là tôi thương ông thầy, tôi quý ông thầy tôi coi như cha, như anh, như cậu v.v… Nói vậy là sai bét, đừng tưởng nói vậy trời không biết đất không biết. Trong tình cảm giữa người với người thì có một trong hai: từ tâm và tham ái, nhưng từ tâm thường rất hiếm. Phải có gan nhìn thấy như vậy. Có nhiều người Phật tử khi nói chuyện với họ tôi biết được chuyện này, họ nghĩ rằng chuyện “ăn miếng trả miếng” không phải bậy, người ta nói mình mà mình nhịn, im lặng không trả lời cho đúng mức là hèn, là dở, là nhục; họ nói mình tu hành không hại ai nhưng mình phải có phản ứng; cái này phải xét lại!

Hành giả mà không nhận diện được phiền não ở mức độ vi tế nhất thì làm sao mình biết nó là cái gì. Mình thấy món đồ đó của mình bị người ta xài mà không hỏi mình bực, thì lúc đó mình phải biết rõ đây là tâm sân, đây là bỏn xẻn, chớ đừng đem đạo đức nguyên tắc pháp luật xã hội ngoài đời mà nói: cái này của tôi mà xài không hỏi tôi nên tôi bực. Trong tinh thần Phật pháp thì phải biết rõ, người ta chém mình mà mình bực mình thì đó vẫn là tâm sân. Phật pháp vốn rất khoa học, muối trong bàn tay của mẹ vẫn mặn, đường trong bàn tay kẻ thù vẫn luôn ngọt. Tinh thần giáo lý rõ ràng như vậy, đừng nói muối nằm trong tay của mẹ không mặn. Tâm bất thiện dù xuất hiện trong hoàn cảnh điều kiện nào thì vẫn là tâm bất thiện, còn lý do tại sao nó xuất hiện thì không mắc mớ gì ở đây hết.

GIỮA TRƯA HAY TIẾNG ĐỘNG (Majjhanhikasutta)

Bài kinh này học rồi,trong chương đầu tiên khi chúng ta gặp nhau ở lớp Tương Ưng Bộ Kinh này. Trong đây còn nói rõ “taṃ devatāsaṃyutte nandanavagge vuttameva”: bài kinh này đã được nói trong chương Tương Ưng Chư Thiên.

Vị tỷ kheo này cũng là một vị thánh. Vị Thọ thần này tới chia sẻ: Chỗ này con là thọ thần, con ở con còn teo mà ngài ở được hay quá. Vị tỷ kheo trả lời: Rừng là chỗ ở hoan hỉ đối với một người như ta. Tôi nhớ từng nói nhiều lần: Tôi nhớ từng nói nhiều lần: Con người mình ra làm sao thì sự cảm nhận thế giới đối với mình sẽ tương ứng như vậy. Đây là một câu nói đáng được xem là nguyên tắc. Thế giới này ra làm sao thì tùy thuộc vào khả năng nhận thức, tùy thuộc cảm nhận của mình. Sự thanh vắng là món quà đối với người không sợ hãi thích sống nội tâm hướng nội, nhưng là nỗi kinh hoàng đối với người nhút nhát hoặc có đời sống tinh thần quá nghèo. Tôi biết có những ông cụ bà lão không chịu nổi nếu không có tiếng cười con cháu, thà bồng ẵm cực nhọc nặng nề mà họ thích, trong khi đó có người nghe tiếng con nít khóc là lạnh xương sống nổi da gà bịt tai không kịp. Có người thích sống lăng xăng quây quần đoàn tụ, nhưng có những người mỗi lần chỉ nghe tiếng xe Honda đậu vào cửa, nghe tiếng gạt chân chống khách sửa soạn bước vào là nổi da gà. Có người sợ nghe chuông reo, có nhiều người thì không thể nào rời phone. Tôi chia sẻ một chuyện rất thật, một kinh nghiệm bằng vàng đối với tôi. Tôi để ý, trong thời gian nào tôi sống có liên lạc nhiều bằng email, phone, thì trong thời gian đó tôi rất là nhiều sân si vì phần lớn những đề tài mình trao đổi với nhau toàn chuyện phiền não. Bây giờ tôi đang ở Đức, tôi để ý trong một thời gian dài tôi không tiếp xúc với bà con, cảm giác an lạc lạ lùng lắm. Còn một chuyện nữa, ngoại trừ bậc đại căn, nếu mình có lòng nguyện giác ngộ thành Thanh Văn, Tu-đà-hoàn cũng được, đắc được lúc nào thì đắc, đi liền đi sớm chừng nào càng tốt chừng đó, còn nếu kẻ nào có lòng muốn đi xa, đường dài, muốn làm Độc Giác, Chí thượng Thanh văn, Chánh Đẳng Giác thì không thể nào không tu từ tâm. Bắt buộc phải tu từ tâm! Bồ tát ngày xưa bỏ một thời gian để chỉ chuyên tu có một chuyện là từ tâm. Người không có từ tâm sẽ tạo ra vô vàn ác nghiệp mà toàn là ác nghiệp cản trở những Ba-la-mật khác. Người không có phước bố thí thì sẽ rơi vào vô số tội lỗi của người túng thiếu. Người không giữ giới sẽ rơi vào những hoàn cảnh cực kỳ bất lợi. Không có trí tuệ sẽ rơi vào những hoàn cảnh bất lợi, không có từ tâm sẽ rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bất lợi. Bất lợi ở đây là không có tiện cho việc trau dồi thiện pháp. Đừng nghĩ là từ tâm đem lại phước báu kiếp sau sanh ra mặt đẹp được người khác thương, hiểu vậy là chết. Người không từ tâm thì sẽ gặp tất cả đủ thứ trong vòng luân hồi này, không từ tâm thì không thương chúng sanh khác, rất dễ sát sanh, rất dễ bỏn xẻn, rất dễ làm chuyện trộm cắp tà dâm, nói lời đâm thọc, ác ngữ. Có nhiều minh tinh Holywood của Mỹ từ chối không xài đồ da và đồ lông vì họ chủ trương thà không mặc áo quần còn hơn sử dụng trang phục có được do việc giết chết thú. Họ yêu thú vật như vậy. Thiếu từ tâm thì mình sẽ có những nhu cầu làm tổn hại chúng sinh khác, ví dụ, ngay trong chuyện hưởng thụ ăn mặc của mình đã là một thứ cộng nghiệp rồi, chưa kể không có phước bố thí thì sẽ sanh vào cảnh khó nghèo, từ khó nghèo thì chuyện gì cũng làm được. Có thể buổi đầu ngại không làm chuyện ác lớn nhưng làm được chuyện ác nhỏ. Ác nhỏ làm được thì từ từ ác khá hơn và cuối cùng là ác cỡ nào cũng làm được. Từng thiện pháp quan trọng ghê gớm và từng ác pháp nguy hiểm ghê gớm là vậy đó. Trong đời này nếu tôi không chết yểu thì tôi muốn bỏ ít nhất một năm cho đến bảy năm tu từ tâm. Muốn tu tập từ tâm thì chỉ có một con đường duy nhất, không có con đường thứ hai đó là hạn chế những tiếp xúc và quan hệ liên lạc không cần thiết. Chỉ có cách này mình mới lắng yên để thương yêu người khác. Đừng hòng tu tập từ tâm mà cứ tiếp xúc liên tục và liên tục email, điện thoại, gặp gỡ ngoài đời… Đời này ít nhất phải có một năm tu từ tâm chuyên nghiệp, không xen kẽ cái gì hết, không có bè bạn học trò đệ tử con cháu gì hết, nếu là xuất gia mà cần thiết thì ít nhất một vị thị giả mà thôi, còn cư sĩ thì tự thu xếp tìm về phương trời xa vắng nào đó ở với người bạn vừa ý mình, hoặc là thà ở một mình, chỉ có như vậy quí vị mới có thể tu tập từ tâm một cách trọn vẹn. Hễ còn tiếp xúc dù đó là bậc mình thương kính đi nữa, vẫn phải cẩn thận vì có những trường hợp bực mình, trong Kinh An Lành gọi là: “kālena dhammassavana” (đúng thời nghe pháp) hoặc là “kālena dhammasakaccha” (tùy thời đàm luận pháp). Tùy thời nghĩa là chỉ đến gặp gỡ lắng nghe trao đổi trong lúc nào thật sự cần thiết và khi nào chuyện đó chỉ đem lại lợi ích hoặc không mang lại điều vô ích thì mình mới đi. Ví dụ như mình đang hành thiền tự nhiên có người rủ đi nghe thuyết pháp vì bữa nay có vị nào đó về thuyết pháp, cái đó phải xét lại, chớ không phải có ai đó rủ đi trai tăng, đi đặt bát vui quá là đi liền. Nếu là hành giả thứ thiệt là phải xét lại. Vì vậy, muốn tu tập từ tâm hãy lìa xa những quan hệ không cần thiết. Đây là lời giải thích cho bài kinh Tiếng Động này. Không thể nào không có một năm tu từ tâm, tối thiểu, muốn tu được thì phải tránh cho bằng được những quan hệ không cần thiết, khó vô cùng. Còn ai thấy rằng mình tu không tiến bộ thì làm ơn ngó thử mình đang sống ra làm sao, phải nhìn lại tại sao mình không tiến bộ. Đừng ngồi tưởng tượng rằng mình là hành giả mà, mình đang ở Miến Điện mà, đang ngồi trong thiền viện mà, có thiền sư hướng dẫn mà, tu có pháp môn đàng hoàng mà, đúng như vậy, nhưng thật ra không có tiến bộ vì thật ra quan hệ tiếp xúc, bối cảnh môi trường điều kiện của mình không thích hợp, toàn tưởng tượng. Có người sẽ không đồng ý và nói lìa xa chúng sanh thì đối tượng đâu cho mình tu từ tâm. Cứ thử đi, còn kỹ thuật tu tập từ tâm thì coi trong Thanh Tịnh Đạo, hoặc coi cuốn Triết Học PG tôi vừa in, trong đó có phần giảng về thiền Quán thiền Chỉ rất kỹ, đặc biệt là cuốn Triết học A-tỳ-đàm. Thời gian sau này tôi không đọc sách tiếng Việt bởi vì sách bên đây nhiều quá, nên tôi chỉ giới thiệu cái nào tôi biết rõ thôi.

KHÔNG CHẾ NGỰ CĂN (Pākatindriyasutta)

Thất niệm và phiếm luận

Trong Chú giải cũng không giải thích nhiều, đã giảng trong chương Chư Thiên. Bài kinh này nói về một số vị tỷ kheo sống chung với nhau rồi thất niệm, nói nhiều. Tôi muốn nói một việc rất thường nhưng tôi cho đó là điều quan trọng bậc nhất, lúc nãy tôi đã nói, đó là không thể nào muốn tu tập từ tâm mà sống va chạm cọ xát chung đụng nhiều người. Không hiểu vì sao ở tuổi này tôi lại thấm thía chuyện phiếm luận. Mỗi lứa tuổi tôi chú ý một chuyện, hai năm nay tôi chú ý nhiều đến chữ “phiếm luận”. Đối với tôi đây là một đại tội. Phiếm luận là tiếp xúc hay trao đổi những đề tài không liên quan gì đến Phật Pháp, những đề tài làm cho mình xuống tinh thần, nóng nảy nhiều hơn, tham dục nhiều hơn. Ngày xưa tôi không có thấm cái này, bây giờ tôi mới thấm cái này. Dù cho quí vị có tu học ghê gớm cách mấy, miễn là còn phàm, mà quí vị thích thú phiếm luận thì trong vòng ba nốt nhạc sẽ rớt từ trên trời xuống sình luôn, bởi vì phàm tâm mà. Bài kinh này nói một số vị tỷ kheo sống trong rừng, ồn ào, lắm lời, thất niệm. Dầu có thương ai bằng trời đi nữa, phải để ý, người này khi ở gần mình họ nói cái gì, cái đó quan trọng lắm. Đừng coi thường người này là dốt, đừng coi thường người này là học trò của mình, đừng coi thường người này không ra gì trong mắt mình. Vua đứng đầu thiên hạ, là thiên tử con trời, nhưng quí vị biết, một trong những người tác động đến vua nhiều nhất là thái giám và cung nữ, nhiều khi họ tác động còn hơn cả hoàng hậu, thái hậu và trọng thần trong triều, bởi vì thái giám và cung nữ là thường xuyên chung đụng gần gũi vua nhất. Con người mình khi nào kiêu ngạo cống cao mình coi người ta là rác, nhưng mình có khuynh hướng lây lan rất dễ, vì vậy tất cả những ai mình thương quí cỡ nào mà họ có khuynh hướng mê phiếm luận thì bằng mọi giá mình phải nhấn nút lìa xa.Điểm đặc biệt quan trọng trong bài kinh này là Trong Chú giải cũng không giải thích nhiều, đã giảng trong chương Chư Thiên. Bài kinh này nói về một số vị tỷ kheo sống chung với nhau rồi thất niệm, nói nhiều. Tôi muốn nói một việc rất thường nhưng tôi cho đó là điều quan trọng bậc nhất, lúc nãy tôi đã nói, đó là không thể nào muốn tu tập từ tâm mà sống va chạm cọ xát chung đụng nhiều người. Không hiểu vì sao ở tuổi này tôi lại thấm thía chuyện phiếm luận. Mỗi lứa tuổi tôi chú ý một chuyện, hai năm nay tôi chú ý nhiều đến chữ “phiếm luận”. Đối với tôi đây là một đại tội. Phiếm luận là tiếp xúc hay trao đổi những đề tài không liên quan gì đến Phật Pháp, những đề tài làm cho mình xuống tinh thần, nóng nảy nhiều hơn, tham dục nhiều hơn. Ngày xưa tôi không có thấm cái này, bây giờ tôi mới thấm cái này. Dù cho quí vị có tu học ghê gớm cách mấy, miễn là còn phàm, mà quí vị thích thú phiếm luận thì trong vòng ba nốt nhạc sẽ rớt từ trên trời xuống sình luôn, bởi vì phàm tâm mà. Bài kinh này nói một số vị tỷ kheo sống trong rừng, ồn ào, lắm lời, thất niệm. Dầu có thương ai bằng trời đi nữa, phải để ý, người này khi ở gần mình họ nói cái gì, cái đó quan trọng lắm. Đừng coi thường người này là dốt, đừng coi thường người này là học trò của mình, đừng coi thường người này không ra gì trong mắt mình. Vua đứng đầu thiên hạ, là thiên tử con trời, nhưng quí vị biết, một trong những người tác động đến vua nhiều nhất là thái giám và cung nữ, nhiều khi họ tác động còn hơn cả hoàng hậu, thái hậu và trọng thần trong triều, bởi vì thái giám và cung nữ là thường xuyên chung đụng gần gũi vua nhất. Con người mình khi nào kiêu ngạo cống cao mình coi người ta là rác, nhưng mình có khuynh hướng lây lan rất dễ, vì vậy tất cả những ai mình thương quí cỡ nào mà họ có khuynh hướng mê phiếm luận thì bằng mọi giá mình phải nhấn nút lìa xa.Điểm đặc biệt quan trọng trong bài kinh này là thất niệm và phiếm luận. Mình dễ duôi cỡ nào thì dễ duôi nhưng phải nhớ đây là hai chuyện cực kỳ quan trọng. Mình gần chết rồi, thời gian qua nhanh vô cùng. Các vị biết rồi, một tuần tôi đi học năm ngày, bữa nào tôi làm biếng tôi phải đếm, bữa nay thứ sáu rồi, chỉ cần học ngày thứ bảy nữa thì được nghỉ hai ngày cuối tuần, mừng lắm. Nhưng cứ chú ý thứ Bảy Chủ Nhật thì tôi phát hiện ra một việc, thời gian chỉ lê thê đối với người nào không có lý tưởng sống hoặc không có việc gì để làm, thực ra nó qua vun vút. Cái niệm Chết là cái mà tôi rất là tâm đắc, bao nhiêu chuyện phiền muốn bỏ chỉ nhớ đến cái chết thôi, nghĩ tới đó là cái gì cũng lắng xuống hết. Nghĩ đến cái chết là lạnh xương sống. Sợ chứ! Chỗ tôi ở bước ra nghĩa trang đi thong thả là từ năm đến bảy phút. Nghĩa trang bên đây không có nấm cao như mình, chôn xuống rồi họ đặt miếng đá sát mặt đất, bên trên là miếng đá nhỏ bằng cái gối nằm nghiêng nghiêng. Nhìn xa xa giống như cái chiếu trải và cái gối. Nghĩa trang mênh mông mà một con chó hay đứa bé bò trên đất mình cũng thấy, lối đi trồng hoa trải sỏi rất đẹp. Những kẻ đang nằm ở dưới một thời là chủ những cái villa chung quanh đây. Đứng ở chỗ chúng tôi nhìn qua là thấy biên giới giữa hai nước Thụy Sĩ và Đức, con sông chia đôi, mênh mông nhìn hút mắt, bên đó là nghĩa trang.

SEN HỒNG HAY SEN TRẮNG (Gandhatthenasutta)

‘Gandha’: ‘mùi thơm’; ‘thena’=’cora’: ‘kẻ trộm’. ‘Gandhathena’: ‘kẻ trộm mùi thơm’. ‘Manohara’: ‘kẻ đánh cắp trái tim’. ‘Thera’: ‘trưởng lão’, ‘thena’: ‘kẻ trộm’. Giống như Phật tử mình hay nhầm lẫn hai chữ này: casino, kasinaKasina là hành thiền. Trong một số bài viết của tôi, pháp danh tôi là Giác Nguyên, có lúc tôi không muốn để là Giác Nguyên mà để là Duyên Ngát, hơi trật chính tả một chút nhưng thú vị.

Chữ‘Gandhathena’ này rất hay. Vị tỷ kheo này đi bát về thấy có hồ sen, vị đó bước xuống để ngửi. Vị Thọ thần trong bụng nghĩ trách, cho rằng chuyện ngửi một đóa hoa là hành động thế tục, hưởng thụ, không đẹp đối với một vị Sa-môn. Ở Thụy Sĩ có cô Phật tử lạ lắm, cổ không hoan hỉ khi thấy trong chùa Tích Lan có những món đồ đắt tiền, cổ thấy chùa có bộ salon đắt tiền, vị sư nào xài phone đắt tiền, mang giày mới hay dép mới, khăn quàng cổ hơi tốt tốt thì cổ khó chịu. Không phải cổ ganh tị nhưng cổ nghĩ là vị sư không nên xài những thứ đồ đó. Quí vị phải thông cảm, cái bậy là mình cố ý bỏ tiền ra đi tìm kiếm order những thứ đắt tiền. Dĩ nhiên những vị sư cũng tránh dùng những thứ đắt tiền để tránh người ta hiểu lầm vì người ta biết đó là của đàn na mà. Cách đây không lâu có ông thầy chỉ vì hình ảnh cầm iphone 6 mà Trúc Lâm dậy sóng, vào internet xem “Thầy đập hộp iphone 6” là biết. Một người thật lòng cầu đạo giải thoát thì nhu cầu càng ít càng tốt. Càng lệ thuộc vào cái gì đó, thì khả năng giải thoát tự tại càng bị thu hẹp. Nhu cầu tầm thường càng nhiều thì nhu cầu cao cấp sẽ bị mất chỗ. Chỉ cần mình thích xe đẹp, thích ăn mặc đẹp là mình biết mình mất đi một góc trời giải thoát. Mỗi lần mình thích một cái là mình bị mẻ đi một góc tự tại, càng thích vật chất chừng nào thì phải hiểu ngầm tinh thần sẽ bị bỏ ngõ, bị làm lơ. Phúc thay cho kẻ nào có khả năng an lạc với đời sống tinh thần tự thân một cách lành mạnh và hữu ích. Đáng thương thay cho kẻ nào không có khả năng an lạc với riêng mình. Cái nhu cầu vật chất của mình biết kiếp nào mới thỏa mãn được, riêng cái khoảng Apple Production thì nó cứ lên đời nâng cấp liên tục. Nhìn cái Ipad tôi không biết 50 năm nữa nó sẽ ra tới cái gì không biết, tôi chỉ biết mơ hồ là một lúc nào đó người ta không cần dùng keyboard như mình nữa, bàn phím sau này có lúc chỉ là ánh sáng rọi trên mặt phẳng, chạm tay vào ánh sáng đó là chạm tay vào bàn phím rồi. Cách đây không lâu, tôi đọc, sau này sẽ có xe tự hành, mình set up sẵn, chỉ cần bấm địa chỉ thì tự động nó chạy trên đường và đến nơi. Có điều, tôi nghĩ là ở nước ngoài chứ nước mình bà con chạy ẩu, khi nào mà toàn bộ mọi người đều dùng thì ok chứ không thì cái máy nó đỡ không nổi. Chính ông James Bond khi qua VN ổng nói ổng lái xe bắn súng không sợ mà gặp dân Sài Gòn, Hà Nội chạy xe ổng tối tăm mặt mũi, mặt ổng tái mét. Vì vậy ở tại Sài Gòn ngoài đèn xanh đèn đỏ người ta còn có một cách là nhìn mặt người bên cạnh, thấy họ mặt tái thì biết mình đang chạy nhanh, thấy họ mặt đỏ thì biết là có thằng nào vừa chạy ẩu. Nhìn mặt người hành khách là đoán được tốc độ xe và xe đang lưu hành thế nào. Mình đang phiếm luận rồi đó nhưng có đi xe ở VN mới biết xã hội mình có một tỷ vấn đề. Sẽ có một lúc, đời sống nhân loại càng văn minh, nhưng nếu đời sống tinh thần mình nghèo quá thì cái văn minh đó chỉ làm cho mình cô quạnh thêm mà thôi. Cách đây 10 năm tôi có đọc một bài viết rất ngậm ngùi, đó là con người bây giờ có điều kiện khả năng di chuyển đi rất xa và rất nhanh nhưng không còn khả năng đến với nhau nữa. Con người có khả năng lên trăng nhưng không có khả năng bước qua nhà hàng xóm. Con người có khả năng nói chuyện xuyên đại dương nhưng không còn thời gian về thăm mẹ thăm cha để gặp mặt nói chuyện trực tiếp. Chúng ta có khả năng kiếm rất nhiều tiền nhưng không còn thời gian để rót cho mẹ cho cha một ly nước. Một bài viết chỉ khoảng chừng hai ba chục gạch đầu dòng nhưng tôi đọc rất là xúc động. Chúng ta bây giờ có đủ thứ nhưng đánh mất rất nhiều thứ, trong đó có một điều, chúng ta bây giờ có thể đọc nhiều thứ trên internet nhưng chúng ta bắt đầu chán đọc và sợ đọc rồi, gặp cuốn sách hai ba trăm trang là sợ hãi rồi. Phật tử VN, khi tôi về tôi để ý thấy họ điều kiện khó khăn tôi thương, nhưng tôi thầm cầu nguyện mong sao họ chỉ đủ ăn thôi và bệnh thì có thuốc. Tôi chỉ không mong họ giàu đến mức lười đọc sách. Đến bây giờ tôi vẫn chủ trương là in sách ra giấy mà không gởi trên internet, lượng độc giả mà tôi nhắm tới phần lớn là trong nước mà số người xài tablet, ipad, laptop gọn gọn cho đến bây giờ vẫn là con số ít, đặc biệt là những người lớn tuổi từ 50 trở lên, đi đâu họ lận cuốn sách trong người tiện hơn là ipad. Đó là nhận xét của tôi, và trong nước bây giờ vẫn còn người thích đọc sách, cầm theo cuốn sách tiện hơn khi ra ngoài công viên, bờ hồ…

Trong bài kinh này, vị Thọ thần này hơi khắt khe, tuy nhiên cái hay của bài kinh này nằm ở điểm: càng sống lệ thuộc nhiều chừng nào thì khả năng giải thoát càng hạn chế chừng đó, nhu cầu thấp càng nhiều thì nhu cầu cao sẽ bị mất chỗ. Đó là hai điều quí vị phải nhớ khi khép lại chương này. Xin chào quí vị, hẹn lại tuần sau.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app