Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 – Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên – Phẩm Đồ Ăn (āhāravagga)

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Phẩm Đồ Ăn (Āhāravagga)

MOLIYA PHAGGUNA (tt)

‘Viraga’: ‘ly tham’; ‘raj’: ‘nhuộm’; ‘raga’: ‘ái nhiễm’, ‘tanha’: khát ái.

Viragadhamma, ‘viraga’ ở đây được giải thích bằng hai chữ đồng nghĩa là ‘virajjnaka’ (nhạt nhòa, mong manh, mau phai) và ‘palujjanaka’(biến dị, phân hủy, băng hoại). Vì vậy không phải lúc nào hễ thấy ‘viraga’ là dịch ‘ly tham’. ‘Raga’ là nhuộm màu, ‘virajjnaka’ là nhạt nhòa mau phai. Giả sử chúng ta phải làm thơ phải viết nhạc bằng tiếng Pāḷi thì chữ ‘virajjnaka’ chỉ cho cái gì nhạt nhòa mau phai, kiểu như “đá nát vàng phai”. Chữ này dùng trong Aṭṭhakathā, các ngài sợ chúng ta không thấm, không hiểu rõ nên cho thêm một chữ nữa là ‘palujjanaka’. Chữ này từ ngữ căn ‘Luj’ tạo ra hai chữ khác là ‘paloka’ (tàn phá, tiêu hủy) và ‘loka’ (thế gian, cuộc đời, cõi đời).

Hồi tối nhìn bản dịch của HT Minh Châu, tôi giựt mình, ngài nói ở đây từng chi, từng điều trong 12 Duyên khởi đều là những pháp ly tham. Ngài dịch “vayadhammaṃ virāgadhammaṃ”, là “các pháp ly tham” mà hồi xưa giờ mình không để ý. Chỗ đó không phải là ‘ly tham’. ‘Viraga’ là ly tham nhưng ở đây phải dịch là: nhạt nhòa, mau phai, vô thường, phân hủy, băng hoại, biến dị. Ví dụ, xác người, trái cây chín, để lâu quá sẽ xảy ra tình trạng viraga.

SA-MÔN, BÀ LA MÔN (Samaṇabrāhmaṇasutta)

Hôm nay học bài kinh Samaṇabrāhmaṇasutta (Sa-môn, Bà-la-môn). Hiểu được giáo lý Duyên khởi trong bài kinh hôm qua thì hôm nay mới học tiếp bài kinh này được. Nội dung kinh này Đức Phật xác định không ai có thể trở thành thánh nhân giải thoát sinh tử mà lại không hiểu được nguyên lý Duyên khởi. Cho dù đó là vị cư sĩ ít học, không biết nhiều về giáo lý, nhưng một khi vị đó chứng quả A-la-hán thì bắt buộc vị đó phải hiểu một cách đại khái nhưng chính xác. Cái hiểu đó phải đi ra từ sự thân chứng, thể nghiệm, thấm thía tiêu hóa, của bản thân, cái hiểu biết đó tuyệt đối không thể nào 100% dựa vào những gì nghe, đọc được từ người khác, bởi vì đặc điểm của thánh trí là sandithiko (tự mình). Trí văn là những gì mình biết được từ nghe, thấy, đọc ở đâu đó; trí là sự thấm thía, tiêu hóa, suy nghĩ, trầm tư của chính mình; nhưng riêng trí tu thì không, không thể hiểu như trí văn và trí  được. Trí văn chỉ là photo, chụp hình, hay là bỏ vào miệng. Trí tư giống như thức ăn vừa nuốt vào bụng chờ tiêu hóa. Trí tu là giai đoạn mà các dưỡng tố đã đi vào máu xương. Cái biết từ hai trí văn, tư có thể được tái hiện mọi lúc, riêng trí tu chỉ ở thánh nhân mới được vậy, còn ở phàm phu thì đủ duyên mới có, và thoáng qua rồi mất. Trong một ngày, một tháng, một năm chưa chắc xuất hiện một lần, phải đủ duyên Ba-la-mật đời trước cộng với sự nỗ lực của hiện tại; có đó rồi mất tiêu. Có những lúc thấm thía một cách lạ lùng, lúc đó người ta nói là mát lạnh, nổi da gà, lạnh xương sống gì đó, qua rồi là thôi. Hành giả sẽ chợt nhận ra rằng, thì ra ngay trong cái cảm giác này đây là nhân sinh tử, quả sinh tử, 12 Duyên khởi, Bốn Đế nằm ngay đó. Sau đó có nhớ lại thì nhớ bằng trí tư, hồi ức, chớ không thấm thía như ngay chính lúc đó nữa. Trạng thái đó có nhiều cấp, cấp thấp thì thoáng qua rồi mất, cao hơn nữa thì trở thành thứ thiền tuệ gì đó (sanh diệt tuệ, tuệ sợ hãi, tuệ chán nản, tuệ lãnh đạm..), cái thoáng qua này có thể kéo dài vài giây hay một hai phút.

Đức Phật xác định không từng có và cũng sẽ không bao giờ có một vị Sa-môn, Bà-la-môn, một cá nhân nào đó có thể trở thành thánh nhân, giải thoát sinh tử, đoạn trừ phiền não mà hoàn toàn mù tịt không biết gì về 12 Duyên khởi; bởi vì dòng sinh tử như một khu rừng muốn ra khỏi khu rừng thì ít ra phải biết những khái niệm, mặt mũi khu rừng đó như thế nào. Phải biết rõ, rõ ở mức độ nào thì tùy Ba-la-mật của cá nhân đó. Bên Bắc Tông thì nói Thanh văn do hiểu được Bốn Đế thì thành thánh; Duyên Giác, Độc Giác, Bich Chi Phật thành thánh nhờ hiểu được 12 Duyên khởi. Phật tử Bắc Tông không được học kỹ Tứ Đế, 12 Duyên khởi là gì. Tôi cũng hoang mang không biết định nghĩa của tôi về vô minh trong Tứ Đế bữa nay trong room mình còn nhớ không. Ngày lễ lạt dâng y thấy bà con rộn rịp tôi nhớ một câu danh ngôn: “Mỗi ngày trên thế giới này, tiền bạc, mồ hôi, thời gian người ta đổ ra cho chuyện cấp thiết ít hơn chuyện người ta thích.” Đi chùa, làm phước, phục vụ, nghe pháp thì tốt nhưng chuyện học đạo là chuyện quan trọng nhất. Phật tử tập trung đi chùa lễ lạy cầu nguyện thì hơi nhiều, thích thì làm, không nghĩ chuyện xa xôi. Bao nhiêu năm đi chùa mà giáo lý không chịu học, cứ làm phước thôi, rồi lúc nào đó sốc cái gì đó rồi bỏ đạo. Khi hình ảnh Đức Phật chưa đi vào óc của mình thì mình rất dễ lìa bỏ Ngài. Chuyện nam nữ ngoài đời, dễ yêu nhau, dễ cưới nhau thì dễ bỏ nhau, còn hiểu nhau mức độ nào đó mới cưới nhau, hiểu quá rõ thì mới không dễ dàng thất vọng về nhau; kiểu tình một đêm, sống vội, bỏ nhau rất dễ vì chẳng hiểu gì về đối phương hết. Một con người dầu đẹp, duyên dáng cách mấy, chỉ cần nằm liệt giường ba tháng thì hôi hám, gầy ốm, xanh xao, thử hỏi còn thương nhau được nữa không? Phải thương mà đến lúc người đó ra sao mình cũng thương thì mới gọi là tình yêu. Tôn giáo cũng vậy, đối với Tam Bảo, mình phải học hỏi giáo lý, lỡ mai này mình có bị sốc vì cá nhân tăng ni, Phật tử nào đó mình cũng không bỏ đạo vì mình hiểu đạo quá rồi. Có người sau khi ngài Hộ Tông, ngài Giới Nghiêm tịch, họ không đi chùa thường nữa vì đối với họ chỉ có sư phụ thôi, sư phụ đi rồi họ không tha thiết với đạo nữa, họ ở nhà tu tại gia, nhưng đó là hình thức dễ duôi. Dầu có là Sa-môn, Bà-la-môn gì đi nữa nhưng không thể nào dốt đặc 12 Duyên khởi mà trở thành thánh.

Bài kinh tiếp theo cũng y hệt, Đức Phật dạy, không thể nào có người tự nhận, hoặc được gọi là thánh nhân mà mù tịt giáo lý Duyên khởi. Giáo lý Duyên khởi phải được hiểu theo cách đồng bộ, không phải hiểu theo hình thức chiều dọc từng cái rời rạc. Khi mình nhìn cái gì đó, cái nhìn đó đã là lục nhập, 6 xứ, nhãn nhĩ tỷ thiệt… Khi mình nhìn cái gì đó mình thích thì ngay trong cái nhìn đó có nhãn xứ và nhãn xúc; ngay lúc này có nhãn thọ. Nhìn mà thích nữa thì biết ngay là ái, ái nặng là thủ, dù ái hay thủ thì ngay lúc đó nó đã âm thầm là nghiệp hữu. Ái đó là hữu mà ái đó cũng là hành. Khi nhìn cái gì đó mà mình thích thì biết con mắt mình thấy đó là quả quá khứ, quả luân hồi. Nhưng ngay cái thích đó là nhân luân hồi. Ngay trong cái nhìn đó đã có quả luân hồi, có nhân luân hồi và có phiền não luân hồi trong đó. Ngay trong lúc này mình biết tâm nhãn thức chỉ xuất hiện nháy mắt rồi biến mất nhường chỗ cho những tâm khác, đó chính là sanhlão và tử.

“Khandesu jayamanesu jiyamanesu miyamanesu” (ngay trong lúc các uẩn sanh, lão, tử ) “ca khane khane tvam bhikkhu jayase ca jiyase ca miyase ca” (thì này tỳ kheo, chính ngươi cũng đang sinh, lão, tử trong từng phút). (Trích Paramatthajotika).

Này tỳ kheo, ngay trong từng phút các uẩn sanh, lão, tử, bản thân ngươi cũng đang sanh, lão, tửchớ không phải đợi tóc bạc lưng còng, má hóp da nhăn mới gọi là lão. Không đợi đến lúc xuôi tay lạnh ngắt cứng đơ, mất thở, vô quan tài mới gọi là chết. Lúc đó mới là già chết thì quá muộn rồi. Trong từng phút, tâm lý và sinh lý của mình biến diệt là lúc đó mình đang già đang chết. Những tế bào chết của mình liên tục và liên tục được thay thế bởi cái mới. 70% bụi trong căn phòng mình ở là da khô của mình. Tâm lý cũng vậy, trong Tương Ưng có câu Đức Phật dạy, tôi rất thích: Này các tỳ kheo, giả sử như có người chấp rằng cái thân này là trường cửu thì đó là sự vô minh, nhưng sự vô minh này còn có thể dễ hiểu, có thể cảm thông. Thật vô lý khi ai đó cho rằng tâm này là trường cửu, vì ta không thấy một cái gì mà biến diệt vô thường nhanh hơn tâm. Vì sao, dù có vô thường thì mình cũng thấy một chút gì dáng nét cũ, một đứa bé từ 5 tuổi đến 8 tuổi thì mình không thể hiểu lầm, nó là nó. Nhưng cái tâm thì không, cái tâm lúc buồn, lúc vui, hoàn toàn khác nhau, lúc thiện, lúc ác, hoàn toàn khác nhau; lúc thấy hình ảnh, lúc nghe âm thanh tiếng động, hai tâm này hoàn toàn khác nhau, tâm sinh diệt nhanh lẹ vô cùng. Cả danh và sắc đều như những tia chớp trên bầu trời lúc sắp mưa, vì liên tục tiếp nối nhau nên người ta không thấy. Trong kinh nói, muốn trở thành thánh nhân phải thấy được Tam tướng (khổ, vô thường, vô ngã).

‘Santati’: Sự tiếp nối liên tục của danh sắc che khuất khía cạnh vô thường. ‘Iriyapatha’: sự thay đổi oai nghi, tức tư thế sinh hoạt, che khuất khía cạnh khổ. Mấy cái này bà con học bỏ túi mai mốt đi tu thiền. Mấy hôm nay có một Phật tử ở đây, học đạo cũng khá giỏi, cổ lăng xăng không biết cái gì chánh, phụ, nặng, nhẹ. Cũng uổng! Cổ nói học đạo bên Nam Tông phải nhớ chi pháp, học A-tỳ-đàm phải nhớ 37, 18, 42, 71, đạo bên Hòa Hảo chỉ ngồi yên nghe lục bát, sấm giảng. Rồi cổ mê cô bé Như Ý một thời gian, cứ tâm đắc ai là gọi phone khoe với tôi; rồi ít bữa chuyển qua mê thầy Phước Tiến trong nước, ăn rồi kêu phone giảng lại tôi nghe mấy điều ông thầy đó nói; rồi ít bữa cổ chuyển qua thầy Tịnh Không; giờ chuyển qua sư Nam Tông nào đó bên Mỹ. Tại sao tôi lạc đề? Vì chuyện của cô này coi chừng cũng chính là chuyện của quí vị đó. Cứ lăng xăng, trong khi cái chuyện căn bản nhất là biết rõ mình là cái gì tạo nên, đang ra làm sao. Với căn bản này, dầu có thầy hay không có thầy mình vẫn có thể tu học được và với căn bản này mình mới có thể chịu được cám dỗ hay thử thách của đời sống trước mắt. Tất cả những cảm giác đau đớn mà quí vị chịu đựng trong lúc ngồi thiền chẳng là cái gì so với nỗi khổ niềm đau lúc nằm liệt giường một hai tháng, không có ai thăm viếng, tắm rửa, giúp trở mình giùm. Chưa kể cái chết là một cuộc đảo chánh ghê gớm, sụp đổ triệt để thì mình mới chết được. Toàn bộ các bộ phận đình công thì mới chết. Có người thì là cách mạng nhung, êm êm, từ từ đóng cửa. Có người sắp chết thì leo lét nghe mệt, tắm rửa sạch sẽ thay đồ nằm thiêm thiếp rồi lạnh tay, lạnh chân, hơi thở yếu dần rồi đi luôn, đó là cái chết đẹp nhất. Chết thường trải qua giai đoạn hôn mê sâu khi cơn đau lên đỉnh điểm, hoặc bộ phận nào trong cơ thể đến lúc không còn sử dụng được nữa, còn không thì thông thường đau kinh hoàng lắm. Có một vị sư ở Mỹ, bị ung thư gan, lần gặp cuối cùng trước khi sư mất hai tuần, cứ ăn cơm thì sư buông đũa nhíu mày một chút. Tôi hỏi, có đau lắm không sư. Sư trả lời râm râm, nhưng tôi thấy sư cứ lấy khăn thấm mồ hôi trán mãi. Có người là sự bàn giao êm thấm, trong biển người chỉ có một hai người được vậy, thường thì là đảo chánh.

KACCANAGOTTA (Kaccānagottasutta)

Đây là bài kinh rất hay, nếu có đạo tràng tự viện nào đó tôi mong mỗi người mỗi ngày tụng kinh này thay vì ê a lễ bái Tam Bảo, cầu nguyện chư thiên phù hộ tấn tài tấn lộc, nhan sắc, tuổi thọ…

Ngài Kaccānagotta hỏi Đức Phật chánh kiến là gì. Đức Phật trả lời người đời, chúng sinh phàm phu nói chung, bị kẹt trong hai biên kiến. ‘Biên’ là cạnh, bìa. Là tà vì cực đoan, nghĩ một chiều, có người coi nặng cái có, người coi nặng cái không. ‘Cái có’ là tôi có cái này, tôi có cái kia, tôi có nhà cửa, tôi có nhan sắc, tôi có phước, tôi sẽ về trời, tôi thích cái gì cái đó có, nói chung là lấy bản thân mình làm gốc để quyết định chuyện có mặt cái này cái kia. Có người cho rằng chết rồi là hết, tất cả chỉ là mù sương. ‘Cái không’ là không có chuyện vị nào đắc chứng thánh trí, không có chuyện thiên đường địa ngục, nghiệp báo Niết bàn gì hết, đối với họ chết là hết, có mặt một lần trên đời rồi thôi, biến mất là hết.

Tôi đã nói nhiều lần, hạnh phúc hay đau khổ ở đời chỉ đến từ việc ta có hay không có thứ gì đó mà thôi. Ví dụ, tôi lạnh, tôi không có gì để mặc, vậy rõ ràng cái lạnh đó là cái khổ, cái khổ đến từ chuyện tôi không có cái áo ấm, tôi đói không có gì ăn, tôi khổ. Tôi nhớ nhung người nào đó, không được gặp tôi khổ, tôi khổ vì người kia không có mặt ở đây. Hạnh phúc cũng vậy, tôi ngồi lên xe Lexus tôi hạnh phúc vì có chiếc xe êm quá. Có những trường hợp không có, ta được hạnh phúc hơn; có những trường hợp nếu có thì ta hạnh phúc hơn. Nói như vậy thì toàn bộ thế giới này, chữ ‘có’ và ‘không có’ có hai nghĩa: một là chấp, hai là chấp có hoặc chấp không, thực tế có hoặc thực tế không.

“Này Kaccàyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới tập khởi, vị ấy không chấp nhận thế giới là không có. Này Kaccàyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới đoạn diệt, vị ấy không chấp nhận thế giới là có.”.

Nghĩa là thấy được vạn pháp do duyên mà có thì ta sẽ không mắc vào đoạn kiến; thấy được cái gì đã có thì phải vô thường, khổ, ta sẽ không mắc vào thường kiến.

Đoạn kiến là cho rằng chết rồi là hết, nhưng mình phải hiểu được vạn pháp do duyên mà có, nếu đủ duyên thì lại tiếp tục có mặt trong hình thức khác, điều kiện khác, hoàn cảnh khác, môi trường khác, nội dung khác… Nên nhớ không hề có một cái gì dù danh hay sắc lại có thể tồn tại quá một sát-na. Danh và sắc sinh diệt trong từng sát-na, cái sau tiếp nối cái trước tạo thành một dòng chảy nhìn qua tưởng là cái gì đó thuần nhất.

Trí tuệ vô thường của mình bị che đậy vì sự tiếp nối liên tục của danh sắc. ‘Santatisañña’ nghĩa là khái niệm về sự liên tục che đậy khía cạnh vô thường. Sự thay đổi oai nghi (Iriyapatha)che đậy khía cạnh khổ não. Thấy khó chịu là mình kiếm cái gì đó thế vô, ngồi mỏi lưng quá thì đứng dậy đi, mới vừa chớm khổ là đã thay đổi oai nghi rồi. Bao tử nghe báo hiệu kiến bò bụng là kiếm gì ăn rồi, nên không thấy đói nữa, cứ như vậy thì sự thay đổi tư thế che mất đi khía cạnh khổ lẽ ra mình đã thấy.

‘Ghanasañña’: ý niệm về sự thuần nhất che đậy khía vô ngã (Ghana: massive, pure, solid, nguyên khối, thuần nhất). Trên đời này không hề có cái gì là nguyên khối. Chiếc nhẫn vàng cũng là một sự cộng ghép của vô số thành tố vật chất nguyên tử trong đó, và có sự chuyển động liên tục trong chiếc nhẫn vàng đó chớ không phải là mọi thứ đứng yên. Bàn tủ, giường ghế, nhà cửa đất đá… tất cả đều là sự lắp ráp, không có gì nguyên khối thuần nhất, là sự ghép nối của vô số thành tố. Chính vì mình nghĩ nguyên khối nên mới có ý nghĩ ‘tôi’, ‘ta’, ‘ông này’, ‘bà nọ’, còn thấy như vậy là chưa thấy được lý vô ngã.

Mọi thứ chỉ là sự ráp nối, lắp ghép, và đều do duyên mà có, đã có rồi lại vô thường, theo định luật Tam tướng của muôn đời, không nằm dưới sự điều khiển của bất cứ thế lực nào, đó gọi là vô ngã.

Nội dung bài kinh này là: Không chìm sâu trong ý niệm có hay không, mà phải hiểu rằng cuộc luân hồi của chúng sinh chỉ là dòng chảy của 12 Duyên khởi.

Rất nhiều lần, đặc biệt là ban đêm, tôi nghiệm ra nhiều chuyện thấm thía. Giáo lý hay như vậy mà sao người ta không dành thời giờ ra để học. Tình cờ tôi mở chú giải ra đọc một chữ mà tôi hết hồn: ‘ratana’: châu báu, ‘tiratana’: Tam Bảo. Ngày xưa đến giờ nhiều người cứ mở miệng ra là nói Tam bảo, nói như két vậy, là Phật, Pháp, Tăng mà không hiểu tại sao Tam bảo được xem là châu báu. Thứ nhất, để thành Phật rất khó, bởi vì để thành Phật chúng ta phải có đủ yếu tố tâm lý vốn đi ngược lại với bản chất phàm phu. Thắng trận ngoài chiến trường dễ hơn là tự thắng. Để thành Phật là phải sống ngược lại bản chất phàm phu của mình và có đủ thành tố tâm lý ngược bản chất phàm phu của mình. Trong thời gian rất dài, vị đó phải có khả năng kham nhẫn hơn người, dầu chết lòng vẫn không giận; có từ tâm hơn người, dầu chết vẫn tiếp tục thương đời; có tâm ly dục hơn người, dầu đối diện với cám dỗ ghê gớm đi nữa vẫn nhàm chán sinh tử; lòng hào sảng hơn người, dầu có bỏ mạng bố thí cho người vẫn không tiếc; liêm sỉ hơn người, dầu chết cũng không phá giới, suốt một thời gian nhiều a-tăng-kỳ hội đủ yếu tố tâm lý như vậy đó. Một lần chư Phật ra đời, có vô số người nhìn thấy các ngài là cũng sơ phát bồ đề tâm nguyện thành Phật, nhưng trong vô số người phát nguyện chỉ một hai người thành Phật mà thôi. Vì vậy trong kinh nói có nhiều tỉ đại kiếp không có Phật ra đời. Khi không có Phật ra đời thì những vấn đề giáo lý này ai nói cho mình biết đây. Đêm cuối cùng Ngài viên tịch, chư thiên vô lượng vũ trụ kéo về chỉ để lắng nghe con người ấy một lần cuối cùng vì không biết bao giờ mới có duyên gặp, một con người ai Ngài cũng thương, cái gì Ngài cũng biết, đức lành nào cũng có. Bao nhiêu vấn đề của riêng mình không thể giải quyết được nhưng đã gặp được Đức Phật rồi thì chuyện gì cũng phải được giải quyết, vậy mà bây giờ con người đó đang sắp sửa ra đi. Thành Phật đã khó, vì khó nên hiếm, đã vậy sự ra đời của Phật giúp ích cho vô lượng chúng sinh.

Cái quý thứ hai là chánh pháp. Chánh pháp là những nguyên tắc có sẵn muôn đời trong vũ trụ, được gọi là quí vì Pháp ám chỉ cho những gì được Đức Phật khơi mở, trình bày, thuyết giảng. Không có chư Phật thì không có sự khơi mở trình bày đó. Vì vậy từng câu kinh từng lời pháp là sự hiếm hoi ở đời, chỉ có chư Phật ra đời mới có từng câu kinh từng lời pháp đó.

Thứ ba là Tăng. Tăng ám chỉ cho thánh nhân, không phải cho phàm tăng. Dầu cho đó là cư sĩ nam hay nữ, xuất gia thì dầu tăng hay ni, miễn là Sơ quả trở lên thì được gọi là Tăng bảo. Vị đệ tử chư Phật chỉ có mặt khi chư Phật ra đời, và chính các ngài có khả năng hoằng truyền chánh pháp khi chư Phật không còn nữa, hoặc khi Đức Phật còn tại thế, Ngài ở điểm A, điểm B gì đó thì điểm D, điểm E là vị trí của chư tăng.

Thứ tư là Tam bảo hiếm khi xuất hiện ở đời trong khi đó người có duyên đến với Tam bảo không nhiều, và cách đến của mỗi người cũng khác nhau (về tín, tấn, niệm, định, tuệ, ái, mạn, kiến). Có người được tiếng là cư sĩ, thậm chí được tiếng là tăng ni, nhưng tín của họ có phải là chánh tín hay không, mình học được bao nhiêu thì cái biết cái tin của mình tùy thuộc vào cái học đó. Trí vănảnh hưởng trí  trí tu ghê gớm lắm. Nhiều người trí văn rất giỏi, nhưng trí  rất nghèo. Có người học tủ như con vẹt, sự thấm thía không có. Sự thấm thía không có thì đức tin có vấn đề. Đức tin có vấn đề thì sự tinh tấn nỗ lực của mình cũng có vấn đề theo. Có người đến với đạo là tín, tấn, niệm, định, tuệ làm chủ đạo, nhưng có người đến với đạo là ái, mạn, kiến. Coi kỹ đi, có cái gan nhìn cái này hay không! Ái là sao, là vô chùa học đạo vì mến thầy. ‘Tôi chỉ học đạo với ông thầy này thôi, thầy khác tôi không nghe đâu’, đó là ái. Còn mạn, chỉ có ông thầy đó là số một, chỉ có tôi là số một, không có thiện nam tín nữ nào đi chùa được như tôi…; còn Kiến thì giáo lý không chịu học, có trí văn mà quên có trí , có trí  mà quên có trí tu, tha hồ mà tà kiến, nghĩ tùm lum tà la. Chưa đắc Niết bàn, không biết Niết bàn là gì thì cứ nghĩ đơn giản khổ là do tham sân si, hết tham sân si, thì hết luân hồi, hết khổ. Đằng này thì vẽ rắn thêm chân, vẽ Niết bàn là vuông tròn dài ngắn…, đó cũng là tà kiến. Tà kiến rình rập mình trong từng bước đi. Miệng nói vô thường mà cứ mong xài đồ bền chắc, đồ tốt, rất có thể tà kiến núp trong đó mà không biết. Còn biện bạch “dù là Tu-đà-hoàn cũng thích xài đồ bền vậy, nói gì là tôi” là có cái thường kiến trong đó, không bao giờ chịu nhớ rằng mọi thứ xảy ra trong từng sát-na.

Ngoài sự hiếm hoi của Tam Bảo, việc người đến với Tam Bảo đúng cách cũng hiếm hoi không kém. Học hay tu là để buông, không để nắm. Còn thấy mình hay, giỏi, thì có nghĩa là mình đang rất tệ, đó là một sự thật. Tiếp theo là bài kinh Vị thuyết pháp.

VỊ THUYẾT PHÁP (Dhammakathikasutta)

Dhammakathica: Pháp sư.

“3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn: “Thuyết pháp, thuyết pháp”, bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến.” Trong bản in tiếng Việt ở đây còn thiếu một câu. Trong kinh Pāḷi còn một đoạn sau nữa: “Bạch Thế Tôn con được nghe hai chữ “Thuyết Pháp, Thuyết Pháp” nhưng thế nào là thuyết pháp trong định nghĩa của Thế Tôn.”

Trong bản Pāḷi: “dhammakathiko dhammakathiko’ti, bhante, vuccati”. Người ta cứ nói là pháp sư, pháp sư. “Kittāvatā nu kho, bhante, dhammakathiko hotī”. Nhưng Bạch Thế Tôn, pháp sư là như thế nào ạ?

Đức Phật dạy, người thuyết pháp phải là người trình bày được giáo lý Duyên khởi dù nói về đề tài nào đi nữa. Ví dụ nói về thiện, mình cũng khuyên người ta bố thí, nghe pháp, phục vụ, nhưng cũng không quên nhắc cho họ biết rằng việc thiện cũng là nhân sanh tử, có điều là sanh tử ở cõi sướng. Phải nhớ rằng làm lành làm thiện cầu quả giải thoát, khi đủ duyên Ba-la-mật thì chứng trong khi chờ đợi thì mình sung sướng dễ chịu hơn người không làm thiện, nhưng phải nhớ làm thiện chỉ là tấm vé đi vào cõi vui cõi lành, hết tuổi thọ thì cũng bất định, cuộc trầm luân đầy bất trắc. Khi nói về cái ác thì cũng nói đừng làm cái này đừng làm cái kia, bởi đây là con đường sinh tử, và lại tiếp tục nói về con đường sinh tử. Phải có khả năng trình bày giáo lý Duyên khởi thì mới được gọi là pháp sư. Chữ Pháp sư theo định nghĩa rốt ráo của Đức Phật phải là người có khả năng trình bày giáo lý Duyên khởi ở mọi không gian, ở mọi thời gian. Nói cái gì cũng phải nhắc chừng cho người ta nhớ: đây là ác, đây là bất thiện, đây là con đường đi xuống; đây là thiện nên làm, nhưng đừng quên thiện chỉ đưa mình lên cõi vui, nếu nó không phải là duyên vô lậu mai này thì nó chỉ là tấm vé đi lên nóc nhà đang cháy thôi.

Trong bộ Atthasālinī, chú giải bộ A-tỳ-đàm đầu tiên ghi rằng một Pháp sư đúng nghĩa không thể không biết A-tỳ-đàm tối thiểu ở mức căn bản. Căn bản nghĩa là biết rõ 12 hạng người, 31 cõi, tiến trình sinh diệt của danh sắc, mỗi tâm có bao nhiêu tâm sở, mỗi tâm sở đi được với bao nhiêu tâm, nghiệp nào dẫn sanh cõi nào, mỗi cõi có thể có bao nhiêu hạng chúng sinh.

Trong Luật tạng thì quy định rằng muốn làm thầy tế độ cho ai xuất gia thì tối thiểu phải biết khái niệm về 4 pháp Chân đế (Paramattha) Tâm, Tâm sở, Sắc pháp và Niết bàn.

Tôi tuyệt đối đồng ý bài kinh này, giảng gì thì giảng phải nhắc cho Phật tử nhớ ba chuyện: 1.Anh chị hoàn toàn chịu trách nhiệm với những gì anh chị đang nói đang làm đang suy nghĩ. 2.Anh chị làm ơn nhớ giùm cái gì cũng do duyên mà có và đã có rồi thì nó phải vô thường. 3.Anh chị phải nhớ rằng hễ anh chị còn là phàm thì mỗi nỗ lực của anh chị dù là thiện hay ác đều là con đường sinh tử hết. Hồi nãy tôi có nhắc chuyện một cô Phật tử ở đây, mình có mong mỏi một vị Pháp sư như vậy thì “có cầu mới có cung” chứ. Nếu có vị nào trình bày cho mình nghe giáo lý Duyên khởi thì bản thân mình cũng phải có nhu cầu nghe chứ; như cô Phật tử này, đi chùa mấy chục năm, tóc bạc trắng mà bây giờ cũng không biết học đạo là học cái gì. Hôm qua tôi có nói cô nên dành thời giờ coi thêm kinh sách, đọc thêm sách về thiền quán, hay A-tỳ-đàm. Cô nói giờ cô theo một sư phụ bên Mỹ hay Canada gì đó với một pháp môn ‘tu tắt’, tu tắt là không cần nhớ giáo lý gì hết, chỉ cần treo ảnh thầy, mở youtube ra nghe là xong, nhìn là có tín tâm rồi.

Người nghe pháp cỡ nào thì thích hợp với Pháp sư cỡ đó và Pháp sư cỡ nào thì thích hợp với thính giả cỡ đó. Tôi chưa bao giờ dám nhận mình là Pháp sư hay giảng sư, tôi chỉ vào đây chia sẻ mấy bài kinh, nhưng dù sao cũng có người nói và người nghe. Tôi chẳng biết quí vị là cỡ nào, nên tôi chỉ sống trong mộng ảo mà thôi. Người ta thuyết pháp thấy mặt, còn tôi không thấy, tôi tưởng tượng mà thôi, là may ra quí vị hiểu. Cứ nhớ một điều quan trọng trong bài kinh này: Vị Pháp sư phải có khả năng trình bày giáo lý Duyên khởi cho người khác dầu là mình đang nói đề tài gì, và hôm nay nếu bà con vào xem Kinh Bổn Sanh (Jataka) sẽ thấy một điều, sau mỗi câu chuyện thì Đức Thế Tôn kết thúc bằng một pháp thoại về 4 sự thật (Tứ Đế). Tức là khi kể xong Đức Thế Tôn sẽ nói: Các hành nay đã đi vào quá khứ, mọi chuyện mà ta vừa kể đã là dĩ vãng, đã là chuyện vô thường (đó là Ngài nói về Khổ đế). Tất cả mọi hiện hữu đều đi ra từ cái thích, ông vua trong câu chuyện thích cái này, cô thiếu nữ ghét cái kia, thích cái nọ, đó là Tập đế, dòng sinh tử này chỉ kết thúc khi nào Khổ và Tập không còn nữa, đó chính là Diệt đế, và để đạt đến Diệt đế thì chỉ có một con đường duy nhất, đó là sống theo tinh thần của Bát Chánh Đạo, đó là Đạo đế. Cứ như vậy, sau mỗi câu chuyện Thế Tôn lại kết thúc bằng một pháp thoại về Bốn Đế. Ở đây cũng vậy, vị Pháp sư đúng nghĩa phải là người có khả năng trình bày về 12 Duyên khởi mọi nơi mọi lúc khi người ta cần.

TU SĨ LÕA THỂ ACELAKA (Acelakassapasutta)

Bên Ấn Độ giờ vẫn còn tu sĩ lõa thể (Acelaka). Họ chủ trương giảm thiểu tất cả nhu cầu vật chất. Nhìn họ ăn mà mình lạnh xương sống, họ lấy bàn tay bụm lại, những người tu tà tà thì sữa tươi còn lấy chén đựng, còn những người tu ghê gớm thì không mặc gì mà còn không tô chén gì, sữa tươi người ta cho rót vào vốc tay khép ngón lại, còn bao nhiêu uống bao nhiêu, cơm cà ri cũng bụm trong tay, bụm cũng không được nhiều, mỏi tay cũng ăn không được lâu. Đạo này không phải chánh pháp nhưng phải nhìn nhận chơn tu là đó. Những đạo sướng quá đôi khi người ta mượn đạo tạo đời giá áo túi cơm. Trong kinh, khi Đức Phật nói về giáo phái Lõa Thể này, Đức Phật cũng dùng những từ ngữ rất đẹp, những lời có cánh. (Xem lại kinh Moliya Phagguna ở trên cũng trong phẩm này).

Vị tu sĩ lõa thể Kassapa đến hỏi Đức Phật, nỗi khổ, hạnh phúc, niềm đau của mình do ai tạo ra. Đức Phật nói không ai tạo ra, không phải do mình tạo mà cũng không phải do người khác tạo bởi vì không có mình cũng không có người khác, tất cả đều do duyên mà thành. Ngài giảng 12 Duyên khởi cho vị tu sĩ lõa thể Kassapa. Không có người nào đau khổ, chỉ có sự đau khổ, chỉ có hành động chớ không có người hành động, chỉ có sự viên tịch chớ không có ai viên tịch, chỉ có con đường đi, sự đi chớ không có ai đi (dukkhameva hi na koci dukkhito, kiriyava atthi karako na vijjati, atthi nibbuti na nibbuto, maggamatthi gamako na vijjati).

Hành giả Vipassanā tu rốt ráo sẽ thấy chỉ có khổ tồn tại, không còn thứ gì khác ngoài ra. Người học A-tỳ-đàm thì sẽ thấy mọi thứ đều có Khổ đế hết. Lúc đầu còn thấy tôi đi, giở bước, đạp, nhai, nuốt. Từ từ sáu tháng, tám tháng, một hai năm, hành giả chỉ thấy khổ đang sanh, khổ đang diệt. Muốn đi thì biết đây là Tập đế, đang ngồi thấy thoải mái quá thì biết đây là lạc, lạc cũng là Khổ. Khổ khổ là sự có mặt của những gì khiến thân tâm ta khó chịu. Hoại khổ là sự vắng mặt của những gì khiến thân tâm ta dễ chịu. Hành khổ là mọi sự hiện hữu do duyên mà có, đã có rồi phải nằm trong Tam tướng. Tính lệ thuộc và phù du chính là hành khổ. Muốn có khúc bánh mì cầm trên tay ăn không đơn giản như mình nghĩ, không phải có tiền là có ổ bánh mì. Răng mình bữa đó không có vấn đề, gia đạo trong nhà cũng bình yên, không gây gổ đâm chém, bản thân mình cũng phải ok, tâm trạng của mình cũng phải ok, không nổi cơn ghen hay giận hờn mới thưởng thức được ổ bánh mì, sức khỏe cũng phải tốt. Chỉ riêng chuyện nhỏ xíu là nhai bánh mì mà lệ thuộc một tỷ yếu tố. Chưa tính đến là trời đất không có thiên tai, núi lửa, lụt lội. Phải có bối cảnh thích ứng thích hợp mình mới có thể giải quyết ổ bánh mì. Chuyện đưa tay vén tóc, hay gãi cũng cần một tỷ nhân duyên. Cái tay mà kẹt thì làm sao vén tóc. Có chuyện này lạ, bình thường mình không ngứa mà khi hai tay mình đang bận, hoặc dơ thì lại ngứa. Sáng hôm qua tôi trộn đất trồng cây ớt lúc hai tay dơ thì lại ngứa, lúc rảnh tay thì không. Chỗ nào bị vết thương thì cứ va vấp đụng ngay chỗ đó miết. Những gì tôi nói nãy giờ là minh họa cho cái bản chất lệ thuộc của đời sống, một nụ cười hay giọt nước mắt cũng lệ thuộc vô số nhân duyên, đó là sự tiếp nối của các duyên làm nên đời sống này. 

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app