Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 3: Tương Ưng Kosala – Phẩm Thứ Hai

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 2: Tương Ưng Kosala

Phẩm Thứ Hai

CHIẾN TRANH (Paṭhamasaṅgāmasutta)

Chúng ta biết rằng vua Bình Sa Vương (Bimbisara) là cha của vua A-Xà-Thế (Ajātasattu). Vua A-Xà-Thế có quan hệ với vua Ba-Tư-Nặc. Hoàng hậu Videhi (mẹ của vua A-Xà-Thế) là con gái của vua Maha Kosala. Vua Maha Kosala là cha của vua Ba-Tư-Nặc. Tóm lại bà này là em gái của vua Ba-Tư-Nặc, và A-Xà-Thế gọi vua Ba-Tư-Nặc là cậu ruột. Trong ngày đi lấy chồng, bà Videhi được vua cha ban cho ngôi làng Kāsigāma xem như của hồi môn, một chút tài chính để lo vấn đề hương liệu. Đây là ngôi làng rất lớn, trù phú giàu có. Người Ấn Độ, họ nghèo nhưng sẵn sàng chi một phần không nhỏ trong thu nhập để mua hoa tươi, hương liệu, bột thơm, bột tắm, nước hoa để bôi xức giao tiếp với nhau. Ví dụ tôi là người Ấn Độ, nếu tôi welcome các vị đến chỗ tôi thì tôi sẽ dùng nhiều hoa tươi, bột thơm để rắc rải lên người quí vị. Hôm nay người Ấn Độ xài dữ lắm huống chi ngày xưa giới thượng lưu Ấn Độ thì tiêu pha chi phí hương liệu nhiều biết bao nhiêu. Thu nhập của cái làng này mỗi năm lên cả trăm ngàn đồng tiền vàng.

Kena kāraṇena? Vì sao họ đánh nhau?

Mahākosalaraññā kira bimbisārassa dhītaraṃ dentena, trong ngày vua Mahākosala gả con, “dvinnaṃ rajjānaṃ antare satasahassuṭṭhāno kāsigāmo nāma dhītu dinno”, ông cũng đã đem ngôi làng Kāsigāma tặng cho đứa con.

satasahassuṭṭhāno”: thu nhập năm là cả trăm ngàn tiền vàng

“Ajātasattunā ca pitari mārite”sau khi vua A-Xà-Thế giết cha rồi, “mātāpissa rañño viyogasokena nacirasseva matā.” thời gian cách đó không bao lâu, bà mẹ của ông do buồn biệt ly xa cách đối với chồng nên bà cũng qua đời

“Tato rājā pasenadi kosalo”Lúc bấy giờ vua Ba-Tư-Nặc suy nghĩ thế này

“ajātasattunā mātāpitaro māritā,” bây giờ cha mẹ của A-Xà-Thế bị giết sạch hết rồi. “mayhaṃ pitu santako gāmo’’ti cái nào của cha mình thì mình lấy về.

Vua Ba-Tư-Nặc suy nghĩ, ngày xưa cha mình đem cho bà chị mình ngôi làng này để làm của hồi môn, mà giờ thằng cháu trời ơi của mình nó giết cha nó, má nó từ đó cũng chết luôn, giờ cái gì của cha mình thì mình lấy về. Riêng Vua A-Xà-Thế thì nghĩ rằng, cái đó là ông ngoại cho má mình, giờ cậu lấy lại là không được. Đó là lý do vì sao mà hai cậu cháu đánh nhau. Người cậu nghĩ đứa cháu vô đạo bất nghĩa giết cha giết mẹ, giờ cái gì của cha mình mình lấy về, chị mình chết rồi. Thế là hai bên đánh nhau.

Câu chuyện đến tai Đức Phật, Ngài không phải như chúng ta hôm nay là hiểu lầm đâu nghen. Chúng ta nghĩ rằng Đức Phật và chư tăng có một cái hoan hỉ, bận tâm về vấn đề chiến tranh, chính trị. Không phải, nhân dịp này Ngài có một nhận xét để nhắc nhở chư tăng tu hành thôi. Tại sao ở đây Đức Phật có lời tán thán vua Pasenadi? Nếu nói tới nơi tới chốn, Pasenadi là vị chính nhân quân tử, nhiều lần rất nhiều lần khi đánh nhau với cháu ruột của mình, thua thì thôi, hễ thắng thì bao giờ ông cũng tha. Hơn nữa ông là một vị Bồ tát Chánh Đẳng Giác, người sau này sẽ thành Phật, ông có lòng bi mẫn đối với người khác, kẹt thì phải ra tay thôi chớ không phải là người hiếu sát hiếu chiến. Đức Phật tán thán: Vua Pasendadi là người chánh nhân quân tử (‘kalyāṇasampavaṅko’: ‘người bạn tốt’). Vua A-Xà-Thế lúc này vẫn chưa là Phật tử, vẫn chưa là người tu hành. Về sau, sau khi giết cha không bao lâu, ông đi chùa nghe pháp và trở thành người Phật tử hộ pháp rất đắc lực, sau này A-Xà-Thế trở thành vị Phật Độc giác. Để trở thành một vị Phật Độc giác phải tu Ba-la-mật trong hai a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Ông Đề Bà Đạt Đa đã tu xong số chẵn (2 A-tăng-kỳ), còn sót lại 100 ngàn đại kiếp, vua A-Xà-Thế sau này cũng thành Phật Độc giác nhưng chỉ mới tu xong con số lẻ (100 ngàn), còn hai a-tăng-kỳ nữa. Độc Giác nghĩa là tự mình chứng ngộ không cần thầy nhưng cũng không thể làm thầy cho ai. Không làm thầy nghĩa là không có thể giúp ai đắc quả thánh nhân như mình nhưng có thể dạy người ta làm lành lánh dữ. Khả năng hiểu biết của vị Độc Giác nhiều hơn ngài Xá Lợi Phất nhưng có điều một phần là tâm nguyện, một phần là khả năng thấu suốt căn cơ chúng sinh không bằng vị Chánh Đẳng Giác, hơn nữa trong suốt thời gian tu hành Ba-la-mật vị này không gieo duyên với ai và không ai gieo duyên với ngài. Thanh Văn phải có thầy là Phật Toàn giác nhưng cũng có thể làm thầy cho người khác chứng ngộ như mình, Thanh Văn muốn làm thầy thì trước hết phải làm trò, trong một kiếp sống đó phải làm trò rồi mới làm thầy cho người ta (dùng kỹ thuật, kinh nghiệm của vị Chánh Đẳng Giác mà mình học được). Toàn Giác thì không cần thầy nhưng lại cũng có thể làm thầy cho người khác. Thuyết giảng chánh pháp có sẵn trong kinh thì quí vị tưởng dễ nhưng không có kinh điển thì chuyện trình bày Tứ diệu đế, 12 Duyên khởi, 12 Xứ, 18 Giới không phải là chuyện dễ. Các vị có nhớ chuyện ông Chistophe Columb đặt quả trứng gà cho đứng không?[1]Có người làm trước cho mình coi thì dễ, tự mình thì khó.

 

Nội dung bài kinh này Đức Phật dạy:“Thắng thêm nuôi dưỡng hận thù. Khổ đau kẻ bại nghìn thu nhớ hoài” (Đạo Trường Siêu Thanh – TK Giác Chánh). Nghĩa là khi mình thắng thì mình gieo thù oán, sợ hãi cho người ta, khi mình thua thì đau khổ thất vọng sanh ra oán thù. Chiều sâu của bài kinh này nằm ở chỗ, hễ còn có mặt trên đời này thì mình còn quẩn quanh trong vòng đối đãi, ở đâu có vui ở đó có khổ, ở đâu có thắng, ở đó có thua, hôm nay cá ăn kiến ngày mai kiến ăn cá. Không có một chiến thắng thế tục nào có thể lâu bền đời kiếp với mình. Quí vị đừng hiểu lầm tôi nói chính trị, không có một triều đại, chính phủ, hệ thống chính trị nào tồn tại ngàn năm hết. Thiên thu còn không có nói gì vạn tuế. Nhiều kiếp và nhiều kiếp Bồ tát thấy chỗ này ngài mới chán, dù là con người mình có là vị đại đế, cai trị một đất nước này đi nữa thì mình sống được bao lâu so với thành tựu chính trị của mình. Như bên Tàu có Lưu Bang, Tần Thủy Hoàng, Triệu Khuông Dẫn, Hốt Tất Liệt, Tôn Dật Tiên, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình …có ai đời đời kiếp kiếp đâu, rồi cũng xuống, xuống bằng cách bị lật đổ, bị giết, bị già chết. Bỏ công ra gầy dựng một đất nước, kể cả khi mình là vị minh quân đi nữa, khi chết rồi thì đất nước về tay người khác, người khác đây có thể là con của mình, bất tài như Lưu Thiện con của Lưu Bị. Chùa miểu cũng vậy, mình là vị trụ trì có tài, bỏ cả đời xây dựng cái chùa, lãng quên pháp học pháp hành, rồi chết giao lại cho đệ tử, mà đệ tử có xứng đáng không, không pháp học không pháp hành, không giới không thiền định gì hết…nghĩ tới cũng nản chớ. Cất cho to như chùa Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm, Bái Đính, rồi mình sống bao lâu, trong khi mình không để lại những thế hệ tăng tài, không để lại những công trình biên khảo nghiên cứu dịch thuật, mà cứ cong xương sống cống xương sườn lo xây chùa, rồi lăn đùng ra chết, kẻ kế thừa thì không ra sao, PG không nhờ cậy, chúng sanh không nhờ cậy còn mình thì mang tiếng. Ngày xưa VN có 3 chùa Kỳ Quang, nếu để lại 3 cuốn sách thì hôm nay mình hưởng nhờ chứ 3 cái chùa đó mình chẳng được hưởng cái gì hết. Nhiều người trách ông Phạm Công Thiện, chúng chửi ổng sống vô trách nhiệm lung tung, nhưng phải nói cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” của ổng ít ra để lại cho đời cái này cái kia. Nhiều người không quen biết ổng nhưng cũng được ‘ân triêm lợi lạc’ trong khi ba cái chùa Kỳ Quang đó hình như tác dụng hơi ít. Bài kinh này nói sự thắng thua thành bại ở đời là lẽ thường tình, quan trọng nhất là chiến thắng chính mình, còn sự chiến thắng bên ngoài chỉ là trò dâu bể, là tấn tuồng phù du ảo hóa, có đó mất đó, kẻ thắng thì gieo thù gieo oán, kẻ thua thì chuốc đau khổ sầu hận một đời. Cái quan trọng là trở về đời sống tâm linh, trở về suối nguồn vi diệu của chánh pháp, sống trong hào quang từ bi trí tuệ của Đức Phật chắc ăn hơn.

Quả báo luôn nhiều hơn nhân

Bài kinh số 2 cũng y như bài kinh số 1. Cũng hai bên đánh nhau, cuối cùng đến tai Đức Phật, Ngài cũng nói một câu y như vậy: “Vì nghĩ đến tư lợi, Nên mới cướp hại người, Khi người khác cướp hại, Bị hại, lại hại người”. Kiến ăn cá cá ăn kiến, hại qua hại lại như vậy.

“Người ngu nghĩ như vậy,

Khi ác chưa chín muồi,

Khi mình làm chuyện xấu mình khó ngờ được quả báo đắng như vậy, khi quả trổ mới biết mùi, hôm nay mình giết người ta, mai mốt bị người ta giết lại. Hôm nay mình thắng người ta mai mốt người ta thắng lại, hôm nay mình làm người ta khổ, mai mốt bị người ta làm khổ lại. Quả báo bao giờ cũng nhiều hơn nhân, ví dụ như ngài Angulimala, vị này trước khi đi tu đã giết người để lấy lóng tay làm chuỗi đeo, giết non ngàn người, sau đó đi tu đắc A-la-hán. Trong kinh nói vị này lúc mới xuất gia bị người ta hành hung bạc đãi dữ lắm vì bị người ta thù. Trong suốt thời gian đó, dù bị đánh chửi nhưng đặc biệt ngài không gặp khó khăn về khất thực. Tuy bị đánh chửi nhưng thực phẩm cúng dường thì rất đầy đủ dồi dào phong phú. Đức Phật cho chư tăng biết là do thời xưa vị này trong đời Phật Ca Diếp cũng là một vị tỳ kheo, mỗi ngày đi bát, ăn còn dư chút đỉnh, ngài đổ phần dư cho con gì ăn được thì ăn, chỉ vì chút lòng lành đó mà đời đời kiếp kiếp sanh ra không thiếu đồ ăn. Nhân nhỏ mà cho quả lớn là vậy. Từ sau đó, sanh ra kiếp nào vị này cũng phong phú đầy đủ thức ăn không thiếu. Có những nghiệp mình tưởng nhỏ nhưng cho quả lớn kinh khủng, ví dụ một vị tỳ kheo thời Đức Phật bị người ta tưởng lầm là trọng phạm của triều đình nên người ta bắt. Thời đó không có dấu tay, chỉ căn cứ thô sơ vật chứng nhân chứng, họ thấy mặt giống giống là họ bắt, họ dùng cực hình bằng cách lấy cây lao nhọn chọt từ dưới hậu môn lên trên đầu. Ngay lúc đó Đức Phật xuất hiện, Ngài thuyết giảng cho vị này, vị này dùng lời giảng đó mà hành trì Tứ Niệm Xứ và đắc quả A-la-hán niết-bàn ngay trên mũi giáo đó luôn. Chư tăng hỏi vị tỳ kheo chết đau đớn đó giờ đi đâu, Đức Phật nói là vị đó đã là vị A-la-hán trước khi mất. Chư tăng hỏi vì sao một vị A-la-hán tu hành thâm hậu mà chết thảm như vậy, Đức Phật dạy rằng thuở xưa trong một kiếp sống quá khứ, vị tỳ kheo từng có trò chơi nghịch ngợm lấy cái que chọt vào bụng con ruồi để chơi. Ngày xưa mình giết là con ruồi, giờ cái quả trổ gặp lúc mình là con người. Ngày xưa mình đập ruồi đập muỗi, mai này quả trổ có khi lúc mình mới vừa lên ngôi hoa hậu, vừa tấn phong giáo hoàng, vừa đắc cử tổng thống … khi đó chết lãng xẹt. Tôi nói thiệt, tôi là thầy chùa mà tôi không sợ luân hồi, tôi mê đời lắm, tôi ham chơi lắm. Sở dĩ tôi sợ luân hồi là vì tôi sợ có một cái. Chuyện lăn lóc cõi này qua cõi kia tôi không sợ, trong kinh nói bậc đại hiền trí dầu sanh ra cõi nào đi nữa, hễ còn luân hồi vị ấy đều chán, riêng tôi thì không, chỉ cần chắc ăn 100% đừng có đọa là tôi không niết-bàn đâu. Ví dụ như Tu-đà-hoàn thì chắc chắn không đọa mà cũng không luân hồi lâu, ở cõi Dục thì bảy kiếp là niết-bàn thôi. Với một người diệt trừ thân kiến thì không còn khả năng đam mê cuộc đời sâu sắc như người phàm nữa, vị Tu-đà-hoàn không còn khả năng sa đọa, và cũng không còn khả năng sanh tử lâu ngày nữa. Nếu quả thật có một lựa chọn làm một vị Tu-đà-hoàn không có sa đọa thì tôi không niết-bàn đâu. Tôi ớn một cái là không có cuộc luân hồi nào mà không có sa đọa, đó là lý do tôi sợ, chớ tôi không có sợ luân hồi. Điều thứ hai là tôi biết tôi giống như nhiều người, lòng từ bi không có đủ chan hòa cho tất cả chúng sanh, tôi hiếu sát lắm. Tôi không sát sanh không phải vì tôi có lòng từ mà vì tôi sợ. “Hôm nay ta giết người, mai kia người giết lại”. Một ly nước sôi mình tráng ly rồi tạt ẩu, biết có trúng con gì hay không. Biết bao nhiêu côn trùng chết vì ly nước sôi của mình, tụi nó hôm nay là côn trùng không đáng gì hết, còn mình mai này trổ, lúc đời mình mới vừa lên hương thì lăn đùng ra chết, chết vì nước sôi, không đáng. Khi mình tạo nghiệp bất thiện mình sẽ có lúc mình hưởng quả xấu nhưng không như một hiện tượng thiên nhiên trên trời rớt xuống, mà quả xấu này là khiến cho người khác vừa thấy mặt mình họ muốn ra tay. Ví dụ như giờ tôi chửi, tôi nặng lời các vị, đời sau kiếp khác người khác gặp mặt tôi là muốn chửi, vô tình tôi đã gieo thêm nhân xấu cho người khác. Khi một người làm ác thì người này đã tạo ra một chuỗi bất thiện dài thăm thẳm không có điểm dừng cho mình và cho người khác. Mình chửi người ta mai mốt người ta chửi mình thì mình phản ứng, như vậy mình gieo nhân mới, và cứ triền miên như vậy. Nghĩ như vậy mà ngán. Tôi không sát sanh không phải vì tôi có lòng đại bi, tôi cũng có một ít trong một ít trường hợp. Ví dụ tôi nghĩ, khi mình giết như vậy mình đã tạo ra phân ly xa cách cho chúng sanh mà mình không biết. Một con chim con cá, lẽ ra mẹ con chúng có nhau, mình sát sanh là mình tạo ra phân ly. Quả xấu của chuyện sát sanh là đời sau ngoài chuyện sa đọa, sẽ bị bịnh tật và thường xuyên gặp cảnh sanh ly tử biệt. Có những đứa bé năm tuổi, ba tuổi là phải xa mẹ xa cha, khi thì do cha mẹ li dị li thân, bị mồ côi, hoặc do hoàn cảnh, cha mẹ đem giao cho bà con coi sóc, từ nhỏ đã xa cha mẹ như vậy, lớn lên đi lấy chồng lấy vợ, làm ăn xa xứ, hoặc bỏ xứ ra đi biền biệt do quốc gia quốc sự. Cho nên có nhiều người, cả đời từ nhỏ đã nhớ thương, lớn lên cũng thương nhớ lìa xa người thân, lìa xa nơi chốn mình thương mến. Có người thì từ nhỏ cho đến già không biết thế nào là sanh ly tử biệt, đến khi đầu hai thứ tóc mới biết thế nào là tang chế trong nhà. Bên châu Âu này tôi biết có cặp vợ chồng quen nhau hồi nhỏ chung một làng, sau học chung tiểu học, chung trung học, vượt biên chung một tàu, rồi qua trại tị nạn ngẫu nhiên chung với nhau, và họ về châu Âu, lấy nhau sanh con, hiện giờ vẫn chưa rã. Họ nói: tụi con yêu nhau mà chưa bao giờ nhớ nhau, vì chưa bao giờ xa nhau. Tôi nghe mà bắt ham. Tôi đâu có gia đình nhưng ít ra tôi cũng biết thế nào là nhớ chứ, cảm giác đó dễ sợ lắm, vậy mà họ cũng không bị. Có người bảy mươi tuổi vẫn còn mẹ để gọi “má ơi”, đó là cái phước do không tạo nhân sanh ly tử biệt. Vì vậy, giết người sẽ bị người giết, làm cho người ta xa cách thì mình sẽ bị cách xa. Sống ở đời hễ có thắng thì có thua, có vui thì có buồn, có giết thì có bị giết.

NGƯỜI CON GÁI (Mallikāsutta)

Bài kinh này nói về nữ quyền. Một hôm vua Pasenadi vào hầu Phật nghe pháp, lúc đó trong cung cho người ra báo tin cho biết hoàng hậu vừa sinh công chúa. Vua nghe tin, không được vui. Không cần là vua, chỉ cần nhà giàu thì ai cũng muốn tài sản của mình được kế thừa bởi con trai, vì con gái là con của người khác. Người Tàu người Ấn ngày xưa đồng ý với nhau điểm này: “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”. Mai này con gái về nhà người ta sanh con, con của nó mang họ khác, chưa kể khả năng quán xuyến coi sóc thừa kế tài sản của đàn bà tệ lắm. Đàn bà ai làm sẵn cho ăn thì ok. Có câu này: đàn ông thành công là người có khả năng làm ra số tiền nhiều hơn nhu cầu của vợ mình xài; thành công của đàn bà là tìm ra được người đàn ông đó để lấy làm chồng. Nghe câu đó là biết nữ là như thế nào rồi. “Vàng thử đàn bà, đàn bà thử đàn ông”. Tôi không kỳ thị người nữ, nhưng từ ngàn xưa người ta nói đàn bà giỏi là nội tướng, nhưng không được giỏi thì đàn bà chỉ biết ngồi hưởng thôi. Tôi biết một chuyện bên Thụy Sĩ này, có chị đó, học hành giỏi lắm, khi chị mua nhà, có rủ tôi đi chung với người nhà của chị, hai cái nhà y chang như nhau mà chị chọn cái nhà A mà không chọn cái nhà B. Tôi hỏi và nghe chị trả lời là tôi nhớ vua Pasenadi. Tôi hỏi sao cái nhà kia đất rộng, giá bằng nhau, vị trí y chang, mà chị lấy cái nhà bên này không có đất. Chị trả lời: sợ cắt cỏ, chăm sóc không nổi mệt lắm. Nghĩa là chỉ muốn cái gì gọn gọn nhỏ nhỏ, nằm trong khả năng chăm sóc của chị. Trong khi đàn ông con trai thì khác, họ sẽ nghĩ đi làm thêm một chút rồi thuê người ta cắt cỏ, có đất thì mai mốt dễ bán hơn chứ. Một ông chính trị gia hoàn toàn có thể là một người si tình nhưng chuyện mê gái một đàng, làm việc là một nẻo. Còn người nữ rất khó không đem tình cảm chen vào công việc. Họ chỉ có thể thành công trong chính trị khi họ là một người đàn bà máu lạnh, còn người đàn bà tâm sinh lý bình thường thì rất khó, tách rời công việc sự nghiệp ra khỏi tình cảm rất khó, trong khi đàn ông thì phân biệt rạch ròi tình cảm và công việc.

Phụ nữ là mẹ của hiền thánh, trượng phu

Từ xưa đã có truyền thống trọng nam khinh nữ, và vua Pasenadi cũng lọt vào đám đông đó. Lúc đó Đức Thế Tôn nói một câu mà không thể tuyệt vời hơn: Tại sao lại coi thường người nữ trong khi họ có thể sanh ra những người con ngon lành. Thỉnh thoảng họ cũng có thể là những người vợ ngon lành. Nhưng chuyện người vợ ngon lành không quan trọng, mà quan trọng một chỗ là tất cả những anh hùng, hào kiệt, quân tử, hiền thánh trong đời này đều do đàn bà sinh ra. (Trừ chư thiên thì không cần bà mẹ sanh ra mình), vì vậy phải dành cho họ một chút vị trí như là một thái độ tri ơn. Dầu gì họ cũng là cái hộp để đựng iphone 6, mình quí cái iphone 6 thì phải tôn trọng cái hộp một chút.

Bài kinh này ý nghĩa rất sâu, một người văn minh phải biết tôn trọng mọi người dù đó là nam hay nữ, ai cũng có giá trị riêng. Quí vị có nhớ bài kinh Đại Bát Niết Bàn. Lúc Thế Tôn sắp niết-bàn thì vua A-Xà-Thế mới cho hai vị sứ thần là Sunīdha và Vassakāra đến để gặp Đức Phật hỏi ý Ngài, ông biết Ngài sẽ không trả lời nhưng muốn nghe nhận xét của Ngài để sau đó toan tính. Sứ thần nói: Bạch Thế Tôn, vua A-Xà-Thế muốn đánh xứ Vajjī mà ngần ngại, nên cử chúng con để thưa chuyện với Thế Tôn và xin lời dạy của Thế Tôn là nên đánh hay không nên đánh.Đức Phật không trả lời nên đánh hay không nên đánh vì Ngài không muốn đặt mình vào thế phải chịu trách nhiệm về chính trị và an ninh quốc phòng của hai quốc gia. Ngài chỉ hỏi ngài Ānanda, câu hỏi của Ngài mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc về tôn giáo và thế gian, gọi là bản tuyên ngôn nhân quyền, một cương lĩnh chính trị thông minh bậc nhất cũng được, một thái độ sống cũng được, một trách nhiệm của Bậc Đại giác đối với đời cũng được. Ngài hỏi: Ānanda có nghe nói người dân xứ Vajjì tôn trọng người lớn tuổi, có hay không? Người dân xứ Vajjì đối với phụ nữ rất lịch sự, tôn trọng, có đúng hay không? Người dân xứ Vajjì cái gì cũng lấy ý kiến của dân, lấy dân làm gốc, đúng hay không? Ānanda thưa: Dạ thưa đúng. Ngài hỏi một số ưu điểm của xứ Vajjī mà hôm nay mình giật mình thấy rõ ràng đó là ưu điểm của những xứ văn minh. Ví dụ như Mỹ, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, họ rất galant, coi trọng phụ nữ, trẻ con người già được tôn trọng. Những xứ sở nào người yếu đuối được tôn trọng thì xứ sở đó được xem là xứ sở văn minh. Theo tinh thần đạo Phật, sự tôn trọng phụ nữ là cần có và cần thiết. Nội dung bài kinh này là sống ở đời, mỗi người có một giá trị riêng, không ai được quyền chà đạp ai, và người nữ dù họ có ra sao đi nữa họ cũng là mẹ của tất cả hiền thánh, quân tử, trượng phu trên đời, do đó chúng ta không thể mọi rợ mà cư xử với họ theo cách của Hồi Giáo.

KHÔNG PHÓNG DẬT (Appamāda)

‘Không phóng dật’: ‘Appamāda’. Chữ ‘appamāda’ có một chuyện tôi nói hoài, trong thời gian ba mươi năm trời tôi sống ở VN tôi thấy một điều là chỉ có PG Nam Tông VN mặn mà với chữ ‘dễ duôi’. Tôi không biết chữ này ở đâu mà ra, có thể là mấy ngài ngày xưa thích xài “hàng độc”. Nói chữ ‘dễ duôi’ thì nhiều người không biết nhưng chữ ‘dễ ngươi’ thì người ta biết. Tôi muốn xài chữ ‘dễ ngươi’, nghĩa là khinh lờn. Ở đây vua A-Xà-Thế hỏi Đức Phật: Bạch Thế Tôn trên đời này, chuẩn mực đạo đức để sống đời nhiều quá sức nhiều, có cách nào nói gọn lại được không? Có cách nào để cho thiên hạ thái bình nhà nhà người người được vui vẻ. Mục đích của ông là hỏi Đức Phật có cách nào để thiên hạ nhà nhà an vui thái bình. Đức Phật trả lời: Chỉ có một chuyện thôi đó là không dễ ngươi.

Không dể duôi (dễ ngươi)

Theo Chú giải, không dễ ngươi là ba thiện nghiệp: bố thí, trì giới, chỉ quán.

Chỉ quán là lựa đề mục nào đó tập trung vào đó. Hít vô thở ra biết hít vô thở ra. Chỉ quán là quan sát mình đang đi đang đứng đang nằm đang ngồi, buổi đầu là vậy, sau đó biết mình đang đi mà có gì đó bực mình biết đây là tâm sân; đang đi mà biết tơ tưởng cái gì đó biết đây là tâm tham; đang đi mà nghe tiếng nhạc hay tiếng chiên xào gì đó thì biết đây là vọng tưởng, đó là quán.

Bố thí thì gồm có tài thí và pháp thí. Tài thí là chia sẻ vật chất mình có cho người khác. Hãy luôn nhớ rằng trái đất này nói chung, tài sản tánh mạng mình nói riêng giống như ngôi nhà đang cháy, khư khư mà ôm thì không được. Nhà cháy là phải đem đồ ra khỏi nhà, cách đem ra khỏi nhà hay nhất là bố thí. Nói như vậy không có nghĩa tôi xúi các vị ăn rồi cứ lo bố thí không lo chuyện khác, và tôi càng không có ý kêu các vị cúng cho tôi. Nếu Phật tử hiểu đạo rồi sẽ thấy có 1001 lý do để mình bố thí. Mình không ăn đời ở kiếp với nó được, chết để lại cho đời xài nó nói mình ngu nữa. Những gì mình có kiếp này là do đời trước mình bố thí, chớ không phải tự nhiên mình sanh ra mình có. Đừng nghĩ tại mình học giỏi mình đi làm có job ngon rồi có tiền biết bao nhiêu người cũng muốn như mình mà họ không được, vì những cái mình có là do đời trước. Trước sau gì cũng bỏ lại hết mà đi thì nên đem theo một mớ giống như dọn đồ ra khỏi nhà cháy. Đời xưa kiếp trước mình đã làm gì đó mà kiếp này mình hưởng, vậy cũng nên để lại một mớ cho kiếp sau chứ. Đối với một người hiểu đạo mà nói thì dầu cho chuyện bố thí mà không đem lại quả báo thì cũng là chuyện phải làm là vì một người hiểu đạo thì không lý do gì khư khư ôm khi biết mọi thứ là phù du ảo hóa. Được gọi là tài sản vì đó là những phương tiện đáp ứng nhu cầu của mình, thí dụ bây giờ tôi cần cơm gạo để ăn, áo quần để mặc từ cái nhu cầu ăn, mặc ở, thuốc men, nảy sinh ra nhu cầu tiền bạc. Từ nhu cầu tiền bạc nảy sinh ra chuyện tôi phải đi làm kiếm tiền và tích lũy tiền bạc trong các hình thức kinh doanh hay nhà băng, từ đó mới hình thành khái niệm tài sản, sở hữu chứ cái gốc nguyên thủy của khái niệm sở hữu là nhu cầu sống còn. Muốn có cái ăn mặc ở, thuốc men nên mình mới tích lũy tài sản, riết rồi trong xã hội, trong thế giới loài người ai cũng coi đó là chuyện sanh tử tồn vong của mỗi người, thật ra nghĩ cho rốt ráo thì tài sản chỉ có một giá trị duy nhất là cung phụng con người. Một tài sản thông minh chỉ nhắm đến hai tác dụng: lo cho mình và hướng tới người khác. Tài sản chỉ biết dành để lo cho bản thân mình thì chỉ phát huy một phần ý nghĩa và tác dụng của nó thôi.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app