Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 

Chương 7: Tương Ưng Bà La Môn

DHANANJĀNI (Dhanañjānīsutta)

Trong chương Tương Ưng Chư Thiên có những bài kệ được giải thích đầy đủ những bài kệ đó được nhắc lại nguyên văn trong chương Bà-la-môn này. Xem phớt qua thì thấy có trùng lặp, nhưng nếu người có lòng nghiên cứu thì họ phải mang ơn những cái trùng đó, điều đặc biệt trong kinh là có những câu kệ, những vấn đề được Đức Phật nhắc đến nhiều lần. Ví dụ như khi nói đến những người có nhiều khẩu nghiệp bất thiện thì Đức Phật thường nhắc đi nhắc lại một câu kệ thôi, đó là những người sanh ra với cái búa trong miệng, cái búa đó khéo dùng thì đem lại nhiều lợi ích, nếu không khéo dùng thì nó sẽ đem lại nhiều bất lợi, tai hại, khổ báo cho mình. Khi nói trường hợp kham nhẫn thì Ngài thường nhắc đi nhắc lại câu kệ là: Người bị người khác xúc phạm, chọc giận, nếu không nổi giận thì sẽ được xem như là người thầy (y sư) chữa bệnh cho cả hai, chữa bịnh cho mình và cho người khác. Một bài kệ nữa Ngài nói rằng, khi người khác chọc giận mình mà mình nổi giận là vô tình mình khiến cho đối phương được mãn nguyện, họ được thành công như ý họ muốn. Đó là những câu kệ được nhắc đi nhắc lại trong những tình huống tương tự, tôi cho rằng đây là điều lợi cho mình: dễ nhớ hơn. Dĩ nhiên, với những người có ác ý thì họ cho rằng tại sao Đức Phật không phong phú, không giàu có đến mức ở mỗi trường hợp Ngài nói những câu khác nhau. Theo chúng tôi nghĩ thì khác, không cần thiết. Nếu Ngài thấy rằng vẫn dùng cách nói đó mà có tác dụng lợi ích hiệu quả tương đương thì điều đó có lợi cho đệ tử, những người thọ trì lời dạy của Ngài dễ nhớ. Bằng chứng là trong văn hóa VN mình cũng vậy, có vô số những câu ngạn ngữ, những câu châm ngôn được người ta nhắc đi nhắc lại mà hiệu quả vẫn không kém. Ví dụ “một lần sợ tốn, bốn lần không đủ”“tính già ra non”v.v… tác dụng vẫn không đổi mà có cái lợi là người ta có được những công thức dễ nhớ để đời.

Nội dung của chương Bà-la-môn này là nhắc đến nhân duyên xuất gia của một số vị Bà-la-môn trong một dòng họ mang chung họ Bhāradvāja.

Trong bài kinh đầu tiên chúng ta thấy có một bà tín nữ Dhananjāni, bà này có thói quen mỗi lần giựt mình là niệm Phật. Ở đây có chuyện đáng để mình lưu ý, VN mình có một câu thôi: “Namo Buddhaya” dịch ra là Mô Phật. Đúng ra chữ Mô Phật không phải là dịch mà là âm, “Mô” đọc tắt của Pāḷi, theo luật Pāḷi là cách thứ tư. Riêng chữ Mô Phật này nhiều vấn đề thú vị lắm, Phật tử Nam Tông người Việt mình chỉ biết Namo Buddhaya, nhưng trong Chú giải có chữ thứ hai tương đương cũng là ‘mô Phật’: Namo Buddhassa (con xin đảnh lễ Đức Phật, con xin hướng lòng cung kính đến Đức Phật), như mình tụng kinh bài Namo Tassa, trong đó xài toàn cụm ‘assa’. Vậy chúng ta có hai cách niệm là Namo Buddhaya và Namo Buddhassa. Trong Chú giải Kinh Tự Hoan Hỷ (Sampasādaniya Sutta) (Trường Bộ Kinh) còn có câu niệm thứ ba mà tôi thích hơn Namo Buddhanam, (con xin kính lễ Trong Chú giải Kinh Tự Hoan Hỷ (Sampasādaniya Sutta) (Trường Bộ Kinh) còn có câu niệm thứ ba mà tôi thích hơn Namo Buddhanam, (con xin kính lễ Chư Phật). Mỗi lần giựt mình là bà Dhananjāni “Mô Phật”. Ông chồng bà theo Bà-la-môn giáo nên rất ghét điều này. Bà này không phải nói liệu, mỗi lần bà giựt mình là bà nhớ Phật bà thấy yên tâm hơn, bà là thánh nữ Tu-đà-hoàn. Chú giải của kinh Dhananjāni có câu niệm “Namo Buddhassā”, còn xưa giờ người Việt mình có câu “Namo Buddhaya”, “Namo Buddhanam”. Làm ơn nhớ chỗ này, niệm Phật không có nghĩa là xin Phật hộ trì gia hộ cho mình. Chuyện đó là trật lất, là vô lý, bản thân Đức Phật khi gặp nạn thì nạn đó của Ngài cũng là tiền nghiệp quá khứ của Ngài, Ngài tránh cũng không được. Bài kinh trước tôi có nói, bên Bắc Tông nói trường hợp Thế Tôn gặp nạn đều là cố ý thị hiện, cố ý thọ nạn để nhân đó có cớ dạy đạo cho chúng sanh. Kinh Nam Truyền không nói như vậy, Thế Tôn vĩ đại vì Thế Tôn có tuệ giác, không thầy chỉ dạy, Thế Tôn vĩ đại vì Thế Tôn có thể độ cho người khác được giác ngộ sinh tử, Thế Tôn vĩ đại vì Thế Tôn có lòng thương chúng sanh vô bờ vô hạn, ai Ngài cũng thương, Thế Tôn vĩ đại vì đức lành nào Thế Tôn cũng có, tuy nhiên Thế Tôn cũng là một con người bình thường, cũng đói ăn khát uống, cũng bị nóng bị lạnh, cũng bệnh hoạn già chết, cũng bị tai bay vạ gởi, cũng bị thị phi, bị xúc phạm, bị người đời hãm hại đủ cách. Không phải vị Phật nào cũng bị số lượng nạn giống nhau. Có vị cuộc đời hoằng pháp rất là suôn sẻ, chẳng hạn như Phật Di Lặc sau này, bởi vì thời gian Ngài tu Ba-la-mật lâu quá, Ngài tu hạnh tinh tấn nên chậm. Bước lên xe mà trước khi bước lên chân dính bùn, đi một cuộc hành trình quá dài thì bùn sẽ rớt từ từ và cuối cùng khô rớt hết, phủi phủi là sạch. Trong khi đó người bước lên xe chân dính bùn mà đi đoạn đường quá ngắn thì bùn rớt chưa hết, vị Bồ tát hạnh trí tuệ giống vậy, họ đi quá nhanh, chỉ một phần tư thời gian của người ta nên khi thành Phật chắc chắn có những vấn đề còn tồn đọng chưa giải quyết, đó là nghiệp cũ, chuyện không có gì lạ hết. Đức Phật gặp nạn mà không tránh được nói chi là mình, vì vậy đừng bao giờ niệm Phật mà nghĩ mình thoát nạn. Bản thân Đức Phật không tránh được huống chi mình. Nếu mình niệm Phật không tránh nạn được thì mình đâm ra nghi ngờ Đức Phật rồi bất mãn nghĩ Ngài không có linh, vậy là sai. Ngài là ông bác sĩ, mình không thể đem hình bác sĩ về treo trong nhà réo tên ông bác sĩ cho hết bịnh, đó là chuyện tầm bậy. Ông bác sĩ chỉ giúp cho mình một giới hạn chừng mực nào đó thôi, còn chuyện ăn uống kiêng khem điều độ đúng mức sinh hoạt hợp lý là chuyện của mình. Chưa kể không phải bịnh nhân nào cũng chữa hết bịnh. Thời Đức Phật đâu phải ai Ngài cũng giúp cho người ta đắc quả A-la-hán giống nhau đâu, căn cơ nhân duyên tiền kiếp mỗi người khác nhau chứ. Nghĩ niệm Phật để Phật độ trì là bậy, còn hiểu Phật là người ban phước tha tội lỡ niệm không linh thì trách Ngài hay sao. Nếu niệm Phật hết nạn thì mình trả lời làm sao về vấn đề nhân quả với tiền nghiệp của mình? Vì vậy, niệm Phật là nhớ tưởng đến Ngài trong mọi tình huống để lòng mình thanh thản hơn, niệm Phật là niệm ơn đức của Ngài để mình nhớ hạnh của Ngài mà tu, người thường xuyên niệm Phật theo cách này thì lòng chắc chắn thanh thản nhiều lắm, an lạc dữ lắm. Ví dụ, mình cứ nhớ Ngài là người không có giận hờn, không nhỏ mọn ích kỷ, là người ai Ngài cũng thương, Ngài có cõi lòng rộng mở, Ngài là bậc đại trí, không câu chấp thiên kiến, không câu nệ một chiều hay cực đoan cuồng tín, Đức Phật là sự đối lập với những điều đó. Mỗi lần nhắc đến chữ Phật mình nhớ Ngài là người đối lập với tất cả những bất thiện ở đời.

Hai vợ chồng bà Dhananjāni, mỗi người theo một đạo, bà theo đạo Phật, chồng bà theo Bà-la-môn nhưng rất dân chủ, ông nói: Bà có quyền mời Đức Phật và chư tăng về nhà để cúng dường, tôi cũng có quyền mời mấy ông thầy Bà-la-môn của tôi về cúng dường. Tuy vậy ổng chơi không có đẹp, theo Chú giải, khách của ổng đến nhà bà tiếp đón lịch sự, còn ngày nào bà thỉnh Đức Phật và chư tăng về là ổng tránh mặt từ sáng sớm. Ổng có dặn: Mỗi lần thầy của tôi tới thì bà đừng có “liệu” mà nói “Mô Phật”, nhưng bà vẫn không làm được điều đó, nên ông rất giận. Vì vậy ông không cảm mến được Đức Phật, tuy nhiên là một người trí thức, ông tới gặp Đức Phật và đọc bài kệ đại ý nói: Tôi khổ tâm quá, tôi bực mình quá, giờ bỏ cái gì cho hết khổ tâm hết bực mình. Vậy mà bản dịch tiếng Việt đọc vô lạnh người quá:

Sát vật gì, được lạc?

Sát vật gì, không sầu?

Có một pháp loại gì,

Ngài tán đồng sát hại,

Tôn giả Gotama?

Đức Phật biết rõ tánh ông này nóng, sân, nên Ngài trả lời: Bỏ được tánh nóng là yên thôi. Chúng ta vẫn biết với trăm người đến hỏi Ngài câu này thì chắc chắn Ngài có nhiều cách trả lời khác nhau, với ông Bà-la-môn này thì Ngài trả lời hãy bỏ tánh nóng thì sẽ an lạc, nhưng với người khác có thể Ngài sẽ trả lời đừng thích nữa thì bớt khổ, đừng tham nữa thì hết khổ, bỏ mạn đi đừng coi nặng mình nữa thì hết khổ. Mình cứ tự coi mình là cái chén cái tô kiểu nên dễ bể, bây giờ cứ tự nghĩ mình là sợi tóc, cọng rơm, tờ giấy thì không dễ bị gãy, vỡ hay tổn thương. Tu là biến mình thành ra cọng rơm, sợi tóc, tờ giấy. Có vô số câu trả lời cho ông chồng bà Dhananjāni. Sau khi nghe được câu trả lời vậy, ông đã xin đi tu. Chúng ta cũng đừng lấy làm lạ vì sao chỉ nghe đơn giản một câu vậy mà đi tu, ông này là người đại căn đại duyên đã tu quá nhiều kiếp, ông giống như con gà con trong trứng vào ngày sắp nở, chỉ cần sự giúp đỡ nhẹ nhàng là bung ra. Hơn nữa ông đã gặp một vị Chánh Đẳng Giác. Tôi phải nói thật với bà con một chuyện là chúng ta hôm nay vô phước không có dịp gặp bậc hiền thánh, bậc Đại giác. Nhìn gương mặt của họ, nhìn cách họ cầm quạt lên để quạt xuống thôi, nhìn cách họ mỉm cười thôi, nhìn cách họ cầm một món đồ nào đó, nghe giọng nói, thấy ánh mắt của họ là đủ để mình đảo lộn càn khôn rồi thưa quí vị. Trong đời tôi may mắn có gặp được những vị tôn túc trưởng lão, lúc được gặp thì tôi còn trẻ, tôi gặp được ngài Hộ Tông, ngài Giới Nghiêm, ngài Hộ Giác, ngài Ẩn Lâm, ngài Tịnh Sự v.v… rất nhiều, nói chung là trong các vị trưởng lão tôi chỉ hụt gặp hai vị đó là ngài Bửu Chơn và pháp sư Thông Kham. Tất cả những hình ảnh đó ngày xưa mình cũng có quý nhưng bây giờ ngồi nhớ lại phong cách, phong phạm của các vị ấy là hình ảnh tuyệt đẹp cho đời tu của mình. Tôi có gặp ngài Nandamalabhivamsa là Viện trưởng trường đại học Theravada ở Yangon, phong phạm lạ lùng lắm, một người cư sĩ lớn tuổi, đi tu cũng tóc bạc đắp y nhưng nhìn hoàn toàn không giống một ông hòa thượng trưởng lão cao tăng thạc đức thạc học, mình quỳ đảnh lễ mà cứ muốn lấy trán gõ dưới bàn chân của họ. Một bậc đại giác như Đức Phật, gặp được Ngài thì thấy chuyện gì cũng nhỏ hết. Trong đạo tôi cũng gặp những người cư sĩ có chồng có vợ ngoài đời nhưng tự nhiên tôi thấy xấu hổ, dù họ rất là bình thường không phải đắc đạo gì hết, vì niềm tin của họ quá trong sạch và họ là người quá kiểu mẫu, quá mát mẻ. Người của thời nay còn như vậy nói chi là bậc Đại giác như Đức Phật. Ông Bà-la-môn Bhāradvāja này tu nhiều kiếp rồi, lại gặp Đức Phật nữa, câu nói của Đức Phật đúng thời điểm duyên lành của ông chín muồi nên ông đã đắc A-la-hán.

PHỈ BÁNG (Akkosasutta)

Cũng trong dòng họ Bhāradvāja có một ông khác, ông này trong Chú giải nói là khuyết danh. Trong kinh ghi là Bà-la-môn Akkosaka Bhāradvāja, Akkosaka đây không phải là tên mà là các vị kiết tập sư gọi những người đi chửi bới người khác (abuser) làm tổn thương người khác. Ông này ghét Phật đến mức ổng soạn một bài vè 500 câu có vần có điệu đàng hoàng để nguyền rủa Đức Phật tan nát, ông này cũng có khiếu thơ ca văn nghệ. Chính từ chỗ này người ta mới gọi ổng là Akkosaka (chửi có nghề). Bài kinh này không có gì khó hiểu. Ông tới gặp Đức Phật và nói những lời nói không tốt đẹp, ác ngữ, phỉ báng và nhiếc mắng, nhưng cuối cùng rồi cũng xin xuất gia. Quí vị thấy ông nào cũng là Bhāradvāja thì cũng giống như họ Nguyễn, Lê, Trần, Phạm vậy thôi. Lẽ ra không dịch cái tên riêng, nhưng không dịch cũng uổng. ‘Bhāra’: ‘gánh nặng’ (burden). ‘Dvāja’: ‘sanh hai lần’ (twice born), chữ này có hai nghĩa:

1. Con chim hoặc loài sanh ra từ trứng(lần sanh thứ nhất là chim mẹ sanh ra trứng, lần thứ hai là trứng nở ra chim).

2. Dòng dõi Bà-la-môn. Vì sao? Bởi vì đạo Bà-la-môn nói rằng giai cấp Bà-la-môn sinh ra từ miệng Phạm Thiên, vua chúa Sát-đế-lỵ sinh ra từ ngực của Phạm Thiên, thương gia doanh nhân sinh ra từ đầu gối của Phạm Thiên, nô lệ sinh ra từ bàn chân của Phạm Thiên. Giống như nho giáo bên Tàu, họ gọi vua là thiên tử, họ thần thánh hóa, do văn hóa văn minh mông muội nên họ bịa ra nhiều chuyện. Kiểu như Lê Lợi anh hùng áo vải, Triệu Khuông Dẫn, Lưu Bang, muốn cho dân tin mình mới cho đệ tử chôn lén bia đá có ghi chữ rồi đào công khai, công bố những câu như sấm ký, đồn rằng cơ trời đã báo có minh quân xuất thế, kêu gọi nhân dân ủng hộ thì đời này sẽ được thịnh trị thái hòa v.v… Ngày xưa cũng có một thời tôn giáo và chính trị là một cặp bài trùng đi gạt người ta. Tôn giáo mà Karl Marx, Engels chửi thật ra không liên quan gì PG, mà tôn giáo đó chính là đạo Chúa. Có chuyện rất là kỳ, có rất nhiều đại gia bên VN dịch chữ ‘church’ là ‘nhà thờ’, chớ thật ra ‘church’ còn có nghĩa là ‘giáo hội’ hay là “tòa thánh Vatican”. Trong nhiều sách tiếng Việt sau 75, chữ ‘church’ này thường được dịch là ‘nhà thờ’, nhưng thật ra có nhiều trường hợp phải hiểu nó là giáo hội hay tòa thánh Vatican nếu viết hoa. Có một thời tôn giáo và chính trị là một cặp bài trùng để mà nắm quyền sinh sát thiên hạ trong tay. Ở đây khi Bà-la-môn Ấn độ đưa ra giáo thuyết quái gở như vậy, họ nói Bà-la-môn là con chánh tông của Phạm Thiên sanh ra từ miệng Phạm Thiên. Họ nói họ là “Dvāja” vì đời họ có hai lần sanh, một lần do mẹ sanh ra, lại được Phạm Thiên sanh ra một lần nữa, về mặt tinh thần là lần sanh thứ hai. Chữ Dvāja này cũng gợi ý nhiều chuyện hay hay, nếu mình là người dài hơi già chuyện thì có một tỷ vấn đề để nói trong đó, giống như lật cuốn tự điển thì chữ “ca”, “cá” “cà”, “ma”, “má”, “mà” v.v… mỗi chữ thì không biết bao nhiêu vấn đề để nói chuyện với nhau. Có vậy mình mới thấy cái biết của mình trong trời đất này rất là ít, có để ý như vậy mình mới biết tại sao có bậc đại trí như ngài Xá Lợi Phất, tại sao có vị Toàn giác như Đức Phật. Từng hạt cát trong trời đất này đã chứa trong đó vô vàn những vấn đề mình biết và không biết, vô vàn những vấn đề mình cần biết và không cần biết, vô vàn những vấn đề biết có lợi và biết có hại, vô vàn những vấn đề mà mình biết sẽ đem lại hoa hay gai, nước mắt hay nụ cười. Vì vậy đừng bao giờ cho rằng ta giỏi rồi, ta biết đủ rồi, ta biết nhiều rồi. Điều gì tốt bao nhiêu cũng là ít, là thiếu; điều xấu thì bao nhiêu cũng là nhiều cũng là dư, đây là câu thần chú đáng ghi nhớ.

Còn một nội dung nữa của bài kinh này đó là người ta đi tầm đạo, cầu đạo giải thoát, gặp bậc Đại giác, người ta lắng nghe, rồi giác ngộ, còn vị này đến với Đức Phật bằng những lời chửi rủa. Đời sống có hai mặt đen trắng, tốt xấu, lạnh nóng, tối sáng thiện ác, thương ghét v.v… Giác ngộ và giải thoát khác nhau ở chỗ nào? Có lúc người ta tìm về chỗ sáng, có lúc người ta tìm về chỗ tối, có lúc mình thấy ghét cái gì đó, có lúc mình thấy thích cái gì đó, vấn đề của đời sống chỉ là sự chọn lựa. Có một thời ông quay lưng lại với Phật, quay lưng lại với ánh sáng, một lúc ông nhìn lại. Buổi đầu ông chửi Đức Phật, ông quay lưng lại ánh sáng, sau ông lắng nghe Ngài, khi biết lắng nghe là đã hồi đầu thị ngạn. Đời tu cũng vậy, một thời gian dài mình khổ tâm vì mình quay lưng lại ánh sáng, chống đối lại chân lý. Nhưng có những người suốt đời không nhận ra điều đó, họ không có đủ duyên để nhận ra. Trong văn hóa, tôn giáo, chính trị, họ không có khả năng phân biệt cái gì đem lại cho mình niềm vui, sự an lạc, không đủ khả năng phân biệt cái gì đem lại cho mình nỗi khổ niềm đau. Đời sống là sự chọn lựa, trong muôn người tại sao mình thương người này, mình ghét người kia, mình ghét con vật này mình thích con vật kia. Chọn không khéo thì mình khổ, chọn khéo thì mình vui. Người ta nói đời con gái 12 bến nước trong nhờ đục chịu, riêng tôi sửa lại câu đó, đời người có 12 ngàn bến nước, nam nữ đực cái trống mái giống nhau y chang. Đừng nói chỉ đàn bà con gái lớn lên lấy chồng là 12 bến nước, nói vậy nghèo lắm, sinh ra ở đời mang thân người là mình có 12 ngàn bến nước. Riêng chuyện bầu cử cũng là chọn bến nước, theo đạo nào, chọn bạn nào, cũng là bến nước. Về văn hóa, mình thích văn hóa nào cũng là sự chọn lựa, thích chơi cây kiểng, chơi xe, tiền cổ, bài bạc cũng là sự chọn lựa. Chiều sâu bài kinh này nằm ở chỗ đời sống này là sự chọn lựa, chúng ta suốt đời mãi hoài chối bỏ quay lưng với một số vấn đề, và tìm về sống chết với một số vấn đề, mà tất cả chỉ là sự chọn lựa của mình thôi, bài kinh này nếu có thể đặt tên thì tôi đặt tên là Hồi đầu thị ngạn

ASURINDAKA (Asurindakasutta)

Ông Asurindaka đi đến, cũng có những lời không tốt đẹp, ác ngữ, phỉ báng và nhiếc mắng Đức Phật. Đức Phật trả lời: Ai xúc phạm mình, nếu mình không giận thì chẳng những mình đem lại lợi ích bản thân mình mà còn lợi ích cho người khác nữa, là làm “y sư cho cả hai”. Khi người ta nổi giận là bản thân người ta đang bị bịnh. Theo tâm lý học hiện đại, cơn giận là một cơn điên ngắn, mỗi lần nổi giận là mỗi lần chúng ta lên cơn. Theo Phật pháp thì khi mình thích hay ghét một cái gì đó thì bản thân cái thích ghét đó là một giấc chiêm bao. Tôi biết tôi nói điều này bà con nhiều người sốc. Đức Phật nói thích hay bất mãn điều gì đó là mình đang hiểu lầm. Trong cái nhìn rốt ráo thấu suốt của một bậc thánh thì trên đời này không có gì để thích hay ghét hết. Trên đời này không có người nào đáng ghét mà chỉ có hai hạng người là đáng thương và đáng yêu. Đáng yêu là người thiện và đáng thương đáng tội nghiệp là người bất thiện. Tiếng Việt thì có nhiều trường hợp thươngvà yêu đồng nghĩa, nhưng đáng thương với đáng yêu thì khác nghĩa. Khi mình bất mãn hờn giận ai đó là mình đang trong một cơn điên ngắn. Đức Phật dạy khi mình bị xúc phạm, bị tấn công, mình không bị tổn thương thì ngay lúc đó mình là thầy chữa bệnh cho mình và cho cả đối phương (y sư cho cả hai). Câu kệ này được Đức Phật nhắc tới nhắc lui nhiều lần trong những tình huống tương tự. Câu kệ này như là một công thức sống ở đời, đáng được xem là câu kinh nhật tụng để mình ghi nhớ tâm niệm mỗi ngày. Đời sống này là cõi thị phi, làm sao mình không bị thị phi một cách trực tiếp hay gián tiếp được. Tôi nói hoài là tự kỷ ám thị hay ghê lắm. Tôi cứ tâm niệm một điều “sắp đi rồi”. Nếu tôi không có Phật pháp thì tất cả những gì tôi tưởng tượng ra về đời sống và về bản thân tôi đủ để làm cho tôi điên hay muốn nhảy lầu, Nhờ niệm nhớ về cái chết mà rất là hay. Ở đây tôi hoàn toàn không khoác lác huênh hoang gì về công phu tu hành, tôi chỉ muốn nói rằng những thị phi hay buồn phiền nào đến với tôi, tôi nhớ về cái chết rất thường trực, không để tu hành gì, mà chỉ để tự cứu. Cái nhớ này rất có lợi, nếu không nhớ thì có tám trăm thứ phiền chực chờ đổ trên đầu mình. Đức Phật đại bi đại trí, Ngài không phiền não, còn riêng chuyện của mình thì mình có nhiều cách tâm niệm, tôi thì chọn niệm cái chết. Mỗi lần nổi cơn điên tôi tâm niệm, mình sắp đi rồi, người làm phiền mình cũng sắp đi. Chỗ ở hiện tại của tôi cách khoảng chừng 200 mét là nghĩa trang. Nghĩa trang đẹp lắm, nhưng đẹp cỡ nào cũng là nghĩa trang, rất đìu hiu cô quạnh. Những ngôi mộ là những miếng đá đẹp cách mặt đất khoảng một tấc với chân dung người đã khuất. Thuở nào còn sống bao nhiêu vật lộn với đời sống, lo cho vợ chồng con cái, kiếm tiền thanh toán hóa đơn. Rồi một ngày ra ngoài gò nằm một mình, dòng đời vẫn trôi, thế giới tiếp tục vận hành đi về phía trước còn mình đã là kẻ xuống tàu ở lại – nói về thân xác thôi. Tái sinh thì đi về phương trời khác, tiếp tục vòng quay trùng phục và tái hiện mà trong kinh Phật gọi là Samsāra.

BILANGIKA (Bilaṅgikasutta)

Ông Bilangika cũng y như vậy, không thích Phật, bực quá tới gặp Đức Phật. Cái này tôi có gặp rồi, tôi có gặp những cư sĩ họ không có tin đạo nhưng vì do họ chở người nhà tới chùa, không lẽ ngồi ở ngoài hoài, về sau nắng gió mưa sương họ cũng vô chánh điện, chỗ pháp thoại họ ngồi, họ bực mình lắm, trông cho mau xong để về, có người do người nhà rủ, cũng bực mình nhưng phải ngồi. Giống như có người bị điếc nhưng được ông xã bà xã hoặc người quen rủ đi hòa nhạc, không đi cũng kỳ, sợ người ta biết mình điếc, vô thấy ông nhạc trưởng cầm cây đũa huơ huơ cũng ráng trông cho xong rồi về. Ở đây cũng vậy, ông Bilangika đến nhưng bực mình ngồi yên như nằm vạ, không ngờ Đức Phật hiểu được lòng ông và Ngài nói cho ông nghe một câu kệ, nghe xong ông đi xuất gia. Nguyên chương này toàn là như vậy thôi. Những ông Bà-la-môn trong cùng một dòng họ, bất mãn với Thế Tôn nhưng được Ngài cảm hóa nên đã đi xuất gia và chứng quả A-la-hán.

Tại sao trong kinh nói gặp Phật ra đời là một điều khó? Hôm nay chúng ta có kinh điển, có chư tăng, có Phật tử, có bạn đạo, nhưng làm gì thì làm, cái may mắn nhất trong dòng sinh tử là gặp một vị Phật, Ngài biết rõ mình như thế nào, Ngài biết mình cái cần gì, một câu thôi. Cho nên có một đoạn kinh mà khi đọc tôi rất xúc động, đó là Chú giải của kinh Đại Bát Niết Bàn kể rằng vào đêm cuối cùng khi Đức Thế Tôn sắp viên tịch, chư thiên trong vô số vũ trụ tìm về chiêm ngưỡng Ngài, ken cứng với nhau trong phạm vi 12 do-tuần vuông. Đức Phật nói với ngài Ānanda : “Đêm nay thiên chúng về nghe Như Lai nói chuyện lần cuối đông đến nỗi không còn một chỗ trống nào có thể chọt cây kim”, giống như bột mà nén trong ống tre vậy. Vì có vô số những vị Trời ngày trước biết Bồ tát vừa đản sinh và sẽ thành Phật, họ tự nghĩ sẽ đến hầu Ngài khi Ngài thành Phật, nhưng vì họ sống lâu quá, khái niệm thời gian của họ là thời gian dây thun. Người VN mình cũng toàn là sanh từ cõi Phạm Thiên xuống; người Mỹ người Nhật người Anh, từ Tokyo cho đến New York tranh thủ ráo riết lắm riêng người Việt mình thì một ly cà phê có thể uống tà tà bốn tiếng đồng hồ. Cả thế giới người ta đầu tắt mặt tối, còn dân VN mình giống chư thiên một điểm là coi thời gian không ra gì hết. Câu nói cuối cùng của Ngài: “handadāni, bhikkhave, āmantayāmi vo, vayadhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha, “Này các tỷ kheo, đây là lời dạy cuối cùng của ta cho các ngươi, các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn chớ có dễ duôi”. Nói xong Thế Tôn lập tức nhập vào Sơ thiền xuất Sơ thiền, nhập vào Nhị thiền xuất khỏi Nhị thiền, nhập vào Tam thiền… cứ như vậy là hai mươi bốn ngàn tỷ lần và rồi lập tức viên tịch. Khi ánh nắng mặt trời chưa ló dạng, Ngài ra đi. Lúc đó họ mới tá hỏa, thuyền đã rời bến mà giờ con mới chịu tới đây, chỉ nhìn bóng đò đi, thấy màn sương phủ mờ bánh lái trên sông. Mình thì hai ngàn năm trăm năm sau mới biết Phật pháp, không biết là xui hay may khi mình là dân VN, vẫn tiếp tục tà tà như “những ngày xưa thân ái”.

Những người Bà-la-môn Bhāradvāja này rất bất mãn nhưng chỉ cần gặp được Ngài là Ngài biết họ nghĩ cái gì rồi. Nhiều lần tôi nói, mình muốn dùng cái iphone, laptop của người ta phải biết password của người ta, cũng vậy, đối với chư hiền thánh mình cũng phải biết passcode của họ mới liên thông với họ được, còn không thì tủ kinh chỉ là tủ kinh. Đức Phật là Đức Phật, Ngài ở phương trời của Ngài, mình ở phương trời của mình. Để tìm con đường về với Phật thì mình phải nhìn về cùng một hướng mà Ngài đã nhìn. Ngài kêu gọi sự nhàm chán sinh tử, cho đến bao giờ mình chưa thấy sợ sự hiện hữu của mình trên đời này thì ngày đó mình không cần thiết phải đến với đạo. Ngày nào mình chưa thấy sợ thì chưa hiểu được lời Phật đâu. Có người hỏi tôi “sao nghe giảng hoài mà không muốn đi tu”. Tôi trả lời một câu thôi: Vì các vị chưa thật sự thấy mình bịnh nên các vị thấy thầy thấy thuốc không cần thiết. Nếu tìm đến với đạo để lấp đầy khoảng trống, để tiêu khiển giết thì giờ, để có tuổi trẻ bớt cô đơn, để tuổi già bớt hiu quạnh, để có những giây phút khuây khỏa qua đường như nghe một bản nhạc như đi dự nhạc hội… nếu như vậy thì tôi xin báo trước Phật pháp chẳng giúp được gì đâu. Phật pháp là một bài thuốc chỉ gây hứng thú, thú vị đối với người nào thấy mình là bịnh nhân, thấy sợ bịnh. Càng coi kinh càng ngộ được một điều, tin Phật không phải là chuyện dễ, hiểu Phật thì càng khó hơn, bởi vì chúng ta chưa đến lúc, hoặc không phải lúc thấy sợ sự hiện hữu của mình trong cuộc đời. Nếu chúng ta có chút niềm tin thì sẽ thấy rằng đời sống này là mong manh, tắt thở rồi không biết mình sẽ đi về đâu. Có người suy nghĩ rất đơn giản rằng: Ôi dào, chết thì mai mốt tính, hơi đâu, thiên hạ có bao nhiêu tỷ người có ai nhớ tới chuyện đó, thế giới vẫn đi về phía trước, trái đất vẫn quay, mặt trời vẫn lặn và vẫn mọc, mặt trăng đúng ngày lại đến, đúng ngày lại đi, trời đất vẫn y vậy vận hành, biết đạo hay không biết đạo, bận tâm cho mấy thì cũng vậy thôi. “. “Paralokabhayadassavi” là biết ưu tư khi nghĩ về đời sau kiếp khác. ‘Para’: ‘khác’; ‘bhaya’: ‘sợ hãi’; ‘dassavi’: ‘thấy’; ‘paraloka’: ‘đời sau kiếp khác’. Từ bé khi tôi nhìn lên trời đêm, bằng suy nghĩ trẻ con, tôi nghĩ không biết cái vô cùng vô tận này dẫn về đâu không lẽ là khoảng không như vậy hoài. Lớn một chút, tôi nghĩ về tôi, thân phận một kiếp người, không lẽ mình thích cái này thích cái kia mình gom thu chất đống rồi cuối cùng khi đi bỏ lại hết hay sao, nghĩ vậy mà buồn vì tôi thích nhiều thứ lắm, đến tuổi này tôi cũng còn thích nhiều thứ lắm. Chưa có gì tàn nhẫn cho bằng khi các vị bước vào trong tiệm đồ cũ của Thụy Sĩ, khi đi du lịch các vị rất nên tìm trên internet chỗ nào có Broki-land, Brockenhaus, đi một lần cho biết, các vị có thể tìm thấy ở đây bất cứ thứ gì trong đời sống mình cần đến, nhiều thứ đẹp giá trị cực kỳ, có những bộ bàn ghế năm bảy ngàn đô la, trong đây chỉ bán từ mấy chục đến vài trăm. Hoặc quí vị đi ra nghĩa trang, đẹp lắm, gần Zurich. Nghĩa trang nằm kế bên bờ hồ, đẹp đến nỗi mình ghen tị với người chết, tại sao anh chết rồi mà choán làm chi cái chỗ quá sức đẹp vậy. Rồi thì cũng buông, buông hết mà đi, không biết đời sau kiếp khác mình đi về đâu, có thể làm con trùn con dế dưới cống, có thể về xứ Châu Phi xa vời nghèo đói nóng nực để ở, có thể về vùng đầm lầy nước đọng muỗi mòng ở châu Á hoặc tuyết giá quanh năm ở châu Âu hoặc vùng xương rồng sa mạc ở Nam Mỹ. Đủ rồi, chúng ta sẽ gặp lại nhau vào ngày thứ Năm.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app