Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên – Phẩm Đoạn

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên

Phẩm Đoạn

KHỦNG BỐ Bhītāsutta

“Vì sao ở đời này,

Rất nhiều người sợ hãi,

Dầu con đường đề cập,

Dưới hình thức sai biệt?

Con hỏi Gotama,

Bậc trí tuệ sáng suốt,

Phải an trú chỗ nào,

Khỏi sợ hãi đời sau?”

Bài kinh này dành cho người cư sĩ (gharamāvasanto). Có một chuyện tôi phải nói đi nói lại nhiều lần sợ quí vị quên, tôi không biết quí vị đi theo sư phụ nào và thường được học hỏi gì, nhưng khi tiếp xúc với Phật tử, tôi có cảm giác lạ lùng là hình như tất cả những người Phật tử tôi gặp đều cho tôi một cảm giác là họ tự cho họ cái quyền được dốt Phật pháp. Như là chuyện hiển nhiên, tôi là cư sĩ, tôi có vợ có chồng, có chuyện làm ở ngoài đời, không bắt buộc phải giỏi Phật pháp, tăng ni còn không giỏi huống gì Phật tử chúng tôi. Họ coi học đạo như chuyện tùy duyên được chăng hay chớ. Riêng chỉ học đạo thôi, không có học lấy gì mà hành, biết gì mà tu. Ngay chuyện sợ sinh tử, nói đơn giản, thật ra nó không đơn giản, vì mình biết gì đâu mà mình sợ. Chuyện luân hồi sa đọa, thật ra có bao nhiêu người trong số chúng ta biết sợ điều này. Nhìn vào đời sống của mình thì rõ ràng là chuyện sa đọa trầm luân nó không có thật, mình nghĩ nó không có thật. Nếu thật sự mình có học đạo, có sợ sa đọa, sợ sanh tử, dứt khoát kiểu sống của mình có thay đổi, không phải như hiện nay lâu lâu chạy vô chùa cúng dường bố thí, dâng y, cất chùa, hùn phước ba mớ là xong. Không phải như vậy là không tốt, nhưng phải nói thẳng, nếu thật sự quý vị hiểu biết Phật pháp như trong kinh đã nói thì chuyện lâu lâu vào chùa nghe pháp, lâu lâu vô chùa hùn hạp cúng dường bố thí không đi tới đâu hết. Quan trọng là chuyện tu tâm, mình có bớt được tham sân mạn kiến hay không. Hãy nhớ rằng trên giường bệnh, giường chết không có sự khác biệt giữa tăng ni và cư sĩ. Chắc quí vị cũng không có nhiều dịp để thấy cư sĩ, tăng ni hấp hối trên giường bệnh. Bắt đầu đi vào phòng mổ thì tăng ni và Phật tử giống hệt nhau. Không có luật nào bắt quí vị phải học hành, tăng ni còn có quyền dốt huống gì cư sĩ, nhưng hãy nghĩ, Phật pháp mà không biết thì thiệt thòi thuộc về ai? Bài kinh này, câu hỏi dành cho cư sĩ nhưng phải hiểu rằng tất cả những ai sợ sanh tử đều phải coi tất cả lời Phật đều dành chung cho mọi người chứ không phải cho riêng ai. Mình là cư sĩ không có điều kiện pháp học pháp hành như tăng ni nhưng bắt buộc phải biết rằng trên giường chết mình và tăng ni giống hệt nhau. Trong bài kệ này hỏi: Trong cuộc đời có quá nhiều chuyện sợ hãi, 38 cảnh đời, gom chung: sanh ly tử biệt, muốn mà không được, sa đọa trầm luân, không được gặp Phật ra đời, gặp mà mình sanh ở xa xôi biên địa, khùng điên câm điếc, gặp thầy gặp bạn tào lao cũng đáng sợ; sanh trong cảnh trầm luân trôi nổi cũng đáng sợ; làm người sanh trong chỗ nghèo đói dốt nát không cần biết chữ – không phải không muốn học, nhưng học ở đâu, quanh năm không sách báo và cũng không có nhu cầu; một thế giới khép kín hoàn toàn với thế giới bên ngoài, đó cũng là một điều đáng sợ, khi sống trong cảnh như vậy thì sự ra đời của chánh pháp cũng không liên quan gì tới mình; giành giựt đấu đá đâm chém trong xã hội, trong gia đình v.v… ; với đời sống xã hội thường nhật, có nhiều cái e sợ như vậy, xin hỏi Thế Tôn sống làm sao để không sợ? “Con hỏi Gotama, Bậc trí tuệ sáng suốt, Phải an trú chỗ nào, Khỏi sợ hãi đời sau?”

Hãy chánh trú lời, ý,

Thân nghiệp chớ làm ác.

Nếu an trú trong nhà,

Với tài sản dồi dào,

Hãy tín tâm, nhu hòa,

Chia tài sản, hòa nhã.

An trú bốn pháp này,

Không sợ hãi đời sau.

Tùy chỗ tùy lúc mà câu trả lời của Đức Phật cho một câu hỏi không giống nhau. Nhìn tâm tư người hỏi ở đây Ngài trả lời: Người cư sĩ an trú trong bốn pháp.

“Vācaṃ manañca paṇidhāya sammā,

Kāyena pāpāni akubbamāno;

Bavhannapānaṃ gharamāvasanto,

Saddho mudū saṃvibhāgī vadaññū;

Etesu dhammesu ṭhito catūsu,

Dhamme ṭhito paralokaṃ na bhāye’’ti”.

‘Saddho’: ‘niềm tin’, ‘đức tin Tam Bảo’, ‘đức tin trong lý nghiệp báo’, ‘pháp môn tu học’. Có người tin Phật Pháp Tăng và họ hành theo. Có người tin Phật là bậc đại trí tuệ nhưng lại thờ ơ với những pháp môn, ví dụ họ không bố thí. Có người coi nhẹ trì giới, coi nhẹ những thiện nghiệp khác trong thập thiện, không quan tâm đến việc điều chỉnh tri kiến. Mình hoàn toàn không có lý do nào để yên lòng với cái biết cái hiểu của mình trong Phật pháp hết, chỉ có Tu-đà-hoàn trở lên thôi, chớ như mình phải thường xuyên quan sát xem cái biết cái hiểu của mình có gì cần phải sửa sai không. Thuộc lòng Tam Tạng chưa đủ để đi tới đâu, chỉ hơn được cái người không thuộc thôi, còn thấm thía câu Phật ngôn lại là chuyện khác. Dĩ nhiên người thuộc lòng Tam tạng sẽ có điều kiện thấm thía hơn mình, khi họ đang suy nghĩ bài kinh này thì những bài kinh khác liên quan sẽ lởn vởn trong đầu cho họ đối chiếu. Tôi nói thuộc Tam Tạng cũng chưa tới đâu nghĩa là thuộc lòng như kiểu thuộc lòng bài Namo Tassa mà không hiểu ý nghĩa gì hết thì cũng bằng không. Quí vị có hiểu bài Namo Tassa nói gì không? Sau buổi giảng hãy vào Thanh Tịnh Đạo phần Định xem người ta giảng Bhagava là gì, Ứng cúng Arahaṃ là gì, Samma sambuddho là gì, nếu không hiểu được ba chữ đó thì khi đọc có khác gì ngoại đạo đọc thần chú, đọc bùa? Ngồi đọc kỹ lại trong Thanh Tịnh Đạo, phần giảng về 10 Pháp tùy niệm, phần niệm Phật; phần Ân Đức Tam Bảo, bài Itipiso, giảng từng ý nghĩa của mỗi hồng danh trong đó, Thiện Thệ, Thế Gian Giải là gì, bài Svakkhato, thế nào gọi là Sandiṭṭhiko. Pháp của Đức Thế Tôn là pháp tự mình nhìn thấy chứ không phải vay mượn copy từ người khác; thánh trí là phải tự mình thân nghiệm và thể chứng. Tôi thật sự không hiểu được tại sao mình ăn uống cẩn thận mà đời sống tinh thần mình lại bất cẩn, thầy nói làm sao nghe vậy rồi về đổ thừa “cư sĩ có biết gì đâu”. Tại Thụy Sĩ này có một cô tốt nghiệp đại học, quy y từ 1986, mà cổ không hề học giáo lý suốt 20 năm trời. Lâu lâu tăng ni ghé về thì cũng vô nghe ba mớ rồi thì thôi. Thưa thiệt với bà con, tôi không phải là bác sĩ, dược sĩ hay là bệnh nhân nan y nhưng đọc báo thấy người ta nói về dược tính của khổ qua, đậu nành, trà xanh, nhàu, lá bình bát, thấy cái nào cần cho tôi là tôi đi đọc thêm chỗ này chỗ nọ chớ tôi không thể nào nhắm mắt nhắm mũi theo bài báo đó được. Mình không thể là con chuột bạch cho người ta làm thí nghiệm. Cái mạng của mình đâu phải giẻ rách đâu mà coi rẻ như vậy. Ấy vậy mà có biết bao nhiêu kẻ là Phật tử trên hành tinh này đã đang và sẽ hành xử như vậy đó, tự cho mình quyền dốt Phật pháp, rồi tự cho mình cái quyền làm nô lệ của tăng ni rồi đổ thừa “tôi là cư sĩ nên tôi không thể chọn lựa được”. Đây là cái nghiệp hành chúng sinh phải khổ chớ không có cách nào có thể biện hộ cho chuyện đó được.

Bài kinh này nói rằng đối với người cư sĩ việc điều chỉnh tri kiến rất là quan trọng, thường xuyên sửa chữa, muốn có được vậy thì ở đâu, phải dựa vào bốn pháp tín tâm, tức là niềm tin. Tin ở đây không phải là cuồng tín, mê tín, tà tín, bạ đâu tin đó mà phải là chánh tín, tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin nghiệp báo, tin pháp môn mình đang tu.

‘Mudū’: ‘mềm’, ‘hadayo’: ‘trái tim’.

‘Muduhadayo’: ‘tim mềm’ (nghĩa đen), luôn biết nghĩ tới người khác (nghĩa bóng), anuddayā:luôn nghĩ đến người khác. Trái tim mềm là không phải trái tim gỗ đá, mà phải là biết mềm lòng, biết trắc ẩn trước cái khổ của người khác. Xưa tôi đi xe đò, thấy mấy đứa nhỏ nhà nghèo, má nó xách giỏ mặc áo rách, mấy đứa nhỏ mang dép cột dây kẽm nhìn đứa khác ăn cà rem, má nó lấy nón lá che lại không cho nhìn nữa. Tôi nhìn cảnh đó tôi xót lắm. Ở VN có màn dạy con lạ lắm, cha mẹ thì lấy tay cú trên đầu con mình. Tới ngày đi ra nước ngoài tôi mới thấy đó hình như là cái nghiệp của dân tộc mình nó khiến như vậy, ngoài cái họa bị người ta dối gạt về chính trị tôn giáo thì đạo đức gia đình cũng là cái họa của dân tộc. Có những cảnh như đêm tối trời mưa nhìn ra đường thấy bà cụ trùm áo tơi bưng thúng gì đó đi bán, hoặc cảnh vợ chồng gây gổ nhau, hoặc cảnh bệnh nhân nằm la liệt trong bệnh viện bị đuổi lên đuổi xuống v.v… trắc ẩn trước những cảnh đó là có trái tim mềm.

‘Saṃvibhāgī’: ‘chia sẻ’ = ‘bhaj’: ‘chia sẻ’.

Xem lại bài học gần đây nhất: Người có tài sản nhiều đem cho nhiều thì cũng bình thường thôi, khi mình không có bao nhiêu mà lòng vẫn nghĩ đến người khác thì ý nghĩa của nó lớn gấp ngàn lần. Bà Theresa nói: Ta có thể không làm được việc lớn nhưng ta có thể làm những việc nhỏ với trái tim lớn. Một ông ký giả người Mỹ đi qua Nepal nhìn thấy một cảnh mà thay đổi cả cuộc đời: một bà cụ ăn xin đang đói, có người mua cho bà khúc bánh mì, một con chó chạy ngang đứng nhìn bà, bà bẻ đôi khúc bánh mì cho con chó và ăn nửa phần bánh mì còn lại. Ông ký giả giật mình, ông nghĩ là ở Tây Phương mà có hành động vậy phải là người có tiền, trong khi bà cụ này chia sẻ phần thức ăn cho con chó không phải là của bà, chia sẻ như chia sẻ cho một con người. Giá trị con người là ở chỗ mình cho ra chớ không phải nhận được. Niềm vui của việc cho lớn hơn chuyện nhận gấp nhiều lần. Ví dụ tôi cho quí vị một món quà, cái đồng hồ chẳng hạn, người nghèo sẽ xúc động lắm, nhưng niềm vui đó kéo dài ba hoặc sáu tháng, một thời gian sau cái đồng hồ hư, và niềm vui kết thúc. Còn nếu như một ngày nào đó quí vị giúp cho ai đó một số tiền nhỏ vào lúc họ ngặt nghèo, năm năm mười năm, bốn mươi năm sau, nhớ lại chuyện đó quí vị vẫn vui. Có cơ hội để cho ra, vui lạ lắm, nói theo trong kinh thì chỉ người đại phước mới vui được niềm vui kiểu này, vui được khi họ hành thiện, vui được khi họ thương người khác; chỉ có người đại phước họ mới coi nặng nhân lành hơn quả lành. Người thiếu phước thiếu trí thì chỉ thích quả lành chớ không coi nặng nhân lành. Những ai ngã chấp nhiều, coi mình quan trọng thì nhớ bố thí theo kiểu này: Cái giá trị của mình tùy thuộc cái mình cho ra. Ta còn có cái cho ra nghĩa là ta còn có chút giá trị giữa cuộc đời này. Nếu có bị nhờ cậy hay bị lợi dụng, thì cũng nên vui vì trên đời này mình còn có gì để cho ra. Khổ thay trên đời này mình không còn gì để kẻ khác lợi dụng, nhờ cậy; khi mình không còn gì để chia sẻ người khác nữa thì sống làm gì.

‘Vadaññū’ = yuttakàlam jànàti: ‘tùy thời hành xử’.

Tây Phương có câu hay lắm: Tây Phương có câu hay lắm: “Trong việc nào cũng có thời điểm lý tưởng của nó”. Ở Vĩnh Long tôi có quen một gia đình, ai cũng tin Phật tin pháp, mỗi lần tôi về họ mời tôi thuyết pháp, đối với tôi là một cực hình, con nít lao xao quá, tôi bảo để tụi nó đi ngủ, nhưng họ nói phải tập cho tụi nó ngồi nghe. Tôi nói, mấy đứa nhỏ la hét vậy sao tôi nói chuyện được. Muốn hướng dẫn Phật pháp cho tụi nó thì phải dịp khác chớ giờ tụi nó đang cơn phá. Tùy thời hành xử là vậy, lúc đang bố thí thì bố thí, lúc đang thiền thì chuyên tâm thiền, lúc nghe pháp thì im lặng nghe pháp, không thể nào đang thiền đi bố thí. Chuyên tâm là chuyện tốt, nhưng còn phải tùy thời nữa. Trong 38 pháp an lành có câu: tùy thời nghe pháp và tùy thời đàm luận pháp.

Kālena’: ‘đúng lúc hành xử’. (in proper time; at the right moment).: ‘đúng lúc hành xử’. (in proper time; at the right moment).Tùy thời là khi có lòng nghi hoặc lập tức đi hỏi liền, đừng để lòng nghi hoặc kéo dài; hoặc khi lòng mình thấy tham, sân, nghi hoặc nhiều quá thì nên đi nghe pháp để thấy lòng bớt tham, bớt sân, bớt si. Lúc nào cho công việc nào, và biết lúc đó công việc nào cần kíp nhất. Trên đời có ba hạng người chết mà lòng không yên: 1. Làm quá nhiều việc ác, 2. Làm quá ít điều thiện, 3. Còn những điều dang dở chưa xong (Tăng Chi). Đời sống quá ngắn ngủi nên phải tùy lúc hành động để khi ra đi không còn tiếc nuối nữa.

Có câu chuyện, một giáo sư đem vào lớp học một cái lọ, những hòn sỏi, dăm gỗ vụn, cát và bảo học trò bỏ hết vào lọ để cắm một bình hoa. Học trò bỏ vào không hết vì không biết cách bỏ những thứ nào vào trước, thứ nào vào sau. Phải bỏ những thứ lớn vào trước, cát và nước sau cùng. Cuộc đời cũng vậy, phải biết ưu tiên việc nào, lúc nào cho việc nào, tùy thời mà hành xử. Những ai khéo tay cứ chưng thử bình hoa như vậy đi, sẽ thấy đẹp lắm. Cách đây mấy tháng tôi có đốn mấy cây thông sau nhà, cắt khúc rồi mà mấy ngày vẫn còn tươi, dáng thân cây rất đẹp, tôi đem ngâm nước rồi bỏ quên. Ba tháng sau tôi bỏ nó vào cái chậu cùng với mấy hòn đá mà rất đẹp. Nó đẹp vì nó được đặt đúng chỗ. Áo quần đẹp cũng vậy, không phải đẹp vì chất liệu vải, mà vì sự vừa vặn, vừa vặn là đúng chỗ. Điêu khắc gia Rodin có nói bí quyết điêu khắc của ổng là bỏ đi những thứ thừa cái còn lại chính là tác phẩm; đời sống này cũng vậy, bỏ đi những chỗ thừa. Tu hành là quá trình điêu khắc nội tâm, điêu khắc đời sống, bỏ đi những cái không cần thiết, không tiếp tục nói những chuyện tào lao, làm những chuyện tào lao nữa. Bởi vì khi “không có gì để nói người ta sẽ nói bậy, khi không có gì để làm người ta sẽ làm bậy” (Voltaire). Đời sống là phải có sự gạn lọc, chọn lựa, trân quý thời gian, tùy thời hành xử. Bài học từ bài kinh này: Giữa một cuộc sống có quá nhiều điều sợ hãi, người cư sĩ sống đúng như bốn pháp này thì chuyện đời sau kiếp khác nếu có cũng không có gì phải sợ hãi, và hiện tại cũng không sợ hãi. Có niềm tin thì trời có sập xuống tôi vẫn là người cư sĩ hành thiện, luôn sống bằng trái tim vị tha, bớt nghĩ về mình thì lòng sợ chết sẽ ít đi. Bằng chứng là những bà mẹ không còn nghĩ bản thân mình, chỉ nghĩ đến con, Bồ Tát cũng vậy, tu Ba-la-mật đến mức độ nào đó thì chuyện người ta ghét, người ta hại mình không đủ làm cho mình giận nữa, vì họ nhìn chúng sinh bằng tâm hồn của người mẹ. Chúng ta không tin Phật vì có những chuyện nhẹ nhàng ở Ngài mà chúng ta không biết, đó là lòng từ, Ngài đã thương chúng sinh khác như mẹ thương con từ khi chưa thành Phật. Đại bi thì sẽ có đại dũng, và phải có đại trí. Có cái hiểu sẽ thương, mà thương rồi không sợ nữa. Một bí quyết quan trọng để không sợ chết là đừng coi nặng mình nữa. Ngay từ hôm nay hãy thực tập một pháp môn: quan sát mình như đang nhìn người khác. Đừng viện lý do rằng mình còn phải lo cho người này người kia trong gia đình mà không thực hành tu tập, nếu mình lăn đùng ra chết thì ai lo cho những người khác.

KHÔNG GIÀ

Najīratisutta

Bài kệ này do một vị Trời hỏi Đức Phật

“Ai già, ai không già?

Thế nào gọi phi đạo?

Vật gì chướng ngại pháp?

Vật gì đêm ngày diệt?

Vật gì uế Phạm hạnh?

Vật gì tắm không nước?

Ðời bao nhiêu lỗ trống,

Trên ấy, tâm không trú?”

Diễn theo văn xuôi: Trên đời này cái gì cũng có lúc cũ, lúc bị già, nhưng có cái nào không già không cũ hay không? Thế nào là phi đạo,nghĩa là đường đời muôn vạn lối, có nhiều cách để mình làm giàu và có nhiều cách để mình trở nên nghèo đói, có nhiều cách làm cho mình nổi tiếng, và có nhiều cách làm cho mình tai tiếng, có nhiều con đường làm cho mình hạnh phúc nhưng cũng có con đường làm cho mình đau khổ; trong tất cả những con đường đó, con đường nào bậy bạ nhất mình phải tránh? Trên đời có muôn ngàn chông gai trở ngại, nhưng cái gì trở ngại đáng sợ nhất? Cái gì ngăn trở cho mình đời này kiếp khác một cách ghê gớm nhất, cái gì làm cho mọi thứ không trôi chảy lưu thông nữa? Cái gì làm cho đời sống mình ngày một ngắn hơn (vật gì đêm ngày diệt)? Đời sống phạm hạnh tối kỵ cái gì? Tắm phải cần nước, có cách nào làm sạch không cần nước? Đời có bao nhiêu cái khuyết điểm mình cần phải khắc phục? Chữ ‘khiếm khuyết’ở đây ngài Minh Châu dịch là ‘lỗ trống’.

Tất cả mọi thứ trên đời này hễ có hình thức thì chắc chắn có lúc nó cũ, già cỗi. Nhưng tên gọi, danh xưng thì không, không có cũ, hoặc là nó nổi như cồn hoặc người ta không nhắc đến nó nữa, chứ nó không bị trầy xước héo úa như món đồ, như đóa hoa. Bao nhiêu thời gian trôi qua, khi Đức Phật nhắc lại 4 a-tăng-kỳ về trước, có Đức Phật Nhiên Đăng, 20 a-tăng-kỳ về trước có Đức Phật Tanhankaro, khi Ngài nhắc tới thì tất cả mọi thứ trở lại như trước, vẫn mới toanh. Từ chỗ này dẫn đến cho mình một gợi ý khác trong đời sống là muốn trường sanh bất lão mà làm lăng mộ thì không bằng tìm cách lưu danh thiên cổ. Ở tại VN có lăng mộ nào qua bốn thế hệ mà vẫn còn người sau chăm sóc? Rất hiếm! Vì gia đình có tiền, vì mặt mũi mà học chăm sóc phần mộ chớ còn người hôm nay chăm sóc người nằm dưới mộ cách họ bốn thế hệ thì còn tình cảm gì nữa. Nếu nghèo thì họ cũng sẵn sàng bán đất bán lăng mà sống, nếu giàu mà bỏ xứ đi nước ngoài được thì mấy nấm mồ này cũng không ai coi ngó. Muốn được trường tồn cùng trời đất trăng sao thì phải để lại tiếng chứ bao nhiêu tượng đài, mồ mả lăng mộ thì rất là trẻ con, phù phiếm. Tôi là người VN, không phải là người Tàu, có thành kiến về Chúa, ấy vậy mà đối với ông Tôn Dật Tiên, tôi vẫn tôn trọng, quí mến vì ông là người không danh không lợi chỉ biết lo cho đất nước; và Thánh Gandhi là hai. Còn nhiều người nữa cũng có công đất nước mà tôi không có trọng bằng đó là ông Nasser (Ai Cập) cha đẻ kênh đào Suez, hoặc ông Lý Quang Diệu của Singapore, hoặc Washington của Mỹ, Charles de Gaulle của Pháp, đó là những người không cần tượng đài, không cần lăng mộ, không cần ướp xác mà đời đời hễ dân tộc đó còn, đất nước đó còn, thì công ơn tên tuổi của họ vẫn còn đó. Tất cả những gì thuộc về hình danh sắc tướng đều mong manh phù du sương khói ngắn hạn nhưng tiếng đời vẫn còn đó hoài, như Đức Phật Tanhankaro cách mình 20 a-tăng-kỳ 100 ngàn đại kiếp rồi mà khi cần nhắc lại thì vẫn mới tinh khôi như thuở nào.

Trên tay tôi cầm cuốn Đạo Đức Kinh của Lão tử, Nam Hoa Kinh của Trang Tử, tuy họ là người Tàu, không phải là PG, nhưng đặc biệt, đây là những tên tuổi mà tôi muốn nhắc tới, vì họ có đóng góp rất là lớn cho những suy tư của tôi và những người trên thế giới này. Tôi nhắc ở đây là vì muốn nói rằng cái gì cũng phù du, chỉ có những giá trị tinh thần mới thực sự tồn tại. Tôi không thích Trung Quốc nhưng trân trọng những cuốn sách đó vì nó có giá trị tinh thần.

“Tham dục gọi phi đạo”. ‘Uppatha’: ‘sai đường’. Ai cũng ham sướng sợ khổ, nhưng còn ham sướng sợ khổ thì còn luân hồi. Còn tham ái thì còn luân hồi, còn luân hồi thì còn sa đọa; cơ hội sa đọa nhiều gấp hai ngàn tỷ lần cơ hội sanh thiên. Con rùa mù một trăm năm ló lên mặt biển, chui đầu vào chiếc lỗ trong tấm ván, một xác xuất vô cùng bé cho việc có được thân người. Số lượng con người trên hành tinh này tuy đông nhưng so với những sinh vật khác mình đếm không được thì số bảy tỷ người không là bao. Có bao nhiêu người biết suy tư thiện ác, biết sống vì người khác trong số bảy tỷ người đó? Tham ái chính là con đường lầm lạc (phi đạo)

“Tham ái, chướng ngại pháp”. Chính vì tham ái nhiều quá nên con đường sanh thiên và con đường giải thoát bị cản trở rất nhiều. Muốn sanh về trời thì cái muốn đó đã là tham. Muốn thì mình hành thiện, khi hành thiện thì phải có lòng buông bỏ, không buông bỏ thì không thể bố thí trì giới hành thiền được, vì vậy tham ái chính là chướng ngại pháp.

“Tuổi tác đêm ngày diệt”. Dựa vào đâu mà biết thời gian đang trôi? Được gọi là bốn mùa vì có cây cối, ao hồ sông rạch. Nếu trong hư không vô cùng vô tận không đất đá cây cỏ sinh vật dựa vào đâu mà biết mùa xuân mùa hạ hay mùa thu mùa đông. Phải có cái gì làm điểm tựa mới có thể kể được thời gian. Đêm ngày được xác định qua tuổi tác con người. “Tuổi tác đêm ngày diệt”, “vayo rattindivakkhayo”, chính tuổi tác con người làm cho ngày và đêm trôi qua; hay nói khác đi phải dựa vào tuổi tác thì mới biết ngày và đêm trôi mất đi. Nếu nói ai đó sống được bao nhiêu tuổi thì có thể đếm được bao nhiêu ngày đêm đã trôi đi. Chữ ‘vayo’ có nghĩa là ‘tuổi tác’ và còn có nghĩa là ‘tiêu tan’, ‘băng hoại’.

Trong tiếng Anh, họ hỏi giờ như thế này: “What time is it?”. Tiếng Đức hỏi hay hơn: “Wie spät ist es?” nghĩa là “Đã trễ bao nhiêu rồi?”. Một thiền sư Đại Hàn khi học trò đến mách ông chuyện gì mà ông thấy chuyện tào lao, ông trả lời có một câu: “Bây giờ mấy giờ rồi?”. Khi người ta trả lời thì ông sẽ đáp lại: “Trễ rồi!”. Từ từ tất cả đệ tử của ông bớt “tào lao sự” chỉ nhờ câu trả lời của ông. Cuối cùng cũng có người hỏi vị thiền sư vì sao chỉ trả lời như vậy, ngài trả lời: Bộ không thấy hả, đồng hồ luôn luôn đi tới, một phút đi qua không bao giờ trở lại, trong từng phút chúng ta đang bị trễ, vậy mà còn lo chuyện tào lao.

“Nữ nhân uế Phạm hạnh”, tất cả những đại nhân vật từ vị Chánh Đẳng Giác xuống, miễn là người nam đi tu bao giờ cũng có bóng dáng của phụ nữ lấp ló. Dĩ nhiên đối với Đức Phật hay các vị thánh thì chuyện đó là vô nghĩa. Con gái của Ma Vương từng quấy phá Đức Phật. Nữ nhân vì thương muốn đến cũng có, vì muốn phá cũng có, kẻ lân la lui tới để hỗ trợ thì nữ cũng nhiều hơn nam, và kẻ đe dọa phạm hạnh của Sa-môn cũng là phụ nữ. Người nữ chỉ là ‘cấu uế’ phạm hạnh chỉ khi nào mình mở cửa, mình đón họ, khi đó họ mới được xem là đe dọa cho phạm hạnh. Họ chỉ là sự đe dọa khi mình không có phòng thủ.

“Khổ hạnh và Phạm hạnh, Là tắm không cần nước”. Sự tu tập trong đời sống nội tâm được xem là tắm không cần nước. Tu hành là làm sạch, làm mất đi những gì làm cho mình bất tịnh, cấu uế. Đây là cách tắm duy nhất không cần nước.

“Sáu lỗ trống ở đời, Trên ấy, tâm không trú. Biếng nhác và phóng dật”

“Cha lokasmiṃ chiddāni, yattha vittaṃ na tiṭṭhati; Ālasyañca pamādo ca, anuṭṭhānaṃ asaṃyamo; Niddā tandī ca te chidde, sabbaso taṃ vivajjaye”

Sáu khuyết điểm (chiddā: lỗ trống) trong đời sống phàm phu mà mình phải khắc phục (“6 lỗ trống phải lấp đầy”) đó là:

1. Ālasya: ‘lười biếng’ (cách hai, số ít, thành ālasyam, cộng với iti thành ālasyanti). Biếng nhác là nằm, ngồi một chỗ không muốn xê dịch.

2. Pamādo: ‘dễ duôi’ trong phiền não. Khi trong nội tâm có tham sân, cứ để mặc tình nó tới nó đi chớ không chánh niệm tỉnh giác. Sống như ý mình thích, không có sự can thiệp của thiện pháp

3. Anuṭṭhānaṃ: ‘không tinh tấn’, ‘không nỗ lực’. Có bốn sự tinh tấn: thận, trừ, tu, bảoThận là ngừa điều xấu chưa xảy đến. Trừ là sự nỗ lực ngăn chặn điều xấu đang có, là nỗ lực phát triển điều tốt đẹp chưa có, làm cho nó phát sinh. Tu cần là nỗ lực tìm thêm việc tốt trước đây chưa có. Bảo là gìn giữ sự tốt đẹp không để mất.

4. Asaṃyamo = asaññamo: ‘không tự chế’ (HT Minh Châu dịch là ‘không giữ giới’: sīlasaññama, buông trôi, thả nổi tam nghiệp). ‘saññamo’=‘saṃyamo’:‘tự chế’, self controlling, self taming. Train (Eng) = tame = dama (Pāḷi)

5. Niddā: ham ngủ nghỉ. Ngủ cũng là một thứ phiền não

6. Tandī: Sự mệt mỏi (aticchāta).

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app