Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 1 – Chương 2: Tương Ưng Thiên Tử – Phẩm Cấp Cô Độc

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 1

Chương 2: Tương Ưng Thiên Tử

Phẩm Cấp Cô Độc

CÁC NGOẠI ĐẠO SƯ (Nānātitthiyasāvakasutta)

Trong kinh Tương Ưng mình đang học thỉnh thoảng cũng có những bài kinh tương tự thế này. Đôi khi Đức Thế Tôn có những cuộc thăm viếng. Ở đây các vị Thiên tử từ cõi Trời đi đến chùa Trúc Lâm để lễ Phật, gặp Phật, hầu Phật. Còn trong những bài kinh khác thì thỉnh thoảng Đức Thế Tôn thăm viếng các cảnh giới Phạm thiên hoặc các cõi Dục Thiên, ở đó Ngài cũng có cuộc gặp gỡ với nhiều vị đang sống ở đó. Chẳng hạn như có lần Ngài đến cõi Đao Lợi, hoặc cõi Phạm Thiên, có những vị đến hầu ngài và họ xác nhận rằng: Con là đệ tử của ai, của ai… nhất là cõi Phạm thiên. Chúng sanh ở Phạm Thiên sống lâu nhiều kiếp trái đất, họ nói con là đệ tử của Đức Phật Vipassī, con là đệ tử của Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Koṇāgamana), con là đệ tử Phật Ca Diếp và có những vị xác nhận con chính là đệ tử của Thế Tôn. Chuyện đó xảy ra nhiều lần trong đời Đức Phật, khi Ngài có những cuộc thăm viếng. Chữ “thăm viếng”của Đức Phật không có nghĩa giống như chúng ta, chúng ta có thể vì thích vì tình riêng mà đi, còn Đức Phật thì đi vì duyên sự độ sinh. Biết sự có mặt của Ngài ở nơi chốn nào đó mà mang lợi lạc cho người ta Ngài mới đi.

Trong bài kinh này, các vị Thiên tử hầu hết là những vị du sĩ ngoại đạo, đệ tử của du sĩ ngoại đạo đến hầu Phật. Vì sao du sĩ ngoại đạo lại sanh thiên? Theo quan điểm tôn giáo, chính trị xã hội nào đi nữa mà nếu như chúng ta sống thiện, hành thiện, yêu điều thiện, ghét điều ác thì một cách rất là tự nhiên, sau khi mạng chung mình vẫn đi về cảnh giới tương xứng với con người của mình. Còn chuyện về lâu về dài của hành trình giải thoát thì ai có trí tuệ nhiều, ai có chánh kiến thì dĩ nhiên tốt nhất, còn trong cuộc sinh tử luân hồi, ai làm tròn yêu cầu, có nhiều phước báu, công đức, thì bớt được thời gian làm bậy, giống như tủ quần áo đựng đồ cũ nhiều quá thì không có chỗ cho đồ mới còn đựng đồ mới nhiều quá thì không có chỗ cho đồ cũ đồ rách. Những vị này là ngoại đạo nhưng họ cũng có thể sanh thiên. Trong số đến hầu Phật có một vị tên là Mānava Gāmiya, trước khi về trời thì ông là đệ tử của Đức Phật. Ở đây không có gì cần giải thích, trong chú giải thì mênh mông hà xứ nhưng cũng không có gì đặc biệt.

Tâm bị ám (nhập)

Ở đây, có những vị tán thán Đức Phật. Có một vị Thiên tử tên là Vetambarī bị Ác ma ‘nhập’, HT Minh Châu dịch theo ngôn ngữ tiếng VN của mình, ‘nhập’ là ‘dựa vào’. Hiểu theo A-tỳ-đàm là ‘nhập’ ở đây có nghĩa là người ta dùng thần thông tác động vào tâm của mình. Có một số điểm lưu ý ở đây:

Đức Phật hoằng pháp 45 năm, Đản Sinh ngày rằm tháng Tư, Thành Đạo cũng rằm tháng Tư, 45 năm sau, niết-bàn cũng rằm tháng Tư. Rằm tháng Giêng, ba tháng trước khi Ngài tròn 80 tuổi, Ác Ma Thiên tử xuống thỉnh Đức Phật viên tịch Niết-bàn, Ngài đã nhận lời. Trước khi Ác Ma Thiên tử xuống, Đức Phật có nhiều lần gợi ý ngài Ānanda một chuyện, đó là, người như Ngài, nếu muốn có thể sống thêm ít lâu. Trong kinh nói là Ác Ma Thiên tử dùng thần thông tác động cái tâm ngài Ānanda làm cho ngài nghe Đức Phật nói vậy mà ngài không hiểu. Suốt nhiều lần như vậy. Tâm bị ám: pariyuṭṭhāti.

Một lát nữa mình sẽ học về một vị vua tên là Ba-Tư-Nặc (Pasenadi Kosala), ông vua này có một bà hoàng hậu rất thương. Ông tới hỏi Đức Phật một số vấn đề, khi duyên chưa tới, chưa đến lúc cần trả lời thì Đức Phật dùng thần thông tác động cho ông quên chuyện đó đi. Kinh điển Nam Tông định nghĩa rõ chữ ‘nhập’ ở đây là vậy đó, dùng thần thông tác động lên hệ thần kinh của người ta. Đối với nhân loại thì tạo cho họ một âm thanh một hình ảnh nào đó hướng dẫn suy nghĩ của họ về hướng khác, còn chư thiên không có hệ thần kinh giống như mình thì cũng dùng thần thông tạo âm thanh hình ảnh để cho họ phóng tâm. Ở đây, các vị Thiên tử đến hầu Phật, mỗi vị nói lên cảm nghĩ của mình, riêng một vị Thiên tử tên là Vetambarī bị Ác Ma dùng thần thông tác động lên tâm của ông để ông nói lên một điều trớt quớt, đi ngược tinh thần Phật pháp. Đại ý của các bài kệ này, theo Chú giải thì tuy đệ tử các ngoại đạo khi sanh về trời, họ có điều kiện để nghe pháp, có điều kiện tiếp xúc bậc hiền trí nhiều hơn cõi Người, do đó khi họ xuống hầu Phật, họ phát biểu rất là PG, dù họ là ngoại đạo. Ở cõi Người, cơ hội đi lại học hỏi không nhiều, và trong cái không nhiều đó, A khác B. Ví dụ trong thời đại này, người trong nước không có điều kiện nghiên cứu học hỏi hoặc tiếp cận các nguồn tài liệu phong phú như người ở hải ngoại.

Nội dung bài kệ này cũng là vấn đề tu tập nhưng ở đây có những khía cạnh mà tôi bận tâm:

-Định nghĩa thế nào là chữ “nhập”.

-Dầu cho mình đi theo tôn giáo nào đi nữa mà có lòng hướng thiện và hướng thượng thì cuối cùng trăm sông cũng đổ về biển cả, cũng trở về con đường giải thoát.

-Dầu mình là ai đi nữa nhưng nếu sống trong môi trường có điều kiện đi lại và học tập thì hy vọng của mình vẫn tốt.

Trong kinh nói trên cõi Trời mỗi nửa tháng là có một buổi pháp hội do các vị Phạm Thiên hoặc Thiên tử có khả năng thuyết giảng y như dưới cõi này. Khi sinh làm người, lòng mình rộng rãi (không nói riêng về vật chất; ở đây nói về người không cố chấp, người có tâm hồn thoải mái không tự đóng khung làm khó mình bằng những quan điểm cố chấp) thì mình có nhiều cơ hội học hỏi và mai mốt đi về cảnh giới nào cũng có cơ hội học hỏi nhiều hơn người khác. Tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều người mà nhìn họ tôi ngộp thở không được, tôi thấy những quan điểm về gia đình, xã hội, chính trị, văn hóa có vẻ tự bế, tôi sợ, họ khư khư không có cởi mở. Mọi học thuyết trên đời này chỉ là những giải pháp tạm thời, mọi công thức mọi nguyên tắc cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Không có gì bậy cho bằng ôm khư khư một vài công thức của tôn giáo chính trị và thờ phụng coi như nó là chân lý đời đời bất diệt rồi sống chìm sâu trong đó trong khi cuộc đời thì không ngừng thay đổi. Vào thời điểm đó, học thuyết đó, chủ nghĩa đó xài được, nhưng vào thời điểm khác thì không như vậy. Bài kinh này mở ra cho mình nhiều vấn đề để lưu ý. Bài kinh này chủ yếu là tán thán, có vị nói rằng trong tất cả thiên hạ trên đời này không ai bằng sư phụ của mình, có vị nói không ai bằng Đức Phật trong tất cả thiên hạ trên đời này.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app