Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 3 – Chương 1: Tương Ưng Uẩn – Phẩm Hoa

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3 

Chương 1: Tương Ưng Uẩn

Phẩm Hoa

DÒNG SÔNG (Nadīsutta)

Bài kinh này mà đọc chánh kinh thì ngán lắm, vì dài mà ngôn ngữ thì khô khan. Không khô sao được, đây là bài giảng của vị Chánh Đẳng Chánh Giác thuyết cho những vị đại căn đại duyên thì làm gì có hoa lá cành, hơn nữa Ngài nhìn thẳng vào bản tâm người nghe chớ đâu phải nói cho người ta thích. Thế Tôn chữa bệnh, châm cứu ngay huyệt. Hôm nay ta nghe pháp chỉ là ăn một mâm cơm có vài lá thuốc nam. Ngày xưa Đức Phật và thánh tăng thuyết pháp theo cách châm cứu. Hôm nay chúng ta nghe pháp là ăn bánh xèo rất ngon miệng, có vài lá thuốc nam, hên lắm thì có chút thuốc vào người để chữa bệnh, còn ngày xưa thì thuyết pháp là châm cứu, Đức Phật nhắm ngay cái huyệt mà châm thôi. Vì vậy đọc chánh kinh ngán lắm.

Ở đây, Ngài vẽ ra một bức tranh. Đức Thế Tôn hoàn toàn có thể nói gọn hơn một chút nhưng vì nhìn vào bản tâm của người đang nghe, Ngài vẽ một bức tranh đầy kịch tính và nhiều tác dụng minh họa, đánh đố tâm lý như thế này: Hãy giả định như có một dòng sông lớn đang chảy xiết, có một người lọt xuống sông. Trong tâm trạng hoảng loạn của một người tham sống sợ chết, họ gặp cái gì họ cũng nắm níu lấy. Trong bài giảng trước đây tôi có nói một ví dụ trong kinh, dù mình có sợ ma cách mấy, nhưng khi bơi trên biển đã kiệt sức rồi thì, dù phải bám vào xác chết mình cũng phải bám. Ở đây cũng vậy, một người sắp chết đuối trên sông thì gặp gì cũng phải vơ lấy để bám. Giả sử lúc đó bên bờ sông có những bụi cỏ thòng xuống, nếu trong tầm tay thì người ta sẽ chụp lấy, Đức Thế Tôn vẽ bức tranh như vậy. Chúng sinh trong đời này, nếu chịu khó bình tâm lắng lòng thì thấy mình giống y như người sắp chết đuối. Từ lúc 1 ngày tuổi cho đến 100 tuổi luôn luôn giống nhau ở điểm là phải tìm cái gì đó để nắm níu. Đời sống chỉ có hạnh phúc và đau khổ, chúng ta lúc nào cũng giằng co và giành giật bao nhiêu thứ trong đời sống để trốn khổ tìm vui, y như người sắp chết đuối quơ quào kia. Những thứ mình quơ quào đó không nằm ngoài năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

“ubhatotīre kāsādayo viya dubbalapañcakkhandhā”: năm uẩn vốn yếu đuối, mong manh như bụi cỏ ven bờ.

‘Ubhatotīre’: hai bên bờ sông

‘Kāsādayo’: các loại cỏ.

Khi sợ chết đuối người ta quơ đỡ nắm cỏ mong manh. Suốt đời chúng ta cũng quơ đỡ, chúng ta quơ những viên thuốc vì sợ chết, trông cậy vào bài tập thể dục, chuyện ăn kiêng, trông cậy vào khí trời mình hít thở. Chúng ta trông cậy vào tình cảm gia đình, tình bạn bè láng giềng, trông cậy vào sự chính xác của bác sĩ, trông cậy vào hiệu quả của thuốc men, trông cậy vào áo quần để cho mình đẹp hơn, để mình tự tin giữa đám đông. Chúng ta phải trông cậy vào phấn son, đồng hồ, dây chuyền, cà vạt, giày dép… Chúng ta phải trông cậy vào xã hội, chính phủ, vào sở làm, tiền bạc, tài chính… Nghĩa là chúng ta phải trông cậy rất nhiều thứ để trốn khổ tìm vui. Y như người chết đuối trông cậy vào nắm cỏ dại hai bên bờ sông, chúng ta trông cậy vào tất cả những gì chúng ta có thể trông cậy được. Chúng ta trông cậy cả cây kim sợi chỉ. Tôi là ông sư mà đi đâu trong vali cũng có cây kim sợi chỉ, nếu dọc dường bị rách cái y thì sao, đến cả cây kim sợi chỉ cũng là chỗ để tôi trông cậy và gởi gắm tâm nguyện bình sinh của tôi, mong sao mình không mặc y rách. Một tu sĩ mà còn cơ man bao nhiêu là thứ để trông cậy nói chi là một người ngoài đời. Bản chất thế giới này là trông cậy. Trong tiếng Pāḷi có chữ:

Paticcasamuppada”: ‘y tương sinh’, ‘duyên khởi’. Tôi dịch chữ này là “do y tương sinh’, ‘duyên khởi’. Tôi dịch chữ này là “do trông cậy (nương đỗ, dựa vào, lean on) nhiều thứ mà tồn tại, hiện hữu, có mặt”.

Xe lửa bên Thụy Sĩ có ghi trên cửa “Do not lean on door” kêu mình đừng có tựa vào vì cái cửa này mở ra mở vô. Tựa vào sẽ bị té khi cửa mở. Đời sống này cũng vậy, từng người trong chúng ta luôn tựa lưng vào cửa xe lửa. Tựa cửa xe lửa đã bậy rồi, trong đời sống chúng ta còn tựa vào nhiều thứ bậy hơn tựa cửa xe lửa nữa. Những người đốt vàng mã, tuy họ u mê, nhưng thật ra chưa biết ai u mê hơn ai, người ta chỉ bỏ ra một ít tiền, mua giấy vàng bạc về đốt rồi xong. Còn mình thì suốt một đời, bỏ ra rất nhiều thời gian công sức và tiền bạc để trông cậy vào những đầu tư mạo hiểm (risky investment) và rất là ngốc ngếch, giống như người ta đốt giấy vàng bạc. Tốn tiền để cầu cái chẳng được gì hết như người tựa vào cửa xe lửa. Ở đây Đức Thế Tôn không dùng hình ảnh tựa cửa xe lửa, hay đốt giấy vàng bạc mà Ngài dùng hình ảnh người sắp chết đuối trông cậy nắm cỏ bên bờ sông. Cả đời chúng ta vay mượn, chúng ta phải trông cậy vào đủ tất cả mọi thứ để thấy mình tồn tại. Bỗng nhiên tôi nhớ ca từ “Một đời cày xới nỗi sầu. Một đời vun xới niềm đau”. Cả đời này mình trốn cái khổ này bằng cách đầu tư cái khổ khác như người chết đuối trông cậy nắm cỏ bên bờ sông, trông cậy vào sự tạm thời và không tin cậy được, chỉ vun xới nỗi khổ niềm đau. Bài kinh này thơ mộng và sâu sắc. Cũng như bài kinh trước, bài kinh này không nói chuyện trên mây mà nói chính xác những gì đang xảy ra tại đây và bây giờ nơi quí vị. Chuyện quí vị đêm nay có qua khỏi hay không tôi cũng không sure lắm. Mình sống được chừng nào mình không biết nhưng mình nghĩ năm nay mình mới có 45, 55, 65; thậm chí 85 họ cũng nghĩ rằng họ chưa đi. Họ tin cậy vào cái gì? Tám mươi lăm tuổi vẫn còn trông cậy vào một mảnh giấy nhỏ xíu của bác sĩ. Chỉ cần bác sĩ nói, cụ còn tốt quá, đường tốt quá, tim mạch tốt quá, không có sao… Chỉ cần mấy câu đó thôi, cộng với tờ giấy xét nghiệm nhỏ xíu trong phòng xét nghiệm gởi ra lập tức một cụ già 85 tuổi vẫn còn yêu đời. Đòi sống này là sự tin cậy, chúng ta trông cậy, tín nhiệm vào những thứ rất đỗi phù du. Bảy mươi tuổi tính năm, tám mươi tuổi tính tháng, chín mươi tuổi tính ngày ấy vậy mà có không ít người cứ dựa vào mảnh giấy nhỏ xíu của bác sĩ mà tiếp tục yêu đời, tiếp tục dễ duôi, tiếp tục lười biếng, tin vào những thứ sâm nhung bổ yến chớ dứt khoát không tin đời sống chánh niệm để mà đi. Giờ đó thì sâm nhung bổ yến giúp được cái gì. Chỉ nuôi cái xác rã rời teng beng từa lưa của mình chớ nó đã là chiếc xe quá cũ. Bài kinh này sâu ở chỗ Ngài nói chuyện gì đang xảy ra ở chúng ta mỗi ngày, mỗi phút mỗi giây và Ngài dạy rằng toàn bộ những trông cậy của chúng ta không có cái nào xài được hết.

BÔNG HOA

Bài kinh này Đức Thế Tôn vẫn tiếp tục nói đến Tam tướng trong năm uẩn. Đức Phật từng dạy rằng: Này các tỳ kheo, ta trước sau trong cuộc đời hoằng hóa độ sinh chỉ nói hai điều: mọi hiện hữu là khổ và con đường nào để chấm dứt hiện hữu để không còn khổ nữa. Trong bài kinh này cũng có nội dung gần giống như vậy. Ngài dạy rằng, khi có mặt trên đời này ngài không hề tạo ra cái gì mới và cũng không chống lại chân lý ở đời. Ngài chỉ phát hiện và đồng tình những gì là chân lý ở đời.

Chân lý thứ nhất là mọi thứ có mặt đều nằm trong Tam tướng, không gì là vĩnh cửu, không gì là hạnh phúc, không gì là ta hay của ta, không gì là đẹp xấu.

Chữ “Chữ “subha” ở đây, mấy chục năm qua người Phật tử Việt Nam được giải thích là ‘sạch’ nên đề mục ‘asubha’ mới được dịch là ‘bất tịnh’. Thật ra ‘asubha’ là ‘bất mỹ’, ‘không đẹp’. Trong tiếng Khmer và tiếng Thái, chữ ‘s̄axād’ (สะอาด) có hai nghĩa, vừa là đẹp, vừa là sạch. Các ngài của mình đem kinh sách từ bên Miên về cho nên một phần các ngài thích chữ gì thì dùng chữ đó; một phần nữa là bên kinh sách Hán Tạng người ta chỉ lấy một trong hai nghĩa, các vị đem cái biết của mình trong tiếng Miên tiếng Thái, dựa vào kinh sách của Bắc Tông – Hán Tạng. Tôi biết tôi nói vậy thì trong room có nhiều người vốn thần tượng các vị trưởng lão ngày xưa sẽ không tin. Người Việt mình có bịnh nặng lắm đó là sợ chân lý, mê hình thức. Chín chục triệu dân VN hôm nay sống khổ như vậy vì chúng ta chỉ có một đời sống chuộng hình thức sợ nội dung, sợ chân lý. Cái gì mà ông lớn, người giàu, người đẹp, người nổi tiếng, người có bằng cấp nói gì là cứ tin. Không phải lúc nào người đẹp, người già, người giàu, người có bằng cấp cũng nói đúng. Mình cứ đi theo lối mòn, cứ chọn chữ ‘bất tịnh’ rồi nói ngài Hộ Tông dịch như vậy, ngài Bửu Chơn dịch như vậy… Bây giờ trên internet đầy các thứ tiếng, sao không chịu đọc mà cứ tin ngài này ngài kia. Cho đến hôm nay, tôi gặp không ít Phật tử gặp tôi là cứ khoe là đệ tử, nghĩa nữ, nghĩa đệ gì đó của ngài này ngài kia. Sao lại quên một điều, cho dù mình có là Đề Bà Đạt Đa đi nữa, thân cận gần gũi với Đức Phật đến bao nhiêu đi nữa trong cái quan hệ dòng tộc, thì Đề Bà Đạt Đa cũng đâu được cái gì, trong khi đó ngài Xá Lợi Phất ngài Mục Kiền Liên đâu có họ hàng gì mà vị trí của các ngài trong giáo pháp này mấy ai sánh được.

Ở đây Đức Thế Tôn dạy thế này:

1. Cái gì mà bậc hiền trí ở đời này đồng thuận với nhau là chân lý thì ta cũng thấy đó là chân lý là sự thật. Cái gì mà bậc hiền trí ở đời này nói đó là sai, là đi ngược với chân lý thì ta cũng đồng thuận với họ.

Đức Phật dạy thế giới này là thế giới của nhân quả. Không phải là ngẫu nhiên, không phải là tác phẩm của ông nào tạo ra hết. Dù mình không có thần thông, không thấy được kiếp trước kiếp sau, thiên đường địa ngục, nhưng nhìn trong đời sống của mình, đố quí vị tìm thấy cái gì nằm ngoài dòng nhân quả. Ví dụ cọng cỏ mọc trên tảng đá cheo leo trên núi, đâu phải do sấm chớp đùng một cái rồi nó có mặt trên đó, phải do nước mưa đẩy cái hạt giống đó từ đâu trôi đến đó, hoặc chim ăn đi ra đó; do nắng, do hơi nước, do sương, do gió mà cọng cỏ mọc được. Một miếng rêu xanh trên tảng đá cũng không phải tự nhiên mà có. Bao nhiêu công trình nhân tạo hay thiên nhên trong vũ trụ trời đất này đều là nhân và quả chớ không phải ngẫu nhiên mà có.

2. Mọi thứ ở đời có rồi mất, ai cũng thấy điều đó. Khoa học hiện đại nhìn nhận mặt trời cũng sẽ có lúc thành tro bụi, trái đất cũng vậy. Bao nhiêu thiên thể còn có lúc thành tro bụi thì có cái gì vĩnh cửu được. Tình yêu, tài sản, quyền lực, sức khỏe, nhan sắc cũng không có gì vĩnh cửu.

3. Đau khổ hay hạnh phúc đều là phù du. Tuy nhiên, hễ anh sống bất thiện thì anh bị đau khổ; anh sống thiện lành thì anh được hạnh phúc, dù hạnh phúc đó là phù du, nhưng nó có thiệt một cách tương đối. Cái gọi là đẹp đối với thằng Tèo, không phải là đẹp đối với thằng Tý; cái ngon của ông A không phải là cái ngon đối với ông B, và cái đẹp của lúc này chưa hẳn là cái đẹp của lúc khác. Trên hết là cái ngon, dở, đẹp xấu, cao thấp… đều do so sánh mà có. Quí vị còn nhớ câu chuyện thiền sư vạch một đường trên đất rồi hỏi anh thiền sinh “đường vạch là dài hay ngắn” không. Toàn bộ Phật pháp nằm trong câu đó. Đường vạch đó không thể nói dài hay ngắn bởi nó cần phải dựa vào cái gì đó để so sánh. Toàn bộ hạnh phúc và đau khổ trong đời sống này là do so sánh mà có. So sánh là tên gọi khác của kiêu mạn. Còn kiêu mạn là còn phiền não, còn sanh tử. Chỉ có La-Hán mới hết kiêu mạn, hết sinh tử.

Một bài kinh khác, cũng Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật dạy, Này các tỳ kheo, dầu cho Như Lai có ra đời hay không thì các pháp hữu vi vẫn nằm trong vòng cương tỏa của vô thường, khổ và vô ngã.

Bài kinh Bông Hoa này Ngài dạy: Cái gì đúng với chân lý thì Như Lai chấp nhận. Cái gì nói đến lý nhân quả, nói đến Tam tướng, nói đến khía cạnh phù du của năm uẩn thì ta cũng đồng ý chớ ta không có chống lại với đời. Chư Phật ra đời không có chống lại thế gian. Dù chư Phật có ra đời hay không thì những sự thật đó vẫn muôn đời là vậy. Chư Phật ra đời chỉ nhắc lại, khơi mở những gì bị che lấp từ lâu. Và ở đâu đó dưới gầm trời này vẫn có những người hiểu Thế Tôn, hiểu chư Phật nói gì và tin, và hành trì để được giải thoát như các ngài. Từ buổi đầu tiên Ngài lên đường đi hoằng pháp ở Isipatana – chỗ vườn nai, lần đó Ngài nghĩ đến ai? Ngài nghĩ đến hai vị đạo sĩ đã chia sẻ với Ngài những năm tháng khổ tu trong rừng khổ hạnh. Họ đã mất rồi. Tiếp theo là Ngài nghĩ đến năm anh em ngài Kiều Trần Như. Ngài thấy rằng họ là người có thể hiểu được lời Ngài dạy. Nghĩa là trên đời này những bậc hiền trí vẫn có tri kỷ tri âm chớ không phải là không có. Hãy nhớ: Cái gì là sự thật thì dầu cả thế giới chống lại nó, nó vẫn cứ là sự thật; cái gì sai sự thật thì dầu cả thế giới tung hô vẫn cứ là sai sự thật. Nói ra thì ai cũng nói rằng tôi biết điều đó, nhưng khổ một chỗ lại toàn sống ngược với câu này. Khi có một đám đông hùa theo thì mình lại tin, còn cái gì có vẻ đơn độc quạnh hiu thì mình lại không tin. Đây chính là điều nguy hiểm và đáng tiếc, nguy hiểm bởi cách nghĩ đó sẽ dẫn mình đến sa đọa và đáng tiếc là cách nghĩ đó làm cho mình mất đi ý nghĩa của một thân người, một kiếp nhân sinh.

Nội dung sâu sắc của bài kinh này: Đã sinh ra đời thì phải biết tôn trọng sự thật. Phật là người thấy sự thật. Trong Ba-la-mật có hạnh chân thật nghĩa là phải biết yêu sự thật. Yêu bằng cách nào? Biết nói sự thật, biết yêu sự thật để mai này thành Phật mình mới thấy được sự thật.

Bài kinh này kêu gọi mình tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý. Ngài nói, Như Lai và chư Phật ba đời nói chung đều tôn trọng sự thật. Sự thật đó là sự xác định lại bản chất Tam tướng của năm uẩn. Đây chính là sự thật rốt ráo của toàn bộ các sự thật. Ví dụ như kinh nghiệm chế tạo nước hoa, kinh nghiệm bào chế rượu bia, thuốc lá, kinh nghiệm làm ra tàu ngầm xe tăng, hỏa tiễn, tất cả những thứ đó cũng là chân lý nhưng chân lý này không xài được vì nó không đủ những yếu tố quan trọng, không dẫn đến giải thoát.

Chỉ có đủ hai khía cạnh này thì một sự thật mới đáng được trân quý và lưu tâm: đúng chân lý và hữu ích. Lợi ích ở đây là khả năng dẫn đến giải thoát.

BỌT NƯỚC (Pheṇapiṇḍūpamasutta)

Sáng nay chúng ta học bài kinh Bọt Nước. Tôi sẽ ôn lại một ít vì chúng ta gián đoạn một thời gian quá lâu.

Toàn bộ thế giới này giống như một trái lựu. Trong trái lựu có nhiều hột, gọi là universe hay galaxy. Trong một universe hay galaxy hay một thế giới (world) gồm nhiều thế giới nhỏ trong đó với vô số chủng loại chúng sinh. Chỉ riêng trong thế giới loài người, có biết bao nhiêu là thứ rối rắm như văn hóa, nghệ thuật, chính trị, tôn giáo, khoa học v.v… Tất cả những chủng loại chúng sinh và bao nhiêu vấn đề trong đó gồm chung lại được gọi là một thế giới. Có vô lượng thế giới như vậy. Đức Phật giống hệt chư Phật ở chỗ là tìm nhiều cách để phân tích, giải thích cho mình biết cái gọi là thế giới đó dầu một hay vô lượng đều giống nhau ở điểm sau: Chúng sinh gồm Danh và Sắc tức là thân và tâm (tinh thần và thể xác). Có chỗ Đức Phật chia thế giới ra làm hai: danh và sắc. Có lúc Ngài chia thế giới ra làm năm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức như là bài kinh chúng ta đang học. Có lúc Ngài phân tích thế giới này thành 6: 6 trần, 6 căn, 6 thức; có lúc Ngài gom ba số 6 đó lại; căn, cảnh, thức gom thành 18 – tức 18 giới. Toàn bộ thế giới này từ sợi tóc, hạt cát, giọt nước cho đến đại dương, dãy núi Himalaya mấy ngàn kilomet cho đến mặt trăng mặt trời vô lượng chúng sinh, tất cả không nằm ngoài con số 18. Nghĩa là không có gì nằm ngoài cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc và cảnh pháp. Cảnh sắc là tất cả những gì có thể biết được bằng mắt. Tất cả tiếng động âm thanh, những gì nhận biết qua tai, qua thần kinh thính giác, gọi là cảnh thinh. Cảnh khí là tất cả những gì thuộc về mùi, dầu dễ ngửi hay khó ngửi. Cảnh vị là tất cả những gì có thể nhận biết qua thần kinh vị giác (đắng, chua, cay, ngọt, bùi, béo…). Cảnh xúc là tất cả những gì chỉ có thể nhận biết qua thần kinh xúc giác. Cảnh pháp là tất cả những gì cái đầu chúng ta có thể nghĩ tới, tư duy, suy tưởng, nhớ nhung… những gì diễn ra trong đầu, có thể biết được bằng tư tưởng chớ không thể nghe hay nhìn thấy được.

*Năm uẩn

Trong kinh này Đức Phật phân tích thế giới này ra năm phần:

Sắc uẩn là tất cả những gì thuộc vật chất, bao gồm năm giác quan vật chất (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) và đối tượng của chúng:

– Mắt (thần kinh thị giác) và những gì mình thấy được.

– Tai (thần kinh thính giác) và những gì mình nghe được

– Mũi (thần kinh khứu giác) và những gì mình ngửi được

– Lưỡi (thần kinh vị giác) và tất cả những gì mình có thể nếm được

– Thân (thần kinh xúc giác)và tất cả những gì mình có thể biết được qua sờ chạm ví dụ nóng lạnh, mịn nhám…

Bốn uẩn sau được gọi chung là Bốn uẩn sau được gọi chung là danh uẩn, gồm bốn khía cạnh làm nên cái gọi là tâm, thức, tinh thần:

Thọ uẩn: tất cả cảm giác (feeling).

Tưởng uẩn: tất cả kinh nghiệm

Hành uẩn: tất cả khía cạnh thiện ác trong tâm

Thức uẩn: 6 cái biết của lục thức trước 6 trần (6 cảnh)

Feeling là Thọ uẩn, còn emotion là gồm chung bốn danh uẩn. Thọ uẩn là cái gì đó rất máy móc. Ví dụ khi nghe thấy âm thanh, sờ chạm cái gì đó, cảm giác đầu tiên là dễ chịu hay khó chịu, vui hay buồn. Trong Thọ uẩn không có sự đánh giá, chỉ là cảm xúc. Chạm cục than là thấy nóng, đó là thọ uẩn. Còn khi biết đây là nồi nước sôi, cái biết này thuộc về Tưởng uẩn. Cái biết của mắt chỉ đơn giản là chụp hình, ghi nhận hình ảnh, màu sắc, ánh sáng… Phải nhờ Tưởng uẩn thì mới biết được đây là cái nồi, cái thau, cái đồng hồ, con dao v.v…. Tưởng uẩn là cái biết thuộc về kinh nghiệm. Tại sao mình biết vật đó hình tròn không phải hình vuông, không phải tam giác, là vì từ nhỏ mình được thầy cô, sách vở dạy như vậy, cái biết đó là Tưởng uẩn, nó diễn ra rất nhanh. Ví dụ quí vị và tôi đang ngồi trong phòng nghe có tiếng ồn ào bên ngoài. Cái biết của 6 căn chỉ đơn giản là nghe tiếng ồn. Quí vị bước ra ngoài và trở vô nói rằng: Hai thằng Tây đang cãi nhau bằng tiếng Pháp về chuyện nhà cửa gì đó. Thức uẩn chỉ cho mình nghe tiếng mà không biết tiếng gì, Tưởng uẩn cho mình biết đó là tiếng Pháp, và đang cãi nhau về nhà cửa. Phân tích thì như vậy nhưng Thọ, Tưởng, Hành, Thức có mặt cùng một lúc.

Ở đây có một chuyện vô cùng quan trọng, đó là tùy thuộc vào trình độ của chúng sinh mà Tưởng uẩn có sai biệt, khác biệt nhau. Chúng sinh có vô số chủng loại: noãn sanh, thấp hóa, chư thiên, Phạm thiên, Càn thát bà, bàng sanh, ngạ quỷ, A-tu-la… nhưng Đức Phật gom lại thành ba loại: Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới:

– Dục Giới: Những chúng sinh sống chết buồn vui trong năm cảnh dục, gọi là chúng sinh cõi Dục giới

– Sắc Giới: Hạng này chỉ có thể thấy và nghe, hình dáng tuyệt đẹp, sống bằng thiền định, chỉ có cái biết cảnh sắc cảnh thinh và cái biết của tâm. Những vị này không biết mùi, vị, mịn nhám… Không biết này không phải là do họ thiếu phước, mà vì trước đây họ muốn đắc Sơ thiền trở lên, lòng họ đã lìa bỏ đam mê trong cảnh Dục; chính vì sự lìa bỏ đó nên khi sanh về cõi Phạm thiên họ không có còn cần đến năm cảnh dục trong đời sống thường nhật nữa. Họ vẫn còn thân xác, còn có cảnh giới lâu đài, hoa viên.., có để có mà thôi chớ không phải để đam mê

-Vô Sắc Giới: chúng sinh cõi này nhàm chán hình danh sắc tướng. Họ đã đắc thiền Sắc giới rồi và chán, tu thiền Vô sắc, chết sanh về cõi Vô Sắc. Gọi là cõi cho có chớ họ không có hình tướng nên không có cõi.

Tưởng uẩn tùy thuộc vào cảnh giới mình đang có mặt và trình độ tâm linh của mình. Nếu là người cõi Dục thì suốt ngày chìm đắm trong Tưởng uẩn về năm dục. Năm căn vật chất của người cõi Dục giống y như năm con thú (chim chực bay về trời, chồn cáo chực chun về hang, cá có dịp thì về nước…). Nếu là hành giả sống chánh niệm thì sẽ thấy sáu căn của mình luôn trong tình trạng hướng tới ngoại cảnh. Đó là lý do vì sao chúng ta luôn sống phóng dật. Hành giả không đi tìm cảnh để thấy nghe nhìn ngửi, họ ghi nhận những gì đang xảy đến chớ không đi tìm. Albert Einstein có câu nói rất hay: Chỉ có tập trung tư tưởng mới làm việc được, không ai có thể cùng một lúc cưỡi hai con ngựa. Tưởng uẩn của chúng sinh phàm phu cõi Dục giới luôn làm việc ráo riết, cứ chờ đợi để lắng nghe, chờ đợi để nhìn thấy, để ngửi mùi gì đó. Ngôn ngữ, văn hóa, triết học, tôn giáo… đều là sản phẩm của Tưởng uẩn.

Hành uẩn là khía cạnh thiện ác trong tâm chúng sinh. Ví dụ, con mắt của tôi vừa chụp hình, nó chụp một hình ảnh, Tưởng uẩn cho tôi biết đó là cái iphone. Tưởng uẩn cho tôi biết đó là một công cụ để liên lạc bằng điện thoại và internet. Còn cái Thọ uẩn, là tôi vui hay bực mình khi nhìn thấy cái iphone đó. Hành uẩn là tôi thích hay khó chịu. Ví dụ tôi vừa mất một cái, giờ tôi nhìn tôi khó chịu đó là tâm sân, còn nhìn mà tôi thích thì đó là tâm tham. Dù tham hay sân thì lúc nào cũng có si đi chung. Hành uẩn lúc bấy giờ chính là tâm bất thiện. Còn nhãn thức chụp một cái hình, Tưởng uẩn báo cho tôi biết đây là hình Phật, lúc đó Thọ uẩn sẽ là dễ chịu hay khó chịu. Thọ ưu hay thọ hỷ, hay thọ xả (hững hờ). Khi nhìn hình Phật, tôi có thiện tâm, tôi biết đây là Bậc Đạo sư của mình – Người đã làm chuyện khó làm, đã cho cái khó cho, nhịn cái khó nhịn, đã chứng đắc được cái rất khó chứng đắc. Khi nghĩ vậy, Hành uẩn chính là lòng hoan hỷ của tôi. Thức uẩn chính là cái biết của con mắt, trong trường hợp này nó là tâm nhãn thức. Ngay trong lúc đó, Sắc uẩn là thần kinh thị giác, Thức uẩn là cái biết của thần kinh đó. Cảm giác dễ chịu hay khó chịu lúc đó là Thọ uẩn; Tưởng uẩn biết đây là hình Phật, là iphone; Hành uẩn là tâm thiện hay bất thiện lúc đó. Như vậy, ngay trong khoảnh khắc nhìn thấy hình Phật hay iphone thì đã có ngay năm uẩn rồi.

Trong bài kinh này Đức Phật xác nhận: Tất cả những gì thuộc về sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn; dầu thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai; ở xa hay ở gần; vi tế khó thấy hay thô thiển dễ thấy; đều giống như bọt nước. Bây giờ mình thấy nó như vậy nhưng một lát nữa nó sẽ khác đi. Có một điều thú vị là tiếng Pāḷi: ‘bubbula’, giống chữ ‘bubble’ trong tiếng Anh, đều có nghĩa là ‘bong bóng’. Tôi nghi ngờ trong thời gian người Anh ở Ấn Độ, họ có những vay mượn rất nhiều ngôn ngữ và tư tưởng của Ấn Độ nên có rất nhiều từ cơ hồ như vay mượn từ tiếng Sanskrit và Pāḷi.

Đức Thế Tôn đã dùng năm hình ảnh hư ảo để mô tả bản chất hư ảo của năm uẩn. Năm uẩn chính là những thành tố làm nên thế giới, mỗi uẩn đều vô thường hư ảo, vậy thì thế giới này chỉ là lâu đài cát, sóng biển xô một phát là tan. Các nhà khoa học cũng nhìn nhận rằng, trái đất cũng sẽ có lúc mất, mặt trời chỉ tồn tại năm tỷ năm nữa thôi. Còn chúng ta thì sống không quá trăm năm nhưng lại thích đi tìm cái gì đó lâu bền. Ai cũng biết cái gì rồi cũng phải mất, đó là cái biết mơ hồ của thế gian. Chỉ có hành giả Tứ Niệm Xứ thường xuyên sống chánh niệm mới có dịp thấy rõ tấm thân này của mình chỉ là một chuỗi ghép nối của hai thứ cảm giác và khó chịu. Tâm của ta cũng vậy, luôn luôn vô thường, thay đổi; quẩn quanh trong bốn trạng thái thiện ác buồn vui. Vui đời này là quả lành của thiện đời trước. Buồn đời này là quả của ác đời trước. Thiện đời này là nhân vui cho đời sau. Ác đời này là nhân khổ cho đời sau. Chỉ quẩn quanh trong nhân quả mà thôi.

Ai có niệm yếu thì ngoài việc sống tỉnh thức còn phải trau dồi định tâm để củng cố chánh niệm. Đó là lý do có câu kinh: Định năng sanh Tuệ. Chỉ có Niệm và Định tốt thì Tuệ mới phát sinh. Để thấy những điều vừa nói, thấy thân này chỉ gồm hai thứ khó chịu dễ chịu và để thấy tâm này chỉ gồm trong bốn thứ nhân quả (thiện, ác, buồn, vui) vừa nói, chỉ có chánh niệm mới là điều kiện cho trí tuệ nhận diện hai cái what is và how is.

Nội dung bài kinh này, Đức Phật xác định, Sắc uẩn dầu ở đâu đi nữa cũng chỉ là giống hệt bọt nước. Tất cả những cái biết, nhận thức, kinh nghiệm (tưởng uẩn) cũng chỉ là có đó rồi mất đó. Bao nhiêu người như GS Trần Văn Khê, GS Hoàng Xuân Hãn, hay là ông Bác Vật Lang, Albert Einstein, hay nay mai tới ông Stephen Hawking, những đầu óc kiệt xuất, kiến thức kinh hoàng như vậy, cuối cùng của thiên trả địa, trở về cát bụi, tái sinh vào cảnh giới khác và mọi thứ trở lại từ đầu. Đó chính là Sắc uẩn như bọt bước, Thọ uẩn như bong bóng, Tưởng uẩn như hoa nắng, đốm nắng trên mặt đường lộ giữa trưa nắng chang chang. Còn Hành uẩn thì Đức Phật ví như cây chuối, khi tháo lột từng lớp ra thì không còn gì là cây chuối nữa, cây chuối vốn không có thật, chỉ là những cái bẹ ghép lại. Ở đây Ngài muốn nói rằng đời sống nội tâm của mình nói chung và Hành uẩn nói riêng chỉ là sự lắp ráp mà thôi. Thức uẩn thì như trò ảo thuật ma mị, thấy vậy mà không phải vậy. Chữ ‘citta” (tâm) còn có nghĩa là ‘sự vẽ vời’ (painting). Vì vậy chữ ‘tâm’ trong tiếng Hán không đủ để dịch chữ ‘citta’ trong tiếng Pāḷi. ‘Citta’ vừa có nghĩa là mind, vừa là consciousness, knowing, spirit. Trong tiếng Tàu chỉ có chữ ‘tâm’ thì không đủ. Cùng ngồi trong một chỗ, nhưng người thì nghe mùi chiên xào nấu nướng vì tâm họ hướng về chuyện ăn uống, nhưng có người thì nghe một bản nhạc văng vẳng xa xăm, người thì nhìn phong cảnh non nước xa xa, do tâm lý khác nhau nên mỗi người có cảnh hướng khác nhau. Còn một anh nhiếp ảnh gia thì nhìn với tâm trạng não trạng khác với một anh họa sĩ, và một kẻ thất tình thì lại nhìn với tâm trạng khác. Thi sĩ nhìn phong cảnh sẽ nghĩ khác một thiền sư, cái tâm mình nó vẽ vời muôn hình vạn trạng. Vì vậy cái tâm ở đây còn gọi là Thức, Đức Phật nói đó chỉ là trò ảo hóa, nhà ảo thuật (magician) mà thôi. Học bài kinh này để thấy mình chỉ là cái gì đó tạm thời ráp nối mà thôi. Vì vậy trong kinh, mô tả thế giới này bằng ba ý niệm:

Parikappita # parikalpa: biến kế sở chấp, mặc ước, mặc định, conventional. Ví dụ ở nền văn hóa đó thì đẹp nhưng ở một xã hội, môi trường khác không thấy đẹp. Vào google gõ thử chữ ‘Africa fashion’ thì sẽ thấy trang phục của người da đen, đeo đầy vòng vàng, đó là họ thấy như vậy là đẹp, nhưng qua bên Âu Mỹ mà mặc vậy thì người ta không dám đi gần. Muốn tránh nắng tránh mưa thì cần cái nhà, có mái có nền, đó là giả định, giả lập

Paratantra: dựa vào cái khác mà có, lệ thuộc quan hệ. Nghĩa là được gọi là vợ, bởi vì có người là chồng; được gọi là mẹ bởi vì có con; được gọi là con bởi người ta nghĩ đến có cha và mẹ. Chữ ‘con’ này chỉ có khi người ta nhắc đến cha đến mẹ. Đó là trong thế giới con người. Còn trong thế giới vô tri, được gọi là xe vì nó được ráp nối bởi nhiều thứ.

Paticcasamuppada: y duyên sinh, y tương sinh. Nghĩa là do nhân quả mà có mặt. Cái gì cũng do nhân duyên mà có, tức là quả của cái gì đó, và chính nó cũng là nhân duyên để cái khác có mặt. Ví dụ, ông A làm ra cái bánh, cái bánh là quả của một tiếng đồng hồ làm việc. Cái bánh này cũng là điểm bắt đầu cho biết bao nhiêu chuyện, cái bánh đem bán có tiền, tiền dùng vào việc gì đó v.v….

Tại sao mình phải học cái này? Khi biết rằng mọi thứ đều do nhân duyên mà có, có rồi phải bị mất; biết rằng mọi thứ trên đời này có thể là quả của một nhân nào đó mà cũng là nhân của một sự kiện nào đó; từ cái biết này ta sống có trách nhiệm hơn và cái nhìn về cuộc đời cũng tỉnh táo hơn, bớt đam mê mà cũng bớt nặng lòng.

Tóm lại, toàn bộ thế giới chỉ gói gọn trong con số 5 mà từng thứ trong con số 5 đó chỉ là ảo hóa:

Sắc ví với đống bọt,

Thọ ví bong bóng nước,

Tưởng ví ráng mặt trời,

Hành ví với cây chuối,

Thức ví với ảo thuật,

Mỗi một uẩn, Đức Phật dùng ví dụ khác nhau, tuy nhiên, năm hình ảnh ví dụ trên đều có thể dùng cho 5 uẩn. Nội dung bài kinh này là “thấy vậy mà không phải vậy”. Đây là câu thần chú mà một người học đạo phải học thuộc lòng và phải xăm lên trán để mỗi lần soi gương nhìn thấy. Chỉ khi nào mình thành thánh thì mình mới thấy được bản chất thật sự, khi mình còn phàm dù giỏi Phật pháp cách mấy thì cũng hiểu Phật pháp theo lăng kính của một kẻ phàm phu. Dĩ nhiên có học vẫn tốt hơn không học. Kinh điển ví như cái bản đồ. Con đường mình thấy bên ngoài không hoàn toàn giống trong bản đồ. Tuy nhiên không có bản đồ thì không đi đến đích được. Lằn vạch trong bản đồ chỉ là gợi ý, đề nghị để chúng ta biết đi đâu về đâu. Hễ mình còn phàm thì phải nhớ ta đang dùng bản đồ, cái ta thấy chỉ là vạch mực trên bản đồ, dù không giống con đường thực tế ngoài đời nhưng không có nó là không được.

Một hành giả tu hành mà không biết câu thần chú “thấy vậy mà không phải vậy”, dễ bị mắc vào nhiều bi kịch nhân gian. Mới ngồi thiền ba mớ, thấy hỷ lạc, mát lạnh, dòm quanh thấy ai cũng là rác. Học giáo lý ba mớ nhìn ai cũng thấy người ta dốt. Ngồi thiền giữ giới ba mớ nhìn ai cũng thấy họ tầm thường. Phải nhớ mình tu cách mấy, học cách mấy cũng chỉ là bệnh nhân đang uống thuốc trị bệnh phiền não. Không ai đi khoe mình đang uống thuốc trị ung thư kỳ cuối. Hành giả tu Tứ Niệm Xứ chỉ là ‘Chemotherapy’ (hóa, xạ trị trong bệnh ung thư) mà thôi chớ không có gì để tự đắc, tự hào, tự mãn, tự tôn tự đại cả. Bài kinh sau Đức Phật nói điều này rõ lắm, Ngài nói con chó cột vào chỗ nào đó dù có cào cắn, có quào sủa cách mấy cũng quẩn quanh chỗ bị trói; chúng sinh phàm phu khi không hiểu bản chất của năm uẩn thì có làm gì, đi đâu về đâu cũng quẩn quanh trong cái ‘tôi’ và ‘của tôi’. Dù họ có Giới, có Định, có Tuệ họ vẫn nghĩ Giới của tôi, Định của tôi, Tuệ của tôi. Hạng cao thì “đây là tri kiến Phật pháp của tôi”, “đây là thần thông thiền định của tôi”; hạng thấp thì “đây là nhà tôi”, “đây là tài sản của tôi”, “đây là danh vọng chức tước, quyền lực của tôi”. Khá hơn là buông hết thì lại suy nghĩ: “tôi đang tu hạnh buông bỏ”, “ở đây không ai tu hạnh buông bỏ tốt bằng tôi”, “không ai hiểu được lý vô ngã bằng tôi”, “không ai hiểu được lý duyên khởi bằng tôi”… Y hệt như con chó bị trói trong gốc cột, không thể ra khỏi cái cột đó. Ngoài đời, một cậu học sinh kiêu ngạo mà học giỏi vẫn lên trung học, lên đại học, lấy bằng tiến sĩ. Nhưng trong đạo mà kiêu ngạo thì một là đứng yên hai là tụt xuống. Một người đắc Sơ thiền muốn lên Nhị thiền thì phải chán Sơ thiền đang có, thấy Sơ thiền đó là vớ vẩn, phải bỏ lại sau lưng. Một vị Sơ quả là phải thấy rằng mình cần phải đi lên nữa, cái khổ chưa thật sự chấm dứt, còn có chỗ để đi nữa, vị đó mới lên được Nhị quả. Còn giả sử nếu thấy thỏa mãn thì không biết kiếp nào mới lên tầng hai được. Trong đường tâm linh mà ôm chỗ nào sẽ kẹt cứng chỗ đó. Đây chính là lý do vì sao trong bài kinh này Đức Phật đã cho chúng ta thấy đã là năm uẩn thì sẽ phù du hư ảo như là bong bóng, bọt nước, như là cây chuối. 

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app