Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 3

Chương 10: Tương Ưng Càn Thát Bà

CÀN THÁT BÀ

‘Gandha’: ‘mùi hương’.

‘Gandhabba’: ‘Càn Thát Bà’. Càn-thát-bà là loài phi nhơn sống dựa vào mùi hương của thực vật từ củ rễ, hoa, trái.

Bây giờ quí vị là bác sĩ, có ngôi nhà bốn tầng tại quận 1 Sài Gòn, quí vị có hai chục thân nhân rải rác trên khắp các châu lục, quí vị nói được tám thứ tiếng, thu nhập ngất ngây. Nhưng có một chuyện quí vị không bao giờ tưởng tượng được là những sở thích của quí vị, những duyên nghiệp quí vị tạo ra mỗi ngày – ác và thiện – mai này khi tắt thở rồi, sẽ đưa quí vị vào chỗ mà quí vị không tưởng tượng được, đó là vào trong trái sung, làm thọ thần trong đó. Mọi người nhìn thấy đó là trái sung, nhưng đối với quí vị, thật ra đó là tòa nhà rất lớn, có lầu, có lan can, có cầu thang, có ban công, có bồn tắm, có huê viên bao bọc chung quanh lộng lẫy, bên trong trái sung đó. Mai này trái sung đó rụng, quí vị đi sang trái sung khác. Những cái hòn đất mình đá qua đá lại nhiều khi lọt xuống cống, mình không biết rất có thể hòn đá đó là cả một thế giới sống bao la bát ngát cò bay bát ngát của một thọ thần, một địa cư thiên nào đó. Thế giới này kinh khủng như vậy đó. Trong chú giải có nói rằng, có một loại chư thiên là Samacittadeva, có những lúc có hàng trăm hàng ngàn vị sống trên đầu cây kim. Mình học cái này mới hết hồn, thì ra trong thế giới này cái khái niệm lớn và nhỏ là do mình u mê mình nghĩ ra thôi, chứ phải nói duyên nghiệp quyết định nhiều chuyện dễ sợ lắm. Hồi còn sống thì nhà lầu bốn tầng quận 1, nếu khuya nay lăn đùng ra chết, chui vô trái sung hay trong hòn đá bên đường, trên ngọn cây ngọn cỏ nào đó, khi nó héo úa mình đi qua ngọn cỏ khác.

Càn Thát Bà là những loài phi nhơn sống trong rễ cây, thân cây, lá cây, hoa, nhụy, đài, gương sen v.v…. Theo chú giải, có trường hợp, có những vị sống trong thân cây, khi thân cây đó bị xẻ ra đem về làm giường tủ bàn ghế, họ mến thích cái cây nên đi theo. Vì vậy mà có trường hợp bị mộc đè (bóng đè). Mộc đè là khi ngủ thấy có gì đè nặng không nhúc nhích được, nguyên nhân là do mình nằm ngủ sai tư thế, gây ra chiêm bao ác mộng, nhưng cũng không loại trừ trường hợp là cái giường đó làm từ cái cây trước đây có các loài phi nhân ở rồi họ đi theo cái cây ở trong đó. Chính vì vậy, trong từng ngày, mình phải có cái tâm cao rộng một chút.

Một kinh khác nói: Chỗ nào mình đi đứng nằm ngồi bằng tâm tham, sân, si thì chỗ đó là chỗ của loài sa đọa. Chỗ nào mình đi đứng nằm ngồi bằng cách tu tập Thập thiện thì đó là chỗ của Dục thiên. Chỗ nào mình đi đứng nằm ngồi bằng tâm Tứ vô lượng tâm thì đó là cõi Phạm cung của Phạm thiên. Chỗ nào mình đi đứng nằm ngồi bằng trí tuệ chánh niệm, danh sắc, khổ, vô thường, vô ngã, năm uẩn, 12 xứ, 18 giới thì chỗ đó là trụ xứ của thánh nhân. Trong một ngày, trong thân nhân loại này, chúng ta sống trong đủ thứ cảnh giới. Vấn đề là chúng ta dừng chân ở cảnh giới nào lâu nhất. Mai này khi nào tắt thở, mình sẽ đi về cảnh giới tương ứng Ví dụ trong ngày đó mình tham nhiều quá, thích ăn ngon, thích mặc đẹp, thời gian thích đó hơi nhiều, so với thời gian mình học đạo, thiền định, tụng kinh thì như vậy có nghĩa là ngày đó mình sống nhiều trong cảnh giới của tham. Sân quá nhưng phước nhiều thì rất có thể sanh làm Dạ xoa hoặc A-tu-la thiên – là loại A-tu-la thuộc hội chúng chư thiên Đao Lợi. Quá sân mà thiếu phước thì sẽ sanh làm rắn, cá sấu, cọp beo, sư tử, những loài quạu quọ. Kiểu ta sống ra sao mỗi ngày, tâm tư nghiêng nặng về cái gì, cộng với phước nhiều hay tội nhiều, sẽ dẫn mình về cõi tương ứng. (Thương ghét + thiện ác = cõi tái sinh tương ứng).

Mình thích chưng bông, mình cứ nói “Tôi trồng bông tôi cúng Phật”, nhưng cho tôi hỏi nhỏ một câu: Một tuần như vậy thay bông trên bàn Phật mấy lần? Mình khoái bông, nhưng đừng đem chuyện Phật ra gạt mình. Nếu kết toán cuối đời thì nghiệp thiện của mình ít hơn nghiệp ác, mà thời gian khoái bông hơi nhiều thì biết mình đi về đâu rồi: ong, bướm. Nếu khoái bông thật sự thì tu thiền, học đạo rất giỏi và tinh tấn, thật sự thật lòng trồng hoa để cúng Phật chứ không phải để thưởng thức enjoy thì lại là chuyện khác. Từng ngày nhớ tâm niệm điều đó. Coi chừng một ngày nào đó tắt thở chui vào hòn đá, nhánh cây, hay lá me lá ổi thì buồn lắm. Đây là bài học vô cùng quan trọng và đây cũng là lý do tôi muốn bà con cùng tôi đi qua từng bài kinh không bỏ bài nào hết. Qua những bài kinh này chúng ta có dịp ôn lại nhiều chuyện chúng ta đã biết, biết mơ hồ không rõ, hoặc biết thêm những điều chúng ta chưa từng biết. Những chuyện này ngó rất thường nhưng lại lớn chuyện.

Kim Xí Điểu cũng y hệt vậy. Có người làm thiện làm phước nhưng sở thích của họ tương ứng với loài Kim Xí Điểu. Kim Xí Điểu, Càn Thát Bà, Dạ Xoa, thuộc hội chúng Tứ Thiên Vương, là cõi Dục thiên thấp nhất trong sáu cõi Dục Thiên. Xem thêm cuốn Chúng Sinh và Sinh Thú, TK Giác Nguyên dịch, đã in ít nhất hai lần tại VN. Sẵn đây xin cảm ơn một số Phật tử bên Paris về hưu nghèo khổ không tiền nhưng vẫn cắn răng nhịn ăn nhịn mặc để gởi tiền in sách và chỉ xin ẩn danh không nêu tên. Các vị ở đâu, lúc nào, nghe được lời nhắn của chúng tôi, xin xác định rằng, các vị cần sách thì xin báo cho một tiếng và hỗ trợ mà không cần sách thì cũng phải nói rõ một tiếng. Sắp tới đây, có thể trong hai quý đầu của năm 2016, chúng tôi sẽ in sách, cũng xin bà con tùy hỷ. Chúng ta phải vui, bởi trong cuốn Chuyện Phiếm II không đơn giản là tác phẩm văn học PG mà nói một cách thậm xưng, nó là cuốn cẩm nang cho người học đạo từ sơ cơ đến thâm niên có lẽ nên có một cuốn. Trong đó chúng tôi bàn rất nhiều vấn đề chẳng hạn như nên đọc sách, nên xem kinh, theo kiểu nào lợi lạc nhất. Nên đọc cái gì và tại sao, nên đọc kiểu gì và tại sao. Khi đã là Phật tử thì phải là có tâm nguyện tu thiền lúc cuối đời. Nên đọc sách thiền gì, tác giả nào. Hành thiền thì nên theo truyền thống nào, tại sao. Thái độ chọn thầy chọn pháp môn phải như thế nào. Người Phật tử có nên dấn thân vào chính trị, xã hội hay không. Không làm chính trị vẫn là một thái độ chính trị, thái độ xã hội. Chúng tôi bàn cả những chuyện về mối tương quan giữa tăng và tục. Người cư sĩ đối với hàng xuất gia và hàng xuất gia đối với cư sĩ. Mỗi vấn đề được trình bày không quá một trang giấy A4, rất nhẹ nhàng không dám đụng chạm tới ai. Tất cả đề nghị đều được chúng tôi cung kính đặt dưới chân thiên hạ chớ không dám bài xích châm biếm dè bỉu ai hết. Ở đó, chúng tôi đưa ra một loạt đề nghị từ trong chùa đến ngoài ngõ, chỉ là đề nghị chớ không có dạy đời, mong họ một lần một lần liếc mắt nghĩ lại thái độ tu học, thái độ dấn thân, thái độ học và hành của mình. Đó là nội dung của quyển Chuyện Phiếm II, lấy tên là Tâm Thức Gió Lùa. Lời tựa có nói lý do vì sao chọn tên Tâm Thức Gió Lùa. Rất là vui, mong là sẽ ra kịp trong quí đầu tiên của năm 2016.

Nội dung chung của bốn chương vừa học: Cẩn thận với thầy bạn và môi trường văn hóa xã hội quanh ta. Thích ghét và nghiệp thiện ác sẽ dẫn tới cảnh giới tái sinh. Nội dung chung của bốn chương vừa học: Cẩn thận với thầy bạn và môi trường văn hóa xã hội quanh ta. Thích ghét và nghiệp thiện ác sẽ dẫn tới cảnh giới tái sinh. Không gian tâm lý từng phút của ta cũng sẽ là không gian hiện hữu của ta mai sau.

Thích chơi bonsai mà không tu thiện pháp; thích trang điểm mà quên tu bố thí, trì giới; khoái kiến thức mà không thiền định, lười học nhưng thích bố thí v.v… không chịu khó chịu khổ được thì khi gặp Phật dễ bị nản lòng khi tu học theo Ngài. Chẳng hạn như Ngài với đệ tử vô rừng ngồi, mình thấy chư tăng đẹp quá, quí hóa quá, toàn Tứ thiền, Đầu đà, nhưng nhìn đầu trần chân đất, có gì ăn đó thì sợ quá, theo không nổi. Theo không nổi là do kiếp trước mình không tu hạnh nhẫn, không tu hạnh tinh tấn, không tu hạnh ly dục, mà chỉ khoái bố thí. Chính vì vậy khi gặp Phật mình giàu quá, thông minh quá, nhan sắc tuyệt vời, nhưng chịu khổ không được. Từng công đức lớn nhỏ mỗi ngày, không gian tâm lý trong từng phút ảnh hưởng rất lớn cho cuộc luân hồi và chuyện mai này mình tu chứng ra sao.

Có kiểu tu tập khiến đời sau đắc nhanh, đắc dễ, có kiểu ngược lại. Bởi vì có nhẫn có xả, có trí có bi thì đời sau sanh ra tu hành suôn sẻ như dễ dàng chẻ tre. Có người thì cứ mãi trục trặc. Thời Phật có vị tỳ kheo, đêm mùa đông xuống suối ngâm nửa người, lấy cỏ khô nhúng nước đội trên đầu, mười hai năm trời như vậy mới đắc A-la-hán. Có vị thì sung sướng đi đứng có kẻ hầu người hạ, bầu đoàn thê tử, cung vàng điện ngọc, cơm bưng nước rót tận miệng, rồi một ngày ‘mùa thu lá bay’ ghé chùa nghe Phật nói một câu, đắc A-la-hán. Đức Phật đưa tay ra “Ehi bikkhu” thế là thành tỳ kheo y áo có đủ, râu tóc tự rụng, có lục thông tam minh, bay thẳng về núi. Sống trên đỉnh núi tuyết, quanh năm không thấy bóng người, cần thì ôm bát khất thực bên Bắc Cưu Lưu Châu rồi trở về sống như Nam Cực tiên ông. Còn có người thì trầy trật, có vị đi kinh hành trong rừng, đi không nổi. Vì tinh tấn nên bò bằng đầu gối. Bò tới biết đang bò tới. Đầu gối đau biết là đầu gối đau, đầu gối chảy máu biết là chảy máu… Do kiểu tu quá khứ mà trục trặc vậy đó. Tu trăm ngàn đại kiếp rồi mà kiếp chót như vậy đó. Mấy ông thợ săn thấy có cái gì bò bò dưới đất, tưởng con gì nên bắn một phát. Đầu gối, hai bàn tay đã nát rồi, giờ lại trúng tên nữa. Trong lúc đau đớn quá, lấy cái đau làm đề tài Tuệ quán để quán chiếu năm uẩn là tội khổ. Chứng quả A-la-hán, chứng xong mình mẩy máu me không.

Kiểu tu của mình sẽ quyết định kiểu đắc của mình, kiểu sống của mình quyết định kiểu tái sinh của mình. ‘Kiểu sống’ của mình trong từng phút từng phút hiện tại. Ngay bây giờ, mình suy nghĩ cái gì thích nói cái gì, thích làm cái gì, kỵ cái gì, đam mê cái gì bất mãn cái gì, sẽ trở thành môi trường tâm lý cho kiếp sau. Cũng gặp Phật nhưng mỗi người có kiểu đắc khác nhau là vì vậy. Chúng ta nghe theo thầy theo bạn bèn thích cái này ghét cái kia, cộng với ác nghiệp là nó đưa mình đi vun vút về bao nhiêu phương trời viễn mộng.

Chúng tôi rất muốn chúng ta có một ngày Chủ Nhật gọi là ngày pháp thoại tự do nhưng e rằng bữa đó bà con mắc tung tăng. Trong tuần đó chúng tôi nghĩ gì, tâm đắc điều gì đó, chúng tôi sẽ chia sẻ với bà con, hoặc là bà con bàn thảo với nhau chọn đề tài nào mà bà con cho rằng thời thượng nhất, mình sẽ đem ra bàn. Pháp thoại đó có hai hình thức. Một là chúng tôi tự nói. Hai là chúng tôi là người khơi mào, mở màn, dàn trải ra rồi chúng tôi soạn một số câu hỏi để hỏi ý quí vị. Ví dụ chúng tôi sẽ chọn ra một số vấn đề rồi đưa ra những câu hỏi chọn lựa để cho quí vị chọn. Tôi rất thích như vậy. Lúc đó quí vị mới có dịp động não. Nghe pháp trong tâm thái thụ động, người ta nói bao nhiêu mình nghe bấy nhiêu khác với chuyện mình có tham dự. Dĩ nhiên, ai nhát quá thì thôi. Có nhiều người lạ lắm, đi cướp nhà băng thì dám nhưng nghe thầy bạn hỏi giáo lý thì cái mặt tái mét. Nhát quá thì báo cho biết, còn không thì chúng tôi có thể hỏi tự do. Một là quí vị post câu trả lời, hoặc chúng tôi chọn ai ngẫu hứng ngay lúc đó. Quí vị sẽ giải thích lý do cho sự chọn lựa câu trả lời của mình. Mỗi người được một phút rưỡi, phải ôn lại coi ai lộn. Hẹn quí vị ngày thứ Hai.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app