Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 9: Tương Ưng Thí Dụ

7. CÁI CHỐT TRỐNG (tt)

Thưa quí vị, vừa rồi là tôi tranh thủ giảng nhanh bài kinh Cái Chốt Trống. Đã nói nhanh thì có nghĩa là vội. Đôi khi nhanh là lẹ nhưng đôi khi nhanh có nghĩa là vội. Vừa rồi có một hai chuyện nho nhỏ tôi không nhắc. Trong chú giải có nói nguồn gốc của cái trống này mà tôi xét thấy nó hơi có tính huyền thoại. Dĩ nhiên là các ngài chú giải chỉ chép lại thông tin mang tính cổ truyền, đôi khi là vậy, giống như sự kiện Đức Phật nhặt tấm vải bó xác trong rừng và tôi có nói sự kiện đó được kể trong kinh đầy đủ nhưng có những chi tiết chúng tôi không tiện nói. Ở đây cũng vậy, không nói thì bà con ấm ức, nên cũng nói ra một chút. Theo chú giải, ngày xửa ngày xưa, có cái hồ nước rất lớn. Trong hồ có một con cua (kulira) to đến mức có thể kẹp con voi để ăn thịt được. Trong một trận ác chiến với bầy voi, con cua bị gãy hai càng. Đế Thích lấy một cái, còn một cái càng dân Dasārahā đem về làm trống. Đây là một giai thoại tôi thấy không tiện kể.

‘kulira’: con cua; ‘ala’: càng cua

‘ānetik’: hiệu triệu, kêu gọi, triệu tập.

‘ānaka’: lời kêu gọi, kẻ tuyên truyền

“Những bài kinh nào do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không, họ sẽ không nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ không lóng tai; họ sẽ không an trú chánh tri tâm, và họ sẽ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo”.

Liên hệ đến không là gì?

‘Sunnatappatisamyutta’: liên hệ hay nói về bản chất thế gian.

‘Sattasunnatadhammamattam’: nói gọn là lý vô ngã tức không có chúng sinh nào hết mà chỉ là sự vận hành hiện hữu của các pháp.

Đoạn kinh này dịch lại thì phải dịch như thế này:

“Những bài kinh nào do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, nói về bản chất vô ngã của thế gian, thì họ sẽ không nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng…”

Chữ này có một từ rất là gọn, nhưng tôi không muốn bà con hiểu lầm… Bên Bắc Tông nói rằng người không biết đạo cái gì cũng chấp ‘tôi, của tôi’, nhưng Tiểu thừa thì khá hơn chút, tiểu thừa thì chấp khá hơn chút, “Ngã không pháp hữu” là dịch sát của chữ này, nhưng chữ này bên Bắc Tông họ dùng để mạt sát PGNT. Người ta dùng để ‘chửi cha’ mình mà mình dùng thì coi như mình ‘chửi cha’ mình lần nữa.

Dịch gọn lại là: Những pháp thoại nào do Như Lai thuyết giảng, nghĩa lý thâm sâu, thâm diệu, xuất thế gian (tức giải thoát) đề cập đến lý vô ngã thì người ta không thèm nghe, vì nghe không có ‘đã’. Cái này chúng tôi nói chân thành không có ý dè bỉu, châm biếm, chỉ đơn cử thôi; ví dụ như giáo lý làng Mai, vì sao người Tây mê giáo lý làng Mai? Vì giáo lý Làng Mai không đặt nặng vấn đề tu học rốt ráo khắt khe như PGNT, cũng không phiêu bồng lãng đãng như PG Bắc Tông của Tàu hay Việt. Không kêu gọi nặng nề niệm Quán Âm hay niệm Di Đà cầu vãng sanh. Làng Mai kêu gọi tinh thần sống chánh niệm theo PGNT nhưng có cách nói theo cách cận nguyên thủy, thơ mộng hơn. HT Nhất Hạnh thay vì nói trước sau gì mình cũng chết, thân xác này cuối cùng cũng tan rã, tiêu hao băng hoại, thì HT nói thế này: Rồi sẽ có một ngày mà cành hoa nào cũng héo úa rồi trở về đất để nuôi dưỡng thành những cành hoa khác. Sẽ có một ngày nào đó chúng ta sẽ hóa thân thành những đám mây trắng bàng bạc phiêu lãng trên trời; sẽ có một ngày chúng ta hiện hữu trong từng giọt mưa, từng giọt nước, từng đám mù sương trong hành tinh này, trong bầu khí quyển này, sẽ có một ngày tôi và anh chị em sẽ gặp lại nhau trong bầu không khí thơ mộng của một đêm trăng nào đó, trong sự hiện hữu trong sự tồn tại của hơi nước, của một cành hoa, của một chiếc lá, một dòng chảy ở suối, ở sông ở biển. Sẽ có một ngày chúng ta sẽ hòa nhập vào biển pháp giới mênh mông không còn phân biệt nữa. Sẽ có một ngày thế giới này không còn có sự phân ly nữa khi từng người lìa bỏ sự hiện hữu cá nhân nhỏ bé trở về với sự hiện hữu mênh mông của pháp giới bao la.

Nói như vậy Tây nghe sướng thiệt, thấy mình không bị mất, còn kiểu nói của PGNT thì: danh sắc sanh diệt trong từng phút, cái sau kế thừa cái trước nhưng không phải là cái trước. Tất cả buồn vui xuất hiện một lần rồi thôi, giây phút nào cũng là giây phút cuối cùng, các pháp do duyên mà có, có rồi phải bị mất. Nói như vậy nghe khô mà lạnh quá!

8. CỎ RƠM

Chúng tôi không rõ trong room này có tăng ni hay không, tôi hỏi vì có lý do, bởi tên kinh là Kaliṅgarasutta mà tăng ni thường đọc kinh cầu siêu, tức là có bài kinh chuyên môn tụng trong khi đi trong đám tang, bài kinh kết thúc thế này:

“Aciram vat’ayam kàyo,

pathavim adhisessati,

chuddo apetavinnàno,

nirattham va kalingaram”

(Thân này sẽ không tồn tại bao lâu đâu khi hơi nóng trong tâm thức không còn nữa thì cái xác này giống như một khúc gỗ vô hồn vô tri).

Kaliṅgara có nghĩa là ‘cọng rơm’ mà cũng có nghĩa là một ‘que gỗ’ (piece of wood). Vì vậy quí vị đừng lấy làm lạ khi có lúc nào đó HT Minh Châu dịch chữ này là khúc gỗ. Ở đây ngài dịch theo nghĩa cọng rơm.

‘Kaliṅgarūpadhānā’: gối rơm, gối gỗ

‘Ūpadhānā’: gối, mộc chẩm (gối gỗ), cảo chẩm (gối rơm)

‘Kaliṅgara’: khúc gỗ, cọng rơm

Người Ấn Độ xưa có nhiều kiểu gối, nhà giàu dùng vải lụa bọc sợi tơ hoặc lông thú. Nhà nghèo dùng khúc gỗ gọt lõm xuống để nằm hoặc lấy rơm, cỏ khô để kê đầu.

“Sống trên các gối rơm, này các Tỷ-kheo, là lối sống hiện nay của dân chúng Licchavi, không phóng dật, nhiệt tâm trong nhiệm vụ. Ajàtasattu, con bà Vedehi, vua nước Magadha không có được cơ hội, không có được đối tượng để xâm lăng”

Ai có đọc lịch sử thế giới sẽ thấy rằng sau Thế chiến II, người dân Nhật Bổn đúng là những người dân sống trên gối rơm. Sau Thế chiến II họ bị người Mỹ áp đặt lệnh giải giới, không cho có quân đội riêng, chỉ có lực lượng phòng vệ quốc gia chớ không có Bộ Quốc Phòng, không cho sản xuất buôn bán vũ khí. Trong suốt thời gian đó người Nhật lặng lẽ kiệm ước cần cù nỗ lực, chỉ sau ba mươi năm họ trở thành một trong những cường quốc. Đời sống chịu khổ chịu cực đó vẫn hằn sâu trong nếp sống của người Nhật.

 

Lối sống gối rơm nghĩa là “nằm gai nếm mật”.

Theo chú giải, con em thanh niên của xứ Licchavi thời gian ăn ngủ rất ít. Ai còn học nghề học chữ được thì dành hết thời gian để học nghề học chữ. Ai có khả năng làm việc thì dồn sức làm việc, ai làm thầy được thì tận lực làm thầy, ai làm trò được thì tận lực làm trò, ai làm thợ được thì tận lực làm thợ. Xem thêm kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh để biết dân Licchavi này, họ chịu cực chịu khổ để đất nước họ vươn lên như dân Nhật, dân Do thái.

Ở đây Đức Phật mượn hình ảnh người dân Licchavi để nói về lối sống tiết kiệm cần cù, chịu thương chịu khó. Cũng vậy, Ngài nói rằng, các vị tỳ kheo ngày nay muốn phát triển hưng thịnh thì cũng phải chịu khó, tinh tấn, bỏ bớt nhu cầu hưởng thụ cá nhân, đừng ham sướng sợ khổ thì mới phát triển được, mỗi cá nhân sẽ được thành tựu nhiều công đức và hội chúng tăng già cũng nhờ vậy mà được phát triển hưng thịnh.

Lúc Ngài nói bài kinh này thì Ngài đã trọng tuổi rồi. Hội chúng hưng thịnh lắm, chư tăng được cúng dường rất nhiều, tỳ kheo ngại những cái gì nhám và thích những gì êm mịn, bóng láng, ấm áp. Đây là dấu hiệu giáo hội đang trên đà đi xuống vì vậy Đức Phật mượn chuyện người dân Licchavi để nói.

Trong đời Đức Phật 45 năm chia thành 3 thời kỳ: Sơ giác thời, Trung giác thời và Hậu giác thời

Sơ giác thời (Pathamabodhikāla): giai đoạn 15 năm đầu. Trong 15 năm đầu chư tăng ngủ rất ít.

Paṭhamabodhiyaṃ kira bhikkhū bhattakiccaṃ katvāva kammaṭṭhānaṃ manasi karonti. Tesaṃ manasikarontānaṃyeva sūriyo atthaṃ gacchati. Te nhāyitvā puna caṅkamaṃ otaritvā paṭhamayāmaṃ caṅkamanti. Tato ‘‘mā ciraṃ niddāyimhā’’ti sarīradarathavinodanatthaṃ nipajjantā kaṭṭhakhaṇḍaṃ upadahitvā nipajjanti, te puna pacchimayāme vuṭṭhāya caṅkamaṃ otaranti. Te sandhāya idaṃ vuttaṃ.

Tương truyền rằng trong buổi đầu Thế Tôn vừa thành đạo, chư tăng dùng cơm xong thì chỉ tập trung vào chuyện thiền định. Tu suốt ngày cho đến lúc mặt trời lặn thì thôi. Vị đó cứ chiều tắm rửa xong là đi kinh hành suốt canh đầu hôm. Các vị có mỏi mệt lắm thì chỉ nằm xuống một chút thôi, khi nằm luôn có tâm niệm “một chút thôi nha”, nằm để cho bớt mệt thôi, nằm là kiếm một miếng gỗ cứng nằm để không êm ái. Cứ như vậy đến canh cuối của đêm thì thức dậy đi kinh hành. Kinh này được nói dựa vào thời điểm chư tăng tinh tấn như vậy đó. Thời đó một phàm phu trở thành vị thánh đơn giản lắm.

“Ayaṃ bhikkhu puthujjano, ayaṃ puthujjano’’ti aṅguliṃ pasāretvā dassetabbo ahosi. Ekadivasaṃ sabbe arahantova ahesuṃ.

Nhiều đến mức phàm thánh chỉ cần điểm danh bằng ngón tay, ví dụ như thời nay mình nói sư này là tỳ kheo, sư này là sa di; thời đó khi nào cần thì các vị ám chỉ với nhau vị đó còn phàm rồi thì chỉ trong một ngày hôm sau thì có thể thành A-la-hán hết.

Bởi vì, chúng tỳ kheo thời kỳ đầu rất tinh tấn và chư tăng cố ý đi tìm chỗ cực để cho mình đừng chìm sâu trong sự hưởng thụ. Khi Phật pháp trải qua Trung giác thời và Hậu giác thời, chư tăng được cúng dường nhiều quá, chăn đệm toàn thứ tốt nên các vị không thể nằm trên chỗ cứng nhám, lạnh lẽo được. Ngủ nhiều hơn, xưa thì ăn cho no, mặc cho ấm giờ đổi thành ăn cho ngon, mặc cho đẹp. Lý tưởng tu học không còn nữa, lá y trở thành chỗ dựa cho những người kiếm sống, giá áo túi cơm, và Phật pháp đã giảm nhiều tinh hoa. Ngay cả trong hàng cư sĩ cũng vậy, khi mình thấy con em của mình vùi đầu học thì thấy đời nó khác, mà mình thấy nó cứ hưởng thụ thích đi mua sắm hàng hiệu thì biết là dấu hiệu đi xuống. Tuổi trẻ chia làm hai phe, một phe thì vùi đầu trong thư viện, giảng đường đại học; một phe thì đi mua sắm hàng hiệu, đây là dấu hiệu đi xuống của xã hội.

Đức Phật nói, khi tỳ kheo sống đời xuống dốc như vậy thì Ác Ma có cơ hội. Phiền não có cơ hội và thành phần phá đạo có cơ hội.

9. CON VOI

‘Nāga’: 1. Con voi. 2. Con rồng. (Tùy theo chỗ mà hiểu).

Khi Đức Phật ra đời Ngài gọi vị La-Hán là Nāga với định nghĩa như sau:

‘Na āgum gacchatiti nago’: người không phạm lầm lỗi thì gọi là Nāga

Cả bài kinh này có nội dung là “yếu người đừng đi nắng”.

Những vị tỳ kheo có nội lực thật sự về pháp học và pháp hành, tức là giỏi giáo lý, tu chứng ngon lành thì dấn thân hoằng pháp một cách an toàn vô sự, còn những vị không có nội lực đủ để tự vệ thì khi đi vào trong đời sống hoằng pháp dấn thân thì cơ hội bị sa ngã, đổ đốn rất lớn. Vì vậy Ngài dạy, giống như những con voi lớn, có thể xuống hồ sen nhổ củ sen, tắm, uống nước… nhưng voi con thì không thể, cần phải chăm sóc và dòm ngó. Một vị tỳ kheo muốn dấn thân vào chuyện hoằng pháp thì phải tự lượng nội lực của mình có đủ sức hay không.

Trong bộ Nhân Chế Định, bộ thứ tư của bảy bộ A-tỳ-đàm, nói rõ các hàng tỳ kheo giống như các hàng chiến sĩ. Có những người lính ra trận thấy cờ xí của đối phương là tái mét đứng không vững, chưa xáp chiến đã bại trận từ xa. Có những người lính phải có chạm mặt chút đỉnh rồi mới bỏ chạy, có người lính bị thương rồi mới chạy, có người lính chết ngoài sa trường và có những người chiến thắng trở về ca khúc khải hoàn. Cũng vậy, trong hàng tỳ kheo có những vị đã thua trận từ xa, có những vị chính thức bị tấn công và sa ngã, có người bị bầm dập và cuối cùng mới rớt y, có người giữ mình trong sạch cho đến phút cuối. Ở đây Đức Phật dạy những người thấy mình chỉ là voi con thì đừng bắt chước voi cha voi mẹ đi xuống hồ tắm giỡn, nhổ củ sen thì chỉ có chết.

Bài kinh này không chỉ dành riêng cho tu sĩ mà còn bao gồm cư sĩ nữa. Mình coi kinh cứ thấy “Này các tỳ kheo” thì cứ nghĩ không có phần mình. Sai. Bởi vì Ngài đang nói cho những vị ngồi trước mặt Ngài. Thí dụ Nguyễn Trãi có để lại tập Gia Huấn Ca, để dạy dỗ con cái trong nhà rồi mình nghĩ mình không phải là con cháu của Nguyễn Trãi nên không thèm đọc là sai bét. Đức Phật dạy “này các tỳ kheo” tức lúc đó Ngài nhắm người ngồi trước mặt mình, còn nội dung đó vẫn nhắm cho mình. Bởi nếu không nhắm cho mình thì ngài Ānanda đâu có trùng thuật kiết tập làm chi. Và nếu nói chỉ nói cho người xưa thì người ta lưu truyền kinh điển làm gì.

Ở đây, người cư sĩ cũng vậy, tự xét thấy rằng kiểu sống nào của mình mà đe dọa tín tâm, đe dọa sự tu học của mình thì phải tránh. Đừng nhảy xuống bùn rồi than vì sao mình hôi bùn, hôi sình, bị dơ. Trong đời sống người cư sĩ, nếu xét thấy vì hoàn cảnh không thể lìa bỏ công việc, trú xứ đó được, thì phải cắn răng… Chuyện đó tôi không nói vì quí vị còn phải nuôi cha nuôi mẹ nuôi chồng nuôi con, còn nếu điều kiện có thể lìa bỏ được thì tôi nghĩ rằng nên lìa bỏ chỗ đó, công việc đó để đổi qua chỗ khác, công việc khác, vì chúng ta là những con voi con, chúng ta không đủ sức. Chúng ta không phải là Cấp Cô Độc, không phải là Visākhā, không phải là Bình Sa vương, không phải là Ba Tư Nặc, đừng nói là cư trần bất nhiễm. Tự xét thấy mình là con voi con không phải là con voi trưởng thành thì hạn chế, né được bao nhiêu thì né. Những sách báo, phim ảnh, tác phẩm văn nghệ thi ca, những websites nào mình xét thấy có hại cho đời sống tinh thần của mình thì dứt khoát phải tránh.

10. CON MÈO

‘Bilāra’: con mèo.

Ở đây Ngài chỉ ví dụ thôi. “Có con chuột nhắt vì kiếm ăn chạy ra. Và con mèo ấy bắt lấy nó, mau chóng hành động (sankharirva) và nuốt nó. Và con chuột nhắt ấy cắn ruột, cắn phủ tạng con mèo. Do nhân duyên ấy, con mèo đi đến chết hay đi đến đau khổ gần như chết”. Giống như cách đây không lâu tôi đọc trên báo, một bệnh viện ở VN, bác sĩ tiến hành một ca mổ để lấy cái tăm xỉa răng mà một bệnh nhân vô tình nuốt phải. Khi ăn nhanh nuốt vội vã ta dễ bị gặp vấn đề với thứ mình nuốt vào. Một tỳ kheo thiếu chánh niệm dễ bị có vấn đề với những cảnh trần mà mình tiếp xúc. Ở đây thì nói tỳ kheo nhưng cư sĩ cũng y chang như vậy; phải hiểu là tất cả mọi người đều giống nhau. Phải nhớ những điều này:

– Nghĩ kỹ lại xem mỗi ngày tâm ta thiện ác cái nào nhiều hơn.

– Có lúc nào tâm ta không biết một trong các cảnh trần.

– Và mỗi ngày vui và khổ cái nào nhiều hơn.

Nhớ ba câu trên thì tự nhiên thấy bài kinh này quan trọng. Năm trần đóng vai trò tuyệt đối quan trọng trong đời sống của mình. Năm trần không có tội mà vấn đề là thái độ tâm lý của chúng ta khi tiếp xúc năm trần. Trong thời gian này chúng tôi đang thực hiện quyển Kỹ thuật Thiền Quán của Các Truyền Thống Nam Phương trong đó có một đoạn quan trọng, nói tới đây không thể không nhắc: 1/ Từng cảnh tốt xấu ta tiếp xúc bây giờ là do tiền nghiệp thiện ác đời trước. 2/ Cảnh nào do nghiệp ác mà có thì là cảnh gây khó chịu, khi tiếp xúc ta dễ có tâm sân. 3/ Cảnh nào là quả của thiện nghiệp thì luôn dễ chịu, khi tiếp xúc ta dễ có tâm tham. Đây là câu giải thích vì sao luân hồi là đáng sợ. Tâm ác là nhân trực tiếp khiến ta khổ. Tâm lành là nhân gián tiếp khiến ta khổ. Tại sao? Đâu phải kiếp nào sinh ra cũng học Phật pháp, cứ làm chút thiện thì đời sau mình hưởng quả lành! Hưởng quả lành là 99% bằng tâm tham. Ví dụ mình đẹp, đi đâu cũng được người ta dòm ngó xì xầm, khoái lắm. Mình sanh ra mình giàu, mình giỏi, mình hưởng thụ thoải mái luôn. Giỏi cũng là phước cũ đời trước. Có nhan sắc, có tiền bạc, có sức khỏe, có danh vọng, uy tín… toàn là phước. Khi mình có quá nhiều cái được như vậy, tâm mình chỉ toàn tâm tham. Còn những cái do ác nghiệp: bịnh, nghèo, xấu, dốt v.v… khi sống trong những quả xấu này mình thường xuyên bất mãn. Quả thiện cho mình thấy, nghe, ngửi, nếm … được cái mình thích. Có nhiều người cả ngày bực mình suốt mùa thu, nhìn đâu cũng bực mình là do tiền nghiệp đời trước, có người tối ngày cứ lai rai vui man mác giống như gió nhẹ nhẹ thổi. Trong đời sống của mình, toàn bộ những gì mình thấy nghe đời này làm cho mình vui buồn đều là nghiệp của quá khứ. Hãy cẩn thận bởi hành trình luân hồi là một quá trình vay nợ nặng lãi. Cứ một tâm bất thiện xuất hiện thì sẽ tạo ra vô số quả bất thiện. Cứ mỗi lần gặt hái một quả bất thiện thì mình sân suốt và đôi khi vì quả bất thiện mà mình tạo ra biết bao nhiêu nghiệp bất thiện. Ví dụ mình có nghiệp chửi một bậc thánh, đời này sinh ra người ta thấy mặt mình là người ta chửi, và thế là mình phản ứng. Xui một chỗ, người mình phản ứng là người đức độ thì càng mệt. Như học trò của ngài Ca-Diếp, ngài nhắc nhở khuyên răn miết nên chịu không nổi, đợi ngài đi bát người học trò này đốt cốc rồi hoàn tục. Vì đốt cốc của ngài Ca-Diếp nên chết sanh làm ngạ quỷ khổ triền miên.

Chánh niệm là không tiếp tục vay nợ mới nữa, gặp cảnh xấu không sân, gặp cảnh tốt không tham, thấy gì biết nấy, nghe biết là đang nghe, ngửi biết là đang ngửi, khó chịu là biết thân đang khó chịu hay tâm đang khó chịu. Không suy diễn, liên tưởng, kết nối vô ích để phiền não thêm nhiều. Ví dụ một người dốt không biết nhạc, họ nghe bản nhạc giao hưởng mà chẳng hiểu gì, còn người có học nhạc Tây Phương thì nghe Chopin, Beethoven, Mozart chừng hai giây là họ thấy đê mê rồi vì họ hiểu. Mình thích bởi mình có liên tưởng, có hình dung. Ví dụ hồi đó mình ở VN nhà quê không biết đồ ăn Tây, giờ mình có điều kiện ăn đồ Tây thì mình mới thích mùi nấm, mùi phô mai nặng mùi của Pháp… Thêm một chút văn hóa, một chút kinh nghiệm sống thì bắt đầu mình có khả năng suy diễn “ăn vậy mới sang, mới bổ, mới đúng điệu.” Hồi xưa mình đi xe đò, giờ mình có xe riêng, xe hiệu… Chánh niệm là có sao biết vậy không suy diễn, sống đúng mức không thừa không thiếu. Người có phiền não luôn sống trong tình trạng thừa hoặc thiếu. Thiếu nghĩa là lẽ ra phải hiểu rõ là cái gì thì mình lại quên hiểu, quên ghi nhớ. Thừa là lẽ ra thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe mà mình suy diễn thêm để bực mình. Ví dụ thấy người ta quên chào, mình suy nghĩ suy diễn rồi bực mình. Phiền não của chúng sinh đi ra từ hai cái:  và không. Khi người ta gặp mình mà người ta có làm gì đó, có nói gì đó cũng làm cho mình phiền, và có khi người ta không làm gì đó, không nói gì đó cũng làm cho mình phiền. Hạnh phúc cũng vậy, cũng lệ thuộc vào có và không. Chánh niệm là không để ý nhiều lắm vào những cái có và không đó.

Quí vị thử thực tập sống chậm một lần. Sống chậm ở đây không phải là nói trên tốc độ hay thời gian mà là sự dứt khoát trong từng việc. Thường thường mình không dứt khoát, việc này dính líu việc kia không dứt khoát. Chánh niệm là biết rõ ràng trong từng việc. Khi đó quí vị sẽ thấy thì ra Đức Phật cho mình một thế giới sống rất kỳ thú mà mình chưa bao giờ hình dung. Thế giới đó không cần phải trăng sao hoa lá ong bướm gì đặc biệt, chỉ là thế giới bình thường mà mình sống chậm lại để xem cái gì đang xảy ra. Lúc bấy giờ mình đang nhìn thế giới này từ góc độ khác, chiều kích khác, không cần phải sang thế giới khác. Mỹ có câu: Du lịch không phải chỉ để tìm đến vùng đất mới mà để có cái nhìn mới.Vì sao? Vì có rất nhiều kẻ bỏ nhiều tiền để thực hiện chuyến vacation để ra nước ngoài mà cái lòng vẫn nằm ở nhà. Đó chỉ là bỏ tiền ra để âu lo từ xa (tele-worrying).

Thật sự mà nói, tết Nguyên Đán này đang tới, xuân đang về trên thềm nhà mỗi người Việt trên toàn cầu, thật ra nó là một cái tang trong mỗi năm, cho mình biết mình sắp chết, lấy gì mà vui. Hãy nhớ năm nay mình còn khá, khá về tinh thần, về sức khỏe, nếu ngay bây giờ không thực tập chánh niệm thì sang năm vào ngày này tháng này không chắc mình có thể tu tập chánh niệm, và nếu có thì chắc chắn tệ hơn bây giờ. Thời điểm tốt nhất để tu tập chánh niệm chính là ngay bây giờ.

11. CON CHÓ RỪNG

Singālasutta

Bài kinh này có một chuyện đáng để mình bàn với nhau, bản dịch tiếng Việt có vấn đề rất lớn:

“Các Ông có nghe chăng, này các Tỷ-kheo, trong ban đêm khi trời gần sáng, con giả-can đang tru lớn tiếng?

Ðó là con giả-can, này các Tỷ-kheo, bị mắc bệnh ghẻ lở. Chỗ nào nó muốn đi, chỗ nào nó muốn đứng, chỗ nào nó muốn ngồi, chỗ nào nó muốn nằm, gió lạnh buốt thổi lên trên nó”

Ngài hỏi chư tăng có nghe tiếng con chó tru trong rừng hay không. Chư tăng trả lời là con chó bị ghẻ lở, đi đâu cũng bị gió lạnh. Đoạn này nói chuyện buồn, cám cảnh cho con chó, vậy mà đoạn tiếp theo thì: “4) Lành thay, này các Tỷ-kheo, nếu ở đây có người nào, tự cho là Thích tử, lại có thể cảm thọ được một trạng huống tự ngã như vậy”. Chữ “lành thay” ở đây cho thấy câu trả lời mang nghĩa vui trong khi câu hỏi phía trên lại mang nghĩa buồn.

‘attabhāvapaṭilābhaṃ’: đời sống, lối sống

‘attabhāva’: là những gì thuộc về của mình như là thân thể của mình, buồn vui của mình

‘cittassāda’: sự ngọt ngào trong tâm tư

Nội dung bài kinh: Con chó rừng ghẻ lở kia dù gì cũng được tự tại không ràng buộc trong sinh hoạt. Một tỳ kheo dù đói lạnh nhưng cũng được tự tại như vậy là điều đáng có.

Có thể dịch lại câu hỏi phía trên:

…Ðó là con giả-can, này các Tỷ-kheo, tuy bị mắc bệnh ghẻ lở. Nó muốn đi đâu nó đi, nó muốn ở chỗ nào nó ở, nó sống thanh thản tự tại vui với trăng sao hoa lá gió rừng…”

Chữ ‘sūtabhūta’ vừa có nghĩa ‘mát’ vừa có nghĩa là ‘lạnh’. Tùy chỗ mà hiểu, giống như tiếng Anh, chữ ‘cool’ có chỗ nghĩa xấu, có chỗ nghĩa tốt. Trong kinh có chỗ chữ sūtabhūta ám chỉ sự viên tịch.

“Lành thay, này các Tỷ-kheo, nếu ở đây có người nào, tự cho là Thích tử, lại có thể cảm thọ được một trạng huống tự ngã như vậy.”

Tại sao ở đây Đức Phật xài chữ “Thích tử”? Câu “có người nào, tự cho là Thích tử” là ngài nhắm đến Devadatta.

“Sakyaputtiyapaṭiññeti idampi devadattassa ācārameva sandhāya vuttanti”: ở đây nếu có người nào tự cho là Thích Tử, kể cả một vị tỳ kheo xấu như Devadatta nếu có được sự thanh thản cũng là điều hay.

‘Ācārameva’: sở hành

‘Sandhāya’: liên hệ

Con chó rừng dù bị ghẻ lở đau đớn ngứa ngáy nhưng ít ra không bị ai nhốt cũi xiềng xích nó được. Không có gì khổ cho bằng muốn đi mà không thể đi, hoặc không có chỗ đi, hoặc không có cách nào để đi hoặc đi bây giờ thì không tiện vì sự ràng buộc của cái gì đó. Đừng nghĩ có bạc triệu là hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là có được tất cả những gì mình muốn mà hạnh phúc chính là mình có thể thích được cái mình có. Giống như câu: Cưới được người mình yêu là may mắn nhưng yêu được người mình lỡ cưới là bản lãnh. Kẻ giàu có nhất không phải người có mọi thứ, mà là người có thể thích nghi với mọi thứ.

12. CON GIẢ CAN

Đêm nay đang ở Thụy Sĩ, máy mượn. Máy này Phật tử để trong kho lâu lâu mới lấy ra xài một lần. Hôm nay Tết âm lịch là ngày mấy rồi ạ? Hăm chín Tết rồi? Sáng nay mình học kinh cuối cùng của Chương Thí Dụ, đó là kinh Giả Can. Giả Can cũng là tên loại chó rừng. Bài kinh này Đức Phật dạy về đức tính tri ơn. Trong chú giải không nói rõ vì lý do nào Thế Tôn lại nhắc đến đề tài này, nhưng dù không nói, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng tri ân là đức tính rất đáng quí và độc đáo. Bởi vì, Đức Phật từng dạy trong Tăng Chi Bộ, phần 3 Chi: Ba hạng người khó kiếm trên đời: Đức Phật, người giảng pháp và người biết ơn. Ngày trước tôi đọc thấy lạ nhưng khi có tuổi rồi thì thấy hết lạ. Đức Phật thì khó kiếm, người giảng pháp cũng khó kiếm, chỉ có trong thời của Đức Phật. Chú giải nói rõ: Không có sự hướng dẫn của chư Phật thì người ta chỉ biết nói đến vô thường, khổ, không thể giải thích được về lý vô ngã. Chỉ có người được nghe lại từ Đức Phật thì mới có thể trình bày lại được lý Tam tướng (vô thường, khổ, vô ngã) một cách đầy đủ. Mọi thứ đều do duyên mà có, không có ông A, bà B, không có tôi, ta gì hết.

Chỉ có chư Phật mới thuyết giảng về Bốn Đế và lý Duyên khởi

‘Sattasunnatadhammamatta’: không có chúng sinh, chỉ có các pháp hiện hữu.

Tại sao hạng người có tính tri ân thì khó kiếm? Bà con nào từng sống va chạm mới biết. Lòng người kỳ lắm, mình giúp họ mỗi ngày trong ba mươi năm chưa chắc đến năm thứ ba mươi mốt họ còn cảm kích mình, nói chi đến năm thứ ba mươi mốt mình không giúp nữa họ sẽ oán mình mà không kể gì ba mươi năm qua.

Ta thường nhớ nhiều về hai chuyện: mình đã cho ai cái gì và người ta đã làm gì cho mình buồn và thường khi quên mất chuyện người ta làm mình vui. Người ta nói rằng tình yêu là trí nhớ của trái tim nhưng lòng tri ân là trí nhớ của óc. Phải có đầu óc mới có lòng tri ân, còn không, được một lần là quên. Bài kinh này mới nghe qua không có gì đặc biệt nhưng thế giới sẽ khá hơn rất nhiều nếu nhân loại có thêm lòng tri ân.

Lòng tri ân không phải là bài học đạo đức cá nhân mà nó chính là vận mệnh của thế giới. Ví dụ, nhờ ai mà đường sá này sạch như vậy? Vì đâu mà xã hội không có tệ nạn? Vì đâu mà những gì thuộc về công cộng tốt đẹp như vậy? Trước hết chúng ta phải cảm kích người nào đưa ra những chính sách xã hội để hỗ trợ những điều đó. Thứ hai là phải cảm kích từng người trong đất nước đó. Nếu họ xả rác, nếu họ trộm cắp thì đất nước này không được như vậy. Chúng ta đền đáp bằng cách làm như họ, không xả rác, không đập phá cạy gỡ của công cộng. Người ta sống có ý thức vệ sinh môi trường thì mình cũng phải sống có ý thức vệ sinh môi trường. Đó là lòng tri ân.

Có rất nhiều người thân trong một gia đình cứ nghĩ chuyện tốt đẹp người kia làm cho mình là chuyện đương nhiên, thế là không cần cảm kích. Đó là rất bậy. Buổi sáng trời lạnh thế này trong khi mình còn đang trùm mền ngủ, vậy mà mẹ mình, chị mình, vợ mình, phải tung mền thức dậy nấu cho mình ăn, dọn dẹp nhà cửa, làm nhẹ tay sợ mình giựt mình. Khi nắng lên họ mới nhẹ nhàng kêu mình dậy ăn sáng. Nếu nghĩ đây là trách nhiệm họ phải làm, mình không cần cảm kích, vậy là quá tệ. Tây khi chia tay nhau rồi, họ vẫn còn là bạn, vì bên cạnh tình yêu, bên cạnh sự thiết thân, họ vẫn dành cho nhau một góc rất là khách sáo, đó là họ biết cảm kích nhau từng chuyện rất nhỏ. Họ cảm ơn nhau liên tục và liền miệng, chúng ta cứ nghĩ họ xạo nhưng đó là họ cảm kích thiệt. Còn người châu Á mình thì sao? Cứ nghĩ là chuyện vợ lo cho chồng là đương nhiên, chồng lo cho vợ là đương nhiên. Người ta mấy chục năm nấu ăn cho mình mà chớ hề khen lấy một lời, “dù chỉ một lời chẳng đáng chi”. Khen bữa ăn có đáng gì đâu mà không khen. Đó là điểm khiếm khuyết trong văn hóa sống. Phải biết cảm kích tại sao lẽ ra người ta không làm chuyện đó mà người ta lại làm cho mình. Một bình hoa bên cửa sổ, vài phút lau sàn nhà cho sạch, kéo rèm cho nắng vào nhà, một bữa ăn sáng nhẹ nhàng, tất cả đều là nghĩa cử đáng được cảm ơn. Chính vì thế mai này bạn bè xa nhau vẫn còn thương nhau, vợ chồng li dị vẫn còn quí nhau, vì ngoài chuyện tan vỡ hôn phối ta vẫn còn giá trị văn hóa đọng lại trong lòng đôi bên.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app