Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2
Chương 5: Tương Ưng Kassapa
Y ÁO
Bài kinh Y Áo này cũng y hệt như vậy, ngài Ānanda có một số đệ tử cũng xuất gia lúc trẻ tuổi, cũng có những bất cẩn, dễ duôi, đến tai ngài Ca-Diếp. Ngài Ca-Diếp trách ngài Ānanda sao giống như không có trách nhiệm, ngài gọi ngài Ānanda là một đứa trẻ.
Ngài Ānanda nói: Dầu tóc tôi đã bạc, tuy vậy Tôn giả Mahà Kassapa nói vậy tôi cũng không phật lòng vì tôn giả nghĩ về sự trường tồn của chánh pháp, lời dạy của Đức Phật, chớ không nghĩ đến chuyện riêng. Hơn nữa trong tâm tư của một vị thánh Sơ quả, dù cho kẻ ngoại đạo có bất kính chửi mình còn chịu nổi huống chi đây là lời nói của một đại sư huynh thánh nhân. Ngài hoàn toàn không có một chút lý do nào để phiền lòng. Tây có câu hay lắm: “Cùng lo một việc sẽ thương nhau, cùng thích một món sẽ ghét nhau.” Đây là kinh nghiệm sống bằng vàng. Nếu sống với nhau trong đạo, ngoài đời, nhớ được câu này thì cũng là một cẩm nang sống đời rất quan trọng.
Tiếp theo là ngài Ca-Diếp kể chuyện trước khi đi xuất gia như thế nào, ngài bỏ gia đình đi tu và gặp Thế Tôn và trao đổi y như thế nào. Thế Tôn biết rõ vị này sẽ trì hạnh Đầu đà, biết bổn nguyện của vị này nhiều đời, và biết rõ vị nàyt sẽ là vị tỳ kheo gương mẫu, nắm giữ giềng mối Phật pháp khi Ngài không còn nữa, nên trong đời Đức Phật có những chuyện mình phải nhìn nhận là ngoại lệ như ngài Xá Lợi Phất là vị duy nhất mà Đức Phật đứng dậy tiễn. Đây là con người duy nhất được điều đó từ Đức Phật. Không có ai trong vô lượng vũ trụ được vinh hạnh này, chỉ một mình ngài Xá Lợi Phất. Đức Phật nói rằng: “Để ta đưa Xá Lợi Phất ra cửa, và ta sẽ không bao giờ nhìn thấy lại một người đệ tử nào giống như ngươi nữa.” Ngài Xá Lợi Phất cũng thưa Đức Phật một câu chí tình: Bạch Thế Tôn, một a-tăng-kỳ đại kiếp về trước con đã quỳ dưới chân Đức Phật Anomadassi để mong gặp Thế Tôn. Và trong suốt một a-tăng-kỳ một trăm ngàn đại kiếp đó con đã làm mọi sự cũng chỉ vì được gặp Thế Tôn hôm nay, con đã gặp Thế Tôn đúng 44 năm và bây giờ con đi, con không còn cơ hội gặp lại Thế Tôn nữa.
Ngoại lệ thứ hai là lá y Ngài đổi với ngài Ca-Diếp không phải là lá y bình thường, mà là tấm vải thô rẻ tiền mạt hạng bó xác của cô nữ tỳ liệng trong rừng, Thế Tôn đích thân tự tay lượm, đem đi giặt, phơi, rồi đưa cho ngài Ānanda may. Quí vị tưởng tượng bà Gotami dì ruột của Thế Tôn, tự tay trồng cây bông vải, dệt, nhuộm, may rồi đem đi cúng cho Đức Phật. Vậy mà ở đây có lá y thứ hai là lá y do chính tay Đức Phật lượm vải, giặt. Một vị hoàng đế mà đi lượm miếng vải dơ bó xác tự tay đem xuống suối ngồi giặt. Giặt xong rồi đưa cho đệ tử nhuộm, may y để mình mặc lên người. Nói theo thời bây giờ, một tách nước mà Britney Spears chạm môi vô thì đáng tiền biết bao nhiêu, một miếng kẹo chewing gum mà Paris Hilton nhả ra, rước lấy về còn đem bán đấu giá trên Ebay nói chi là lá y do vị Chánh Đẳng Chánh Giác mặc muôn triệu tỷ ức kiếp mới ra đời một lần. Người như vậy mà đi lượm miếng vải về giặt, đang mặc y đó trên người, trên báo thân ba mươi hai đại nhân tướng vậy mà đi đưa cho một người khác. Ngài Ca-Diếp nhận lá y đó và biết rằng trên đời này không còn lá y nào tuyệt vời hơn thế. Lá y Đầu đà mà. Thế là tôn giả lập tức phát thệ, một đời lên non ẩn tu, một đời không nhận y may sẵn, một đời không nhận cơm nhà cư sĩ, chỉ sống bằng đồ ăn khất thực, một đời không sống dưới mái che, một đời không nằm chỉ ngồi, chỉ vì lá y đó. Đẹp như vậy đó. Ngài Ca-Diếp kể lại vì đâu ta có cuộc đời như vậy, như các hiền giả nhìn thấy.