Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2
Chương 5: Tương Ưng Kassapa
VÍ DỤ VỀ TRĂNG (Candūpamasutta)
* Hình ảnh mặt trăng trong Phật pháp
Đức Phật dạy, trăng đúng hẹn lại lên. Đúng ngày giờ đó thì xuất hiện không cần mời mọc gì hết. Trăng đến dù có ngắm hay không thì trăng vẫn đến, mây có che hay không thì trăng vẫn đến, ánh sáng vẫn chan hòa khắp nơi không phân biệt. Trăng đến đi không vì người ta thích hay không thích. Trăng ở xứ nhiệt đới hay xứ lạnh thì cũng cứ đúng mùa thì xuất hiện. Theo khía cạnh khoa học thì trăng được mô tả kiểu khác, còn ở đây là Đức Phật nói theo cách nghĩ của người thời đó cho họ nghe.
Một vị tỳ kheo cũng giống như vậy, chuyện cần thì phải có mặt. Đi bát là phải đi ngang làng đó, giờ khất thực thì phải trên con đường đó, đoạn đường đó. Khi người ta có mời thỉnh thì có mặt ở ngôi nhà đó. Có đủ duyên sự thì có mặt trên con đường đó, khu phố đó, căn nhà đó, cuộc gặp gỡ với người nào đó, xong chuyện rồi đi như trăng lặn vậy.
Có ai trong cuộc đời này mà có lòng nắm giữ mặt trăng bao giờ, nghĩa là thấy trăng đến thì biết trăng đến. Bản thân mặt trăng và người ngắm trăng có điểm giống nhau: trăng đến hẹn thì lên, người không nắm giữ trăng. Tỳ kheo cũng vậy, đến và đi như mặt trăng và thái độ đối với đời cũng như người ngắm trăng.
Trong bài kinh Từ Bi có câu thế này: “kulesu ananugiddho”nghĩa là không dính mắc trong quan hệ với cư sĩ. Cũng trong Kinh Từ bi cũng có một chữ nữa: ‘Appagabbho’: không xông xáo đường đột. Nghĩa là không tự mình hành xử giống như thể là người thân của người ta, hỏi thăm lui tới, chia sẻ buồn vui rồi nhiều khi can thiệp chuyện gia đình của người ta. ‘Pagabbha’: xông xáo, đường đột.
Tôi có một bài viết (hình như là ‘Lệ Giang’ thì phải) trong đó có ý này, Phật pháp là một pháp môn khách sáo. Chữ ‘khách sáo’ có nhiều nghĩa. Vị tỳ kheo nói riêng và người tu hành nói chung phải luôn luôn nhớ rằng mình là người khách trong trần gian này, không có gắn bó thiết tha với một người, một vật, một cảnh nào hết. Từ chỗ luôn tâm niệm mình là người khách thì chuyện gì khách cần làm thì làm nhưng khách không thể nào sống bằng tâm trạng của chủ được, không cưu mang quá nhiều, không tích lũy đầu tư quá nhiều vì mình chỉ là người khách. Đó là ý nghĩa thứ nhất của chữ ‘khách sáo’
Thứ hai, trong đạo Phật thì dù là một vị tỳ kheo về thăm cha mẹ đi nữa thì cũng không xin xỏ, gợi ý này kia. Đối với người thân của mình thì còn vậy nữa nói gì là người ngoài. Ơn cha mẹ thì nhớ, tấm lòng từ bi đối với anh chị em thì có, nhưng sự chia sẻ buồn vui như hồi thời tục gia cư sĩ thì không có nữa. Phải bớt hay giảm cái gì đó, chỉ còn cái gì coi được so với hình thức xuất gia. Đó gọi là khách sáo. Ở đây trong kinh dùng hình ảnh mặt trăng. Mặt trăng đến và đi đúng ngày đúng giờ và không có sự lưu luyến hay tranh thủ, đầu tư, mong đợi gì ở người ta. Người ngắm trăng cũng vậy, cũng không hề có ý gì đối với mặt trăng. Xưa nay làm gì có một vị bạo chúa nào có thể nghĩ đến chiếm hữu mặt trăng làm của riêng.