Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2
Chương 5: Tương Ưng Kassapa
THIỀN VÀ THẮNG TRÍ
Ngài tán thán ngài Ca-Diếp. Ngài có gì thì ngài Ca-Diếp có cái đó. Dĩ nhiên là nói chung chung, nhưng về chi tiết thì lục thông, tam minh của một vị đệ tử không thể nào bì được với vị Chánh Đẳng Giác. Giữa các vị Thanh văn với nhau đã không bằng nhau, nói gì giữa đệ tử và đạo sư.
TRÚ XỨ
(Con đảnh lễ Sư Trưởng vào room. Con không biết bữa nay sức khỏe Sư đã ra sao, mới ngày hôm qua có mấy người bên Thụy Sĩ qua thăm, con có gặp đứa cháu, nó nói Sư Trưởng vẫn còn ở Gò Vấp. Con ngạc nhiên, không lý nào nhiều tháng rồi Sư vẫn chưa ổn. Nếu nhớ thì nói nhiều lần, còn nếu mà con quên thì một lần thay cho nhiều lần, con xin chân thành dành trọn tất cả công đức con giảng trong room này cho Sư Trưởng, ngay khi Sư Trưởng còn khỏe hay là bịnh và còn sống hay đã mất. Cho đến bao giờ room này còn được giảng thì trong nhà băng công đức luôn rót vào tài khoản công đức của Sư cậu, suốt từ đây cho đến Sư cậu mất. Mất rồi mà hễ room còn giảng thì Sư cậu ở cảnh giới nào mà nhớ rằng có một đứa cháu ngày lẻ trong tuần thuyết giảng sáu giờ châu Âu là phần của mình, tài khoản của Sư cậu được vào liên tục.)
Cũng xin nói rõ với bà con một chuyện, thuyết pháp nghe pháp là phước trí, nhưng đêm qua tôi đọc trong chú giải có một chuyện ly kỳ: cũng một công đức đó mà mình tác ý đến cái gì thì có thêm một cái phước không liên quan. Ví dụ mình làm một chuyện gì đó để duy trì chánh pháp, để chánh pháp kéo dài ở đời thì cái đó ngoài phước trí ra còn cái phước trường thọ. Không phải mình thuyết pháp, thính pháp, học pháp, in kinh chỉ là phước trí. Nghĩ vậy hơi hẹp. Khi cố ý cúng dường thức ăn cho người ta khỏe thì quả báo không chỉ mình giàu mà mình còn được khỏe, hoặc mình bố thí người ta ăn cho mặt mũi coi được thì đời sau không chỉ giàu mà còn đẹp, còn bố thí thức ăn cho người ta tu thiền thì ngoài có tài sản còn được trí tuệ. Trong chú giải có nói chuyện về ngài Lakuntaka Bhaddiya Đệ nhất diệu âm, trong đệ tử của Thế Tôn ngài hơn cả ngài Xá Lợi Phất là giọng nói và âm thanh của ngài giống Phạm thiên, giống chim Ca Lăng Tần Già, chỉ thua Đức Phật thôi. Do ngày xưa ngài đi vào hầu Phật Padumuttara nghe Đức Phật Padumuttara tán thán một vị đệ tử đệ nhất diệu âm ngài phát tâm đời sau ngài cũng được vậy rồi làm phước. Còn ngài Anurudha, Đệ nhất thiên nhãn, suốt thời gian tu Ba-la-mật thì ngài bố thí đèn đuốc ánh sáng nên hỗ trợ thiên nhãn sau này. Ngài Lakuntaka Bhaddiya khi nguyện trở thành vị đệ nhất diệu âm, thì chuyện thứ nhất ngài thường xuyên chỉ nói cam ngôn mỹ từ, không nạt nộ, giận quá thì im và chuyện thứ hai là ngài rất thích cúng dường đồ ngọt. Do công đức này mà đời sau ngài sinh ra có âm thanh rất hay, Đệ nhất diệu âm; nhưng có một điều, ngài rất là xấu tướng. Xuất thân là công tử nhà giàu, được đặt tên là Bhaddiya (nghĩa là hiền nhân, hiền thiện), nhưng có ngoại hiệu Lakuntaka nghĩa là người lùn, lùn một cách dị dạng, bị các vị phàm tăng đùa giỡn, xem thường ra mặt. Vì sao ngài bị như vậy? Vì do hai nghiệp ác từ quá khứ. Trong một kiếp làm vua, ngài có tật rất kỳ là thích đùa giỡn với người già, một sở thích bịnh hoạn, ngài thích trêu chọc người già lụm cụm đi đứng khó khăn, bắt làm trò cho ngài coi, họ đau đớn xấu hổ mà phải ráng. Trong thời của Đức Phật Ca Diếp thì ngài là một trong số những kiến trúc sư chịu trách nhiệm xây dựng ngôi bảo tháp của Đức Phật Ca Diếp. Tiền bạc đã có sẵn, vật liệu đã có sẵn, bản vẽ công trình đã có sẵn, chỉ bắt tay thực hiện thôi, mà ngài bèn góp ý: “cao quá không nên”. Trong chú giải ghi: “buddhassa appamanassa pamanam akasi” nghĩa là đem áp đặt một cái hạn chế lên trên cái vô hạn của chư Phật. Đức độ của Đức Phật, mình làm được bao nhiêu thì làm, trong lòng mình không nên có mắc mứu, nhiều người có tính như vậy. Ví dụ, có hai vợ chồng, người vợ đem thức ăn cho Sư trưởng đang bị bịnh là cháo, trái cây v.v… Ông chồng thấy hơi nhiều nên nói với vợ: Sư ăn bao nhiêu, xách cũng nặng nữa, ăn không hết thì cũng đem liệng. Ông chồng nói đúng, nhưng có nghĩa là trong đáy sâu trong tâm thức của ông có cái không cam tâm với hành động của bà vợ. Có nhiều người ở đời cũng giàu có, học giỏi, có quyền lực, nhưng có điều mọi thứ trước khi đến với họ thì bị vướng vài cửa, trong số đó hình như có tôi. Trong đời tôi cũng được nhiều thứ đặc biệt, nhưng trước khi được thì vướng hai ba cửa, chắc trong hồi xưa mình cũng có trục trặc mắc mứu gì đó.
Một lần đó ngài Ānanda cùng ngài Ca-Diếp đến thăm các vị tỷ kheo ni. Tỳ kheo đến nhà cư sĩ phải có lời mời, nhưng tỳ kheo tăng đến trú xứ của tỷ kheo ni thì không cần lời mời; nhưng không được đi một mình, phải có huynh đệ thầy tổ cùng đi. Đến đây thì ngài Ca-Diếp có thuyết pháp. Đây là truyền thống rất đẹp của PGNT. Thầy trò tăng ni gặp nhau thì một là thuyết pháp, nếu không thì cùng thiền định. Nếu thấy hai việc này không tiện để làm thì lập tức nhất nút biến mất chứ không có chuyện A đến với B mà có việc thứ ba. Khi ngài thuyết pháp xong rồi đi thì trong nhóm có tỷ kheo ni Thullatissā không hoan hỷ, nói lên những lời không hoan hỷ. Chuyện này mình thấy thời nay có. Mẹ tôi là một người nữ, chị tôi cũng là người nữ, những người cư sĩ hộ trì tôi tuyệt đại đa số là người nữ, nên đối với người nữ tôi mang ơn không hết chớ không dám coi thường. Tuy nhiên, lòng phụ nữ hẹp lắm. Trong chuyện học đạo hoặc tu hành hay để tình cảm đi trước. Người nam thì thích hay không thích miễn người ta nói đúng thì dễ dàng chấp nhận, còn người nữ thì không. Khi đã chọn ông thầy thì ông thầy mình dở hơn người ta cũng được, hễ mến ông thầy đó thì thích tu theo ông thầy mình dạy hơn. Đây là lý do tại sao nữ tánh không có hợp với quả vị Chánh Đẳng Giác, không hợp với quả vị Phạm thiên. Người nữ đắc thiền cũng về cõi Phạm thiên nhưng lên đó thì cũng không có nam nữ nữa. Trên Phạm thiên thì không có vấn đề giới tính vì không nữ trên đó. Tuy nhiên tất cả Phạm thiên đều rất nam tính. Tính tình của họ hoàn toàn đàn ông, ngoại hình là đàn ông. Tất cả Phạm thiên đều là đàn ông đích thực, sở dĩ gọi không có giới tính là vì trên đó không có các bà. Tính tình người nữ chật hẹp lắm, nam mà không thích với nhau vẫn có thể ở với nhau được, còn nữ thì không, họ ghét nhau thì không cửa nào sống với nhau được. Tỷ kheo ni Thullatissā rất quí kính ngài Ānanda nên khi thấy ngài Ca-Diếp thuyết pháp tỷ kheo ni Thullatissā không vui và nói một câu rất là phạm thượng, vô lễ: “Trước mặt tôn giả Ānanda là vị thủ khố chánh pháp mà tôn giả Ca-Diếp lại đi thuyết pháp, múa rìu qua mắt thợ, Ban môn mà lộng phủ; ngài Xá Lợi Phất giống người bán kim mà ngài Ānanda là người làm kim.”
Khi ngài Ca-Diếp nghe được câu nói này, ngài có hỏi ngài Ānanda một câu: Giữa tôi và hiền giả ai là người bán kim ai là người làm kim?
Ngài Ānanda là vị Đệ nhất đa văn nhưng ngài Ca-Diếp là vị A-la-hán. Ngài Ānanda còn chuyện phải làm nhưng ngài Ca-Diếp thì không. Ngài Ānanda tuy là Đệ nhất đa văn nhưng ngài chỉ nghe lại chứ không có tứ tuệ phân tích của vị A-la-hán, và chắc chắn rằng có vô số điều thuộc về cảnh giới tâm linh của vị Nhị quả trở lên ngài Ānanda không biết. Sơ quả giỏi bằng trời thì cũng chỉ biết có cảnh giới Sơ quả của mình và những gì mình biết qua kinh điển từ người khác, còn cảnh giới tâm linh, thế nào là sự chứng ngộ của một vị Nhị quả, Tam quả, Tứ quả thì quá tầm của mình. Bằng kiến thức của mình hình dung thì ok, nhưng biết như là Nhị quả biết về nhau, Tam quả biết về nhau, Tứ quả biết về nhau thì không. Cho nên ngài Ca Diếp mới hỏi ngài Ānanda một câu như vậy.
À, xin nói với bà con một chuyện nữa là trong bộ The Pali Proper Names Dictionary (Tự điển Tên riêng Kinh điển Pāḷi) của ông G P Malalasekera, bộ này rất nổi tiếng, các học giả tra cứu tên riêng trong kinh điển Pāḷi đều dùng quyển này. Tuy nhiên quyển này có chuyện tôi rất không vừa ý đó là ông Malalasekera nói về ngài Ca-Diếp bằng một cách nói rất không nên. Ông nói ngài Ca-Diếp ghen tị (ông dùng chữ ‘jealous’) với ngài Ānanda, và có ác cảm với ngài Ānanda. Ông kể câu chuyện cuộc viếng thăm này và ngài Ca-Diếp đã nói vậy với ngài Ānanda. Ông còn nói có lúc ngài Ca-Diếp nói ngài Ānanda là đứa con nít biết cái gì. Rồi ông kể lúc Đức Phật viên tịch, ngài Ca-Diếp bất đắc dĩ phải mời ngài Ānanda người có tư cách nhất vào kiết tập, nhưng trước khi ngài Ānanda bắt tay vào kiết tập thì ngài Ca-Diếp đề nghị ngài Ānanda hãy sám hối những lầm lỗi. Ngài Ānanda nói: Chư tăng nêu lỗi gì của Ānanda thì Ānanda sẽ sám hối hết. Ngài Ca-Diếp bắt lỗi ngài Ānanda mấy điều:
– Không thỉnh Thế Tôn tiếp tục trụ thế thêm. Ngài Ānanda nói tâm trí ngài bị ma ám nên ngài không hiểu Thế Tôn nói gì.
– Ngài Ānanda xin Thế Tôn cho phụ nữ xuất gia làm gì để họ đi tu rồi làm rối tùm lum. Ngài Ānanda nói: Tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ thấy di mẫu cùng năm trăm thể nữ đầu cạo, chân đất, sưng phù nứt nẻ đứng trước cửa chùa nắng chang chang mà không dám vô, xin tôi vào trình với Thế Tôn cho phép đi xuất gia, hình ảnh đó tôi chịu không nổi. Tôi không nghĩ đến chuyện gì xa xôi.
– Tại sao khi Thế Tôn nói ta mất rồi, có thể bỏ những học giới nhỏ, tại sao không hỏi giới đó là giới gì. Ngài Ānanda nói ngài đau khổ chỉ biết một chuyện “Thế Tôn gần mất, gần đi rồi.”
– Tại sao có lần may y cho Thế Tôn mà lấy chân chận lên. Thế Tôn là thầy của ba cõi mà lấy sao chân chận lá y. Ngài Ānanda trả lời chư tăng đều biết Thế Tôn là trời biển trong lòng Ānanda, chỉ có điều vì chỉ có một mình mà gió tốc lên, phản xạ tự nhiên mà chận lại thôi.
– Tại sao để cho các bà các cô tới quá gần báo thân của Thế Tôn lúc Thế Tôn đã viên tịch, khóc rơi lệ trên lá y của ngài. Ngài Ānanda nói lúc đó trời tối, phải tranh thủ cho kịp để bà con đi về sớm, chư tăng ùn ùn kéo về, phải cho hoàng tộc đi sớm để trả lại cho tôn nghiêm của báo thân Thế Tôn, không có cách nào chu toàn mọi sự được, nhưng nếu chư tăng muốn thì Ānanda vẫn xin sám hối.
Mỗi lần trả lời ngài Ānanda nói: bạch chư tăng, Ānanda xin sám hối.
Ông Malalasekera kể lại và nói rằng ngài Ca-Diếp vì ghen tị mà làm khó ngài Ānanda. Tôi có đọc những điều này trong chú giải và hoàn toàn không lấy gì làm lạ vì là thánh với nhau họ biết nhau hết. Trước khi ngài Ca-Diếp nói gì thì ngài Ānanda biết rõ hết, vì cần làm gương cho đời sau, cho người ta thấy rằng giữa các vị La-Hán với nhau mà cái gì cần được sám hối dù chỉ là chuyện không đáng cũng phải làm cho xong, cho sạch. Cũng bài kinh này mà ai muốn hiểu sao hiểu, ông Malalasekera thì hiểu như vậy.
Ngài Ānanda khi nghe ngài Ca-Diếp hỏi vậy thì nói: Đàn bà là vậy đó. Bà con đọc dễ hiểu lầm với câu: Hãy kham nhẫn thưa tôn giả Kassapa. Phải hiểu đây là một cách nói thôi, nói theo ngôn ngữ của mình là “họ như vậy đó, thôi cho qua đi”. Tiếng Pāḷi chỗ này là kammaṭṭha “cho qua đi”, còn dịch sát thành ‘hãy kham nhẫn đi’, ‘hãy chịu đựng đi’ thì dễ hiểu lầm.
Ngài Ca-Diếp biết rất rõ cuộc đối thoại này sẽ được người đời sau biết tới, vì vậy buổi đối thoại này là ngài nhắn luôn cho hậu tấn đời sau. Ngài nói rõ luôn: Với một người như ta mà một sự xem nhẹ như vậy là một điều không nên, một điều bất lợi, một điều bất hạnh cho đương sự. Rồi Ngài giải thích, ta như thế nào, Thế Tôn đã từng tán thán ta… (đoạn 31 – 32). Chỗ này mà suy nghĩ theo kiểu phàm tâm thì rất là nguy hiểm, quá dễ hiểu lầm. Đoạn này trong chú giải cũng sơ lược chứ không nói gì khó khăn mà bà con không suy diện được.
Sau đó không lâu thì tỷ kheo ni Thullatissā từ bỏ đời sống phạm hạnh và hoàn tục.