Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 – Chương 4: Tương Ưng Vô Thỉ – Phẩm Vô Thỉ

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 4: Tương Ưng Vô Thỉ

Phẩm Vô Thỉ

Có tất cả các bài kinh: Cỏ và Củi, Quả Đất, Nước Mắt, Sữa Mẹ, Núi Non, Hột Cải, Các Đệ Tử, Sông Hằng, Cây Gậy, Người, gom chung lại trong một buổi giảng hôm nay.

CỎ VÀ CỦI

Ở đây, Đức Phật dạy rằng những kiếp sống mà chúng ta đã trải qua nhiều không kể xiết. Điểm độc đáo trong Phật pháp là Đức Phật không bao giờ nói đến cái gì gọi là điểm bắt đầu của dòng luân hồi theo cách nghĩ thông thường, cũng không nói đến cái gọi là hữu biên hay vô biên của vũ trụ. Cho nên, theo Theravada thì không thể chấp nhận được lời nguyện: “Khi nào còn người sinh tử thì ta không thành Phật.” Nam Tông không nhìn nhận câu này. Khi nói câu này có nghĩa là nói đến sự giới hạn. Trong Phật pháp thì không có tự đưa mình vào thế kẹt như vậy, vì vậy trong kinh điển Nguyên thủy không có lời nguyện lạ lùng như vậy. Ở đây tôi xin nghiêm túc và một cách đầy trách nhiệm không hề có ý bôi bác dè bỉu châm biếm, tôi chỉ hy vọng bà con khách quan. Ngay bây giờ quí vị vào Google gõ “48 đại nguyện của Phật Di Đà” sẽ thấy những lời nguyện lạ lùng mà bên Nam Tông không chấp nhận. Ví dụ “…không đủ 32 tướng tốt thì ta không thành Phật” thì cũng lạ, “mọi người còn phiền não không hiểu lý giải thoát thì ta không thành Phật”… những câu như vậy bên PGNT không chấp nhận được.

Khi nói đến dòng luân hồi vô thủy, Đức Phật xác nhận rằng chúng ta đã trải qua rất là nhiều, Ngài nói “thật là đã quá đủ để chúng ta nhàm chán, xả ly”. Dù chúng ta có là Phạm thiên, Đế Thích, có là Hoàng hậu, Đế Vương, giàu sang trí thức tiếng tăm quyền lực cỡ nào đi nữa thì cứ hết tuổi đời là phải nằm xuống về đất. Cứ như vậy đó, giả định trong vài ngàn tỷ kiếp liên tục cứ được hưởng vinh hoa phú quí như vậy rồi thì sao? Cứ lặp đi lặp lại. Cái gọi là vinh hoa phú quí chỉ là một sự giả định. Quí vị nhìn xuống mặt đất thấy một bầy kiến mấy triệu con đang di chuyển. Giả định như vậy. Trong mấy triệu đó có con làm thủ tướng, tổng thống, có nam nữ, đẹp xấu, giàu nghèo, bình dân, trí thức, cũng có thương hận tình thù, yêu ghét, tôn vinh v.v…. Tất cả những cái gì diễn ra trong “xã hội” loài kiến buồn cười cỡ nào thì xã hội loài người y hệt như vậy. Lấy chiều cao của người cao mét bảy mét tám sống trong xã hội này, trên mặt đất này, hành tinh này thì thấy ghê gớm thiệt, chứ ngồi trên máy bay nhìn xuống thì thấy nản rồi. Nhà cửa lúc nhúc bên dưới, chung cư cao cấp thì giống như đống hộp quẹt chồng lên nhau, vậy mà cái hộp quẹt đó cả đời mình cày chưa chắc mua nổi. Tất cả những gì mình thấy ghê gớm (tài sản, chủ quyền, danh phận, quyền lực v.v…) chỉ là trò hề trong mắt người ngoại cuộc nhìn vào mà thôi. Vậy mà vòng luẩn quẩn trẻ con này đã diễn ra hằng vô số kiếp rồi. Cứ sanh ra trong môi trường nào thì mình thấy tất cả những gì xảy ra trong môi trường đó là quan trọng. Ví dụ mình làm con trùn chỉ mà con nít bắt về cho cá ăn, hoặc làm dòi, làm sâu, suốt vô số kiếp mình trải qua đời sống vô vị như vậy, tất cả chỉ là sự lặp đi lặp lại do vô minh che phủ và do tham ái trói buộc. Hết đời này tới đời khác, sanh ra ở đâu được chút đỉnh gì thì thấy quan trọng, ôm ấp giữ chặt trong tay không chịu buông ra. Thái độ giữ chặt này cứ đẩy mình đi tới, mình không có cơ hội để biết rõ mình là ai. Lâu lâu trong chúng sinh xuất hiện nhân vật Sattasara (tinh hoa trong đám phàm phu), tức vị Bồ tát. Bồ tát (bodhisatta) là chúng sinh có sự nhận thức. Quí vị đọc thêm kinh Thánh Cầu (Ariyapariyesanasutta) trong Trung Bộ Kinh để thấy được rằng trong vô số chúng sinh ở đời, tuyệt đại đa số sanh ra trong bối cảnh sanh già đau chết, cứ tiếp tục đầu tư kiếm tìm thêm cơ hội sanh già đau chết. Lâu lâu mới có một người sanh ra trong cảnh sanh già đau chết mà biết chán biết sợ, biết nghĩ đến con đường thoát. Người đi tìm kiếm hành trình giải thoát đó là hành trình của thánh nhân. ‘Ariya’: thánh nhân; ‘pariyesana’: sự tầm cầu, kiếm tìm con đường giải thoát. Đa phần thì sanh ra trong bối cảnh nào thì chìm sâu gắm chặt trong cảnh giới đó. Nếu mình có niềm tin thật sự thì thấy cơ hội làm người rất khó, cơ hội gặp được chánh pháp (tức cơ hội biết được mình là ai, từ đâu tới, sẽ làm gì) thì trăm ngàn muôn triệu tỷ ức kiếp mới có một lần.

Đức Phật nói: Giả định như lấy hết tất cả những cây cối trên mặt đất này chẻ nhỏ ra như những que diêm. Lấy những que diêm đó nói rằng đây là cha, mẹ trong đời quá khứ. Cho dù đốn sạch cây cối trên hành tinh này chẻ nhỏ ra từng que diêm như vậy thì số kiếp mình đã từng luân hồi cũng không hết. Ngài dùng hình ảnh này bởi đây là buổi nói chuyện diễn ra cách đây hơn 2500 năm trước tại Ấn Độ, tùy vào bối cảnh xã hội, văn hóa, trình độ người nghe ngồi trước mặt mà Đức Thế Tôn dùng vô lượng ví dụ cho phù hợp gần gũi với người nghe. Nói xong rồi Ngài nói: Thật là vừa đủ để nhàm chán, để xả ly.

“6) Cũng vậy, đã lâu ngày, này các Tỷ-kheo, các Ông chịu đựng khổ, chịu đựng thống khổ, chịu đựng tai họa, và các mộ phần ngày một lớn lên”.

Kaṭasī vaddhita’: “các mộ phần ngày một lớn lên.”

‘Kaṭasī’: nghĩa địa.

‘vaḍḍhitā’: (pp của vaḍḍheti: enlarge) phát triển, bành trướng

Kaṭasī vaddhita: nghĩa trang phát triển. Luân hồi chỉ là hành trình nới rộng nghĩa trang.

QUẢ ĐẤT

Chu vi trái đất là bốn mươi ngàn cây số. Ngài giả định toàn bộ trái đất chỉ bằng đất sét, không có sỏi đá kim loại. Cứ vò từng viên nhỏ nhỏ và nói, đây là cha tôi, đây là mẹ tôi, số đất đó có thể hết nhưng không thể nào kể cho hết được số kiếp mình đã tái sanh và mệnh chung.

NƯỚC MẮT

Ngài dạy rằng, nước mắt mình đổ ra trong dòng sinh tử nhiều hơn nước trong bốn biển.

Thời xưa, người Ấn Độ đã biết được thế giới gồm bốn biển lớn: Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, tên các đại dương hồi đó là tên khác. Ba phần tư của trái đất này là nước biển, vậy mà trong khi đó nước mắt mình khóc trong dòng luân hồi vì cảnh sanh ly tử biệt, nạn tai v.v… nhiều hơn nước trong bốn biển.

Thời Đức Phật còn tại thế có một cô nàng tên Patācārā, xuất thân là một tiểu thư, đem lòng yêu một người giúp việc. Cha mẹ không chấp nhận, cô lén cùng anh ta trốn đi, sống với nhau và có được ba bốn đứa con. Lần chuyển dạ sau cùng, thấy phải ở cữ trong cảnh túng thiếu khổ sở quá, cô xin phép chồng trở về nhà cha mẹ rồi sau đó trở lại. Anh chồng không đồng ý vì sợ vợ đi luôn. Cô trốn chồng về nhà. Chồng đuổi theo kịp thì cô đã vô giữa rừng, cô mới vừa sanh con giữa rừng. Anh chồng thấy cảnh hai bên hai đứa con nhỏ, còn cô vợ thì khom lưng che cho đứa con mới sanh dưới cơn mưa tầm tã giữa rừng, liền vội đi kiếm củi để đốt lửa cho vợ con được ấm, nhưng anh ta lại bị rắn cắn chết. Cô đi tìm chồng thấy đã chết, lòng tan nát, đành bồng con dắt hai đứa nhỏ đi. Lội qua sông, nước cuốn trôi hết chỉ còn một thân một mình. Cô về đến nhà thì nghe nói đêm trước mưa to nhà sập đè cha mẹ chết hết. Cô hóa điên, cởi hết áo quần lang thang vô chùa, gặp Đức Phật đang thuyết pháp. Đức Phật nhìn thấy, biết cô đã tu một trăm ngàn đại kiếp, thời gian tu Ba-la-mật tương đương ngài Ānanda, Ca Diếp, nhưng bây giờ khổ tâm như vậy. Ngài nói: “Con đã khóc từ vô số kiếp, nước mắt của con nhiều hơn bốn biển giờ chưa đủ hay sao còn khóc nữa.” Cô nghe như vậy tỉnh liền, quì sụp xuống. Những người xung quanh liệng khăn choàng cho cô che thân. Cô xuất gia chứng A-la-hán, trở thành Đệ nhất trì luật. Bên tăng có ngài Upāli, bên ni có bà Patācārā là Đệ nhất trì luật. Hai vị này rất giỏi về những gì liên hệ đến Luật của tăng ni.

‘Vinayadharā’: trì luật

SỮA MẸ

Ngài dạy, sữa mẹ mà mình đã bú trong suốt dòng luân hồi nhiều hơn bốn biển.

NÚI

Ngài giả định một hòn đá hay ngọn núi đặc ruột mỗi một cạnh là một do tuần (khoảng 11km), cứ một trăm năm có người đến lấy tấm kāsi (vải mịn nhất) quét ngang một lần, cho đến bao giờ núi mòn đi (1 gram, 2 gram) do chuyện quét vải là một kiếp.

HỘT CẢI

Ngài giả định có một cái thùng hột cải, mỗi cạnh là một do tuần. Cứ một trăm năm lấy ra một hạt cải, lấy chừng nào hết thùng, thì đó là một kiếp. Một dịp khác Ngài dùng ví dụ khác, giả định như có bốn vị đệ tử chứng Túc mạng minh, mỗi một ngày họ nhớ lại một trăm ngàn đại kiếp, suốt một trăm năm như vậy (100 ngàn x 100 năm), số kiếp sống mà họ nhớ được thì cũng không nghĩa lý gì so với số lượng kiếp sống mà chúng ta đã trải qua.

SÔNG HẰNG

Số cát sông Hằng có nhiều cỡ nào cũng chỉ là hữu hạn, nhưng số kiếp luân hồi là vô hạn, vô lượng.

CÂY GẬY

Giống như một khúc cây liệng lên phải rớt xuống ở đầu này hay đầu kia, một chúng sinh còn phàm phu, chết rồi là phải có chỗ đi. Ngày xưa ngài Narada cũng có ví dụ, nếu cầm miếng đất hay cục đá nhắm mắt lại tung lên, thì chắc chắn là từ vị trí mình đứng, sức tung, và trọng lượnghòn đá sẽ quyết định hòn đá rớt ở đâu, lệch về phía nào. Một người còn là phàm phu dù không biết Phật pháp, không biết tu hành hay tu hành giỏi giang thì khi tắt thở là tự nhiên cũng có chỗ để tái sinh. Một người còn vô minh tham ái thì chết rồi là có chỗ để đi. Khổ nỗi, suốt dòng luân hồi thăm thẳm, cơ hội làm người và nghe được giáo pháp của Phật thì rất là hiếm. Bao nhiêu người Hồi Giáo cũng sanh ra làm người, trong thời điểm Phật pháp tồn tại ở đời đó chứ, nhưng họ đâu được gặp Phật pháp. Phật tử Campuchia, Lào, cơ hội để nghe Phật pháp so với Phật tử Thái Lan Tích Lan đã không giống. Số lượng Phật tử Thái Lan tìm đến với A-tỳ-đàm, nghiên cứu kinh điển thì rất hiếm, họ chỉ khoái làm phước cúng dường, cầu phúc, bùa phép, đeo tượng này tượng kia, đeo dây ngũ sắc tùm lum. Có chuyện rất là đáng buồn, khi tôi về Bangkok tôi tìm sách A-tỳ-đàm rất hiếm thấy. Đã hiếm mà còn có những cuốn in giấy xấu, đen thui. Tôi hỏi sư bạn, sao mà cũng kinh sách mà cuốn này in đẹp quá còn cuốn kia in xấu. Sư trả lời, mấy cuốn này bán ai mua. Nghe mà ngậm ngùi. Có tiếp xúc với chùa miểu tăng ni thấy mới thấy điều này, đã có dấu hiệu mạt pháp rồi. Đi vào chùa học mấy cái này họ chán dữ lắm, nhưng nếu bày cúng sao cúng vong giải hạn thì đông dữ lắm. Phần đông người ta đến chùa thì cầu gia đạo bình yên tình duyên như ý. Thời này làm gì có chuyện vô chùa tìm hiểu Khổ, Tập, Diệt, Đạo, Duyên khởi, Bát Chánh Đạo… Vì vậy, mang thân người là khó, được gặp chánh pháp là khó, mà còn phải tùy thuộc sanh ra trong bối cảnh nào, tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, môi trường hiện tại như thế nào.

Trong chú giải có câu này hay: “kira dvinnaṃ buddhānaṃ antare yojanaṃ pathavī ussannā” nghĩa là, trong trái đất này có năm vị Phật, khoảng thời gian giữa hai vị vừa đủ để trái đất này dày thêm một do tuần.

NGƯỜI

Trong bài kinh này Ngài xác nhận, số xương mình luân hồi, chất lại có thể bằng ngọn núi. Vì sao như vậy? Vì trong suốt thời gian đó mình không có cơ hội để hành trì Bát Chánh Đạo. Cơ hội hành trì Bát Chánh Đạo gồm rất nhiều điều kiện. Phải được mang thân người, bối cảnh sống môi trường ra sao, chớ đi chùa mà cứ gặp ông thầy cứ bảo cúng dường, rồi cầu an cầu siêu, lễ lạy sì sụp, chớ hề động tới giáo lý thì không có cơ hội hành trì Bát Chánh Đạo. Phật tử thì tăng ni nói gì cứ nghe theo như sấm. Có nhiều Phật tử có suy nghĩ rất lạ là chỉ có tăng ni học Phật pháp còn cư sĩ thì có quyền dốt Phật pháp. Nếu còn là phàm phu thì tăng ni hay cư sĩ giống y như nhau một hành trình thăm thẳm phía trước, giống hệt nhau trên giường chết, tại sao mình nghĩ người ta cần giỏi Phật pháp còn mình thì không cần giỏi. Phước báu của quí vị nhiều hay ít tùy thuộc vào tâm. Ví dụ lúc làm thiện hào hứng hay hờ hững, tâm đại thiện thọ hỷ hay thọ xả. Hữu trợ hay vô trợ, việc lành đó do mình sốt sắng tự nguyện hay do sự do dự tính toán, ai đó xúi giục tác động. Hợp trí hay ly trí, lúc làm thiện có nhận thức hiểu biết hay do người ta xúi. Đừng tưởng ai giỏi ai siêng thì học giáo lý còn tôi thì lo làm phước. Trạng thái tâm thiện quyết định quả báo nhiều hay ít. Chính khả năng hiểu biết của mình góp phần vào cái gọi là trạng thái tâm thiện đó. Vì vậy, mang thân người, gặp được Phật pháp, tùy căn cơ sở tánh, khả năng tiếp thu của mình tới đâu thì mới quyết định việc công đức của mình được bao nhiêu. Nếu không đủ trí khi gặp Phật pháp mình chỉ biết làm phước rồi nhìn Đức Phật như ông thần ông bụt, chỉ biết quì lạy van xin khấn khứa mà không biết gì khác. Krishnamurti nói Đức Phật như lu nước, để mình dùng, mình uống chớ không phải là để mình quỳ lạy. Không ai mua cái lu về quì lạy. Ông dùng hình ảnh thiếu tôn kính nhưng thực tế. Đức Phật không phải là một hình ảnh thần thánh để mình quì lạy mà để mình tìm hiểu Ngài giác ngộ cái gì, hành trì cái gì, giảng dạy cái gì, đó mới là điều quan trọng. Khổ nỗi trong dòng luân hồi này khi có chư Phật ra đời thì mình không có cơ hội học hỏi, khi mình có khả năng học hỏi thì không gặp chư Phật. Tôi đọc sách và tôi tiếp xúc ở ngoài, lâu lâu tôi cũng gặp vài người, tôi nghĩ nếu gặp được Đức Phật thì tôi không biết họ đắc hay không nhưng tôi có cảm giác là họ có khả năng đắc rất là nhiều. Theo nhận xét của tôi, họ là người thiểu dục, có từ tâm, rất là thông minh, có nhiều đức tánh tốt. Xui một chỗ là người thời nay đáng làm thầy của họ thì khó kiếm quá. Mình nghĩ với tâm hồn đó mà gặp được ngài Ānanda, Xá Lợi Phất thì tốt biết bao nhiêu. Giờ họ sanh ra trong thời này, tìm hiểu Phật pháp qua sách qua tăng ni thì cũng chung chung mức độ nào đó thôi.

Phẩm thứ hai: KHỐN CÙNG –AN LẠC

Khi mình thấy khổ quá hãy suy tư rằng ta đã phải chịu cảnh này từ vô số kiếp. Khi thấy mình đang an lạc thì cũng nhớ rằng mình đã trải qua cảnh này trong vô số kiếp. Tại sao phải nhớ như vậy? Nhớ để lạnh xương sống! Dù có sung sướng hạnh phúc bao nhiêu kiếp thì cũng cứ trồi lên trụt xuống. Quí vị có sung sướng cỡ nào đi nữa thì làm ơn nhớ giùm tôi một chuyện thôi, nếu nhớ liên tục thì cuộc đời quí vị chắc chắn có thay đổi, đó là Đức Phật dạy rằng: Chỉ riêng sự sợ chết, nỗi sợ lúc sắp ra đi cũng đủ làm cho ta kinh hãi dòng luân hồi. Tôi, người đang nói chuyện với các vị đây, tết này là 47, tôi đã từng trải qua cảm giác cận tử ở phòng cấp cứu, tôi biết. Sợ lắm. Lúc tỉnh táo khỏe mạnh, mình nhìn người khác chết, mình nghĩ về cái chết “có gì đâu, sớm nở tối tàn, phù du mà!” Nhưng cảm giác của người sắp ra đi, dễ sợ lắm. Tùy người, mỗi người có một cái sợ riêng. Tôi là người nam, là ông sư, không hiểu sao cứ nói đến dòng luân hồi là tôi nghĩ đến cảnh làm dâu. Đức Phật có dạy trong kinh Tăng Chi: Bất hạnh thay là thân nữ nhân. Từ bé đến già phải chịu nhiều bất hạnh. Mỗi tháng phải chịu bất tịnh. Lấy chồng phải về với người lạ. Phải đau đớn mang thai, sinh sản, chăm sóc con nhỏ. Đây là Ngài kể những nét chính thôi, chớ còn cảnh làm dâu, cảnh nhìn người thương của mình bị khổ mà cứu không được, bị chèn ép áp bức mà không dám lên tiếng, liệt giường ngứa lưng mà không biết làm sao mà gãi. Hãy nhớ từ nhỏ đến giờ giây phút mình có thể cười được chiếm bao nhiêu phần trăm thời gian trong đời? Tôi không phải là khổ cực gì nhưng nhớ lại khoảng đời đã qua tôi nghĩ tốt hơn hết là đừng có. Vì vậy Đức Phật dạy, khi buồn khổ hay hạnh phúc thì phải nhớ rằng cảnh này đã diễn ra bao nhiêu lần rồi.

KHOẢNG BA MƯƠI

“Ba mươi vị Tỷ-kheo xứ Pāvā, tất cả sống ở rừng, tất cả đi khất thực, tất cả mang y phấn tảo, tất cả mang ba y, tất cả đang còn kiết sử”

Chú giải nói rằng ba mươi vị tỳ kheo này đều là thánh Hữu học, không ai trong số này là phàm phu hay La-Hán. Tất cả đều là những vị trì hạnh Đầu đà (dhutaṅga).

Bên cạnh giới luật bắt buộc phải giữ, vị tỳ kheo nếu muốn có thể phát nguyện giữ thêm một hay vài hoặc cả mười ba hạnh Đầu đà như: suốt đời không nằm, chỉ ăn mỗi ngày một bữa (một muỗng cơm cũng kể là một bữa ăn), chỉ giữ ba y (rách nát mới tìm cái mới, không dự trữ y dư), chỉ sống chỗ không mái che, chỉ mặc y may từ vải lượm…

Sabbe āraññikātiādīsu dhutaṅgasamādānavasena tesaṃ āraññikādibhāvo veditabbo. Sabbe sasaṃyojanāti sabbe sabandhanā, keci sotāpannā, keci sakadāgāmino, keci anāgāmino. Tesu hi puthujjano vā khīṇāsavo vā natthi.Tất cả các vị trì hạnh đầu đà như hạnh ẩn lâm chẳng hạn, còn kiết sử, tâm còn trói buộc bởi vì có một số vị trong đó đã đắc quả Tu-đà-hoàn, Dự lưu rồi, một số vị đã đắc Tư-đà-hàm rồi, một số vị đắc A-na-hàm rồi. Trong số đó không hề có phàm phu hay là La-Hán.

Khi Đức Phật nhìn thấy các vị này, Ngài suy nghĩ nên nói điều gì để họ đi hết đoạn đường còn lại. Sau khi xét căn cơ các vị này, Ngài chọn đề tài là sự vô thỉ luân hồi. Ngoại trừ Đức Phật ra, người nói pháp thông thường thường nói điều mình muốn nói. Riêng Đức Phật thì Ngài nói điều người ta cần được nghe. Tôi cho rằng bí quyết hôn nhân, bí quyết gìn giữ tình bạn cũng vậy, xưa giờ mình chỉ quen nói những điều mình muốn nói, mình bắt người thân mình nghe điều mình muốn nói, trong khi đó họ muốn nghe điều họ cần được nghe. Đó là bí quyết sống ở đời. Tại sao gia đình là địa ngục? Bởi những thành viên trong đó phát biểu toàn điều mình muốn nói. Muốn gia đạo thành công, phải làm ngược lại, nói những điều người kia cần nghe, muốn nghe.

Ngài dạy: Các vị hãy nhớ máu của mình đổ ra trong dòng luân hồi lúc mình làm người làm thú, nhiều hơn nước trong bốn biển. Kinh này Đức Phật chỉ nói về máu.

Tại sao mình phải gặp một người như Đức Phật? Tại vì ngoài chuyện Ngài hiểu mình muốn nghe cái gì, mình cần nghe cái gì, còn có một điều nữa là gương mặt, âm thanh của Đức Phật và từ trường từ Ngài tỏa ra. Có những người khi mình nhìn họ, mình thấy danh lợi quan trọng, mình phải phấn đấu, cạnh tranh, hơn thua; nhưng có những người khi nhìn họ, mình thấy toan tính của mình chỉ là trò hề, cuộc chơi của trẻ con. Tôi không được gặp thánh nhưng tôi có may mắn trong đời gặp được những người như tôi vừa kể. Có người tôi gặp họ tôi thấy tôi giống như người đời, nhưng có những người tôi gặp họ, nhiều khi trong số đó có cư sĩ, nhìn họ tôi thấy mình lâu nay rất dễ duôi, có những người, nhìn họ tôi thấy mình quá sức ngon lành. Ở đây cũng vậy, bối cảnh có thánh chúng vây quanh, âm thanh, gương mặt và từ trường của Ngài lan tỏa rất quan trọng. Đức Phật có hai cách giáo hóa chúng sinh: ngôn giáo và thân giáo. Phải tu hành nhiều kiếp mới gặp người có thân giáo. Họ không nói gì hết, mình chỉ nhìn họ đi đứng nằm ngồi, chỉ nhìn ánh mắt, nụ cười, ngồi bên họ thôi là mình đã thấy thay đổi rồi. Tôi từng tiếp xúc với vài vị từng gặp ngài Narada, các vị đó kể rằng, dù họ có hiểu hay không hiểu tiếng Anh, khi ngồi gần ngài Narada họ nghe cảm giác mát mẻ an lạc không tưởng được. Họ thấy mọi sự trên đời này rất đơn giản, cho dù họ có lăn đùng ra chết họ cũng không thấy gì sợ hãi miễn là có ngài ngồi đó. Tôi được tận mắt nhìn người kể chuyện đó, tận tai tôi nghe họ, và tôi có thể lấy tay chạm vào nhân chứng sống. Có người họ kể là ngài Hộ Tông. Lạ lắm, trước mặt vị này họ có lăn ra chết cũng không sợ. Tôi nghe tôi thấy rất là vui, vì trên đời này thánh là có thật. Hai vị ấy dù là còn phàm mà còn có từ trường như vậy huống hồ gì là ngài Ānanda, là Đức Phật. Chuyện mình tu học, ngoài chuyện an lạc cho mình, còn là sự an lạc cho người khác nữa, làm sao mà người ta nghe mình nói, ngồi gần mình, nhìn mặt mình, người ta thấy ra sự thay đổi lớn trong tâm hồn thì đó là sự lợi tha rất lớn. Ở đây Ngài chỉ nói chuyện máu mà người ta đã giải thoát rồi.

MẸ – CHA – ANH – CHỊ – CON TRAI – CON GÁI

Một loạt kinh tiếp theo là nói về các quan hệ gia đình. Ngài dạy rằng không dễ gì tìm thấy được ai đó chưa từng là thân thuộc của mình trong quá khứ.

‘cakkavāḷā’: vũ trụ (universe) gồm có mặt trăng, mặt trời, Saturn (Thổ tinh), Mars (Hỏa tinh), Venus (Kim Tinh) tức là thái dương hệ gồm các ngôi sao trong đó. Cứ một galaxy system như vậy làm thành một cakkavāḷā. Có vô số galaxy như vậy.

“Imamhā cakkavāḷā sattā paracakkavāḷaṃ, paracakkavāḷā ca imaṃ cakkavāḷaṃ saṃsaranti”: Từ vũ trụ này đầu thai qua vũ trụ khác, từ vũ trụ khác trở qua vũ trụ a,b, c, d, đi tới đi lui như vậy, lớn vô cùng. Trong vô số galaxy như vậy đó mà tìm được người chưa từng là cha mẹ anh em của mình không phải là dễ. Mênh mông như vậy mà mình đã đi không biết là bao nhiêu kiếp. Trong thời gian đó vui ít khổ nhiều. Vì sao vậy? Vì Dục giới là đơn vị gốc của Tam giới. Mỗi galaxy như vậy có đủ 31 cõi. Trong 31 cõi chia thành ba phần: Dục, Sắc, Vô sắc thì cõi Dục là gốc. Cõi khổ là gốc của Dục giới. Trong cõi Dục, 4 cõi khổ là gốc. 12 bất thiện là gốc của cõi khổ. Ở mỗi người chúng ta lúc nào đi nữa phần thiện cũng yếu hơn bất thiện. Lâu lắm mới có một người thiện ngang với ác. Thiện nhiều hơn ác càng hiếm hoi hơn nữa. Trên đời có ba hạng người: thiện ít hơn ác, ác ít hơn thiện, thiện ác bằng nhau. Không thiện không ác là vị La-Hán, hiếm nhất.

Tăng Chi Bộ kinh ghi rằng, trong các loài chúng sinh nói chung, loài thấp sinh nhiều nhất. Trong các loài chúng sinh, bàng sinh là nhiều nhất.

Người không giới, không thí nhiều hơn người có giới, có thí. Người phàm có tu tập đông hơn Sơ quả. Sơ quả đông hơn Nhị quả. Nhị quả đông hơn Tam quả. Tam quả đông hơn Tứ quả. Tứ quả không gì đặc biệt đông hơn Tứ quả có khả năng khác thường (trí tuệ, thần thông, biện tài, thuyết pháp, trí nhớ…). Đại thinh văn có 47 nhưng Chí thượng Thinh văn chỉ có 2. Hiếm nhất vẫn là chư Phật Toàn Giác.

Tóm lại, khó tìm người nào chưa từng là con trai của mình, con gái của mình, cha mình, mẹ mình, anh mình, chị mình, không phải chỉ trong hành tinh này mà còn bao gồm vô số thế giới khác. Trong suốt thời gian đó luôn luôn là vui ít khổ nhiều vì một lý do cực kỳ đơn giản đó là bản chất bất thiện của mình luôn nhiều hơn thiện. Kẻ nào không tin thì làm ơn ngồi yên lại nhìn xem mình từ sáng thức dậy cho tới lúc vào giường ngủ thì cái suy nghĩ tốt đẹp với suy nghĩ tào lao cái nào nhiều hơn.

VEPULLA

Chiều cao của núi non trên mặt đất này không phải là cố định như nhiều người nghĩ. Có những ngọn núi theo năm tháng vì lý do địa chất nào đó mà càng lúc càng thấp dần, nhưng cũng có những ngọn núi lớn dần theo thời gian. Người ta nói Everest đang cao thêm. Tên gọi của các ngọn núi cũng theo năm tháng mà thay đổi. Đỉnh Everest là tên của người đầu tiên leo lên đó, trước đây không phải tên đó. Các dân tộc trong Ấn Độ gọi Everest bằng những cái tên khác nhau, kể từ khi có người Tây phương leo lên đầu tiên, ngọn núi này mang tên Everest.

Đức Phật dạy rằng núi Vepulla ở thành Vương Xá này theo năm tháng đổi tên nhiều lần và chiều cao cũng thay đổi. Núi này ngày xưa rất lớn, người ta phải mất bốn ngày mới lên tới đỉnh. Bài kinh trước nói rằng, khoảng cách giữa hai vị Phật lâu đến mức đủ cho trái đất này dày thêm một do tuần, nhưng bài kinh này thì ngược lại, có một số chỗ mòn đi, giảm bớt.

“cattālīsavassasahassāyukakāle nibbatto āyuppamāṇaṃ pañca koṭṭhāse katvā cattāro ṭhatvā pañcame vijjamāneyeva parinibbuto. Taṃ āyu parihāyamānaṃ dasavassakālaṃ patvā puna vaḍḍhamānaṃ asaṅkheyyaṃ hutvā tato parihāyamānaṃ tiṃsavassasahassāyukakāle ṭhitaṃ, tadā koṇāgamano nibbatto. Tasmimpi tatheva parinibbute taṃ āyu dasavassakālaṃ patvā puna vaḍḍhamānaṃ asaṅkheyyaṃ hutvā parihāyitvā vīsavassasahassakāle ṭhitaṃ, tadā kassapo bhagavā nibbatto. Tasmimpi tatheva parinibbute taṃ āyu dasavassakālaṃ patvā puna vaḍḍhamānaṃ asaṅkheyyaṃ hutvā parihāyitvā vassasatakālaṃ pattaṃ, atha amhākaṃ sammāsambuddho nibbatto.” Tuổi thọ của chúng sinh trong trái đất này lúc nhiều lúc ít. Thời đầu tiên chúng sinh sống được bốn chục ngàn tuổi. Chư Phật luôn sống ít hơn chúng sinh đương thời một ít, như Phật Kakusandha (Cù Lưu Tôn) chỉ sống bốn phần năm mức tuổi thọ đương thời (40.000 năm). Các vị Phật khác cũng vậy. Sở dĩ như vậy là để làm chúng sinh kinh cảm. Sau khi Phật Kakusandha viên tịch thì tuổi thọ chúng sinh giảm dần. Mỗi trăm năm giảm một tuổi. Cứ như vậy đến lúc nhân loại chỉ còn mười tuổi, cao dưới 1 feet, năm tuổi đã có gia đình, sinh hoạt như loài thú. Có một số người nhận ra nếp sống thấp kém của loài người lúc đó nên bắt đầu giữ giới sát sinh, không giết, không trộm, không quan hệ bừa bãi, không nói dối, không say sưa. Nhờ vậy tuổi thọ tăng dần đến a-tăng-kỳ tuổi (asankheyya: 10140).

Từ mức tuổi này lại giảm dần xuống còn ba mươi ngàn tuổi thì lúc đó Phật Konagamana (Câu Na Hàm Mâu Ni) ra đời. Sau khi Đức Phật viên tịch thì tuổi thọ của chúng sinh lại giảm rồi tăng theo cách cũ.

Từ mức cao nhất giảm xuống còn hai mươi ngàn tuổi thì Phật Ca Diếp (Kassapa) ra đời. Sau khi Phật Ca Diếp viên tịch, tuổi thọ chúng sinh lại giảm rồi tăng theo cách cũ, sau đó giảm xuống đến mức 100 tuổi thì Phật Thích Ca ra đời. Từ đó đến nay mọi sự diễn ra như ta thấy.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app