Nội Dung Chính
Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2
Chương 3: Tương Ưng Giới
*Ba cõi
Sáng nay mình học phẩm thứ tư, nói về Bốn Đại, tôi sẽ gom chung các kinh này lại giảng thành một bài.
Bài kinh này Đức Thế Tôn giảng ở cõi Dục giới, tức là cõi Người của mình. Tam giới gồm có ba kiểu hiện hữu:
Cõi Dục giới, chúng sinh sinh ra, chết đi, buồn vui bằng cách dựa vào năm dục. Họ buồn vui theo những gì họ thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Cái chết, cái sống của họ cũng gắn liền với thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Nếu con mắt của mình không tiếp tục làm việc nữa, không tìm cái để nhìn nữa, lỗ tai không tìm cái để nghe nữa, mũi không tìm cái để ngửi, lưỡi không tìm cách làm việc nữa, xúc giác cũng không làm việc nữa, những gì dính với năm trần mình bỏ hết, thì đời sống của mình sạch sẽ không còn gì hết. Vì sao vậy, vì chúng ta là người ở cõi Dục. Sanh ra, chết đi, buồn vui hoàn toàn dựa vào năm dục.
Cõi Sắc giới. Chúng sinh cõi này không dính vào năm dục nữa, sống hoàn toàn y cứ vào thiền định Sắc giới. Thiền định Sắc giới là những thiền định có được do tập chú tập trung tinh thần vào những đề mục vật chất. Ví dụ muốn đắc Sơ, Nhị, Tam, Tứ thiền họ dựa vào những đề mục: đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng v.v… Do dựa vào những đề mục vật chất này họ mới đắc Sơ, Nhị, Tam, Tứ thiền và sau khi chết họ sanh về cõi Phạm thiên. Ở đó họ không hưởng dục mà chỉ sống bằng sự an lạc của thiền định. Tuy nhiên do đề mục ngày trước họ dùng để tu thiền thuộc về đề mục vật chất cho nên bây giờ ở cảnh giới Phạm thiên Sắc giới, thân họ vẫn là vật chất và chỗ ở của họ vẫn là vật chất. Mặc dù vi tế hơn vật chất ở cõi Dục giới, nhưng vẫn là vật chất. Rồi có những vị Phạm thiên Sắc giới này, hoặc những người đắc thiền Sắc giới họ thấy Sắc giới vẫn còn thấp, vẫn còn dính líu tới vật chất, còn nặng nề, còn thô thiển thấp kém nên họ hướng đến một cảnh giới khác cao hơn đó là thiền Vô sắc giới. Đề mục để đắc thiền Vô sắc không dính líu gì tới vật chất. Chẳng hạn như ngày trước để chứng thiền Sắc giới, người ta dùng đề mục hư không. Hư không trong đề mục Sắc giới là khoảng cách, là khe hở, lỗ trống giữa hai cái gì đó như hai miếng gỗ nằm cạnh nhau có cái khe chính giữa, hoặc là một cái vòng tròn khoét trên vách trên tường hay tấm vải, tấm giấy. Vị đó chỉ tác ý hư không là vô biên, hư không này không còn là lỗ trống, khe hở như trước đây nữa mà đó là sự vô biên, vô cùng, vô tận, không biên giới của vũ trụ bao la; họ lấy đó làm đề mục. Cái gọi là hư không lúc này không dính líu gì tới vật chất nữa. Với đề mục này họ đủ duyên thì chứng đắc Hư không vô biên. Nếu người phước báu nhiều thì họ thấy hư không tuy vô biên nhưng vẫn bị cái tâm biết, như vậy thì cái tâm mới thật sự là vô biên. Cứ như vậy, đề mục Vô sắc giới là đề mục không dính líu gì vật chất. Khi đắc thiền họ sanh về cõi Vô sắc, ở đó họ không có thân xác vật chất. Cái gọi là cõi Vô sắc là nói để hình dung vậy thôi chớ thật ra ở đó không có gì là cõi, chúng sinh ở đó không có hình danh sắc tướng làm gì cần đến chỗ ở như ở các cõi Phạm thiên Sắc giới.
Tam giới gồm ba chỗ lui tới của chúng sinh, lúc thì Dục, lúc thì Sắc, lúc thì Vô sắc. Tuy nhiên đơn vị gốc của Tam giới vẫn là cõi Dục. Đơn vị gốc có nghĩa là một chúng sinh sanh về cõi Phạm thiên Vô sắc thì phải nỗ lực ghê gớm lắm, nhưng mai này hết tuổi thọ thì họ phải quay xuống cõi Dục giới. Phạm thiên Sắc giới cũng vậy, chỉ cần hết tuổi thọ là quay lại cõi Dục giới, không cần phải nỗ lực gì cả.
Khi trở lại cõi Dục giới, chỉ cần thiếu bốn điều kiện: 1/Thầy bạn tốt. 2/Trú xứ tốt. 3/ Sự lắng nghe. 4/ Sự hành trì, thì lập tức sẽ rớt xuống bốn cõi Đọa (Gọi là 4 cảnh giới thì đúng hơn). Sở dĩ tôi không nói bốn cõi mà nói là bốn cảnh giới vì xưa giờ Phật tử VN cứ nghe tới nghe lui mà không tìm hiểu, cứ gọi là bốn cõi. Chỉ có Địa ngục thì có cõi chứ nhưng bàng sanh (súc vật), ngạ quỷ, A-tu-la thì làm gì có cõi riêng. Họ ở rải rác, ở ké trên cõi Tứ thiên Vương, cõi Người và cõi Địa ngục chứ không có cõi riêng. Đi đâu thì đi, tự động rớt thì vẫn trở về cõi Dục giới. Về cõi Dục giới mà sơ sẩy một chút thì rớt xuống bốn cõi Đọa, là gốc của tam giới. Gốc ở đây cũng như cái cây, muốn lên đọt hoặc cành nhánh lưng chừng phải có sự cố gắng nhưng muốn có mặt ở gốc cây thì không cần cố gắng. Cứ ngồi cả đời ở gốc cây thì không cần cố gắng.
Tại sao nguyên phẩm này Ngài nói là bốn đại? Bởi vì bốn đại chỉ có ở cõi Dục, ở cõi Sắc. Niềm đam mê trong Dục chỉ có ở cõi Dục. Cõi Sắc giới vẫn có bốn đại nhưng người ta không đam mê trong dục, còn ở cõi Dục người ta có bốn đại và đam mê trong dục. Bài kinh này nhắm đến chúng sinh ở cõi Dục. Nếu ta nhàm chán bốn đại trong cõi Dục thì chắc chắn sẽ viên tịch Niết bàn.Vị Tu-đà-hoàn giảm 95% phiền não sinh tử. Riêng vị Nhị quả trừ thêm 1% nữa, vị đó giảm nhẹ dục ái và sân. Lên tới A-na-hàm vị đó chấm dứt hẳn Dục ái và Sân giảm 99% phiền não sinh tử, chỉ còn lại 1%.
Ở đây Thế Tôn nói về bản chất của thế giới bằng thuật ngữ chuyên môn và khái niệm chuyên môn. Ở đây Ngài không nói đến cảnh sắc, cảnh thanh, cảnh khí, Ngài không nói đến cõi Trời cõi Người, Ngài nói đến bốn khía cạnh rốt ráo nhất của cái gọi là thế giới này.
Tôi đã đánh một vòng khá xa để xác định trong Tam giới thì cõi Dục là đơn vị gốc, và bốn đại là nền tảng của cõi Dục. Niềm đam mê trong bốn đại là nền tảng của cõi Dục. Tại sao ở đây Ngài không nói sắc, thanh, khí, vị, xúc mà nói bốn đại? Có trường hợp Ngài nói bằng ngôn ngữ và khái niệm thông thường nhưng cũng có trường hợp Ngài nói bằng khái niệm và từ ngữ rốt ráo. Với người hữu duyên đại căn, đại trí, Ngài không nói bằng khái niệm bình thường mà nói khái niệm rốt ráo, nghĩa là thay vì Ngài nói cái gì mình nghe, mình thấy, mình ngửi, thì Ngài nói chỉ còn có bốn thứ đó là bốn đại. Một người nhàm chán bốn đại (đất, nước, lửa, gió) thì họ không còn chỗ nào để mà bám víu.
* Tứ đại
Đất là gì? Trong Phật pháp nói chung và A-tỳ-đàm nói riêng định nghĩa về Đất không giống như đất mình hiểu trong đời sống bình thường. ‘Đất’ ở đây gọi chung cho tất cả những gì có thuộc tính là gì? Trong Phật pháp nói chung và A-tỳ-đàm nói riêng định nghĩa về Đất không giống như đất mình hiểu trong đời sống bình thường. ‘Đất’ ở đây gọi chung cho tất cả những gì có thuộc tính cứng, mềm, mịn, nhám…
Nói tới xúc giác thì mình nghĩ đến bàn tay sờ chạm. Khái niệm đất trong A-tỳ-đàm nói đến khía cạnh xúc giác nhưng rất sâu rộng. Ví dụ một muỗng tàu hủ chưa đông bỏ vào miệng sẽ cho cảm giác khác miếng tàu hủ đặc. Tàu hũ chiên khác với chưa chiên, và của bà A chiên sẽ cho cảm giác khác với miếng bà B chiên, giòn hơn chẳng hạn. Ngay miếng ăn trong miệng đã có chuyện cứng, mềm, thô, nhám. Áo quần, các loại vải linen, coton, polyester… sẽ cho mình cảm xúc khác nhau. Chăn đệm mùng mền, ghế sofa, divan, khăn choàng cổ, đồng hồ, nón, son môi, giày dép… tất cả đều cho mình cảm giác khác nhau về cứng, mềm, mịn, nhám. Tất cả những thứ đó đều gọi là Đất
Nước là gì? Nước đây không phải là water, liquid. Nước ở đây ám chỉ cho cái gì có 2 thực tính là gì? Nước đây không phải là water, liquid. Nước ở đây ám chỉ cho cái gì có 2 thực tính tan chảy (melt) và nối kết.
Ví dụ, khi gọi: ‘bức tường bê tông’, dù là tiếng Anh hay tiếng Đức thì ‘bức tường’ (wall, mur, wand) đều là số ít. Cát, nước, xi măng là số nhiều, nghĩa là gồm nhiều thứ hóa chất trong đó. Khi trộn cát, sỏi, xi măng, nước với nhau và các cốt thép làm nên cây cột, hoặc bức tường; cây cột và bức tường là số ít, nhưng lại là sản phẩm được nối kết bởi nhiều thứ khác. Không có gì ở đời này là pure, massive, solid. Tất cả đều nối kết. Ngón tay hay sợi tóc, được làm nên bởi rất nhiều thứ. Một cái khăn cũng được đan dệt bằng nhiều cọng chỉ nhỏ, mà mỗi cọng chỉ cũng được cấu thành bởi nhiều thành tố. Đó là sự nối kết. Cái gì nối kết ở đây đều được gọi là nước.
Lửa là gì? Lửa ở đây là là gì? Lửa ở đây là tất cả những gì thuộc về nhiệt độ dầu nóng hay lạnh, dù bên ngoài hay bên trong cơ thể con người.
Gió là gì? Gió là tất cả những gì gồm 2 thuộc tính là gì? Gió là tất cả những gì gồm 2 thuộc tính di động và áp lực (movement, pressure).(movement, pressure). Áp lực gồm sự trương phồng và xô đẩy. Hơi trong bong bóng cũng là áp lực; ợ hơi hoặc ngáp cũng là áp lực.
Trên thế giới không có vật chất nào không có những điều này: choán chỗ, khói lửa, nhiệt độ. Mọi nguyên tử phân tử luôn vận động trong quỹ đạo của nó, không có vật chất nào tồn tại bằng cách đứng yên, kể cả viên kim cương, nhìn tưởng là đứng yên nhưng những thành tố bên trong vẫn luôn luôn vận động. A-tỳ-đàm gọi là gió.
Đức Phật dạy, toàn bộ cái gọi là thế giới này đều nằm trong thế giới của bốn đại. Nghĩa là thế giới của cứng mềm mịn nhám, tan chảy và nối kết, sức nóng lạnh, di động và áp lực.
Đức Phật dạy: Này các tỳ kheo, thuở xưa khi còn là Bồ tát ta từng đi kiếm vị ngọt của bốn đại. Bên cạnh vị ngọt đó ta còn thấy sự nguy hiểm, mặt trái của nó nữa. Lúc đó Ngài chưa biết bốn đại là gì, Ngài nhìn ngắm những cánh hoa, những quần là áo lụa, trướng gấm màn thêu, cung vàng điện ngục, phố xá kinh thành, cung tần mỹ nữ, nhìn đâu cũng thấy đồ giả, vì vậy Ngài bỏ đi tu. Khi thành Phật Ngài kể lại chuyện xưa, có khi Ngài kể bằng ngôn ngữ bình thường, có khi Ngài dùng ngôn ngữ như trong bài kinh này.
Vô sắc giới. Là chỗ của những người chán cõi Sắc giới. Lên Vô sắc ở mà hết tuổi thọ thì rớt thẳng xuống cõi Dục. Khi về tới cõi Dục rồi, 99.9% chỉ có đi cõi đọa. Bởi vì cơ hội sinh về cõi Dục gặp được bốn điều kiện hướng thượng (thầy bạn tốt, trú xứ tốt, sự lắng nghe, sự hành trì) cũng rất khó.
Quí vị tìm giùm tôi, có ai trong số người quen của quí vị, có chắc họ có được bốn điều trên hay không? Về thiền viện ở Miến Điện cũng chưa chắc có. Thiền sinh bạn bè tốt thiệt, nhưng họ có nói chuyện với mình được không? Toàn là nhờ người dịch, họ siêng thì dịch hết, làm biếng thì dịch ba mớ, chưa kể dịch sai ý mình. Thiền sư bữa nào siêng thì nói đầy đủ, bữa nào mệt thì nói qua loa. Bạn tu thì mạnh ai nấy tu chớ không ai dòm ngó gì mình. Lắng nghe thì biết gì mà nghe. Hành trì thì hành được bao nhiêu? Tất cả hành giả tôi được biết, họ đều kể giống nhau: vô thiền viện giống như ở tù, thèm tùm lum hết, thèm ăn (buổi chiều thì bát quan, thức ăn hạn chế, đồ ăn thì khó nuốt), thèm ngủ (luôn có cảm giác thiếu ngủ).
Nếu lìa được lòng tham chấp nơi bốn đại mới có thể là con đường giải thoát. Toàn bộ những gì từ đầu tới chân mình đều là bốn đại. Từ mũ nón cho tới giày dép, những gì mình ăn, mình xức vào mũi để ngửi, nghe nơi tai, cũng gọi là bốn đại. Âm thanh là sắc y đại sinh; y đại nghĩa là dựa vào bốn đại mà có. Những gì mình thấy, mình nghe, ngửi, nếm, đụng đều là tứ đại hoặc y đại. Theo trong A-tỳ-đàm, ánh sáng cũng là vật chất, âm thanh cũng là vật chất.
Đam mê trong năm dục cũng là đam mê trong bốn đại. Nói đến bốn đại cũng là nói đến năm dục. Không thể nào một người nhàm chán năm dục mà lại tiếp tục đam mê bốn đại, và không thể nào có người đam mê trong bốn đại mà không thích năm dục. Một số rất đông những người tự cho mình là không thích gì hết, họ khẳng định như vậy. Họ nói ăn gì cũng được, xài gì cũng được, vợ đưa gì xài cái đó, không tha thiết chuyện đi du lịch, mua sắm v.v… Nhưng thật ra, một là họ nói dóc, hai là chẳng qua họ chưa gặp đúng thứ họ muốn, ba là bị vợ kiềm tỏa. Những thứ đó sẽ nén lại chờ dịp bộc phát, trong kiếp này hoặc kiếp khác.
Tôi nhớ câu chuyện một giáo sư tâm lý học mở lớp dạy cho người lớn. Bữa đó giáo sư đang giảng đề tài sợ vợ, giáo sư nói: Ở đây ai sợ vợ thì giơ tay lên. Một số người giơ tay. Giáo sư nói tiếp: Ai thấy mình không sợ vợ thì giơ tay. Một số người giơ tay. Đặc biệt có một ông ngồi cạnh vợ không giơ tay cả hai trường hợp. Giáo sư hỏi: Ông thuộc về phe nào? Ông ta trả lời: Tôi đang bàn với vợ xem tôi thuộc về phe nào! Nghĩa là ngay chuyện phát biểu cũng phải hỏi ý vợ. Có những chuyện mình tưởng mình không có thích nhưng thật ra chỉ là vì hoàn cảnh mình không nhận ra. Vì thiếu chánh niệm tỉnh giác nên mình không biết thực sự mình thích cái gì, và do hoàn cảnh nên mình cũng không có điều kiện để biểu lộ mình thích cái gì, ngay lúc này không thấy nhưng một lúc nào đó có thể thấy, hoặc kiếp sau trong điều kiện nào đó tự động nó khởi lên.
Cái quan trọng của Phật pháp là thấy được bản chất thật sự của danh và sắc là cái gì rồi tu Ba-la-mật nguyện giải thoát. Khi nào Ba-la-mật chín muồi thì cái thấy bằng trí tuệ phàm phu hôm nay sẽ trở thành cái thấy của thánh nhân, thấy bằng trí tu, bằng sự thân chứng, thể nghiệm, một cái biết không vay mượn.
Nếu không có sự nhàm chán trong năm dục, bốn đại, thì ta có là ai cũng suốt kiếp quẩn quanh trong bốn đại, năm dục. Một vị giáo sư đại học dù nhiều tiền trong bank, nhiều bất động sản, uyên bác nói được 18 thứ tiếng, vẫn quẩn quanh trong chuyện nhà đẹp, quần áo đẹp, khăn choàng, đồng hồ, jaket, manteau v.v… mọi thứ đều đẹp. Một nhà nghiên cứu nghệ thuật, họa sĩ, nhạc sĩ … cũng quẩn quanh trong thanh, khí, vị, xúc. Rạp hát, viện bảo tàng, disneyland, discotheque, sauna… toàn bộ đều phục vụ cho năm dục.
Bản chất rốt ráo của năm dục chính là bốn đại. Vạn pháp ở đời luôn tồn tại bằng sự biến đổi, lúc vầy lúc khác. Mặt A chính là vị ngọt so với mặt B; sinh đối với tử; già với trẻ; đen với trắng; mập với ốm v.v…
Ở đây Ngài nói rằng nếu không có vị ngọt của bốn đại thì chúng sinh không đam mê. Vị ngọt ở đây là gì? Vị ngọt là mặt thứ hai. Ví dụ, một cây lúc mới mọc, gọi là cây non, về sau khi gần chết thì gọi là cây già. Non so với già, có người thích cây non, có người thích cây già mà không thích cây non (những người chơi bonsai), có người thích cây không có bông hơn là có bông. Đàng sau chỗ tôi ở có những gốc cây hồng, gốc rất đẹp, nhưng có một điều bông ra nhiều quá tôi không thích, nhìn thấy cải lương. Tôi thích chỉ chừng vài cái hoa nhỏ xíu điểm xuyết trên gốc cây già cằn cỗi mà thôi. Đối với tôi, gốc cây như vậy mới là vị ngọt. Có người thì thích hoa đầy cây như mâm xôi. Người thích A thì thấy A ngọt, người thích B thì thấy B ngọt. Không có cái ngọt nào cố định hằng hữu vì vạn vật không tồn tại bằng cách đứng yên. Xin đọc lại bài kinh Ba Cô Con Gái (Maradhitasutta) trong Tăng Chi và Tương Ưng kinh)[1]. Nghe tựa kinh tự nhiên nổi da gà, giống Miểu Ba cô. Khi Ngài thành Phật rồi, ba cô gái này nói với Ác Ma Thiên Tử: Cha mạnh tay quá, xài tới quân sự, cứng quá, tụi con dùng biện pháp mềm, không dùng bạo lực, tụi con sẽ dùng đường lối văn hóa, kinh tế, chính trị mềm dẻo để tấn công Sa-môn Gotama. Chú giải nói ba cô này cao tay ấn lắm. Thay vì dùng mỹ nhân kế thì dùng cái gì đẹp nhất, ba cô này bàn bạc với nhau rằng sở thích đàn ông thiên hình vạn trạng. Họ biến hình ra đủ hình thức. Người có suy tư đọc đoạn kinh này sẽ thấy thú vị. Mình tưởng mình không thích nữ sắc chớ thật ra mình không gặp đúng người mình muốn. Mập ú, đẫy đà phốp pháp hoặc có khi ốm như cò ma xanh lè lại lọt vào mắt xanh của mình, có người thích nước da đen như da trâu, có người thích trắng như bông bưởi. Tây có những câu rất hay: “Đẹp nghĩa là con cóc đực trong mắt con cóc cái”, “Khi ta yêu một người chột thì sẽ thấy thiên hạ bị dư một con mắt”. Như vậy mới thấy, vị ngọt của bốn đại không có cái gì hết, chẳng qua là mình lấy cái A mà đem so với cái B. Khi ta yêu một người mập thì ta thấy cả thiên hạ đều là suy dinh dưỡng, khi ta yêu một người ốm thì thấy cả thiên hạ đều là bị thịt. Khi ta yêu một người cao thì ta thấy cả thiên hạ đều là người lùn, khi ta yêu một người lùn thì ta thấy thiên hạ chỉ là rừng tre miễu. Chính do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, môi trường sống hiện tại nên đẩy mình thích hay ghét cái gì đó.
Bên cạnh những người chỉ thấy cái ngọt của bốn đại, của năm dục thì có người thấy ra bề trái của chúng. Bề trái ở đây là sự biến đổi vô thường.
Em ruột của ngài Xá Lợi Phất, tên là Revata. (Thời Đức Phật có nhiều vị tên Revata. Vị này về sau đi xuất gia ở trong khu rừng keo và ở suốt đời trong đó nên ngài được gọi là Revata: Rừng keo). Lúc ở ngoài đời, gia đình sắp xếp cho ngài lấy vợ, ngày hôn lễ người ta mời người lớn tuổi nhất của dòng họ cầm bình nước rót vào tay của cô dâu chú rể để chúc phúc. Bà ngoại của chú rể đã 120 tuổi, rót nước vào tay của đôi tân lang tân nương, ngài Revata nhìn cô vợ đẹp rực rỡ rồi nhìn bà ngoại, nghĩ bụng đến lúc nào đó cô vợ của mình cũng như bà ngoại. Ngài viện cớ không khỏe, rồi lẻn ra, bỏ đám cưới luôn rồi đi xuất gia. Không phải tôi kể chuyện này ở đây để xúi dại bà con bỏ vợ bỏ chồng bỏ đám cưới rồi đi tu, mà chỉ muốn kể chuyện xưa để cho quí vị thấy có những người trên đời này họ có những tỉnh táo lạ thường. Mình sống theo đường quen nẻo thuộc, thiên hạ sao mình vậy. Dòng luân hồi này dựng lên bởi những con người đi theo lối mòn. Xã hội quy định như vậy, gia đình, dòng tộc, thế giới này, hành tinh này, toàn thể nhân loại này, chung quanh mình ai cũng như vậy, bây giờ mình sống ngược lại không giống ai thì thấy hình như suy nghĩ của mình có vấn đề. Nghĩ như vậy là họ lạnh xương sống, thế là họ lập tức quay trở lại với tâm lý bầy đàn. Tâm lý bầy đàn này chính là tâm thức sinh tử. Nếu thế giới này không có gì để thích thì làm sao có chuyện trầm luân, mà nếu thế giới này không có bề trái làm sao có người chán nó mà lìa bỏ. Nếu không có giây phút tỉnh táo nhìn lại làm gì có sự lìa bỏ, nếu không có sự lìa bỏ làm gì có giải thoát.
Trên triền núi Himalaya có một bộ tộc sống bằng nghề săn bắt khỉ. Họ làm cái bẫy như cái hộp để thức ăn trong đó, và khoét cái lỗ bằng bàn tay của khỉ. Họ bỏ vào đó những thức ăn mà con khỉ thích. Họ thò tay lấy thức ăn ra, giả vờ ăn cho khỉ thấy để bắt chước. Rồi họ lánh đi. Khi những con khỉ thò tay vào đó, họ xuất hiện. Con người mình khi thò tay vào cần rút tay ra chỉ việc xuôi tay, nhưng con khỉ không đủ khôn ngoan để biết điều đó. Khi nó hốt một nắm to thức ăn thì nó không thể rút tay ra vì nó không chịu thả thức ăn ra. Đức Phật nói kẻ phàm phu không biết thoát thân trong dòng sinh tử khi bàn tay họ cứ nắm chặt như đám khỉ ngu khờ trong Himalaya. Ngày xưa tôi có đọc câu chuyện ngắn “Chuột thành phố” của Tô Hoài. Một ngày kia con chuột nhà đi chơi gặp con chuột phố ốm nhách suy dinh dưỡng, chuột nhà rủ chuột phố về nhà để có thức ăn, khỏi đi lang thang bị mèo giết, cũng không phải giành thức ăn với lũ chuột hoang. Nhà có hũ mứt, chuột nhà dặn chuột phố ăn chỉ vừa đủ thôi vì cái lỗ này nhỏ, nếu ăn no thì chui ra không được. Con chuột kia đói quá, càng ăn càng lớn, cuối cùng ra không được. Câu chuyện này gợi ý cho mình là nên vừa chừng thôi. Muốn thoát thân tu hành thì phải buông bớt, bàn tay nắm hoài sao thoát, bụng chứa nhiều quá sao thoát. Trong giờ cận tử, giây phút quyết liệt nhất trong đời của mình, nếu lúc đó mình tỉnh táo thì còn đỡ đỡ một chút, chớ nếu tâm thức đang chập chờn thì lúc đó mình trở về với đơn vị gốc của mình. Bình thường mình nóng tánh, tham lam, cố chấp thì lúc đó là lúc tất cả những tánh xấu đó đổ về trước mặt mình. Ví dụ như lúc đó mình nghe ngứa quá mà không biết làm sao nhờ gãi, tay bắt cánh chuồn rồi mà, đâu có nói được nữa; nếu bình thường mình có khả năng chịu đựng thì không sao, còn bình thường sống sướng quen, hò hét như vua, có tiền bạc, có kẻ hầu người hạ, nhờ là người ta làm, bây giờ trong lúc đó nhờ không được, đâm bực. Hoặc trong cơn ảo giác cận tử mình sẽ thấy nhiều cái mà bình thường mình rất là thích như chơi tem, chơi xe, vòng vàng nữ trang, thích ăn ngon, thích món này món nọ, lúc đó có thể nó sẽ xuất hiện ảo giác. Những lúc đó nếu mình không biết buông, cứ ôm lấy thì tâm mình sẽ dính chặt vào đó, nếu ghét thì sẽ ra đi với tâm sân hận. Hoặc giống như có lần mình nằm mơ thấy mình mua hay ai đó mới cho mình cái gì đó thiệt là thích, chưa enjoy hết mình thì đã giựt mình vì tiếng động thấy ghét nào đó. Phải nghĩ là bây giờ bong bóng sắp vỡ rồi, bọt xà phòng sắp tan rồi, hoặc nắm cát sắp được tung ra rồi, phải nghĩ như vậy thì bớt sợ; hơn là nghĩ mình sắp gặp tai nạn, sắp xa người thân yêu, nghĩ vậy dễ sợ lắm. Đừng nói tôi nói chuyện trên mây, bây giờ không nhớ tôi đâu, lúc đó mới thấy nhớ tới tôi, nhớ ông sư từng nói, khi ngặt nghèo này là phải buông, phải nghĩ rằng mình chỉ là một nắm cát, mình chỉ là một cái bọt xà phòng. Bất cứ là ai đi nữa mà trên sáu mươi tuổi rồi mà vẫn còn dính chặt vào tiền, thích đếm tiền, nặng về tình thân, nặng về quan hệ bè bạn kiểu ái luyến gia tộc quyến thuộc, hoặc tệ hơn nữa là còn thích làm đẹp, còn mê quyền lực không nghĩ đến chuyện buông bỏ là tôi ngại giùm rồi. Cỡ tuổi đó đã muộn lắm lắm lắm rồi. Tôi biết nói như vậy có nhiều người rất là phiền, họ sẽ nói rằng nói như vậy như có vẻ chống lại lịch sử văn minh nhân loại, tuổi già thì phải được an ủi là nhờ con cháu quây quần. Nghĩ như vậy là nghĩ theo kiểu lối mòn, chứ theo tinh thần nhà Phật thì càng buông bỏ là càng nhẹ. Trách nhiệm không phải là gánh nặng. Duty khác với burden. Ngoài phi trường quí vị thấy người ta ghi chữ duty-free thì ‘duty’ này rất nhẹ. Nếu không duty-free thì khi mua mình phải đóng thuế. Tôi nhìn chữ đó tôi khó chịu. Tôi nghĩ như trường hợp mẹ phải lo cho con, con phải lo cho ba mẹ, nghĩ vậy là hơi ngán rồi đó, không làm thì không được; còn cái kia mình không đóng thuế thì đừng có mua. Theo tôi thì mình đừng đồng hóa trách nhiệm với gánh nặng. Có người cũng lo cho gia đình nhưng luôn luôn trong tình trạng tâm lý sẵn sàng ra đi.
Tóm lại, thế giới này là của bốn đại và năm dục, bốn chính là năm. Cái gọi là vị ngọt của chúng chỉ là khía cạnh nào đó mà ta thích. Không nhàm chán thì sẽ không lìa bỏ, không lìa bỏ thì không thể giải thoát. Đây là toàn bộ nội dung của phẩm này. Hễ còn thích thì mình còn là con khỉ dính bẫy. Ngay đời này có thể không buông hết thì chỉ cần có tâm nguyện thôi: “Con biết, ngay bây giờ con chưa buông được nhưng con biết dính như vậy là bậy lắm, dính như vậy sẽ trầm luân.” Trầm luân là bất trắc. Bất trắc nghĩa là mình không liệu được, không lường được. Cứ tưởng tượng khuya nay hai giờ sáng bị người ta bịt mắt đẩy mình lên chiếc xe, theo những gì mình nghe được thì đây là đám Hồi Giáo cực đoan, nghĩ bao nhiêu đó là lạnh xương sống rồi. Trong khi đó, chuyện tối nay mình tắt thở mình đi đâu còn ghê hơn chuyện Hồi Giáo cực đoan bịt mắt mình nữa, vì chuyện đó 50/50, hoặc nó giết mình, hoặc nó gây áp lực quốc tế thôi. Còn chuyện mình tắt thở rồi đi đâu thì chỉ trời biết có bao nhiêu con đường đang chờ mình, một là đi về địa ngục bị đâm chém, hai là sanh làm con trùn, con dế, con dòi ở hầm cầu ống cống, hoặc làm thủ tướng, giáo hoàng, hoa hậu nào đó… Trong kinh kể nhiều điều đáng sợ trong luân hồi lắm như sự bất trắc trong cảnh giới (không biết mình sanh về đâu), sự bất trắc trong người gặp gỡ (gặp minh sư thiện hữu thì hiếm, còn loại trời ơi thì nhiều), sự bất trắc trong tri kiến (không biết mình sinh ra trong xứ tôn giáo nào, tà kiến kiểu xứ nào, như dân Thái Lan là cực kỳ mê tín) và sự bất trắc trong điều kiện sống(trong vùng sâu vùng xa, hoặc điều kiện sống đáng buồn, đơn điệu chỉ biết ăn uống, sanh con đẻ cái, hoặc xứ châu Phi ăn cả cào cào châu chấu…).
Nội dung Phẩm Bốn Đại này là Đức Phật dạy ai không hiểu bốn đại là gì thì sẽ không nhàm chán bốn đại, và sẽ không nhàm chán trong năm dục; không nhàm chán trong năm dục thì sẽ ở đơn vị gốc của Tam giới; ở đơn vị gốc của Tam giới thì sẽ tiếp tục sinh tử.