Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 3: Tương Ưng Giới

CĂN NHÀ GẠCH (tt)

Vào thời điểm này chúng ta sẽ học sướng lắm. Học một bài cho nhiều bài. Bây giờ ôn lại một số chuyện của kỳ trước. Bài kinh Căn Nhà Gạch, Đức Phật dạy chúng sanh cỡ nào thì cộng hưởng, cộng trú, cộng sinh, cộng nghiệp với những người tương đương với mình. Gom chung lại thì gồm trong ba cấp chúng sinh: thượng, trung, hạ. Dựa trên hai tiêu chí: thấp và cao. Ở giữa thì gọi là Trung. Thấp ở đây là sống theo bất thiện và chỗ tái sinh sau này cũng thấp, trong cảnh giới sa đọa hoặc được làm người cũng trong tầng lớp thấp về mọi mặt. Bậc trung ở đây là sống trong thiện pháp hiệp thế, và chỗ sinh về cũng quẩn quanh trong các cõi lành. Bậc thượng là hướng đến giải thoát Niết bàn. Bậc hạ là sống trong bất thiện, tham, sân, si, tà kiến, ngã mạn, tham ái, sân, tật, lận, hối v.v… Sống trong bất thiện nhiều quá mai này chỗ mình đi về cũng có điểm tương tự, hoặc là mình bị đọa vào bốn cảnh khổ (A-tu-la, ngạ quỷ, bàng sanh, địa ngục), nếu làm người thì cũng sanh vào tầng lớp thấp về mọi mặt. Thấp là lớp những người ít học, ít trí, ít tài sản, ít sức khỏe, cái gì cũng thua người ta. Nếu mình may mắn sanh ra trong một gia đình có tiếng tăm, tiền bạc, học thức nhưng nếu hình tướng mình kỳ cục thì cũng bị người trong giới đó coi thường. Nói chung nghiệp bất thiện lúc nào cũng dẫn đến mình thấp hơn người ta. Bậc trung là hạnh nghiệp, đời sống, hành động lý tưởng mục đích của mình quẩn quanh trong thiện pháp hiệp thế, làm thiện vì cầu danh cầu lợi hoặc sanh về cõi này cõi kia, không hướng đến giải thoát. Bậc thượng là hướng đến giải thoát, chứng ngộ Niết bàn. Mình không lựa, cứ sống như là mình muốn, cứ thế là dòng luân hồi đẩy đưa, cuối cùng có chỗ mình đứng. Mình thích đánh bài thì tự nhiên mình đi đến casino, thích ăn nhậu thì tự nhiên mình đến quán bar, trà đình tửu điếm, thích học hành nghiên cứu thì tự nhiên mình vô trường đại học… Những người như vậy sẽ tìm đến với nhau. Bài kinh này, đối với tôi mà nói, là kim chỉ nam trong đời sống, tôi luôn tâm niệm, mình sống như thế nào đó để mai này người mình cộng sinh, cộng trú, cộng nghiệp phải là người cỡ nào. Kiểu sống của mình bây giờ, hợp với loại người nào. Nếu mình không nhớ, rất có thể mình đang sống theo chiều hướng thấp kém, không hướng thượng.

LIỆT Ý CHÍ

Những bài kinh tiếp theo y như vậy. Tôi chỉ chú thích từ khó.

‘Assaddhā’:bất tín, không có niềm tin nơi Tam bảo, không tin nghiệp lý, luân hồi, người khuất mặt, sự chứng đắc của ai đó. Đây là bốn điều căn bản của niềm bất tín.

– Không tin nghiệp lý nghĩa là không tin chuyện làm lành làm thiện làm ác sẽ để lại hậu quả.

– Không tin luân hồi là không tin giáo lý Duyên khởi, cứ nghĩ chết rồi là hết.

– Không tin người khuất mặt thì không tin vào loài hóa sanh, cái gì khả năng của mình chứng minh không nổi thì mình bèn cho rằng không có. Nhiều người tưởng đó là văn minh là khoa học. Từ lâu tuổi trẻ VN được giáo dục mình không tin tức là người có học thức, có lý luận, còn tin dễ dàng thì gọi là dốt nát, mê tín. Thái độ khoa học không phải như vậy. Tin tầm bậy tầm bạ ông Tà ông Táo thì không nên, nhưng cái gì cũng bác vì không chứng minh được thì đó là thái độ phản khoa học. Ví dụ tôi đang ở trong tòa cao ốc của thành phố New York, 80 tầng, quí vị nói có con rắn dài tám mét, thì tôi lấy làm lạ, tôi muốn bác thì phải dựa vào nền tảng lý luận nào đó, chớ không phải là không chứng minh được chuyện đó có thì cho rằng không có. Sức của mình tới đâu mà nói là chứng minh không được? Một người bình thường thì chứng minh về con vi trùng như thế nào? Chuyện mình biết, so với chuyện mình không biết nhỏ hơn tỉ lệ một phần một tỷ. Vì con số 1 là hữu hạn, và một tỷ cũng là con số hữu hạn. Trong khi đó cái mình biết là hữu hạn, còn chuyện mình không biết là vô hạn. Phải nhớ rằng, Đức Phật dạy: Cho dù không có kiếp trước kiếp sau, không có luân hồi quả báo, thiện ác báo ứng thì ta nói người làm lành vẫn được an lạc hơn người sống bất thiện.

Biếng nhác nghĩa là không tinh tấn: không cầu tiến, không hướng thượng. Người sống không nỗ lực trong thiện pháp cũng có thể kể là một loại bất thiện khác.

Ít nghe: không lắng nghe những điều được tuyên thuyết bởi hiền nhân.

Thất niệm: sống không chánh niệm. Chánh niệm là đời sống tỉnh thức, toàn bộ Phật pháp gom gọn trong bài kinh Tứ Niệm Xứ. Kinh Tứ Niệm Xứ kêu gọi mình sống theo hai tiêu chí: Chánh niệm và Tỉnh giác. Chánh niệm là biết rõ cái gì đang xảy ra trong thân tâm của mình (how is), trí tuệ thì biết rõ what is, biết rõ bản chất của thân tâm là cái gì.Toàn bộ rắc rối của thế giới này được khởi đi từ sự thất niệm của phàm phu, chúng ta không kiểm soát được, không quan sát kịp thời những gì mình nói, sắp nói, những gì mình đang làm, sắp làm, những gì mình đang suy nghĩ, đã suy nghĩ, sắp sửa suy nghĩ thì mình không kiểm soát được. Thất niệm sẽ dẫn đến cái rối rắm của thế giới. Cái rối rắm của thế giới sẽ không xảy đến cho những con người sống tỉnh thức, sống chánh niệm. Trí tuệ cũng vậy, không phải là học giỏi, có học vị mà là sống biết rõ điều gì có lợi ích cho mình cho người đời này kiếp khác, cái gì hại mình hại người, đời này đời khác.

Không biết sợ, không biết thẹn: không có tàm úy.

Đức Phật có vô số ân đức nhưng gom lại có ba đức lớn: bi đức, tịnh đức, trí đức. Trí đức là cái gì Ngài cũng biết, bi đức là ai Ngài cũng thương. Tịnh đức là đức lành nào Ngài cũng có, dầu cho Thế Tôn sống giữa rừng người hay sống một mình giữa rừng sâu thì Thế Tôn trước sau là một. Phàm phu thì khác, khi mình sống giữa rừng người thì khác, sống bên cạnh người thân thì khác, khi lùi vào một góc khuất nào đó thì mình lại có thể là con người khác. Bốn ý nghĩa của chữ Như Lai: Từ đêm thành đạo, đến đêm Niết bàn, Thế Tôn nói sao thì làm vậy, làm sao thì nói vậy. Từ đêm thành đạo, đến đêm Niết bàn, những gì Thế Tôn nói thì không thể sửa khác được. Những ý nghĩa đó làm nên cái gọi là hồng danh Như Lai.

Úy: sắp làm sắp nói điều gì bất thiện thì luôn luôn bị ám ảnh bởi một trong những nỗi sợ: sự cắn rứt của bản thân, sợ dư luận, sợ pháp luật trừng phạt, sợ ác báo quả khổ sau này.

Thất niệm là sống không tỉnh thức, sống như kẻ chết rồi mà chưa chôn. Chôn rồi mà chưa chết là những người khi sống có thực hiện những điều lành, có đóng góp cho chúng sinh, dù họ có đi mất thì dư hương, ảnh hưởng tích cực của họ vẫn còn lại ở đời, không mất. Ví dụ như Đức Phật, các bậc hiền thánh, Khổng Tử, Huyền Trang, ngài Ajahn Chah… họ không còn nữa nhưng đóng góp của họ vẫn sừng sững giữa đời như một ngọn núi. Đó là những người có chánh niệm.

Ác tuệ: người không trí, hành động mà không dựa trên hiểu biết sáu tiêu chí: lợi, hại, mình, người, đời này, kiếp khác. Sống không quan tâm đến 6 khía cạnh này gọi là ác tuệ. Đủ sáu khía cạnh này thì gọi là hiền trí.

Trong quá khứ, trong hiện tại, trong thời vị lai, bất cứ không gian thời gian nào thì những điều này vẫn như vậy: chúng sanh cỡ nào thì cộng hưởng, cộng trú, cộng sinh, cộng nghiệp với những người tương đương với mình. Có người có đức tin trong sạch nhưng tại sao họ sống chung với những người vô thần, dị kiến? Lòng của người này luôn nghĩ về người kia, cũng là một cách cộng hưởng. Ví dụ tôi có đức tin Tam Bảo, có kiến thức Phật pháp, nhưng lại là người thiếu pháp bố thí, không nghiêm trì giới luật, mai này có thể tôi sanh ra trong bối cảnh không tốt đẹp lắm. Nhưng với những gì tôi có, tôi cũng là một điểm hẹn của các bậc hiền trí, do tôi thiếu phước nên cơ hội gặp những vị đó hơi ít so với các bạn lành của tôi. Trong kinh Đức Phật có dạy, khi tỳ kheo đến một địa phương nào đó thì ưu tiên cho người có giới hơn là người không có giới, ưu tiên cho người có hạnh bố thí hơn là người không biết bố thí, ưu tiên cho người đa văn hơn người không lắng nghe, ưu tiên cho người có tàm úy chớ không phải người không có tàm úy, ưu tiên cho người có đức tin chớ không phải không có đức tin. Ví dụ có người nào đó mời tôi đến Bắc Âu hoặc tôi tự lấy vé máy bay đi qua Đan Mạch, thì chỗ tôi tìm đến phải là một ông thầy, một sư cô hay cư sĩ nào đó có niềm tin Phật pháp. Nếu phải ghé chỗ nào đó thì tôi vẫn thích ghé chỗ người có lòng tu hơn, dù họ nghèo nàn cách mấy đi nữa nhưng tôi vẫn ưu tiên bởi họ có niềm tin. Dù họ có sống cô đơn quạnh hiu ở Bắc Âu nhưng nội dung tâm hồn của họ là điểm hẹn của những người giống họ. Người thích nhiếp ảnh, thì tìm đến người thích nhiếp ảnh, người thích chơi tem tìm đến người chơi tem, người thích chơi đồ cổ tìm đến người thích chơi đồ cổ. Trên thế giới này người ta lập ra những câu lạc bộ để những người đồng sở thích tìm đến nhau, câu lạc bộ của những người đua ngựa, người chơi du thuyền, chơi xe, đánh bài, uống rượu, người độc thân, người li dị, thích làm chính trị, hoặc câu lạc bộ cho những người ủng hộ những phong trào nào đó. Các câu lạc bộ đó là điểm hẹn cho những người ở cùng cảnh giới với nhau trong lĩnh vực nào đó.

Tôi đã giảng một lèo cả chục bài kinh. Tiếp theo là bài Năm Học Pháp.

NĂM HỌC GIỚI (Pancasikkhapadasutta)

*Ngũ giới

Bài kinh này HT Minh Châu ghi là Năm Học Pháp nhưng phải hiểu là Năm Học Giới, là Kinh Ngũ Giới. Tại sao tôi dừng lại ở kinh này? Có một số chuyện phải nói rõ với bà con ở đây. Trong chú giải có ghi rõ.

Nghiệp sát sinh:

“pāṇātipāto dosamohavasena dvimūlako”: nghiệp sát sinh có từ hai căn bất thiện là sân và si.

Nhiều người không biết cứ nghĩ đi săn bắn, câu cá là do thích. Hoặc người đang làm cá, hoặc làm thịt con này con kia là do thích. Cảm giác ngồi rình con mồi để câu, để bắn, thì lúc đó là tâm tham, nhưng động cơ rốt ráo của động tác chấm dứt mạng sống của đối tượng thì bắt buộc phải được thực hiện từ tâm sân. Tâm sân là sự tàn phá hủy diệt đối tượng. Ngay khoảnh khắc quyết định xuống tay cướp mạng sống của đối tượng, lúc đó phải là tâm sân nhưng quá nhanh nên mình không ngờ. Thấy người ngồi câu cá chỉ ngồi thong thả cười vậy thôi nhưng lúc quyết định giật sợi dây câu dính miệng con cá thì lúc đó phải có cái ác trong đó. Săn bắn cũng vậy, lúc bóp cò hoặc cầm con dao cứa cổ con thú lúc đó phải có tâm sân, phải có chút yếu tố tâm lý là sự tàn phá hủy diệt, sự chà đạp giày xéo lên đối tượng. Đó là giới sát sanh. Nghiệp sát sanh do hai căn bất thiện là sân và si

Nghiệp trộm cướp có từ ba căn bất thiện là sân và si hoặc tham và si. Nhiều khi mình cố ý lấy món gì đó cho bõ ghét, hoặc tàn phá món đồ người nào đó ưa thích, gọi là lấy do giận hoặc do tham

Nghiệp tà dâm do hai căn tham và si. Tà dâm là chung chạ với người khác cũng là do tham hoặc do tham cộng với si.

Nghiệp nói dối (vọng ngữ) do ba căn sân và si, hoặc tham và si.

Nghiệp lưỡng thiệt (pisuṇavācā) và nghiệp phiếm luận cũng do ba căn như nghiệp vọng ngữ.

Nghiệp ác ngữ (pharusavācā) do hai căn bất thiện là sân và si.

Trong mọi trường hợp, hễ bất thiện là có phải si đi cùng. Bởi si là vô minh trong Bốn Đế (nói một cách chuyên môn) hoặc nói khác đi là không thấy được nghiệp lý không thấy được luân hồi. Ngay khoảnh khắc đó mình coi nhẹ những điều đó hoặc không quan tâm, không nhớ, không thấy. Một vị Tu-đà-hoàn thì không cách chi sát sanh được vì vị ấy luôn luôn có nhận thức thường trực về nghiệp lý. Mình học đạo chẳng có gì để mình kiêu ngạo, vì cái hiểu của mình không đủ để chấm dứt phiền não, và không đủ để thay đổi con người của mình trở nên tốt hơn; cái hiểu của mình về Phật pháp chỉ có tác dụng đời này chứ đời sau (mà có thể là một lát nữa đây) sanh ra trong gia đình cộng sản vô thần, gia đình Hồi giáo, Cơ Đốc giáo hay tào lao giáo nào nữa thì bao nhiêu cái học của mình lúc đó thành zero. Bây giờ mình học A-tỳ-đàm, làm hành giả Tứ Niệm Xứ ở Miến Điện, chứ lát nữa chui vào bụng ông cán bộ cao cấp, ổng gởi qua TQ, Cuba, Bắc Hàn tập huấn rồi cho ngồi ngôi cao chức cả, tối ngày cứ lo củng cố cái quyền lợi, còn nhớ gì Phật pháp nữa không. Tu học là gieo chủng tử Phật pháp, nhưng tôi cũng báo cho quí vị biết một tin buồn, chủng tử là khi nào mà mình gặp được hiền thánh, khi nào mình sanh ra trong điều kiện thích hợp với cái mình đã học, đã tu, đã suy nghĩ thì chủng tử đó mới có điều kiện để lộ diện, chứ còn nếu mình chỉ học thôi mà còn là phàm phu, lại do tiền nghiệp quá khứ nhiều biết bao nhiêu, chỉ cần tái sanh vào chỗ trời ơi đất hỡi thì những cái mình học tạm thời xếp xó. Tạm thời này trong thời gian bao lâu? Tạm thời này có thể là một năm, mười năm, hai mươi năm hoặc một kiếp, hai kiếp, một trăm kiếp, tám chục ngàn kiếp. Trong chú giải Bổn Sự kể rằng, có một vị A-la-hán thời Đức Phật mới có năm tuổi. Lúc đầu tôi nghĩ kinh ghi nhầm số, trong bản Thái ghi số 5, dò trong bản Pāḷi ghi là Pañca. Năm tuổi hiểu được cái gì mà lại đắc A-la-hán? Vị này lần đầu tiên sơ phát bồ đề tâm cầu giải thoát thời gian đó lâu đến nỗi quí vị nghe mà hết hồn. Trong ngày Bồ tát Sumedha trải mình lên đống sình cho Đức Phật và chư thánh tăng dẫm mà đi, ngài sơ phát bồ đề tâm, phát đại nguyện trở thành Chánh Đẳng Chánh Giác. Vị sadi năm tuổi này lúc đó là có mặt trong đám đông mục kích toàn bộ quang cảnh đó, khi mọi người nghe Phật Nhiên Đăng xác nhận: “Đây là vị Phật tương lai” (bodhisattabuddhankura). ‘Ankura’: lộc, chồi non, đọt măng. ‘Buddhankura’ là vị Phật tương lai. Lúc đó trong đám đông (gồm chư thiên và loài người) có một cô gái, thấy Bồ tát được thọ ký mừng lắm, có mấy cái bông bèn chia hai đưa cho Bồ tát và nói rằng: Ngài cúng cho Phật đi. Đức Phật Nhiên Đăng mới nói rằng cô gái này sẽ cùng với Bồ tát (đang nằm dưới đất) chung vui cộng khổ và sau cùng người nữ này sẽ là người đi theo Bồ tát suốt hành trình Phật đạo, lý tưởng Ba-la-mật, đó chính là bà Yasodhara (Da- Du-Đà-La). Cũng trong hội chúng đó, nhiều người hoan hỉ và phát nguyện trở thành Phật, nhưng một tỉ người phát nguyện cũng chỉ một người thành. Trong số đó có một người vô danh cũng hoan hỉ nhưng tàn cuộc thì người này sau này chơi với bạn xấu, phạm tội giết cha giết mẹ, cứ vậy trầm luân sa đọa, thỉnh thoảng cũng trồi lên làm người, tu hành lai rai chút ít rồi đọa tiếp, cứ như vậy suốt bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp tương đương Bồ tát Thích Ca Mâu Ni tu hành Ba-la-mật, tương đương bà Yasodhara, đến đời Đức Phật Thích Ca thì đắc quả A-la-hán lúc bảy tuổi. Tôi kể chuyện này ý muốn nói rằng mình làm phước làm thiện thì không có mất, nếu có lòng hướng đến quả vị giải thoát. Nhưng nếu tu hành giải đãi thì rất lâu. Những gì mình học mình tu bây giờ mà tự hào tự đắc, thấy cao siêu vĩ đại nhưng thật ra chỉ cần 15 phút nữa không thở nữa thì chuyện mình đi về đâu có trời biết, lát nữa đây mình sanh ra làm rắn chuột, cào cào, châu chấu gì đó cũng không biết, và nếu làm người mà lọt vào xứ Trung Đông hoặc Châu Âu ngoan đạo TCG hoặc cộng sản vô thần thì mọi sự sẽ khác đi nhiều lắm.

Trong này tôi thấy cái gì cần thì giải thích thêm, phần còn lại bà con tự biên tự diễn nghen. Trong đây nói mỗi một nghiệp có bao nhiêu khía cạnh phải phân tích, tôi nghĩ chẳng cần thiết, bà con là dân không chuyên mà tôi đi chuyên quá thì mất thời gian của mình mà cũng uổng thời gian của quí vị. Trong đây nói nghiệp ác như vậy xét trên khía cạnh cảnh, khía cạnh thọ, khía cạnh căn. Khía cạnh cảnh: nghiệp sát sanh lấy mạng sống của chúng sinh làm cảnh, thuộc về cảnh hữu vi. Nghiệp trộm cắp cũng lấy chúng sinh làm cảnh. Nghiệp nói dối cũng lấy chúng sinh làm cảnh, nhưng nghiệp phiếm luận lấy chúng sinh làm cảnh đã đành, mà còn lấy những điều thuộc về cảnh pháp, những điều liên hệ trực tiếp và gián tiếp. Có cái liên hệ trực tiếp cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị. Có cái liên hệ cảnh pháp. Khía cạnh thọ:nghiệp sát sinh thuộc về khổ thọ, tâm sân. Nghiệp trộm cắp đủ 3 thọ (khổ, lạc, xả), có lúc lấy vì vui, có lúc lấy vì bực mình, có lúc hờ hững lãnh đạm. Tà dâm thì có hai thọ (xả hoặc lạc). Nói dối có đủ ba thọ, nói đâm thọc, nói ác ngữ có khổ thọ. Phiếm luận có đủ ba thọ.

MƯỜI TÀ ĐẠO

Người sống theo chánh đạo sẽ đến với nhau. Kẻ tà đạo cũng đến với người tà đạo.

Chúng ta đang kết thúc phẩm thứ ba với kinh Mười Chi. Phẩm thứ tư sẽ bắt đầu với kinh Bốn.

MƯỜI CHI

*Bát Chánh Đạo.

Chánh kiến là trí tuệ thấy rõ Tam tướng và nghiệp lý. Tam tướng là biết rõ vạn hữu do duyên mà có, đã có rồi phải có lúc biến mất. Trí thấy nghiệp lý là biết rõ tâm thiện, việc thiện, lời thiện dẫn đến quả lành; tâm ác, việc ác, lời ác dẫn đến quả khổ. Nói rộng thì chánh kiến là trí tuệ trong Bốn Đế. Khổ đế là mọi hiện hữu ở đời. Tập đế tạo ra (make, create) Khổ đế. Đạo đế dẫn đến (lead) Diệt đế.

Do hiểu mọi hiện hữu là khổ nên không tha thiết với bất cứ hình thức hiện hữu nào ở đời. Do hiểu tham thích là nguồn khổ nên e sợ trước mọi đam mê. Do hiểu cứu cánh giải thoát thật sự phải là sự vắng mặt của danh sắc, phiền não nên không màng đến những cứu cánh nửa vời nào đó như mong sanh về cõi này hay cảnh nọ. Do hiểu con đường giải thoát chỉ có một là Bát Chánh Đạo nên không đi theo những pháp môn hành trì nằm ngoài Bát Chánh Đạo.

Chánh tư duy là ngược lại với tà tư duy. Chánh tư duy là ly dục tư duy, vô sân tư duy,  bất hại tư duy.

Ly dục tư duy là không suy nghĩ đam mê trong năm trần cảnh, là những suy nghĩ đi ngược lại ham thích ở đời. Chỉ có những suy nghĩ chỉ gồm tín, tấn, niệm, định, tuệ, vô thường, nhân quả, Tam tướng…

Vô sân tư duy là không bất mãn những gì ở đời theo nghĩa tiêu cực (ghét, không ưa, giận, phiền cái này cái nọ người này người kia).

Hại tư duy là những suy nghĩ mang nội dung chống phá, đập đổ, hủy diệt, chà đạp đối tượng, mong cho ai đó bị cái này cái kia, hoặc vật gì đó tan nát, hư hao. Không như vậy thì gọi là bất hại tư duy.

 

Có một cảnh giới tạm thời không có ly dục tư duy, vô sân tư duy, và bất hại tư duy đó là cõi Phạm Thiên. Trên cõi Phạm Thiên Sắc giới trở lên không có dục tư duy, sân tư duy và hại tư duy. (Tôi đang giảng dựa theo chú giải của Đế Phân Biệt Kinh, Kinh Trung Bộ.)

Chánh ngữ: cách nói năng đi ngược lại với tà ngữ. Tà ngữ là nói dối, nói đâm thọc, nói lời độc ác, nói lời vô ích. Chánh ngữ là những đề tài nói chuyện dẫn đến sự thành tựu, sự hỗ trợ Bát Chánh Đạo, hỗ trợ tu tập, khiến thiện pháp sanh trưởng. Gồm có 10, cách nói năng nào hỗ trợ Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh giải thoát, Chánh trí thì gọi là Chánh ngữ. Còn mở miệng ra mà không giúp được 10 điều trên thì gọi là tà ngữ. Gặp nhau mà nói toàn tham hay sân là thua rồi. Chánh ngữ là đề tài nói chuyện nào khiến thiện pháp tăng trưởng. Năm nay tôi già rồi, gần 50, mới ngộ ra một điều tại sao tôi thường xuyên sống bực mình suốt “mùa thu cách mạng”, tôi ngộ ra, ngày nào trên tay mình còn có cục a lô, ngày nào còn check email là còn bực mình, ngày nào còn gặp ông Tám bà Tư là ngày đó còn khổ. Tôi phát hiện một điều đó là bà con muốn tu thiền Chỉ, thiền Quán, đặc biệt là tu tâm từ, thì chuyện đầu tiên là cắt đứt mọi quan hệ với thiên hạ kể cả người thân thiết nhất (cha, mẹ, vợ chồng, con cái, thầy tổ…) chỉ nên gặp người nào mà họ giúp cho mình công phu tu tập trước mắt, còn sự có mặt nào không giúp được gì thì làm ơn né. Còn cầm cục alô, còn trả lời email, còn có facebook, paltalk, skype thì tôi xin hứa một ngàn hai trăm phần trăm đừng hòng nói chuyện tu tâm. Chánh ngữ vô cùng quan trọng, hễ thấy đề tài tào lao là làm ơn cắt ngay.

 

Chánh nghiệp: trong kinh có định nghĩa rất mềm cho bà con sơ cơ: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Nói cho rốt ráo, tất cả thân nghiệp của mình đều phải là thiện, là lành mới là chánh nghiệp. Không phải chỉ né sát sanh, trộm cắp, tà dâm; cách nói này cũng là mẹo: khi một người không sát sanh, trộm cắp, tà dâm thì họ có một mức độ tối thiểu như thế nào rồi. Không sát sanh là lòng luôn luôn tôn trọng tánh mạng, cảm giác, cảm xúc của người khác. Không trộm cắp là lòng luôn luôn tôn trọng quyền lợi của người khác. Không tà dâm nghĩa là coi nhẹ tình cảm nam nữ. Đơn vị gốc của tam giới này chính là cõi Dục. Có đi về cõi nào đi nữa, hễ sống hết tuổi thọ là trở về cõi Dục. Nếu về cõi Dục mà ngồi yên không cố gắng gì hết thì đi về 4 đọa xứ. Vì sao vậy, vì phiền não trong người lúc nào cũng mạnh hơn tất cả, nặng hơn thiện pháp. Các thành tố tâm lý gồm có thiện ác, nhưng ác là gốc của mình, chỉ sơ ý lơ đễnh một chút thì sẽ trở về với cái bất thiện. Trong nghiệp bất thiện, tham ái vô minh là gốc. Trong Tăng Chi Bộ Kinh bài đầu tiên Đức Phật nói: Ta không thấy một sắc, thinh, khí, vị, xúc nào xâm chiếm và ngự trị tâm người nam như sắc, thinh, khí, vị, xúc từ người nữ. Và không thấy những gì làm cho người nữ đam mê hơn là những gì xuất phát từ người nam. Đơn vị gốc của phàm phu là tình cảm nam nữ. Cốt lõi của chánh nghiệp là tôn trọng quyền lợi của người khác, quyền sống và quyền sở hữu. Ý nghĩa thứ hai của chánh nghiệp là đối phó “tội tổ tông” trong PG.

Chánh mạng: Tôi từng hỏi nhiều người chánh mạng là gì, và họ trả lời là không tà mạng. Như vậy thì một người nằm thiêm thiếp trên giường cũng là chánh mạng sao. Nếu nói chánh ngữ là không nói dối, không đâm thọc, không nói lời ác ngữ… thì một người nằm liệt giường hay đứa bé còn bú chưa biết nói là đang chánh ngữ sao. Chánh mạng là sống bằng tinh thần đối lập với tà mạng. Tà mạng là kiểu sống bằng phương cách bất thiện. Theo tinh thần rốt ráo của Phật pháp, mọi hiện hữu ở đời là khổ cho nên chuyện tha thiết sống ở đời đã là chuyện không đúng. Bây giờ muốn duy trì sự có mặt đó bằng cách đàng hoàng đã bậy, nói chi là duy trì sự có mặt đó bằng cách tầm bậy thì còn bậy cỡ nào nữa. Hành giả luôn luôn nhớ rằng duy trì sự có mặt này đã là bậy rồi, mà duy trì bằng cách giựt dọc, đe dọa, nịnh bợ, lừa dối, buôn gian bán lận, bán những thứ hại mình hại đời, kiếm tiền trên sự đau khổ của người khác v.v… gọi là tà mạng Người xuất gia sống theo cách phi Sa-môn thì gọi là tà mạng. Cách sống của Sa-môn, tăng ni là trang nghiêm bản thân và sống bằng niềm tin của cư sĩ. Đó là chánh mạng của hàng xuất gia. Tất cả những phương thức làm thầy bà, phong thủy, bói toán, cầu đảo; hoặc dọa người ta là sao La Hầu, sao Kế Đô chiếu mạng, cần phải cúng sao giải hạn v.v… đều là tà mạng.

Bát Chánh Đạo không phải là hình thức nhìn bằng mắt, Bát Chánh Đạo ở đây là tinh thần nhiều hơn thể hiện. Ví dụ trong kinh nói giây phút chứng đạo mình phải có đủ bát chi đạo, nếu mình định nghĩa chánh mạng là nuôi mạng chân chánh thì trong một khoảnh khắc ngắn như vậy mình nuôi mạng kiểu gì. Vì vậy chỉ nói về mặt tinh thần, tinh thần nào đối lập với tà mạng thì gọi là chánh mạng, tinh thần nào đối lập với tà ngữ thì gọi là chánh ngữ, tinh thần nào đối lập với tà nghiệp thì gọi là chánh nghiệp. Ai nghi ngờ điều tôi nói thì xin vào đọc trong Vô Ngại Giải Đạo, tiếng Việt đã có; Tam Tạng cuốn 31, phần Maggakathā.

Chánh niệm: niệm ở đây phải là chánh niệm của hành giả tu Tứ Niệm Xứ. Niệm của một anh chàng ăn trộm trèo tường hay một kẻ ngoại tình trốn dưới giường thì không gọi là chánh niệm. Niệm là ghi nhận cái gì đang xảy ra, để cho trí tuệ làm việc. Đụng chạm, nóng, lạnh, đi, đứng, nằm, ngồi, buồn, vui biết rõ. Biết rõ cái này là tham, cái này là sân, cái này là thọ hỷ, thọ khổ, thọ lạc… cái này là hỷ giác chi, cần giác chi, cái này là dục triền cái, sân triền cái v.v… đó chính là trí tuệ.

Một người Hồi Giáo, Ấn Giáo, Do Thái giáo, họ vẫn có chánh niệm, nhưng niệm đó không được gọi là chánh niệm trong Bát Chánh Đạo

Chánh định: là một trong ba thứ định: sát-na định, cận định, kiên cố định (khanikasamadhi, upacarasamadhi, appanasamadhi).

Sát-na định: khả năng tập trung trong từng khoảnh khắc.

Cận định: khả năng tập trung của của người sắp đắc thiền.

Kiên cố định: là định của tầng Sơ thiền trở lên.

Định là sự tập trung tư tưởng của người đang hành đạo giải thoát, không phải của người thích trầm luân. Đang lái xe, đang ngồi sửa đồng hồ hay chơi tem cũng là định nhưng không phải là chánh định.

Chánh tinh tấn gồm thận cần, trừ cần, tu cần, bảo cần. Thận cần là ngừa điều xấu chưa xảy đến. Trừ cần là sự nỗ lực ngăn chặn điều xấu đang có, là nỗ lực phát triển điều tốt đẹp chưa có, làm cho nó phát sinh. Tu cần là nỗ lực tìm thêm việc tốt trước đây chưa có. Bảo cần là gìn giữ sự tốt đẹp không để mất.

Nếu mình là hành giả, có người rủ chiều nay đi shopping, mình biết niệm mình đang mạnh, đang tốt, nếu mình đi thì chánh niệm sẽ bị mất. Ngay trong suy nghĩ đó là có đủ tứ chánh cần. Vì đó là chuyện chưa xảy ra, mình còn đang trong thiền viện, mình đã lường trước sẽ thất niệm, không muốn ác pháp sẽ có, sẽ bị phiền não, đó gọi là thận cần, và khi có chánh niệm như vậy cũng đang có trừ cần, đang đối phó với cái tham. Bốn cái thận, trừ, tu, bảo này luôn có mặt.

Đi ngược Bát Chánh Đạo tức là bát tà đạo. Mười Đạo là có chánh trí và chánh giải thoát. Chánh trí là 19 trí phản khán. Tà giải thoát (micchavimutti = kusalavimutti) là sự giải thoát bằng cách quẩn quanh trong Tam giới bằng các thiện nghiệp hữu lậu.

Tà trí là phản khán sai lầm. Người ta có đắc thiệt thì mới có chánh trí để nhìn lại.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app